Bài 3
“Je comprenais la Nausée, je la possédais”
J.P. Sartre
“Xá Lợi Tử! Thị chư pháp không tướng”
Bát nhã Tâm kinh
La nausée là quyển tiểu thuyết triết lý mà JP. Sartre viết về kinh nghiệm
Buồn nôn của mình khi thình lình phát hiện ra sự
hiện hữu của sự vật trong một công viên. Từ kinh nghiệm “buồn nôn” này, Sartre nghiền ngẫm về hiện hữu và viết ra quyển đại luận
(essai) L’Etre et le Néant, đặt nền tảng cho
Thuyết Hiện sinh (Existentialisme).
Tiểu luận này bàn về các ý niệm chính trong tư tưởng của Sartre. Tiểu luận chia làm ba bài, mỗi bài đề cập một đề tài riêng biệt:
Bài 1: Lý do hiện hữu – Ý nghĩa – Phi lý / Vọng chấp – Hý luận
Bài 2: Ngẫu nhiên – Tất định / Nhân duyên – Nhân quả
Bài 3: “Être en soi” – “Être pour soi” – Ý thức / Sắc và Không – “Tướng không” – “Tánh không”
BA: “Être en soi” – “Être pour soi” – Ý thức / Sắc Không – Tướng không – Tánh không
L’Existentialisme, Thuyết Hiện sinh của Sartre bắt nguồn từ kinh nghiệm
Buồn nôn. Kinh nghiệm đó được diễn đạt bằng ngôn ngữ triết học qua
L’Être et le Néant (
Hữu thể và Hư vô). Tác phẩm này đặt nền tảng trên hai ý niệm căn bản là
“être en soi” (hữu thể tự ngã) và
“être pour soi” (hữu thể quy ngã), có thể hiểu tổng quát là phần
vật chất và phần
ý thức trong hữu thể (xem bài viết của JV trong
Bài 1). Vì dịch ra tiếng Việt có thể làm sai nghĩa của Sartre nên người viết để nguyên các từ ngữ
“en soi” và
“pour soi” trong bài viết này. Để cho việc góp ý kiến và lập luận được cụ thể và minh bạch, người viết xin phiên dịch bản văn sau đây của Jean Vioulac (JV). Bài viết của JV nhằm mục đích giải thích các ý niệm căn bản của Sartre trong tác phẩm "L’Être et le Néant", vốn được viết bằng lối văn bí hiểm và kín mít đặc thù của triết gia lớn này. (
C’est barbant! Nói theo kiểu Tây Phú lang sa). Kèm theo bài viết của JV là một trích đoạn của “L’Être et le Néant” để minh chứng cho điều mình diễn giải. Nhưng người viết tự lượng sức mình nên
“không dám” dịch ra tiếng Việt sợ làm sai ý của triết gia. Chẳng hạn như câu Sartre viết như sau: “
Cela signifie que, par un double mouvement de néantisation, il néantise le questionné par rapport à lui, en le plaçant dans un état neutre, entre l’être et le non-être – et qu’il se néantise lui-même par rapport au questionné en s’arrachant à l’être pour pouvoir sortir de soi la possibilité d’un non-être.” Sartre giải thích như thế này là quá rõ (Nghe rõ, trả lời!). Riêng mình, người viết xin quăng khăn lên đài chịu thua. Có cảm tưởng như mình đang coi phim Hitchcock đoạn mở đầu, và ra về trước khi phim kết thúc. Vị nào liệu mình có đủ nội lực thâm hậu và có đủ khả năng phiên dịch thì xin mời.
Please! S’il vous plait. Merci “bổ cu”.
Ý THỨC NHƯ LÀ “HƯ VÔ HÓA”
Chân không (vide) trong hữu thể
"(…) Nếu hữu thể được định nghĩa như là
“être en soi”, nghĩa là một tổng thể chặt cứng và kín mít, một hệ thống đan khít của những tiền định và nhân quả thì nó sẽ không thể nào là
hữu thể tự do được. Hữu thể là cái nó đang là, và nó không thể là cái gì khác hơn: nó không có một khoảng du di điều động nào so với cái nó đang là. Một tảng đá tự nó là như vậy: nó được ban cho một căn cước, và tất cả những gì có thể xảy đến cho nó được định trước bởi cái bản chất
“đá” của nó. Để cho tự do có thể hiện hữu, cần phải có một
khoảng cách biệt (
écart) so với hữu thể, một hành động vượt khoảng cho phép (nó) tự rút ra và tự giải thoát khỏi cái mạng lưới của tiền định. Và ý thức
chính là khoảng cách biệt đó, chính một mình nó tạo ra một vùng của hữu thể độc đáo, khác biệt hẳn với
“en soi”: Sartre gọi nó là
“pour soi” cái cách thức hiện hữu riêng biệt này của
ý thức.
Cái tên gọi khác của tự do
Bằng cách đó,
ý thức hành xử (
se comporter) ngay trong lòng hữu thể: nó thoát ra khỏi vũng lầy ù lì (
opacité) và nặng khối (
massivité) của hữu thể bằng cách tạo ra một khoảng trống (
espace vide) xung quanh mình, khoảng trống này cho phép nó giữ khoảng cách đối với các sự vật và nhờ đó mà ý thức được chúng. Thế nhưng, đưa chân không (
vide) vào hữu thể là đưa vào đó hư vô (
néant). Với tư cách là quyền năng đưa chân không vào hữu thể,
ý thức là một quyền năng dọn trống (
évidement), với tư cách là quyền năng đưa hư vô (vào hữu thể),
ý thức là một quyền năng hư vô hoá (
néantisation). Do đó,
hư vô hoá chính là yếu tính của ý thức.
Và như thế, Sartre bắt đầu tác phẩm
L’Être et le Néant (
Hữu thể và Hư vô) của mình, bằng cách chỉ cho thấy rằng, để cho con người có thể đặt vấn đề hữu thể, cần phải
giả định trước một sự cách biệt so với hữu thể, và vì vậy, cần phải có một “liều” hư vô (
dose de néant) nào đó. Bằng cách rời xa hữu thể,
ý thức tự giải phóng mình ra khỏi hữu thể, và theo Sartre,
hư vô chính là cái tên gọi khác của
tự do (…)
L’Être et le Néant hoàn toàn đặt nền tảng trên sự phân biệt giữa hai vùng của hữu thể triệt để đối nghịch nhau, vùng của
“être pour soi” nghĩa là vùng của ý thức, và vùng
“être en soi” vốn là cái chất bột ù lì và phi lý mà ta chỉ có thể chứng kiến sự hiện diện của nó". Jean Vioulac
Một ngòi bút khác nữa diễn giải các ý niệm của Sartre là Michel Contat (MC), một chuyên gia về Sartre, phụ trách việc ấn hành các tác phẩm của triết gia này trong bộ “Bibliothèque de la Pléiade”. Trích đoạn sau đây của bài viết “Lire Sartre aujourd’hui” của MC sẽ làm sáng tỏ thêm (?) quan niệm của Sartre về
tự do và
hư vô hoá:
"(…) Tôi hiện hữu tại vì thế giới hiện hữu, và tại vì tôi ý thức về điều đó, nhưng tôi cũng ý thức rằng tôi không phải là nó, tôi có một quyền lực mà nó không có
, quyền lực tưởng tượng những gì không hiện hữu. Quyền lực đó, Sartre gọi nó là sự
hư vô hoá: con người là hữu thể xuyên qua nó
hư vô đến với thế giới. “Tôi tìm Pierre
, bạn tôi, tại quán Café de Flore, nhưng hắn ta không có đó, tôi
hư vô hoá cả tiệm
café để được thấy hắn xuất hiện, hắn ta, Pierre; tôi chỉ thấy sự vắng mặt của hắn: tôi tưởng tượng hắn đang ở một nơi khác, cái trò phù thủy này (
sorcellerie) chính nó là
tự do của tôi". Michel Contat
KHAI TRIỂN QUAN NIỆM CỦA SARTRE
Coi chừng bị hư-vô-hoá
Trước khi luận bàn, hãy thử động não cho tợn lên và tưởng tượng… tưởng tượng… để theo cho kịp Sartre: “Tôi đi tìm Pierre, bạn tôi, trên hè phố. Tôi chỉ thấy sự vắng mặt của hắn. Để được thấy hắn xuất hiện, tôi
hư vô hoá tất cả đường phố. Cái trò phù thủy này, chính nó là
tự do của tôi:
cái tự do… cụng đầu vào cột đèn (vốn đã bị tôi hư vô hoá)! Và gã phù thủy gà mờ té ngửa trên vỉa hè! Khóc thét! Cái
đỉnh cao trí tuệ u lên liền một cục lớn. Và cũng quê (rất) lớn một cục!”
Dĩ nhiên, cái câu chuyện “tìm Pierre trên hè phố” chỉ là chuyện (khoa học) giả tưởng. Nhưng cái chuyện này là có thiệt: nửa thế kỷ sau cái thời điểm lịch sử
“Sartre hư vô hoá” tiệm Café de Flore
, tuần qua người viết có dịp dạo chơi ở khu Saint-Germain-des-Prés. May quá! Thấy cái tiệm
café khét tiếng này vẫn hãy còn nguyên vẹn đó (hú hồn!). Tuy nhiên, rất tiếc là nhà triết gia nhớn không còn ngồi đó nhâm nhi
café và hút ống vố nữa (có lẽ đã bị ông chủ tiệm
café hư vô hoá để trả thù rồi chăng?) Thêm một điều “théc méc” khác nữa: Trong cái hoạt động
“hư vô hoá” có tính cách tiểu công nghệ của mình, Sartre lấy cái
“hư vô” từ đâu, hay được ai cung cấp? Thượng đế chăng? Hay là cái hư vô
ex nihilo? Thứ đến, Sartre cứ nói
“hư vô hoá” mà không nói rõ là hư vô hoá
cái gì? Và sau khi bị hư vô hoá thì
cái gì đó nó có bị sứt mẻ gì không?
Cung cách “hiu hiu” của Sartre cũng là cái cung cách điển hình của triết học Tây phương: Tôn vinh cái đỉnh cao trí tuệ, tôn vinh cái
“Cogito ergo sum!” Coi
trí tuệ như là một thứ Thượng Đế toàn năng không bao giờ có thể sai lầm, rất đáng tin cậy. Từ sự thờ phượng trí tuệ đó mà đẻ ra biết bao là lý thuyết, biết bao là chủ nghĩa đưa đến xung đột địa phương và chiến tranh toàn cầu làm điên đảo thế giới. Vẫn chưa tởn! Vẫn hiu hiu cái
“ngã mạn” (bự xộn), cái
“volonté de puissance” kiểu Nietzsche (đã chết trong nhà thương điên). Và cũng đã có biết bao triết gia Tây phương đã từng bị cái “đỉnh cao trí tuệ” nó
hành tới mức phải tự tử chết trong điên loạn. Trước khi tự tử còn vọt tít lên tận trời cao để thích khách Thượng Đế, xong la toáng lên rầm trời “Thượng Đế đã chết!” Rồi đây, sẽ có một đấng triết gia bự xộn le lói khác nữa đột nhiên nổi xung kéo 3 sư đoàn thuỷ quân lục chiến đùng đùng lên đánh Trời (như Tôn Ngộ Không hồi nẫm). Rồi bắt cóc Thượng Đế trói ké đem về giải giao trại tù Guantanamo cho Bush Con khai thác để lấy khẩu cung nhẹ nhàng bằng phương pháp
“phân tâm học” của tổ sư Freud.
Bravo! Bravo! Thiệt tình!
Thiệt ra thì cái ý niệm
“en soi” và
“pour soi” của Sartre cũng chẳng mới mẻ gì cho lắm so với cặp bài trùng
“vật chất” và
“tinh thần” muôn thuở của cái gút thắt không thể nào tháo gỡ nổi của loài người (mặc dù rất là thông minh nổi tiếng cầm đồ). Có khác chăng là ở chỗ Sartre đặt cho nó một cái tên là lạ
“en soi” và
“pour soi” (cho nó có vẻ
mô đẹc?) (Tiếng Tây đã có chữ
anchois (mắm cá cơm), nhưng chưa có từ ngữ
“en soi”). Và lạ lùng hơn hết là ở chỗ Sartre đã dùng
ý thức của mình để
giải phẫu hữu thể và nhét cái
hư vô vào đó, và gọi nó là
tự do (!)
“Hư vô” tự nó có nghĩa là “không có gì hết”.
“Tự do” là cái “không có gì hết”! Cũng tiện. Đỡ phải vất vả để mang nó theo người, và vất vả để bảo trì nó cho hoàn hảo. Nó cũng không ăn bánh mì, không ăn gạo, không ăn bắp, không uống nước, không uống rượu, không biết khóc không biết la. Do đó, cái
“tự do” theo kiểu
“hư vô” lúc nào cũng nín khe cho ta hoàn toàn yên ổn để được
tự do mà tha hồ
“quậy” cho tới bến. Kể ra cái “mẹo vặt” này của Sartre cũng khá đắc dụng.
Hơn nữa, cái
ý thức của Sartre nó rất là
toàn năng, đủ hết mọi thứ quyền lực. Nó ban ý nghĩa (cho cái rễ cây), nó ban phi lý (cho cuộc đời). Nó
hư vô hoá tiệm
café, nó
hư vô hoá cột đèn (cái nầy thì có hơi bất tiện). Nó chiếu dọi, nó buồn nôn, nó phán xét (cuối cùng!). Nó tuyên bố “Hữu thể không có lý do hiện hữu”. Nó dẹp tiệm hiện hữu, nó dẹp tiệm
café ngay từ đầu (chưa kịp mở cửa). Cái
ý thức toàn năng (hay là Sartre?) nó cũng giống như đứa nhỏ gái chơi trò búp bê. Em nhỏ ban phát vai trò cho bốn năm con búp bê của mình rồi dựng kịch. Các nhân vật búp bê đều “có quyền” và có “tự do” phát biểu ý kiến y chang như em nhỏ tự ý viết ra trong vở kịch. Và em nhỏ là
phát ngôn viên chính thức và
có thẩm quyền của toàn ban. Em nhỏ biểu đẹp thì đẹp, biểu xấu thì xấu, biểu trung thành thì trung thành, biểu gian ác thì gian ác. Và trên hết: Em nhỏ ban cho búp bê ý nghĩa thì búp bê có ý nghĩa, ban cho phi lý thì búp bê phi lý, biểu sống thì sống, biểu chết thì chết. Em nhỏ rất là
toàn năng. Và em nhỏ rất là
hài lòng! Búp bê nào lạng quạng cãi lời thì sẽ bị cái
“ý thức búp bê” nó
hư vô hoá (ráng chịu). Sartre thừa biết đó là
trò phù thủy (
sorcellerie), chữ dùng của Sartre để ám chỉ trò chơi
“hư vô hoá” của mình. Nhưng cũng đâu có sao. Sartre dựng lâu đài
Existentialisme (Thuyết Hiện sinh) trên các ý niệm cột trụ
“être en soi” và
“être pour soi”. Từ
Buồn Nôn đi tới “L’Être et le Néant” tuy có hơi vất vả, nhưng Sartre làm được. Có vất vả chăng là vất vả cho người đọc: “La conscience est un être pour lequel il est dans son être question de son être en tant que cet être implique un être autre que lui” (
Ouf!). Đã hiểu rõ cái
“conscience”, đã hiểu rõ cái
“ý thức” là cái gì chưa?
Con người có bộ não khiến cho nó hiu hiu với cái
“ý thức” nuốt hết vũ trụ, với cái
“đỉnh cao trí tuệ” chúa tể muôn loài giống như Tề Thiên có “thất thập nhị huyền công” biến hoá khôn lường, vác thiết bảng phom phom lên đánh Trời. Cái bộ não này cho phép con người vượt trội hơn muôn thú là do ở khả năng bày ra trong đầu óc mình những
“trình diễn trí tuệ” (
représentations mentales)
, nôm na là tưởng tượng, nhờ đó mà thiết lập kế hoạch và dự phóng rất xa trong tương lai. Hầu hết các loài thú khác đều chỉ
sống trong hiện tại: đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nghỉ, rảnh thì giỡn, vui thì hót, buồn thì đi chỗ khác chơi. Nhưng
“sống trong hiện tại” chính là cái mà các thiền sư khổ công tu luyện để đạt tới, và gọi đó là “
ngộ” . Muông thú thì đã
“ngộ” ngay từ đầu, khỏi cần phải ngồi toạ thiền cho ê đít mỏi lưng gì hết ráo.
Sống trong hiện tại, không thấp thỏm lo âu cho tương lai, con thú hoàn toàn tuỳ thuận vào thiên nhiên. Sống trong hiện tại nên con thú không tích trữ đầu cơ, làm giàu, sở hữu để tài sản, để ngôi báu lại cho con, không gây chiến tranh qui mô để giành giựt. Nói tóm,
vì chỉ sống trong hiện tại, nên con thú không tham lam, cái căn bịnh đứng đầu sổ của con người.
Cái ưu điểm “đỉnh cao” của con người cũng đồng thời là một
tai hoạ: Con người không bao giờ sống trong hiện tại. Con người luôn luôn rượt đuổi theo một cái gì đó: một chuyến
bus, một giờ hẹn đào nhí, bồ bịch, ông chủ, lương bổng, sự nghiệp, bảo hiểm, học hành, cái mả đá, lăng tẩm, kim tự tháp, vân vân… Nhưng không sống trong hiện tại thì là sống với cái
đã có hoặc
sẽ có (chắc không?), sống với những cái mà mình không thể hưởng được liền tức khắc, nghĩa là sống trong hoang tưởng. Chính cái
bộ não, chính cái “đỉnh cao” nó khiến cho con người
sống thường trực trong hoang tưởng:
Văn hoá và
văn minh của con người đặt nền tảng trên hoang tưởng. Nó chỉ để lại điêu tàn, hoang địa, ô nhiễm, những đống gạch vụn giữa sa mạc, những cái xác ướp.
Bị đày phải tự do
Xuyên qua quyền lực phù thủy
“hư vô hoá”, Sartre đã thực hiện được một phép mầu: “Con người là hữu thể xuyên qua nó hư vô đến với thế giới” (nhẹ nhàng, ướt át và lãng mạn như
em đến thăm anh một chiều mưa). Sartre mang đến cho thế giới một gói quà sinh nhựt độc đáo. Mở ra (
ô! Surprise!):
“Hư vô!” Hổng có gì hết! (Làm cho em nhỏ thất dzọng wá chời!) Ấy! Coi vậy chớ
hư vô là quý lắm đó nghe:
Hư vô là cái tên gọi khác của
tự do. Vì vậy, không có
“hư vô” là con người kể như bó tay. Bất ly cục cựa! Nhờ có cái
“tự do hư vô” đó mà con người mới có quyền
chọn lựa, và chọn lựa để mà
dấn thân (
s’engager)
. Tuy nhiên, có một điều quả thiệt là lạ lùng và vô cùng khó hiểu đối với một người bình thường, có cái
logique rất là bình thường (sát mặt đất): Sartre đã khổ công tận dụng phẫu thuật tinh và ly kỳ để nhét
“hư vô” vào thế giới, và nhờ đó mà nhọc nhằn lôi ra được cái
tự do vô cùng quý giá. “Mừng húm?” Nhưng không! Vì kế đó Sartre lại than thở và kêu trời như bộng: “Chúng ta bị đày phải tự do!” (“Nous sommes condamnés à être libres”) Nghĩ kỹ lại, sao khi không lại đi kiếm “chuyện khó” mà làm? Mệt cầm canh! Mệt dài dài. Như Sisyphe bị đày phải lăn cục đá (mắc dịch!) lên đỉnh núi Hy mã Lạp sơn. Lên tới đỉnh núi, cục đá (mắc dịch) lại đùng đùng rơi xuống. Lại lăn lên… lại rớt xuống… lại lăn lên… Thiệt là
bị Trời hành! “Mệt bỏ mẹ!” Rồi bây giờ bỗng nhiên khi không Sartre trổ phép thần thông “hư vô hoá” rồi
đày cả thế giới phải lăn cục đá
tự do (mắc dịch). Nhưng vốn là “cục đá-hư vô” nên chắc là nó nhẹ hều, chỉ cần lấy một ngón tay mà khều nó cũng lăn cù… mệt nghỉ!
Nhưng giờ đây thử cố gắng nghiêm chỉnh và đặt một câu hỏi rất là thường tình: “Trước khi Sartre mang cái
tự do/ hư vô đến cho thế giới, con người có
tự do hay không?” Trước đó, con người có cái tự do để chọn lựa, có cái tự do để dấn thân hay không? Con người có bị bó tay bó cẳng, bị bịt miệng, bịt mũi, bị áp đặt hoàn toàn từ đầu đến cuối hay không? Cũng có, phần nào. Bởi lẽ con người không thể sử dụng được hoàn toàn 100% cái
tự do lý thuyết: như tự do mua xe
Mercedes, tự do lái du thuyền, tự do mua sắm hột xoàn, tự do mời Marylin lên giường để nói chuyện triết lý một cách nghiêm chỉnh, hoặc tự do thương lượng để mua cái Tháp Eiffel, tự do ứng cử tổng thống, vân vân… Nhưng trong đời sống hàng ngày, trước khi được Sartre ban cho cái “tự do hư vô”, con người vẫn sử dụng được ít nhiều cái
tự do thực tiễn của mình: như tự do ăn uống (vừa túi tiền), tự do nhậu nhẹt (lade rượu đế ở Xè Gòn), tự do đấu láo (nhứt là ở Hà Lội), tự do dòm lén ngực đàn bà, tự do đi đứng (ngoại trừ người ngồi xe lăn), tự do tới lui (nhà thổ), tự do tụ họp (chợ trời), tự do bầu cử (gian lận)… tuỳ theo bản tánh, tuỳ theo phương tiện, tuỳ theo xứ sở, tuỳ theo chế độ.
Còn dấn thân thì ôi thôi! Nó là một
tai hoạ của con người! Chẳng hạn dấn thân để đổ máu cho bộ lạc mình, dấn thân để tàn sát sạch bách kẻ thù của quê hương ta. Dấn thân cho đại ca, dấn thân cho Đảng Ta, liều mình cho
Hitler, hy sinh cho
Pol Pot, phơi thây cho
Mao Trạch Đông. Dấn thân để tử vì đạo cho
Thượng Đế, dấn thân để sạt nghiệp vì
Nình Bà, dấn thân để đốt tiền cho
Las Vegas. Dấn thân để trèo lên tuyệt đỉnh
Hy mã Lạp sơn, chờ có cơ hội sút tay té xuống chưn núi cho lòi bảng họng, để được chết có mề đai và ngậm cười dài dài nơi Chín Suối. Ối thôi! Kể làm sao cho hết được những kiểu “zấn thân” ly kỳ của con người! Còn trong lãnh vực chính trị, Sartre đã dấn thân cả đời cho đảng cộng sản Nga, bất chấp chế độ toàn trị chuyên chế, độc tài đẫm máu của Staline. Như vậy là dấn thân một cách
“triết lý”? Hay chỉ nôm na là chọn đảng, là theo phe, là xả thân mù quáng, là liều mạng điên khùng, là “phóng lao phải theo lao”? Là
cuồng tín, nói cho gọn. Là
cuồng tín, bởi lẽ không có từ ngữ nào khác đúng hơn. Là
cuồng tín, bởi lẽ nó đích thực là
cuồng tín! Có vặn vẹo chữ nghĩa, có bóp méo ý niệm, có tung ra cái “mẹo vặt”, có uốn ba tấc lưỡi cũng chỉ là
ngụy biện mà thôi.
Ý thức! Ôi cái “ý thức xa lông”! Cái ý thức trí thức… trí ngủ!
Hư vô đẻ ra ý thức
Nhưng thử bình tĩnh để tìm hiểu vì lẽ gì mà Sartre tôn vinh cái
ý thức tới mức gần như là
bái vật (
fétichisme)
. Vì lẽ gì mà Sartre coi nó như một ngọn đèn pha thiêng liêng, thông minh sáng suốt tột bực, tới mức gần như nó không bao giờ có thể lầm lẫn được – hay ít ra, đó là cái ý thức của Sartre. Đọc lại cái ý niệm của Sartre về ý thức (theo JV):
“Để cho
tự do có thể hiện hữu, cần phải có một khoảng
cách biệt (
écart) so với hữu thể, một hành động vượt khoảng cho phép nó tự rút ra và tự giải thoát khỏi cái mạng lưới của tiền định. Và
ý thức chính là khoảng cách biệt đó, chính một mình nó tạo ra một vùng của hữu thể độc đáo, khác biệt hẳn với
“en soi”: Sartre gọi nó là
“pour soi”, cái cách thức hiện hữu riêng biệt này của
ý thức”.
Ý chính: Hữu thể có 2 phần: phần
“en soi” (hiểu là vật chất), và một khoảng
“cách biệt” (
écart) gọi là
“pour soi” và chính nó là
ý thức (có nên hiểu là tinh thần?)
Đọc tiếp: “Bằng cách đó, ý thức hành xử ngay trong lòng hữu thể: nó thoát ra khỏi vùng lầy ù lì và nặng khối của hữu thể bằng cách tạo ra một
khoảng trống (
espace vide) xung quanh mình… Thế nhưng, đưa
chân không (
vide) vào hữu thể là đưa vào đó
hư vô (
néant)… Với tư cách là một quyền năng đưa hư vô (vào hữu thể), ý thức là một
quyền năng (
puissance)
hư vô hoá (
néantisation)
. Do đó
hư vô hoá chính là yếu tính (
essence) của ý thức. Và theo Sartre, hư vô chính là cái tên gọi khác của
tự do”.
Ý chính:
Ý thức tạo ra một
khoảng trống (hiểu là
chân không). Đưa vào hữu thể, chân không trở thành
hư vô (còn gọi là
tự do). Và trên hết:
ý thức là một quyền năng
hư vô hoá (hư vô hoá
cái gì thì không thấy nói rõ ở đây).
Phân tích kỹ, ta mới thấy rõ được cái “thủ thuật phù thuỷ” (Càn Khôn Nã Đại Di) của cao thủ võ lâm JP. Sartre: Khởi đầu
ý thức tự mình chỉ là một
khoảng cách biệt (kể như không có gì hết). Rồi không biết bằng cách nào,
ý thức đã đưa
chân không vào
hữu thể. Rồi sau đó, cũng không biết bằng cách nào,
chân không chợt (rùng mình) biến thành
hư vô (nghĩa là tuyệt đối không có gì hết!) Tóm tắt: Khởi từ cái “không có gì hết”,
ý thức đã trổ nghề
“hư vô hoá” chuyên nghiệp của mình để đi tới cái… “
tuyệt đối không có gì hết”!
Hư vô Terminus! Như vậy,
ý thức đã đi đúng đường lối cách mạng Mác-Lê và thực hiện được một cuộc cách mạng vô sản
đích thực: Trước cách mạng, ta
“ở trần”. Sau cách mạng, ta vẫn
“ở trần”, nhưng hơn thế nữa, ta được thêm phép
“ở truồng”… cưỡng bách. Cho nó mát. Kể cũng tiện.
Mới biết: “Lao động chưa chắc gì lúc nào cũng vinh quang!” Chỉ có
“phù thuỷ” JP. Sartre mới tự nguyện làm nổi cái chuyện “dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì!” Nhưng tự mình vốn đã là “không có gì hết” mà
ý thức lại có quyền năng
“hư vô hoá” sự vật thì phải tin là phép mầu có thiệt:
“Le miracle existe! Si si. Il esiste, vraiment il existe!” Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì cái phép mầu này chỉ có trong đầu của Sartre. Cái khả năng
“hư vô hoá” của ý thức chỉ có trong đầu của Sartre. Cái chuyện hư vô hoá tiệm Café de Flore chỉ có trong đầu của Sartre. Từ cái chuyện tưởng tượng trong đầu, Sartre đồn riết ra thành một cái ý niệm (ý thức/hư vô)
tưởng như có thiệt! Bravo! Cái chuyện này, tâm lý học gọi là
“bịnh hoang tưởng”.
Theo Sartre ý niệm,
ý thức chính là cái
“pour soi”. Như đã thấy, vẫn theo Sartre,
ý thức tự nó “tuyệt đối là không có gì hết”, thì cái
“pour soi” (có lẽ?) cũng tuyệt đối là không có gì hết cho đúng với cái
logique cartésienne.
Dựa trên nền tảng
“en soi” và
“pour soi” (vốn tuyệt đối là không có gì hết), mà Sartre xây dựng lâu đài
L’Être et le Néant và lập thuyết “Existentialisme” thì liệu cái lâu đài đó và cái thuyết đó có bị đe dọa sụp đổ ngay từ đầu? Hay là rốt cuộc, sẽ không còn “Être” nữa mà chỉ còn lại “Néant”. Sẽ không còn
Hữu thể nữa, mà chỉ còn lại
Hư vô. Hữu Thể đã bỏ Sartre mà ra đi.
Bonjour tristesse! “Buồn ơi! Ta xin chào mi… khi người yêu đã bỏ ta đi…” Ô voa! Ô voa Bế Bì! Bái bai! Bái bai
darling! “You say you love me, and then you say good bye!” Buồn năm phút. Nhận định về Sartre và Thuyết Hiện Sinh, nhà nhân chủng học kiêm triết gia Claude Lévi-Strauss đã phát triển: “Hiện sinh là một công trình tự chiêm ngưỡng, trong đó, với ít nhiều ngốc nghếch, con người hiện đại tự giam mình đối diện với chính mình và rồi đâm ra tột khoái (
orgasme) với chính mình.” Cũng đâu có xa lạ gì cái tuồng ruột Sartre tự biểu diễn và mê mẩn với cái trò phù thuỷ
“hư vô hoá” tiệm
café quanh quẩn trong cái “đỉnh cao trí tuệ” của chính mình. Nhưng nhìn kỹ thì thiên hạ vẫn tiếp tục uống
expresso xì xụp và ăn
croissants ào ào tỉnh bơ trong tiệm Café de Flore (trên nguyên tắc đã bị triết gia phù thủy
“hư vô hoá”).
“Hư vô hoá” có nghĩa là làm cho “biến mất”, chớ không có cái kiểu nguỵ biện mở ngoặc đóng ngoặc,
“mettre le monde entre parenthèses” gì hết ráo. Nếu
“hư vô hoá” chỉ là
“khép thế giới trong ngoặc đơn” thì tới thằng con nít ke cũng làm được, đợi gì tới phải rước phù thuỷ triết gia! Nói chuyện gì mà thiệt là như giả ngộ! Hết làm phù thuỷ thì đổi sang nghề “Thượng đế” cho nó sướng: Tột khoái (đến xuất tinh?) trong vai kép độc tự biên tự diễn vai trò
“Thượng Đế bỏ túi” hiu hiu trên ngôi cao, ban phát ý nghĩa cho muôn loài, cả người chóa loà hào quang ngũ sắc và Ánh sáng Phúc Âm! Và nhứt là rất
tự hài lòng, dĩ nhiên “Không có TA thì cả thế giới này sẽ (có chửa) buồn nôn và phi lý (rong rêu sỏi đá) hết... là cái chắc!” Ấy vậy mà khi hay tin sư phụ mình
buồn nôn ở bên Tây, phe trí thức (?) trẻ Xè Gòn ta cũng vụt cấn thai ngang xương và kéo nhau ra ngồi cú rũ ở Quán Cái Chùa mà ói mửa cho tới mật xanh!
Khi khảo sát cái ý niệm
“ý thức” của Sartre, ta thấy
“hư vô” gần như là một ám ảnh không rời của Sartre. Nó cũng giống như một người bị ám ảnh tình dục. Phải giải quyết cho bằng được, kể cả hiếp dâm. Có cảm tưởng Sartre rất kinh sợ cái khối “chất bột” ù lì của
“en soi”, coi nó như là một vũng keo lầy có thể nhận chìm ý thức. Vì vậy, Sartre đã cố gắng trổ hết tài mọn của mình và dùng phẫu thuật để “nhét”
hư vô vào khối bột đó như là một cái
“air bag” chắn ngang giữa
“en soi” ù lì và
“pour soi” thanh khiết để làm trái độn, hầu ngăn chặn vũng keo
“en soi” tràn qua vùng
“pour soi” của
ý thức: Sartre đã dùng
“tiểu xảo-phù thuỷ” để giải quyết nỗi ám ảnh về “hư vô” của mình. Đây chỉ là một giả thuyết. Nó có thể đúng, cũng có thể sai. Nhưng điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là: “Ta có thể tách rời tinh thần ra khỏi vật chất, tách rời
ý thức ra khỏi
thân xác (như
Sartre đã tưởng tượng ra trong đầu) được không?”
Tên phù thủy và cái “air bag”
Trừ phi ta học được 72 phép thần thông biến hoá khôn lường như Tôn Ngộ Không, hoặc luyện được phép
“xuất hồn” của ông Đạo Tám (bỏ đi Tám!), ta không thể nào bứt rời
ý thức ra khỏi phần
vật chất (
en soi), vốn là chỗ trụ
(support) của nó. Con chim có thể đậu trên cành cây mà hót. Và cũng có thể bay lên khỏi cành cây mà hót. Nhưng ý thức không phải là con chim. Chưa hề thấy một ý thức nào đó rời khỏi chỗ trụ của mình là
não óc để được tha hồ mà ngao du sơn thuỷ. Cũng chưa hề thấy một ý thức nào, không cần thân xác, mà đi dạo khơi khơi dọc theo bờ sông Seine, rồi đến ngồi trên băng gỗ để chiêm ngưỡng Nhà thờ Đức Bà. Xong thả bộ tà tà xuống khu Saint-Germain-des-Prés, rồi chui vào tiệm Café de Flore nhâm nhi cái
expresso, hút cái ống vố, và bóp trán (?) động não để tìm cách nhét cho bằng được cái hư vô vào trong hữu thể, mặc tình cho em nhỏ rên đau tỉ tê và khóc thét lâm ly “Em chả! Em chả!” Chưa hề thấy một cái ý thức nào khơi khơi như vậy và cũng chưa hề có cái chuyện như vậy trên đời. Nếu có thì đó không phải là
ý thức: mà đó là một
cô hồn. Mà cô hồn thì không thuộc về cõi người, xin miễn bàn.
Một giai thoại về
cô hồn và về
linh hồn: Sau khi Christophe Colomb khám phá ra Châu Mỹ, các
conquistadors Tây Ban Nha đã đổ bộ thuyền bè súng ống, chở theo các linh mục để ban phép lành cho các
conquistadors được yên tâm mà chém giết thổ dân tưng bừng để thôn tính Nam Mỹ. Chém giết thả giàn vì Toà Thánh Vatican đã tuyên bố công khai là
thổ dân Nam Mỹ không có linh hồn. Cũng giống như là mèo chuột nên có giết thì cũng giống như là giết mèo chuột vậy thôi.
Hoàn toàn vô tội. Dĩ nhiên là thổ dân Nam Mỹ kháng cự kịch liệt với giáo mác thô sơ của mình. Có lần bắt được một linh mục, thổ dân mang cái vị khả kính này xuống sông trấn nước. Và ngồi chờ.
Chờ gì? Chờ xem cái
linh hồn của linh mục thoát ra khỏi thân xác và bay bổng về trời đoàn tụ với Thượng Đế! Chờ hoài không thấy. Ngâm tiếp vài ngày. Thấy thân xác linh mục cũng rã bèng và thúi tha y chang như là xác của thổ dân. Mới biết, trong thực tế, không có một linh hồn nào có thể tách rời khỏi thân xác một cách hiên ngang không sợ chết. Nếu có, thì điều đó thuộc về tín ngưỡng và tôn giáo.
Thay vì linh hồn, thì
ý thức cũng y chang vậy thôi. Có đem trấn nước hữu thể cũng sẽ không thấy cái ý thức nó bay bổng về trời. Có chêm cái
“air bag-hư vô” vào cũng không đem tới được một kết quả thiết thực nào hết, trừ phi là trong
hoang tưởng. Cái
air bag-hư vô không thể nào tách rời
“pour soi” ra khỏi
“en soi”. Ý thức “hư vô hoá” chỉ là chuyện hoàn toàn
hoang tưởng!
Sartre cũng ý thức mình là một tay
phù thuỷ. Không phải là phù thuỷ theo cái nghĩa làm ra phép lạ, mà là
phù thuỷ ngôn ngữ, dùng ngôn ngữ để trổ phép thần thông. Sartre rất nhiều lần “đại ngôn”, và tin rằng mình chỉ cần đọc lên
“thần chú” ngôn ngữ là mọi việc sẽ xảy ra y chang như vậy. Như khấn
thần chú “Hữu thể phi lý” thì hữu thể sẽ bắt buộc phải phi lý, khấn thần chú “hư vô hoá” thì tiệm
café sẽ biến mất – ít ra là trong tâm trí của Sartre, vân vân… Cái bệnh “phù thuỷ ngôn ngữ” này rất thường thấy trong triết học và văn chương cường điệu, cái kiểu “đâm nổ mặt trời”, “thét vỡ không gian”, “thách thức thần linh”… Con người thường bị ngôn ngữ
mê hoặc, bỏ bùa, và tin ở sự mầu nhiệm của ngôn ngữ. Thực ra thì ngôn ngữ (và kể cả ý niệm) chỉ là những
qui ước để trao đổi ý kiến, suy tưởng và ngôn ngữ chỉ diễn tả sự vật như là nó xuất hiện trong tri thức của mình.Ngôn ngữ chỉ diễn giải, mô tả sự vật. Như ảnh chụp. Chẳng đúng cũng chẳng sai. Nhưng nó không trung thực là cái chắc. Sự vật
“thực sự” là gì và như thế nào, điều đó vĩnh viễn nằm bên ngoài tri giác. Nói
thực sự, nhưng định nghĩa thế nào là
thực sự. Có lần, một nhà báo yêu cầu Einstein, cha đẻ của
Thuyết Tương Đối giải thích được mọi hiện tượng trong Trời Đất, mô tả ngắn gọn vũ trụ là gì. Einstein cầm cục phấn trắng viết trên bảng đen một phương trình dài ngoằn cả thước tây, có đủ thứ ký hiệu toán học phức tạp kỳ bí, và nói “Vũ trụ là như vầy đây!” Nhà báo lại kỳ kèo Einstein giải thích thêm đôi lời cho mọi người dễ hiểu
. Einstein: “Tôi không thể nói thêm được gì hết!”
Mới biết, khi đi vào bản thể đích thực của sự vật thì ngôn ngữ không còn thích hợp nữa. Mà ngay cả bản thể, bản chất, bản tánh… cũng chỉ là những
ý niệm do con người bày đặt ra, chớ chưa chắc gì sự vật tự nó đã có những thứ lỉnh kỉnh đó. Ngay cả đưa ra cái
định nghĩa của bất cứ một sự vật nào đó cũng chưa xong, còn nói gì xa hơn nữa cho mất công. Kinh Phật dạy: “Mọi pháp có tánh không” nghĩa là “hổng có tánh gì hết”, đố ai biết nó là cái gì? Vào khoảng cuối đời mình, Sartre cũng đã nhận thức mình là nạn nhân của chữ nghĩa, của ngôn ngữ trong quyển “Les Mots”. Thay ngôn ngữ bằng biểu tượng hoặc ký hiệu, như mẫu tự
braille của người mù, các nốt viết của âm nhạc, đèn chớp tắt của hải quân cũng không thể đi xa hơn được. Cũng chỉ là qui ước. Tương tợ như là lấy mắt mà nhìn thì thấy dáng dấp bên ngoài của người đẹp. Chiếu tia X thì thấy xương tim gan ruột của mỹ nhơn. Chiếu
IRM, chiếu
scanner thì thấy các vùng não óc, những đoạn cắt ngang của nhũ hoa nàng. Tất cả cũng chỉ là một cách nhìn ngó vậy thôi, chớ chẳng có cách nhìn nào
đúng hơn cách nhìn nào. Muốn tìm hiểu người đẹp thiệt sự là
“như thế nào” thì chỉ còn một cách duy nhất: Muốn biết viên kẹo nó
ngọt như thế nào thì chỉ có nước bỏ nó vô miệng mà ngậm, rồi gật gù… và nín khe.
“Ngọt hết cỡ nói!”
Một điều hiển nhiên khác nữa: Nếu không được nối liền với
năm giác quan và không được năm giác quan cung cấp cho tin tức và dữ kiện của thế giới bên ngoài,
ý thức sẽ bị thui chột, và sẽ
không thể nào ý thức được về một cái gì hết ráo. May mắn thay, cái “hư vô” của Sartre nó đã không cắt lìa được
“pour soi” ra khỏi
“en soi” của triết gia. Bằng không thì ta đã không có được cái luận thuyết (
essai) “L’Être et le Néant” để đọc. Và đọc để mà nhức đầu! Cần phải có người diễn giải và nắm tay dắt đi cắt nghĩa từng chút may ra mới hiểu được chút đỉnh (mà cũng chưa chắc!)
Ý THỨC TRONG KHOA HỌC
Khoa thần kinh nói gì về “ý thức?”
Các mối
liên hệ giữa ý thức và não óc đã được khoa thần kinh học (
neurosciences) nghiên cứu, trắc nghiệm, phân tích, tìm hiểu và nhận định. Trong khoa này, có hai phe đối nghịch nhau. Phe
“toàn diện” (
holisme) chủ trương rằng sự vận hành của não óc phải được tìm hiểu như là một tổng thể, không thể nào chia cắt được. Phe
“định vùng” (
localisationnisme) thì tìm cách xác định những vùng não cần thiết cho việc thực hiện một chức năng. Theo quan điểm người viết thì cho dù có định được các
“vùng não” thật là chính xác dành cho một chức năng đi nữa, nhưng nếu không có toàn bộ não óc thì các “vùng não” đó trụ ở đâu? Có cái “vùng não” bên trán trái nào đó bay phất phơ trong không gian và điều khiển cho ta phát ngôn (bừa bãi)? Hoặc cái “vùng não” nào đó nằm sâu trong óc của ta, tự nhiên bị ai đó “hư vô hoá”, bèn bay bổng lên trần nhà, rồi từ cao điểm chiến lược nầy mà ra lịnh cho “thằng bé của ta có ý kiến”? Cứ tha hồ mà “thét roi cầu Vỵ ào ào gió thu”:
No is no! Abosutely no! Thứ đến, các vùng não đó cũng phải được nối liền với các vùng khác, với các giác quan khác mới nhận được tin tức và dữ kiện để mà điều hành chức năng do mình phụ trách một cách tốt đẹp. Ví dụ: nếu hữu thể bị bịt mắt bắt dê thì cho dù “vùng-não-thấy” có tinh vi và nhạy cảm tới mức nào đi nữa, thì hữu thể cũng sẽ cụng đầu vào cột đèn (bất chấp cái cột đèn đã bị ý thức của ai đó hư vô hoá). Sẽ u đầu một cục lớn… là cái chắc! Không tin cứ tự bịt mắt rồi bước ra vỉa hè mà thử đi, ắt biết liền.
Qua các thí dụ trên đây, ta có thể nói rằng nếu không có
“en soi”, và nếu không có cái thế giới bên ngoài, thì cái
“pour soi”, cái ý thức sẽ không có cách gì mà hiện hữu cho được. Nói như Husserl: “Ý thức là ý thức về một cái gì đó.” Nếu suy diễn ngược lại, câu này cũng có thể hiểu là nếu không có một cái gì đó để làm đối tượng thì ý thức không thể nào có (hoặc hoạt động) được.
Chính cái rễ cây, chính cái “chất bột” ù lì đã ban cho ý thức lý do để hiện hữu. Không có đối tượng, sẽ không có ý thức. Chính cái rễ cây, chính cái “chất bột” ù lì có khả năng
hư vô hoá ý thức, trên lý thuyết. Chớ không phải nhân câu nói này của Husserl mà tấn phong cho
ý thức một quyền lực
toàn năng, và truyền cho sự vật (cái rễ cây, cái cột đèn…) phải đứng xếp hàng làm “cơ” đợi đấng
Ý Thức chiếu dọi và ban cho một ý nghĩa mới có được lý do để hiện hữu. Cho dù không có đấng
Ý Thức toàn năng (của Sartre?) ban cho lý do hiện hữu (!) thì sự vật cũng vẫn tỉnh bơ mà hiện hữu như thường. Nếu con người không xuất hiện vào phút chót trên địa cầu thì mọi vật, mọi loài vẫn có đó, và có đó từ khuya. “Làm sao biết được?” Điều này vốn nó
hiển nhiên: Nếu trái đất, nếu núi sông, nếu thảo mộc, nếu muôn loài, nếu giống
homo đã không xuất hiện và không hiện hữu thì liệu có cái thằng
homo sapiens sapiens cà chớn với cái “đỉnh cao trí tuệ” hiu hiu chường mặt ra đó như bây giờ hay không? Và liệu có cái đấng triết gia nhớn ra ngồi ở Café de Flore mà
“cogito” cho toé khói để rồi cuối cùng tuyên bố: “Hữu thể là phi lý!” (kể cả Sartre) hay không? Thử hỏi ai mới thiệt sự là phi lý đây?
Tuyên bố: “Mọi vật chỉ hiện hữu xuyên qua (nhờ ở) ý thức” (
Tout n’existe que par la conscience) chỉ là một cách nói “hoa mỹ” cho nó có vẻ “triết”. Giống như diễn tả “màu mè” một cách hiu hiu rằng: “Mọi vật chỉ hiện hữu nhờ ở ý thức của tôi” (phải hiểu là hiện hữu
đối với tôi, dĩ nhiên). Cái gì không lọt được vào “ý thức” hiu hiu của tôi là kể như
hổng có! (vẫn đối với tôi, dĩ nhiên). Thì chẳng thà nói phứt mẹ nó là: “Vì
tôi dốt nên có rất nhiều thứ tôi không biết”. Chẳng hạn như anh nông dân ở Trèm Trẹm
“không ý thức” có cái Tháp Eiffel ở bên Tây. Hoặc giả như anh dân ngu khu đen ở Roumanie
“không ý thức” có vụ nổ lò nguyên tử Tchernobyl bên Nga. Dù không biết (ý thức) nhưng rốt cuộc cũng vẫn bị ung thư cuống họng mà chết thẳng cẳng. “Tôi không ý thức” hoặc “tôi không biết” là một lẽ. Còn “Nó vẫn có” là một lẽ khác hẳn. Không thể từ “tôi không biết” hoặc “tôi dốt” mà suy ra là “nó không có” được. Bởi lẽ đó, thay vì nói “
tôi không ý thức” thì nói phứt mẹ là
“tôi dốt” đi cho nó đỡ mất thời giờ! Mắc cở gì nữa hả triết gia nhớn?
Cái ý thức có toàn năng?
Chẳng những ý thức nó không toàn năng, nó không phù phép hư vô hoá, mà nó cũng chẳng phải là
“inoxydable”, nghĩa là đấng
“Ý Thức” ngự trên ngôi cao ngất ngưởng, bất biến, không ai rớ tới Ngài được hết. Cái sự thể đấng Ý Thức bị xâm thực và rỉ sét nó nhan nhản trong đời thường: Khi ta quá
“xỉn”, khi ta chích choác ma tuý thì cái ý thức của ta bị biến đổi khủng khiếp, có khi đi đến giết người hoặc tự sát. Cái ý thức của ta cũng bị biến dạng hoàn toàn trong những
hoàn cảnh cùng cực: Khi ta bị khủng bố, bị đánh đập, bị tra tấn, bị tẩy não, bị rửa óc, bị tai nạn, bị tàn tật, bị thương tích sọ não, bị
sốc tâm lý dữ dội.
Nói gần cho dễ hiểu: Ta bị “giựt dây” tâm lý đều đều hằng ngày bởi
quảng cáo trên TV. Mà tâm lý và ý thức lại vốn liên hệ với nhau vô cùng mật thiết. Cũng bởi lẽ đó mà cái
ý thức của ta về giá trị của sự vật, của hàng hoá được quảng cáo đề cao cũng bị “giựt dây” và nhồi sọ theo. Kết quả: ta ùn ùn chạy đi mua những món hàng được quảng cáo bốc thơm! Đó là nguy hiểm của việc áp dụng các khám phá của khoa thần kinh học vào quảng cáo, tiếp thị và thương mại. Ta có thể “nổi loạn” và phản đối. Thì ta cứ “nổi loạn” tự nhiên, và cứ phản đối tự nhiên. Nhưng sự thể là như thế đó. Hơn nữa, cũng không có luật lệ nào cấm đoán việc áp dụng khoa học thần kinh vào các hoạt động quảng cáo “láo” và kiếm tiền “thấp hèn” đó hết. Cho dù cái
ý thức của ta có phép thần thông
“hư vô hoá”, nó cũng không dẹp bỏ được cái hoạt động quảng cáo “nhồi sọ” trên TV, hoặc dẹp bỏ được các bảng quảng cáo “ngộp thở” nhan nhản trong thành phố. Hơn thế nữa, cái ý thức bị xâm nhập, bóp méo và tiêm nhiễm của ta nó cũng tự quảng cáo lấy một mình với ta ngay cả trong giấc ngủ. Và cũng có thể là ngay từ lúc ta còn nằm nôi không chừng. Có mà chạy đằng zời! Cho dù ta có chêm được cái
“air bag hư vô” vào hữu thể cũng không chận được cú sốc của “bàn tay sắt bọc nhung” của các tay cao thủ võ lâm thuộc môn phái
“quảng cáo”. Cái bộ mặt toàn năng của “ý thức hư vô hoá” phen này e cũng phải sặc máu mũi… là cái chắc! Nếu bây giờ Giáo Chủ ta có đây và trổ tuyệt chiêu
“Hư Vô-Càn Khôn Đại Nã Di” danh bất hư truyền của chánh phái
Hiện Sinh ra để mà hoá giải cái đòn hèn của bọn ma giáo “Quảng Cáo” thì sẽ đỡ khổ cho dân lành biết mấy!
Thôi, giờ đây hãy tạm giã từ các môn phái võ lâm và trở về với lãnh vực khoa học. Như đã nói, các khoa thần kinh gần đây đã thực hiện được nhiều tiến bộ đáng kể. Trí tuệ, ý thức, và tâm linh không còn là lãnh vực chuyên biệt của triết lý và các khoa xã hội học nữa. Nhưng một khi đã đi vào lãnh vực khoa học thì đối tượng khảo cứu nhất định phải
cụ thể. Phải có trắc nghiệm cụ thể, đo lường cụ thể, và kết luận cụ thể. Không thể có đòn phép phù thuỷ nhiệm mầu và hư vô hoá phiêu lưu ở đây. Muốn nói gì thì cũng phải có bằng chứng. Bởi lẽ đó, trên nguyên tắc, khoa thần kinh không thể nào trắc nghiệm và đo lường cái
ý thức vô hình cho được. Vì vậy, nó đành phải nghiên cứu
“chỗ trụ” (
support) của ý thức là
não bộ. Đành rằng
ý thức không phải
chỉ là một tổng hợp của các
tế bào thần kinh (neurones), nhưng không có tế bào thần kinh thì không thể có ý thức. Cũng giống như cái TV. Cái TV không phải chỉ là một tổng hợp của các mạch điện. Nhưng không có các mạch điện thì không có TV. Điểm khác biệt: các mạch điện tự nó không có tính chất “phát hình”. Nhưng cái TV thì có.
Khi các bộ phận khác nhau được kết hợp đúng theo một mô thức đặc biệt nào đó thì khi đó, sẽ có một tính chất mới xuất hiện từ kết hợp này: khoa học gọi đó là
“tính đột hiện” (
émergence)
. Não bộ là một mô thức sinh học đặc biệt của các tế bào não. Khi các tế bào não được kết hợp đúng mô thức thì từ não bộ sẽ nảy sinh một tính chất
“đột hiện” hoàn toàn mới lạ:
ý thức. Ý thức của con người thuộc hàng
ý thức thượng đẳng (
conscience supérieure). Nó khác biệt với ý thức của con thú ở chỗ
con người ý thức rằng mình có ý thức. Còn con thú thì không biết mình có ý thức, và không phải loại thú nào cũng có ý thức về bản thân mình. Chỉ một số ít loài có ý thức về mình như khỉ, voi, cá nược, két… Sau nhiều cuộc khảo sát và trắc nghiệm công phu, khoa thần kinh đã đi tới những nhận định chính yếu như sau về ý thức:
Trước hết, ý thức được
kinh nghiệm hình thành dần dà theo thời gian. Kế đến, ý thức không trụ ở một vùng não nhứt định nào hết, chính sự
tác động liên vùng mới là trọng yếu. Thêm một quan niệm và cách nhìn đứng đắn khác nữa về ý thức: Phải suy gẫm và kết luận ý thức như là tiến trình của biện chứng tam giác
“não bộ-thân thể-môi sinh” không thể tách rời. Vì thế, ý thức không phải là một vật thể độc lập mà là một
tiến trình (
processus) chặt chẽ và liên tục. Bởi lẽ đó, ý thức cũng
tiến hoá trong dòng thời gian như là đời sống. Qua các nhận định của khoa học thần kinh, nhứt là ở điểm cuối, ta bắt gặp lại thuyết
“Vạn vật tương tuỳ” của Phật giáo. Và ta cũng sẽ thấy ở phần sau cái tiến trình biện chứng tam giác của khoa học cũng phù hợp với quan niệm về
“ý thức” của Phật giáo (xem mục
“Pháp trần”).
Nhắc lại: Sartre ý niệm ý thức như là một vùng
“pour soi” (tinh thần) tách biệt với vùng
“en soi” (vật chất) trong hữu thể, và ý thức có quyền năng
“hư vô hoá”. Đem ý niệm này đối chiếu với những nhận định như vừa nói của khoa học về ý thức thì khó lòng mà chỉ ra được những điểm tương đồng. Trái lại, còn đối nghịch nhau ở chỗ Sartre
tách rời ý thức ra khỏi phần vật chất, còn khoa học thì
gắn liền ý thức với bộ ba
“não bộ-thân thể-môi sinh”.
(Còn 1 kì)