trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
26.10.2005
Jung Chang
Mao đã từng là ông thánh của chúng tôi
Phạm Việt Vinh dịch
 
Xếp hàng ở Trung Quốc? Khi đó, bạn sẽ chẳng đi được đâu cả - Jung Chang nói vậy. Ở Phương Tây, hàng triệu cuốn sách của nhà văn nữ này đã được bán, còn ở Trung Quốc thì đó là hàng cấm. Jung Chang, năm nay 53 tuổi, nổi tiếng thế giới với Ðàn thiên nga hung dữ, tác phẩm tự thuật về gia đình bà. Bà lớn lên ở Trung Quốc dưới thời Mao. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, bà phải làm nghề điện. Sau này, bà nghiên cứu Anh ngữ và được cấp học bổng sang London. Giờ đây, cùng với chồng, bà vừa viết xong một bộ tiểu sử của Mao. Dưới đây là cuộc phỏng vấn bà do Deike Diening và Stephanie Flamm thực hiện (Báo Tấm gương hàng ngày, CHLB Ðức, 02.10.2005).
Nhà văn Jung Chang (張戎, Trương Nhung, sinh năm 1952)
Mao: The Unknown Story, tác phẩm mới của Jung Chang và Jon Halliday
Năm 1978, khi bà đến London, Châu Âu đang ngưỡng mộ Mao. Ông ta đã được Andy Warhol thần tượng hóa. Hồi đó, bà nghĩ thế nào về điều này?

Tôi rất buồn, nên đã không nói cho ai biết tôi là người Trung Quốc. Tôi luôn khai tôi là người Nam Triều Tiên.

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn gắn chặt lấy bà. Ðàn thiên nga hung dữ, cuốn sách cuối những năm 80 mà bà viết về gia đình bà, có thể tìm thấy ở bất kỳ một hiệu sách nghiêm túc nào.

Nguyên cớ là mẹ tôi. Năm 1988, khi tôi đã ở Anh được 10 năm thì bà sang thăm tôi, và ở đây, bỗng dưng bà nói những chuyện mà ở Trung Quốc chúng tôi chưa bao giờ nói tới. Mẹ tôi ở chỗ tôi 6 tháng. Khi tôi đến Viện làm việc, mẹ tôi ngồi nhà và nói vào máy ghi âm.

Chuyện ấy xảy ra 12 năm sau cái chết của Mao.

Nhưng hồi đó đất nước này mới bắt đầu thay đổi. Mẹ tôi phải đi sang Phương Tây để có thể đoạn tuyệt đuợc với những năm tháng kinh khủng. Ðối với bà thì đó là một chuyến nghỉ dài. Mẹ tôi kể về bà tôi, khi còn trẻ đã từng làm nàng hầu cho một ông quan địa phương ở Dịch Huyện (Yixian) phía Ðông Bắc Bắc Kinh, và luôn phải bó chân. Mẹ tôi kể về quân chiếm đóng Nhật Bản, và về cha tôi. Lần đầu tiên, bà đã phê phán cha tôi một cách cay đắng.

Cha bà là một người cộng sản sùng tín?

Sống chung với cha tôi rất khó. Năm 1949, khi tại nhiều vùng vẫn còn nội chiến, cha mẹ tôi cùng một nhóm những người cộng sản phải từ Mãn Châu Lý rút về Tứ Xuyên ở phía nam Trung Quốc. Cha tôi là sỹ quan cao cấp, theo ngôi thứ cộng sản thì ông có quyền sử dụng một chiếc xe Jeep, hay là một con ngựa. Hồi đó, mẹ tôi mang thai nhưng lại mới vào Ðảng. Cha tôi ép mẹ tôi phải đi bộ trên 2000 Km.

Mặc cho mẹ bà đang sắp sinh con?

Ðứa trẻ đã chết, vì cha tôi không muốn có trường hợp ngoại lệ. Trong thời Mao, đó là một hành động gương mẫu. Chỉ khi đến thăm tôi ở London, mẹ tôi mới suy xét lại chuyện này.

Năm 1993, bà đã cùng với chồng là Jon Halliday bắt tay vào việc viết tiểu sử của Mao. Phải chăng, việc này cũng có một nguyên cớ nào đó?

Không, đơn giản là chúng tôi chỉ muốn biết nhiều hơn về người đàn ông này, muốn từ dữ kiện này đến dữ kiện kia tái tạo cuộc đời của ông ta. Và thành thật mà nói, lúc đầu chúng tôi đã không biết là công việc sẽ cần bao nhiêu công sức, chỉ nghĩ chắc là sẽ nhiều. Nhưng tôi hoàn toàn không biết sẽ là bao nhiêu.

Cuốn sách - vừa được dịch sang tiếng Ðức, xét lại một cách triệt để bức tranh của nhà lãnh tụ cách mạng Trung Quốc này. Bà mô tả ông ta như là một ác thú không tim; nó tự nói về mình như sau: "Người như ta luôn hướng tới sự phá phách".

Ông ta không phải là một người cộng sản sùng tín, nhưng là một kẻ cực đoan. Thời còn trẻ, ông ta đã trải qua một cuộc khởi nghĩa nông dân theo mô hình Leninit tại tỉnh Hồ Nam quê ông ta. Ông ta thích bạo lực, thứ mà chủ nghĩa cộng sản có thể châm ngòi. Ðối với ông ta, cái chết là lý do để vui mừng. Năm 1957, tại Moscow, ông ta đã nói với Khrushchev:" Ðể giành thắng lợi cho cách mạng thế giới, chúng tôi sẵn sàng hy sinh 300 triệu người Trung Quốc". Ngay cả những người Xô Viết cũng hoang mang về phát biểu này.

Cho đến lúc đó, những người Xô Viết đã trợ sức cho Mao, mặc dù, khác hẳn với thông tin trong bất kỳ cuốn từ điển nào, Mao rõ ràng không phải là người sáng lập ra Ðảng Cộng sản Trung Quốc.

Những tài liệu mà chúng tôi tìm thấy trong lưu trữ của Quốc tế Cộng sản tại Moscow đã cho thấy là Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã được dựng lên vào năm 1920 do lệnh từ Moscow, chứ không phải là do Mao thành lập vào 1921 như người ta vẫn khẳng định. Mao đã trắng trợn giả tạo lịch sử. Nhưng không phải chỉ ở điểm này. Ngay cả vai trò của ông ta trong cuộc trường chinh…

… tức là cuộc rút chạy về Bắc Trung Quốc, khi mà những người cộng sản đã thất bại sau cuộc nổi dậy vào năm 1934…

… cũng không đúng như huyền thoại được tuyên truyền. Những trao đổi do chính phủ Anh Quốc ghi lại được từ Moscow cho thấy là hồi đó những đồng chí của Mao đã không muốn có Mao trong cuộc trường chinh. Họ cho rằng Mao là người tráo trở, và họ đã có lý. Mao đã lợi dụng cuộc trường chinh để lường gạt đối thủ của ông ta là những vị tư lệnh Hồng quân.

Bà đã viết trong cuốn sách của mình về một chặng đường vòng 2000 Km.

Chuyến đi kéo dài 4 tháng. Cuối cùng đội quân của Mao chỉ còn lại một phần mười. Mới đầu tôi hoàn toàn không hiểu được điều này. Nó không phục vụ cho lợi ích của cách mạng. Nhưng sau đó tôi đã nhận ra là tổn thất này chẳng có tý ý nghĩa gì đối với Mao. Mao cho rằng người ta có thể hủy bỏ Hồng quân và gây dựng một đội quân từ những người khác.

Nếu điều đó rõ ràng như vậy, tại sao lại chẳng có ai phát hiện ra?

Tôi cho rằng lý cớ ở đây không phải là ý thức hệ, mà là ngôn ngữ. Chúng tôi đã gặp may. Jon - chồng tôi, lục lọi đống lưu trữ ở Moscow, còn tôi thì đảm nhận phần tiếng Trung Quốc. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau và thông báo cho nhau biết mình đã tìm được những gì. Mọi chuyện rất ly kỳ.

Ðiều gì đã hấp dẫn bà như vậy?

Ðó là những suy tính của Mao. Ông ta cực kỳ thông minh,và là một nhà chiến lược khôn khéo. Ông ta đã rất sớm nhận ra là chỉ có chế độ Xô Viết mới có khả năng mang lại cho mình quyền lực. Tiền và súng đạn sẽ do Moscow cung cấp.

Và ngoài ra, chủ nghĩa cộng sản là một ý thức hệ quyến rũ nhất của thế kỷ 20. Nó hứa mang lại cho con người một xã hội không còn giai cấp.

Ðiều này Mao chẳng quan tâm. Ðối với ông ta, chủ nghĩa cộng sản là chế độ thống trị phù hợp nhất đối với mình. Chúng tôi không hề tìm thấy bất kỳ một bằng chứng nào cho thấy có một lần nào đó ông ta đọc diễn văn công khai hứa hẹn mang lại nhiều nhà thương, trường học hay là một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mặc dù vậy, có vẻ như rất nhiều người lại tin tưởng ông ta.

Nhưng đó chính là tác dụng của sự sùng bái cá nhân do chính Mao phát động. Ông ta cưỡng ép mọi người phải đeo huy hiệu Mao; ông ta ra chỉ thị phân phát chân dung mình tại mọi nơi. Ông ta thấy rõ là chủ nghĩa cộng sản không được ưa chuộng ở Trung Quốc. Thời nội chiến 1945-1949 không hề có bất kỳ một cuộc biểu tình thân cộng sản nào. Ở Nga có những cuộc nổi dậy với mong muốn có Lenin, ở Cu Ba người ta đòi có Castro. Ở Việt Nam nhiều người tung hô Hồ Chí Minh. Còn người Trung Quốc thì không thích Mao.

Còn những người như cha của bà?

Cha tôi yêu chủ nghĩa cộng sản, chứ không yêu Mao. Ông sinh ra ở Tứ Xuyên, phía Nam. Trong chiến tranh chống Nhật, những ngườI Quốc dân Đảng rất o ép dân chúng. Liên Xô hồi đó là đồng minh duy nhất của Trung Quốc. Do đó, nhiều người trai trẻ đã kéo về Diên An ở phía Bắc…

… là nơi mà những người cộng sản đã thành lập Công xã vào năm 1935…

… và phần lớn họ đã thất vọng. Ở đó chỉ có khủng bố hoành hành. Do khiếp sợ mà họ trở thành những bánh xe nhỏ trong guồng máy khủng bố của Mao. Mao coi Trung Quốc là một nhà tù khổng lồ.

Bà lớn lên ở Trung Quốc. Bà có nhớ là biết đến một con người như Mao bắt đầu từ hồi nào không?

Ðối với tôi, Mao lúc nào cũng hiện hữu. Chúng tôi hát những bài như: "Mẹ gần ta, cha gần ta, nhưng chẳng có ai gần ta hơn Chủ tịch Mao vĩ đại". Khi ông ta ra lệnh cho chúng tôi ngồi trước cổng trường học gõ vào các thanh kim loại để ngăn chim sẻ phá hoại mùa màng, chúng tôi đã ngoan ngoãn vâng theo.

Bà không bao giờ thấy chuyện đó là ngớ ngẩn hay sao?

Hồi đó thì không. Việc tôn sùng cá nhân đã tẩy não tôi hoàn toàn. Mao đã là ông thánh của chúng tôi. Chúng tôi đã nguyện đi theo ông ta và có chuyện gì cũng mang cuốn Mao tuyển bìa đỏ ra vẫy.

Bà còn giữ cuốn Mao tuyển nào không?

Không, tôi cũng chẳng nhớ là đã vứt nó đi từ hồi nào. Nhưng sau này thì tôi lại có một cuốn, dùng cho mục đích nghiên cứu. Có một người đã tặng tôi, hình như là ở Mỹ.

Ngay ở Châu Âu nhiều người cũng có cuốn sách này. Sartre thậm chí đã nói, "bạo lực cách mạng của Mao" mang “tính đạo lý sâu sắc”.

Có những nhà dân chủ xã hội cực đoan đã nghĩ là Mao cải thiện cuộc sống của dân Trung Quốc. Nhưng cũng có những người biết rõ là Mao thích bạo lực, và chính điều này lại hấp dẫn họ. Tôi xếp Sartre thuộc hạng thứ hai.

Bà bắt đầu nghi ngờ chế độ từ lúc nào?

Ðiều này xảy ra vào những năm kinh khủng nhất thời Cách mạng Văn hóa, lúc mà những người trung thành với chế độ như cha mẹ tôi đột nhiên bị quy là phản cách mạng. Năm 1968, hôm sinh nhật lần thứ 16 của mình, tôi ngồi trên giường viết một bài thơ, trong lúc cha tôi hoảng loạn lục lọi khắp nhà tìm kiếm các tài liệu và sách báo có nghi vấn để “thanh trừng”. Lúc đó tôi nghĩ, nếu như đây là thiên đường như người ta vẫn dạy bảo chúng tôi, thì tôi không muốn nhìn thấy nó y như trong địa ngục.

Năm 1972, sau chuyến đi thăm Trung Quốc của Nixon, khi tình hình đã đỡ căng thẳng, thì bà là một trong những người đầu tiên được nghiên cứu tiếng Anh. Bà cảm nhận ra sao về sự mở cửa của đất nước?

Nó là một sự giải phóng đối với tôi, nhưng tôi thuộc về giới đặc tuyển. Tôi có thể đọc được những cuốn như như Six Crises của Nixon và một vài các tác phẩm văn học Anh-Mỹ. Nhưng đối với nông dân thì những năm từ chuyến thăm của Nixon đến cái chết của Mao 1976 lại là thời gian khốn nạn nhất. Số lượng các nước có quan hệ ngoại giao với chúng tôi tăng từ 31 lên 66 - và tất cả đều nhận được viện trợ của Trung Quốc, ngay cả nước Malta giàu có. Mao đã dùng tiền để mua ảnh hưởng, trong khi nông dân chúng tôi chết đói.

Bà có bao giờ tự hỏi rằng vậy mà tại sao chẳng có ai nổi dậy chống lại sự điên rồ đó?

Hệ thống đàn áp rất có hiệu lực. Vì bất kỳ lý cớ nhỏ bé nào người ta cũng có thể bị vào tù. Ngoài ra, ở Trung Quốc hồi đó không có vũ khí. Ngay cả sĩ quan Hồng quân cũng không được phép mang súng ngắn. Sau khi chiếm được quyền lực, Mao đã ra lệnh tịch biên tất cả các loại súng ống. Và, với một cái nĩa ăn thì các bạn không thể chạm đến một chính quyền hùng mạnh như vậy.

Hay cũng có thể là do Trung Quốc hoàn toàn không có một sách lược khai hóa xã hội và khuyến khích cá nhân?

Nhiều khi phương Tây lấy Trung Quốc làm chỗ để phóng rọi những ý tưởng rất lạ lùng. Họ còn nghĩ là chủ nghĩa cộng sản là một phong trào chống thực dân. Vì Trung Quốc bị nước ngài đánh qụỵ, cũng như nước Ðức trong thế chiến thứ nhất, nên đã xuất hiện những phản ứng tương tự. Mao đã đạt được quyền lực giống hệt như Hitler. Chủ nghĩa cộng sản đã được mang vào Trung Quốc bằng bạo lực nên nó chỉ có thể được gìn giữ cũng bằng bạo lực. Ngay cả bây giờ, bạn cũng sẽ bị tống tù nếu như bạn đả động đến vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn.

Trong quá trình sưu tầm tài liệu, bà có bị gây khó dễ gì không?

Cá nhân tôi thì không. Nhưng hồ sơ lưu trữ luôn bị kiểm tra, nên chúng tôi không thể nêu tên các tài liệu được trích dẫn, để tránh gây nguy hiểm cho những người đã cung cấp tài liệu cho chúng tôi. Khi phỏng vấn thì lại khác. Nhiều người thân cận của Mao có vẻ như chỉ chờ được phát ngôn. Theo mã số, chúng tôi đã thực hiện tất cả các buổi phỏng vấn, nhưng lại gắn lời phát biểu cho một nhân vật, nếu như người này đã chết. Các cuộn băng ghi âm gốc được bảo quản trong một va-ly cất tại nhà băng. Khi không ai bị đe dọa nữa, chúng tôi sẽ công bố chúng.

Mỗi khi về Trung Quốc, bà cảm thấy thế nào?

Ðến đó, tôi luôn nhìn thấy sự đổi thay. Năm 1983, lần đầu tiên quay trở về Trung Quốc, tôi lại nhìn thấy chợ hoa, hoa không còn là biểu hiện của tư sản nữa; đã xuất hiện những phòng trà và những người đánh cờ trên hè phố. Tôi thấy mức sống của con người đã cải thiện, và tôi đã khóc vì sung sướng. Cũng như nhiều người khác, tôi đã cho là sự thay đổi về kinh tế sẽ kéo theo sự đổi thay về chính trị. Nhưng đó là một ảo tưởng. Mao vẫn được tôn thờ.

Mặc dù đất nước đã vận động từ lâu theo nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản. Trung Quốc được coi là thị trường bung phát lớn nhất thế giới.

Họ đã thay đổi đường lối kinh tế và mở cửa đất nước. Người nước ngoài vào Trung Quốc, và người Trung Quốc đi ra nước ngoài. Nhưng: họ vẫn giữ lại những cái cơ bản của chủ nghĩa Mao. Ðảng vẫn giữ độc quyền tuyệt đối.

Hiện nay, 30 năm sau cái chết của Mao, các nhà đầu tư nước ngoài quyết định điều kiện làm việc cho các công ty của họ. Phải chăng, Trung Quốc đang trên con đường thực hiện mục đích của Mao, tức là làm bá chủ thế giới, nhưng lại bằng các phương tiện của chủ nghĩa tư bản?

Ðường lối của Mao đã tiêu tốn 70 triệu mạng người. Do vậy, tôi tin rằng khi mà dấu ấn của ông ta vẫn còn là cơ sở của hiến pháp, thì người ta không thể xem Trung Quốc là một thế lực tốt lành. Người ta sẽ luôn nghĩ: Ðó đang và vẫn sẽ là những người thừa kế của Mao. Và người ta phải cảnh giác.

Nhiều người lại nghĩ ngược lại. Trung Quốc đang có khả năng làm lung lay sự tự tin của phương Tây.

Xã hội Trung Quốc đã trở nên khá hung dữ. Hầu như không còn trợ cấp phúc lợi xã hội, người nào cũng phải tự vật lộn. Ðiều này người ta có thể cảm nhận ngay khi trèo lên xe buýt. Nếu như bạn xếp hàng trật tự như một người Anh, bạn sẽ chẳng bao giờ đi được đến đâu. Nhưng tôi rất mong là phương Tây sẽ gây áp lực mạnh hơn lên chính quyền Trung Quốc. Do vậy mà tôi viết cuốn sách này.

Liệu nó sẽ có mặt ở Trung Quốc không?

Tôi đang thực hiện một bản dịch. Nhưng là để xuất bản ở Ðài Loan. Các sách của tôi bị cấm ở Trung Quốc. Khi cuốn tiểu sử Mao của tôi được thảo luận trên tờ Economist, họ đã cố gắng hết sức để cắt trang bình luận cuốn sách ra khỏi từng tờ báo. Những người thừa kế của Mao ở Bắc Kinh muốn giữ chặt lấy ghế của mình.


© 2005 talawas