trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Má»™t năm chiến tranh Iraq (tháng 3.2003- tháng 3.2004)
 1   2   3   4   5   6 
29.3.2004
Bernard Lewis
Kinh Cô-ran không dạy cảm tử
Báo DIE ZEIT phỏng vấn nhà nghiên cứu Hồi Giáo lão thành Bernard Lewis
Trịnh Hữu Tuệ dịch
Werner Bloch thực hiện
 
 Zeit: Thưa giáo sư Lewis, cảm tử, cuồng tín tôn giáo, Thánh Chiến - trong con mắt của nhiều người ở phương Tây sau 11 tháng 9. 2001, đạo Hồi là một tôn giáo hiếu chiến, thậm chí đối với một số thì nó còn đồng nghĩa với khủng bố...

Bernard Lewis: Đấy là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Ngược lại, nếu chúng ta nhìn vào những trường phái chính của Hồi giáo thì sẽ thấy là khủng bố thậm chí bị cấm hoàn toàn - cảm tử cũng bị cấm. Tất nhiên là có một học thuyết về Thánh Chiến. Nhưng bởi vì tất cả các tín đồ đạo Hồi đều có một trách nhiệm mang tính luật pháp đối với Thánh Chiến, nên nó cũng được quy định một cách rõ ràng và chính xác bởi luật lệ của đạo Hồi. Từ quá trình tuyên chiến cho đến việc chiến đấu và kết thúc chiến tranh, cũng như việc bắt và đối xử với tù binh, tất cả đều được quy định rõ ràng. Kể cả việc phải tha thứ cho người già và trẻ con, cũng như dân thường, trong bất cứ trường hợp nào. Thậm chí cả việc dùng vũ khí hóa học (ví dụ như mũi tên tẩm thuốc độc) và vũ khí đạn đạo (máy phóng đá) cũng được quy định - gần như một Công Ước Genève vậy. Và cảm tử thì hoàn toàn không tồn tại trong đạo Hồi. Tự sát là tội nặng nhất. Ai tự sát sẽ phải mãi mãi sống đi sống lại cái giây phút mà anh ta tự giết mình. Nếu những kẻ khủng bố biết cái gì chờ đợi họ thì họ sẽ không bao giờ làm như vậy.

Zeit: Thế nhưng chủ nghĩa cực đoan tôn giáo vẫn ngày một mạnh, ví dụ như trong nhóm Wahhabi tại Saudi, cơ sở của Osama bin Laden...

Lewis: Wahhabi là một trường phái hết sức ngoài lề bắt nguồn tại Ả-rập Saudi, mới nổi tiếng trong thời gian gần đây qua sự kết hợp của quyền lực, dầu hỏa, tiền và chủ nghĩa cực đoan. Trong lịch sử Hồi giáo thì học thuyết này gần như không đóng vai trò gì. Rất tiếc là cả phương Tây - do không biết - cũng rơi vào tay những người theo phái Wahhabi. Tại nhiều nước như Đức hay Mỹ, những người Wahhabi phát không sách giáo khoa dùng để truyền bá một kiểu đạo Hồi đặc biệt cực đoan. Vậy nên chúng ta có một tình thế hoàn toàn ngược đời là trẻ con ở Hamburg hay California được dạy một thứ Hồi giáo cuồng tín và cứng nhắc hơn bất kỳ ở nơi nào khác trong thế giới đạo Hồi - trừ Ả-rập Saudi.

Zeit: Thế giới Ả-rập thua xa phương Tây không chỉ về kinh tế và chính trị, mà cả về văn hóa. Mỗi năm chỉ có tổng cộng 300 cuốn sách được dịch tại những nước Ả-rập. Và tổng thu nhập của toàn bộ các quốc gia Ả-rập thấp hơn của riêng một nước Tây-ban-nha...

Lewis: Điều quan trọng chính là nỗi uất ức khổng lồ từ bên trong này. Cách đây không lâu có một nhà văn lưu vong người Iran nói rằng, Trung đông là cái lỗ đen nằm giữa các nước phát triển phương Tây và các nước đang phát triển phương Đông. Những người theo đạo Hồi ngày càng nhìn thấy rõ là hoàn cảnh của họ khốn cùng như thế nào. Cho đến nay có hơn 250 trường đại học tại các nước Ả-rập hàng năm cho ra lò rất nhiều kỹ sư có trình độ. Thế nhưng khi muốn xây một cái sân bay thì lại phải đi thuê chuyên gia nước ngoài - trước đây là chuyên gia Mỹ, bây giờ thì là chuyên gia Triều Tiên. Mới 50 năm trước đây, Triều Tiên còn đi sau Trung Đông cả một thiên niên kỷ.

Zeit: Có phải những tầng lớp nghèo trong dân chúng đặc biệt dễ đi theo phong trào khủng bố không?

Lewis: Khủng bố không xuất phát từ những người nghèo. Đấy là chỉ là chuyện hoang tưởng. Khủng bố xuất phát từ những người thuộc tầng lớp trung lưu, có công ăn việc làm tốt và thu nhập cao. Nhưng tất nhiên là trong số những người cảm tử có nhiều người đến từ những trại tị nạn, và chúng ta có thể hiểu được sự phẫn nộ của họ.

Zeit: Chúng ta học được gì từ cuộc chiến tranh Iraq?

Lewis: Nhiều người ở châu Âu và cả một số ở Mỹ đã từ bỏ niềm hy vọng về một nền dân chủ ở Iraq. Họ nghĩ nền dân chủ và tự do của chúng ta chỉ là những thể chế phương Tây không thể đem xuất khẩu ra nước ngoài. Và họ tuyên bố: người Ả-rập là như vậy, không thay đổi được. Nhưng người Ả-rập không như vậy. Chẳng hạn nền độc tài của Saddam Hussein và đảng Baath. Nền độc tài này chưa bao giờ có trong lịch sử Ả-rập. Nó là hàng nhập khẩu từ châu Âu. Hệ thống chính quyền một đảng là một mô hình châu Âu - mặt hàng xuất khẩu xịn nhất của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Tiền thân của đảng Baath là Đức quốc xã. Phát xít Đức gây được ảnh hưởng mạnh mẽ tại vùng này qua hai quốc gia bảo hộ của Pháp là Syria và Lebanon trong thời kỳ Vichy và đã cho dịch rất nhiều văn bản ra tiếng Ả-rập. Đảng Baath là một copy của đảng Quốc Xã NSDAP. Người lãnh đạo đảng này, Raschid Ali, là thân khách của Hitler tại Berlin trong thời kỳ cuối chiến tranh.

Zeit: Ông cho rằng trong đạo Hồi không có truyền thống độc tài bạo lực...

Lewis: Đạo Hồi có một truyền thống chính trị phong phú. Bản thân tiên tri Mohammed cũng đã là một nhà chính trị. Jesus chết trên thánh giá, còn Mohammed chết với tư cách lãnh tụ của một quốc gia. Không như Moses, Mohammed nhìn thấy miền đất hứa của mình, giành được nó, thống trị nó, và làm tất cả những việc mà một lãnh tụ phải làm: lãnh đạo chiến tranh, ký hiệp ước hòa bình, ban hành luật pháp, thu thuế. Ngay từ đầu đạo Hồi đã coi quốc gia và tôn giáo là một. Vì thế nên những người theo đạo Hồi đã nghĩ rất nhiều về vấn đề quốc trị. Kinh Coran và những văn bản Hồi giáo khác cho thấy là chuyên chế và bạo lực không hề được ưa thích. Chính quyền tuy được tôn trọng nhưng vẫn bị hạn chế: chính quyền được dựa trên thảo luận và tham gia của thần dân. Cả hai phía đều có trách nhiệm.

Zeit: Tín đồ đạo Hồi có những quyền gì?

Lewis: "Quyền" là một khái niệm phương Tây. Trong thế giới quan của đạo Hồi, chỉ Thượng đế mới có quyền, còn con người thì có trách nhiệm. Họ có trách nhiệm đối với nhau. Trong caliphate, một thể chế cực đoan, kẻ thống trị có trách nhiệm đối với thần dân, và thần dân có trách nhiệm đối với kẻ thống trị. Sự phục tùng không phải là vô giới hạn. Không có phục tùng trong tội lỗi. Nghe có vẻ như quyền làm cách mạng ở phương Tây. Tín đồ đạo Hồi gần như có trách nhiệm phải làm cách mạng.

Zeit: Từ năm 1990 ông đã nói đến clash of civilizations, sự đụng độ của các nền văn minh. Ông có phải là người đưa ra khái niệm này không?

Lewis: Trước đó tôi đã dùng khái niệm này rồi, trong một buổi nói chuyện tại Washington. Trước đó nữa đã có ai dùng chưa thì tôi không biết. Phải nói rằng Thiên chúa giáo và Hồi giáo mâu thuẫn nhau không chỉ vì những sự khác biệt mà còn cả vì những chỗ giống nhau nữa. Chẳng hạn, vì khái niệm mặc khải hay vì niềm tin: chúng ta là những kẻ may mắn được đón nhận lời của Chúa nói với loài người. Những lời này chúng ta không chỉ nghe với nhau mà còn phải truyền bá bằng tất cả những phương tiện chính trị và quân sự cần thiết. Đây là điểm giống nhau giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo. Xét sự gần gũi về mặt địa lý của hai tôn giáo này thì thấy rằng, nếu chúng đi đến chỗ xung đột thì điều đó cũng là gần như không thể tránh được.

Zeit: Phụ đề một cuốn sách của ông nghe rất có tính định mệnh: "Vì sao xung đột hàng trăm năm giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo ngày càng gia tăng." Điều đó có nhất thiết không? Chúng ta có thể làm gì để chống lại sự lan truyền và tái xuất hiện của xung đột này?

Lewis: Chúng ta có thể giúp người Ả-rập dẹp đi những chính quyền bạo chúa của họ. Phương Tây đã biện hộ cho những nền độc tài này với một thái độ kiêu căng và phân biệt chủng tộc, nói rằng người Ả-rập là một chủng tộc hạ đẳng và không có khả năng thiết lập một chính quyền văn minh. Từ trước đến nay chúng ta vẫn giúp đỡ những tên bạo chúa vì quyền lợi riêng của chúng ta, vì phương Tây cần ổn định. Như Roosevelts nói: Ở những xứ đó chỉ có quân chó đẻ (sons of bitches) cầm quyền, và việc của chúng ta là xem chúng có phải quân chó đẻ của ta không.

Zeit: Ông có nhìn thấy dấu hiệu của nền dân chủ và tự do ở những nước Ả-rập không?

Lewis: Về lâu dài thì tôi vẫn lạc quan. Vì trong truyền thống chính trị của đạo Hồi có những yếu tố có thể giúp phát triển một xã hội nhân bản và cởi mở, trong đó con người được hưởng quyền lợi và chính quyền được hạn chế một cách đúng đắn. Có thể không phải là một nền dân chủ quốc hội - tất nhiên Iraq không thể thành Bắc Âu qua một đêm được - nhưng thiết lập một nền dân chủ bao giờ cũng khó, như chúng ta đã học được trong kinh nghiệm Đông Âu. Trong văn hóa Ả-rập có khái niệm "thống trị theo khế ước", chính quyền dựa trên cơ sở của đồng thuận, trong đó vị lãnh tụ cao nhất cũng phải tuân theo pháp luật như một kẻ nô lệ thấp hèn nhất. Đấy mới là truyền thống đạo Hồi, và đấy là một yếu tố mang lại nhiều hy vọng.


Bernard Lewis (1916), người Mĩ gốc Do Thái-Anh, nhiều năm dạy tại đại học Princeton, là một trong những chuyên gia kì cựu nhất trong giới nghiên cứu về Hồi Giáo và văn hoá Ả Rập. Ông từng tham dự những tranh luận nảy lửa với học giả Mĩ gốc Palestin Edward W.Said vừa quá cố về Đông Phương Luận.

© 2004 talawas
Nguồn: Die ZEIT, 13/2004, http://zeus.zeit.de/text/2004/13/BernLewis