trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
Loạt bài: Má»™t năm chiến tranh Iraq (tháng 3.2003- tháng 3.2004)
 1   2   3   4   5   6 
26.3.2004
Michael Ignatieff
Một năm sống hiểm nguy
Nguyễn Ước dịch và chú thích
 
BBT talawas đã bày tỏ quan điểm phản đối chiến tranh Iraq ngay từ ngày mở màn cuộc chiến cách đây một năm, song luôn tôn trọng và chọn giới thiệu cả những quan điểm khác. Cảm ơn dịch giả Nguyễn Ước đã chia sẻ nguyên tắc này và nhiệt tình giúp cho việc dịch bài sau đây, dù bản thân ông không ủng hộ cuộc chiến.
talawas
Năm trước, tôi là người miễn cưỡng nhưng tin tưởng ủng hộ cuộc chiến Iraq. Năm nay, trong khi chẳng vén lộ được vũ khí tàn sát tập thể và người Iraq bị nổ tung trên đường tới thánh đường, dân chủ bị hoãn lại tới sang năm, và bạn bè đều thắc mắc không biết tôi có nghĩ lại không? Có ai không nghĩ lại?

Sự xét lại của tôi bắt đầu với cuộc tranh luận năm ngoái. Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng mình tranh luận về Iraq nhưng trong cuộc tranh luận ấy, không xuất hiện nhiều lắm những gì có thể tốt đẹp nhất cho 25 triệu người Iraq. Như thường lệ, chúng tôi đề cập tới chính mình: Hoa Kỳ ra sao và cách thức dùng sức mạnh kinh khiếp của nó trên thế giới. Cuộc tranh luận biến thành cãi cọ về các ý hệ được giả trang là lịch sử. Người Cộng hoà bảo thủ đã cung cấp cho nước Mỹ chúng tôi những kẻ tiến bộ trong khi cánh tả tiến bộ thì cung cấp cho nước Mỹ chúng tôi nhưng kẻ xảo quyệt đang chống đỡ cho các chính khách đểu cáng và đang khuynh đảo những người được tuyển cử một cách dân chủ. Hoặc lịch sử là dối trá: Kế hoạch Marshall [1] đã cho thấy rằng Hoa Kỳ có thể đạt tới điều gì đó xác đáng, trong khi việc lật đổ Tổng thống Allende [2] tại Chi lê và việc ủng hộ các toán hành quyết tại châu Mỹ La-tinh cho thấy rằng Hoa Kỳ có thể sai lầm nghiêm trọng. Tuy thế, cũng một cách khác, những tiền lệ và những ý hệ ấy đều đã không thích đáng vì Iraq từng là Iraq. Và nó bộc lộ cho thấy rằng thực tế chẳng ai hiểu Iraq nhiều lắm.

Một năm sau, Iraq không còn là lý cớ hoặc trừu tượng. Nó là nơi người Mỹ đang chết, và người Iraq cũng đang chết, với số lượng ngày càng lớn. Ðặc biệt những cái chết ấy ám ảnh người ta tới độ không ai có thể - hoặc ít ra chưa thể - nói một cách chân thật rằng không biết liệu nó có được đền bù bằng sự nổi lên một nước Iraq tự do hay nó sẽ bị phí phạm bởi sự chìm xuống thành một cuộc nội chiến.

Tôi đã ủng hộ cuộc chiến ấy như một giải pháp ít tệ hại nhất trong những giải pháp có sẵn. Kiềm chế -giữ Saddam Hussein trong một chiếc hộp- có thể khiến chiến tranh thành ra không cần thiết, nhưng chiếc hộp đó lộ một chuỗi kẽ hở. Lúc ấy, Hussein đang luồn lách khỏi các cuộc cấm vận, ngày càng giàu hơn nhờ bán dầu hoả bất hợp pháp, và lúc ấy tôi nghĩ, như thế y bắt đầu khởi sự thêm lần nữa các chương trình vũ khí từng bị thanh tra Liên hiệp quốc (LHQ) hủy bỏ. Nếu Hussein sở đắc những vũ khí ấy và có thể bị ngăn không cho sử dụng, nhưng y có khả năng chuyển giao công nghệ kỹ thuật tàn hại ấy cho những kẻ đánh bom cảm tử không ai ngăn nổi. Từng có thời khả năng như thế bị cho là xa vời, nhưng sau ngày 11 tháng 9 thì dường như không khôn ngoan khi coi thường chuyện đó. Lúc ấy, tôi vẫn nghĩ rằng vũ lực phải là giải pháp sau cùng. Nếu Hussein nghe theo các thanh tra thì tôi không ủng hộ một cuộc đánh chiếm, nhưng ít nhất cho tới tháng 3.2003, có bằng chứng rằng y vẫn chơi cái trò cũ. Việc khiến cho Hussein ngưng các trò đó tùy vào sự hăm dọa khả tín về vũ lực, và người Pháp, Nga lẫn Trung Hoa đều không sẵn lòng phê chuẩn các giải pháp quân sự. Nơi tôi đang sống -vùng Massachusetts cấp tiến- quan điểm ấy không được ủng hộ rộng rãi.

Rốt cuộc sự khám phá ra rằng Hussein không có thứ vũ khí đó làm tôi ngạc nhiên nhưng nó chẳng làm tôi thay đổi quan điểm về đề tài cốt tủy ấy. Không bao giờ tôi nghĩ rằng câu hỏi chủ yếu là Hussein thật sự sở hữu những vũ khí nào, mà đúng ra là câu hỏi y có những dự tính gì. Từng có mặt ở Halabja năm 1992 và từng trò chuyện với những người sống sót sau cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học giết 5.000 người Iraq sắc tộc Kurd vào tháng 3.1988, tôi tin rằng trong khi có thể nghi ngờ các khả năng của Hussein thì không nên nghi ngờ chút nào về tính chất hiểm độc trong các dự tính của y. Thế giới này của chúng ta quả thật đã để sổng một lô dự tính hiểm độc, nhưng Hussein từng thật sự dùng vũ khí hóa học. Trong khi nhìn tới tương lai, một khi các cuộc cấm vận sụp đổ, các thanh tra bị đánh lừa và bắt đầu thu hoạch lợi tức từ dầu hoả thì chắc chắn trước sau gì Hussein cũng sẽ có khả năng thực hiện các dự tính của y.

Những kẻ chỉ trích cuộc chiến ấy nói rằng mọi cái ấy đều không thích đáng. Vấn đề thật sự là dầu hỏa. Nhưng họ lấy trở ngược sự thích đáng của dầu hỏa. Nếu hết thảy quan tâm của Hoa Kỳ là dầu hỏa thì hẳn Mỹ cảm thấy thoải mái với Hussein như nó từng cảm thấy trong quá khứ. Chính xác thì dầu hoả là vấn đề của cuộc chiến ấy nhưng lợi nhuận của nó làm Hussein khác biệt với đoàn lũ các tên độc tài hiểm độc khác. Nó là một thành tố quan trọng, sẽ cho phép y trước sau gì cũng có khả năng lại săn đuổi người Kurd, hoàn tất việc hủy diệt người Shiite, đe dọa Saudi Arabia và tiếp tục giúp đỡ các kẻ Palestin đánh bom cảm tử và hẳn là luôn cả Al Qaeda.

Tôi vẫn không tin rằng các lãnh tụ Mỹ và Anh xuyên tạc các dự tính của Hussein hoặc dối trá về các vũ khí mà họ tin rằng y sở hữu. Trong hồi ký mới đây, Hans Blix làm rõ ra rằng ông và các thanh tra đồng sự của LHQ từng nghĩ là Hussein đang che giấu điều gì đó và mọi cơ quan tình báo mà họ tham vấn đều nghĩ như thế. Nhưng sự dối trá không là vấn đề. Chính sự phóng đại mới là vấn đề; và không người nào ủng hộ cuộc chiến ấy cảm thấy sung sướng về lối "nguy cơ nghiêm trọng và tập trung" - như Bush đã cẩn thận đặc điểm hoá chế độ Hussein trong bài diễn văn đọc tại LHQ vào tháng 9.2002- để chầm chậm định hình nó thành một sự hăm doạ "sớm xảy tới". Lý do chân thật để gây chiến là "ngăn chận" - để chận đứng gã bạo chúa trong việc sở đắc các vũ khí tàn hại hoặc chuyển giao các khả năng ấy cho những kẻ thù khác. Quả thật chúng tôi từng nghe cái lý do "tiên hạ thủ" - để chận đứng gã bạo chúa đang sở hữu vũ khí ấy và áp đặt một nguy cơ sớm xảy tới.

Vấn đề đối với lập trường của tôi là nếu trường hợp chân thật như thế được đặt ra - chiến tranh ngăn chận thay vì tiên hạ thủ - thì cuộc chiến tranh ấy lại càng không được ủng hộ rộng rãi hơn nữa. Nhưng đó cũng là vấn đề đối với những kẻ phản đối cuộc chiến. Nếu họ nghĩ rằng lần này không thể biện minh cho trường hợp chiến tranh ngăn chận thì cái gì sẽ thuyết phục họ trong lần tới? Trừ phi sự hăm dọa là hiển nhiên, dân chúng các nước dân chủ không muốn chiến đấu nhưng nếu chờ cho tới lúc sự hăm dọa là hiển nhiên thì tổn thất chiến tranh có thể trở thành đắt giá ghê gớm. Lần tới, một tổng thống muốn lâm chiến vì nguy cơ vũ khí tàn sát tập thể thì gần như mọi người, kể cả các thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, sẽ tin rằng ông ta nói láo về nguy cơ. Nhưng nếu ông ta không nói láo thì sao? Ðiều gì sẽ xảy ra nếu tấm gương của Iraq khiến các cử tri và các chính khách có hành động đáp ứng quá chậm trước một bạo chúa hoặc một tên khủng bố?

Trong khi tôi nghĩ rằng trường hợp chiến tranh ngăn chận là đủ sức mạnh thì nó không có tính quyết định. Vẫn còn có thể tranh luận rằng sự hăm dọa ấy không hẳn là hiển nhiên và rằng các mạo hiểm khi lâm chiến là quá lớn. Ðiều khiến cho tôi chấp nhận những mạo hiểm ấy là niềm tin rằng Hussein đang đặc biệt điều hành một chế độ ghê tởm và rằng cuộc chiến ấy cho ta cơ hội thật sự và độc nhất để lật đổ y. Dù sao đó cũng là trường hợp lâm chiến mang tính cơ hội chủ nghĩa vì tôi đã nghĩ rằng chính quyền Bush chỉ xem việc giải phóng Iraq khỏi chế độ bạo tàn là mục tiêu phụ.

Vào đêm 19 tháng 3 bắt đầu oanh tạc, tôi ở bên cạnh một người Iraq lưu vong (vâng, tôi quen biết vài người có danh dự và can đảm trong số những người lưu vong ấy); và người ấy nói với tôi rằng: "Coi, trong đời tôi, đây là cơ hội đầu tiên và duy nhất cho nhân dân Iraq tạo dựng một xã hội thích đáng." Khi tôi nói rằng đây là trường hợp cơ bản của chiến tranh; các bạn tôi cười nhạo tôi. Có phải tôi đã không biết rằng chính quyền Bush ít quan tâm tới một Iraq thích đáng bằng sự ổn định và tuân phục? Tôi trả lời rằng nếu phải chờ cho có các dự tính tốt mới có được các hiệu quả tốt thì chúng ta sẽ phải chờ đợi mãi mãi.

Như thế, ủng hộ cuộc chiến ấy có nghĩa là ủng hộ một chính quyền mà tôi không hoàn toàn tín nhiệm vào các động cơ của nó nhưng tin vào các hệ quả. Ðó không chỉ là khó khăn độc nhất. Kể từ Bosnia và Kosovo, đã từ từ xuất hiện sự nhất trí rằng sự can thiệp nhằm chận đứng một cuộc thanh trừng chủng tộc hoặc tàn sát diệt chủng là có thể được biện minh như một giải pháp sau cùng. Và tuy thế, nhiều nhà nước dường như vẫn tin rằng giải phóng một dân tộc khỏi chế độ tàn bạo đang là nhân tố căn bản và lan rộng hơn bao giờ hết cho tính hiếu thắng của Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, việc thay đổi chế độ có những tổn thất rõ rệt -người Iraq chết, người Mỹ chết và Hoa Kỳ bị phân rẽ với nhiều đồng minh của nó và với LHQ. Tôi có thể tôn trọng kẻ tranh cãi rằng tổn thất như thế đơn giản là quá cao. Ðiều mà tôi thấy khó tôn trọng là sự lãnh đạm của các bạn phản chiến của tôi về những tổn thất nếu ta để cho Hussein tiếp tục ở lại nắm quyền. Ðiều ấy có ý nghĩa, không trừu tượng chút nào, đối với bất cứ ai từng thật sự ở trong xứ sở ấy. Vậy khi người ta nói: "Tôi biết y là một gã độc tài, nhưng..." thì hình như cái "nhưng" ấy tựa một sự né tránh đạo đức. Và khi người ta nói: "Hắn là tên sát nhân diệt chủng, nhưng đó là chuyện hôm qua," thì tôi nghĩ rằng: "Không biết từ bao giờ mà có cái qui chế về thời hạn đối với các tội ác chống lại nhân loại?" Và sau cùng, khi người ta nói: "Có một lô các tên độc tài và Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ tiếp tay hầu hết bọn chúng," điều ấy đối với tôi giống như thể một bằng chứng ngoại phạm ngọt ngào để khỏi phải làm gì cả. Giờ đây, một năm sau, tôi nghe cũng chính những người ấy nói với tôi rằng họ vui mừng vì Hussein đã ra đi, nhưng...

Chắc chắn trường hợp chiến tranh của chính quyền Bush sẽ có tính thuyết phục hơn nếu có bất cứ sự thừa nhận nào về việc đồng lõa của các chính quyền tiền nhiệm trong những hành động độc hiểm của Hussein, trong đó có chuyến viếng thăm đầy tình thân hữu của Rumsfeld là đặc sứ của tổng thống Reagan vào năm 1983, hoặc sự thất bại của Hoa Kỳ trong việc tố giác Hussein xâm lăng đẫm máu Iran năm 1980 và tàn sát bằng hơi độc người Kurd năm 1988. Giống như Osama bin Laden, người mà Hoa Kỳ chi tiền suốt thập niên 1980, Hussein là một quái vật có phần nào do người Mỹ tạo ra. Kinh nghiệm ấy hẳn dạy chúng ta rằng có hai châm ngôn của cái gọi là chính sách ngoại giao hiện thực của Hoa Kỳ từ thời chiến tranh lạnh nay phải vất vào sọt rác. Châm ngôn thứ nhất là: "Kẻ thù của kẻ thù ta là bạn ta," và thứ hai là: "Hắn có thể là gã khốn nạn nhưng ít ra hắn là gã khốn nạn của chúng ta." Cả hai phương châm ấy dẫn chúng ta vào cánh tay của bin Laden và Hussein, và người Mỹ phải chết để giải thoát chúng ta khởi vòng tay ôm tàn hại ấy.

Hẵn là dễ chịu nếu thỉnh thoảng những kẻ lập chính sách ngoại giao của Mỹ thừa nhận các lỗi lầm ấy, nhưng người ta đã không hiểu kịp thời, như những kẻ cấp tiến dường như giả dụ, rằng lịch sử đắc tội của Hoa Kỳ từng khiến cho nó lầm lạc khi đi theo Iraq của Hussein. Các hành động tốt thường được thực hiện bởi dân tộc có các giai đoạn lịch sử xấu xa. Tôi đã không thể thấy rằng làm thế nào chúng ta muốn có cái chung cuộc - Hussein phải ra đi - mà không sử dụng phương tiện có sẵn và duy nhất: Hoa Kỳ xâm chiếm Iraq, nếu cần thì làm một mình. Việc thay đổi chế độ một cách hoà bình - qua cấm vận, khích động đảo chánh và hỗ trợ khởi nghĩa ở trong nước - đã không đi tới đâu cả.

Tôi đã ủng hộ một chính quyền mà tôi không tín nhiệm các dự tính của nó, với niềm tin rằng các hệ quả sẽ bồi hoàn cho canh bạc ấy. Giờ đây tôi nhận thấy các dự tính ấy hình thành các hệ quả. Một chính quyền thật sự quan tâm tới nhân quyền hơn hẳn đã hiểu rằng không thể có nhân quyền nếu không có trật tự và rằng người ta không thể có trật tự một khi chiến thắng là thắng trận mà việc thiết kế cuộc xâm lăng tách biệt hẵn với việc thiết kế cuộc chiếm đóng. Chính quyền ấy đã thất bại trong việc nắm bắt ngay từ khoảnh khắc đầu tiên, khi đoàn xe tăng Mỹ chiếm được phố xá mà không có quân cảnh hoặc viên chức dân sự đi theo để canh gác các nhà bảo tàng, nhà thương, trạm bơm nước, nhà máy phát điện và ngăn chận nạn hôi của, giết chóc trả thù và tội phạm. Bảo đảm trật tự có nghĩa là đưa vào Iraq 250.000 lính thay vì 130.000. Nó hẳn có nghĩa là lập tức lưu dung và tái huấn luyện quân đội Iraq và cảnh sát thay vì giải tán họ. Chính quyền Bush, vốn chẳng bao giờ mỏi mệt khi nói với chúng tôi rằng hy vọng không đồng nghĩa với kế hoạch, nay thì tại Iraq chỉ có hy vọng là kế hoạch mà thôi.

Hy vọng mắc míu với quán tính suy nghĩ thẳng một lèo, nhưng sự không tưởng thì cũng thế: rằng người Shiite, những kẻ mà tổng thống Bush-Cha bảo nổi dậy năm 1991 rồi ông chỉ đứng chờ và ngắm họ bị tàn sát, sẽ đón chào những kẻ phản bội thuở ấy như những người giải phóng hiện thời; rằng thiểu số người Sunni đặc quyền sẽ thích nghi một cách đầy thiện cảm cái qui chế thiểu số trong một nước Iraq của người Shiite. Khi sự không tưởng hướng dẫn việc thiết kế thì sự hỗn loạn là kết quả.

Chính quyền Bush đã giả dụ rằng nó đảm trách một nhà nước đang hoạt động, rồi sau khi bọn hôi của vét sạch các cơ quan và các viên chức đảng viên đảng Baath chạy tìm chỗ trốn, nó nhận ra rằng Hoa Kỳ kế thừa tình trạng thất bại của chính nó. Chính quyền Hoa Kỳ tới Iraq với giả dụ rằng sự thách đố nó chính là lòng nhân đạo. Nó bừng mắt khám phá rằng sự thách đố nó là cuộc kháng chiến vũ trang. Mọi can thiệp đều kéo theo một yếu tố ảo giác nào đó nhưng nếu hành động can thiệp nào cũng đòi hỏi một số lượng ảo giác của chính quyền cứ muốn thử liều với nó thì trong tương lai chúng ta nên ít can thiệp.

Lúc này chúng ta đang ở đó, vấn đề không còn là hy vọng và ảo giác mà là thất bại và vỡ mộng. Những tường thuật báo chí từ Baghdad quá ảm đạm tới độ khó mà nhớ rằng có một gã độc tài đã ra đi, dầu hoả đã được bơm lại và bản hiến pháp tạm thời vừa được đưa ra bao gồm nhiều bảo đảm mạnh mẽ về nhân quyền. Thậm chí dường như chúng ta cũng không nhận ra sự tự do khi chúng ta thấy nó: hàng trăm ngàn người Shiite cuốc bộ bằng đôi chân trần để hành lễ trong thành thánh Karbala, người Iraq tham gia các cuộc mít-tinh trong thành phố và lần đầu tiên thử nghiệm nền dân chủ, báo chí và truyền thông tự do đầy dẫy khắp nơi, những cuộc biểu tình hàng ngày trên đường phố. Nếu tự do là mục tiêu duy nhất nhằm đền bù cho tất cả những gì đang chết thì tại Iraq đang thật sự có tự do, nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử của nó. Và tại sao chúng ta lại giả dụ tự do là cái gì đó khác với sự hỗn độn, hỗn loạn và kể cả kinh sợ? Tại sao chúng ta lại ngạc nhiên khi thấy người Iraq đang dùng tự do của họ để bảo chúng ta nên rút quân? Tại sao chúng ta lại không chỉ làm điều giống y như thế?

Tự do, một mình nó thôi dĩ nhiên là chưa đủ. Hoặc tự do chuyển biến thành một trật tự hiến định và lâu dài tùy thuộc cuộc kháng chiến khốc liệt đang không ngần ngại đưa người Hồi giáo ra đọ sức với người Hồi giáo, người Iraq đánh nhau với người Iraq, có thể dẫn tới một chính quyền vì sợ hãi về việc tái bầu cử của nó nên cuốn hút thêm các lực lượng Hoa Kỳ. Nếu lúc này Hoa Kỳ ngập ngừng thì hoàn toàn có thể có nội chiến. Nếu nó ngập ngừng, nó sẽ phản bội hết thảy những người đã và đang chết cho điều tốt lành hơn.

Nhưng can thiệp rốt cuộc là một lời hứa: chúng ta hứa rằng chúng ta sẽ rời đi trong tình trạng tốt hơn khi chúng ta tìm thấy nó; chúng ta hứa rằng những kẻ đã bỏ mình để tới đó sẽ không chết vô ích. Chưa bao giờ khó giữ những lời hứa ấy hơn ở Iraq. Chủ nghĩa quốc tế tiến bộ mà tôi ủng hộ suốt thập niên 1990 -những cuộc can thiệp tại Bosnia, Kosovo và Ðông Timor- so với lúc này có vẻ chỉ như trò chơi của con nít. Những hành động ấy là canh bạc, những canh bạc xuất hiện với sự bảo đảm được miễn truy tố: nếu chúng ta không thành công thì những phí tổn của thất bại ấy không có tính trừng phạt. Giờ đây tại Iraq, canh bạc đang tới hồi nghiêm túc. Không còn có sự miễn truy tố nữa. Những người tốt đang chết, và không vị tổng thống nào, Dân chủ hoặc Cộng hoà, đủ sức phản bội sự hi sinh đó.


Michael Ignatieff (1947) thuộc một dòng họ di dân từ Nga sang Bắc Mỹ. Ông sinh ở Toronto, Canada. Nguyên giáo sư môn lịch sử tại Ðại học British Columbia và nghiên cứu tại Học viện King, Cambridge, trường Ecole des Hautes Etudes Paris và Học viện St. Anthony, Oxford. Hiện là Giám đốc Carr Center tại Học viện Kennedy of Government, thuộc Ðại học Harvard, cộng tác viên của New York Times. Là tác giả cả hai loại sách nghiên cứu lẫn tiểu thuyết, với trên ba chục đầu sách đã được xuất bản, ông từng đoạt giải của Toàn quyền Canada và giải Heinemann của Hiệp hội Văn chương Hoàng gia Anh. http://ksgnotes1.harvard.edu/degreeprog/courses.nsf/wzByDirectoryName/MichaelIgnatieff


© 2004 talawas


[1]Chương trình Marshall: Tên thông dụng của Chương trình Phục hồi Châu Âu (European Recovery Program), một hệ thống viện trợ trung hạn của Hoa Kỳ trên qui mô lớn cho châu Âu bị tan nát vì cuộc Thế Chiến Hai, do ngoại trưởng Hoa Kỳ George Marshall công bố năm 1947. Tuy bị Liên Sô và khối Ðông Âu từ khước, nhưng "Viện trợ Marshall" từ năm 1948 tới 1950 đã hỗ trợ cơ sở vật chất, phục hồi kinh tế Tây Âu, đặc biệt là Tây Ðức. Hoa Kỳ viện trợ lúc ấy vì nhiều lý do, trong đó có tầm quan trọng của thị trường châu Âu đối với hàng hoá của Mỹ; sự lo sợ chủ nghĩa cộng sản lan tràn khắp châu Âu; và sự hội nhập châu Âu của Tây Ðức.
[2]Salvador (Gossens) Allende (1908-73): Chính khách và tổng thống của Chilê; sinh tại Valparaiso, Chilê. Ông góp phần thành lập Ðảng Xã hội Chủ nghĩa Chilê, tham gia nội các năm 1937 và làm bộ trưởng y tế suốt ba năm. Sau đó, đắc cử thượng nghị sĩ (1945-70); từng tranh cử tổng thống và thất bại trong các năm 1952, 1958 và 1964. Sau cùng, ông đắc cử năm 1970 nhưng không đạt kết quả đa số quá bán nên phải có sự xác định của Quốc hội mà trong đó, ông bị những nghị sĩ bảo thủ cánh hữu quyết liệt chống đối. Ông nỗ lực xây dựng một xã hội Xã hội Chủ nghĩa trong khuôn khổ nền dân chủ nghị viện nhưng gặp sự chống đối rộng rãi của giới tư sản và doanh nghiệp. Ông bị lật đổ bởi một hội đồng quân sự do tướng Augusto Pinochet lãnh đạo, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ. Allende chết trong khi giao chiến với quân đảo chánh.

Nguồn: Michael Ignatieff, The Year of Living Dangerously, New York Times, 14.3.2004, http://nytimes.com/2004/03/14/magazine/14WWLN.html