trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
1.8.2006
Friedrich Nietzsche
Buổi hoàng hôn của những thần tượng
hay Làm cách nào triết lí với cây búa
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
 1   2   3   4   5 
 
“Lí trí” trong triết học

1.
Bạn hỏi tôi tất cả đặc chất nơi những triết gia là gì?... Chẳng hạn sự thiếu cảm thức lịch sử của họ, sự thù ghét ý tưởng về Biến Dịch của họ, chủ trương tồn cổ kiểu Ai Cập của họ. Họ tưởng họ làm vẻ vang một sự việc khi họ tước bỏ khía cạnh lịch sử của nó, sub specie aeterni [1] ,- khi họ biến nó thành một xác ướp. Tất cả những ý tưởng mà những triết gia mân mê hàng năm chỉ là những ý tưởng xác ướp; không có gì thực thoát ra khỏi bàn tay họ mà còn sinh động. Họ giết, họ lột da, nhồi trấu khi họ tôn sùng, những vị sùng bái ý tưởng này, - họ trở thành một hiểm họa chết chóc cho tất cả mọi sự khi họ tôn sùng. Chết chóc, thay đổi, tuổi tác, cũng như sinh sản và trưởng thành đối với họ đều là những dị luận - những bác luận nữa. Cái đang hiện hữu không biến dịch; cái biến dịch không hiện hữu… Bây giờ họ hoàn toàn tin, tới độ tuyệt vọng nữa, vào Hữu Thể [2] . Nhưng vì họ không thể nắm được nó, họ tìm kiếm lí do tại sao họ bị ngăn trở không đạt tới. Phải có một Hiển Thể [3] , một sự lừa gạt, ngăn cản không cho chúng ta tri giác Hữu Thể: kẻ lừa gạt ở đâu?” - “Chúng ta nắm được nó rồi”, họ sung sướng kêu lên; “đó là nhục cảm. Những giác quan này, đồng thời cũng rất vô luân, chính chúng lừa gạt chúng ta về thế giới chân thực. Luân lí: thoát ra khỏi sự lừa gạt của giác quan, khỏi biến dịch, khỏi lịch sử: lịch sử không là gì khác hơn sự tin tưởng vào giác quan, tin tưởng vào dối trái. Luân lí: khước từ tất cả những kẻ tin vào giác quan, khước từ toàn thể nhân loại: tất cả những kẻ đó đều thuộc về “quần chúng”. Là một triết gia, là một xác ướp, trình bầy thuyết monotonothéisme bằng cách bắt chước điệu bộ của phu đào huyệt! - Và trên hết, tẩy chay thân xác, cái idée fixe [4] đáng thương của những giác quan! Nhiễm đầy khuyết điểm của luận lí, bị bác bỏ, bất khả nữa, dù khá trơ trẽn khi cư xử như thể nó có thật…”

2.
Với một niềm kính cẩn vô biên, tôi đặt riêng tên tuổi Héraclite [5] sang một bên. Nếu tất cả bọn triết gia khước từ chứng cớ minh bạch của những giác quan bởi chúng cho thấy phức tính và biến chuyển, thì ông cũng khước từ chứng cứ minh bạch của bọn họ vì họ trình bày sự vật như thể chúng có trường cửu tính và nhất tính. Ngay cả Héraclite cũng bất công với những giác quan. Giác quan không lừa dối theo cách những triết gia trường phái Éléates tưởng, cũng không như ông tưởng - chúng không lừa dối bao giờ cả - Chính điều ta tạo nên từ chứng cớ minh bạch của chúng là cái đầu tiên du nhập sự dối trá vào; chẳng hạn sự dối trá của nhất thể, sự dối trá của thực tại, của bản thể, của trường cửu… Lí trí chính là nguyên do của sự xuyên tạc chứng cớ minh bạch của giác quan. Chừng nào mà giác quan chỉ sự biến dịch, sự chuyển biến, sự đổi thay, chúng không dối trá… Nhưng Héraclite sẽ mãi mãi đúng khi tuyên bố rằng Hữu Thể chỉ là một ảo tưởng rỗng tuếch. Thế giới “hiển lộ bề ngoài” là thế giới duy nhất: thế giới “chân thực” chỉ là do sự dối trá thêm vào

3.
Và những giác quan của chúng ta là những dụng cụ quan sát tinh xảo biết bao! Cái mũi chẳng hạn, mà không triết gia nào không từng cung kính và biết ơn khi nói tới, ngay như cái mũi tạm thời là dụng cụ tế nhị nhất thuộc quyền sử dụng của chúng ta: dụng cụ này có thể ghi nhận những sự sai biệt nhỏ nhặt nhất trong sự vận chuyển, mà ngay cả kiếng quang phổ cũng không thể ghi nhận được. Ngày nay chúng ta có khoa học tới chừng độ nào mà chúng ta quyết định chấp nhận chứng cớ minh bạch của những giác quan,- tới chừng độ mà chúng ta làm bén nhọn và võ trang những giác quan, học suy tưởng chúng tới cùng. Còn lại là sự sẩy non chứ chưa phải là khoa học nữa: nghĩa là siêu hình học, thần học, tâm lý học hay nhận thức luận. Hay khoa học hình thức, lí thuyết về biểu tượng: như luận lí và luận lí học ứng dụng, toán học. Trong tất cả những khoa học này thực tại không hề lộ diện, dù như một vấn đề; cũng hiếm hoi như câu hỏi một hệ thống kí hiệu quy ước như luận lí có giá trị gì vậy.

4.
Đặc chất khác của các triết gia cũng không kém phần nguy hiểm: nó hệ tại việc lẫn lộn cái cuối cùng với cái đầu tiên. Họ đặt cái đến sau cùng - bất hạnh thay! bởi nó không bao giờ được đến! - những “khái niệm cao nhất”, nghĩa là những khái niệm đại cương nhất và rỗng tuếch nhất, đám khói cuối cùng của thực tại bốc hơi, lên đầu và như cái khởi đầu. Một lần nữa đây lại là cách duy nhất biểu lộ lòng sùng kính của họ: cái cao cả nhất không được phép nẩy sinh từ cái thấp nhất, không bao giờ được phép nẩy sinh… Luân lí: tất cả những gì thuộc thượng đẳng phải là causa sui [6] . Bắt nguồn từ một căn nguyên khác bị coi như một vấn nạn, như đáng hồ nghi về giá trị. Tất cả mọi giá trị siêu đẳng phải thuộc thượng đẳng, tất cả mọi khái niệm siêu đẳng như hữu thể, tuyệt đối, chân, thiện, hoàn hảo - tất cả đều không thể “trở thành” do đó phảicausa sui. Nhưng những khái niệm siêu đẳng này cũng không thể bất tương xứng với nhau… Vì lẽ đó họ đi tới khái niệm kì dị của họ về “Thượng đế”… Cái cuối cùng, cái mong manh nhất, trống rỗng nhất được đặt lên đầu, như nguyên nhân của chính nó, như ens realisimum [7] … Nhân loại phải coi trọng những bệnh tưởng đau màng óc của những tên dệt mạng nhện bệnh hoạn này! - Và nhân loại còn phải trả giá rất đắt vì đã làm vậy!...

5.
Để kết luận, chúng ta hãy thiết định đường lối khác biệt trong đó chúng ta (- tôi nói “chúng ta” vì lịch sự…) quan niệm vấn đề sai lầm và hiển thể. Trước kia người ta thường coi sự thay đổi, đột biến là bằng chứng của hiển thể như một dấu hiệu của sự hiện diện của một cái gì đó phải có ở đó để dẫn dắt chúng ta vào chỗ lầm lạc. Ngày nay ngược lại, chúng ta thấy rõ rằng chừng nào mà lí trí bắt buộc chúng ta phải qui định nhất tính, sự trường cửu, thực thể, nguyên do, thực tại, hữu thể là một cách nào đó chúng ta bị vướng mắc vào sai lầm, cần phải sai lầm; dù chúng ta chắc chắn thế nào, căn cứ trên sự kiểm chứng gắt gao, thì sự sai lầm vẫn có ở đó. Ở đây cũng chẳng khác gì sự vận hành của mặt trời: trong trường hợp kia sự sai lầm có con mắt của chúng ta làm nhân chứng, trong trường hợp này có ngôn ngữ của chúng ta không ngớt biện hộ. Trong căn nguyên của nó, ngôn ngữ thuộc về thời đại của những hình thức sơ khai nhất của tâm lí học: chúng ta sẽ thấy mình ở giữa lòng sự sùng bái vật thần thô thiển nếu chúng ta triệu hồi những điều kiện cơ bản của khoa siêu hình học của ngôn ngữ, nghĩa là của lí trí, tới trước ý thức. Khắp nơi nó chỉ thấy tác nhân và tác động [8] : nó tin vào ý chí như nguyên nhân tổng quát; nó tin vào “tự ngã”, tin vào tự ngã như hữu thể, tin vào tự ngã như thực thể và nó phóng chiếu lòng tin tưởng vào tự ngã-thực thể [9] của nó lên tất cả mọi sự vật - chỉ bằng cách đó nó mới sáng tạo ra khái niệm “sự vật”… Khắp nơi hữu thể được quan niệm, tiếp dẫn vào, như là nguyên nhân; chính từ khái niệm về “ngã” mới tiếp nối, nẩy sinh ra khái niệm về “hữu thể”… Thoạt kì thuỷ, là sự sai lầm tai hại lớn lao cho rằng ý chí là một cái gì tác động, rằng ý chí là một năng lực… Ngày nay chúng ta biết rằng đó chỉ là một danh từ không hơn không kém… Rất lâu sau, trong một thế giới trăm ngàn lần sáng lạn hơn, sự chắc chắn, sự xác tín chủ quan, trong sự sử dụng những phạm trù của lí trí [10] đột nhiên đến với ý thức của những triết gia: họ kết luận rằng chúng không thể đến từ kinh nghiệm, - vì quả thực tất cả những gì thuộc kinh nghiệm đều không thích hợp với chúng. Vậy thì chúng bắt nguồn từ đâu? Ở Ấn Độ, cũng như ở Hy Lạp, người ta đều mắc chung một lỗi lầm này: “Ngày xưa chắc chắn chúng ta phải ở trong một thế giới cao siêu hơn (- thay vì nói trong một thế giới hạ đẳng hơn rất nhiều, điều đó mới đúng!) - “chắc chắn chúng ta phải thần thánh lắm, bởi vì chúng ta có lí trí!”… Từ trước tới nay không có gì có sức thuyết phục ngây thơ hơn sự sai lầm về hữu thể, như nó được hình thành bởi những triết gia thuộc trường Éléate chẳng hạn: vì mỗi chữ, mỗi câu chúng ta thốt ra đều nói lên vì nó! - Ngay cả những đối thủ của trường Éléate cũng chịu cái ảnh hưởng quyến rũ của khái niệm về hữu thể của họ: trong số những người đó có Démocrite, khi ông phát kiến ra nguyên tử… “Lí trí” trong ngôn ngữ: Ôi! thật là một con mụ lường gạt đáo để! Tôi sợ rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi Thượng Đế vì chúng ta hãy còn tin vào văn phạm…

6.
Người ta sẽ cảm ơn tôi nếu tôi cô đọng một sự sáng suốt vô cùng mới mẻ và quan trọng vào bốn luận đề: bằng cách này tôi sẽ khiến nó dễ hiểu hơn, bằng cách này tôi sẽ khơi ra sự mâu thuẫn.

Mệnh đề thứ nhất: Những lí do khiến thế giới “này” được coi như một thế giới của hiển thể, chính là những lí do chứng minh thực tại của nó, - một thực tại khác tuyệt đối không thể chứng minh được.

Mệnh đề thứ hai: Những đặc tính người ta gán cho “hữu thể chân thực” [11] của sự vật thẩy đều là những đặc tính của vô thể [12] của hư thể [13] - “thế giới chân thực” được xây dựng bằng cái mâu thuẫn của thế giới đích thực: quả thực thế giới hiển lộ [14] nếu được nhìn như thế, thì nó chỉ là một ảo tưởng thị giác luân lí.

Mệnh đề thứ ba: Nói về một thế giới “khác” thế giới này là điều hoàn toàn vô nghĩa, miễn là chúng ta không có một bản năng mãnh liệt buộc chúng ta phỉ báng, dèm pha và lên án cuộc đời này: trong trường hợp sau chúng ta trả thù cuộc đời bằng sự lạm dụng ảo tưởng về một cuộc đời “khác”, một “cuộc đời tốt đẹp hơn”.

Mệnh đề thứ tư: Chia thế giới ra làm một thế giới “thực” và một thế giới “hiển lộ” hoặc theo lối của Kitô giáo hay lối của Kant (sau rốt, cũng chỉ là một tín đồ Kitô xảo quyệt) thì cũng chỉ là một dấu hiệu của sự décadence - một triệu chứng của cuộc sống sa đoạ. Sự kiện người nghệ sĩ đặt hiển thể lên trên thực tại không phải là một vấn nạn chống lại mệnh đề này. Bởi “hiển thể” ở đây cũng có nghĩa là thực tại nữa nhưng mà dưới một hình thức lựa chọn, kiên cường hoá, sửa sai… Người nghệ sĩ bi tráng không bi thảm, - hắn chính là kẻ khẳng định tất cả những gì còn hồ nghi và khủng khiếp trong cuộc đời, hắn là một kẻ theo Dionysos.


*


“Thế giới chân thực” cuối cùng trở thành một huyền thoại như thế nào
Lịch sử một lầm lẫn

1.
Thế giới chân thực, rộng mở cho hiền nhân, kẻ mộ đạo, người đức hạnh - hắn sống trong đó, hắn là thế giới đó.

(Hình thức tư tưởng cổ điển nhất, khá dễ hiểu, đơn giản, hùng hồn. Uyển-khúc-pháp của mệnh đề: “Ta, Platon, ta chân lí.”) [15]

2.
Thế giới chân thực, khép kín với giây phút, nhưng hứa hẹn với hiền nhân, kẻ mộ đạo, người đức hạnh (“với kẻ tội đồ ăn năn”).

(Sự tiến bộ của tư tưởng: nó trở nên tế nhị hơn, phỉnh gạt hơn, khúc mắc hơn, - nó trở thành đàn bà, nó trở thành tín đồ Kitô giáo…)

3.
Thế giới chân thực, khép kín, không thể chứng minh, không thể hứa hẹn, nhưng, dù chỉ mơ tưởng, là một an ủi, một mệnh lệnh.

(Vẫn là mặt trời xưa cũ, nhưng mờ tối vì sương mù và hồ nghi; ý tưởng trở nên xanh xao, thuộc về miền bắc, của người ở Königsberg [16] )

4.
Thế giới chân thực, khép kín? Khép kín trong bất cứ trường hợp nào. Và vì khép kín nên cũng bất khả tri. Vì lẽ đó nó cũng không an ủi, không cứu rỗi, không bổn phận: làm thế nào một bất khả tri có thể buộc chúng ta một điều gì đó?

(Sớm mai xám. Những cái ngáp dài đầu tiên của lí trí. Tiếng gà gáy của thuyết duy nghiệm).

5.
Thế giới “chân thực” - một ý tưởng vô dụng, không có ý nghĩa ngay cả như một bổn phận nữa - một ý tưởng đã trở nên vô tích sự, dư thừa, do đó, một ý tưởng bị bác bỏ: chúng ta hãy tiêu diệt nó đi!

(Ngày sáng lạn; bữa điểm tâm đầu tiên; sự trở về của bon sens và vui tươi; Platon đỏ mặt vì mắc cỡ; tất cả mọi tinh thần tự do gây huyên náo dữ dội.)

6.
“Thế giới chân thực”, chúng ta đã tiêu diệt rồi: còn lại thế giới nào? Có lẽ thế giới hiển lộ chăng?... Nhưng không! Với thế giới chân thực chúng ta đã tiêu diệt thế giới của những hiển thể!

(Giữa ngọ: khoảnh khắc bóng tối ngắn ngủi nhất: chung cục của sự sai lầm lâu dài nhất; cực điểm của nhân loại; INICIPIT ZARATHUSTRA.) [17]


*


Luân lí như một cái gì phản tự nhiên

1.
Tất cả mọi đam mê đều có một thời trong đó chúng chỉ là tai hoạ, trong đó chúng dìm những nạn nhân dưới sức nặng của sự điên cuồng của chúng, - và một thời kế tiếp, rất lâu sau trong đó, chúng kết hợp với tinh thần, trong đó chúng tự “tinh thần hoá”. Ngày xưa, vì sự điên cuồng trong đam mê, người ta đã gây chiến với chính đam mê: người ta âm mưu tiêu diệt nó, - tất cả mọi quái vật luân lí cổ điển đều đồng tâm nhất trí với nhau về điểm này: “il faut tuer les passions[18] . Định thức lừng danh nhất cho việc này nằm trong Tân Ước, đoạn Bài Giảng trên Núi, nơi, xin nói qua, những sự vật không hề được nhìn từ một đỉnh cao. Chẳng hạn nói về dục tình: “Nếu con mắt các ngươi lăng nhục các ngươi, hãy móc mắt ra.”: may mắn thay không tín đồ Kitô giáo nào theo lời khuyên này. Tiêu diệt những đam mê và khát vọng chỉ vì sự điên cuồng của chúng, và để ngăn ngừa những hậu quả tai hại của chúng - dường như đối với chúng ta ngày nay chỉ là một hình thức bén nhọn của điên cuồng. Chúng ta không còn thán phục những nghệ sĩ chuyên nhổ răng để chúng không làm đau được nữa… Đằng khác có thể công bình chấp nhận rằng, trên lãnh vực mà Kitô giáo tăng trưởng, ý tưởng về sự “tinh thần hoá đam mê” không thể quan niệm được. Bởi Giáo Hội nguyên thuỷ, như mọi người đều biết, chống lại những kẻ “thông minh” vì lợi ích của những kẻ “nghèo khó trong tinh thần”, làm sao người ta có thể trông đợi nó một cuộc chiến thông minh chống lại đam mê được? Giáo Hội đánh phá những đam mê bằng cách làm cỏ tận rễ, biện pháp cách “chữa trị” của Giáo Hội là thiến. Giáo Hội không bao giờ hỏi: “Làm thế nào người ta có thể tinh thần hoá, tô điểm, thần thánh hoá một dục vọng?”- Giáo Hội luôn đặt nặng kỷ luật của mình lên sự tuyệt diệt (dục vọng, lòng kiêu căng, tham vọng quyền lực, biển lận, thù hận) - Nhưng tấn công đam mê tận gốc rễ của nó có nghĩa là tấn công cuộc đời tận gốc rễ của nó vậy: biện pháp của Giáo Hội thù nghịch với cuộc đời…

2.
Cũng phương thuốc đó: sự thiến và diệt dục đó, được chọn dùng một cách tự nhiên theo bản năng trong cuộc chiến đấu chống lại dục vọng bởi những ý chí quá yếu đuối, quá sa đoạ để có thể cưỡng bách dục vọng đó phải chấp nhận một giới hạn; bởi những bản chất cần la Trappe [19] , nói một cách ẩn dụ (và không hình ảnh), một sự khai chiến quyết liệt của lòng cừu hận, một vực thẳm ngăn cách giữa họ và đam mê. Chính những kẻ sa đoạ mới thấy những phương tiện triệt để là tối cần thiết; sự yếu đuối của ý chí, rõ rệt hơn sự bất lực không thể phản ứng chống lại một sự kích thích, chính nó mới là một hình ảnh của sa đoạ. Lòng cừu hận triệt để, sự căm thù không đội trời chung đối với nhục cảm luôn luôn là một triệu chứng trầm trọng cần phải xét lại; người ta có quyền đặt những giả thiết về tình trạng chung của một kẻ cực đoan về phương diện này. - Tuy nhiên, lòng cừu hận, sự căm thù này chỉ lên tới cao độ khi những bản chất này không còn đủ quả cảm ngay cả cho sự chữa trị tận gốc rễ, cho sự khước từ “ma quỷ” của họ. Thử nhìn lướt qua toàn thể lịch sử những tu sĩ và những triết gia, kể cả những nghệ sĩ nữa: những lời nói hiểm độc nhất nhằm chống lại giác quan không xuất phát từ những kẻ bất lực cũng chẳng từ những kẻ khổ hạnh, mà là từ những kẻ thấy mình không thể trở nên khổ hạnh, vì những kẻ cần trở nên khổ hạnh…

3.
Sự tinh thần hoá nhục cảm được gọi là tình yêu: đó là một chiến thắng lớn lao trên Kitô giáo. Một chiến thắng khác nữa là sự tinh thần hoá lòng cừu hận của chúng ta. Nó hệ tại sự thấu hiểu sâu xa giá trị của việc có kẻ thù: tóm lại, hệ tại sự hành động và suy tưởng ngược lại đường lối người ta hành động và suy tưởng ngày xưa. Giáo Hội bao giờ cũng chỉ muốn tiêu diệt kẻ thù: chúng ta, những kẻ vô luân và chống Kitô giáo, chúng ta thấy rằng Giáo Hội tồn tại là điều ích lợi cho chúng ta… Trong chính trị cũng vậy, lòng cừu hận đã trở nên tinh thần hơn - thận trọng hơn, chín chắn hơn, an hoà hơn rất nhiều. Hầu hết mọi đảng đối lập của họ không đi đến chỗ suy yếu là điều có lợi cho chính sự tự bảo tồn của họ; sự kiện này đúng cả trong trường hợp đại chính trị. Một sự sáng tạo mới, một Đế quốc chẳng hạn, cần thù hơn cần bạn: chỉ khi đối chọi, nó mới tự cảm thấy cần thiết, chỉ khi đối chọi, nó mới trở nên cần thiết… Chúng ta chấp nhận một thái độ tương tự đối với kẻ “nội thù”: ở đó chúng ta cũng tinh thần hoá cừu hận, ở đó chúng ta mới hiểu giá trị của nó. Người ta chỉ phong phú với điều kiện phải trả giá bằng cách có nhiều mâu thuẫn; người ta chỉ trẻ với điều kiện tâm hồn không nghỉ ngơi, tâm hồn không khát khao yên ổn. Không có gì xa lạ với chúng ta hơn cái khát vọng “thanh bình của tâm hồn” ngày xưa, khát vọng của người Kitô; không có gì khơi dậy trong lòng chúng ta ít thèm muốn cho bằng con bò cái luân lí và sự thoả mãn mập ú của lương tâm yên ổn… Người ta đã khước từ cuộc đời vĩ đại khi người ta khước từ chiến tranh… Quả thực, trong nhiều trường hợp, sự “thanh bình của tâm hồn” chỉ là một điều ngộ nhận, - nó là một cái gì khác không biết làm thế nào tự cho mình một cái danh xưng lương thiện hơn. Không quanh co và không thành kiến, đây là một vài trường hợp. Chẳng hạn sự “thanh thản của tinh thần” có thể là sự phát quang êm dịu của một thú tính phong phú vào trong lãnh vực luân lí (hay tôn giáo). Hay có thể là sự bắt đầu của mỏi mệt, bóng tối đầu tiên mà buổi chiều, tất cả mọi thứ chiều, toả ra. Hay có thể là một dấu hiệu chỉ rằng không khí ẩm ướt, rằng gió nồm sắp thổi. Hay có thể là lòng cám ơn miễn cưỡng đối với một sự tiêu hoá tốt đẹp (đôi khi còn có tên là tình thương nhân loại). Hay có thể là sự tĩnh lặng tạm thời của người mới khỏi bệnh thấy tất cả mọi sự vật đều có một hương vị mới và chờ đợi… Hay có thể là trạng thái tiếp theo sau một sự thoả mãn mãnh liệt của nỗi đam mê mạnh nhất của chúng ta, cảm giác thích thú của một sự no đầy hiếm có. Hay có thể là sự suy nhược của ý chí chúng ta, của những ước vọng của chúng ta, của những tật xấu của chúng ta. Hay có thể là sự lười biếng, bị thuyết phục bởi lòng phù phiếm, tự trang điểm bằng luân lí. Hay có thể là sự xuất hiện của một niềm xác tín khủng khiếp, sau sự căng thẳng kéo dài và sự dày vò của hồ nghi. Hay có thể là sự biểu lộ của trưởng thành và tự chủ, giữa hành động, sự sáng tạo, cố gắng, ước muốn, một hơi thở lặng lẽ khi sự “tự do của ý chí” đã đạt tới… Hoàng Hôn của những thần tượng: Ai biết? Hay đó cũng có thể là một thứ “thanh bình của tâm hồn” mà thôi…

4.
Tôi đặt một nguyên tắc thành định thức. Tất cả mọi chủ trương duy nhiên trong luân lí, nghĩa là tất cả luân lí lành mạnh, đều bị chế ngự bởi bản năng sống [20] ,- một giới luật của cuộc sống nào đó, được làm tròn qua một qui luật “Phải” và “Không được”, một sự ngăn cấm hay một sự cừu hận nào đó trên đường đời, như thế đều bị gạt qua một bên. Luân lí phản tự nhiên, nghĩa là tất cả nền luân lí từ xưa tới nay đã được giảng dạy, tôn kính và thuyết giáo, ngược lại, chắc chắn nhằm chống lại những bản năng sống, nó là một sự lên án những bản năng này, khi thì bí mật, khi thì ồn ào và trơ trẽn. Khi nói rằng: “Thượng Đế nhìn thấu suốt con tim”, nó đã khước từ những ước vọng sâu xa nhất và cao viễn nhất của cuộc sống và coi Thượng Đế như kẻ thù của cuộc đời… Bậc Thánh mà Thượng Đế hài lòng là một kẻ bị thiến lí tưởng… Cuộc đời chấm dứt ở nơi mà “nước Chúa” bắt đầu…

5.
Khi người ta đã hiểu sự phạm thượng trong một cuộc đời loạn chống lại cuộc đời như thế này, như nó đã trở thành cực kỳ tôn nghiêm trong luân lí Kitô giáo, chính nhờ điều đó người ta sẽ may mắn hiểu được thêm một vài điều khác nữa: đó là sự vô ích, mê vọng hão huyền, phi lí, dối trá của một sự nổi loạn như vậy. Vì một sự lên án cuộc đời bởi một kẻ đang sống cuối cùng chỉ là triệu chứng của một lối sống xác định nào đó: vấn đề sự lên án này đúng hay không đúng không hề được đặt ra. Người ta phải đặt mình ở bên ngoài cuộc đời, và mặt khác phải hiểu biết thấu suốt cuộc đời như bất kỳ, như đa số, như tất cả mọi người đã cảm nghiệm nó, mới được phép đụng chạm tới vấn đề giá trị của cuộc đời: đó là những lý do túc lí để thấy rằng vấn đề này là một vấn đề ở ngoài tầm đối với chúng ta. Khi chúng ta nói về giá trị, chúng ta không nói vì cảm hứng và từ lăng kính của cuộc đời: chính cuộc đời buộc chúng ta phải thiết định những giá trị; chính cuộc đời đã đánh giá trị qua chúng ta khi chúng ta thiết định những giá trị [21] … Do đó tất cả mọi luân lí phản tự nhiên coi Thượng Đế như khái niệm mâu thuẫn và lên án cuộc đời, thực ra đầu chỉ là một sự đánh giá giá trị cuộc đời, - cuộc đời nào? Thứ cuộc đời nào? - Nhưng tôi đã trả lời rồi: cuộc đời xuống dốc, suy nhược, mệt mỏi, bị lên án - Luân lí, như được hiểu từ xưa tới nay - như cuối cùng được thiết định thành định thức bởi Schopenhauer, như là sự “khước từ ý chí sinh tồn” - thứ luân lí này chính là bản năng suy đồi, tự biến thành một mệnh lệnh: nó nói: “Hãy diệt vong đi!” - đó là sự phán xét của những kẻ bị phán xét…

6.
Sau cùng chúng ta hãy thử xem người ta ngây thơ đến chừng nào khi nói rằng: “Người ta phải thế này thế nọ!” Thực tế cho chúng ta thấy biết bao mẫu người kì lạ, biết bao sai biệt và biến đổi trong hình thức; thế mà nhà luân lí lười biếng đã đi rêu rao: “Không, con người bắt buộc phải khác”?... Hắn còn biết con người bắt buộc phải khác như thế nào nữa, kẻ cuồng tín đáng thương này, hắn tự vẽ chân dung hắn lên tường và nói: “ecce homo![22] … Nhưng ngay cả khi nhà luân lí quay sang nói riêng một mình với cá nhân: “Bạn phải giống như thế này!”, hắn vẫn không ngừng khiến mình trở thành lố bịch. Cá nhân, trong quá khứ và trong hiện tại, là một mảnh định mệnh, một luật lệ thêm nữa, một thiết yếu thêm nữa cho tất cả những gì biển hiện và tất cả những gì sắp tới. Nói với nó: “Bạn hãy thay đổi bạn đi!” có nghĩa là đòi hỏi rằng tất cả phải thay đổi, ngay cả trong quá khứ… Quả thật, có nhiều nhà luân lí hợp lí khi muốn rằng con người phải khác, nghĩa là phải có đức hạnh, họ muốn hắn phải rập theo hình ảnh của họ, theo hình ảnh của những kẻ giả đạo đức. Chính vì lẽ đó mà họ đã chối bỏ thế giới. Không phải không điên chút nào!... Chừng nào mà luân lí lên án vì lợi ích của chính nó, không đếm xỉa gì tới cứu cánh và mục đích của cuộc đời, thì nó là một sự sai lầm đặc biệt người ta không thể nương tay, một đặc chất của những kẻ sa đoạ đã gây ra không biết bao nhiêu là tai hại! Trái lại chúng ta, những kẻ phi luân, chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả mọi thứ hiểu biết, thấu hiểu và tán thành [23] . Chúng ta không phủ định một cách nông nổi dễ dàng, chúng ta tìm danh dự của chúng ta trong việc trở thành những kẻ khẳng định [24] . Cặp mắt chúng ta luôn luôn mở rộng hơn nữa cho sự cần kiệm còn cần dùng và biết dùng tất cả cái mà sự điên rồ thiêng liêng của những tu sĩ và lí trí bệnh hoạn của những tu sĩ thải đi, cho sự cần kiệm trong luật đời rút tỉa lợi ích cho mình từ những loại đạo đức giả, những tu sĩ và những kẻ đức hạnh nhơ nhớp nhất, - lợi ích? - Nhưng mà chính chúng ta, chúng ta những kẻ phi luân, chính chúng ta đây đã là một lời giải đáp sống động rồi…


*


Bốn sai lầm trầm trọng

1.
Sai lầm giữa nguyên nhân và hậu quả. - Không có sự sai lầm nào nguy hiểm hơn sự lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân: tôi gọi điều đó là sự đảo điên thác loạn đích thực của lí trí. Tuy nhiên, sự sai lầm này là một trong những tập quán cố cựu nhất và mới mẻ nhất của nhân loại: nó còn được thần thánh hoá giữa chúng ta nữa, nó mang tên “tôn giáo” và “luân lí”. Bất cứ mệnh đề nào phát biểu, bởi tôn giáo và luân lí cũng đều chứa đựng sai lầm này; những tu sĩ và những kẻ thiết định qui tắc luân lí là những kẻ chủ xướng sự bại hoại này của lí trí. Tôi đan cử một thí dụ. Tất cả mọi người đều biết cuốn sách nổi tiếng của Cornaro trong đó ông ta giới thiệu sự ăn uống kiêng khem nghiêm nhặt của ông như phương pháp cho một đời sống lâu dài và sung sướng - một đời sống đức hạnh nữa. Ít có cuốn sách nào được đọc nhiều đến thế và ngay cả bây giờ ở Anh, mỗi năm người ta in hàng trăm ngàn cuốn. Tôi tin rằng ít có cuốn sách nào (trừ Kinh Thánh, dĩ nhiên) lại tác hại nhiều như thế, lại rút ngắn nhiều đời sống như sự kỳ lạ đầy hảo ý đó. Lý do: lầm lẫn cho hậu quả là nguyên nhân. Tác giả người Ý đáng kính này nhìn thấy trong sự ăn uống kiêng khem là nguyên nhân của sự trường thọ của ông: trong khi điều kiện tiên quyết để sống lâu, sự chậm rãi lạ lùng trong sự tiêu hoá, sự thẩm thấu yếu ớt, là nguyên nhân của sự ăn uống kiêng cữ của ông. Ông ta không tự ý muốn ăn nhiều ít thế nào cũng được, sự đạm bạc của ông ta không phải là một “sự tự do theo ý muốn”: ông ta đau ốm ngay khi ông ta ăn nhiều. Nhưng khi người ta không phải là một kẻ ốm trơ xương thuộc loại đó, thì không những người ta phải ăn uống đầy đủ mà người ta còn tuyệt đối cần phải ăn uống đàng hoàng nữa. Một nhà bác học thời đại chúng ta, với sự tiêu thụ năng lượng trí não mau chóng, chẳng bao lâu sẽ tàn tạ với régime [25] của Cornaro, Credo experto [26] .

2.
Định thức phổ quát dùng làm căn bản cho mọi tôn giáo và luân lí là: “Phải làm việc này việc nọ, không được làm việc này hay việc nọ - và người sẽ được sung sướng! Nếu không…” Tất cả mọi luân lí, mọi tôn giáomệnh lệnh đó, - tôi gọi đó là tội tổ tông của lí trí, sự phi lí muôn đời. Trong miệng tôi định thức này đổi thành ngược lại - thí dụ đầu tiên về sự “đảo hoán mọi giá trị” của tôi: một người cường tráng, một người “sung sướng” bắt buộc phải làm một số hành động nào đó và tự nhiên chùn lại sợ không dám làm một số những hành động khác; hắn mang đẳng cấp hắn tiêu biểu về phương diện sinh lí vào trong những giác quan của hắn với con người và sự vật. Phát biểu thành định thức: đức hạnh của hắn là kết quả của hạnh phúc hắn… [27] Cuộc sống trường thọ con cháu đầy đàn, không phải là phần thưởng của đức hạnh đúng hơn chính đức hạnh, là sự trì trệ trong tiến trình thẩm thấu mà một trong những hậu quả của nó là một cuộc sống trường thọ và hậu huệ đầy đàn, tóm lại, cái mà người ta gọi là chủ thuyết Cornaro. - Giáo Hội và Luân lí dạy: “Tật xấu và sự xa hoa làm tiêu diệt một chủng tộc hay một dân tộc.” Trái lại lí trí đã được chỉnh đốn lại của tôi khẳng định: “Khi một dân tộc diệt vong, suy đồi về phương diện sinh lí, thì từ đó mới nảy sinh những tật xấu và sự xa hoa (nghĩa là nhu cầu kích thích mỗi ngày một mạnh hơn và thường hơn, như tất cả những bản chất suy nhược đều biết). Gã trai trẻ kia gầy yếu xanh xao và mòn mỏi trước tuổi. Bạn bè hắn nói: bệnh này hay bệnh nọ là nguyên nhân của sự kiện đó. Tôi trả lời: chính sự kiện hắn bệnh tật, chính sự kiện hắn thất bại không thể chống lại bệnh hoạn, tự nó đã là hậu quả của một cuộc sống nghèo nàn, một sự suy nhược di truyền rồi. Những kẻ đọc báo [28] nói: đảng này sẽ suy sụp nếu phạm phải một lỗi lầm như thế. Chính trị cao viễn của tôi trả lời: một đảng phái mà phạm phải một lỗi lầm như thế là đã đến lúc tàn mạt rồi vậy - nó không còn có sự chính xác bản năng nữa. Tất cả mọi lỗi lầm, bất cứ thuộc loại nào, là hậu quả của sự suy đồi của bản năng, của sự phân hoá của ý chí: đó hầu như là định nghĩa của cái xấu. Tất cả mọi sự tốt lành là bản năng [29] - và do đó dễ dàng, thiết yếu, thong dong. Sự cố gắng là một vấn nạn, thần thánh đặc biệt khác hẳn người anh hùng (nói theo ngôn ngữ của tôi: đôi chân nhẹ nhàng là đặc tính đầu tiên của thần tính).

3.
Sai lầm về một giả nguyên nhân. - Người ta luôn luôn tưởng mình biết thế nào là một nguyên nhân; nhưng chúng ta rút sự hiểu biết của chúng ta, hay đúng hơn, lòng tin tưởng vào sự hiểu biết của chúng ta, từ đâu ra? Từ lãnh vực của những “sự kiện nội tại” lừng danh mà cho đến bây giờ chưa có một sự kiện nào tự chứng tỏ là một sự kiện xác thực. Chúng ta tin tưởng chúng ta là tác nhân trong hành động theo ý chí: ít ra là ở đây chúng ta tin rằng chúng ta bắt được quả tang nguyên nhân giữa đường trường. Tương tự như vậy, người ta không bao giờ ngờ được rằng mọi anteccedentia [30] của một hành động, nguyên nhân của nó, phải tìm trong ý thức và có thể khám phá thấy ở đấy nếu người ta tìm kiếm chúng - như những “duyên cớ”: bởi nếu không người ta đã không tự do hành động, chịu trách nhiệm về hành động đó. Cuối cùng, kẻ nào đã bàn cãi rằng một tư tưởng đã được khởi lên, rằng cái tôi đã khơi nguồn tư tưởng?... Từ ba “sự kiện nội tại” và nhờ đó nguyên nhân hầu như được đảm bảo, nguyên nhân thứ nhất và cũng là nguyên nhân hùng hồn nhất, là ý chí như là nguyên nhân; quan niệm về một ý thức (“tinh thần”) như nguyên nhân, và sau đó quan niệm về cái tôi (“chủ thể”) như nguyên nhân chỉ là sản phẩm hậu sinh, sau khi nguyên nhân, trên nền tảng ý chí, đã được thiết định vững vàng như một sự kiện, như kinh nghiệm… Trong khi đó chúng ta suy nghĩ chín chắn hơn về điều đó. Tất cả những điều đó ngày nay chúng ta không còn tin tưởng một chữ nào nữa. “Thế giới nội tại” đầy những ảo ảnh và ánh sáng giả tạo: ý chí là một trong những ảo ảnh đó. Ý chí không còn chuyển động được cái gì nữa, do đó không còn giải thích được gì nữa - nó chỉ đi theo những biến cố, nó còn có thể vắng mặt nữa. Cái được gọi là “duyên cớ”: một sự lầm lẫn khác. Đó chỉ là một hiện tượng hời hợt của ý thức, một cái gì đi bên cạnh hành động, che dấu hơn là bầy tỏ những tiền sự của hành động. Còn về phần cái tôi! Cái tôi đã trở thành một huyền thoại, một sự tưởng tượng, một trò chơi chữ: nó đã hoàn toàn ngừng suy nghĩ, cảm và muốn!... Từ đó xẩy ra điều gì? Không có cái gì là nguyên nhân tinh thần cả! Toàn thể nền tảng kinh nghiệm vững chắc bảo đảm cho nó đã đi đời nhà ma! Đó là cái nối tiếp theo! - Và chúng ta đã lạm dụng “duy nghiệm thuyết” một cách khôn ngoan, chúng ta đã sáng tạo thế giới trên nền tảng của nó như một thế giới của nguyên nhân, như một thế giới của ý chí, như một thế giới của tinh thần. Nền tâm lý học cổ điển nhất và sống dai dẳng nhất đã ra tay làm việc ở đây, thực ra nó không làm việc gì khác: tất cả mọi biến cố đối với nó đều là hành động, tất cả mọi hành động đều là hậu quả của một ý chí; đối với nó thế giới trở thành vô vàn tác nhân, một tác nhân, một “chủ thể” nằm tại căn đế của mọi biến cố. Con người đã phóng ra ngoài nó ba “sự kiện nội tại” mà nó tin tưởng chắc chắn, là ý chí, tinh thần và tự ngã, - trước hết nó diễn dịch ý niệm về hữu thể từ ý niệm về tự ngã, nó giả thiết “sự vật” hiện hữu theo hình ảnh nó, theo ý niệm của nó về tự ngã như là nguyên nhân. Có gì đáng ngạc nhiên đâu khi sau này nó luôn tìm thấy trong sự vật cái mà nó đã đặt vào trong sự vật? - Chính sự vật, xin nhắc lại lần nữa, khái niệm về sự vật, chỉ là phản ảnh của niềm tin vào tự ngã như là nguyên nhân… Và ngay cả nguyên tử của quí vị, thưa quí vị theo cơ giới luận và vật lí học, thứ tâm lí sai lầm không biết chừng nào mà kể vẫn bám chặt vào nguyên tử của quí vị! - Ấy là chưa nói gì về “sự vật tự nội”, cái horrendum pudendum [31] của nhà siêu hình học! Sự sai lầm của tinh thần được coi như nguyên nhân, lẫn lộn với thực tại! Và đo lường thực tại! Và được gọi là Thượng Đế!

4.
Sai lầm về những nguyên nhân tưởng tượng. - Lấy giấc mơ làm khởi điểm: với một cảm giác xác định nào đó, chẳng hạn cảm giác gây ra bởi tiếng súng đại bác từ phía xa, một nguyên nhân liền sau đó thường được gán ghép vào (thường là cả một cuốn tiểu thuyết nhỏ mà dĩ nhiên kẻ mơ mộng là nhân vật chính). Trong khi đó cảm giác tiếp tục kéo dài, như một thứ âm hưởng dội lại, một cách nào đó nó chờ đợi cho đến khi bản năng về nguyên nhân cho phép nó đi lên hàng đầu - từ nay trở đi không phải như một sự tình cờ nữa mà như một “ý nghĩa”. Tiếng súng đại bác tự biểu lộ dưới hình thức nguyên nhân, trong một sự đảo lộn thời gian thấy rõ. Cái đến sau, trình bày duyên cớ, lại được cảm nghiệm trước, thường với hàng trăm chi tiết lướt qua như một tia chớp, tiếng súng tiếp theo… Điều gì đã xẩy ra? Những ý tưởng được tạo ra bởi một trạng thái đặc biệt được diễn dịch sai lầm như nguyên nhân của chính trạng thái đó. Quả thực, chúng ta hành động tương tự như vậy khi chúng ta tỉnh thức. Phần lớn những cảm giác tổng quát của chúng ta - tất cả mọi loại câu thúc, dồn ép, căng thẳng, bột phát trong tác động hỗ tương của những giác quan, và đặc biệt hơn nữa trạng thái của nervus sympathicus [32] - kích động bản năng về nguyên nhân của chúng ta: chúng ta muốn có một lý do để được ở trong một trạng thái như thế như thế - để cảm thấy mạnh khoẻ hay đau yếu. Chẳng bao giờ chúng ta thoả mãn khi chỉ nghiệm thấy sự kiện chúng ta cảm thấy thế này hay thế nọ: chúng ta chỉ chấp nhận sự kiện - chúng ta chỉ ý thức về nó - khi nào chúng ta đã cung cấp cho nó một thứ nguyên nhân nào đó. - Ký ức, trong những trường hợp này, tự nhiên trở nên linh động một cách máy móc, mang gợi lại những trạng thái trước tương tự như vậy và những diễn giải - nguyên nhân liên kết với chúng, - chứ không phải nguyên nhân của chúng. Chắc chắn sự tin tưởng rằng những ý tưởng, những tiến trình song hành của ý thức, là nguyên nhân, cũng do ký ức đem lại. Do đó nẩy ra thói quen về một cách diễn giải nguyên nhân nào đó, quả thực, ngăn trở và cấm đoán nữa, sự truy tìm nguyên nhân đích thực.

5.
Giải thích tâm lí sự kiện trên. - Lôi kéo một cái gì chưa biết về cái đã biết rồi, là trấn an tinh thần, làm tinh thần nhẹ nhõm, thoả mãn, ngoài ra còn tạo ra một cảm thức về sức mạnh. Cái chưa biết bao hàm sự nguy hiểm, bất an, lo âu - bản năng đầu tiên là diệt trừ những hoàn cảnh đau đớn này. Nguyên tác thứ nhất: bất cứ một giải thích nào đó cũng hơn là thiếu giải thích. Bởi vì tựu trung chỉ cần trừ khử những ý tưởng ghê sợ, người ta không cần lưu tâm tới những phương tiện dùng để trừ khử chúng: cái ý tưởng thứ nhất, nhờ nó, cái chưa biết tự chứng tỏ là cái biết rồi tạo ra một cảm giác thoải mái đến nỗi nó “được coi là đúng”. Chứng cứ khoái lạc (“sức mạnh”) như tiêu chuẩn của chân lí. - Vậy bản năng - nguyên nhân được điều kiện hoá và kích thích bởi cảm giác sợ hãi. Câu hỏi “tại sao?”, nếu có thể, không những cung cấp nguyên nhân cho chính nó, mà còn cả một thứ nguyên nhân nữa - một nguyên nhân trấn an, giải thoát và làm tinh thần nhẹ nhõm. Kết quả đầu tiên của nhu cầu này là một cái gì đã biết nay đã hoàn toàn kinh nghiệm và được ghi nhận trong kí ức, được đặt làm nguyên nhân. Cái mới lạ, cái chưa kinh nghiệm, cái xa lạ bị loại khỏi nguyên nhân. - Vậy thì người ta không tìm một giải thích về nguyên nhân mà là tìm một lối giải thích chọn lọc được ưa chuộng, lối giải thích tiêu trừ nhanh chóng nhất và thường nhất cái cảm giác xa lạ, chưa kinh nghiệm - những lối giải thích thông thường nhất. - Hậu quả: một lối qui định nguyên nhân có khuynh hướng đi tới chỗ càng ngày càng chế ngự nhiều hơn nữa, trở thành tập trung trong một hệ thống và cuối cùng đi tới chỗ độc tôn nghĩa là loại trừ những nguyên nhân khác và những giải thích khác. Chủ ngân hàng nghĩ ngay tới “áp- phe”, tín đồ Kitô giáo nghĩ tới “tội lỗi”, thiếu nữ nghĩ tới “tình yêu” của mình.

6.
Toàn thể lãnh vực luân lí và tôn giáo thuộc về ý niệm “những nguyên nhân tưởng tượng đó”. - “Giải thích” về cảm giác khó chịu chung. Những cảm giác này tuỳ thuộc nơi những kẻ thù nghịch với chúng ta (những tinh thần tội lỗi: đó là trường hợp nổi tiếng nhất - những kẻ mắc bệnh ưu uất thần kinh bị hiểu lầm là phù thuỷ). Những cảm giác này tuỳ thuộc những hành động không thể thẩm định (cảm thức “tội lỗi”, “phạm tội” được gán cho một sự khó chịu thuộc về sinh lí - người ta luôn luôn tìm thấy lí do để bất mãn với chính mình). Những cảm giác này tùy thuộc sự trừng phạt, chuộc lại một việc gì mà chúng ta đã không được làm, một cái gì mà chúng ta đã không được là (ý tưởng được tổng hợp, dưới một hình thức trơ trẽn, thành một mệnh đề trong đó luân lí hiện ra đúng chân tướng của nó, nghĩa là như chất kịch độc và sự phỉ báng cuộc đời: “Tất cả mọi đau đớn, thuộc thể xác hay tinh thần, đều cho thấy chúng ta xứng đáng được, bởi nó không đến với chúng ta nếu chúng ta không xứng đáng nhận lãnh nó. (Thế giới như Ý Chí và Biểu Tượng II, 666). Những cảm giác này tùy thuộc những hành động bồng bột thiếu suy nghĩ có những hậu quả tai hại (- những đam mê, những giác quan bị coi như là nguyên nhân, như là phạm tội; những tai biến sinh lí trở thành hình phạt “xứng đáng” nhờ những tai biến khác). - “Giải thích” những cảm giác dễ chịu chung. Những cảm giác này tuỳ thuộc lòng tin tưởng vào Thượng Đế. Chúng cũng tuỳ thuộc ý thức về những hành động tốt (cái mà người ta gọi là “lương tâm yên ổn”, một trạng thái sinh lí đôi khi giống như một sự tiêu hoá tốt, như nó thường bị hiểu lầm như thế.) Chúng tuỳ thuộc kết quả thành công của một vài công việc nào đó (- Kết luận ngây thơ: kết quả thành công của một công việc không mang lại cho một người mắc bệnh ưu uất hay một Phascal bất cứ một cảm giác thú vị chung nào cả). Chúng có thể tuỳ thuộc đức tin, tình yêu và lòng hy vọng - những đức tính Kitô giáo. Trong thực tế, tất cả những cái tự nhận là giải thích này chỉ là những hậu quả của những trạng thái thú vị hay khó chịu nào đó và được di dịch sang một thổ ngữ sai lầm: một người ở trong trạng thái hi vọng bởi vì cảm giác sinh lí trỗi vượt hơn cả của con người hắn, một lần nữa lại mãnh liệt và đầy đủ; người ta tin tưởng vào Thượng Đế bởi vì cảm giác về sự tràn đầy và sức mạnh mang lại cho tâm trí hắn sự nghỉ ngơi. - Luân lý và tôn giáo hoàn toàn thuộc về tâm lí học về lầm lẫn; trong bất kì trường hợp đặc thù nào nguyên nhân cũng bị lầm lẫn với hậu quả hoặc chân lí với hậu quả của cái mà người ta coi như chân lí; hay hơn nữa, một trạng thái của ý thức với một chuỗi nguyên nhân gây ra trạng thái này. -

7.
Sự sai lầm của tự do ý chí. - Ngày nay chúng ta không còn chút thiện cảm nào đối với khái niệm về “tự do ý chí” nữa: chúng ta biết nó quá rõ - cái xảo thuật thần học khả ố nhất trần đời của những nhà thần học để khiến cho nhân loại “có trách nhiệm” theo kiểu những nhà thần học, nghĩa là: làm cho nhân loại tuỳ thuộc vào những nhà thần học… Ở đây tôi chỉ nêu ra tâm lí của khuynh hướng làm con người có trách nhiệm này. - Ở bất cứ nơi nào mà người ta tìm kiếm trách nhiệm thì thường là bản năngtrừng phạt và kết án bắt tay vào việc tìm kiếm. Biến dịch bị tước đoạt mất sự hồn nhiên vô tội khi người ta đưa bất cứ một trạng thái nào về ý chí, ý định, về những hành động có trách nhiệm: lí thuyết ý chí được tạo ra chủ yếu nhằm mục đích trừng phạt, nghĩa là với ý định vạch tội. Toàn thể tâm lí học cổ điển, tâm lí học chủ ý chí bắt nguồn từ sự kiện những người tạo ra nó, những tu sĩ đứng đầu những tập thể cổ xưa, muốn tạo ra quyền ra hình phạt - hay đúng hơn họ muốn tạo ra quyền đó cho Thượng Đế… Con người được coi là “tự do” để có thể bị kết án và trừng phạt, - để có thể có tội: do đó tất cả mọi hành động đều phải coi như do ý muốn, nguồn gốc của tất cả mọi hành động như nằm trong ý thức (- do đó sự giả mạo căn bản nhất in psychologicis được đặt làm nguyên tắc của chính tâm lí học)… Ngày nay khi chúng ta đi vào hướng ngược lại, khi chúng ta, những kẻ vô luân, cố gắng tìm kiếm loại khỏi thế giới những khái niệm về tội lỗi và hình phạt, cũng như tẩy sạch tâm lí học, lịch sử, thiên nhiên, những cơ cấu và luật lệ xã hội, chúng ta nhận thấy chúng ta không có đối thủ nào triệt để hơn những nhà thần học, những kẻ tiếp tục làm ung độc sự hồn nhiên của biến dịch với “tội lỗi” và “hình phạt” bằng khái niệm về “trật tự luân lí”. Kitô giáo là siêu hình học của đao phủ…

8.
Lí thuyết duy nhất của chúng ta có thể là gì? - Là không một ai có thể cho con người những đặc tính của nó, ngay cả Thượng Đế, xã hội, cha mẹ và tổ tiên, ngay cả chính hắn nữa (- ý tưởng phi lí cuối cùng bị bác bỏ ở đây, đã được giảng dạy như “tự do minh nhiên” của Kant và có thể bởi Platon trước nữa). Không một ai chịu trách nhiệm bởi sự kiện hắn hiện hữu, hay được cấu tạo như con người hiện tại của hắn, hoặc sống trong những hoàn cảnh và môi trường trong đó hắn đang sống cả. Định mệnh của bản chất hắn không thể tách khỏi định mệnh của tất cả những cái đã là và sẽ là. Hắn không phải là kết quả của một ý hướng cá biệt, một ý chí, một mục đích nào, hắn không phải là một sự thí nghiệm để đạt tới một “con người lí tưởng” hay một “hạnh phúc lí tưởng” hoặc một “đạo đức lí tưởng” thật là phi lí khi muốn lái bản chất hắn về bất cứ mục tiêu nào khác. Chúng ta đã tạo ra ý tưởng về mục đích: trong thực tế không có “mục đích”… Con người vốn thiết yếu, con người là một mảnh định mệnh, con người thuộc toàn thể, con người ở trong toàn thể - không có gì có thể phán đoán, đo lường, so sánh, lên án cuộc hiện hữu của chúng ta… Nhưng không có gì bên ngoài toàn thể! - Không một ai còn có trách nhiệm nữa, loại hạng của hữu thể không thể đưa về causa prima [33] được nữa, thế giới là một nhất thể không phải như thế giới khả giác cũng không phải như tinh thần duy có điều này là sự giải thoát tối thượng - duy bởi đó sự hồn nhiên của Biến dịch được khôi phục lại… Ý tưởng về “Thượng Đế” cho tới bây giờ là một vấn nạn lớn lao nhất đối với cuộc đời… Chúng ta khước từ Thượng Đế, chúng ta khước từ trách nhiệm nơi Thượng Đế: chỉ bằng cách đó thôi chúng ta mới cứu vớt được thế giới.



[1]Từ quan điểm vĩnh cửu - Ghi chú của Dịch giả.
[2]Sein, Pêtre, Being
[3]Schein, Apparence, apparence. - G.c.D.
[4]Pháp văn trong nguyên bản: định kiến
[5]Héraclite là triết gia tiền-Socrate duy nhất tin vào Biến Dịch, vào hiển thể và những gì giác quan chứng nghiệm. - G.c.D.
[6]Nguyên nhân của chính nó.
[7]Hữu thể chân thực nhất. - G.c.D.
[8]Täter und Tun - G.c.D.
[9]Ich-Subsstanz.
[10]Vernunft Kategorien. “Phạm trù” (Kategoric) ở đây chỉ có nghĩa là phương tiện, không mang một âm hưởng nào “Phạm trù” của Kant cả - G.c.D.
[11]“wahres Sein”
[12]Nicht-Sein
[13]Hay hư vô, Nicht
[14]Danh từ Phật giáo: Sắc giới - G.c.D.
[15]Wahrheit = chân lí, tương đương với wahre Wet = thế giới chân thực.
[16]Nietzsche muốn nói tới Kant và tỉnh Königsberg, miền bắc nước Đức, nơi Kant sống và chết. - G.c.D.
[17]NƠI ĐÂY BẮT ĐẦU ZARATHUSTRA (Và bắt đầu triết lí Nietzsche) - G.c.D.
[18]Pháp văn trong nguyên bản: “Phải giết chết những đam mê”. - G.c.D.
[19]Dòng Trappe, dòng luyện tâm, nổi tiếng vì kỷ luật khắt khe. - G.c.D.
[20]Instinkte des Lebens, Thoát ra ngoài sự câu thúc của ngôn ngữ, “Instinkte des Lebens”, ở đây còn có thể hiểu như “khuynh hướng về đời sống”. Trái với tất cả những nền luân lí khác đàn áp cuộc sống, đầy những cấm kỵ, hướng về điều “thiện” như một cứu cánh tuyệt đối, đức lý lành mạnh theo Nietzsche nhằm xiển dương cuộc đời, kích thích bản năng sinh động, hướng về một cuộc sống giải thoát, nguy hiểm, mãnh liệt. Tư tưởng sau có thể nói lên chủ trương của tất cả những nền đức lý lành mạnh (gesunde Moral) ấy: “Tất cả những gì sống đều thiêng liêng.” (everything that lives is holy - William Blake, America) và Cuộc sống đích thực của những giác quan và xác thịt tôi siêu thăng những giác quan và xác thịt tôi” (the real life of my senses and flesh transcending my senses and flesh - Walt Whitman, Leaves of Grass) - G.c.D.
[21]das Leben selbst zwingt uns, Werte anzusetzen; das Leben selbst wertet durch uns, wenn wir Werte ansetzen…
[22]Lời của Pilate khi rửa tay trao Jésus Christ do dân Do Thái “Ecce homo” có nghĩa là: “”Đây là con người đó!” hay “Hãy nhìn người này!” (Saint Jean, XIX, 5) - G.c.D.
[23]Ở đây chúng ta không thể không nhắc tới Spinoza, một trong những triết gia mà Nietzsche coi như tiền bối của mình, với chủ trương đón nhận tìm hiểu và không bao giờ lên án con người tương tự: “Seduce curavi, humanas actiones non redere non lugere neque detestari, sed intelligere”,Tractatus politieus (1677) ch. 1, 4. “Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế giễu hay thương hại hoặc ghê tởm những hành vi con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng” - G.c.D.
[24]Wir verneinen nicht leicht, wir suchen unsre Ehre darin, Bejahende zu sein. Tất cả định tắc luân lí của Nietzsche nằm trong một chữ “Ừ” hoặc “Phải” hay “Vâng” (Yea) trước cuộc đời, trước tất cả những nguồn vui, trước tất cả khổ đâu, trước tất cả dâu biển tang tương thê thảm và khủng khiếp của cuộc đời. Con người lí tưởng của Nietzsche khẳng định giống như những nhân vật bi tráng trong bi kịch Hy Lạp sau khi đã trải qua tất cả khảm kha bất bình: “Tất cả đều tốt lành.” (Tout est bien) - G.c.D.
[25]Pháp văn: Phép ăn uống kiêng cữ.
[26]Hãy tin kẻ đã thí nghiệm!
[27]In Formel: seine Tugend ist die Folge seines Glücks… - G.c.D.
[28]Hạng người “thời đại” Nietzsche khinh bỉ - G.c.D.
[29]Alles Gute ist Instinkt.
[30]Việc trước, tiền sự của một sự việc hay sự kiện gì. - G.c.D.
[31]Phần xấu xa đáng xấu hổ. - G.c.D.
[32]Thần kinh giao cảm. - G.c.D.
[33]Nguyên nhân đệ nhất. - G.c.D.
Nguồn: Hồng Hà in lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1971. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện. Bản đăng trên talawas vá»›i sá»± đồng ý của dịch giả.