trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
7.9.2005
Lý Quí Chung
Hồi ký không tên
15 kì
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16 
 
9. Người Việt cô đơn

Trong Hạ nghị viện nhiệm kỳ 1, phe đối lập gồm nhiều tiếng nói mạnh mẽ và có nhiều ảnh hưởng trong dư luận. Nào là Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Hồ Văn Minh, Nguyễn Hữu Chung, Dương Văn Ba, Kiều Mộng Thu, Trần Ngọc Châu, Phan Xuân Huy v.v… Lúc này các dân biểu thuộc phe quân nhân thân tướng Kỳ cũng nghiêng về phe đối lập trong một số cuộc biểu quyết. Ngay cả các dân biểu thuộc phong trào Cấp Tiến thuộc ảnh hưởng các giáo sư Nguyễn Văn Bông và Nguyễn Ngọc Huy như Trương Vị Trí, Nguyễn Tấn Trạng, Nguyễn Văn Tiết, Trần Minh Nhựt, Nhan Minh Trang… lúc đầu cũng chưa ngả qua công khai ủng hộ chính quyền Thiệu. Sau này phong trào Cấp Tiến mới lộ ra là một đồng minh quan trọng của chính phủ Thiệu.

Nhưng bước vào thời kỳ Quốc hội lập pháp, tổng thống Thiệu cũng bắt đầu củng cố địa vị của mình. Ông Thiệu ít e ngại Thượng nghị viện vì phần đông gồm các đại diện đảng phái chống cộng và cựu tướng lãnh thân chính phủ. Những nhân vật như bà luật sư Nguyễn Phước Đại (độc lập), luật sư Nguyễn Văn Huyền (công giáo), tướng Nguyễn Văn Chuân (quân đội) v.v… có những thái độ chính trị độc lập trong Thượng viện kể ra khá hiếm hoi.

Sự ồn áo và dám tấn công trực diện của tổng thống Thiệu chủ yếu diễn ra tại diễn đàn Hạ nghị viện. Tổng thống Thiệu đã tìm ra một con người lý tưởng để đối phó với những chống đối và bất ổn nơi đây. Đó là dược sĩ Nguyễn Cao Thăng, chủ nhân viện bào chế dược phẩm OPV được độc quyền sản xuất và nhập nhiều thứ thuốc bán rất chạy. Cách làm của dược sĩ Thăng để “nắm” Hạ nghị viện rất đơn giản và hiệu quả: ông bỏ tiền ra mua chuộc tất cả các dân biểu ham tiền, không có lập trường chính trị rõ ràng hoặc sẵn sàng bán mình cho chính quyền Thiệu. Hàng tháng, các dân biểu này đều có “bao thư”. Mỗi khi có các cuộc biểu quyết quan trọng mà chính quyền Thiệu cần quốc hội thông qua thì mỗi lá phiếu đều được ra giá cụ thể. Người ta cho rằng lúc đầu tổng thống Thiệu chưa nắm trọn quyền lực trong tay mình, chính dược sĩ Thăng phải bỏ tiền nhà để làm cái việc này. Mới nghe qua tưởng rằng dược sĩ Thăng chịu một “hy sinh” lớn cho tổng thống Thiệu, nhưng kỳ thật tiền đó của ông Nguyễn Cao Thăng chẳng mất vào đâu. Chuyện làm ăn riêng của ông (Viện bào chế OPV) được ưu đãi mang lại cho gia đình ông một mối lợi còn to hơn gấp nhiều lần tiền ông bỏ ra để gây hậu thuẫn cho cá nhân tổng thống Thiệu. Dĩ nhiên sau này khi ông Thiệu nắm trọn quyền lực trong tay, đồng tiền được sử dụng cho những chuyện này không xuất ra từ túi riêng của ông Thăng nữa mà từ các quỹ đen của chính phủ.

Tuy nhiên phải nói rằng ông Thăng với chức vụ chính thức là “phụ tá đặc biệt tại phủ tổng thống” (ngang cấp với bộ trưởng) làm việc này khá thành công không chỉ vì có nhiều tiền để chi, mà còn do con người mềm mỏng và tế nhị của ông. Các cuộc tiếp xúc và vận động của ông đều thực hiện khéo léo của người biết làm lobby ở hậu trường chính trị. Ngay cả với những dân biểu chẳng ra gì, thấy mặt ông là xin tiền, ông vẫn tỏ ra tôn trọng và lễ độ! Nhờ thế lần lần ông “nắm” gần hết các dân biểu lúc đầu là tay chân của phó tổng thống Kỳ. Kể từ nhiệm kỳ Quốc hội lập pháp thứ nhất (1967-1971), các dân biểu bị chính quyền Thiệu “mua chuộc”, được báo chí đặt cho cái tên: “dân biểu gia nô”. Nhưng không phải tất cả các dân biểu theo chính quyền đều bị báo chí gọi là “dân biểu gia nô”. Những dân biểu đứng về phía chính phủ Thiệu do lập trường của mình, có ý thức về sự lựa chọn chỗ đứng chính trị của mình, có nghĩa là không theo chính phủ vì tiền, họ không bị báo chí liệt vào hạng “dân biểu gia nô”.

Các “dân biểu gia nô” thường nhắm mắt bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” (từ được dùng để ám chỉ Phủ tổng thống do báo Tin Sáng của dân biểu Ngô Công Đức đặt ra đầu tiên). “Dân biểu gia nô” gần như không bao giờ lên diễn đàn để bảo vệ lập trường của chính phủ hay đáp trả những lời chỉ trích ác liệt từ phía các dân biểu đối lập. Họ ngồi lặng im như những cái bóng và chỉ chờ đến lúc biểu quyết bỏ phiếu theo lệnh của “Phủ đầu rồng” do phụ tá đặc biệt Nguyễn Cao Thăng truyền đạt. Các “dân biểu gia nô” gây ra nhiều vụ “xì –can –dan” làm nhục quốc hội và chế độ Sài Gòn như: lợi dụng các chuyến công tác nước ngoài, họ buôn từ vàng, đô la, ma túy, đến “lịch ở truồng” (lịch Playboy), đồ lót phụ nữ v.v…Quốc hội đã phải truất quyền dân cử một dân biểu bị phát hiện cất giấu heroin trong hành lý của mình tại phi trường Tân Sơn Nhứt sau chuyến công tác nước ngoài trở về. Một phó chủ tịch Hạ nghị viện thân chính phủ bị an ninh phi trường Bangkok bắt tại trận vì giấu hàng chục ký vàng trong người trước khi lên máy bay về Sài Gòn!

Khi phụ tá Nguyễn Cao Thăng đã tổ chức chặt chẽ hàng ngũ “dân biểu gia nô” ở Hạ nghị viện và “nghị gật” ở Thượng nghị viện thì các nhóm dân biểu, nghị sĩ đối lập – thiểu số tại hai viện quốc hội – chỉ còn phát huy vai trò và ảnh hưởng của mình bằng những phát biểu gây tiếng vang trên diễn đàn Quốc hội hoặc báo chí. Còn khi bỏ phiếu, chính phủ Thiệu gần như toàn quyền lèo lái quốc hội theo ý mình.

Tuy thế, dù sao tiếng nói của dân biểu đối lập trên diễn đàn quốc hội cũng là một áp lực thường xuyên đối với chính phủ Thiệu. Những người chống chính phủ vẫn lợi dụng được diễn đàn này để tố giác tham nhũng, các vi phạm dân chủ và cả sự phản đối chiến tranh.

Trong nhiệm kỳ Hạ nghị viện 1967-1971, phe đối lập còn có hai tờ báo hàng ngày khá mạnh về số lượng phát hành và nhất là về ảnh hưởng đối với dư luận người dân Sài Gòn. Hai tờ đều được cấp giấy phép xuất bản gần cuối năm 1968 là Tin Sáng do dân biểu Ngô Công Đức, đơn vị Trà Vinh, làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và Tiếng Nói Dân Tộc do tôi đứng tên chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tờ Tin Sáng có một số phận khá đặc biệt: tháng 8 – 1971, anh Ngô Công Đức ra nước ngoài sau khi thất cử ở đơn vị cũ (Trà Vinh) vì chắc chắn sẽ bị chính quyền Thiệu đàn áp khi quyền bất khả xâm phạm của mình hết hiệu lực. Anh Đức đi đường bộ qua Campuchia, rồi từ đây đi tiếp sang Bangkok. Cuối cùng anh định cư tại Thụy Điển. Theo một người thân của anh Đức, trước khi rời Sài Gòn, anh Đức đã được anh Phạm Xuân Ẩn khuyến khích nhanh chân ra đi vì anh Ẩn thấy trước nguy cơ anh Đức có thể bị chính quyền Thiệu hãm hại. Tờ báo vắng mặt chủ nhiệm (nhưng được giấu kín) tiếp tục phát hành thêm khoảng 2 tháng. Người điều hành tờ Tin sáng trong thời gian chủ nhiệm vắng mặt là dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. Chức danh của ông Nhuận trong tờ báo là giám đốc chính trị. Tháng 1-1972, Bộ thông tin mới phát hiện sự vắng mặt của chủ nhiệm và rút giấy phép của Tin Sáng. Anh Đức bị chế độ Sài Gòn kết án vắng mặt ba năm tù và tịch thu tài sản. Có những lúc, trong một tháng, báo Tin Sáng bị Bộ Thông tin ra lệnh tịch thu 15 ngày (mỗi đợt ba, bốn ngày). Nhưng tờ báo tiếp tục sống vì tòa soạn có cách tuồn báo ra ngoài bán. Thường báo bị tịch thu lại bán chạy hơn báo phát hành bình thường. Mục ăn khách nhất của báo Tin Sáng là “Tư trời biển” do chính ông Đức phụ trách.

Trước năm 1975, tờ báo Sài Gòn nào cũng có mục tiểu phẩm châm biếm. Nó thường chiếm vị trí quan trọng, nằm ở phía dưới bên phải trang nhất tờ báo, đối xứng với một mục “ăn khách” khác là xã luận nằm ở bên trái trang báo. Độc giả Sài Gòn những năm 50 không thể quên cây viết trào lồng Tiểu Nguyên Tử với mục châm biếm xuất hiện hàng ngày “Gẫm cười hai chữ nhân tình” trên tờ Tiếng Chuông. Tiểu Nguyên Tử là bút danh của một luật sư nổi tiếng, ông Dương Tấn Trương. Ông có lối viết và chơi chữ rất độc đáo.

Tờ báo ngày Tiếng Nói Dân Tộc (TNDT) xuất bản cùng thời điểm với tờ Tin Sáng, cũng có mục châm biếm thường xuyên lấy tên “Xỉa răng cọp” do tôi phụ trách trực tiếp với bút danh “Người Giấu Tên”. Vào lúc này, báo chí chống cộng như tờ Sống của nhà văn Chu Tử (tác giả của tiểu thuyết ăn khách Yêu) là tiếng nói khá nặng ký của những người Bắc di cư hoặc tờ Xây Dựng do linh mục Nguyễn Quang Lãm làm chủ nhiệm đều có mục châm biếm. Chu Tử đặt tên mục của báo mình là “Ao thả vịt”, còn linh mục Lãm viết châm biếm dưới bút danh Thiên Hổ.

Không thể tránh những cuộc bút chiến xảy ra giữa các tờ Tin Sáng và Tiếng Nói Dân Tộc thuộc khuynh hướng tiến bộ với các báo SốngXây Dựng. Tuy nhiên, dù các cuộc bút chiến có lúc khá gay gắt nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ lịch sự.

Số phận của tờ TNDT khá lận đận. Vừa ra được mấy số thì đã bị bộ trưởng Bộ thông tin Tôn Thất Thiện gọi lên hăm dọa đóng cửa với lý do: trong tòa soạn TNDT có chứa cộng sản. Tôi phản đối: Ông không nên nói nửa úp nửa mở như thế. Ông phải nêu ra rõ ràng ai là cộng sản? Tôi đặt lại vấn đề với tổng trưởng Thiện: Bộ thông tin đâu có phổ biến đến các báo danh sách các nhà báo cộng sản để các nhà báo biết mà tránh không sử dụng. Tôi nhấn mạnh: “Tòa soạn báo TNDT, những người cộng tác với tôi đều là những công dân hợp pháp”. Ông Thiện chẳng nói gì nhưng cho tôi hiểu đây là một lời cảnh cáo đối với tờ TNDT. Tổng trưởng Thiện từng ở “một chiến tuyến” với tôi khi ông cùng tôi phụ trách báo chí cho liên danh Trần Văn Hương, ứng cử tổng thống năm 1967. Ông Thiện phụ trách liên lạc báo chí tiếng Anh, còn tôi liên lạc báo chí tiếng Việt. Khi ông Trần Văn Hương nhận làm thủ tướng cho chính phủ Thiệu, ông có hỏi ý kiến tôi nên chọn ai làm tổng trưởng thông tin. Tôi là người đã nêu tên Tôn Thất Thiện. Nhưng trong cuộc gặp nhau tại Bộ thông tin liên quan đến tờ TNDT, ông Thiện tiếp tôi một cách lạnh lùng như không hề quen biết. Người Pháp nói “Quyền hành làm hư hỏng con người” (le pouvior corrompt l’homme), còn ở đây thì quyền hành làm thay đổi tình bạn. Thời gian ông Thiện làm tổng trưởng thông tin, báo chí chống đối ông quyết liệt và đặt cho ông biệt danh: “Bảy T”, dựa vào bảy chữ T (tổng trưởng thông tin Tôn Thất Thiện). Một số báo còn gọi ông là Bảy Thất: thất thiện, thất tâm, thất tín v.v…

Trở về tòa soạn sau khi lên Bộ thông tin, tôi có thuật lại chuyện xảy ra cho nhà báo Triệu Công Minh nghe, lúc đó ông Minh làm tổng thư ký tòa soạn của tờ báo. Ông Minh suy nghĩ một lúc rồi nói với tôi: “Tụi nó nhắm vào tôi và vợ tôi đó”. Vợ của ông Minh là bà Ái Lan cũng là một nhà báo quen thuộc ở Sài Gòn. Hai ông bà đi đâu và làm gì cũng có đôi, như hình với bóng, ngay cả khi vào tù thời Pháp trước đó hay sau này của các chính quyền Diệm và Thiệu cũng đủ đôi.

Nhớ lại khi tôi vừa có giấy phép xuất bản báo TNDT và dự định in tại nhà in của ông Nam Đình (chủ nhiệm tờ Đuốc Nhà Nam, cũng là chủ nhiệm tờ Thần Chung xưa kia), tôi có nhờ ông Nam Đình giới thiệu một tổng thư ký tòa soạn. Ông Nam Đình đã giới thiệu tôi với ông Triệu Công Minh, lúc đó khoảng 60 tuổi. Ông Triệu Công Minh còn hoạt động cho cộng sản không, lúc đó tôi không biết. Nhưng với cả làng báo Sài Gòn, ai cũng biết hai vợ chồng ông Minh là những nhà báo kháng chiến và không bao giờ hai ông bà từ bỏ lý tưởng của mình.

Ông Minh nói tiếp với tôi: “Để tránh rắc rối cho tờ báo của cậu, vợ chồng tôi phải rút lui thôi. Tôi sẽ giới thiệu cho cậu một người khác thay tôi làm thư ký tòa soạn”. Ông Minh giới thiệu với tôi nhà báo kỳ cựu Phan Ba mà theo tôi biết cũng là một nhà báo cựu kháng chiến. Anh Ba đã từng bị chế độ Ngô Đình Diệm bắt và bị tỉnh trưởng Mỹ Tho Nguyễn Trân đưa ra đấu lý về chủ nghĩa cộng sản tại tỉnh này cùng với nhiều người cộng sản khác hoạt động trong lãnh vực báo chí tại Sài Gòn. Anh Phan Ba cộng tác với tôi cho đến khi báo TNDT bị chính quyền Thiệu đóng cửa (đầu năm 1970). Sau đó anh làm cho tờ Tin Sáng của anh Ngô Công Đức. Sau 30-4-1975, khi Tin Sáng tái bản, tôi và anh Phan Ba lại có dịp làm chung. Tôi phụ trách tòa soạn, còn anh lo tin quốc tế.

Tờ TNDT đánh dấu bước chuyển đầu tiên trong lập trường chính trị của tôi, từ vị trí đối lập nhưng vẫn tự coi mình là một thành viên trong hàng ngũ “quốc gia”, chuyển sang đứng giữa, không xếp hàng theo chính quyền quốc gia mà cũng không theo cộng sản. Thái độ chính trị này thực chất không có gì khác hơn là sự biểu hiện tâm trạng gần như bế tắc của cá nhân tôi. Sau Tết Mậu Thân, một số trí thức tên tuổi và nhiều học sinh sinh viên rời thành phố đi theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam hoặc theo Liên minh Dân tộc Dân chủ Hòa bình do luật sư Trịnh Đình Thảo đứng đầu. Lúc đó tôi thấy rằng, không phải tất cả mọi người muốn đi tìm một lý tưởng đều có thể đi theo con đường MTDTGPMN, vì không phải ai yêu lý tưởng cũng có đủ can đảm, và chưa kể MTDTGPMN vẫn là một tổ chức hoạt động chính trị bí mật, nên muốn tiếp cận để tìm hiểu và gia nhập là cả một vấn đề đối với những ai không được “móc nối” hoặc không có người làm trung gian. Chính vì thế, tôi cũng tự gọi mình là người thuộc thành phần “những người Việt cô đơn”.

Lập trường “đứng giữa” của tôi xuất phát từ quan điểm chối từ tính đại diện hợp pháp của chính phủ Sài Gòn và mặt khác do sự hoàn toàn không hiểu biết tổ chức MTDTGPNMN vì chưa từng được tiếp xúc.

Để bảo vệ lập trường “đứng giữa” của mình, tôi đã phải đối đầu công khai với các bài báo chống cộng trên tờ TNDT. Ngày 22-11-1968, tôi đã có cuộc bút chiến với tờ Xây Dựng linh mục Nguyễn Quang Lãm và ngày 1-12-1968 với tờ Chính Luận của nghị sĩ Đặng Văn Sung – một nhân vật chống cộng và thân Mỹ nổi tiếng tại Sài Gòn. Và đây là một giai đoạn của bài báo “Đi mô đấy ông Lý Quý Chung” ra ngày 21-11-1968 trên tờ Xây Dựng:

“Ở giữa đây là quay về nguồn gốc của dân tộc để vì Dân tộc mà sống với Dân tộc, cùng một lúc từ chối cả hai ảnh hưởng từ hai phía”.
Câu trên đây của ông dân biểu Lý Quí Chungnếu được tuyên bố trong một cuộc mít tinh khí thế bừng bừng của sinh viên học sinh, tất cả sẽ vang như sấm sét, giữa những tiếng hoan hô vang dậy ngất trời.

Chẳng nói đến thanh niên, ngay cả cái cỡ long đầu gối, thận suy, răng rụng như Thiên Hổ cũng sẽ phải hỉ hả, vỗ đến toét cả hai bàn tay ra.

Thú thực là để cho nó sướng cái miệng! Thế thôi, chứ cũng thú thực cóc hiểu cái tuyên bố đó.

Tất nhiên rồi. Những Lý Quí Chung, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung và các anh em có tên Chung hay Trung cũng như các đứa con chỉ được quen mồm gọi thằng cu như Thiên Hổ, nghĩa là đại đa số con dân Việt Nam ở ba miền Trung, Nam, Bắc, vẫn muốn là ‘những người ở giữa’. Nô lệ nhục lắm, ai chả biết dân tộc mình nhiều tự ái, đến mần cái việc của Hàn Tín ngày xưa với anh hàng thịt cũng chưa chắc đã thèm làm (.)

Giữa lúc thập tử nhất sanh của đất nước mà chỉ oang oang “Chúng tôi muốn là những người ở giữa” thì câu đó ‘nông a lê u’, mà còn tổ làm cớ cho cộng sản nó khai thác! Nhà dân biểu hăng say Lý Quí Chung ‘vì dân tộc, với dân tộc’ hẳn đã nghĩ đến điều đó. Dù sao Thiên Hổ cũng xin phép nói trước, sợ đàn anh quá sốt sắng đến thành ngây thơ. Chết cho dân tộc chúng em đấy!
Thiên Hổ

Rõ ràng lập trường “đứng giữa” của tôi lúc đó gây phản ứng với các thế lực chống Cộng như thế. Tôi chấp nhận sự “ngây thơ chính trị” của mình để có thể tự tách mình ra khỏi một chế độ không đáp ứng lý tưởng của mình mà cũng không đại diện nguyện vọng của nhân dân miền Nam. Lập trường “đứng giữa” làm tức tối các phần tử chống cộng, nhưng cũng chính thức không nghiêng về phía cộng sản, nên không có đủ lý do để chính phủ Thiệu đóng cửa tờ báo.

Với tôi, lúc đó nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng là một “người Việt cô đơn”, một “người Việt đứng giữa”. Có một hôm tôi mời anh Sơn đến tòa soạn TNDT chơi và trong một giây phút cao hứng tôi đề nghị anh sáng tác một bản nhạc dành cho người Việt đứng giữa. Nhưng Sơn khéo léo nói sang chuyện khác. Tôi biết Sơn ngại dính líu vào chính trị. Dù tôi không tham gia một đảng phái chính trị nào nhưng tôi cũng đang hoạt động chính trị. Sơn vẫn đặt các sáng tác của anh trên những xúc cảm chung nhất của dân tộc: chống chiến tranh, vì hòa bình thống nhất đất nước, vượt lên trên những vấn đề thời sự cụ thể. Anh đau niềm đau chung của dân tộc.

Nhạc Trịnh Công Sơn có những lúc là cái phao tinh thần cho cá nhân tôi. Nhiều buổi tối trở về nhà chán nản, tâm trạng khủng hoảng, bế tắc sau một cuộc xuống đường mệt mỏi nhưng chẳng lay động được gì chế độ Mỹ - Thiệu, tôi nằm ngay trên sàn nhà, không cần bật đèn, chỉ bật nhạc Trịnh Công Sơn để nghe như nghe chính tâm trạng mình, nhưng đồng thời lại nuôi nấng được trong con tim niềm hi vọng hòa bình và ước mơ được thấy một ngày nào đó, Huế - Sài Gòn – Hà Nội sẽ liền một dải. Thế là nhạc Trịnh làm tươi lại tâm hồn tôi và làm mới ý chí tôi.

Có những đêm, sau cuộc họp chính trị tại Dinh Hoa Lan (biệt thự của tướng Dương Văn Minh) tôi không về thẳng nhà mình mà đến phòng trà Khánh Lý trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi) để ngồi nghe một mình nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh chống chiến tranh nhưng không hề khiến những người yêu nước mềm ý chí. Anh kêu gọi hòa bình nhưng không làm cho những ai đang chiến đấu vì đồng bào và Tổ quốc lại gác súng. Trái lại nó nuôi ý chí làm quật khởi những tâm hồn yêu nước.

Cuộc sống quá hối hả, dồn dập lắm biến chuyển không có nhiều cơ hội để tôi và Trịnh Công Sơn gặp nhau. Vả lại tôi và Sơn hoạt động ở hai quỹ đạo rất khác nhau. Sau 1975, chúng tôi gặp nhau thường hơn, nhưng vì tôi không uống rượu và cũng không sành về âm nhạc nên cũng không lọt vào cái quỹ đạo đặc biệt của Sơn gồm những bạn rượu và văn nghệ sĩ. Mỗi lần tôi tới chơi nhà Sơn, tôi đều báo trước và thường ngồi nói chuyện với nhau chỉ có hai đứa.

Khi tôi lấy vợ lần thứ hai (năm 1985) và tổ chức đám cưới tại hội trường báo Tuổi Trẻ, tôi có mời Sơn. Tôi và Sơn rất mê khiêu vũ nên giữa buổi tiệc chúng tôi dẹp bớt đi bàn ghế và cho nhạc trỗi lên. Vào thời điểm này hầu như không ai dám “liều” như chúng tôi. Khai mạc buổi khiêu vũ, Sơn mời cô dâu nhảy đầu tiên, còn tôi mời chị Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Tôi còn nhớ đó là một bản nhạc theo nhịp Be Bop. Sơn rất thích nhảy Be Bop. Sau này khi bệnh tiểu đường trở nặng, đi đứng khó khăn, Sơn không còn khiêu vũ được, làm anh hối tiếc vô cùng. Có một hôm (khoảng đầu năm 2000) tôi cùng vợ tôi khiêu vũ ở vũ trường Tự Do ở đường Đồng Khởi, đang nhảy ngoài piste, tôi linh cảm có ai nhìn mình từ quầy bar, tôi quay lại và nhìn thấy Trịnh Công Sơn. Đứng bên cạnh là họa sĩ Trịnh Cung. Anh đưa tay lên chào tôi. Khi bản nhạc kết thúc tôi liền đến chỗ anh. Tôi hỏi Sơn: “Ông không nhảy à?”. Giọng Sơn buồn man mác: “Mình đi đứng còn khó khăn thì làm sao nhảy. Thấy toa nhảy, moa thèm quá”. Sơn còn hỏi thêm: “Hình như toa nhảy disco hơi khác người ta phải không?”. Tôi cười trả lời: “Khiêu vũ đâu nhất thiết phải giống như người khác. Mình nhảy theo cảm xúc của mình – như thế tự do và hứng thú hơn”. Nhìn Sơn đứng bên piste mà không nhảy, tôi buồn và thương anh vô cùng. Tôi biết bệnh tình của anh đã tới thời kỳ khá nặng.

Mùng 5 Tết năm Tân Tị (năm 2001), tôi vào bệnh viện Chợ Rẫy cùng với họa sĩ Trịnh Cung thăm Sơn. Đây là lần cuối cùng tôi gặp mặt người nghệ sĩ tài hoa này. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, ngày 1-4-2001, anh vĩnh viễn từ giã bạn bè và tất cả những người yêu thương và ngưỡng mộ anh. Cuộc gặp Sơn tại bệnh viện Chợ Rẫy, tôi có ghi lại thành một bài báo đăng trên tạp chí Đẹp số đầu tháng 2-2001:

“…Sơn vẫn nằm trên giường khi nói chuyện với chúng tôi, nhưng trông anh vẫn khỏe khoắn, thần sắc tinh anh. Tôi chợt cười thầm trong bụng bởi một ý nghĩ thú vị vụt đến: Con người gầy gò và nhẹ bâng này đang mang nhiều thứ bệnh trong người, tưởng như dễ dàng rơi vào tay tử thần, lại là người chiến đấu cho cuộc sống bản thân dữ dội nhất.

Cách đây mấy năm, Sơn bị đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Lần đó, bạn bè thật sự lo lắng cho anh. Cuối cùng Sơn vẫn trở về an toàn. Gặp lại Sơn tại nhà riêng của anh lần đó, tôi tò mò hỏi: “Đúng là ông trở về từ cõi chết, vậy ông suy nghĩ gì về… cái chết?”

Tôi vẫn gọi Sơn như thế, từ “ông” được dùng theo cách xưng hô thân mật. Có lúc chúng tôi gọi nhau bằng “toa” và “moa”, cách xưng hô giữa những người bạn có thời học trường Pháp. Sơn không cần suy nghĩ, trả lời ngay: “Chết là thiệt thòi. Người Pháp nói: Les absents ont toujours tort. Chết, mình không còn họp mặt với bạn bè, không còn được ngắm cuộc đời rất đẹp này”. Nhớ câu trả lời cách đây mấy năm, tôi tò mò muốn biết nằm trên giường bệnh lần này, anh nghĩ gì. Câu trả lời còn nhanh hon và gọn hơn lần trước: “Mình muốn ra khỏi đây càng sớm càng tốt”.

Hãy cứ vui chơi với đời
Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau
Còn đây em ngọt ngào
Đứng bên ngày yêu dấu
Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao

(«Hãy cứ vui như mọi ngày»)

Vóc dáng mảnh khảnh, quen thuộc của anh Sơn với mọi người trong nhiều năm qua, khiến không ai có thể nghĩ rằng Sơn đã có một thời trai trẻ là con nhà thể thao chính cống. Mỗi sáng anh đều quần một hai hiệp quyền Anh. Anh đồng thời còn là đệ tử Vovinam từ những ngày đầu môn này được thành lập ở Sài Gòn, và là vận động viên điền kinh 10 môn. Nếu người em trai của Sơn không tung một cú quật trong một lần luyện võ với nhau, khiến ngực anh đập xuống nền nhà làm vỡ mạch máu phổi phải nằm trên giường suốt hai năm, thì chắc chắn chúng ta chỉ có một vận động viên Trịnh Công Sơn (chưa bảo đảm là xuất sắc) nhưng mất đi một Trịnh Công Sơn tài năng âm nhạc. Đó là khúc quanh cuộc đời của anh. Sơn nói: “Trên giường bệnh mình suy nghĩ rất nhiều…”. Khi rời giường bệnh năm 1957, trong anh đã có một đam mê khác: âm nhạc. Với nhiều người, tác phẩm đầu tay của Sơn là “Ướt mi”. Nhưng Sơn tiết lộ:

“Bản nhạc đầu tiên đúng nghĩa của mình có tên “Sương đêm”. Không ai biết sáng tác này. Nó đã thất lạc. Bản thân mình cũng không nhớ lời và nhạc như thế nào!”.

Tác phẩm đầu tiên của Sơn – “Ướt mi” – như công chúng yêu nhạc biết, đã được Thanh Thúy – ca sĩ thời thượng những năm 50, người có giọng ca liêu trai, trình diễn lần đầu tại phòng trà Văn Cảnh. Không như suy nghĩ chung của nhiều người, Khánh Ly không phải là người đầu tiên và duy nhất hát thành công nhạc Trịnh Công Sơn trước năm 1975. Sau Thanh Thúy, một giọng ca lừng danh khác của Sài Gòn thời đó góp phần giới thiệu tác phẩm của Sơn – đó là nữ ca sĩ Lệ Thu.

Khánh Ly là người thứ ba và là người hát toàn bộ các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Lần đầu chính Sơn chủ động tiếp xúc với Khánh Ly tại phòng trà Night Club ở Đà Lạt bằng cách tự giới thiệu mình là tác giả bài “Ươt m”. Sau một tháng tập bể cả giọng, Khánh Ly cùng Trịnh Công Sơn xuất hiện lần đầu tiên tại sân sau Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (hiện là Thư viện Quốc gia) trước 5000 sinh viên. Khánh Ly trình bày luôn 24 sáng tác của Sơn trong đêm đó. Sau đó Khánh Ly đã nói với Sơn: “Trước đây mình chỉ hát trong phòng trà, lần đầu tiên hát trước hàng ngàn sinh viên, tối đó mình không làm sao ngủ được”. Đó là năm 1965, các sáng tác của Sơn bấy giờ đều là tình ca.

Đến năm 1968, Sơn mới sáng tác nhạc phản chiến.

Hình như Trịnh Công Sơn có hai bài sáng tác về Hà Nội và chẳng có bài nào viết về Huế. Tôi hỏi anh điều ấy. Sơn không trả lời thắc mắc của tôi mà nói: “Có lần Hoàng Hiệp phát biểu, bài nào của Sơn cũng có Huế trong đó mặc dù không có đề cập Huế trực tiếp”.

Thêm một thắc mắc, tò mò khác: “Có bao giờ ông nghĩ đến chuyện lấy vợ?”

- Có một lần thoáng qua lúc mình trẻ. Nhưng thời đó, các cô gái ít chịu lấy mấy ông chồng nghệ sĩ sống bấp bênh.

- Bao nhiêu phần trăm các sáng tác của ông lấy cảm hứng từ một người đẹp nào đó?

- Một phần năm mình viết cho một người cụ thể.

Họa sĩ Trịnh Cung, bạn thân của Trịnh Công Sơn từ thời trẻ, nói chen vào:

- Theo tôi hơn con số đó. Phải là 40%. Tôi có thể chứng minh bài nào ông viết cho người nào.

Sơn không phản đối. Tôi lại hỏi Sơn: “Bửu Ý viết Thay lời tựa cho Tuyển tập những bài ca không năm tháng của ông, có đoạn nói rằng ông đã chuẩn bị tinh thần cho cái phút sau rốt cuộc đời bằng cách trích lại 4 câu ở 4 sáng tác khác nhau của ông:

… một trăm năm sau mãi ngủ yên (“Sẽ còn ai”)

… mai kia chào cuộc đời (“Những con mắt trần gian”)

…một hôm buồn núi nằm xuống
(“Tự tình khúc”)

…một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời
(“Bên đời hiu quạnh”)

- Vậy ông có thật sự chuẩn bị cho cái chết?

- Mình không chuẩn bị cho cái chết. Lạ lùng là sau cơn hôn mê, mình tỉnh lại vẫn không thấy vui mừng. Thế mà ngủ nằm mơ thấy chết, sáng thức dậy lại mừng. Đúng là có những chuẩn bị hẳn hòi cho cái chết của mình và có những người chẳng chuẩn bị gì cả, coi thường cái chết. Riêng mình hơi khác, mình không sợ cái chết nhưng nếu phải rời bỏ cuộc đời này mình rất luyến tiếc. (Sơn dùng thêm tiếng Pháp regret). Trong khi sống mình đã nuối tiếc rồi, mình sợ mất nó. Mình khát sống.

- Ông có bao giờ nghĩ đến chuyện viết di chúc?

- Không. Một cô ca sĩ đã hỏi mình câu đó. Mình có tài sản chi đâu? Với mình cái hiện tại là cái có thật, cùng sống với nó. Còn cái sau đó…

- Bây giờ nhìn lại cuộc đời đã qua, về tình yêu, ông thấy thế nào?

- (Không cần suy nghĩ) Thất bại nhiều, thất bại nặng. Thời trẻ sự thất bại mang lại nỗi đau bàng bạc, kéo dài. Bây giờ nó dữ dội, nhưng ngắn. Mình để nó rơi vào quên lãng, không lục soát lại, coi như một xác chết của quá khứ.

Tôi chuyển sang chuyện khác và hỏi: Ông có kẻ thù không?

- Có (Rồi dừng lại một giây suy nghĩ). Đúng ra là không. Dĩ nhiên cũng có người ghét mình. Riêng mình đã loại trong đầu mình khái niệm kẻ thù.

- Ông là nhạc sĩ dấn thân – engagé?

- Từng giai đoạn, nhưng nói chung mình chủ trương ‘nghệ thuật vị nhân sinh’ chứ không ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Cho nên nếu vì một hoàn cảnh nào đó buộc mình đi tu, thì mình sẽ đi tu giữa cuộc đời này.

- Ông có hối tiếc vì không có con để nối dõi?

- Không nghĩ tới. Mình chưa bao giờ nghĩ tới một Trịnh Công Sơn con. Tại sao? Để mình xem có lý do nào không? (Sơn suy nghĩ một lúc) Mình không thấy lý do nào cả. Có lẽ cuộc sống vội vàng đi qua, đi qua, rồi… Thỉnh thoảng xưa kia các em mình có nhắc, mẹ mình cũng có nhắc nhưng không ai đặt thành vấn đề, rồi thôi…

Thoắt một cái người đã 61 tuổi, người đã 62. Nhớ lại lần gặp nhau tại tòa soạn báo Tiếng Nói Dân Tộc ở Sài Gòn năm 1966, thế là đã 35 năm.

Cùng thời điểm Sơn sáng tác những bài hát phản chiến (bắt đầu từ năm 1968), phần tôi trên báo Tiếng Nói Dân Tộc cũng tổ chức cuộc thi viết phóng sự với chủ đề “Viết cho quê hương, dân tộc” dành cho bạn đọc. Các bài dự thi đều chống cuộc chiến, chống sự can thiệp của người Mỹ, phản ánh tâm trạng và thực trạng khắp miền Nam, tất cả hợp thành một bức tranh xúc động và trung thực của nửa phần Tổ quốc phía Nam. Những bài đoạt giải như “Phục sinh đất chết” nói về hậu quả của chất độc hóa học của quân đội Mỹ rải xuống ruộng vườn; “Khi người Mỹ đến”, mô tả chi tiết quá trình một xã ven đô hiền hòa bị biến thành một nơi buôn hoa bán phấn vì chạy theo đồng đô la Mỹ; hoặc “Ông lão trong vùng oanh kích tự do” bi kịch của một ông lão sống trong vùng đất bị quân đội Mỹ coi là “Free Fire Zone” nhưng nhất định không chấp nhận dời căn lều của mình đi nơi khác v.v…

Báo TNDT đã mời giáo sư Lý Chánh Trung làm chủ tịch Hội đồng chấm giải và tận tay trao giải cho những người về đầu cuộc thi.

10 phóng sự xuất sắc nhất đã được dịch ra tiếng Anh và được Nhà xuất bản Mỹ Praeger in thành sách (tựa sách Between Two Fires). Nhà báo Lê Trang của báo Saigon Daily News giúp tôi khâu dịch thuật, sau đó nhà báo Mỹ Arthur J. Dommen (phụ trách văn phòng báo Los Angeles Times tại Sài Gòn) hiệu đính lại. Tôi đã mời nhà văn nữ người Mỹ Frances Fitzgerald viết Lời mở đầu (Frances Fitzgerald đã từng đoạt giải Pulitzer với quyển “Fire On The Lake” – Lửa trong hồ) quyển sách do tôi đứng tên thực hiện và viết lời giới thiệu. Fitzgerald từng viếng thăm Hà Nội trước 1975 và là người tán đồng ngay từ lúc đó sự thống nhất Việt Nam dưới ngọn cờ của cách mạng.


10. Những nhà báo nước ngoài mà tôi đã gặp

Nhớ lại nhà báo A. J. Dommen, tôi rất cảm ơn ông đã giúp tôi thực hiện quyển sách đã góp một phần nhỏ làm cho dư luận Mỹ hiểu thêm thực trạng miền Nam Việt Nam từ khi quân đội của họ can thiệp vào. Ở đó chỉ toàn là những lời ca thán và phẫn nộ chứ không hề có sự hàm ơn. Trước năm 1975, tôi có dịp gặp gỡ và thân thiết nhiều nhà báo nước ngoài, kể cả nhà báo Mỹ. Rất nhiều người trong số họ thật sự gắn bó tình cảm với đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, họ đã chọn một thái độ chính nghĩa vượt lên trên nghĩa vụ nghề nghiệp thuần túy.

Bi kịch chiến tranh Việt Nam chi phối rất nhiều cuộc đời và sự nghiệp của các nhà báo nước ngoài, đặc biệt là các nhà báo Mỹ. Không ít người đã trở thành nổi tiếng, nhận những giải thưởng báo chí cao quí như Pulitzer, nhưng cũng có lắm nhà báo bị cuộc chiến ám ảnh mãi cuộc đời còn lại. Họ vĩnh viễn không tìm lại được cuộc sống bình thường khi trở về quê hương. Có người vì quá gắn bó với đất nước và con người Việt Nam, đã ôm trọn bi kịch của dân tộc này vào cuộc đời của mình. Nhiều người trong số họ trở thành một phần ký ức trong cuộc đời hoạt động báo chí và chính trị của tôi. Hoạt động chính trị trong lòng Sài Gòn trước 1975 không thể thiếu những quan hệ mật thiết với báo chí, nhất là báo chí nước ngoài, vì theo tôi, họ đã góp phần rất lớn vào việc đánh động dư luận nước Mỹ và thế giới về những gì xảy ra tại miền Nam Việt Nam.

… Một trong những nhà báo Mỹ đầu tiên tôi quan hệ là Peter Arnett, lúc đó là phóng viên của hãng tin AP (Associated Press), sau này nổi tiếng trong hai cuộc chiến Irak (1991 và 2003). Tôi muốn nhắc đến Peter Arnett đầu tiên vì thời điểm tôi bước vào nghề báo cũng là lúc Peter Arnett gây sự chú ý trong các đồng nghiệp của anh qua một cuộc tranh luận gây sốc với đô đốc Harry Felt, tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương. Chuyện xảy ra sau trận đánh Ấp Bắc lịch sử hai ngày. Đô đốc Felt cố gắng biện minh sự thất bại đầu tiên của quân Mỹ và quân đội Sài Gòn trong chiến tranh trực thăng vận bằng cách lập luận rằng đã đánh bật được địch ra khỏi Ấp Bắc. Nhưng Peter Arnett cho rằng đó là cách đánh giá thắng bại theo sự chiếm cứ đất đai trong chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, hoàn toàn không ăn nhập gì với cuộc chiến tranh du kích ở miền Nam. Sau trận đánh Ấp Bắc, chiến tranh du kích ở miền Nam đã đạt một tầm vóc phát triển mới. Peter Arnett đặt vấn đề và chất vấn Đô đốc Felt theo chiều hướng này khiến cho Felt không giữ được bình tĩnh và quật ngược lại Arnett: “Anh hãy trở lại hàng ngũ”, ý muốn nhắc Peter Arnett đừng quên anh trước hết là một người Mỹ. Các bài viết của Peter Arnett trong chiến tranh Việt Nam luôn cố gắng tìm ra một sự thật khác hơn cái sự thật được Washington và chính quyền Sài Gòn đưa ra. Ở cuộc chiến vùng Vịnh 1991 (Irak 1) và ở cuộc chiến Irak 2 (2003) cũng thế. Ở cuộc chiến Irak 2, Arnett đang là phóng viên của NBC (Mỹ) nhưng lại xuất hiện trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Irak (Lúc lãnh tụ Saddam Hudssein còn nắm quyền) và đưa ra nhận định rằng những hình ảnh bom đạn Mỹ sát hại dân thường Irak và nhất là trẻ thơ vô tội cung cấp thêm sức mạnh cho các phong trào phản chiến ở Mỹ và thế giới. Sau cuộc trả lời phỏng vấn này, Peter Arnett bị NBC sa thải. Nhưng liền đó, một tờ báo Anh lại thuê ông tiếp tục làm đặc phái viên tại Irak.

Peter Arnett gặp và phỏng vấn tôi trong khoảng thời gian 1967 – 1968. Sau chiến tranh Vùng Vịnh (Irak 1), năm 1996, Peter Arnett có trở lại Việt Nam. Khi đến TP.HCM, ông có đến thăm tôi cùng một người bạn của ông tại nhà hàng “Đôi đũa tre” của tôi ở đường Bà Hạt thuộc quận 10 TP.HCM. Chúng tôi nhắc lại chuyện xưa và được nghe ông kể nhiều chuyện về chiến tranh Vùng Vịnh.

Peter Arnett là phóng viên Mỹ đầu tiên nhìn thấy ở trận Ấp Bắc một bước ngoặt của chiến tranh du kích ở Việt Nam. Còn với Henry Kamn, phóng viên của New York Times, là một trong những người đầu tiên đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra trước công luận Mỹ. Điều gì thúc đẩy những nhà báo như Peter Arnett, Henry Kamn lật ngược những “sự thật” được chính nhà cầm quyền Mỹ… dựng lên, và đưa ra công luận những tội ác mà chính quân đội Mỹ gây ra? Theo tôi, trong một nhà báo chân chính luôn tồn tại hai con người: con người bình thường gắn với quê hương, dân tộc, và một con người khác vượt lên trên ranh giới quốc gia, chia sẻ những nỗi đau và bất hạnh của nhân loại, để đấu tranh cho một thế giới công bằng và tốt đẹp hơn.

Chính Henry Kamn đã kể lại cho tôi nghe diễn tiến việc ông thực hiện bài phóng sự điều tra vụ thảm sát Sơn Mỹ (vào lúc đó báo chí quốc tế gọi là vụ thảm sát Mỹ Lai) như sau:

- Một buổi trưa tại văn phòng báo New York Times ở Sài Gòn, tôi nhận một cú điện thoại từ văn phòng ở New York cho biết có tin một đại úy phi công Mỹ đã tố giác một vụ thảm sát dân thường do lính Mỹ gây ra tại một làng ở tỉnh Quảng Ngãi. Đại úy phi công này đã chứng kiến tận mắt vụ thảm sát và anh đã dùng trực thăng của mình cứu được một số người. Sau một thời gian im lặng, do lương tâm cắn rứt, anh đã lên tiếng tố giác.

Nhận được thông tin này, Henry Kamn tức tốc gọi cô thư ký mua ngay vé máy bay đi Đà Nẵng đầu giờ chiều hôm đó. Đến Đà Nẵng, Kamn không có phương tiện nào đi Quảng Ngãi, trời lại bắt đầu tối. Cuối cùng, Kamn đã xin được một chỗ trên một máy bay quân sự Mỹ đến tỉnh này. Trên máy bay, Kamn ngồi cạnh một người Mỹ mặc quần áo dân sự. Trò chuyện với nhau một lúc, người Mỹ này hỏi mục đích của chuyến đến Quảng Ngãi của Kamn. Kamn tiết lộ mình là nhà báo nhưng vẫn úp mở về mục đích chuyến đi của mình. Người Mỹ kia nhìn thẳng Kamn và nói “Tôi biết ông tìm gì ở đó. Vụ thảm sát ở Mỹ Lai phải không?”. Thế là Henry Kamn đành thú nhận mục đích của chuyến đi của mình. Bấy giờ, người Mỹ kia mới nói rõ ông là cố vấn của tỉnh trưởng Quảng Ngãi và mời Kamn khi đến Quảng Ngãi nên ở nhà ông “để được an toàn”. Viên cố vấn Mỹ này cũng hứa giới thiệu Henry Kamn với trung tá tỉnh trưởng Quãng Ngãi, ông ta sẽ giúp cho cuộc điều tra của Kamn dễ dàng hơn. Viên cố vấn Mỹ cho biết tỉnh trưởng hiện tại, vừa được bổ nhiệm thay tỉnh trưởng cũ, không dính líu gì với vụ thảm sát sẽ sẵn sàng giúp Kamn. Nếu không có sự giới thiệu của viên cố vấn Mỹ với tỉnh trưởng Quảng Ngãi, không thể nào Kamn có thể đặt chân đến làng Mỹ Lai.

Khi Henry Kamn đến đó, trong làng không còn ai cả. Một số ít người còn sống sót đã lánh sang làng kế bên. Số nhân chứng này giúp Kamn dựng lại khá đầy đủ một trong những tội ác tồi tệ nhất do quân đội Mỹ gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Trở lại tỉnh lỵ Quảng Ngãi, Henry Kamn mượn điện thoại tại nhà riêng của viên cố vấn Mỹ để đọc bài báo của mình về văn phòng New York Times ở Sài Gòn rồi từ đây chuyển về Mỹ. Viên cố vấn Mỹ hỏi Kamn: “Tôi có thể đứng đây nghe nội dung bài báo của ông được không?”. Kamn trả lời: “Ông cứ nghe vì ngày mai cả nước Mỹ và thế giới sẽ biết chuyện gì đã xảy ra tại cái làng hẻo lánh này”. Khi kể cho tôi nghe câu chuyện, đến đoạn này Kamn hỏi tôi: “Anh có đoán viên cố vấn Mỹ phản ứng thế nào sau khi nghe tôi đọc hết bài báo?”. Rồi không cần tôi trả lời, Kamn nói tiếp: “Ông ta đã khóc vì quá xúc động”. Từ buổi gặp nhau tình cờ này, Kamn và viên cố vấn Mỹ trở thành bạn thân: họ cùng nhìn ra bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Sau này viên cố vấn trở thành đại sứ Mỹ ở một nước ở Trung Đông và họ vẫn liên lạc với nhau.

Sau năm 1975, Henry Kamn trở lại Việt Nam nhiều lần và mỗi khi đến TP. Hồ Chí Minh, ông đều ghé thăm tôi. Chúng tôi nói chuyện với nhau như hai đồng nghiệp bên tách cà phê tại nhà tôi, có khi đến tận khuya. Khi Kamn lần đầu đến miền Nam Việt Nam những năm 60, ông tự coi mình là một nhà báo đã hiểu biết rành rẽ cả thế giới. Ông đến từ Châu Âu, nơi ông làm đại diện cho báo New York Times trong nhiều năm. Ở đây ông quen biết hầu hết các nhà chính trị và lãnh đạo các nước Tây Âu lẫn Đông Âu. Cho nên khi nhận nhiệm vụ sang Việt Nam, ông miễn cưỡng lên đường và tự hỏi mình đến đất nước xa lạ này để làm gì. Nhưng đặt chân đến Việt Nam không bao lâu, Kamn đã nhận ra: Nếu mình chưa đến đây thì chưa biết gì về cái thế giới mình đang sống. Rất nhanh, Kamn yêu đất nước này và khi đến nước Lào thì thêm một phát hiện chinh phục con tim ông. Ông đã khám phá ở những vùng xa xôi của trái đất những đất nước và dân tộc mà theo ông vô cùng đáng yêu và đáng kính.

Henry Kamn có vợ Việt Nam. Nhưng ông gặp người vợ này sau khi ông rời Việt Nam. Trong thời gian ở Việt Nam, ông đã có vợ người Mỹ. Sau tháng 4 – 1975, ông được báo New York Times cử làm trưởng văn phòng tại Tokyo (Nhật). Một buổi tối đang ngồi trong Câu lạc bộ báo chí nước ngoài tại thành phố này thì có người báo tin: một nhóm người Việt Nam vượt biên bằng thuyền máy được một tàu Nhật vớt và đưa vào đất liền Nhật. Những người trên chiếc thuyền máy không ai nói được tiếng Anh. Quyết định của Kamn là lên đường ngay. Nhưng có một rắc rối không nhỏ là làm thế nào có ngay một người biết tiếng Việt Nam và tiếng Anh hoặc Pháp để làm thông dịch trong cuộc tiếp xúc với những người trên thuyền. Rất may tối hôm đó trong câu lạc bộ có một phụ nữ Việt Nam rất rành tiếng Pháp và tiếng Anh. Một người bạn giới thiệu người phụ nữ ấy với Henry Kamn và cô sẵn sàng đi ngay cùng Kamn. Đó là sự khởi đầu của một cuộc hợp tác rất tốt đẹp.

Sau loạt bài về những người Việt Nam di tản này, người phụ nữ Việt Nam tự nguyện làm thông dịch cho ông đã trở thành vợ chính thức của ông. Những năm sau này Henry Kamn sống tại miền Nam nước Pháp, vẫn viết cho New York Times nhưng được hưởng chế độ đặc biệt chỉ làm việc 6 tháng trong một năm. Vợ ông điều khiển một Gallerie ở Thụy Sĩ, chuyên bán tranh của những họa sĩ lớn, đặc biệt là của Picasso.

Trong chiến tranh Việt Nam, có rất nhiều nhà báo không chỉ dũng cảm bảo vệ sự thật và chân lý mà còn bày tỏ công khai tình cảm, sự gắn bó của mình đối với dân tộc Việt Nam như Kamn.

Câu chuyện của Carl Robinson, phóng viên – nhiếp ảnh của hãng tin AP là một trường hợp điển hình khác.

Như một số thanh niên Mỹ thời Kennedy đến Việt Nam với nhiều ảo tưởng mang từ đất nước họ: Tự coi mình là sứ giả của thế giới văn minmh, có sự mạng giúp xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ và phồn vinh tại miền Nam Việt Nam- Carl Robinson ở tuổi đôi mươi đặt chân đến miền Nam Việt Nam cũng với một tâm trạng như thế. “Tinh thần Kennedy” đã thôi thúc cả một thế hệ Mỹ hướng tới những lý tưởng cao đẹp. Carl Robinson nghĩ rằng khi mình đến miền Nam sẽ được dân chúng ở đây tiếp đón như cha ông của anh đã từng được ôm chầm niềm nở bởi những chàng trai cô gái Pháp, Ý mà anh từng được thấy trong các đoạn phim ghi lại sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Nhưng khi vừa xuống phi trường Tân Sơn Nhất, anh được đưa lên một chiếc xe ca quân đội Mỹ mà các cửa sổ đều được bảo vệ bằng một lớp lưới thép để chống lại tấn công bằng lựu đạn. Carl Robinson hiểu ngay rằng anh không đặt chân đến một vùng đất thân thiện như anh đã được tuyên truyền!

Khi anh được điều về Gò Công, một tỉnh lỵ ở miền Tây cách Sài Gòn chỉ mấy mươi cây số, với tư cách nhân viên USAID (Cơ quan viện trợ Mỹ), Carl càng thấy rõ sự sai lầm quá lớn của mình khi tình nguyện sang đây theo lời kêu gọi của chính quyền Mỹ. Đây là một cuộc chiến mà người Mỹ hoàn toàn bị cô lập, bị chính những người mà họ có sứ mạng “bảo vệ, giúp đỡ”, chống lại và thậm chí căm thù. Carl còn nhận ra với tất cả sự thất vọng rằng “những đồng minh” của Mỹ cũng chẳng quan tâm đến sự chinh phục người dân miền Nam Việt Nam mà ngược lại còn gây thêm đau thương cho họ. Các Tỉnh trưởng – thường là một quân nhân – là những “ông vua” ở địa phương, một thứ “hung thần” khiến người dân sợ hãi. Carl quyết định từ nhiệm.

Nhưng Gò Công sẽ mãi mãi gắn bó với Carl: anh yêu một cô gái tại đây và thiếu nữ này cũng yêu anh. Nhưng cuộc tình của họ không suôn sẻ dù Carl hết sức chân thành, gặp cha mẹ cô gái và chính thức xin cưới. Cha cô gái là một nhân sĩ địa phương, nhất định từ chối. Sự từ chối của ông cũng dễ hiểu vì vào những năm 60, gia đình nào có con gái lấy Mỹ đều bị bà con hàng xóm coi như không đàng hoàng, dễ bị khinh rẻ. Carl có thể đưa người yêu lên Sài Gòn sống bất kể sự chống đối của cha mẹ cô nhưng anh không chọn giải pháp này mà vẫn kiên trì chờ đợi sự chấp nhận chính thức của gia đình cô gái. Cuối cùng anh nhận được tín hiệu vui. Cha cô gái đồng ý gặp Carl Robinson nhưng lại đặt một điều kiện: Carl chỉ được vợ sau khi trả lời một câu hỏi do cha cô gái nêu ra. Ngày Carl hồi hộp đến gia đình của người yêu, anh không đoán được câu hỏi sẽ là gì. Cuối cùng câu hỏi của cha cô gái rất vắn tắt: “Anh có phải là nhân viên CIA không?”. Carl thở phào nhẹ nhõm vì bản thân anh rất dị ứng với tổ chức tình báo Mỹ sau khi không làm cho USAID nữa, Carl xin là phóng viên nhiếp ảnh cho hãng tin AP (Mỹ). Lúc đầu, anh không được thu nhận vì áp lực của tòa đại sứ Mỹ. Carl bị liệt vào “danh sách đen” (black list) những người Mỹ bị theo dõi tại Sài Gòn. Nhưng cuối cùng AP vẫn nhận anh.

Khi làm rõ điểm này (có phải là nhân viên CIA không), Carl cha cô gái nhận làm rể. Thế là Carl xây dựng kế hoạch cuộc sống của mình gắn vĩnh viễn với quê hương bên vợ. Anh không nghĩ đến ngày trở về Mỹ. Anh yêu vợ, mặt khác đất nước và con người Việt Nam lại rất thích hợp với tâm hồn và lối sống của anh. Kế hoạch sống tại Việt Nam của anh bị đảo lộn với sự kiện lịch sử 30-4. Tòa đại sứ Mỹ ra lệnh Carl di tản với cả gia đình, có cả ông già vợ đã từng nghi ngờ Carl làm việc cho CIA. Anh đau khổ rời Việt Nam, nơi mà anh đã chọn làm quê hương thứ hai, nhưng sự đau khổ của Carl còn là sự mất mát vật chất khiến anh hoàn toàn phá sản khi trở về Mỹ. Những gì anh đầu tư tại miền Nam, anh không thể mang theo về Mỹ. Nhưng bi kịch đối với Carl Robinson chỉ thật sự bắt đầu khi anh đặt chân trở lại quê hương anh. Hai vợ chồng phải sống trong những điều kiện khó khăn tại Washington, mỗi ngày Carl đến trụ sở hãng AP với vỏn vẹn hai đô la bỏ túi; nhưng cái mà Carl không thể chịu đựng nổi chính là thái độ của các đồng nghiệp anh tại AP. Khi từ miền Nam Việt Nam trở về, lúc đầu Carl hình dung rằng anh sẽ được các đồng nghiệp trong cơ quan đón anh với một sự quan tâm đặc biệt. Họ sẽ quay quắt đặt vô số câu hỏi về Việt Nam: Tại sao người Mỹ thất bại, những ngày cuối ở Việt Nam ra sao, cuộc di tản diễn ra thế nào v.v… Nhưng thực tế hoàn toàn khác hẳn. Không ai hỏi Carl điều gì về Việt Nam. Họ còn cố tránh nói chuyện hoặc chạm mặt với Carl Robinson trong cơ quan bởi vì họ muốn vĩnh viễn quên đi Việt Nam. Carl là cây đinh trong mắt họ.

Carl bắt đầu uống rượu, bỏ bê công việc, rồi cuối cùng rút khỏi hãng AP vì không chịu đựng nổi những bất mãn và tủi nhục của người khác về chiến tranh Việt Nam cứ đổ trút lên anh. Để cứu chồng mình ra khỏi tình trạng khủng hoảng có thể dẫn tới căn bệnh trầm uất, người vợ Việt Nam đã đưa cả gia đình sang sống ở Sydney (Úc). Tại đây một người bạn giúp anh trở lại với nghề báo bằng cách giới thiệu anh với tuần báo Mỹ Newsweek. Anh trở thành trưởng văn phòng của tờ báo này ở Sydney. Ngoài ra anh cùng gia đình vợ mở một quán ăn Việt Nam lấy tên là Sài Gòn. Carl có dịp trở lại Việt Nam lần đầu nhân kỷ niệm 15 ngày thống nhất đất nước. Chúng tôi rất mừng rỡ khi gặp lại nhau. Gần đây tôi được biết Carl cùng vợ cố gắng tiếp nối kế hoạch xưa kia là xây dựng một lần nữa cuộc sống của họ ở Việt Nam.

… Trước năm 1975, các nhà báo nước ngoài là một bộ phận gắn liền với cuộc chiến tại Việt Nam. Các nhà báo tiến bộ đã góp phần làm sáng rõ lên nhiều góc khuất hoặc thực trạng bị bóp méo trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều nhà báo cũng bày tỏ công khai thái độ chống chiến tranh, chống sự can thiệp của người Mỹ ở Việt Nam. Họ đã góp phần thúc đẩy cho cuộc chiến tranh sớm đi tới sự kết thúc vào 30-4-1975. Jean Claude Pomonti của báo Le Monde, Nayan Chanda của báo Far Eastern Economic Rewiew (có lúc cộng tác với Le Monde Diplomaitque), Francois Nivelon của báo Le Figaro, Paul Quinn Judge của báo Christian Science Monitor, Tiziano Terzani của báo Der Spiegel v.v… là những nhà báo mà tôi quen biết có thái độ ủng hộ những người hoạt động đối lập và thành phần thứ ba.

J. C. Pomonti giúp tôi hai lần viết bài để bày tỏ lập trường đối lập và chống chiến tranh của mình trên mục “La tribune internationale” của báo Le Monde, một diễn đàn thường dành cho chính khách có tên tuổi các nước phát biểu. Anh Pomonti và tôi cùng sinh năm 1940. Anh có vợ Việt Nam là con gái của ông Lê Quang Thanh cũng làm báo (cho hãng tin AFP tại Sài Gòn) và là em gái của ông Lê Quang Uyển từng là thống đốc Ngân hàng quốc gia (chế độ Sài Gòn). Sau 1975, Pomonti rất thường trở lại Việt Nam và đưa các con anh về thăm quê ngoại. Chúng tôi có một vài dịp đánh tennis với nhau trên sân Nhà Văn hóa Thanh niên ở đường Hai Bà Trưng.

Sau 1975, tôi cũng gặp lại Nayan Chanda tại TP. Hồ Chí Minh. Anh từ Hồng Kông sang, lúc này anh là editor in chief (chủ bút) tờ Far Eastern Economic Review. Anh rất ngạc nhiên khi nghe tôi kể cuộc sống của tôi giờ đây gắn với công việc viết báo, đặc biệt là viết báo thể thao. Các bài bình luận bóng đá của tôi viết cho các báo (có lúc cho bốn tờ báo ngày và tuần) mang lại cho tôi một thu nhập mỗi tháng tương đương 2000 USD (trước khi tôi bị bệnh)! Bài báo của Nayan Chanda viết về tôi trên Far Eastern Economic Review có câu khá vui:

“Một cựu dân biểu và là cựu tổng trưởng thông tin chế độ cũ hiện sống hào hứng với nghề viết báo thể thao; quá khứ chẳng làm vướng bận đầu óc ông”. Được biết gần đây Chanda đã từ giã nghề báo và làm giám đốc nhà xuất bản của Trung tâm nghiên cứu về toàn cầu hóa ở đại học Yale.

Và Tiziano Terzani, một người bạn khác của tôi trong giới báo chí nước ngoài hoạt động tại miền Nam trước năm 1975. Terzani đến Sài Gòn từ năm 1971 với tư cách đặc phái viên báo Der Spiegel tại Đông Nam Á. Ông là nhà báo ủng hộ các nhóm đối lập tại miền Nam và đặc biệt là lực lượng thứ ba khi có Hiệp định Paris. Ông chống lại sự can thiệp của người Mỹ tại Việt Nam và công khai coi cuộc chiến đấu của MTDTGPMN và Bắc Việt là cuộc chiến yêu nước của người Việt Nam cần được thế giới ủng hộ. Khi tổ chức các cuộc họp báo chống tổng thống Thiệu, tôi luôn báo tin cho Ternazi. Với sự giới thiệu của tôi, Ternazi cũng trở thành một người khách luôn được đón tiếp niềm nở tại Dinh Hoa Lan của ông Dương Văn Minh. Ông được coi là “cái loa” bán chính thức của những người đối lập chế độ Thiệu. Ông là người Ý sinh tại Florence.

Suýt nữa ông mất cơ hội chứng kiến tận mắt ngày 30-4-1975, cũng có nghĩa mất đi cơ hội thực hiện cuốn sách “Giai Phong” được chọn là Book of the Month Selectioln ở Mỹ năm 1976. Giữa tháng 3-1975, ít ngày sau khi chế độ Thiệu mất Buôn Mê Thuột, nhà báo Tiziano Ternazi được Nguyễn Quốc Cường – người đứng đầu Trung tâm báo chí – báo rằng một trong những bài báo của ông đã xúc phạm tổng thống và vấy bùn lên nước VNCH. Nguyễn Ngọc Bích, Tổng giám đốc Việt Tấn Xã (Vietnam Press) cũng lặp lại những điều ấy với ông. Thế là Ternazi bị trục xuất khỏi miền Nam. Ông kể rằng đón nhận lệnh này ông vô cùng thất vọng. Suốt 4 năm dài theo dõi một cuộc chiến làm lay động cả lương tâm nhân loại, nhưng đến khi sắp kết thúc thì mình lại vằng mặt nên Ternazi nhất định không chấp nhận… sự bất công này. Ternazi biết rất rõ nếu ông trở lại Sài Gòn thì ông sẽ bị chính quyền bắt ngay tại sân bay. Chỉ còn một cách là chọn chuyến bay nào khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất thì không còn… chuyến nào nữa rời khỏi Sài Gòn. Tức là chuyến bay cuối cùng đến Sài Gòn.

Tiziano Terzani kể: “Tôi rất may mắn. Khi chiếc phản lực Air Vietnam xuất phát từ Singapore đáp xuống Tân Sơn Nhất thì lúc đó tất cả cảnh sát sân bay đã biến đi đâu hết, không có ai kiểm tra “danh sách đen” trong đó có tên tôi. Tizani thích thú nói: “Thế là tôi vào lại Sài Gòn”.

Tiziano Terzani đã nhìn thấy cảnh xe tăng của quân giải phóng vào dinh Độc Lập cùng với nhà báo Nayan Chanda. Sau ngày 30-4-1975, Tizani được phép ở lại Việt Nam thêm ba tháng, đi khắp các tỉnh miền Tây, rồi ra Hà Nội, gặp nhiều lãnh đạo của Đảng Cộng Sản và Nhà nước. Cuối năm 1975, Tiziano Terzani viết xong cuốn “Giai Phong”. Tức khắc cuốn sách được khắp nơi đón nhận nồng nhiệt, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Tại Ý, quê hương của Terzani, nhà xuất bản của anh cho in một loại ấn bản đặc biệt (rút ngắn) dành phổ biến cho các trường học ở Ý.

Quyển sách kể lại ba ngày giải phóng và ba tháng Tizani quan sát đất nước Việt Nam sau khi thống nhất và bước vào giai đoạn đầu của cải tạo xã hội chủ nghĩa. Quyển sách là một cái nhìn đầy hào hứng và lạc quan về chiến thắng tất yếu của nhân dân Việt Nam và những đổi thay diễn ra tiếp đó.

Tháng 4-1976 kỷ niệm một năm giải phóng, cùng một số nhà báo như Jean Lacouture, Nayan Chanda, Jean Claude Pomonti, Francois Nivelon v.v… Tiziano Terzani được chính quyền Việt Nam mời trở lại thăm Việt Nam. Đoàn báo chí nước ngoài được đưa đi bằng ô tô từ Hà Nội vào Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Một chuyến đi thực tế rất phong phú cho người làm báo nếu chuyến đi ấy được tổ chức chu đáo. Nhưng trong khâu thực hiện có nhiều điều bất cập nên đã gây một số phản ứng không thuận lợi cho nước chủ nhà. Nhưng cái bất lợi nhất là tình hình kinh tế của Việt Nam một năm sau giải phóng không lạc quan chút nào. Terzani không nhận ra Sài Gòn mà ông từng gắn bó. Tinh thần của ông càng bị lung lạc khi ông không tìm lại được phần đông các bạn bè quen biết của ông trước năm 1975. Nhiều người đã vượt biên ra nước ngoài bằng thuyền, có không ít người bỏ mạng giữa biển. Nhiều người khác “đi học tập” chưa thấy về. Ông nhắc nhiều về trường hợp một người bạn, một phóng viên Việt Nam, từng giúp ông trước 1975: Cao Giao. Khi Tiziano Ternazi cho xuất bản quyển “Giải Phóng”, ở phần lời nói đầu, ông nhắc đến Cao Giao như sau:

“Một số người Mỹ quen biết anh rời khỏi Sài Gòn ở tuần lễ cuối cùng đầy sợ hãi đã thúc hối anh sang Hoa Kỳ cùng gia đình. Họ nói với anh: “Anh biết ngoại ngữ, anh cũng không bao giờ ngủ, anh sẽ tìm được một việc dễ dàng như làm nhân viên khách sạn vào ban đêm”

Đó không phải lý do anh ở lại Việt Nam.

“Ở mỗi người Việt Nam đều có một viên quan lại, một kẻ cắp, một kẻ nói dối – và có cả một con người mơ mộng ngủ im bên trong” anh nói với tôi như thế.

“Cách mạng cho tôi được mơ và tôi muốn được nhìn thấy giấc mơ ấy bằng chính mắt mình”

Tôi (Tiziano Terzani) cũng thế, muốn được thấy điều ấy.

Trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Tiziano Terzani nghĩ rằng mình không thấy giấc mơ ấy thành hiện thực. Quá nhiều điều để cho Terzani thất vọng. Gặp lại tôi tháng 4- 1976 tại tòa soạn báo Tin Sáng bộ mới, Terzani không che giấu tâm trạng ấy của anh. Tôi cố gắng nói với anh: những gì anh đã viết trong quyển sách có giá trị lịch sử, vượt thời gian. Nhưng lúc đó quả thật tôi không có đủ lý lẽ để thuyết phục anh rằng những gì đang xảy ra chưa phải hoàn toàn là bản chất của cách mạng Việt Nam. Riêng tôi chấp nhận các diễn tiến của những năm đầu sau 1975 chủ yếu bằng con tim, con tim của người Việt Nam, với niềm tin đặt cơ sở vào quá trình lịch sử của người cộng sản. Tôi tin rằng rồi Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ có những điều chỉnh thích nghi để đất nước đi lên. Nếu người cộng sản đích thực là người yêu nước như tôi vẫn tin tưởng, thì dứt khoát họ sẽ có những điều chỉnh cần thiết và không quá chậm trễ để vực dậy đất nước, và bảo đảm làm sao cho người dân đã sống quá lâu trong chiến tranh, trong cảnh mất nước và cơ cực, được hưởng những thành quả của cuộc cách mạng.

… Sau đó tôi được một số đồng nghiệp gần gũi với Tiziano Terzani có dịp đến Việt Nam cho biết: hình như sau chuyến trở lại Việt Nam tháng 4-1976, Terzani đã phủ nhận quyển sách “Giai Phong” của anh – như một người mẹ quyết định từ bỏ đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau. Nghe tin này tôi rất buồn cho Terzani và càng buồn vì Việt Nam mất đi một người bạn thân thiết.

Mãi đến năm 1995, cũng qua một đồng nghiệp nước ngoài, tôi được biết Tiziano Terzani đã cho xuất bản lại quyển “Giải Phóng” dưới một cái tựa mới: “Saigon 1975 – Three Days and Three Months” (Sài Gòn 1975 – Ba ngày và ba tháng). Không bao lâu, tôi có cuốn sách trong tay. Lời mở đầu của ấn bản này có tên “Twenty Years After” (Hai mươi năm sau) nói rõ sự đổi tựa sách chỉ nhằm mục đích để quyển sách tiếp cận dễ dàng hơn với người đọc thuộc thế hệ mới. Về nội dung, Terzani nhấn mạnh: “Cuốn sách được in lại hoàn toàn đúng như nó được viết hồi năm 1975. Không có một tên tuổi nào thay đổi, không một tính từ hay một dấu than nào bị xóa đi hoặc một dấu hỏi nào được thêm vào”.

Như thế trái với những tin không chính thức mà tôi từng nghe vào những năm trước, Tiziano Ternazi không hề phủ nhận đứa con tinh thần của mình. Ông kể: “Có nhiều người hỏi tôi: Có phải lúc đó ông đã sai lầm?”. Sự khiêu khích đáng được trả lới và câu trả lời là “Không”.

Trong lời tựa hai mươi năm sau, Tizani viết:

”Những gì xảy ra sau chiến tranh tại Việt Nam không thể thay đổi suy nghĩ của tôi về thực chất cuộc chiến này trước đây. Đối với thế hệ của tôi, trước hết đó là một vấn đề của đạo đức (a question of morality). Người Việt Nam đã chiến đấu cho cuộc chiến vì độc lập, cũng là cuộc chiến mà họ đã bắt đầu ở đầu thế kỷ khi bị những độ quâni Pháp đầu tiên đặt chân lên bờ biển của đất nước họ. Người Mỹ, đơn giản chỉ thay thế người Pháp trong ý đồ thực dân mới của họ, không có lý do gì can thiệp ở đất nước xa xôi này; họ không có quyền “tàn phá đất nước này trong mục đích cứu vớt nó”. Giữa bộ máy chiến tranh tinh vi của Mỹ và cuộc chiến du kích của người Việt, sự chọn lựa anh hùng của chúng tôi quá đơn giản.

“Các nguyên lý mà chúng tôi tin tưởng, đó là mỗi dân tộc phải tự quyết định vận mệnh của mình, rằng các xã hội phải nhân bản và công bằng. Cuộc cách mạng Việt Nam cho thấy sự hứa hẹn ở tất cả những điều đó. Các cuộc cách mạng luôn là như thế vì nó hướng tới tương lại, một tương lai đầy hi vọng, chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn hiện tại gắn liền với khốn khổ và bất công. Đất nước Việt Nam là như thế: một bên là thực tế bày ra trước mắt từ một chế độ đàn áp được ủng hộ bởi sự can thiệp của Mỹ, còn bên kia là sự khắc khổ, một tinh thần cách mạng bất khuất, hứa hẹn hòa bình và cuộc sống tốt đẹp cho mọi người…”

Thật lạ lùng, những suy nghĩ của Tiziano Ternazi lúc đó không khác lắm suy nghĩ của tôi dù anh là người Ý còn tôi là người Việt Nam. Thì ra giữa những người không bị những quyền lợi ích kỷ chi phối hoặc theo đuổi những mục đích chính trị tư riêng thì dễ dàng gặp nhau trong sự chọn lựa đứng về phía nào trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

… Hai mươi năm sau, khi Tiziano Terzani cho in lại quyển sách của mình, chắc chắn ông cũng thấy rằng cuộc cách mạng mà mình ủng hộ đã bắt đầu có thành quả tốt đẹp. Nước Việt Nam mà ông nhìn thấy năm 1976 khi trở lại Việt Nam – có nhiều điều làm ông thất vọng – nay đã đổi khác nhiều.

Nguồn: Nhà xuất bản Trẻ (www.nxbtre.com.vn), TP HCM, 2004, 486 tr., 97.000 Ä‘