trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
8.9.2008
Vakhtang Kikabidze
“Không ai nói cho nhân dân Nga biết sự thật...”
(Trả lời phỏng vấn của tuần báo Kvela Siahle, Georgia)
La Thành dịch
 
Lời đầu của người dịch

Trong không gian văn hoá Xô-viết trước đây và cho đến hiện nay, Vakhtang Konstantinovich Kikabidze — thường được gọi bằng “Buba” (biệt danh vốn do những người thân cận sử dụng) hoặc “Mimino” (nhân vật phim cùng tên do ông thủ vai) — là một tên tuổi lớn: ông là ca sĩ nhạc pop, diễn viên kiêm đạo diễn điện ảnh, nhà viết kịch và tác giả ca khúc; từng được tặng Giải thưởng Nhà nước Liên Xô, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân nước Cộng hoà Xô-viết Georgia (tức Gruziya trong tiếng Nga) cùng nhiều giải thưởng và/hoặc sự tôn vinh quốc gia và quốc tế khác. Ở Việt Nam, nhiều người có thể còn nhớ diễn xuất của V. K. Kikabidze thông qua các nhân vật phi công “Mimino” Mizandari (phim nhựa Mimino, đạo diễn Georgiya Daneliya, được coi là một trong số các tượng đài của nền điện ảnh tượng trưng chủ nghĩa Xô-viết) hoặc điệp viên CIA John Glabb (phim truyền hình TASS được quyền tuyên bố, đạo diễn Vladimir Fokin). Năm 1999, một ngôi sao tên V. K. Kikabidze đã được đặt tại Quảng trường “Các Minh tinh” (Ploshchad’ Zvëzd) ở Moskva, nơi tôn vinh những danh nhân của nền nghệ thuật biểu diễn Xô-viết và Nga.

Là người gốc Georgia, “Buba” Kikabidze sinh ngày 19.7.1938 trong một gia đình đại quí tộc — bà nội là một quận chúa thuộc dòng họ quyền quí Mikadze, mẹ cũng là quận chúa thuộc hoàng tộc Bagration-Davitashvili (chấp chính triều đại Imereti trong lịch sử Georgia). Lớn lên và thành danh trong lòng chế độ Xô-viết, về căn cước văn hoá “Buba” hoàn toàn được coi là người Nga, hơn nữa là một người Nga danh lưu, thành viên chắc chắn của bộ phận trí thức nomenklatura được cả chế độ Xô-viết trước đây lẫn nhà nước Liên bang Nga hậu Xô-viết chăm bẵm, ưu ái. Gần đây nhất, trong tháng Bảy, theo một quốc tục từ thời Xô-viết, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã kí sắc lệnh tặng thưởng Vakhtang Kikabidze “Huân chương Hữu nghị” nhân sinh nhật lần thứ 70 của người nghệ sĩ trứ danh của cả hai quốc gia Nga và Georgia. Đồng thời, Bộ Văn hoá Liên bang Nga cũng quyết định tổ chức — vào ngày mồng 5.9.2008, tại Đại Điện trong Kremli — một buổi biểu diễn khánh chúc thất thập chu niên của Kikabidze, mở đầu cho tour lưu diễn mùa thu của ông tại Liên bang Nga. Một phần vé của buổi khánh diễn đã được bán qua Internet.

Tuy nhiên, dự án văn hoá đẹp đẽ nói trên vừa bị đánh hỏng. Hôm 12 tháng Tám, trên sóng phát thanh của radio Ėkho Moskvy (Tiếng vọng Moskva), “Buba” Kikabidze đã tuyên bố ông sẽ không đi Moskva lãnh nhận “Huân chương Hữu nghị” từ Tổng thống Nga, cũng như sẽ không tham dự buổi công diễn dành cho mình ở Kremli, để phản đối chiến dịch (từ mồng 8 đến 12.8.2008) mà quân đội Nga vừa tiến hành trên tổ quốc ông. Ngày 23 tháng Tám, tuần báo Kvela Siahle (Tin tức Mọi mặt) ở Tbilisi đã tiến hành phỏng vấn “Buba” về những chủ đề có liên quan. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn, do kí giả Natiya Dolidze thực hiện.
La Thành
Kvela Siahle (23.08.2008, 18:23) — Vào tháng Chín tới, ở Moskva đáng lẽ sẽ diễn ra buổi biểu diễn khánh thọ của “Buba” Kikabidze. Người Nga cũng đã chuẩn bị để trao cho ông “Huân chương Hữu nghị”. Tuy nhiên, batoni [1] Buba đã tuyên bố từ chối cả huân chương lẫn buổi khánh diễn.

Vakhtang Kikabidze: Những gì mà nước Nga đã làm ở Georgia là một cuộc xâm lược không thể chối cãi, một nỗ lực chiếm đóng một quốc gia có chủ quyền. Ở đây không có gì cần phải nói nhiều, tất cả chỉ nhìn qua đã thấy rõ. Vào thế kỉ XXI không ai hình dung nổi một điều như vậy, dù rằng điều đó do nước Nga gây ra. Rõ ràng, đây là một chiến dịch đã được trù liệu chu đáo, được lên kế hoạch từ trước. Quân xâm lược đã tràn ngập lãnh thổ của chúng ta một cách mau lẹ đến nỗi chúng không thể thực hiện được điều đó một cách tự phát mà không hề tính trước. Thoạt đầu tôi cứ ngỡ quân đội Nga chỉ hoạt động giới hạn trong khu vực có xung đột, nhưng khi nó tràn lấn suýt nữa thì cả nước Georgia, tôi mới vỡ lẽ: người Nga đã phát động cuộc chiến tranh man rợ này một cách có chủ đích. Chúng ta phải tận lực tống cổ họ đi. Phương Tây cần giúp đỡ chúng ta trong việc này. Dẫu sao thì nỗi bất hạnh này cũng có một hệ luỵ tích cực: cả thế giới đã thấy Nga là một nước như thế nào; đã thấy rằng ngay cả ở thế kỉ XXI nước Nga vẫn không hề thay đổi. Thật tồi tệ khi điều đáng ghê tởm này đã xảy đến với chúng ta. Làm sao được đây! Chúng ta là một dân tộc nhỏ, nếu nhìn lại lịch sử của chúng ta thì có lẽ không thể khác thế được. Toàn thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chúng ta, và điều mà thế giới đang thể hiện với chúng ta là cực kì quan trọng không chỉ trong lúc này, mà còn cả trong tương lai nữa. Về nước Nga, nó sẽ bị cả thế giới trừng phạt nghiêm khắc.

Natiya Dolidze: Mặc cho những áp lực quốc tế, nước Nga vẫn đang cố tình trì hoãn quá trình...

Vakhtang Kikabidze: Chị nói đúng. Họ đang cố gắng để làm sao có thể cướp bóc và chiếm đoạt được càng nhiều càng tốt. Rõ ràng, [quân đội của] họ đã được lệnh hãy huỷ diệt tất cả những gì có thể. Ở khu vực đèo Borzhomsky họ đã thực hiện hành động phá hoại các thắng tích một cách thú tính nhất: đốt rừng. Ngoài những kẻ man rợ ra thì ai có thể làm việc đó? Họ đã phóng hoả đốt những cánh rừng độc nhất vô nhị của chúng ta. Hành động huỷ diệt cảnh quan này là một tội ác chống loài người. Cũng chính họ đã san phẳng Tskhinvali, nhưng giờ đây loại toan buộc tội người Georgia đã làm việc đó. Tôi chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ sớm được làm sáng tỏ, chỉ cần chúng ta kiên nhẫn một chút. Không còn cách nào khác.

Natiya Dolidze: Ông có nhiều thân nhân và bằng hữu ở nước Nga. Họ có gọi điện cho ông không? Họ ngĩ gì về điều đang xảy ra?

Vakhtang Kikabidze: Hầu như không ai gọi điện cả, trừ một vài người thật gần gũi. Rõ ràng là họ đã hổ thẹn và cảm thấy có lỗi. Những người khác mà chị định nói đến, không có ai gọi điện cả. Có thể họ cảm thấy bất tiện. Mà nếu như có gọi điện thì họ biết phải nói gì với tôi? Một sự thật là hiện nay, giới trí thức ở nước Nga đang rất lo sợ. Tôi đã phải ngạc nhiên khi được biết rằng Grigory Yavlinsky [2] đã tổ chức được ở Peterburg một hoạt động phản chiến khá lớn và đã ủng hộ Georgia. Ít nhất thì cũng đã có người dám lên tiếng.

Natiya Dolidze: Ông đã khước từ cái gọi là “Huân chương Hữu nghị” mà chính quyền Nga đề nghị. Ông có thể nói về điều đó được không?

Vakhtang Kikabidze: Nói gì đây? [Đúng là] tôi đã từ chối. Nhưng liệu tôi có thể ứng xử khác thế được không?!

Natiya Dolidze: Sự tôn vinh đó là về cái gì? Ai trao tặng?

Vakhtang Kikabidze: Đây là một trong những hình thức tôn vinh có ý nghĩa nhất ở Nga. Nó được gọi là “Huân chương Hữu nghị”. Đáng lẽ tôi sẽ phải nhận trao huân chương vào tháng Chín; người ta đã gửi cho tôi hồ sơ về việc này, do đích thân Tổng thống Nga kí. Cũng vào dịp đó, trong tháng Chín, tại Đại Điện Kremli [đã dự kiến] sẽ có buổi biểu diễn khánh chúc chu niên sinh nhật của tôi. Tôi đã khước từ cả huân chương, cả buổi khánh diễn. Có thể nói về “tình hữu nghị” nào đây, khi người ta đang giật nổ nhà tôi và cố sức san phẳng đất nước tôi?!

Natiya Dolidze: Giả sử ông có cơ hội được phát biểu với các thính giả của mình ở Nga, ông sẽ nói gì với họ?

Vakhtang Kikabidze: Ai sẽ nghe tôi nói đây? Tôi cần phát biểu với ai những điều mà họ không nói được, bởi chính họ đang rất sợ? Tôi có [bạn đồng liêu là] một nhà đạo diễn chương trình người Nga. Ông ấy nói với tôi rằng từ nhiều thành phố ở Nga, những người hoàn toàn không quen biết đã gọi điện cho ông ấy và nói: “Hãy chuyển lời tới tôn ông Buba rằng chúng tôi ở bên cạnh ông ấy.” Nhưng nói to lên để biểu tỏ sự phản đối thì không ai dám. Chế độ Putin đã hăm doạ ngay cả các cư dân của nó; không một ai [dám] nói cho nhân dân Nga biết sự thật.

Natiya Dolidze: Vậy ông hãy nói đôi lời với người Georgia...

Vakhtang Kikabidze: Tôi muốn nói với người Georgia rằng lúc này chỉ có sự đoàn kết mới cứu được chúng ta. Chúng ta cần phải biết làm tất cả để bảo vệ đất nước của mình. Người Nga cần phải cuốn gói khỏi nơi đây. Sau đấy chúng ta sẽ chăm lo và tái thiết toàn bộ đất nước. Ít nhất là vào lúc này, chúng ta cần phải hiểu rằng sự chỉ trích dằn vặt lẫn nhau sẽ chẳng mang lại lợi ích gì. Tựu trung, trong những ngày này chúng ta thực sự có thể đứng bên nhau. Tai ương đã khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn. Tôi rất mừng khi phe đối lập đã ra tuyên bố chống lại cuộc xâm lăng của nước Nga. Chúng ta lúc này đang phải trông nom, cấp dưỡng, thu xếp [nơi ăn chốn ở] cho nhiều người; đang phải đưa những người chạy nạn trở về nhà. Tất cả những việc này đều đòi hỏi thời gian, nhưng chúng ta không được ngã lòng! “Hãy đứng vững trong hoạn nạn!” — Tổ tiên đã truyền dạy chúng ta như vậy, và chúng ta cần thực hiện cho bằng được.


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]batoni (tiếng Georgia): tôn ông, ngài. (Các chú thích là của người dịch.)
[2]Grigory Alekseevich Yavlinsky (1952—): nhà hoạt động chính trị và chuyên gia kinh tế học, người Nga lai Do Thái, người sáng lập và nguyên chủ tịch đảng chính trị đối lập theo đường lối khai phóng “Yabloko” trên chính trường Nga. G. A. Yavlinsky đã từng hai lần (1996 và 2000) là ứng cử viên tổng thống Nga của Đảng “Yabloko”.