trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 497 bài
  1 - 20 / 497 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị thế giới
17.10.2007
Diêu Giám Phục
Ý kiến của Bào Đồng
Tam Dương dịch
 
Gặp phải những năm tháng đen tối, những người yêu nước rất dễ bị qui nhầm là tội nhân. “Bi kịch” năm 1989 là do những nhà lãnh đạo Đảng và chính phủ trước đây tạo ra, người lưu vong, người tử nạn đều là người bị nạn. Hiện nay muốn xây dựng xã hội hài hòa, thì không nên “làm theo phương châm đã định” nữa. Duy trì lệnh cấm khiến người thân đau lòng kẻ thù khoái chí chỉ làm cho các phần tử hủ bại vui lòng! Tháng 6 năm 2007 tôi [Diêu Giám Phục] đã tham gia cuộc hội thảo học thuật kỷ niệm 50 năm đấu tranh chống phái hữu họp ở hai nơi: trường đại học Princeton (New Jersey) bờ đông và trường đại học California bờ tây nước Mỹ, những người đến từ ngoài nước đã được gặp tiên sinh Bào Đồng [1] ; ngày 17 tháng 7 gặp mặt ở khách sạn. Bởi vì việc cho tôi có “quyền hội viên” để đến nhà Bào Đồng chưa được phê chuẩn, nhưng mong rằng đó không phải là tín hiệu “thanh tra kiểm sát” đối với các học giả đại lục tham gia cuộc hội thảo khoa học chống phái hữu này. Bởi vì cuối cùng tôi vẫn có thể tiếp tục gặp mặt tiên sinh Bào Đồng, nhà đương cục có liên quan vẫn muốn thể hiện hình thức của xã hội hài hòa, khiến người ta kỳ vọng dân chủ, tự do, nhân quyền vẫn có thể có những tiến triển mới.


                                                                                                       *

Bào Đồng nhớ nhung sâu sắc bạn bè ở nơi xa

Bào Đồng đã từng lượt, từng lượt, từng tấm lại từng tấm chăm chú nhìn một số bức ảnh tôi chụp ở Mỹ. Ông cố gắng nhận xem những người cùng chụp ảnh với tôi là ai, tôi cố ý không nói họ tên những đồng sự dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Triệu Tử Dương đã sớm tối cùng ông nghiên cứu cải cách thể chế chính trị Trung Quốc, tôi tin là chỉ một cái nhìn là ông nhận ra “đây là ai”. Thế nhưng khiến người ta lấy làm tiếc, khiến người ta đau lòng, 18 năm xa cách bãi biển nương dâu, đã khiến Bào Đồng không dám xác nhận người có mặt trên bức ảnh là người quen vì nó đã rất không giống những gì ông ghi nhớ trong ký ức. Ông chỉ nhận ra hoặc là chỉ đoán ra một ông già: “Đây là Tô Thiệu Trí” [2] . Còn đối với các bạn bè cũ, các lão đồng sự cũ khác ông đều không dám xác nhận, chỉ sau khi tôi nói với ông, ông mới ngắm nhìn người đã hiện rõ vẻ già nua trên ảnh rồi hỏi tôi: “Đây là Nghiêm Gia Kỳ ư? Người đầu bạc trắng này là Cao Cao? [3] ”, “Đây là Trần Nhất Tư?” [4] Đây là Ngô Quốc Quang?” Sau khi xem hai bức ảnh ông đã một lần nữa lật lại xem lại, rõ ràng như vậy mà sau 18 năm vẫn không tin “những người già” trên ảnh vốn là những học giả trung, thanh niên tràn đầy tinh lực, nhiệt tình và ảo tưởng đã từng cộng sự với ông năm đó. “Đây là ai?”,“Ôi đây là…, ông vừa bảo tôi.”

Bào Đồng không hề động tới một chút thức ăn nào trên bàn mà tập trung toàn bộ tinh thần lần lượt ngắm nhìn những bạn bè cũ trên ảnh. Những người bạn lưu vong từ phương xa cũng mỉm cười chân tình với Bào Đồng, tôi cũng chuyển lời thăm hỏi và chúc mừng của họ tới Bào Đồng. Vào lúc đó những tấm ảnh như đã khiến các bạn bè cũ cách xa ngàn dặm như trao đổi tâm tình với nhau. Bào Đồng nhìn vào mắt tôi, nghiêm túc mà cảm động nói: “Ông nhất định phải viết một bài. Đầu đề là: “Hải nội tồn tri kỷ, thiên nhai nhược tỷ lân!” [trong nước còn tri kỷ, chân trời gặp láng giềng gần].

Ông dùng ánh mắt hy vọng nói với tôi: “Tôi thực lòng hy vọng cùng ông bay qua Thái Bình Dương đi về như con thoi giữa bờ đông và bờ tây nước Mỹ để hội kiến những bạn già này.”

Bào Đồng nói với tôi mà cũng là nói với những bạn bè ở nơi xa xôi trên ảnh: “Tôi thực sự hy vọng được gặp họ tại Bắc Kinh.” Tôi mong cơ hội lịch sử Olympic có thể làm cho hy vọng của Bào Đồng thành hiện thực, chứ không phải là chiếc bong bóng của một giấc mơ.

Bào Đồng nhớ “các bạn cũ ở Xưởng Kiều”

Tôi nói tới tình hình thảo luận tại đại học hai bờ biển đông, tây nước Mỹ “Vận mệnh phần tử trí thức Trung Quốc” cử hành “Nghiên cứu thăm dò học thuật 50 năm đấu tranh chống phái hữu”. Bào Đồng không ngăn được cảm khái nói: “Phản hữu là cái gì? Phản hữu là người lãnh đạo Trung Quốc giầy xéo lên pháp luật, đấu tranh với công dân Trung Quốc. Mao Trạch Đông là chủ soái, Đặng Tiểu Bình là phó soái. Đã 50 năm rồi mà vẫn chưa cho phép Trung Quốc đại lục tổ chức kỷ niệm! Lúc nào đại lục tổ chức được hội nghị như vậy là tốt, dân chúng Trung Quốc sẽ được tự do”. Ông nói: “đến lúc nào dân chúng Trung Quốc mới được tự do, cuối cùng vẫn quyết định bới chúng ta”. Tôi nói tới trong các họat động có tính học thuật tại Đại học Havard, Đại học Princeton, Đại học California v.v… có gặp nhiều học giả, giáo sư như Nghiêm Gia Kỳ, Trần Nhất Tư, Ngô Quốc Quang v.v…, bọn họ nhờ tôi chuyến lời hỏi thăm Bào Đồng. Bào Đồng nhớ lại: “chúng tôi là bạn cũ ở Xưởng Kiều.”

“Xưởng Kiều?” Tôi hỏi.

“Xưởng kiều” không phải là cầu [kiều] đâu mà là một miếng đất ở hướng tây bắc ngoài Trung Nam Hải, những năm [19]50 có căn nhà mái bằng của Văn phòng Cục Hoa Bắc ở đó, sau này thuộc về Văn phòng Trung ương, làm chiêu đãi sở. Trước đại hội 13, Văn phòng Nghiên cứu Thăm dò Cải cách Thể chế Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc” (gọi tắt là Văn phòng Cải cách Chính trị) đặt ở đó. Nhân viên là do mượn, điều từ các đơn vị tới. “Ý tưởng tổng thể cải cách thể chế chính trị” vừa thông qua, Đại hội 13 vừa họp xong, ngoài những nhân viên công tác tiếp tục ở lại Ban Nghiên cứu Cải cách Chính trị ra, mọi người ai nấy đều trở về dơn vị mình. Gia Kỳ về Viện Chính trị học, Nhất Tư về Viện Cải cách Thể chế, Quốc Quang trở về ban bình luận Nhân dân Nhật báo. “Sau này Ngô Quốc Quang có tiếp tục là thành viên của Ban Nghiên cứu Cải cách Chính trị không?”. “Có”, là nghiên cứu viên mời riêng. Năm 1986, tôi nhờ Nhân dân Nhật báo giúp đỡ, Hồ Tích Vỹ và tiên sinh Phạm Vinh Khang nhiệt tình đưa Ngô Quốc Quang tới. Thế nhưng là hiệp định quân tử “chỉ cho mượn chứ không điều động”. Năm 1987, Văn phòng Cải cách Chính trị kết thúc, tất nhiên tôi phải thực hiện lời hứa trước đó. Thế nhưng Ban Nghiên cứu Cải cách Chính trị vẫn mời Quốc Quang lúc đi lúc về. Vì thế mới có một số tư liệu bao gồm cả sau đại hội 13 trong cuốn Triệu Tử Dương và cải cách chính trị của ông. Triệu Tử Dương ca ngợi cuốn sách này vì nó đã ghi chép một đoạn lịch sử”.

Tôi nói: “Tôi không quen ông Phạm.” Bào nói: “Phạm tiên sinh là thầy Ngô Quốc Quang, Phó Tổng biên tập Nhân dân Nhật báo trong những năm [19]80, phóng viên chủ lực trong những năm [19]50, [19]60, căn cứ đi phỏng vấn viết bài của ông là nhà máy, hầm mỏ không phái là nông thôn vì vậy anh cảm thấy xa lạ. Phu nhân của Phạm tiên sinh là bà Thầm Dung, tác giả truyện vừa Đến tuổi trung niên, các con trai con gái là Lương Tả, Lương Thiên, Lương Hoan, nên nhớ lấy! Tôi được khai thông, biết và ghi nhớ. Tôi nói với Bào Đồng, hiện nay Quốc Quang chuyên tâm vào học thuật, đang dạy học tại một trường đại học ở Canada. Bào Đồng rất tán thành nói, học thuật là nghề chính của học giả, Trung Quốc cần học giả.

Bào Đồng kêu gọi: hủy bỏ lệnh cấm

“Năm đó Lưu Tân Nhạn [5] bị ung thư, muốn về nước chữa nhưng không được phê chuẩn, không may đã mất. Hiện nay Tô Thiệu Trí, Nghiêm Gia Kỳ, Cao Cao, Trần Nhất Tư đều không khỏe đều hy vọng về nước chữa bệnh. Nhưng các ngành có liên quan hạ lệnh cấm, không cho phép bọn họ về nước hoặc chỉ cho phép về nguyên quán”. “Về nông thôn thì làm sau chữa được bệnh nặng?” Tôi nói. Bao Đồng nói: “Đang ở năm tháng nào đấy! Mà vẫn chưa hủy bỏ lệnh cấm đối với những người lưu vong cấm cố? Lưu vong là “bi kịch”. Trần Nhất Tư đã tham gia khởi thảo nội dung tuyên bố 6 điểm của “một Hội ba Viện” đốc thúc học sinh kết thúc tuyệt thực, kêu gọi các giới bảo vệ trật tự, yêu cầu công khai giải quyết chia rẽ, kiến nghị triệu tập họp hội nghị đặc biệt của quốc hội, đều là những lời yêu nước, có điều nào coi là phạm “tội” không? Gặp những năm đen tối, những người yêu nước rất dễ bị qui sai làm người phạm tội. “Bi kịch” của năm 1989 là do người lãnh đạo Đảng và chính phủ trước đây chế tạo ra, người lưu vong, người bị chết đều là người bị nạn. Bây giờ muốn xây dựng xã hội hài hòa thì không nên “làm theo phương châm đã định”. Duy trì lệnh cấm mà người thân đau lòng kẻ thù khoái chí chỉ làm cho các phần tử hủ bại vui lòng!”

Vì sao lại không để cho những ông già những năm đó đã quá 60 tuổi mang bệnh nặng về nước chữa bệnh? Lấy con người làm gốc, phương châm của xã hội hài hòa cũng nên quán triệt vào những người yêu nước kiên trì dân chủ và thống nhất tổ quốc này.

Nhớ học giả-người quen cũ ở nơi chân trời, Nghiêm Gia Kỳ tặng tôi một kỷ niệm nhỏ - mô hình nhà thờ Đức Bà Paris, tôi đã tặng lại Bào Đồng, vì tôi hiểu tình bạn giữa hai người rất sâu sắc. “Đây là tặng phẩm của người quen cũ ở nơi chân trời”. Bào Đồng nói sau khi đã trân trọng cất vào túi, và tưởng nhớ, nói: “Tôi quen Gia Kỳ tại những buổi hội ý đầu năm 1979. Ông ấy đã phát biểu phải thủ tiêu ‘chế độ chức vụ lãnh đạo suốt đờI’, có một số nhà lãnh đạo đã phê bình ông. Đối mặt với sức ép cao, Gia Kỳ vẫn kiên trì kết luận của mình. Tại Hội nghị tọa đàm lý luận 30 năm dựng nước vào tháng 9 cùng năm, Gia Kỳ lại nhắc lại kiến nghị trên với những lời lẽ thiết tha. Lần đó tôi và Gia Kỳ ở cùng một tổ, sau khi ông phát biểu, tôi đã hưởng ứng. Bảy năm sau, tháng 9 năm 1986, tổ nghiên cứu cải cách thể chế chính trị quyết định thành lập văn phòng. Gia Kỳ và tôi, Chu Kiệt, Hạ Quang Huy đều là một trong bốn người phụ trách văn phòng, công tác dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tử Dương. Ba cán bộ, một học giả, hợp tác rất tốt, bản thân tôi cảm thấy rất có ích.”

“Phản ánh riêng (hoặc báo cáo ngầm) là sở trường riêng của Đặng Lực Quần. Năm 1987, Đặng Tiểu Bình phế truất Hồ Diệu Bang, phát động chống tự do hóa. Cho rằng cơ hội đã tới, Đặng Lực Quần đã tố cáo với Trung ương, nói Nghiêm Gia Kỳ làm tự do hóa, làm sao anh ta có thể làm cải cách chính trị? Đặng Lực Quần yêu cầu điều Nghiêm Gia Kỳ về Viện Xã hội phê phán. Tử Dương đã chặn lại, nói, Nghiêm Gia Kỳ công tác ở đây rất tốt, không thể điều đi. Đặng Lực Quần thất bại.

Tháng 6 năm 1989, “cơ hội” đến thật. Quốc vụ Viện uỷ nhiệm Trần Hy Đồng báo cáo “dẹp bạo loạn” với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã bịa đặt xuyên tạc toàn bộ nội dung; trong đó nói, Nghiêm Gia Kỳ vì được Bào Đồng giới thiệu với Triệu Tử Dương nên được trọng dụng. Tin đó hoàn toàn là hư cấu.

“Chân tướng là, tháng 9 năm 1986, được sự uỷ nhiệm của Đặng Tiểu Bình, Triệu Tử Dương chuẩn bị đề xuất ý tưởng cải cách thể chế chính trị với Đại hội 13. Triệu Tử Dương nhờ Hồ Kiều Mộc giới thiệu một học giả thanh niên đã có thành tựu tham gia công tác tại Văn phòng Tổ Nghiên cứu Cải cách Thể chế Chính trị, Hồ Kiều Mộc giới thiệu Nghiêm Gia Kỳ, Uỷ viên Uỷ ban Học thuật Viện Khoa học Xã hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính trị. Trong phiên họp đầu tiên của tổ nghiên cứu, Triệu nói với Bạc Nhất Ba, Hồ Khởi Lập, Điền Kỷ Vân: “Văn phòng cần học giả, Nghiêm Gia Kỳ là một vị học giả.”

“Khi báo chí đăng đoạn báo cáo của Trần Hy Đồng thay mặt Quốc vụ Viện lừa gạt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tôi đã nằm trong ngục từ trước, nhưng vẫn rất lo lắng cho cảnh ngộ của Nghiêm Gia Kỳ. Tôi tuyên bố với tổ chuyên án là người giới thiệu Nghiêm Gia Kỳ với Triệu Tử Dương không phải là tù nhân Bào Đồng này mà là Hồ Kiều Mộc, trợ thủ của Đặng Tiểu Bình. Lúc này Hồ Kiều Mộc vẫn còn sống không khó đối chiếu sự thực.”

Bào Đồng trịnh trọng nói với tôi: “Nghiêm Gia Kỳ không phải là người quan dạng, là một học giả không theo đuổỉ quyền lực và tiền của. Ông là một học giả đầy vẻ thư sinh, quyết không phải là chính khách.” Tôi nói với Bào Đồng lời dự báo “Thay đổi luân phiên không theo trình tự” của Nghiêm Gia Kỳ, có người cho rằng, Nghiêm Gia Kỳ nghiên cứu “Thay đổi luân phiên không theo trình tự” đã kích thích Đặng Tiểu Bình sử dụng hành động trấn áp. Bào nói: “Đặng Tiểu Bình là con hổ trên núi Cảnh Cương, mượn lời Mao Trạch Đông thì kích thích cũng vậy, không kích thích cũng thế, còn dùng lời nói của chính Đặng Tiểu Bình thì là, đại khí hậu đã quyết định, tiểu khí hậu cũng quyết định, để bảo vệ sự chuyên chính một đảng, Đặng Tiểu Bình không thể không điều động mấy chục vạn quân Giải phóng đến trấn áp quần chúng.”

Thay đổi luân phiên người đứng đầu không theo trình tự” là hình thức đảo chính chủ yếu. Lịch sử thế kỷ XX của Trung Quốc có thể nói là thay đổi luân phiên những người đứng đầu không theo trình tự. Đó là một vấn đề được Nghiêm Gia Kỳ quan tâm chú ý và nghiên cứu từ cách mạng văn hóa đến nay. Rõ ràng là Đặng Tiểu Bình rất phản cảm với loại nghiên cứu này, đó là sự tự lựa chọn của Đặng. Nhà chính trị có thể không ưa thích những đầu đề và quan điểm của các học giả, nhưng không có quyền do phản cảm mà phát động những tai họa lớn chống nhân dân. Đối với việc học sinh truy điệu Diệu Bang, đối với việc Triệu Tử Dương “giải quyết vấn đề trên quỹ đạo dân chủ và pháp chế” Đặng Tiểu Bình đều vô cùng phản cảm. Thế nhưng bất kể là học sinh, bất kẻ là học giả, bất kể là Triệu Tử Dương đều không thể chịu tội thay cho Đặng Tiểu Bình. Các nhà đại chính trị phải chịu trách nhiệm về hành vi độc tài của mình một trăm phần trăm. Qui tội ác của Đặng Tiểu Bình cho những thỉnh nguyện của học sinh, cho những bàn bạc của học giả, cho sự chống lệnh của Triệu Tử Dương thì bất kể là về đạo nghĩa, về pháp luật đều không có căn cứ. Bản thân Đặng Tiểu Bình cũng hiểu rất rõ, ông ta đã sống những ngày còn lại trong sự hối hận, xấu hổ đan xen.

Bào Đồng nói: Đặng Tiểu Bình sống trong sự hối hận, xấu hổ đan xen lúc cuối đời

Tôi hỏi Bào Đồng: Vì sao ông biết vào cuối đời Đặng Tiểu Bình sống trong hối hận, xấu hổ đan xen?”

Bào Đồng ha hả cười lớn: “Tôi không biết thủ đoạn tình báo, cũng không có bản lĩnh bịa đặt ra sự thực. Tôi chỉ lấy lời con gái ông ta ra làm tài liệu ban đầu, rồi dùng thường thức phân tích một chút. Mấy năm trước, khi trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài, con gái ông ta nói [6] : “6-4” [7] không có kinh nghiệm, chết người, là một bi kịch”. Những lời nói từng trải, già nua này đâu có thể nghĩ ra được từ một thanh niên? Như tôi võ đoán, đó là cô con gái đã lặp lại những di ngôn của người cha già trên giường bệnh. Người già quay đầu nhìn lại quãng đường cát bụi đã đi, hối hận xấu hổ không thôi, con gái nghe rồi thấm hiểu, gặp khi phỏng vấn đã buột miệng nói ra; “không có kinh nghiệm” là xấu hổ, “chết người” là hối hận, “bi kịch” là định tính lại “6-4”. Mười tám năm rồi, định tính vẫn giằng co không xong. Dân chúng cho rằng là người lãnh đạo “trấn áp”, tập đoàn lãnh đạo thì muốn đánh đổ người thứ nhất, nói là dân chúng “bạo loạn”, “động loạn”; sau này muốn làm người ta quên đi quá khứ nên đã đổi lời nói thành “sóng gió” cho nhẹ đi. Hai chữ “bi kịch” của cha con họ Đặng vừa chuẩn xác lại vừa hàm hồ, vừa có định tính lại vừa có tính co rút, nhưng bất kể xét từ phía nào cũng thấy không thể không phủ nhận đó là bi kịch. Những người lãnh đạo hiện nay nếu tôn trọng ý kiến nhà Đặng, định tính lại “gió bão” “động loạn”, “sóng gió” thành “bi kịch”, tôi thấy sẽ được sự đồng thuận tương đối phổ biến, đạt được “nhận thức chung bi kịch”. “Nếu đã là bi kịch thì nên giải quyết tốt những việc còn lại theo bi kịch”

“Ông nói nên giải quyết những việc sau đó như thế nào?”

Tôi nghĩ giải quyết tốt những việc sau đó chí ít cũng phải chịu đựng nổi sự kiểm nghiệm của lịch sử; phải để cho linh hồn những người chết được yên nghỉ, phải để cho bạn bè thân thiết của những người chết và dư luận trong, ngoài nước có thể thông được. Theo “bi kịch” định tính “6-4” để giải quyết tốt những việc sau đó là một bước quan trọng và then chốt mà việc xây dựng xã hội hài hòa không thể không đi. [8]

(Tác giả nguyên là thành viên Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông thôn của Quốc vụ Viện Trung Quốc, nghỉ hưu 1992.)

Bản tiếng Việt © 2007 talawas


[1]Nguyên thư ký chính trị của Triệu Tử Dương, trong sự kiện Thiên An Môn bị tù giam 7 năm, hiện ở Hồng Kông. Đầu đề bài viết do người dịch đặt. Trừ chú thích của tác giả, các chú thích đều của người dịch.
[2](1925-) nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Mao Trạch Đông thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Năm 1987, bị cách mọi chức vụ trong và ngoài Đảng, sau sự kiện Thiên An Môn lưu vong ở Mỹ.
[3]Vợ Nghiêm Gia Kỳ, hai người có tác phẩm chung Lịch sử mười năm cách mạng văn hoá, trong đó Cao Cao là tác giả thứ nhất.
[4]Nguyên Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cải cách Thể chế Kinh tế Trung Quốc năm 1984-1989. Sau sự kiện Thiên An Môn lưu vong ở Mỹ.
[5](1925-2005) Nhà văn, nhà báo. Nguyên phóng viên Nhân dân Nhật báo và Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Sau sự kiện Thiên An Môn lưu vong ở Mỹ.
[6]Đặng có 3 người con gái, chưa biết là ai.
[7]Tức vụ Thiên An Môn 1989.
[8]Những lời nói của Bào Đồng trong bài viết này đã được Bào Đồng thẩm tra đối chiếu ngày 3 tháng 8 năm 2007. Chú thích của tác giả.
Nguồn: Tạp chí Động hÆ°á»›ng số 8 năm 2007