trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
29.3.2005
Lưu Quân Ninh
Chủ nghĩa tự do kinh điển trở nên phổ biến tại Trung Quốc
Phạm N. Thạch dịch
 

Báo chí quốc tế đã đặt tên cho đầu năm 1998 là "Mùa xuân Bắc Kinh", để ghi nhận rằng giới trí thức Trung Quốc, "đã được khuyến khích bởi những dấu hiệu khoan dung", và được bàn luận về cải cách chính trị "ồn ào hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 1989" [1]. Hai quan điểm khác nhau nhưng có kết hợp chặt chẽ được đưa ra trong suốt những tháng này: Một quan điểm đòi hỏi cải cách chính trị tại Trung Quốc, trong khi quan điểm kia lại chủ trương chủ nghĩa tự do kinh điển như một sự giao thế cho ý hệ Marxist đã được thiết định. Tuy thế giới bên ngoài ít chú ý hơn đến quan điểm thứ hai, nhưng nó vẫn tồn tại, dù có bị buộc phải hầu như là nín lặng. Trường phái các nhà tư tưởng mới này, bản thân tự gọi là ziyou pai ("phái tự do"), đã tạo nên diện mạo quan trọng trong "Mùa xuân Bắc Kinh" và tuyên bố rằng chủ nghĩa tự do đang xuất hiện trở lại Trung Quốc sau sự vắng bóng gần 40 năm.

Sự tái xuất hiện chính thức của chủ nghĩa tự do cho thấy rằng một giai đoạn mới đã được đạt tới trong cuộc phiêu lưu trí tuệ của giới trí thức Trung Quốc. Một nhân vật quan trọng của phong trào phục hồi chủ nghĩa tự do đã khẳng định trong lời mở đầu cuốn sách Ðại học Bắc Kinh và Chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc hiện đại như sau, “Sau cuộc thử nghiệm chuyên chế có quy mô lớn nhất từng thực hiện trong lịch sử nhân loại... chủ nghĩa tự do được chứng minh đầy thuyết phục là một hệ thống giá trị đáng khát khao và phổ quát nhất” [2].

Sự hồi sinh chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc không tránh khỏi sự chú ý của báo chí phương Tây. Theo báo New York Times, những tư tưởng và tranh luận về tự do chính trị đang trở lại trong giới trí thức Trung Quốc. Ngày càng nhiều tờ báo và tạp chí đưa ra những cuộc trao đổi thẳng thắn về chính trị. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng hiểu chủ nghĩa tự do như là một phó phẩm phụ của nền kinh tế thị trường [3] . Báo Newsweek viết rằng "những nhà kinh tế học Trường phái Chicago đang ‘được chú ý đặc biệt’ ", nhất là Friedrich von Hayek [1899 - 1938] quá cố. Hayek nổi tiếng bởi thực tế "ông là một nhà kinh tế học chống xã hội chủ nghĩa nhất. Ngay cả Thủ tướng Chu Dung Cơ cũng có sách của Hayek trên giá sách của mình" [4]. Ðộc giả rất háo hức với các cuốn sách của ông. Một thông báo trực tuyến, “Tư tưởng Hayek -Tân thời và đáng quan tâm”, cho thấy "toàn bộ 20.000 ấn bản lần đầu tác phẩm Hiến pháp tự do của Hayek bằng tiếng Trung đã bán hết sạch. Mới được in vào tháng 2, thì nay cuốn sách này sắp được tái bản" [5]. Bình luận về sự kiện các nhà cải cách có thế lực Bắc Kinh và phái tự do đã nhóm họp vào ngày 27/2/1998 để bàn luận về cuốn Hiến pháp tự do của Hayek, Tạp chí Kinh tế Viễn đông đã lưu ý: "Ðiều này có thể là bí mật, nhưng không phải vậy. Cuốn sách này đã bị cấm tại Trung Quốc khi nó được xuất bản năm 1960" [6]. Theo một trong các bên tham gia, cuộc hội thảo đã tổng kết rằng "những điều mà Hayek đã luận bàn rất chính xác với cái mà Trung Quốc đang phải trải qua hiện nay".

Sự phổ biến của những tư tưởng tự do tại Trung Quốc cũng có thể được đánh giá bởi những gì mà đối phương của nó phản ứng. Một trí thức cánh tả mới đây đã than rằng, "Tính chất của chủ nghĩa tự do nằm trong thế hệ trước. Và tôi hiểu sâu sắc rằng sự phồn vinh của nó rốt cuộc sẽ kéo dài. Trong khía cạnh này, thậm chí tôi cảm thấy lạc quan về những "phồn vinh" của chủ nghĩa tự do hơn tất cả những người theo chủ nghĩa tự do. Bởi vậy, tôi rất bi quan về tương lai của (cánh tả) giả thuyết chỉ trích... hơn cả phái tự do" [7]. Cho dù "Mùa xuân Bắc Kinh" đã chấm dứt, thì sự hồi sinh của chủ nghĩa tự do mà chính nó gây ra vẫn tồn tại và đang phát triển mạnh.


Nền tảng và động lực

Ðây không là lần đầu những tư tưởng tự do đã xuất hiện tại Trung Quốc. Trước khi những người cộng sản giành thắng lợi năm 1949, ở đất nước này đã tồn tại một nhóm những trí thức tự do, những người nằm giữa áp lực của hai bên những người Quốc dân đảng độc đoán và Ðảng Cộng sản chuyên chế. Những trí thức này và ý tưởng của họ, cùng với những gì còn lại của những quyền sở hữu tư nhân và tự do kinh doanh, đã bị triệt tận gốc bởi Phong trào Chống lại cánh hữu năm 1957.

Sự hồi sinh gần đây của chủ nghĩa tự do bắt nguồn từ khát khao tự do của giới trí thức Trung Quốc trong kỷ nguyên sau Thiên An Môn và từ sự quá độ có ảnh hưởng sâu rộng đã trải qua sau khi Mao Trạch Ðông và Ðặng Tiểu Bình chết. Giai đoạn này chứng tỏ sự tàn lụi dần của tư tưởng cộng sản và chế độ chuyên chế, một quá trình phân hoá văn hoá - xã hội, và sự nổi lên của giới trí thức theo chủ nghĩa tự do có học vấn cao, tích cực. Giới trí thức này bao gồm cả những học giả và những trí thức hoạt động xã hội những người có cống hiến nhằm chống lại sự trấn áp, tôn trọng tự do và giá trị cá nhân, và sự khuyến khích của các định chế dân chủ tự do.

Trung Quốc đang chuyển đổi từ nền kinh tế mệnh lệnh tập trung sang nền kinh tế thị trường do nhà nước kiểm soát chặt chẽ và một chế độ chính trị theo chủ nghĩa Lênin được gọi là "chế độ một đảng lãnh đạo". Tăng trưởng kinh tế nhanh tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trung lưu phát triển, tầng lớp này đang đòi hỏi quyền tham gia tạo lập các quyết sách chính trị và những giới hạn đặt ra cho chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích của nó. Thập kỷ trước cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng nhanh của xã hội dân sự non trẻ Trung Quốc.

Mặc dù hoặc có thể là do thực tế nhân dân Trung Quốc ngày nay sống xa rời tinh thần và thường không chống nổi chủ nghĩa thực dụng, nên các trí thức Trung Quốc đang cho thấy có sự quan tâm ngày càng nhiều vào những giá trị tự do. Phạm vi của nhà nước đang thu hẹp và phạm vi của xã hội và thị trường đang được mở rộng. Lối sống, khuynh hướng, và nguyện vọng đang ngày trở nên có nhiều khoảng cách. Số lượng của những tổ chức phi chính phủ được cho phép thành lập đang gia tăng nhanh chóng, và nhân dân cũng thành lập những tổ chức tự nguyện mà không cần sự chấp thuận chắc chắn của Nhà nước. Người dân Trung Quốc rõ ràng đang có hàng loạt lựa chọn rộng rãi hơn trong lĩnh vực văn hoá. Số lượng các tạp chí, tờ báo và sách đang được xuất bản đang gia tăng một cách đột ngột.

Hệ tư tưởng đã được thiết lập đang trở nên suy yếu cả trong lý luận và thực tiễn, mặc dù chế độ của nó vẫn tồn tại trong thực tế. Hầu như không có "người cuồng tín" còn lại ở Trung Quốc. Có một khoảng cách rất lớn giữa tư tưởng của giới quan chức và thực tế nền kinh tế thị trường. Hai vấn đề này không thể cùng tồn tại hoà thuận lâu dài; phải có một cái bị triệt tiêu.

Ðiều này không có nghĩa quá trình chuyển đổi sang dân chủ tự do là thực sự chắc chắn tại Trung Quốc. Cần rất nhiều nỗ lực để hướng Trung Quốc theo tiến trình tự do. Mặc dù tư tưởng thống trị đang dần tan rã bởi những mâu thuẫn bên trong giữa chế độ chính trị và chế độ kinh tế Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là chủ nghĩa tự do sẽ tự động thay thế chúng.

Tuy nhiên, thật may mắn sự chấm dứt chế độ chuyên chế đầy cám dỗ đã tạo ra khoảng trống cho chủ nghĩa tự do đâm chồi nảy lộc. Chủ nghĩa tự do hiện đã trở thành một phong trào trí thức mạnh mẽ, và văn hoá chính trị của Trung Quốc đang chuyển dịch theo hướng tự do. Ngày nay, gần như mọi người đều có quan điểm công khai và hầu hết trong thực tế những "nhân vật nổi danh" trong tất cả các lĩnh vực tại Trung Quốc đều là những người theo chủ nghĩa tự do. Trong giới trí thức Trung Quốc, niềm kiêu hãnh vì là một người cánh tả đang được thay thế bởi lòng tự hào là một người theo chủ nghĩa tự do.


Sự rời bỏ của trí thức

Trước năm 1978, giới trí thức phải hoạt động trong một xã hội hầu như bị khép kín. Trung Quốc phải loại trừ mọi tư tưởng và học thuyết khác với tư tưởng thống trị. Chỉ sau khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa với phương Tây vào cuối những năm 1970, giới trí thức mới dần được bày tỏ quan điểm với thế giới bên ngoài. Do hàng thập kỷ cô lập và “sức sống” hiển nhiên của tư tưởng cộng sản, lúc đó giới trí thức Trung Quốc vẫn còn phải lo lắng kiếm tìm con đường nhằm "hoàn thiện" chế độ đã được thiết lập bằng việc đề xướng những kế hoạch cải cách có thể thực hiện nguyên tắc một đảng "dân chủ" hơn.

Do đó, trong khi hầu hết trí thức Trung Quốc vào những năm 80 đã tự mệnh danh là các "nhà dân chủ" và một số ít thì tự nhận là "người Marxist theo chủ nghĩa nhân văn" (nhằm phân biệt bản thân họ với những người Marxist theo Stalin), thì không một ai trong họ nhận mình là "người theo chủ nghĩa tự do". Những "nhà dân chủ" đặt dân chủ xã hội chủ nghĩa ở trên tự do cá nhân, và kế hoạch, quy định của chính phủ ở trên cơ chế thị trường tự do. Một số người này đã chỉ trích gay gắt về một số thực thi và chính sách của chế độ, nhưng lại không phê phán hệ tư tưởng đằng sau chúng. Mặc dù những "nhà dân chủ" đã trở nên không còn ảo tưởng về tư tưởng này, nhưng họ không thể tìm ra lựa chọn chế độ nào cho nó.

Năm 1989, thảm cảnh quảng trường Thiên An Môn gây nên cú sốc và làm thức tỉnh giới trí thức Trung Quốc. Họ đã từ bỏ hi vọng về "quá độ của chế độ không thể thay đổi", quyết định giải thoát chính mình ra khỏi thiết chế này và bắt đầu tìm kiếm lựa chọn tốt hơn nhưng có tính khả thi. Bắt nguồn từ sự rời bỏ của trí thức khỏi hệ tư tưởng chính thống, chủ nghĩa tự do đã bắt đầu được giới trí thức nhận thấy phổ biến như là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện nay của Trung Quốc. Một người xuất chúng bất đồng quan điểm với hệ tư tưởng thống trị đã thể hiện quan điểm của mình như sau: "Trước đây (sự kiện quảng trường Thiên An Môn), tôi chỉ tỏ ra tán thành với một số tư tưởng tự do. Ðiều quan trọng nhất tôi học được từ vụ thảm sát này là tôi bắt đầu nhận ra rằng tôi sẽ không chỉ kiên trì với... chủ nghĩa tự do như một giá trị học thuyết, mà tôi sẽ còn mang những giá trị tự do vào thực tiễn" [8].

Một người bất đồng quan điểm khác, là một trong những người sáng lập Ðảng Dân chủ Trung Quốc năm 1998, đã giải thích tại sao ông nhìn nhận tự do cá nhân và chủ nghĩa tự do như là những vũ khí lợi hại nhất chống lại sự cai trị chuyên chế: "Ðôi khi, dân chủ không phải là một vũ khí sắc bén trong việc giảm bớt sự chuyên chế; thay vào đó, đôi lúc nó trở thành một biểu ngữ ru ngủ và mang tính đầu luỡi của những người theo cách cai trị chuyên chế này. Chỉ có tự do cá nhân và chủ nghĩa tự do mới là phương thuốc hữu hiệu chống lại sự cai trị chuyên chế. Tự do là điều mà tất cả những nguời ủng hộ sự cai trị chuyên chế sợ nhất, đây là hòn đá tảng của mọi giá trị khác của con người và là động cơ thực sự thúc đẩy sự phát triển xã hội, khoa học và công nghệ, văn hoá và thương mại. Vì thế, để chữa căn bệnh chuyên chế kinh niên và nan giải này tại Trung Quốc, chủ nghĩa tự do và giá trị cá nhân là những phương thuốc hữu hiệu nhất” [9].

Môi trường quốc tế sau năm 1989 cũng trở nên rất thuận lợi cho sự phát triển của chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc. Làn sóng thứ ba của dân chủ hoá và tự do hoá trên quy mô thế giới và sự sụp đổ của Bức tường Berlin đã gây chấn động, soi sáng và mang lại một điển hình cho giới trí thức Trung Quốc. Sau sự suy vong của chủ nghĩa cộng sản Soviet, chủ nghĩa tự do đang được phục hưng, nhưng một lần nữa, Trung Quốc lại tụt lại phía sau. Lịch sử Trung Quốc trong thế kỷ này mang đặc điểm bởi chính những nỗ lực muộn màng của nó nhằm “bắt kịp” những xu hướng thế giới. (Thật không may, trong nửa đầu thế kỷ XX, Trung Quốc đã bắt kịp làn sóng của chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa mà sau đó trở thành một trào lưu mang quy mô thế giới). Trong những năm cuối của thập niên 80, Trung Quốc đã cố gắng một cách vô ích để bắt kịp làn sóng thứ ba của dân chủ. Cho tới xu hướng ngày nay là sự suy giảm của chế độ chuyên chế và chủ nghĩa độc đoán và sự tái sinh của chủ nghĩa tự do trên khắp thế giới, sẽ có thể là một thảm kịch nếu như Trung Quốc lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội tham gia vào xu thế chủ đạo của nền văn minh nhân loại.

Trong nước, những phát triển bước đầu của nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã mang lại nền tảng vững chắc cho sự phát triển của những tư tưởng tự do và các lực lượng xã hội tự do. Tự do kinh tế và sở hữu tư nhân, mặc dù vẫn còn bị giới hạn nhiều, đã mang lại cho mọi người lòng khát khao quyền tự do công dân và tự do chính trị. Hoàn cảnh của Trung Quốc cho thấy rằng một thị trường tự do về hàng hoá cuối cùng sẽ dẫn đến một thị trường tự do về tư tưởng và một đòi hỏi đối với những tư tưởng tự do. Chỉ cần mọi người được tự do lựa chọn, thì hầu hết họ sẽ chọn quyền tự do và chủ nghĩa tự do.

Người ta có thể thắc mắc làm thế nào mà chủ nghĩa tự do có thể bám rễ và phát triển ở một xã hội như Trung Quốc. Câu trả lời có thể được thấy bằng việc kiếm tìm kỹ lưỡng hơn tác động của nền kinh tế thị trường, hoặc như Adam Smith đã gọi “chế độ quyền tự do về bản chất”. Cơ chế thị trường tại Trung Quốc đang thúc đẩy không chỉ tự do kinh tế mà cả những quyền tự do khác nữa. Lấy vấn đề tự do báo chí làm thí dụ. Trong thập niên 1980, những “nhà dân chủ” cho rằng tự do báo chí nên đặt ở vị trí cao hơn tự do kinh tế. Nhưng tự do báo chí không thể thực thi hiệu quả nếu thiếu tự do kinh tế và sở hữu tư nhân. Sau khi thực hiện các cuộc cải cách theo định hướng thị trường, Nhà nước Trung Quốc đã chấm dứt việc bao cấp cho hầu hết các tờ báo, tạp chí, nhà xuất bản, và đài truyền hình. Kết quả là những cơ quan truyền thông này hiện nay phải quan tâm đến độc giả của mình. Vì ngày càng nhiều người dân tại Trung Quốc quan tâm tới những tư tưởng tự do, nên các chủ bút xuất bản rất hăng hái những bài báo mang tư tưởng tự do, và thậm chí phải mạo hiểm qua mặt các nhân viên kiểm duyệt để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Và như tôi được biết, họ làm điều này không chỉ vì mục đích kiếm lợi nhuận; một số lượng không nhỏ những người này đã có mối quan tâm tới chủ nghĩa tự do. Sự thực, những chủ bút này đang đẩy các trí thức tới việc viết ra những tác phẩm mang tư tưởng tự do. Trên thực tế, cách duy nhất để ngưng lại xu hướng tự do hoá ngày nay là khôi phục lại việc bao cấp thích đáng cho truyền thông đại chúng, điều hiện nằm ngoài khả năng của Nhà nước.

Một nhân tố quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá những tư tưởng tự do tại Trung Quốc ngày nay là mạng Internet. Trung Quốc đang tạo bước tiến nhảy vọt trong “thời đại thông tin” và “xã hội mạng”. Việc sử dụng Internet đang tăng nhanh chóng tại Trung Quốc, đặc biệt trong các trường Ðại học và những Viện nghiên cứu. Năm 1997, có khoảng 640.000 thuê bao Internet tại Trung Quốc; đầu năm 1999, con số này là 2,1 triệu, và hiện nay là khoảng 4 triệu. Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Thông tin Internet Trung Quốc, sẽ có 7 triệu thuê bao Internet vào cuối năm 2000 và hơn 33 triệu vào năm 2003 [10] . Thư điện tử đang thực sự là phương thức liên lạc được ưa chuộng của giới trí thức Trung Quốc, giữa họ với nhau cũng như với phương Tây. Internet có thể là một tác động mang tính “cách mạng” đối với Trung Quốc, cả về phương diện kinh tế và phương diện chính trị. Lưu lượng thông tin kinh tế được khuấy động bởi mạng Internet là cần thiết không chỉ với việc thu hút đầu tư mà còn là việc tạo ra một chế độ kinh tế công bằng, mở cửa, minh bạch và có tính cạnh tranh. Lưu lượng thông tin đã được buông lỏng đáng kể ở Trung Quốc trong vài năm qua, do những chính sách của Nhà nước cho phép những tiếp xúc được gia tăng với thế giới bên ngoài và với sự nổi lên của các phương tiện truyền thông điện tử, điều này gây khó khăn hơn cho cảnh sát so với những xuất bản phẩm “khó sao chép” truyền thống.

Mạng Internet được sử dụng phổ cập khiến Nhà nước phải khó khăn hơn để duy trì độc quyền về toàn bộ các nguồn thông tin. Sự kết hợp của thị trường và mạng Internet sẽ thúc đẩy lưu lượng thông tin vào và ra Trung Quốc, khiến cho nó có thể dễ dàng hơn đối với các trí thức theo chủ nghĩa tự do sử dụng những nguồn tự do ngoài Trung Quốc, nhằm liên lạc và truyền bá những tư tưởng hiệu quả hơn theo chủ nghĩa tự do. Không có thư viện nào đồ sộ hoặc dễ sử dụng hơn là mạng Internet. Chính từ Internet tôi mới lần đầu tiên biết về những nhóm chuyên gia cố vấn về tự do phương Tây như Viện Cato và đọc được những xuất bản phẩm trực tuyến của họ. Trong giữa năm 1999, một số trang web về chủ nghĩa tự do đã được thiết lập tại Trung Quốc. Như Fidel Castro từng nói: “Chủ nghĩa xã hội tại Trung Âu sụp đổ bởi mọi người đã nhận được thông tin nhiều hơn là cần thiết” [11] . Ông đã hiểu rất sâu sắc sức mạnh của thông tin. Với sự hỗ trợ của mạng Internet, thông tin còn có thể trở nên có ảnh hưởng mạnh hơn.


“Bản chất thực sự”

Chủ nghĩa tự do xuất hiện dưới nhiều dạng hoặc “phân nhánh”. Những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc ngày nay phải nghiên cứu về kinh nghiệm của phong trào trí thức Trung Quốc trước khi Ðảng Cộng sản nắm chính quyền vào năm 1949 và phản ánh những nguyên nhân thất bại của nó tại Trung Quốc hiện đại. Hayek đã lưu ý rằng, ở phương Tây, tên gọi của chủ nghĩa tự do bị “đánh cắp” do những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ mang tư tưởng tự do. Ðiều này cũng xảy ra ở Trung Quốc. Hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc hiện đại đã không theo đuổi cuộc hành hương theo chủ nghĩa tự do của họ theo tất cả những con đường dựa vào nguồn gốc của chủ nghĩa tự do cổ điển; họ dừng ở nửa đường và trở thành những người theo chủ nghĩa thực dụng cùng kiểu John Dewey hoặc những người theo chủ nghĩa xã hội dân chủ như Harold Laski. Những trí thức này cùng chung một ác cảm với nền kinh tế thị trường, quyền sở hữu tư nhân và có thiện cảm với nền kinh tế kế hoạch tập trung được kiểm soát chặt chẽ, và trật tự kinh tế bình quân chủ nghĩa. Trong những tác phẩm của mình, họ không trích dẫn John Locke, David Hume, Adam Smith, Edmund Burke, Lord Acton, những người chủ trương lập chế độ liên bang, Montesquieu, Benjamin Constant, hoặc Tocqueville; những tác phẩm chính trị của Rouseau là nguồn tư liệu chính đem lại cảm hứng cho các trí thức này. Nhà tư tưởng đương thời được ưa chuộng của họ là John Dewey và Harold Laski, không phải là Karl Popper và F.A Hayek. Họ là những người theo chủ nghĩa tập thể, chứ không là những nguời theo chủ nghĩa cá nhân. Họ đòi hỏi ít về công cuộc Khai sáng của người Pháp hơn là công cuộc Khai sáng của người Xcôt-len, và ủng hộ Cách mạng Pháp hơn là Cách mạng huy hoàng Anh và Cách mạng Mỹ.

Vì thế chủ nghĩa tự do Trung Quốc hiện đại đã biến màu ghê gớm bởi chủ nghĩa duy lý theo xu hướng tạo dựng, chủ nghĩa cầu toàn, và thuyết khoa học vạn năng, và do cả chủ nghĩa xã hội. Như Hayek đã dự đoán, và như lịch sử sau chiến tranh của Trung Quốc đã chứng minh, con đường mà những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc trước đây nghĩ rằng có thể dẫn tới tự do, trong thực tế là “con đường dẫn tới thân phận nông nô”. Ðó là lý do chính tại sao Hayek có thể nổi tiếng ở Trung Quốc hiện đại hơn là ở phương Tây. Ý kiến của ông được chứng minh ở hầu hết mọi khía cạnh. Sự đánh giá của ông - được thực hiện trong những năm 1930 - về những triển vọng của chủ nghĩa xã hội và nền kinh tế mệnh lệnh đã được chứng minh là hoàn toàn đúng. Chính từ Hayek và những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển đương thời khác, những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc đang nghiên cứu về tầm quan trọng sống còn của tự do kinh tế và các quyền sở hữu tư nhân, và về mối liên quan (cả những khác biệt về khái niệm thường xuyên bị phớt lờ) giữa chủ nghĩa tự do và vấn đề dân chủ.

Với lý do này, hầu hết những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc ngày nay đều đồng ý rằng kiểu chủ nghĩa tự do được lựa chọn có tính chất quan trọng như một giải pháp trọng yếu; thậm chí, số phận của chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc, và ngay cả của bản thân Trung Quốc, là phụ thuộc vào nó. Do đó, những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc ngày nay phân biệt họ với những người theo chủ nghĩa tự do Trung Quốc những năm 1930 và 1940 bằng cách quay trở lại chủ nghĩa tự do của tính đa dạng trọn vẹn và kinh điển.

Ngày càng nhiều các tác phẩm về chủ nghĩa tự do kinh điển được dịch sang tiếng Trung Quốc, gồm có những tác phẩm của Wilhelm von Humboldt, Thomas Jefferson, Alexis de Tocqueville, Herbert Spencer, Frederic Bastiat, Ludwig von Mises, Karl Popper, F.A. Hayek, Milton Friedman, James Buchanan, Robert Nozick, Douglass C. North, Michael Novak, Isaiah Berlin, và Ayn Rand. Hầu hết những tác phẩm của Hayek đã được dịch sang tiếng Trung Quốc, như Con đường dẫn tới thân phận nông nô, Chủ nghĩa cá nhân và Trật tự kinh tế, Hiến pháp của tự do , Sự tự phụ tiền định, Luật pháp, lập pháp, và quyền tự do. Một số nhóm nghiên cứu không chính thức được thành lập tại những trường đại học của Trung Quốc để tìm hiểu về những tác phẩm chủ nghĩa tự do kinh điển. Trong số đó có Nhóm người Áo tại Ðại học Bắc Kinh, gồm những sinh viên, người học sau đại học, và những nghiên cứu sinh tiến sĩ về các môn học như chính trị học, kinh tế học, luật học, xã hội học, và thậm chí cả những môn khoa học tự nhiên. Những xuất bản phẩm này nói trên được trích dẫn rất nhiều và thường xuyên xuất hiện trong luận văn tốt nghiệp của sinh viên, cũng như trong các bài báo và tạp chí học thuật. Nhu cầu về những tư tưởng tự do là vô cùng lớn trong khi nguồn cung cấp vẫn tụt lại phía sau.

Chủ nghĩa tự do Trung Quốc ngày nay đã mang lại sự chú ý đặc biệt tới quyền sở hữu, tự do kinh tế, chủ nghĩa hợp hiến, bình đẳng trước pháp luật và một Nhà nước có giới hạn, chủ nghĩa cá nhân, sự chịu đựng, thuyết đa nguyên và xã hội mở. Tạp chí Res Publica (được ra đời năm 1994), là tạp chí học thuật Trung Quốc đầu tiên từ năm 1949 tập trung vào chủ nghĩa tự do cổ điển, đã khởi xướng một cách thức thảo luận khá hay về những chủ đề này.


Phái chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc và tương lai của nó

Chủ nghĩa tự do Trung Quốc hiện thống trị giới trí thức Trung Quốc. Không có trường phái tư tuởng chính trị nào khác tham gia một cách phổ biến vào cộng đồng trí thức Trung Quốc như trường phái này. Một số người theo chủ nghĩa hoài nghi, mà đúng vậy, coi chủ nghĩa tự do như sự hấp tấp và thậm chí là vô dụng, vì Trung Quốc đã tồn tại hàng ngàn năm mà không có nó. Họ nhìn nhận chủ nghĩa tự do như một học thuyết xa lạ, bởi vì nó có nguồn gốc từ phương Tây và có rất ít điểm chung với truyền thống văn hoá Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi quả quyết rằng chủ nghĩa tự do sẽ thịnh hành ở Trung Quốc, do nó là một tư tưởng phổ biến và có cơ sở vững chắc trong bản chất nhân loại. Nếu như nhân dân Trung Quốc không muốn tài sản của họ bị Nhà nước tước đi tuỳ tiện, nếu như họ muốn hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do hoạt động hội mà không sợ bị bỏ tù, nếu như họ muốn tỏ rõ quan điểm của mình về các chính sách xã hội hoặc với những nhà hoạch định mà không bị buộc tội lật đổ, và nếu như họ muốn quyền tự do lựa chọn bất kỳ tôn giáo nào để tin vào mà không sợ bị bức hại, thì họ phải có mọi lý do để đi theo tư tưởng tự do. Tại phương Tây, chủ nghĩa tự do là bạn đường không thể tách rời của nền kinh tế thị trường. Hiện nay nền kinh tế thị trường dã trở thành một lựa chọn không thể tránh được đối với Trung Quốc, cổng ngõ tới chủ nghĩa tự do không còn bị khép chặt nữa. Từ khi quá trình thị trường hoá tại Trung Quốc không thể bãi bỏ, thắng lợi của chủ nghĩa tự do là chắc chắn xảy ra.

Tại Trung Quốc ngày nay, có sự tự do đáng kể để viết về những vấn đề không mang tính chính trị, và những tranh luận kín về những vấn đề chính trị ít bị kiểm soát hơn nhiều so với trước đây. Hàng loạt hoạt động lớn đang gia tăng nằm ngoài tầm với của trung ương cũng như sự kiểm soát tư tưởng. Mọi người không còn bị huy động tham gia vào các cuộc thanh trừng và những chiến dịch chính trị liên tục, và họ cũng không cần khẳng định chủ nghĩa cộng sản như lý tưởng của mình nữa. Họ có quyền lựa chọn nghề nghiệp và thay đổi nơi làm việc nhiều hơn. Các cá nhân có thể rút lui khỏi đời sống chính trị và theo đuổi những mối quan tâm riêng, miễn là họ không thách thức trực tiếp quyền thống trị của những nhà lãnh đạo của đất nước.

Mặc dù hoàn cảnh này đã cải thiện rất lớn kể từ Cách mạng Văn hoá, nhưng vẫn còn những hạn chế đáng kể về quyền tự do ở Trung Quốc. Các công dân Trung Quốc vẫn không được tự do bày tỏ niềm tin về chính trị của họ, cũng như không thể phản đối hệ tư tưởng của chính quyền một cách công khai. Vì thế chủ nghĩa tự do ở Trung Quốc phụ thuộc vào những người ủng hộ thầm lặng của nó. Nếu như họ không mua và đọc các xuất bản phẩm về chủ nghĩa tự do, thì nguồn cung của những xuất bản phẩm này sẽ khô cạn. Nếu những chủ bút không mạo hiểm với chức vụ, nhà xuất bản và những cơ hội thăng tiến của mình để xuất bản những bài báo mang tư tưởng tự do, thì sự phổ biến của chủ nghĩa tự do sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Những trí thức mang tư tưởng tự do của Trung Quốc cũng đã thay đổi chiến lược của họ. Nay họ nhìn vào công chúng hơn là nhìn quyền lực, cho nhân dân Trung Quốc biết những quan điểm mà họ có thể lựa chọn khi sự đột phá phòng tuyến dân chủ xuất hiện. “Tuyên ngôn” của họ có thể được tóm lược như sau: “Chính phủ hiện tại của Trung Quốc đã được thiết lập để điều hành một nền kinh tế mệnh lệnh mà nền kinh tế này không còn tồn tại lâu nữa. Giới viên chức thì quá lớn và tham nhũng quá độ, và phải co lại. Các quan chức phải đáp ứng nhu cầu của công dân, không phải là ở trên dân. Ðiều này sẽ đòi hỏi những cuộc bầu cử, một hệ thống pháp lý mạnh, và tôn trọng các quyền cá nhân” [12] .

Mặc dù đó là lý do để có thể lạc quan về tương lai của chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc, nhưng những trở ngại lớn vẫn còn. Chủ nghĩa tự do, được định nghĩa về tự do cá nhân, làm thế nào để đánh bại đặc tính truyền thống của Trung Quốc và di sản chủ nghĩa cộng sản của chủ nghĩa tập thể? Rõ ràng quá trình này sẽ không suôn sẻ, và sự thành công của nó sẽ không thể được cho là điều hiển nhiên. Thực tế, những nhà dân chủ theo chủ nghĩa tự do của Trung Quốc đang phải đương đầu với những vấn đề phức tạp đang gia tăng. Thí dụ, chủ nghĩa tự do hiện nay đang chịu sự công kích không chỉ bởi những người cánh tả truyền thống, mà còn từ những người cánh tả trẻ tuổi được đào tạo ở phương Tây và được trang bị với các vũ khí chống chủ nghĩa Mác, chống chủ nghĩa hiện đại, cộng đồng luận, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân tuý, và rất nhiều những học thuyết “mới, dũng cảm” khác. Thật may mắn, nhân dân Trung Quốc dễ dàng hiểu được giá trị của quyền sở hữu và tự do kinh tế hơn là việc họ phải thấm nhuần những “bài diễn thuyết” tối nghĩa của những người cánh tả có tinh thần cao cả này.

Ngày nay áp lực đang gia tăng không bó hẹp chủ nghĩa tự do trong giới trí thức nhưng đòi hỏi thay đổi thật sự về xã hội dựa trên những nguyên tắc tự do. Như Hayek đã viết trong cuốn sách Hiến pháp tự do, “Tự do của hành động, ngay cả trong những điều nhỏ nhặt nhất, cũng quan trọng như tự do tư tưởng” [13] . Nhiệm vụ của những trí thức theo chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc là nỗ lực hết sức nhằm đem lại tự do cá nhân. Chiến lược “đảo ngược” mới này cuối cùng sẽ tạo nên một khác biệt đối với tương lai Trung Quốc.

Những người theo chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc hiện nay đang cố gắng tạo dựng sự đồng tâm nhất trí và định hướng cho cuộc cải cách chính trị: để đảm bảo những quyền tự do cá nhân lớn hơn, để bảo vệ quyền sở hữu, để củng cố các cơ quan lập pháp, để quân đội và cảnh sát vững vàng hơn dưới sự kiểm soát của thường dân, nới lỏng kiểm soát với các tổ chức phi chính phủ, củng cố bộ máy tư pháp, và cung cấp cho công chúng những phương thức có ý nghĩa tham gia chính trị.

Trung Quốc cuối cùng có cơ hội tốt để tiến bước trên con đường dân chủ tự do. Sự mở cửa của Trung Quốc trong suốt giai đoạn cải cách, sự sụp đổ của chế độ cộng sản chủ nghĩa khối Soviet trước đây, và sự mở rộng của thị trường toàn cầu tất cả đem lại những điều kiện ưu đãi đối với sự dân chủ hoá và tự do hoá ở Trung Quốc.

Trung Quốc có thể đóng vai trò như thế nào trên trường quốc tế trong tương lai? Nó sẽ là một đe doạ đang xuất hiện đối với những nền dân chủ hay một đối tác xây dựng? Với một quy mô lớn, câu trả lời tuỳ thuộc vào số mệnh của chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc. Một Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc và độc đoán sẽ là một mối đe doạ. Tuy nhiên một Trung Quốc tự do sẽ là đối tác mang tính xây dựng, do người ta biết rõ những quốc gia dân chủ tự do không hiếu chiến. Vì thế đây là trong những ích lợi nhất của những nền dân chủ được thiết lập nhằm khuyến khích chủ nghĩa tự do như là một động lực để đem lại nền dân chủ cho Trung Quốc.


Lưu Quân Ninh (Liu Junning), cựu thành viên Viện Khoa học chính trị thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, là một học giả độc lập, chủ bút tạp chí Res Publica và là tác giả của một loạt sách về dân chủ hoá. Bài luận này mới đây đã được giới thiệu tại cuộc hội thảo "Trung Quốc sẽ đi về đâu? Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 50 năm thành lập" vào tháng 12 năm 1999, do Viện Cato Washington DC tổ chức. Bài viết này được in chung với những bài hội thảo khác trong Tương lai của Trung Quốc: Ðối tác xây dựng hay mối đe doạ đang xuất hiện do Ted Galen Carpenter và James A. Dorn chủ biên (Viện Cato, xuất bản năm 2000).

© 2005 talawas



[1]Matt Forney, “Mùa xuân Bắc Kinh”, Tạp chí Kinh tế Viễn Ðông (Hồng Kông), 2/4/1998, tr20.
[2]Liu Junning, cuốn Ðại học Bắc Kinh và Chủ nghĩa tự do tại Trung Quốc hiện đại” (NXB Renshi Trung Quốc), 1998, tr4-5.
[3]Elizabeth Rosenthal, “China’s Leading University Celebrates anh Ponder”, New York Times, 5/5/1998.
[4]Jonathan Alter, “Ðường tới Trung Quốc”, Newsweek, 29/6/1998.
[5]“Tư tưởng Hayek-Hiện tại và đáng lưu ý”, có thể xem tại địa chỉ: http://member.aol.com/grgransom/hayekpage.htm.
[6]Matt Forney, “Mùa xuân Bắc Kinh”, tr21.
[7]Ibid.
[8]Liu Xiaobo, trích từ một báo cáo về điện tử Trung Quốc công bố đầu năm 1997.
[9]Wang Youcai, trích từ bài báo của ông, “Chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa hợp hiến và nền dân chủ của Trung Quốc”, xem tại địa chỉ http:// asiademo.org/19980917b.htm.
[10]John D. Sullivan, “Tổng thuật về Internet khuyến khích những triết lý thị trường tự do và những nguyên tắc dân chủ ở nước ngoài trước cuộc hội thảo về Thương mại của Trung tâm Doanh nghiệp tư nhân quốc tế”, 29/7/1998, có thể xem tại http://www.cipe.org/events/press/jds7-98.htm.
[11]Ibid.
[12]Matt Forney, “Mùa xuân Bắc Kinh”, tr. 21.
[13]F.A. Hayek, Hiến pháp tự do (NXB Ðại học Chicago, Chicago, 1976), tr. 35.

Nguồn: Journal of Democracy (Tạp chí Dân Chủ), quyển 11, số 3, tháng 7/2000, The Johns Hopskins University Press