trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
6.5.2004
Trần Dần
Ghi 1954-1955
 
12-14.9.1954

Một vấn đề cần nghiên cứu: Quy luật của cuộc sống trong Chiến Tranh chuyển sang Hoà Bình.

Từ ngày hôm qua sang ngày hôm nay là chuyển hẳn từ hai chữ Chiến Tranh sang hai chữ Hòa Bình. Những tiếng đồng hồ này nó có một giá trị đặc biệt. Dần dần người ta mới thấy giá trị của những tiếng đồng hồ đó. Số mệnh, nhiệm vụ của hàng triệu con người thay đổi hẳn. Nhưng [...] sự thay đổi nó dần dà, góp gió góp gió mãi, tôi đợi một cơn Bão chưa lên.

Tôi đã thấy những gì? Những ngày cuối Chiến Tranh, những ngày đầu Hoà Bình tôi đã nghĩ rất nhiều. Tôi nghĩ đến công tác, đến đời sống của tôi. Tôi nghĩ trong chiến tranh tôi đã làm được những gì? Khó trả lời quá. Tôi đã mất những gì? Tôi đã được những gì? Sao tôi thấy những cái được ấy nó chua xót quá. Tôi được những cái mà nghĩ đến là kèm theo những suy nghĩ, những im lặng, những khó nói, nếu không phải là những mất mát, những buồn bực, chua xót và thở dài. Bài thơ tôi mới làm đây có người bảo là bi quan, có người bảo là loạn quá. Tôi được những câu thơ như vậy chăng? Xưa kia tôi là một thằng bất phương, vô chủ nghĩa. Je m'enfoutist. Vào chiến tranh có nhiều lần nhiều lúc tôi học làm một anh không bất phương nữa. Không m'enfoutist nữa. Mà cố học trách nhiệm, cân nhắc, chú ý... Tôi đã gạt bỏ những điều tôi biết, cả đúng lẫn sai. Tôi định simplifier tôi đi, giản đơn hoá. Tôi nói "Không" với dĩ vãng và "Ừ" với mọi điều người ta nói với tôi. Nhiều buổi tôi đã thành một người máy móc hẳn hoi. Và những ngày ấy tôi không sáng tác gì nữa. Tôi có một mâu thuẫn chưa giải quyết được. Là xu hướng của tôi đòi hỏi một thứ Thơ khác, nó trái ngược với sự đòi hỏi về Thơ của xung quanh, cấp trên và bạn bè.

Tôi nói về Thơ nhiều.

Vì đối với tôi, đó là vấn đề sinh tử, ước mơ và nguyện vọng, chủ nghĩa và lý tưởng, đời sống và nghệ thuật, Thơ đối với tôi có nghĩa của chữ Cách Mạng, chữ Ðấu Tranh, chữ Cuộc Ðời, chữ Giai Cấp của tôi. Cho nên Thơ tôi thế nào, làm được hay bế tắc, làm hay hay làm dở, - đó tức là trả lời những câu hỏi: tôi đã làm gì trong chiến tranh? tôi đã được và đã mất những gì?

...

16-17.9.1954

Trong chiến tranh người ta ít có thời giờ để mà ngẫm cho sâu. [...] Người ta không có thì giờ hút một điếu thuốc cho xong. Khói chưa tan, óc người ta đòi bận ngay việc khác. Thật là một cuộc sống hớt hải. Trong chiến tranh người ta như là người đi trong Bão. Như người bơi trên biển, vật cùng sóng gió. Như người xông vào đám cháy làng dập lửa. Người ta sống vội vã, người ta bắt tay nhau trên đường công tác, [...] người ta ghé vào thăm nhau giây lát, [...] người ta rất yêu nhau nhưng phải từ chối nhau cả từng phút nghỉ, mắc dầu anh cơn sốt chưa lui. Người ta nói với nhau chưa xong hết ý, thôi, cầm súng xông ra mặt trận, [...] Anh cán bộ có một lối, gọi là động viên xổi, cho những anh lính đang sạch tinh thần xách súng ra đi. Anh văn công vừa nghe "chính ủy đả thông", vừa làm một bài thơ, một câu hò, thậm chí một bài hát phổ lời chỉ thị. Chúng ta hãy cố kể lại những mẩu chuyện lạ kỳ như vậy mà xem. Trong sinh hoạt, trong công tác của chúng ta những buổi chiến tranh, có phải nó giống hệt như gió lốc trong những ngày giông tố?

Ban sớm tôi họp. Ban trưa về viết chỉ thị. Gặp anh hay gặp chị để "đả thông nhau". Ban chiều tôi họp phổ biến, chúng ta đặt kế hoạch nào. Xẩm tối tôi tự phê bình trong tổ 3. Hôm nay còn sót mấy việc. Ban đêm tôi còn họp. Trong giấc ngủ tôi xếp công việc của ngày mai. Cuối tuần tôi tự phê bình: chưa tranh thủ lắm. Tôi tự phê bình nhiều quá: Kém đi sâu! Cái lỗi đó ngàn lần tự phê, ngàn lần không sửa nổi...

Tôi viết thư cho em: anh không hẹn được trước. Gặp gỡ là cầu may.

Tôi viết thư cho bạn: tao bận quá. Nhưng cũng nhận lỗi là lười viết thư cho mày.

Tôi quên chưa nói: Làm sao tôi mất cả thói quen nhìn trời đất khi nào không biết? Chúng ta lại có lần đã đồng ý với nhau: không phong cảnh gì nữa, đấu tranh thôi, con người thôi. Thật là một chuyện tối vô lý. Cái người nhìn phong cảnh, tôi tưởng là một người có tâm hồn yêu ghét sâu xa, vậy mà có lần chúng ta đã cho họ là viển vông!

À cũng có lần tôi cố viết nhật ký, - định ý rằng để mài giũa tâm hồn. Việc đó tôi cứ quyết làm đi làm lại, nhưng mà sao quyển nhật ký của tôi nó cứ biến thành quyển sổ công tác, ghi những hội ý, kế hoạch... lúc nào không biết? Quyển sổ mới ghi lắm vấn đề vậy, công việc dự làm, công việc đã làm, công việc để nghiên cứu, và rất nhiều công việc rất cần, - ghi cẩn thận mà không làm xuể...

Chúng ta hãy nghĩ lại mà xem. [...] Người ta làm việc và làm việc. Họp và họp. Ðánh và đánh. Học và học. Sinh hoạt và sinh hoạt. Kiểm điểm và kiểm điểm. Ðả thông và nghe đả thông. Tôi tính thử những cuộc họp trong 1 tuần lễ: họp tổ 3, họp cán bộ, họp tổ Ðảng, họp tiểu đội, họp toàn ban, họp đại đội. Mỗi cuộc họp kèm theo dăm bẩy cuộc hội ý. Hội ý thì nói rằng chớp nhoáng, nhưng sự thực đúng là những cuộc họp, thường thường kéo dài hàng giờ thành những cuộc họp đội lốt hội ý cho người ta đỡ ngại. Tôi tính thử, dù cứ cho là hội ý chớp nhoáng, cộng lại cũng thành một cái không chớp nhoáng. Hội ý cán bộ, hội ý đảng viên, hội ý tổ trưởng, hội ý chi ủy... Tôi không muốn tính nữa. Tôi không hiểu tôi đã làm như thế nào? Vì tính ra một tuần có 7 ngày, một ngày 24 tiếng, thì thật không đủ ngày giờ mà xếp những cuộc họp và hội ý đó vào. Chúng ta không có lạ gì nữa nếu như nhiều cán bộ của ta, nhiều anh không đủ thời gian. Và tất cả là thiếu máu. Chúng ta cũng không lạ lùng gì nếu người ta trách cán bộ mình kém sâu sắc, ít sát quần chúng, nhiều anh đã trở nên máy móc và khô khan thực sự. Vì những nết xấu đó là một lẽ tự nhiên. Cuộc đời anh chật ních những họp hành, tháng năm mòn trong những hội nghị. Tôi nói vậy không phải là phản đối họp, - tôi thấy nó rất cần. Nhưng tôi nói vậy tức là tôi phản đối chiến tranh. Và tôi cũng phản đối họp nhiều, nó có nghĩa là chúng ta bị động với chiến tranh, chúng ta không làm chủ được nó.

Một đôi khi người ta cũng dành thời giờ viết một vài bức thư cho bạn, cho vợ, cho bố mẹ. Tôi đã đọc nhiều lá thư, anh cán bộ viết cho vợ đề 1, 2, 3... vài câu cộc lốc. Người ta cũng coi thư từ như một cuộc họp vậy. [...] Tôi lại cũng đã được đọc một số ít những lá thư dài 6, 7 trang, đã ngạc nhiên sao có người lại có thì giờ viết như vậy. Tôi đọc những lá thư ấy và thấy nó giống như một bài báo rất dở, không tờ báo nào có thể dùng. Hoặc như bài diễn thuyết của một anh cán bộ rất là xoàng.

Trong chiến tranh đôi lúc người ta cũng cố giành lấy thời gian mà nhìn một vì sao, mà nghĩ tới quê hương, nghĩ tới tương lai, nghĩ tới những ngày chiến thắng về sau đây...

Nhưng mà có người gọi đi họp rồi. Kẻng báo đi tập trung sinh hoạt và học hát. Hoặc giả dụ cũng không có việc gì, nhưng cái óc người ta đã quá quen cái nếp vội vàng. Nên người ta cũng chỉ nghĩ thật là hớt hải, nông cạn và cụt lủn. "Sau này tha hồ mà sướng!", nhưng mà sướng thế nào? "Tương lai sẽ lấy vợ!" "Quê tao bây giờ tan nát cả." Nhưng mà tôi với bạn đều không kịp thấm thía cho sâu vào những chữ "tương lai" và những chữ "tan nát"... Chúng ta còn lắm việc. Tôi với bạn xoay ra bàn công tác hay đả thông nhau một vài vấn đề còn đang rớt lại.

Cho nên [...] tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận xét là "trong chiến tranh tình cảm con người bị mòn mỏi", hoặc "trong chiến tranh người ta cuốn nhau vào một cuộc sống sôi nổi nhưng nông cạn, một cuộc sống rộng rãi nhưng thiếu chiều sâu".

Cho nên tôi hiểu vì sao người ta ham đọc tiểu thuyết Liên Xô. Những người Liên Xô đã chiến tranh trước chúng ta, trong chiến tranh họ cũng đã sống như ta, nhưng sau chiến tranh họ đã có thì giờ mà suy nghĩ về chiến tranh, họ đã suy nghĩ tới mức tiểu thuyết. Và những tiểu thuyết đó đã giúp chúng ta chiến tranh cho sâu sắc hơn rất nhiều.

Cho nên tôi cũng hiểu vì sao chính từ ngày Hoà Bình trở đi, người ta mới vỡ ra nhiều lẽ. [...] Hết chiến tranh người ta mới bắt đầu hiểu chiến tranh. Tôi đang bắt tay vào việc tìm tòi những quy luật cuộc sống trong chiến tranh.

Cho nên tôi cũng hiểu tại sao trong chiến tranh, người viết cố tìm ra nhiều hình thức gọi là đột kích, kịp thời. Có thể nói dứt khoát rằng, chúng ta chưa có làm cái việc sáng tác (hiểu theo đúng nghĩa) trong chiến tranh. Bây giờ mới là lúc chúng ta bắt đầu sáng tác.

Người ta nói "chiến tranh rèn luyện con người". Vậy mà sao tôi nói toàn những mất mát, mòn mỏi, nông cạn, hớt hải? Tôi nghĩ rằng người ta nói vậy cũng không sai, và tôi nói vậy cũng rất đúng. [...] Hôm qua chúng ta rất rất anh hùng. Chúng ta nhịn đói. Chúng ta mặc rách. Chúng ta làm việc không cần cả những điều kiện tối thiểu của việc đó nữa. Chúng ta đã trút bỏ đi nhiều tính xấu, tính cầu an, tính ích kỷ, tính nhút nhát. Chúng ta tự dưng và có chủ ý đào luyện chúng ta thành những người can đảm, vị tha, hành động quên ḿnh. Chúng ta được một cái rất quý là chúng ta...

Nhưng mà tôi nói chúng ta mất mát và mòn mỏi. Không kể những mái nhà, sức khoẻ, tuổi trẻ và gia đình, không kể của cải và thể chất. Tôi nói đây là nói tâm hồn, nói sự suy nghĩ, tôi nói tình cảm, tôi nói đời sống tâm tưởng của từng người. Và tôi nói là mất nhiều và mòn nhiều. Những ví dụ cụ thể tôi kể trên kia là những chứng minh. Sự thực đó nói nhiều lắm, và sự thực còn gấp bội, những ví dụ tôi đưa ra còn mờ nhạt và rụt rè.

Có những ngày máy móc, nhiều anh bạn máy móc đã nói với tôi là tả "con người hành động". Cái ý đó không sai, nhưng nó sai ở cái nội dung bạn tôi gán cho chữ "hành động". Tôi nghĩ rằng tả con người chúng ta thật đúng phải là những người đại suy nghĩ mà lại đại hành động. Chúng ta hãy xem thơ văn chiến tranh của chúng ta. Chúng ta thấy chúng ta vào khói ra lửa, sinh tử không sờn, chúng ta thấy chúng ta hành động ghê gớm lắm. Nhưng có điều buồn là chúng ta không thấy chúng ta! Chúng ta không nhận những con người hành động như vậy là mình! Cái đó là văn thơ. [...]

Chiến tranh rèn luyện. Chúng ta được nhiều điều. Nhưng [...] tôi nói nó là bộ xương. Chiến tranh làm chúng ta rắn xương rắn thịt, làm cho tâm hồn chúng ta có hình cốt, có cái khung rất tốt rất bền. Nhưng bạn đừng có mắc sai lầm bảo rằng bộ xương là người, hình cốt và cái khung là tâm hồn ta rồi đó. Nói vậy là một sự dối trá, là nói theo đà một kiểu lý luận trừu tượng mà thôi, dù có hay bao nhiêu cũng vẫn là không có sự thực. [...] Tôi nghe bạn nói hay, nhưng tôi còn nghe sự thực hơn là nghe lời bạn.

[...] Cho nên bạn nói Chiến Tranh rèn luyện; - bạn cần nghĩ thêm Hoà Bình cũng rèn luyện, mà còn rèn luyện hơn là chiến tranh nữa. [...] Tôi chắc những người nào thực tế một chút đều công nhận như vậy. Bất đắc dĩ dân ta mới chiến tranh. [...] Chứ chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh để rèn luyện chúng ta cả. [...] Tôi nghĩ rằng, 9 năm nay chúng ta kiến thiết Hoà Bình nhất định hơn là 9 năm nay chúng ta cắn răng mà kháng chiến. Không phải chỉ hơn về vật chất, mà nhất định kèm theo cái hơn về vật chất đó còn cái hơn về tâm hồn. [...] Chúng ta có những nhà máy, [...] chúng ta lại có những hiệu sách đầy sách, những nhà xuất bản chạy không kịp đòi hỏi của quần chúng, những cuộc triển lãm mùa thu, những cuộc tấu nhạc, [...] chúng ta lại có những người nông dân đang học chỉ huy máy cày, nói chuyện triết lý, chuyện kỹ nghệ và đọc được những tiểu thuyết và triết học Mác... 9 năm nay đáng lẽ như vậy. [...] Tôi đặt mức con người chúng ta như vậy.

.....

10.10.1954

Bắt đầu đi [1] .

Ðại Từ. Ngủ Na Phạc.
Na Phạc. Ca Bình.

[...] Óc còn đang nghĩ về thuyết minh phim ÐBPh và nghĩ về bài thơ Chiến tranh và hoà bình. Làm thế nào trong khi sáng tác và tổng kết về những cái cũ lại phải tích lũy được cái vốn mới? Làm việc về chiến tranh phối hợp với làm việc về hoà bình?

Người sáng tác lớn lên bằng những công việc sơ kết tổng kết cá nhân. Nhưng không có tích lũy thì lấy gì sơ kết? Không nên để nó tự vào, tự ra... Phải biết rằng kim cũng chỉ là than đá kết tinh. C (...) pur, mais C simplement.

Hôm nay Ðại Tướng vào Hà Nội.

Có lễ chào cờ lịch sử.

Chính phủ sẽ vào gấp vì 17, Bác sẽ gặp Nehru ở Hà Nội.

Hà Nội. Có những công việc lạ. (Khó vì nó lạ.) Ta không thể để Hà Nội ngứa ngáy, Hà Nội đói, Hà Nội khát, Hà Nội tối, Hà Nội hôi hám một ngày một giờ nào.

Chưa mường tượng nổi cuộc sống bộ đội tương lai ở Hà Nội. Cuộc sống chung - và riêng mình trong đó? Riêng mình muốn gì? Muốn làm sao để có thể làm những việc:

  • sáng tác về cái cũ, - về chiến tranh

  • tích lũy về cái mới, - về công nhân xí nghiệp, - về nông dân, - về dân thành phố. Giá mà ở một cái xã ngoại ô thì thích, một xã ở gần Hà Nội.

  • học tập, phải đọc một lô sách, sách mới chưa đọc và một số sách cũ cần đọc lại.

    Một số những vấn đề:

  • ở trại hay tìm một xó xỉnh mà sáng tác? Hay là ở cả hai?

  • viết về cái cũ thì toàn những dự định lâu cả, - vài năm - Vậy thời gian đó làm gì?

  • con đường nghệ thuật của mình? Mình muốn viết nhiều về bộ đội và công nhân hơn là muốn viết về nông dân. Lại muốn viết về người dân thanh niên lớp mới hơn là lớp cũ. [...]

  • đề nghị một chính sách kiểm duyệt và giúp đỡ cụ thể.

  • sơ kết quan niệm về Thơ; tiểu thuyết; lãnh đạo sáng tác; chính sách sáng tác; tự do sáng tác; tự do đề tài; tự do xuất bản; sinh hoạt; vấn đề artist indépendant. Cá nhân người viết và yêu cầu chung. Vấn đề đề tài và nhân vật công nông binh. Vấn đề sáng tác: Người và tác phẩm. Xuất phát từ đâu? Sự thực chung và sự thực người viết? Người-Việt-Nam và người-bệnh [2] . Tiếng nói của người viết, tiếng nói của tự do, tình yêu, ước mơ nhân loại.

  • xét lại vấn đề: con người mới với những tình cảm hỷ nộ ai lạc ái ố dục, có những thay đổi gì? Có mất đi và được thêm những gì? Có chủ nghĩa lạc quan cách mạng, nhưng có chủ nghĩa bi quan cách mạng không? Có cái hằn học và chua chát cộng sản không? Vấn đề điển hình: nhân vật điển hình trong những trường hợp điển hình. Thế nào là trường hợp điển hình? Tả con người trong những trường hợp công tác, chiến đấu và lao động có phải là trường hợp điển hình không? Một tác phẩm nếu toàn nhặt tiêu cực có được không? Ðiển hình khác phổ biến, trung bình và hãn hữu thế nào? Thế nào là tác phẩm giầu tính đấu tranh? Tác phẩm một bề diện và nhiều bề diện?

Vấn đề gì là vấn đề frapper mille coeurs? Có vấn đề chỉ frapper tác giả không có thể trở thành vấn đề frapper mille coeurs không?


20.12.1954

Về Hà Nội được đúng 10 ngày.

Hà Nội ít thay đổi. Gặp bố. Anh Ðường. Cháu Hà. Anh Lan. Gặp bạn. Trần mai Châu. Một số người không gặp.

H. Câu chuyện cũ quá rồi. Ðó là một cái hối tiếc của tuổi trẻ. Tôi muốn gặp H., hoặc bằng cách nào biết H. bây giờ sống thế nào. Tôi có lỗi gì trong cuộc sống H. ngày nay không? Tôi không dễ quên tuổi 19. Những trận gió rít gào từ ngày ấy còn thổi đến bây giờ, qua 10 năm.

Cơ quan văn nghệ chưa có gì thay đổi. Vẫn những tư tưởng: "coi rẻ lao động nghệ thuật", "đơn giản coi văn nghệ bộ đội là bộ đội", "không tin văn nghệ". Vẫn những chính sách gò bó, mệnh lệnh và máy móc "quân sự hoá văn nghệ". Ðời tôi chìm chết trong chính sách này, cũng như những anh em khác.

Khó lắm.

Nhưng tôi nghe nhiều tiếng cất lên. Phản đối. Bàn cãi. Miả mai. Và cả chửi bới. Cái đó có nghĩa là tiếng trống báo tử của những tư tưởng và chính sách áp chế văn nghệ bộ đội.

Những ngày gần đây sao mà tôi buồn.

Buốt óc lắm.

Và bực tức.

Cơ quan và chính sách. Hội Văn Nghệ đánh mất bản thảo Người người lớp lớp (phần 4 và 5).
Món nợ chính phủ, những kỷ niệm ngày bé, chua chát và mãnh liệt, những uất ức của 9 năm chiến tranh. Thơ tôi người ta không chê nhưng cũng không sốt sắng in. Những dự định khó thực hiện vì chính sách gò bó: tích lũy cuộc sống mới thì phải được tự do, vân vân...

Tôi bị bao vây.

Chặt quá. Ép quá.

Như một chân lý bị vùi dập trong những núi bụi định kiến. Khó bao nhiêu cho một chân lý được nảy nở dưới mặt trời. Ðó là: chuyện của hàng năm. Có những khi: hàng thế kỷ.

Tôi muốn gạt những núi định kiến mà ngoi lên thở. Sự sống, lý tưởng và chân lý đòi tôi như vậy.

Nhưng sao mà buồn thế? Khổ thế? Nhiều lúc tôi tưởng như mất cả cuộc đời rồi. Tay buông xuôi. Chân duỗi thẳng. Tôi buồn như người đã chết.

Không phải là vì không có bạn: Ðông, Tây, các bạn cũng như tôi, chung nhau ý kiến lớn và nhỏ. Chung nhau hăm hở. Và chung nhau buồn bực, duỗi tay. Có phải đó là sự thực của tâm trạng đấu tranh?

Tôi muốn những gì?

  • một chính sách văn nghệ mở rộng ra, cho nó đúng đắn

  • một cuộc sống sáng tạo. Cái cũ thì trút ra. Cái mới thì tích lũy vào, để rồi tùy mức mà trút ra. Hai việc song song tiến hành.

  • rèn luyện các ngón nghệ thuật. Thơ là thích nhất. Tiểu thuyết. Truyện. Bút ký.

  • đọc. Tiểu thuyết. Lý luận văn nghệ. Triết học. Kinh tế. Dốt quá. Dốt quá. Nghệ thuật là một phương pháp nhận thức và thể hiện cuộc sống đầy đủ và trọn vẹn nhất. Nghệ sĩ là một người đại trí thức.

Ai giải quyết cho tôi?

Tôi không tin những ông Khương, ông Cương, ông gì gì nữa. Tôi không tin.

Tôi chỉ tin ở tôi, ở anh em văn nghệ. Nếu mà uốn thẳng lưng ra thì ta với được trời xanh. Cứ cúi mãi, mũi chấm đất đen làm gì?

...

16.1.1955

Cả ngày nghe anh T.H. [3] báo cáo hội nghị văn công khai thác vốn cũ. Bản báo cáo sao mà nó lõm bõm. Chỗ lý luận thì không cất lên được thành lý luận xác đáng. Chỗ thực tế thì không xoáy sâu được vào thực tế. Anh T.H. có một sự cố gắng nhiều. Giống như thơ của anh. Raté!

Tối xem phim Lương Sơn Bá-Chúc Anh Ðài. Xem lại.

Ðến quãng hai người gặp nhau, ông bố đi ra. Tôi rùng mình. Trong người gió nó rít. Những cơn gió ảo não. Tôi chạy ra ngoài nhà hát lớn. Ði thẳng. Phố vắng tanh. Trời rét. Một vài ánh đèn ngả trên đường nhựa. Sao mà buồn vậy.

Cuộc đấu tranh xây dựng chính sách và tổ chức trong văn nghệ quân đội còn đang tiếp diễn. Tôi xem ra nhiều anh em đấu tranh mà ít tin tưởng. Tôi cũng ít tin ở trên. Còn lâu lắm. Lâu lắm người ta mới hiểu được rằng việc nghệ thuật cần một sự lãnh đạo, một chính sách hết sức rộng rãi, tự do. Tâm trạng tôi thời kỳ này lẫn lộn những cái nản, chán như vậy. Tôi không coi là khuyết điểm. Trên như thế mà bảo tin hay sao?

Buồn lắm.

Vào một quán cà phê. Không uống cà phê. Uống sữa. "Lấy sức" mà.

Muốn có một sự gặp gỡ bất ngờ. Một người quen nào đó. Cho nó dễ chịu. Những lúc này nghĩ đến sáng tác cũng thấy ảm đạm. Chẳng nhẽ những cái khó chịu, trái ngược đã đầu độc tôi nặng lắm à? Chẳng nhẽ tôi rơi xuống thảm thương? Rơi xuống địa vị tầm thường của người-không-sáng-tạo?

Gió còn rít trong người, ảm đạm tận khuya.

Ở nhà, một vài câu chuyện, bọn Huy Du, TBHùng, Doãn Chung, về vấn đề lấy vợ. Những câu chuyện không có kết luận. Vấn đề vợ con là một chuyện bất ngờ. Nhất là với cái anh làm văn nghệ. Tôi tìm một việc làm: tính nhuận bút cho một số tác phẩm... Hết việc lại buồn. Tôi muốn cho tôi đi hết vài cỡ của từng tình cảm một, rồi tự nhiên sẽ chuyển sang tình cảm khác.

Tôi vẫn muốn lãnh đạo tình cảm tôi theo kiểu ấy. Buồn cho hết cỡ của nó đi. Sẽ hết buồn.
Tôi nhắm mắt, cố ngủ, gió còn đổ từng hồi trên cuộc đời tôi.



20.1.1955

Những ngày cuối năm.

Tết năm nay ở Hà Nội. Ít cành đào quá. Hoa thủy tiên cũng hiếm. Hàng sách chưa thấy những bìa xanh đỏ. Phố Hàng Mã có ít hoa giấy. 10 giờ phố xá đã đóng im ỉm. Vắng tanh vắng lạnh. Những dãy phố Bà Ðanh này phản ảnh tình hình chính trị kinh tế bây giờ. Còn thiết quân luật. Những ngày đầu tiên của Hoà Bình gặp nhiều khó khăn. Nạn đói khu 4. Nạn di cư miền công giáo. Khu 4, vụ ba làng nổi loạn. Hải Phòng phá giá đồng bạc. Các ổ Mỹ, Ngô đình Diệm phá hoại Hoà Bình, kều người đi Nam. Ðô la Mỹ vẫn làm người ta tối mắt. Chính nghĩa thì nghèo. Kinh tế ta vừa thoát khỏi nanh vuốt Mỹ Pháp, còn non yếu, như đứa bé sơ sinh đỏ hon hỏn. Cán bộ máy móc. Vụ thuế công thương gây một panique lớn. Các rạp hát ế khách. Các hiệu ăn chuyển sang "phở" nhiều. Giá hàng đắt lên. Tiền Ðông Dương ăn hơn 70 rồi. Nhiều người thất nghiệp. 6 vạn công nhân. 3 vạn cán bộ miền Nam. 30 vạn đồng bào miền Nam phải xếp việc. Trí thức không có việc. Nghệ sĩ chưa tìm được cách sống cho bằng trước. Trường tư sụt đi nhiều. Báo chí bán rẻ, ế. Khả năng mua sách của Hà Nội sụt đi. Hiệu cúp tóc vắng. Cyclo bí, cơ quan cán bộ không đi. Lạp sường lồ mát phàn một đêm khéo lắm bán được cho 2 người!

Ðúng vậy. Kẻ tà có đô la. Chính nghĩa không có tiền. Tùy từng người chọn đường.


10.3.1955

Phòng Văn Nghệ [4] .

Ðộ này tôi ít ở với nó.

Chính sách tính lại thử xem có những gì?- Vài cái bàn. Vài cái đèn điện lạnh và vàng. Thêm một bàn hành chính. Tờ báo ra nhưng khổ và tên SHVN [5] cũ. Người ta sợ khổ đổi là chiến đấu tính của nó đổi đi.

Có vậy thôi.

Tôi không nói ngoa.

Người ta quan niệm chính sách là như vậy. Ðấy. Cái thông minh của người lãnh đạo tới năm 1955 tới cái mức ấy. Vậy là quá đáng lắm rồi. Còn đòi hỏi cái gì? Văn nghệ được thế là "chiếu cố", là "châm chước" tột độ rồi. Ðáng lẽ chúng mày không có bàn, có điện, có báo nữa. Ðáng lẽ chúng mày không được thức khuya hơn 9 giờ. Không được ra ngoài trại. Ðằng này còn cho đi lại một chút. Vậy là rộng rãi lắm rồi còn gì!

Nhưng tôi nghĩ, những ông Cương ông Thanh gì đó không đáng trách. Họ nghĩ tới mức ấy là quá thông minh rồi. Không nên đòi hỏi nhiều. Ðáng trách là cả một cái HỆ THỐNG! Nó nặng như núi. Nó ở trên có, ở dưới có. Ở ngang có. Ðằng trước, đằng sau đều có nó. Hệ thống gì? Ðó là hổn lốn: sợ hãi cúi đầu, làm thân con sên, con tầm gửi, - hò hét mệnh lệnh, làm ông sấm ông sét. Ðảng ở đâu? Thương ơi! Ðảng chưa ở chúng mình, ở từng người một. Ở những người nào có lao động. Có đấu tranh thực. Có rỏ máu trên một vần thơ, một nét bút. Ðảng chưa ở đó bốc ra. Vì vậy bóng tối phản động vây hãm tất cả. Ðặc xịt. Ðen ngòm.

Chỉ khi nào Ðảng ở từng người, từng cánh tay mình, thì mới tan được "hệ thống".


Tôi nghĩ và tôi làm: Ðảng ở tôi. Tôi phá Hệ Thống. Làm sao tới Hội Nghị Văn Thơ tôi phải làm được một số việc: vượt khỏi các ước lệ, điều lệnh, thành kiến mà làm bằng được. Nếu như vậy mà mang tiếng anarchiste thì anarchiste còn hơn. Không làm được việc gì chỉ được tiếng "thuần".

Ðộ này đang có hai chiến trường khá sôi sục:

1) Vượt Côn Ðảo [6]

2) Thơ Tố Hữu [7]

Tôi thích những cuộc tranh luận này. Không phải vì bản thân những quyển sách và những tác giả ấy. Mà vì ý nghĩa nó rộng ra nhiều mặt khác. Phát huy phê bình tự do. Nâng nhau lên, làm cho Ðảng vào từng người một. Giương cao:

- lá cờ hiện thực

- giá trị con người

Người nào tích cực đấu tranh trong những vụ này sẽ lớn lên hàng mấy đầu. Nghệ thuật với cuộc sống gắn nhau như vậy.


8.3.1955

Có những kẻ tourner. Một độ họ cố "làm ra tiến bộ", làm ra đấu tranh. Làm ra không công thức. Nhưng rồi cuộc sống lại trả họ về với nguyên hình: loài bò sát, -(...), - và làm giấy bạc giả.

Tại sao bọn giả mạo được tin hơn người thực thà? Tại sao loài bò sát lại được dùng nhiều? Tại sao chúng có mặt ở cái thời đại này? Ở trong Ðảng? Ở cách mạng? - Lạ lùng nhất là tại sao không vạch mặt chúng ra?

Văn thơ tôi sẽ balayer bọn ấy. Quét! Quét!

Bây giờ tôi chỉ còn một nguyên tắc lớn thôi. Là: làm thế nào bằng cuộc sống, bằng lời nói việc làm, bằng văn thơ quét cái bọn ấy đi. Tất cả những cái gì, nguyên tắc gì trở ngại cho nguyên tắc lớn của tôi là xoá hết! Mặc! Tôi chỉ còn một nguyên tắc mà thôi! Sống và viết để mà đánh bọn giả mạo, bọn ì ạch, bọn mốc xì, bọn người-bệnh, bọn người-dòi, bọn người-ù. Anarchiste?

Nếu vậy gọi là anarchiste thì tôi rất muốn là anarchiste. Cám ơn quần chúng đã tạo cho tôi thành anarchiste như vậy! Và quần chúng cũng có thể cám ơn tôi ít nhiều! Thực đó chứ lị.
Tất cả những nguyên tắc nhỏ nào cản trở tôi thực hiện nguyên tắc lớn là đạp hết! Chỉ hơn nhau và kém nhau ở chỗ ấy thôi. Tôi chỉ có khả năng làm người kiểu ấy. Tôi không có khả năng công chức, khả năng người-ụ. Khả năng tôi là khả năng người-phá.

Giản dị vậy thôi.

Tôi cứ thế mà tiến. Lù lù như quả đất... Nó vẫn quay quay lớn mạnh trong Vũ Trụ, Thời Gian... Ðúng... Tôi là quả đất. Không cho chúng nó ở nhờ. Chúng nó iả bậy, thối quá.


22.3.1955

Quốc Hội họp.

Nhân dân mong chờ nhiều về vấn đề kinh tế.

Ủy ban hành chính Hà Nội cũng họp: làm cho Hà Nội từ thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất.

Hôm nọ có bà bảo tháng 10 thì vui thế. Ngày 10.10 là ngày tiếp quản Hà Nội. Một phút mà cách nhau hai chế độ mấy trăm năm. Ngày ấy người ta say mê, đầy tương lai trong người... Có cán bộ hay nhắc lại những ngày đó. Cho là dân chóng quên. Không thấy hạnh phúc của mình. Hoài Thanh diễn thuyết ở Ðảng Xã Hội cũng nói vậy. Chúng ta chóng quên. Quên mất hạnh phúc lớn của mình. Tôi cũng đồng ý là nên nói vậy. Với điều kiện là phải nghĩ rằng: chúng ta không thể ăn được bằng dư vị bữa tiệc tháng 10 ấy. Tháng 10 là bữa tiệc lớn cho nhân dân thủ đô. Nhưng bây giờ là tháng 3.1955. Người ta phải ăn bằng những bữa cơm hàng ngày... Không thể ăn bằng ký ức một bữa tiệc từ năm ngoái được.

Người đi làm cách mạng mà cứ giải quyết bằng hồi ký cả thì thật là nguy cho quần chúng. Cũng nguy như chỉ giải quyết bằng viễn vọng tương lai.

Nói vậy không phải tán thành chủ nghĩa sống thiển cận. Hiện tại chủ nghĩa. Mà là nhấn rất mạnh vào hiện tại. Bây giờ. Trước mắt. Ðó là cứ điểm của mọi nỗ lực, mọi người, và lãnh đạo.


[1]Trần Dần được cử đi Trung Quốc viết truyện phim Điện Biên Phủ, cùng đi có Đỗ Nhuận.
[2]"Người-bệnh": khái niệm do Trần Dần tạo riêng, hàm ý phê phán (cũng như "người-dòi", "người-bệnh", "người-ù"...), không đồng nhất với nghĩa "người ốm" thông thường
[3]T.H.: Có lẽ là Tố Hữu
[4]Phòng Văn Nghệ: Gọi tắt Phòng Văn Nghệ Quân Đội thuộc Tổng Cục Chính Trị. Từ 1951 đến 1957 Trần Dần thuộc biên chế cơ quan quân đội này trước khi chuyển ngành (giải ngũ) sang Ban Nghiên Cứu Sáng Tác thuộc Hội Nhà Văn
[5]Có lẽ là tạp chí Sinh Hoạt Văn Nghệ của Phòng VNQĐ
[6]Tiểu thuyết của Phùng Quán
[7]Tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu

Nguồn: Trích: Trần Dần, Ghi 1954-1960, Phạm Thị Hoài biên tập, td mémoire xuất bản, Văn Nghệ phát hành, 2001