trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tủ sách talawas
6.9.2008
Aleksandr I. Solzhenitsyn
Tầng đầu địa ngục
Hải Triều dịch
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12 
 
20. Iosif Vissarionovich, xin cho lại chúng tôi án tử hình

Gần như trên cõi đời này không có ai dám mơ đến chuyện gọi gã bằng cái tên Sasha – trừ Đại Lãnh tụ ra, tất cả mọi người đều gọi gã bằng tên Aleksandr Nikolayevich – cũng ít ai dám gọi gã bằng cái tên dài ấy ngay trước mặt gã. “Poskrebychev gọi” có nghĩa là “Ổng gọi”, hoặc “Lãnh tụ gọi”, và “Poskrebychev ra lệnh” có nghĩa là “Ổng ra lệnh”, hoặc “Lãnh tụ ra lệnh”.

Aleksandr Nikolayevich Poskrebychev giữ chức vụ Bí thư Trưởng Đặc biệt của Stalin đã hơn mười lăm năm. Thời gian đó là một thời gian dài, và những người không được biết rõ con người thật của Poskrebychev thường ngạc nhiên vì sau từng ấy năm ở cạnh nhà độc tài, đầu của gã vẫn còn nguyên ở trên hai vai. Nhưng sự bí mật thật là đơn giản. Trong tâm hồn, anh chàng Thú y sĩ ở miền Penza là một tên đầy tớ hầu vặt, và chính bản chất đầy tớ ấy đã bảo đảm an ninh cho Poskrebychev. Ngay cả sau khi gã đã được ban cấp bậc Trung tướng, được là nhân viên của Trung ương Đảng Bộ và giữ chức vụ Chánh ủy Sở Kiểm soát mật Nhân viên Trung ương Đảng Bộ, Poskrebychev vẫn tự coi gã là một cái gì nhỏ hơn cả con số không ở trước mặt Lãnh tụ Tối cao. Linh tính đa nghi của Stalin không bao giờ phát giác được sự nghi ngờ hoặc ý muốn chống đối ở Poskrebychev.

Nhưng khi gã tiếp xúc với hạ cấp, anh đầy tớ trán hói có vẻ khờ khạo ấy có đủ khả năng để tự làm cho gã trở thành quan trọng ghê gớm. Với những kẻ dưới quyền gã, Poskrebychev nói vào điện thoại nhỏ đến nỗi người nghe phải áp chặt ống nghe vào tai để có thể hiểu gã nói gì. Đôi khi người ta cũng có thể nói đùa với gã về những vấn đề lặt vặt nhưng không một ai dám hỏi thẳng gã: “Hôm nay ở đó ra sao?”. Ngay cả đến cố con gái của Lãnh tụ cũng không bao giờ được biết rõ tình hình ở đó ra sao? Mỗi lần cô gọi điện thoại tới hỏi thăm, cô chỉ được cho biết mơ hồ: “Người hoạt động” hoặc “Người tĩnh dưỡng”… tùy theo Poskrebychev có nghe thấy tiếng chân của người hay không.

Đêm nay Poskrebychev nói với Abakumov:

"Iosif Vissarionovich đang làm việc. Người có thể tiếp ông. Người bảo ông chờ."

Gã cầm chiếc cặp da của Abakumov, đưa y vào phòng đợi và bỏ y ngồi một mình ở đó.

Và cũng như mọi lần Abakumov không dám hỏi câu hỏi mà y cần hỏi nhất: "Hôm nay tinh thần Lãnh tụ ra sao?" Y ngồi trong phòng đợi và nghe tiếng trái tim đập mạnh.

Người đàn ông vạm vỡ, to lớn, khoẻ mạnh này vẫn đứng cứng người ra vì sợ mỗi lần y đến gặp Stalin để báo cáo y hệt như những công dân trong thời gian phát động những cuộc bắt bớ tập thể khi nghe tiếng chân người rầm rập lên cầu thang ban đêm. Trước hết hai vành tai y lạnh như đá vì sợ, sau đó biến thành rát như lửa bị đốt. Và trong những giờ kinh khủng ấy, Abakumov kinh hoàng nghĩ đến chuyện Lãnh tụ có thể nghi ngờ cả đến những sự kiện nhỏ nhất. Tỉ dụ như Stalin không thích thấy ai thò tay vào túi trước mặt mình. Vì vậy trước khi tới đây Abakumov đã cẩn thận chuyển hết ba cây bút vẫn dắt trong túi áo ngực bên trong của y ra hết túi áo ngoài, lát nữa đây y sẽ cần dùng đến chúng để ghi những chỉ thị của Lãnh tụ.

Những chỉ thị thường ngày được truyền xuống cho Abakumov từ Beria, nhưng mỗi tháng một lần nhà Cai trị Tối cao muốn đích thân gặp để kiểm soát kẻ mà người trao cho trách nhiệm bảo vệ an ninh cho chế độ do người lãnh đạo.

Những cuộc hội kiến dài hàng giờ đồng hồ này là cái giá đắt mà Abakumov phải trả để đổi lấy những sức mạnh uy quyền mà y mơ ước. Y chỉ sống và chỉ hưởng thụ cuộc đời trong khoảng thời gian ở giữa hai cuộc hội kiến. Mỗi lần đến gặp Stalin xong, khi yên ổn ra về, Abakumov thơ thới hân hoan nhưng càng gần đến ngày phải đi gặp vị chúa tể y càng lo sợ. Tất cả những dây thần kinh đều chùng xuống, hai tay y lạnh giá và mỗi lần đưa cái cặp da mang theo Poskrebychev, y lại hoang mang không biết lát nữa đây y có còn được cầm lại nó hay không. Y cúi đầu như đầu trâu trước cánh cửa văn phòng của vị chúa tể trước khi bước vào đó với cảm nghĩ đen tối là không biết y có còn được ngẩng đầu cao để đi ra khỏi đây hay không.

Stalin làm cho người ta khiếp sợ bởi vì một lỗi lầm nhỏ trước mặt y có thể là lỗi lầm của cả một đời, lỗi lầm đó dù nhỏ cũng có thể làm nổ ra một trận lôi đình với hậu quả ghê gớm không ai có thể lường trước được. Stalin làm người ta khiếp sợ bởi vì y không bao giờ chấp nhận những lời xin lỗi. Y cũng không bao giờ mở miệng kết tội, ánh mắt cọp vàng của y chỉ sáng rực lên và đôi mắt y chỉ khép nhỏ hơn đôi chút – và như vậy là trong óc y, sự kết tội đã thành hình, những trừng phạt đã được quyết định, nhưng người bị kết án vẫn không hay biết gì hết. Nạn nhân ra về để rồi nửa đêm bị nhân viên mật vụ đến bắt đi, bị bắn chết vào lúc mờ sáng ở một nơi nào đó.

Sự im lặng và cái nheo mắt của vị chúa tể biểu lộ tình trạng đáng sợ nhất. Nếu Stalin nổi giận quát mắng, nếu người ta bị y nhổ vào mặt, giẫm lên chân, chửi rủa thô tục, người ta vẫn còn hy vọng được sống, vì cơn giận đó sẽ tiêu tan. Abakumov sẽ mừng rỡ nếu được Stalin chửi rủa, vì chửi y như thế tức là Stalin vẫn còn hy vọng rằng y có thể sửa đổi và vẫn để cho y giữ trách vụ y đang giữ.

Trong những giây phút kinh hoàng trước mặt Stalin, đôi khi Abakumov cũng hiểu rằng y đã trèo quá cao. Nếu y ở dưới hàng thấp hơn, y sẽ ít bị nguy hiểm hơn. Stalin thường tỏ ra dễ tính, vui vẻ với những người ở xa y, những người cả đời chỉ được gặp y một lần, nhưng khi người ta đã được gần Stalin rồi, người ta không còn có thể tự rút lui được nữa.

Người ta chỉ còn có thể chết. Cái chết của chính mình. Hoặc…

Trước mặt Stalin, Abakumov luôn luôn run rẩy vì sợ vị chúa tể sẽ khám phá ra được một tội lỗi gì đó ở y.

Trong vài ngày qua, Abakumov đã ăn không ngon, ngủ không yên vì cuộc hội kiến này. Y lo sợ cái tội mà y đã phạm ở nước Đức trước đây có thể đến tai vị chúa tể.

Y từng làm giàu ở Đức quốc. Ở đoạn cuối cuộc đại chiến thế giới thứ hai, Abakumov giữ chức Tổng Giám đốc cơ quan SMERSH kiêm Sở Phản gián Mặt trận, phạm vi quyền lực của y bao trùm toàn thể quân đội. Khi ấy có một thời gian các binh sĩ Nga hành quân trên đất Đức được tha hồ cướp bóc, vơ vét tiếng của dân Đức. Để đánh một đòn quyết liệt tối hậu xuống nước Đức đang chiến bại, Stalin áp dụng đòn độc của Hitler là cho phép binh sĩ cướp bóc, chấp thuận cho toàn thể binh sĩ được quyền gửi đồ cướp được từ mặt trận về nhà riêng. Quyết định này đặt căn bản trên sự biết rõ tâm trạng người lính chiến của Stalin, nếu y là người lính, y cũng nghĩ như thế: Chiến đấu cho quê hương, tổ quốc, dân tộc là một lý tưởng cao đẹp, rất nên – chiến đấu và hy sinh cho Stalin lại càng cao đẹp hơn nữa – xong khi đòi hỏi người lính phải liều mạng trong lúc chiến tranh sắp kết liễu, người ta cần phải cấp cho người lính một động lực thúc đẩy nào đó mạnh hơn, thực tế hơn, hấp dẫn hơn. Vì vậy y cho phép mỗi người lính hành quân trên lãnh thổ Đức mỗi tháng được gửi từ mặt trận về nhà 20 ký đồ vật không phải kiểm soát, mỗi sĩ quan được gửi về 50 ký, mỗi tướng lãnh được gửi về 100 ký. Quyết định cho phép gửi đồ về nhà đó tỏ ra đúng, vì người lính không phải vất vả mang theo những món đồ họ lấy được trên khắp các mặt trận, hành lý của họ không bao giờ quá nặng và do đó họ vẫn tấn công được, họ còn hăng hái tấn công để chiếm những đất mới, lấy những đồ vật mới. Được phép gửi đồ về nhà như thế, những quân xa vẫn còn được dùng để chở lính chứ không đầy ắp những đồ vật.

Trong số những người tiến sang lãnh thổ Đức có quyền cướp đồ và gửi đồ về nhà, những kẻ trong cơ quan SMERSH có nhiều điều kiện để vơ vét nhất. Bọn này cũng ở trên mặt trận nhưng luôn luôn ở ngoài tầm súng của địch, không sợ bị phi cơ địch tấn công, họ ở những nơi mà cán bộ hành chánh, bọn công an chưa kịp tới. Những sĩ quan SMERSH lại hoạt động bí mật. Không ai dám kiểm soát những quân xa được niêm phong của họ, họ có quyền xung công những tài sản lớn của địch để giữ cho chính phủ và họ tha hồ chiếm công vi tư. Từng đoàn quân xa, từng đoàn tàu, từng đoàn phi cơ chuyển đồ của SMERSH từ mặt trận về. Các sĩ quan ấp úy chỉ cần tinh khôn một chút là có thể gửi về cả ngàn ký, sĩ quan cấp tá có thể gửi về cả chục ngàn ký và Abakumov gửi về cả triệu ký.

Abakumov hiện có nhiều vàng, y gửi số vàng này ở Thụy Sĩ nhưng y cũng biết rõ hơn ai hết là số vàng lớn này vẫn không thể cứu được y thoát chết nếu y mất chức Tổng trưởng Bộ An ninh. Vàng bạc không còn giá trị gì cả khi người ta đã bị mất đầu. Trong cơn say sưa vơ vét tài sản của những ngày chiến tranh gần kết liễu ấy Abakumov không thể điềm nhiên khoanh tay nhìn bọn sĩ quan thuộc cấp thi nhau gửi đồ về nhà cho vợ con chúng, y đặc phái những đội đặc biệt đi tìm đồ vật quý giá. Y ngẩn ngơ xuất thần trước hai va ly đừng đầy dây thắt lưng da. Y cũng bị làn sóng tham lam ấy cuốn đi.

Nhưng cái tài sản vơ vét được đó cũng là một tai họa cho Abakumov. Nó vô du nguyện đối với y và lúc nào y cũng sợ tội trạng của y bại lộ. Thực ra chẳng có ai dám tố cáo Tổng trưởng Bộ An ninh nắm quyền sinh quyền sát trong tay nhưng nếu vị chúa tể biết tội đó thì tình hình khác hẳn. Nếu Abakumov gửi những vật quý ấy về cho Beria hay Stalin thì không sao, nhưng y lại giấu đi làm của riêng. Đó là một tội trạng không thể tha thứ được. Nhiều lúc Abakumov hối hận vì đã quá tham lam nhưng bây giờ muộn quá mất rồi.

Abakumov đến vào lúc 2 giờ 30 sáng tới 3 giờ 30 sáng y vẫn còn đi đi lại lại quanh quẩn ở phòng đợi, hai bàn tay ướt đẫm mồ hôi nắm quyển sổ mới tinh y mang theo để ghi chỉ thị, sự hồi hộp mỗi lúc được tăng mạnh hơn trong y, hai vành tai y bắt đầu bỏng cháy. Đêm nay, đặc biệt là đêm nay, Abakumov ước mong Stalin sẽ hỏi đến giàn máy điện thoại đặc biệt và y chưa nghĩ được lời nói dối nào cho xuôi cả.

Nhưng cánh cửa gỗ dày đã mở, nhưng chỉ mở hé. Poskrebychev từ trong thò đầu ra, giơ tay vẫy y. Abakumov bước vào, cố gắng đi cho thật nhẹ. Không dám mở cánh cửa lớn hơn, y lên tấm thân hộ pháp của y qua khe cửa. Chưa qua hẳn cửa, y đã hỏi vào:

"Kính chào Iosif Vissarionovich, cho phép tôi được vào."

Vì quá hấp tấp y đã quên hắng giọng trước từ bên ngoài. Giọng nói của y khàn khàn nghe thiếu âm thanh trung thành.

Stalin bận bộ áo khuy vàng chói và nhiều huy chương trên ngực, nhưng không có cầu vai đang ngồi viết ở bàn. Viết xong hàng chữ Stalin mới ngẩng lên chiếu đôi mắt cú vọ nhìn người vừa văn phòng.

Người không nói gì cả.

Một dấu hiệu xấu. Người không nói nửa tiếng.

Người lại cúi xuống viết.

Abakumov đóng cánh cửa sau lưng lại nhưng không dám tiến lên khi chưa nhận được một cái gật đầu hoặc một cử chỉ cho phép đến gần. Y đứng đó người hơi cúi về đằng trước, hai tay để xuôi bên mình, nụ cười chào mừng kính cẩn nở trên môi. Hai tai y như bị lửa đốt.

Abakumov từng đến cả hai văn phòng của Lãnh tụ – văn phòng chính thức để làm việc ban ngày và căn phòng nhỏ ban đêm này.

Văn phòng chính thức ở trên lầu rộng lớn hơn nhiều, sáng sủa hơn, có ánh nắng và nhiều cửa sổ như mọi cửa sổ, có những tủ sách trong xếp đầy những quyển sách bìa màu ghi lại những tư tưởng của nhân loại cùng những nền văn minh do loài người tạo được kể từ ngày trái đất có loài người. ở đó trên bức tường cao có bức hình được Lãnh tụ ưa thích nhât, trong hình Lãnh tụ bận bộ quân phục Thống chế mùa đông. Ở đó có nhiều ghế lớn ghế nhỏ, đi văng, bàn vuông, bàn tròn. Đó là nơi Lãnh tụ tiếp những phái đoàn ngoại giao hoặc mở hội nghị. Đó cũng là nơi Lãnh tụ ngồi chụp hình.

Ở đây, trong nhiều văn phòng ban đêm này, đồ vật không có nhiều, không có hình treo trên tường và những ô cửa sổ đều nhỏ xíu. Bốn kệ sách thấp kê sát vào những tấm vách lát gỗ và một bàn viết kê ở cuối phòng. Góc phòng đối diện với bàn viết kê một giàn máy hát và một giá đựng đĩa hát. Ban đêm Stalin thích nghe lại những bài diễn văn của chính y được thâu vào đĩa.

Abakumov kính cẩn cúi mình và chờ đợi.

Stalin vẫn tiếp tục viết. Y viết với sự nhận thức là những dòng chữ này sẽ đi thẳng vào lịch sử. Ánh đèn đặt bàn chỉ chiếu sáng những trang giấy, những bóng đèn giấu trong tường trên cao chỉ soi lờ mờ. Stalin không viết luôn tay, thỉnh thoảng y ngừng viết và đưa mắt nhìn lên trần, hoặc nhìn vào tường, hoặc nhìn Abakumov với vẻ mặt như khó chịu vì sao gã này lại đứng đó. Nhiều lúc Stalin ngừng viết, nghiêng tai như đang nghe như một tiếng gì đó mặc dù trong phòng không có qua một tiếng động nhỏ.

Không ai biết vì sao, lúc nào, từ bao giờ Stalin bắt đầu có thái độ chỉ huy này? Mỗi cử chỉ nhỏ nhặt của y đều mang ý nghĩa, một hiệu lệnh. Ngày xưa chú Koba – ở miền Caucase người ta gọi Stalin bằng cái tên ấy – chắc cũng giơ tay, cũng nhíu mày, cũng nhìn người ta y như bây giờ nhưng ngày xưa những cái đó chẳng làm cho ai kính sợ, không ai nhìn thấy những mệnh lệnh nằm trong những cử chỉ ấy. Chỉ sau khi số người bị bắn chết lên tới một con số nào đó người ta mới bắt đầu nhìn thấy ở những cử chỉ này những ý nghĩa ghê gớm của chúng. Người ta thấy chúng là những mệnh lệnh, những quyết định, những cảnh cáo, những hài lòng hoặc bất mãn. Và nhận thấy mọi người nhận thấy như thế về mình, Stalin tự nhận xét y, và y cũng thấy trong cử chỉ, trong mắt nhìn của y có những ý đe dọa ngầm, y tìm cách kết thúc chúng, do đó mỗi ngày những cử chỉ của y càng ảnh hưởng mạnh hơn đến những người quanh y.

Sau cùng Stalin nghiêm khắc nhìn Abakumov. Y ra lệnh bằng tẩu thuốc gắn trên miệng cho biết Abakumov được ngồi trên chiếc ghế nào.

Abakumov run lên, đi tới và ngồi xuống – nhưng y chỉ ngồi mớm trên mép ghế để có thể đứng dậy được ngay khi cần đến.

"Sao?"

Stalin miệng hỏi, tay xếp lại những tờ giấy trên bàn.

Giây phút chờ đợi đã đến.

Đây là lúc Abakumov biết y phải nắm lấy cơ hội đừng để vuột mất, y phải nói, nói nhiều, nói liên tiếp để cho Lãnh tụ không còn đủ thì giờ đặt câu hỏi. Y hắng giọng và bắt đầu nói, giọng y, đúng với giọng để báo cáo, không lên bổng xuống trầm, nó đều đều, trơn tru, như học trò đọc bài. (Sau đó Abakumov có thể tự sỉ nhục y vì thái độ quỵ lụy, khiếp nhược quá đáng của y trước mặt Stalin, nhất là những lời hứa bừa bãi của y, nhưng y không biết rằng Nhà Độc tài còn càng có vẻ lãnh đạm với y chừng nào, càng không đòi hỏi gì ở y, y càng sốt sắng phơi bày gan ruột, càng hứa hẹn nhiều và càng ngày y càng rơi sâu xa hơn trong vực thẳm khiếp nhược và hèn hạ.)

Trong những cuộc báo cáo ban đêm này cuả Abakumov, Stalin có vẻ chú trọng nhất đến tình trạng những nhóm chống đối được phát giác. Abakumov biết như thế và trọng tâm bản báo cáo của y đặt vào việc phát giác những nhóm chống đối. Đêm nay y báo cáo với nhà độc tài về nhóm sĩ quan chống đối chế độ trong Trường Võ bị Frunze. Y có thể nói nhiều và nói vào chi tiết vụ này.

Nhưng thoạt đầu, y trình bày những thắng lợi, những tiến triển như ý, khách quan – chính y cũng không biết chắc những thắng lợi, tiến bộ này có thật hay chỉ là những chuyện bày đặt do bọn thuộc viên báo cáo lên y – đa số những tiến bộ này nằm trong kế hoạch ám sát Tito. Y nghiêm trọng báo rằng một trái bom nổ chậm sẽ được đặt dưới du thuyền của Tito trước khi du thuyền này rời bến đưa Tito đến hải đảo Brioni.

Stalin ngẩng đầu lên, đưa tẩu thuốc tắt vào miệng, hút vài hơi không có khói. Người không tỏ vẻ gì là chú ý đến âm mưu này nhưng Abakumov cũng đủ thông minh và đủ biết về người để biết rằng y đã nói đúng vào chuyện phải nói.

"Còn Rankovich? Stalin hỏi."

"Thưa, Tito, chúng ta sẽ lo cho bọn Rankovich, cả tên Kardel, tên Moja Pijade… Cả bọn chúng sẽ tan xác. Việc đó sẽ xảy ra vào cuốn mùa xuân năm nay."

(Trái bom nổ chậm được nói là sẽ giết Tito trên nguyên tắc cũng làm tan xác cả thủy thủ đoàn của chiếc du thuyền, nhưng Abakumov không đề cập gì đến chuyện và Người Bạn Thân Nhất của Các Thủy Thủ cũng không hỏi gì đến.)

Nhưng ngay lúc này người đang nghĩ gì trong lúc người ngậm tẩu thuốc tắt trên miệng, nhìn mà như không thấy vào bộ mặt kính cẩn của Abakumov qua đầu mũi khoằm của Người?

Tất nhiên là lúc đó Người không nghĩ đến sự kiện Đảng đã công khai lên tiếng không chấp nhận, không sử dụng những hành động khủng bố cá nhân. Chính người nữa, người cũng từng tuyên bố là không bao giờ người dùng đến thủ đoạn khủng bố. Trong lúc nhìn bộ mặt no đủ, đôi má phị và đỏ hồng của gã đàn ông hãy còn trẻ ngồi trước mặt, người bận nghĩ đến cái chuyện vẫn làm người suy nghĩ mỗi khi người nhìn một tên dưới quyền.

Ý nghĩ thứ nhất của người luôn luôn là câu hỏi: Tên này đáng cho mình tin đến chừng nào?

Và ý nghĩ thứ hai là: Đã đến lúc mình phải thanh toán tên này chưa?

Stalin biết rõ tội trạng của Abakumov trong chiến tranh, biết Abakumov rất giàu và gửi tài sản ở ngoại quốc, nhưng chưa thấy cần trừng phạt y. Stalin không bất mãn vì chuyện Abakumov làm giàu cho cá nhân y, trái lại là khác, nhà độc tài thích dùng những tên tham lam như thế. Bọn tham lam bao giờ cũng dễ sai khiến hơn, dễ trừng phạt hơn nữa. Những kẻ không tham, không cần gì cả luôn luôn là bọn khó trị. Stalin đã chán ngấy những kẻ cam phận chịu nghèo. Lý tưởng của những kẻ chịu nghèo này là một cái gì Stalin không bao giờ hiểu.

Tuy vậy Stalin cũng vẫn không thể tin được Abakumov. Đa nghi là bản tính của Iosif Djugashvili. Không tin ai hết là phương châm xử thế của Stalin.

Người không tin cả bà mẹ đẻ ra người. Người không tin ở vị Chúa Trời mà người từng cúi đầu dưới chân trong suốt mười một năm trời khi người còn trẻ. Sau đó, người không tin những đồng chí cùng đảng với người, nhất là những kẻ giỏi nói, nói hay. Người không tin ở bọn nông dân trừ trường hợp họ bị cưỡng bách lao động và năng suất của họ được kiểm soát chặt chẽ. Người không tin bọn công nhân trừ khi năng suất của họ có tiêu chuẩn và thời hạn nhất định phát đạt được. Người không tin bọn trí thức: Bọn này luôn luôn chống đối và phá hoại. Người không tin bọn tướng lãnh và binh sĩ: Bọn này chỉ chịu chiến đấu vì sợ những tiểu đoàn trừng giới và những giàn súng máy bắn bở ở hậu tuyến. Người không tin những người thân. Cả vợ người, những tình nhân của người, cũng không được người tin. Người không tin con cháu. Và luôn luôn những sự kiện xảy ra cho người thấy rằng người không tin như vậy là đúng.

Trong suốt cuộc đời đa nghi ấy, Stalin chỉ tin có một người, một người mà thôi, một người có thể là bạn tri kỷ cũng có thể là kẻ thù bất đội trời chung. Một mình trong số những kẻ tử thù của Stalin, trước sự nhìn xem đầy hồi hộp, kích động của toàn thế giới, người ấy đã quay mặt lại với Stalin, đã long trọng mời Stalin làm bạn.

Và Stalin đã tin người đó.

Người đó là Adolf Hitler.

Stalin đã ngồi yên nhìn ngắm một cách thích thú khi quân đội của Hitler chiếm Ba Lan, Pháp quốc, Bỉ quốc, khi những đoàn phi cơ của Hitler bay đen kịt trên nền trời Anh quốc, Molotov sợ hãi bay về từ Bá Linh. Những sĩ quan tình báo tới tấp báo cáo Hitler đang tập trung quân đội để mở mặt trận miền Đông. Hees bay sang Anh quốc. Churchill khuyến cáo Stalin về một trận tấn công vào lãnh thổ Nga sắp xảy ra. Mọi người la hoảng chiến tranh sắp đến, Đức sắp tấn công Nga. Bọn đàn bà đi chợ bàn tán về chiến tranh. Riêng một mình Stalin vẫn thảnh thơi vô tư lự.

Stalin tin tưởng ở Hitler.

Lòng tin ấy, chỉ còn thêm chút nữa, là làm cho Stalin mất đầu.

Sau lần tin người duy nhất ấy, Stalin hoàn toàn không tin bất cứ ai, không bao giờ còn tin ai.

Abakumov có thể tỏ ra cay đắng vì tình trạng không được tin cẩn ấy, nhưng y không dám. Theo y, Stalin đã hành động không đứng đắn khi cho gọi Petro Popivod, gã nhà báo khù khờ ấy đến để ra chỉ thị mở chiến dịch báo chí đả kích Tito, Stalin không nên từ chối trao công tác ám sát Tito cho những đặc viên của Abakumov đã khổ công tuyển chọn chỉ vì lý lịch của bọn này không mấy minh bạch. Lẽ ra Stalin phải tin mới phải. Kế hoạch ám sát Tito mà y đang báo cáo đây là do chính Stalin đặt ra. Do đó y không thể biết chắc được kết quả sẽ ra sao nhưng y vẫn cứ phải trả lời về sự thành công hay thất bại của kế hoạch.

Nhưng Abakumov cũng biết rõ tình hình ông chủ của y. Y biết người ta không nên làm việc hết cho mình Stalin, không nên trổ hết tài ba, bản lãnh với Stalin. Stalin không chấp nhận thất bị nhưng cũng không chấp nhận cho người khác thành công. Người khác càng thành công rực rỡ chừng nào càng bị Stalin thù ghét và càng sớm chết chừng ấy. Sự thành công của người khác làm cho Stalin cảm thấy giá trị cùng tài ba của mình kém đi. Không ai khác có quyền thành công trừ Stalin. Với Stalin, chỉ có Stalin mới có thể thành công mà thôi.

Vì vậy, mặc dù luôn luôn tỏ ra cố gắng tận tình, Abakumov thực sự chỉ làm nửa vời – tất cả mọi người khác cũng đều như thế.

Như ông vua Midas trong truyện Ngụ ngôn Thần thoại sờ tay vào vật gì là vật đó biến ra vàng, Stalin làm cho tất cả biến thành tầm thường.

Nhưng đêm nay Abakumov thấy rằng nét mặt Stalin có vẻ tươi lên khi nghe y báo cáo. Trình bày xong những chi tiết về kế hoạch ám sát Tito, Abakumov chuyển ngay sang nhóm chống đối ở Trường Võ bị Frunze, rồi đến nhóm chống đối ở Trường Thần học, y nói liên tiếp, nói tới tấp. Y tránh không nhắc đến hai tiếng điện thoại và tránh nhìn cả vào chiếc máy điện thoại để cho Lãnh tụ khỏi nhớ đến.

Nhưng Stalin đang nhớ…. Ngay lúc đó người đang nhớ đến một chuyện gì đó và chuyện ấy có thể là giàn máy điện thoại đặc biệt. Trán người nhăn lại vì nhiều nếp răn và gân mũi người chun lại. Người chiếu cặp mắt sắc nhìn vào mặt Abakumov (ông Tổng trưởng làm ra vẻ thẳng thắn, lương thiện) nhưng rồi người không nhớ được. Ý nghĩ mơ hồ trôi tuột đi trong óc người. Rồi những nếp nhăn trên trán người mờ đi.

Stalin thở dài, nhồi thuốc vào tẩu và đốt hút.
"À," người đã nói với việc thở ra làn khói đầu tiên. Người đã nhớ, nhưng mà là nhớ một chuyện khác chứ không phải chuyện người muốn nhớ lại hồi nãy. "Gomulka bị bắt chưa?"

Mới đây Gomulka đã bị cách chức và lập tức rơi ngay vào vực thẳm.

"Thưa, đã"

Abakumov nói ra như người vừa trút được gánh nặng, y nhô người trên ghế (việc bắt Gomulka đã được báo với Stalin, chắc là người chỉ hỏi để kiểm soát). Bắt người là công tác dễ nhất trong những công tác mà Bộ An ninh phải làm.

Ấn một nút điện trên bàn Stalin bật sáng đèn phòng. Những bóng đèn điện trong tường sáng lên. Stalin đi xa bàn viết và với tẩu thuốc thả khói sau lưng, bắt đầu đi đi lại lại trong phòng. Abakumov hiểu rằng cuộc báo cáo của y đã đến lúc Lãnh tụ ra chỉ thị. Y mở quyển sổ ghi mới tinh để trên lòng và rút viết máy ra chờ sẵn. Lãnh tụ ưa thấy những chỉ thị của mình được cẩn thận ghi lại.

Nhưng Stalin đi tới chỗ đặt giàn máy hát đĩa rồi đi trở lại, vừa đi vừa hút thuốc, không có câu nào. Người như đã hoàn toàn quên Abakumov. Khuôn mặt có làn da xám, điểm những vết sẹo đậu mùa của Stalin nhăn lại trong một cố gắng nhớ lại thiểu não. Khi người đi ngang mặt Abakumov, y nhìn thấy hai vai người gù xuống làm chón có vẻ thấp hơn, nhỏ bé hơn. Và – mặc dù Abakumov vẫn sợ hãi gạt bỏ những ý nghĩ tương tự ra ngay khỏi óc, vì sợ có thứ máy móc bí mật nào giấu trong tường ghi nhận được chăng – khi nhìn thấy Lãnh tụ gù xuống như thế, Abakumov nghĩ rằng người chưa chắc đã sống được nổi mười năm nữa. Người sắp chết. Abakumov mong mỏi cái chết của người đến thật nhanh. Tất cả những người sống gần Lãnh tụ đều thầm nghĩ rằng sau khi người chết, họ sẽ được sống một đời tự do, dễ dãi và sung sướng.

Stalin cảm thấy khó chịu nhiều vì sự quên lãng này. Người vừa nhờ rằng có một chuyện gì đó cần hỏi Abakumov nhưng không sao nhớ ra đó là chuyện gì. Bộ óc của người dường như đã từ chối không chịu làm việc. Trong cơn bất lực, Stalin không biết phải ra lệnh cho phần óc nào làm việc để có thể nhớ lại.

Bỗng dưng Stalin ngẩng đầu nhìn lên bức tường. Người vừa nhớ lại một chuyện, nhưng chuyện này vẫn không phải là chuyện người cần nhớ. Chuyện nhớ lại đó có liên hệ đến Viện Bảo tồn Cách mạng. Ở Viện này từng xảy ra một vụ làm cho người khó chịu.

Vụ này xảy ra năm 1937, nhân lễ Kỷ niệm Cách mạng lần thứ Hai mươi. Đó là thế gian Đảng đang bận rộn với việc diễn tả lại lịch sử, đem lại cho những sự kiện lịch sử một ý nghĩa mới. Năm ấy Stalin đến Viện Bảo tồn Cách mạng xem người ta có để ở đó vật nào phản cách mạng hay không. Trong một căn phòng rộng – cũng là căn phòng bày giàn máy Tivi người vừa đứng lại coi hai hôm trước đây – Stalin nhìn thấy khi vừa đặt chân vào hai bức họa chân dung lớn treo ở bức tường trước mặt. Đó là chân dung của Zhelyabov và Perovskaya [1] . Hai khuôn mặt này hồn nhiên, hiên ngang, và họ như la lớn với tất cả những ai bước vào phòng:

"Giết tên độc tài!"

Stalin, bị tia nhìn của họ đánh trúng như hai viên đạn, đứng sững lại, khúc khắc ho. Rồi ngón tay của Stalin đưa lên, điểm điểm vào hai tấm chân dung.

Lập tức hai đấm họa đó được mang đi.

Cùng lúc đó di vật thứ nhất của cuộc Cách mạng – những ảnh vụn còn lại của chiếc xe ngựa của Nga Hoàng Alexander Đệ nhị – được mang đi khỏi Cung điện Kshesinskaya.

Từ ngày đó và ngay ngày đó, Stalin ra lệnh xây những hầm bí mật và những nhà riêng để ở khắp nơi. Người mất cái thích sống trong những khu đông dân cư ở thành phố để về sống trong căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô hiu quạnh này với bọn vệ sĩ, hầu cận thân tín nhất.

Càng làm mất cuộc sống của người chừng nào, Stalin càng lo âu, sợ hãi về cuộc sống của chính mình. Người nghĩ ra nhiều biện pháp tinh vi để đề phòng ngay cả bọn lính có nhiệm vụ canh gác bảo vệ an ninh cho người, như việc những binh sĩ đến gác chỉ được biết trước phiên gác của mình một tiếng đồng hồ, binh sĩ gác được tuyển từ khắp các đơn vị và được thay đổi luôn luôn để tránh những cuộc âm mưu. Người tự vẽ lấy những tòa nhà đường đi rắc rối như những mê cung, những tòa nhà có ba hàng rào bao quanh, có những khung cổng thông thẳng với nhau. Và người có nhiều phòng ngủ ngay trong một nhà, ngay cả bọn hầu cận cũng không thể biết trước đêm nay người sẽ vào ngủ ở phòng nào.

Với Stalin, những biện pháp đề phòng ấy không phải là triệu chứng của sự khiếp nhược. Đó chỉ là những việc hợp lý cần làm. Giá trị cá nhân của người vô giá. Nhưng có nhiều kẻ khác vẫn không biết như thế. Để cho đồng đều tất cả Stalin ra lệnh cho tất cả lãnh tụ lớn nhỏ dù ở bất cứ đâu cũng phải đề phòng như thế: Người cấm họ không được vào nhà vệ sinh nếu không có vệ sĩ đi theo, ra lệnh cho họ mỗi khi di chuyển phải có ba chiếc xe hơi giống hệt nhau chạy nối đuôi nhau

Đêm nay, chợt nhớ lại hai bức họa chân dung, Stalin dừng lại ở giữa phòng, quay lại nhìn Abakumov và múa tẩu thuốc trong không khí:

"Đồng chí đã làm những gì để bảo vệ an ninh cho những lãnh tụ Đảng?"

Nghiêng đầu hẳn về một phía, người nheo mắt nhìn vị Tổng trưởng của người với vẻ hiểm độc.

Với quyển sổ ghi mở trên lòng, Abakumov ngồi thẳng lưng, mặt nhìn lên Lãnh tụ – y không đứng lên, cũng không múa tay, vì y biết Stalin thích thấy những thuộc viên ngồi im, y nói ngay vào những vấn đề y không hề chuẩn bị tới đây để nói. Với Stalin, người được hỏi phải trả lời ngay và rõ ràng, đích xác, người coi do dự là một bằng chứng tội trạng mà người nghi ngờ có ở kẻ được người hỏi.

"Iosif Vissarionovich," Abakumov nói bằng cái giọng xúc động của kẻ trung thành mà bị chủ nghi oan, "đó chính là lý do sự hiện diện của chúng tôi, tất cả Bộ chúng tôi, chúng tôi phải ngày đêm lo gìn giữ an ninh để Lãnh tụ có thể yên tâm suy nghĩ đến những biện pháp dẫn đường cho dân tộc."

Stalin nói đến “an ninh của những lãnh tụ Đảng” nhưng Abakumov hiểu rằng Stalin chỉ muốn nói đến cá nhân mình và chỉ muốn nghe câu trả lời liên can đến mình.

"Mỗi ngày tôi đều kiểm soát, bắt giam, tầm nã, thẩm vấn không biết bao nhiêu là vụ…"

Với cái đầu vẫn nghiêng như con gà gãy cổ, Stalin vẫn chăm chú nhìn thẳng xuống mặt Abakumov:

"Vẫn còn những tên âm mưu ám sát, phá hoại sao? Bộ chúng vẫn chưa sợ hay sao? Lãnh tụ hỏi."

Abakumov thở dài như người đang cay đắng nhất đời:
"Tôi rất muốn thưa là chúng đã sợ, đã hết dám. Nhưng sự thật là vẫn còn. Chúng tôi bắt được những võ khí giấu ở trong bếp, ở cả các chợ."

Stalin nhắm một mắt lại, mắt kia mở và sáng lên sự hài lòng.

Lãnh tụ phán:

"Vậy là tốt. Việc đó chứng tỏ là các anh có làm việc."


Abakumov không còn có thể ngồi trước mặt Lãnh tụ vĩ đại của y lâu hơn nữa, y nhổm dậy, nhưng y vẫn không đứng thẳng người, y cúi khom khom để cho đầu y khỏi cao hơn đầu lãnh tụ:

"Nhưng kính thưa Chủ tịch, chúng tôi không bao giờ để cho những âm mưu đó có thể thành hình, chúng tôi bóp nát chúng khi chúng mới nhen nhúm. Chúng chỉ mới có ý định là đã bị chúng tôi bắt rồi. Chúng tôi diệt chúng theo tinh thần Điều luật số 19."

"Tốt, tốt lắm."

Stalin ra hiệu cho Abakumov ngồi xuống, người không thú vị gì khi thấy tên hộ pháp ấy đứng sừng sững trước mặt.

"Như vậy tức là đồng chí nhận thấy có sự bất mãn trong quần chúng?"

Abakumov lại thở dài và trả lời như tiếc hận:

"Dạ. Tôi nhận thấy có một thiểu số nào đó. "

Y rất muốn nói là: Không, hết thảy quần chúng đều hài lòng, mọi người đều sung sướng. Nhưng nếu nói như vậy Bộ An ninh của y còn bày ra để làm gì?

"Đồng chí nhận xét đúng đấy," Stalin gật đầu. "Chỉ vì thế mà các người ở Bộ An ninh còn có việc mà làm. Có nhiều người nói với tôi rằng không còn ai bất mãn nữa, tất cả mọi người đều hài lòng."

Tới đây Lãnh tụ nở một nụ cười mỉa mai:

"Nói như thế là mù tịt về chính trị. Bọn kẻ thù cả chúng ta có thể luôn miệng nói…đồng ý, tán thành, chúng có thể hoan hô ta nhưng đó là chúng giả dối, đó chỉ là chúng ẩn nấp trong những cái vỏ. Trong lòng chúng vẫn chống đối. Chừng năm phần trăm? Đúng không, hay là tám phần trăm?"

Stalin đặc biệt kiêu hãnh vì khả năng nhận thức sâu sắc của mình, khả năng tự chỉ trích và sáng suốt nhất định mọi việc. Người cũng tự cho mình là Lãnh tụ không ưa mình.

Abakumov trở thành can đảm hơn, đôi vành tai y không còn bỏng rát nữa:

"Thưa Chủ tịch, sở dĩ còn tình trạng ấy là do lỗi của chúng tôi. Chúng tôi chưa làm tròn bổn phận."

Stalin không công nhận nhưng cũng không phủ nhận lời nhận tội đó. Người gõ nhẹ tẩu thuốc lên thành đĩa gạt tàn:

"Còn bọn trẻ? Đồng chí thấy sao?"

Những câu hỏi theo nhau đến với Abakumov như những lưỡi dao nhọn. Y phải làm sao hóa giải được những lưỡi dao ấy mà không bắt lấy cũng không được né tránh. Chỉ một câu trả lời bậy là hỏng hết. Nếu y trả lời: “Bọn trẻ có tinh thần tốt. Bọn trẻ hăng hái, bọn trẻ không có gì đáng trách”, đó là y ngu ngốc, y mù tịt về chính trị, nếu y trả lời: “Bọn trẻ bậy bạ, lười biếng, bọn trẻ chống đối”, đó là y không tin tưởng ở tương lai. Abakumov làm một cử chỉ bằng tay và không nói gì cả.

Stalin cũng không chờ đợi y trả lời. Người nói bằng một giọng biết chắc chắn, biết đúng:

"Chúng ta cần phải chú ý hơn nữa đến bọn trẻ. Phải đặc biệt nghiêm khắc với những lỗi lầm của bọn trẻ."

Abakumov chợt nhớ và hí hoáy viết.

Stalin như bị lôi cuốn, bị thôi miên vì những ý nghĩ của chính mình. Đôi mắt sáng lên một thứ ánh sáng như mắt cọp ban đêm. Stalin nhồi thuốc vào tẩu và đi đi lại lại trong phòng:

"Chúng ta phải gia tăng việc kiểm soát tinh thần bọn sinh viên. Không những chỉ cần diệt từng cá nhân mà thôi, phải diệt cả nhóm. Chúng ta phải sử dụng đến tối đa những biện pháp trừng phạt mà luật pháp cho phép ta – hai mươi lăm năm tù chứ không phải là mười năm. Mười năm tù – đó là chúng đi học chứ không phải là đi tù. Bọn thiếu niên có thể được hưởng án mười năm nhưng tên nào có râu là phải tù hai mươi lăm năm. Chúng nó còn trẻ, chúng nó có thể sống sau đó."

Abakumov viết như máy. Bánh xe đầu tiên trong một guồng máy vĩ đại vừa được quay.

"Đã đến lúc phải chấm dứt những tiện nghi trong những nhà giam chính trị phạm. Chúng đi tù chứ không phải chúng đi nghỉ mát. Beria cho tôi biết những gói thực phẩm vẫn còn được phép gửi từ ngoài vào những nhà giam chính trị phạm. Đúng không?"

"Chúng tôi sẽ chấm dứt ngay tình trạng ấy. Chúng tôi sẽ cấm. Tuyệt đối cấm."

Abakumov với một giọng đau đớn trong khi tay y vẫn viết. Lẽ ra y phải biết chấm dứt tình trạng đó trước, y phải cấm từ trước.

"Đó là lỗi của chúng tôi. Xin tha lỗi cho chúng tôi."

"Biết bao nhiêu lần tôi đã giải thích kỹ những gì phải làm cho các người? Đã đến lúc các người phải hiểu. Đừng có bất cứ cái gì cũng chờ tôi ra lệnh."

Người khiển trách nhưng người không giận dữ. Người dịu dàng khuyên răn vì người biết rằng Abakumov sẽ hiểu, sẽ làm được việc. Đã lâu lắm rồi Abakumov mới lại được đấng Từ phụ dạy bảo như thế. Y đã hết hẳn sợ hãi. Bộ óc y hoạt động như bộ óc của một người thường trong một trường hợp rất thường, với những điều kiện thường. Và vấn đề từ lâu đã ám ảnh y, làm cho y khổ sở như cục xương mắc nghẹn trong cổ họng, giờ đây được diễn tả thành lời.

Khuôn mặt sáng lên Abakumov nói:

"Thưa, chúng tôi hiểu. Cuộc đấu tranh giai cấp sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Nhưng thưa chủ tịch, xin chủ tịch xét lại cho, tay chúng tôi bị trói chặt vì việc bãi bỏ án tử hình. Chúng tôi như những kẻ lao đầu vào tường từ hai năm rưỡi nay. Bây giờ chúng tôi không còn được quyền công khai xử tử những tên đáng phải chết nữa. Chúng tôi phải giết chúng. Không có ngân khoản nào để thanh toán tiền công cho những người làm việc ấy. Việc trả tiền trở thành rắc rối. Các trại tập trung, những nhà giam không còn làm cho họ sợ nữa. Chúng tôi cần có án tử hình. Xin cho lại chúng tôi án tử hình!"

Abakumov van xin với tất cả sự chân thành, y đặt hai tay trước ngực và ánh mắt tràn đầy hy vọng, nhìn lên khuôn mặt khô khan của Lãnh tụ.

Dường như là Stalin mỉm cười – mỉm cười nhưng không để lộ, chỉ hàng ria là rung động. Và người nói thản nhiên, thông cảm:

"Tôi biết. Tôi đã suy nghĩ nhiều về chuyện ấy."

Kỳ diệu, tuyệt vời. Người biết tất cả mọi việc, người suy nghĩ đến tất cả mọi vấn đề. Ngay cả trước khi người khác hỏi đến, người đã biết. Người như một vị thánh sống, như bậc đại giác, đại trí tuệ, người biết trước ý nghĩ của kẻ khác.

"Sẽ có ngày tôi trả lại cho các người án tử hình. Cũng không lâu lắm đâu." người nhìn thẳng ra trước mặt với vẻ suy tư, như người đang nhìn vào tương lai. "Việc đó sẽ là một biện pháp giáo dục tốt."

Quả thật người đã suy tư nhiều lắm về vấn đề này. Trong vòng hai năm trở lại đây người đã khổ tâm nhiều với việc thi đua xây dựng xã hội với Tây phương. Người từng tin tưởng rằng con người không đến nỗi quá tồi tệ, quá sa đọa.

Quan niệm sau đây là đặc tính của người: Loại trừ, tẩy chay cho đi đày, bỏ tù chung thân vẫn chưa đủ để đối phó với những kẻ bị người coi là thành phần nguy hiểm. Chỉ có cái chết, chỉ có giết đi mới có thể trừ tiệt được tai họa tận gốc. Và khi mí mắt người rung động, án lệnh áng lên trong mọi người là án tử hình. Bao giờ cũng là án tử hình.

Ở kích thước của người không thể có tội nào nhẹ hơn là tội phải chết. Không có sự trừng phạt nào thấp hơn là phải giết.

Từ khoảng không sáng rỡ mắt người đang nhìn, người chuyển đôi mắt về bộ mặt nở nang của Abakumov và bỗng dưng, mắt người nheo lại, đe dọa:

"Anh không sợ anh là người thứ nhất sẽ bị bắn sao?"

Người không nói lớn tiếng “bắn”. Người để nó rơi nhẹ qua vành môi như đó là một tiếng cố ý bắt người nghe phải đoán.

Nhưng tiếng đó xoáy vào da thịt Abakumov như một luồng gió mạnh. Vị Lãnh tụ anh minh và duy nhất đứng đủ xa tầm tay của Abakumov và chăm chú nhìn vào mặt y xem phản ứng của y với câu hỏi đùa này ra sao.

Không dám đứng lên nhưng cũng không còn dám ngồi, Abakumov nửa đứng nửa ngồi, toàn thân y lom khom trên cặp giò đang run.

"Iosif Vissarionovich, nếu tôi đáng bị…. Nếu cần…"

Stalin nhìn, thông cảm sâu sắc. Ngay lúc này, óc người đang nghĩ trở lại sự thắc mắc hồi nãy: Đã đến lúc mình cần thanh toán tên này chưa? Từ lâu rồi người vẫn sử dụng thâm độc tuyệt vời là: Trước hết khuyến khích kẻ khác làm tới, và sau đó, chờ đúng lúc, kết tội kẻ khác đã đi quá mức, làm quá trớn. Người từng áp dụng thủ đoạn này nhiều lần và lần nào cũng hữu hiệu, cũng thành công. Như vậy nghĩa là đến một lúc nào đó nhất định Abakumov cũng sẽ phải chịu chung số phận với những kẻ bị trừng phạt.

"Đúng lắm," Stalin nở nụ cười đầy thiện cảm như để ca ngợi Abakumov. " Khi nào anh đáng bị, chúng tôi sẽ bắn anh."

Người lại ra hiệu cho Abakumov ngồi xuống, người suy nghĩ một lúc rồi bằng một giọng ấm áp, thân thiện mà Tổng trưởng Bộ An ninh chưa từng bao giờ được nghe thấy người nói:
"Abakumov. Anh sắp có nhiều việc phải làm. Chúng ta sẽ phát động một chiến dịch thanh trừng cũng lớn rộng như năm 1937. Trước một cuộc chiến tranh lớn, một cuộc thanh trừng lớn là cần thiết."

"Nhưng thưa Chủ tịch," đây là lần thứ nhất Abakumov dám thốt ra tiếng “nhưng”, "Chủ tịch nghĩ rằng chúng tôi đã ngừng thanh trừng tụi kẻ thù hay sao?"

"Anh gọi đó là thanh trừng ư? Bậy. Thanh trừng đâu phải là việc bắt bớ lẻ tẻ mỗi ngày vài chục tên. Rồi anh sẽ thấy, chúng ta phải củng cố tổ chức, kiện toàn nội bộ. Anh sẽ có thêm nhân viên, thâm ngân khoản. Đủ thứ. Tôi sẽ không từ chối anh bất cứ cái gì."

Rồi người buông thả Abakumov bằng câu:

"Xong rồi, đi đi…"

Abakumov không biết rõ là y đi bằng hai chân hay y bay ra khỏi văn phòng, qua phòng đợi, đỡ cái cặp da trong tay Poskrebychev và ra khỏi nhà. Không những là y còn được sống yên lành trong một tháng trời nữa mà thôi, cuộc hội kiến đêm nay dường như là đã mở đầu một kỷ nguyên rực rỡ mới trong đời y, dường như y vừa được Lãnh tụ tỏ ý tin cẩn và thương mến hơn ai hết.

Lãnh tụ có nói đến chuyện bắn y – nhưng đó chỉ là Lãnh tụ nói đùa.


21. Tuổi già

Vị Bất tử, tâm trí xúc động vì những tư tưởng lớn, đi đi lại lại trong văn phòng đêm. Một thứ âm nhạc nội tâm dìu dặt vang lên trong hồn người, một ban nhạc vô hình vĩ đại dường như đang tấu nhạc cho riêng người thưởng thức.

Những kẻ bất mãn? Không sao. Ở đâu cũng có những kẻ bất mãn, thời nào cũng có những kẻ bất mãn. Sẽ không bao giờ hết được những kẻ bất mãn.

Kiểm điểm lại quá trình tiến hóa không mấy phức tạp lắm của lịch sử nhân loại, Stalin biết rằng với thời gian, con người sẽ tha thứ tất cả, sẽ quên hết, hơn thế nữa, sẽ nhớ lại những cái xấu như những cái tốt. Con người đều như Lady Anne, nàng sương phụ trong vở kịch Richard III của Shakespeare. Cơn giận của họ ngắn ngủi, chóng tàn, ý chí của họ không kiên cường, trí nhớ của họ yếu kém – và bao giờ con người cũng vui lòng thuận phục hoàn toàn kẻ thắng.

Chính vì vậy Stalin nghĩ rằng y phải sống cho đến chín mười tuổi – bởi vì cuộc chiến đấu chưa chấm dứt, cuộc xây dựng chưa hoàn thành và ở đời này không có người nào thay thế được y.

Sống để phát động và để thắng cuộc chiến tranh cuối cùng. Sống để tiêu diệt bọn địa cầu xã hội Tây phương như loài sâu bọ, để giết hết tất cả những kẻ chưa chịu thua trận trên thế giới. Sau đó, tất nhiên tăng cao năng suất lao động đến mức độ kỷ lục, giải quyết những vấn đề kinh tế. Chỉ có ý, Stalin, biết con đường đưa nhân loại đến hạnh phúc, biết cách nắm cổ nhân loại đi vào hạnh phúc như nắm cổ một con chó mù dí vào đĩa sữa – “Đó, ăn đi.”

Và sau đó?

Trước đây có một người đích thực là người – người đó là Bonaparte. Người này đã không thèm để ý gì đến những lời sủa bậy của bọn Jacobin, đã tự tuyên bố mình là Hoàng đế. Và Bonaparte làm vậy là đúng.

Danh từ “Hoàng đế” không có gì là xấu cả. Danh từ ấy cũng chỉ có nghĩa là “Lãnh tụ, Chỉ huy”.

“Hoàng đế Địa cầu”. Nghe được đấy chứ?

Đối với tư tưởng cộng sản thế giới, việc xưng danh Hoàng đế không có gì là mâu thuẫn.

Stalin vẫn bước đi trong phòng, ban nhạc vẫn tấu nhạc.

Sống đến chín mươi tuổi và từ nay đến đó, rất có thể họ sẽ tìm ra được một thứ thuốc, hoặc những biện pháp nào đó làm cho y trở thành bất tử. Liệu có thể như thế không? Không, chắc không kịp đâu.

Nhưng bỏ nhân loại lại cho ai? Ai sẽ kế tục lo lắng cho nhân loại? Chúng sẽ làm hỏng hết cho mà coi.

Sẽ có nhiều cơ sở vĩ đại nữa được dựng lên vì Stalin. Kỹ thuật khoa học sẽ có thể giúp sức vào việc tuyên truyền chủ nghĩa. Ta sẽ có thể gọi cách đó là cách tuyên truyền bằng đài kỷ niệm. Sẽ đặt một đài kỷ niệm trên đỉnh núi Kazbek, một đài khác ở trên đỉnh núi Elbrus – đầu của mình sẽ vĩnh viễn cao hơn mây trắng. Đến lúc đó mình sẽ có thể chết được. Người vĩ đại nhất những người vĩ đại, vĩ nhân của những vĩ nhân, thiên tài vô song trong lịch sử trái đất.

Bỗng dưng Stalin dừng lại.

Ở trên cao kia thì sao? Trên trái đất này không có ai bằng được Stalin, điều đó đúng rồi, nhưng còn ở trên kia?

Y lại bước đi, nhưng giờ đây những bước đi của y chậm hơn, nặng hơn trước.

Thỉnh thoảng, vấn đề chưa được giải quyết đó lại trở về ám ảnh tâm trí Stalin.

Thật ra, vấn đề đó chẳng có gì mơ hồ. Tất cả những gì cần chứng minh đều đã được chứng minh đầy đủ từ lâu, những gì dựng chặn ở giữa đường đều đã bị dẹp đi, bị chứng minh là sai bậy. Đã chứng minh rằng vật chất không hề bị tiêu diệt và cũng không hề được sinh ra. Đã chứng minh rằng vũ trụ này vô biên. Đã chứng minh rằng đời sống bắt đầu một cách dễ dàng ở trong khoảng không ấm áp. Đã chứng minh rằng người ta không thể chứng minh được sự hiện hữu của Chúa Trời, sự đã sống thật của Jesus Christ. Đã chứng minh rằng tất cả những phép lạ, những tiên tri, những sự kiện tinh thần không có vật chất đều là những chuyện bà già lẩm cẩm.

Nhưng sự cấu tạo của linh hồn, những gì ta yêu ghét, những gì ta quen đều được thực hiện trong tuổi trẻ, không phải sau tuổi trẻ. Trong thời gian gần đây những ký ức về tuổi thơ xưa đã trở thành mạnh mẽ trong tâm trí Stalin.

Cho đến số tuổi mười chín y đã sống trong tinh thần Cựu ước và Tân ước, sống với Cựu ước và Tân ước, sống với cuộc sống của những vị Thánh Gia Tô và lịch sử đạo Gia Tô. Y giúp lễ trong nhà thờ, hát trong ban đồng ca, và y thích hát bài ca của Stroikin nhan đề: “Giờ đây các người đã được tha thứ”. Ngay cả bây giờ y vẫn có thể hát bài đó không sai một âm giai. Cũng không biết bao nhiêu lần trong khoảng mười một năm học ở trường nhà Dòng và trong Tu viện, y từng đến gần những pho tượng và nhìn vào những đôi mắt huyền bí ấy. Y ra lệnh cho bức hình chụp y những năm đó phải in vào tập Tiểu sử ấn hành nhân lễ Kỷ niệm Sinh nhật năm nay của y. Djugashvili, tốt nghiệp Chủng học viện. Trong bức hình ấy y là một gã thiếu niên mới lớn, khuôn mặt mệt mỏi vì những giờ cầu nguyện dài, bận chiếc áo dòng xám kín cổ, mái tóc dài rẽ đường ngôi nghiêm khắc ở giữa, vẻ mặt khắc khổ dọn mình cho cuộc sống tu hành khổ hạnh, những sợi tóc y dính dầu đèn phủ xuống tận hai tai, chỉ có đôi mắt và đôi lông mày hơi nhíu lại cho người ta thoáng thấy gã tu sinh ngoan ngoãn ấy sẽ có ngày trở thành một nhân vật quốc tế.

Linh mục Abakumov, vị Thanh tra của Tòa Tổng Giám mục, người đã trục xuất Djugashvili ra khỏi tu viện, được chính Stalin ra lệnh để yên không được chạm đến. Để cho ông già ấy sống nốt những ngày còn lại trong đời ổng.

Và trong ngày mùng ba tháng bảy năm 194 ấy, trước những ống micro cổ họng y nghẹn lại vì sợ và tự thương hại mình (ở đời này không có kẻ nào hoàn toàn không thương hại mình). Không phải là tự nhiên mà những “đám con chiên” thốt ra trên môi Stalin, Lênin hay bất cứ một lãnh tụ nào khác, không thể nghĩ đến chuyện nói ra những tiếng ấy.

Môi y đã nói ra những lời y từng học nói khi y còn trẻ.

Đúng, và trong những ngày tháng bảy năm ấy có thể y đã thầm cầu nguyện, cũng như nhiều kẻ vô đạo vẫn làm dấu thánh giá mỗi khi có những trái bom rơi xuống.

Trong những năm gần đây y hài lòng nhiều khi thấy những bài kinh cầu trong các giáo đường kể y là lãnh tụ được Chúa chọn. [2] Chính vì thế mà y đã tích cực giúp đỡ bằng tiền của Krelin Trung tâm Gia Tô giáo Chính Thống Nga La Tư ở Zagorsk. Stalin không tiếp bất cứ một vị nguyên thủ của một cường quốc nào trên thế giới trịnh trọng và thân thiết như khi y tiếp vị Giáo chủ già lão, lẩm cẩm của chính y. Y đi ra tận cửa ngoài để đón ông này, y cầm tay ông đưa đến tận bàn. Y từng nghĩ đến việc mua tặng ông già này một trang trại nào đó, như những kẻ muốn cho linh hồn mình được bảo đảm vẫn từng tặng những giáo sĩ ngày xưa.

Stalin từng nhận thấy y có khuynh hướng ngả về không những chỉ là Giáo Hội Chính Thống mà thôi, y ngả về tất cả những sự kiện, những ngôn ngữ thuộc về thế giới cũ, cuộc sống cũ – thế giới sản xuất ra y, cái thế giới mà vì bổn phận, y từng tiêu diệt bằng đủ mọi cách trong bốn mươi năm qua.

Trong những năm 30, vì nhu cầu chính trị, y đã làm sống lại danh từ “quê hương” bị lãng quên và không được dùng đến trong vòng mười lăm năm qua, đã trở thành một danh từ gần như xấu xa. Rồi với thời gian, chính y cũng cảm thấy thích thú khi nói đến những danh từ như “Nga La Tư” và “quê hương”. Y trở thành yêu mến những người dân Nga – những người không bao giờ phản bội y, những người chịu đói khổ trong nhiều năm và còn chịu đói khổ trong nhiều năm nữa nếu cần, những người thản nhiên đi ra mặt trận, đi đến trại tập trung, đến mọi tình trạng khổ cực và không bao giờ chống đối, phản kháng. Sau cuộc chiến thắng, Stalin nói một cách thành thật rằng dân Nga có một tinh thần trong sáng, một ý chí cứng cỏi và sự nhẫn nại.

Với năm tháng, Stalin càng ngày càng ước muốn ngay cả y cũng được công nhận là một người dân Nga.

Y cảm thấy cả sự thích thú trong việc dùng danh từ gợi lại thế giới cũ: Y không dùng danh từ “Trưởng Trường” mà dùng “Hiệu trưởng”, không dùng “Ban Chỉ huy” mà dùng “Ban Sĩ quan”, không dùng cái tên Ủy ban Hành pháp Trung ương Toàn Nga mà là Hội đồng Xô Viết Tối cao Sĩ quan (Tối Cao là một danh từ nghe hay đấy chứ). Sĩ quan phải có “cận tá”, tức quân hầu. Nữ học sinh trung học phải học riêng lớp, bận đồng phục với áo có yếm, trả học phí. Dân Xô Viết phải có ngày nghỉ cũng giống như dân Gia Tô giáo, và ngày nghỉ đó cũng là chủ nhật chứ không phải là một ngày nào khác. Chỉ những hôn nhân hợp pháp mới được công nhận, tình trạng này không khác gì tình trạng hôn nhân dưới thời Nga Hoàng, mặc dù chính cá nhân Stalin từng khổ sở, khốn nạn vì cái luật ấy trước kia. Y quyết định như thế và y không cần biết Engels đã nghĩ gì về vấn đề ấy.

Chính là ở trong văn phòng làm việc ban đêm này y đã đứng trước gương bận thử bộ áo có cầu vai cổ điển của dân Nga – và cảm thấy hài lòng thật sự.

Sau cuộc phân tích cuối cùng, y thấy chẳng có gì đáng để xấu hổ nếu y mang chiếc vương miện lên đầu. Vương miện là cái gì? Nó chỉ là vật biểu hiệu của một quyền uy tối thượng, vật làm một người khác thường khác hẳn với người thường. Dù ai nói gì thì nói, chế độ quân chủ cũng là một chế độ lâu bền nhất, vững vàng nhất trong lịch sử nhân loại. Tại sao ta lại không dùng những cái hay, cái tốt của nó?

Mặc dù cuộc đầu hàng của hải cảng Arthur chỉ làm cho y hài lòng trong thời gian y đang lưu vong sau khi trốn khỏi tỉnh Irkutsk, y vẫn không lầm khi Nhật Bản đầu hàng năm 1945 rằng vụ hải cảng Arthur là một vết đau đớn trên tự ái riêng của y và của toàn thể dân Nga thế hệ cũ.

Đúng, đúng, dân Nga thế hệ cũ. Đôi khi Stalin nghĩ rằng có lẽ không phải là do sự ngẫu nhiên hay may mắn mà y trở thành người lãnh đạo xứ sở này, người được toàn thể dân chúng yêu thương, tin cậy – y được chọn chứ không phải là bọn người nói giỏi, ưa phản đối nhưng mất gốc, bọn người không có ý kiến rõ rệt nào cùng nổi tiếng một thời với y.

Bọn người đó ở đây, ngay trong phòng này – chúng sắp hàng trên những kệ sách kia. Tư tưởng của chúng bị dồn nén ở đây giữa những trang giấy trong khi chúng đã bị bóp cổ cho đến chết, thắt cổ, bắn, vùi trong những đống mạt cưa, những đống phân bón ở những trại tập trung, bị đốt, bị đánh thuốc độc, bị chết vì những ai nạn xe hơi hoặc chết vì chính tay chúng. Chúng đã bị tiêu trừ, bị tận diệt – nhưng mỗi đêm chúng vẫn trình bày với Stalin những ý tưởng của chúng trên những trang sách. Từ những kệ sách, chúng lắc đầu, đong đưa những bộ râu, chúng vặn hai bàn tay vào nhau tức tối, chúng la lối: “Tôi đã cảnh cáo trước về tình trạng ấy. Tôi đã nói làm như thế không được, đồng chí phải làm cách khác!”. Chính vì thế mà Stalin đã thu thập chúng về đây, để y thêm thù hận khi y quyết định ban đêm.

Ban nhạc vô hình tấu nhạc theo bước chân y đã ngừng tiếng.

Hai chân Stalin bắt đầu tê nhức, y cảm thấy y như sắp hết còn đi lại được. Hai chân y, từ cạnh sườn trở xuống, nhiều lần đã không còn đáp ứng được ý muốn của y.

Vị chủ nhân của nửa trái đất, trong bộ quân phục hàm Thống chế, từ từ lướt ngón tay trên gáy những cuốn sách trong kệ sách, y duyệt lại những kẻ thù của y.

Và khi từ kệ sách cuối cùng quay lại, y trông thấy cái máy điện thoại trên bàn.

Ý nghĩ vẫn lẩn trốn trong tâm tí y suốt đêm này một lần nữa, quẫy mình như một con rắn thoáng hiện rồi lại biến mất.

Hồi nãy y đã nhớ đến chuyện này. Y nhớ rằng y cần hỏi Abakumov về một chuyện gì đó nhưng không sao nhớ đó là chuyện gì. Hồi nãy y đã hỏi Abakumov về chuyện Gomulka. Nhưng đó không đúng là chuyện y muốn hỏi.

Nhớ rồi. Y bước vội tới bàn, cầm cây bút và viết xuống cuốn sổ ghi: “Điện thoại bí mật”.

Họ đã báo cáo với y là họ đã tập trung được những chuyên viên tài giỏi nhất, họ đã có dủ dụng cụ cần thiết, và tất cả mọi người đều sốt sắng, hăng hái thực hiện bộ máy điện thoại đặc biệt cho Lãnh tụ dùng. Một hạn kỳ được ấn định – vậy mà tại sao đến bây giờ vẫn chưa thấy hoàn thành? Abakumov, thằng chó đẻ, ngồi đây cả tiếng đồng hồ nhưng không hề nói nửa tiếng đến công tác đó.

Tác phong chung của chúng ta là như thế, trong mọi ngành, mọi cơ sở, tên nào cũng chỉ lo chăm chăm đánh lừa Lãnh tụ. Làm sao có thể tin được bọn chúng? Làm sao mà không làm việc ban đêm cho được?

Choáng váng và sây sẩm mặt mày, Stalin ngồi vội xuống ghế. Y không ngồi xuống chiếc ghế y vẫn ngồi sau bàn mà là ngồi xuống chiếc ghế nhỏ đặt ngay cạnh bàn.

Nửa đầu bên trái của y như bị siết chặt ở chỗ thái dương, như có một sức mạnh kéo đầu y nghiêng về phía đó. Luồng tư tưởng của y tan vỡ. Với mắt nhìn thất thần, y nhìn một vòng quanh phòng, nhưng không thấy cả bốn bức tường.

Già đi như một con chó già. Một tuổi già không có bạn. Một tuổi già không có tình yêu thương. Một tuổi già không có lòng tin. Một tuổi già không có ước muốn.

Y không còn cả cần đến cô con gái yêu của y, cô con y chỉ còn được phép gặp y vào những ngày nghĩ lễ.

Cái cảm giác trí nhớ phai nhạt, tinh thần yếu ớt, cô đơn gậm nhấm thân thể y như bệnh tê liệt, làm cho y kinh hoàng.

Cái chết đã làm tổ trong y nhưng y vẫn từ chối không chịu tin như thế.


22. Hố thẳm kêu gọi

Khi Đại tá Kỹ sư Yakonov ra khỏi Bộ An ninh bằng khung cửa sau mở ra đường Dzhernhinsky và đi vòng tòa nhà dưới những thân cột đá ở công viên Furkasovsky, y không còn nhận ra chiếc xe Podeba của y đậu ngay trước mặt, y toan mở cửa xe của người khác để ngồi vào đó.

Đêm vừa qua và vào giờ này, sắp hết, là một đêm sương mù dày đặc. Tuyết rơi từ lúc chặp tối lập tức chảy tan ra nước ngay và ngừng rơi ngay. Giờ đây, trước khi trời bình minh, sương mù che kín mặt đất và dòng nước chảy trong rãnh cống được phủ trên mặt bằng một làn băng mỏng.

Trời trở lạnh.

Mặc dù đã gần 5 giờ sáng, nền trời tối đen như mực.

Một sinh viên năm thứ nhất, đứng với cô bạn gái của chàng suốt đêm trong một vòm cổng, nhìn Yakanov bằng đôi mắt ước muốn, thèm thuồng khi y chui vào lòng chiếc xe ấm. Chàng sinh viên thở dài nghĩ đến chuyện không biết chàng có thể sống đủ lâu để có một chiếc xe hơi hay không. Không những chưa bao giờ chàng có điều kiện đưa cô bạn của chàng đi chơi bằng xe hơi, chiếc xe duy nhất mà chàng từng được ngồi trong đời chàng chỉ là chiếc xe vận tải đưa chàng tới làm công tác lao động ở một nông xã.

Nhưng chàng không biết rõ về người đàn ông mà chàng đang ao ước, thèm muốn được giống.

Gã tài xế của Yakanov hỏi:

"Đại tá về nhà?"

Yakanov trố mắt nhìn gã. Y cầm chiếc đồng hồ ở tay nhưng y không nhìn thấy kim đồng hồ chỉ mấy giờ.

"Gì? Không…"

"Đại tá về Mavrino?"

Gã tài xế ngạc nhiên hỏi câu thứ hai. Tuy gã có bận áo da cừu với mũ da che kín đầu mặt, cuộc thức chờ gần hết đêm cũng làm cho gã run rẩy và gã mong được về giường nằm.

"Không…"

Ông Đại tá Kỹ sư lại đáp, bàn tay đặt lên ngực như để chặn trái tim.

Gã tài xế quay lại nhìn vào mặt chủ gã dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn đường chiếu qua khung kiếng đầy sương trắng vào trong lòng xe.

Gã thấy người đàn ông ngồi đó như không phải là ông chủ gã. Vành môi của Yakanov lúc nào cũng mím chặt với vẻ kiêu ngạo, lúc này đang run rẩy.

Yakanov vẫn cầm chiếc đồng hồ trên tay. Y như người không còn hiểu gì cả.

Và mặc dù gã tài xế đã phải vất vả chờ suốt đêm và bực bội rủa thầm Yakanov trong khi gã nhớ lại những hành động tàn nhẫn, quái ác của Yakanov trong vòng hai năm trôi qua, gã vẫn mở máy cho xe chở đi không chủ đích trong thành phố. Dần dần việc lái xe làm cho thần kinh gã dịu đi, cơn hờn giận trong gã cũng biến đi.

Đêm đã quá khuya để có thể gọi là trời đã sáng. Thỉnh thoảng chiếc xe chở Yakanov chạy lang thang gặp một chiếc xe cô đơn khác trong những đường phố vắng của thủ đô. Thành phố không có cảnh sát, không có người đi bộ, không có trộm cướp. Chỉ lát nữa thôi những chiếc xe chuyên chở công cộng sẽ bắt đầu chạy.

Vừa lái xe, gã tài xế vừa nhìn lại ông chủ, gã phải tự quyết định cho xe chạy đi đâu, một việc mà ít khi nào gã phải làm. Gã đã cho xe chạy qua Myasnitsky, chạy suốt hai đại lộ Sretensky và Rozhdesvensky tới công trường Trubny rồi từ đó quẹo về Neglinnaya. Nhưng gã không thể cứ lái xe chạy như vầy mãi cho đến sáng.

Yakanov nhìn ngây ra trước mặt, đôi mắt của y là đôi mắt thất thần, bất động và hoàn toàn vô cảm thụ. Y có mở mắt nhìn nhưng không thấy gì hết.

Yakanov cư ngụ ở đường Bolshaya Serpukhovaka. Gã tài xế, nghĩ rằng khung cảnh quen thuộc của khu này có thể gợi cho chủ nhân của gã tỉnh lại và quyết định đi về nhà nên gã cho xe chạy qua cầu để quay về khu đó. Xe chạy xuống con đường Okhotny Ryad đổ dốc, quẹo ở Manège và đi ngang Công trường Đỏ lạnh lẽo, vắng tanh.

Những nền đá của những bức tường quanh điện Kremlin và đỉnh những ngọn tháp nhô lên trên đầu tường bám đầy băng giá. Mặt đường xám và trơn trợt. Sương mù như biến mất ở đầu xe.

Xe chạy cách xa bức tường chừng ba trăm thước, trong những bức tường đó, như hai người trong xe có thể tưởng tượng – bậc Vĩ nhân vĩ đại nhất của trái đất đang ngủ những giờ phút cuối cùng của một đêm dài và lạnh. Nhưng họ đi qua đấy và không ai nghĩ đến Vĩ nhân.

Khi xe chạy ngang Giáo đường Basil và hướng về phía bờ sông Mạc Tư Khoa, gã tài xế cho xe giảm tốc độ và hỏi lớn:

"Đồng chí Đại tá… Đồng chí về nhà chưa?"

Đáng lẽ ra Yakanov nên về nhà. Trong thời gian gần đây y sống ở nhà quá ít, nhưng như một con chó già thường tìm đến những nơi vắng vẻ để chết một mình, Yakanov có thể đến khắp mọi nơi trừ nhà y.

Chiếc Pobeda ngừng lại. Nắm lấy vạt áo da dày trong khi chui ra khỏi xe, Yakanov nói với gã tài xế:

"Chú đem xe về nhà ngủ đi. Tôi đi bộ về."

Y thường gọi gã tài xế bằng tiếng “chú” thân mật, nhưng lúc này giọng nói của y rầu rĩ, não nề quá làm cho câu nói rất thường của y thảm đạm như một lời vĩnh biệt.

Một bức màn sương bao phủ mặt sông Mạc Tư Khoa kín lên tận tới bờ.

Không gài nút áo, với cái mũ lông thú của sĩ quan cấp Tá đội hơi lệch sang một bên, Yakanov, đôi lúc loạng choạng vì mặt đường trơn, đi dọc theo bờ sông.

"Gã tài xế muốn cất tiếng gọi chú, gã nghĩ đến chuyện lái xe đi theo ông chủ nhưng sau đó gã lại nghĩ: “Với cấp bậc ấy chẳng đời nào ổng lại nhảy xuống sông tự tử.” Gã bèn quẹo xe trở lại và yên chí về thẳng nhà gã.

Yakanov lần bước đi trên mặt con đê dài, con đê này không có những đường phố cắt ngang, bên trái y là một hàng rào gỗ dài như vô tận, bên phải y là dòng sông. Y đi giữa con đê, mắt nhìn ngây về những ánh đèn đường trước mặt.

Khi đã đi được một quãng khá xa, Yakanov cảm thấy cuộc đi bộ theo kiểu đi đưa đám ma này gợi lên trong y một sự thoải mái mà từ lâu lắm rồi y không được hưởng.

Hồi đêm, khi bộ ba bị gọi trở lại trước mặt Tổng trưởng Abakumov, tình hình đã đi đến độ không còn cứu vãn gì được. Yakanov có cảm giác như vũ trụ đổ ụp xuống đầu y. Abakumov nổi cơn điên như một con thú rừng hóa dại. Hắn giẫm lên chân ba người bị hắn gọi trở lại để sỉ nhục, đe dọa, hắn đuổi họ chạy vòng vòng trong căn phòng, hắn chửi rủa họ, hắn khạc nhổ và thiếu chút nữa thì đờm rãi trong miệng hắn bay trúng vào mặt họ. Rồi với mục đích gây đau đớn rõ rệt, hắn đấm vào mũi Yakanov. Kết quả là Yakanov bị chảy máu mũi.

Abakumov đã gầm gào lên rằng Sevastyanov sẽ bị lột lon, giáng xuống cấp Trung úy và đày đi phục vụ trong những cánh rừng ở Bắc bán cầu, Oskolupov sẽ chỉ còn là lính gác cửa như trước kia và sẽ bị phái đến phục vụ ở nhà tù Butyrskaya, nơi y đã bắt đầu sự nghiệp vào năm 1925. Riêng với Yakanov, vì tội gian dối và tội “phá hoại tái phạm”, sẽ bị bắt và bị gởi đến nhà thù Mavrino như một tên tù thường để làm việc trong phòng sống bẩy dưới quyền điều khiển của Kỹ sư Bobynin, ở đó Yakanov sẽ phải làm việc bằng chính hai tay y chứ không còn sai khiến được người khác.

Sau cùng, Abakumov đã nín thở và cho họ một dịp may cuối cùng, một kỳ hạn tối hậu: Ngày 22 tháng giêng, ngày kỷ niệm Lênin từ trần.

Cảnh vật trong văn phòng rộng trang hoàng chướng mắt, quay cuồng trước mắt Yakanov. Y cố gắng dùng khăn tay thấm máu mũi. Y đứng đó yếu đuối và hoàn toàn không có một phương tiện nhỏ nào tự vệ trước Abakumov và trong lúc đó y nghĩ đến ba người, một người đàn bà và hai đứa trẻ, những người mà trong những tháng gần đây y chỉ được sống gần nhiều nhất là một tiếng đồng hồ một ngày, những người mà y đã khổ sở tranh đấu bảo vệ, để giữ cho được an toàn, sung sướng, những người đó là hai đứa con nhỏ của y, đứa lớn lên chín, đứa thứ nhì lên tám, và Varyusha, vợ y, Yakanov thương yêu vợ vì y kết hôn với nàng quá muộn. Năm nay y ba mươi sáu tuổi, y mới cưới nàng. Y cưới vợ sau khi y ở tù ra. Và giờ đây nắm đấm tàn nhẫn của Ông Tổng trưởng của y lại đe dọa đẩy y trở lại nhà tù.

Từ văn phòng Tổng trưởng ra, Sevastyanov bắt Oskolupov và Yakanov vào văn phòng của lão và ở đây, lão đe dọa sẽ tống hai người vào tù, lão nhất định không chấp nhận tình trạng lão bị giáng xuống cấp Trung úy và bị đi phục vụ ở Bắc cực.

Từ văn phòng Sevastyanov, Oskolupov bắt Yakanov vào văn phòng Va. Ở đây với những lời lẽ thẳng thắn đến thô tục, Oskolupov cho Yakanov biết rằng Va sẽ làm một báo cáo buộc y vào tội phá hoại, bằng chứng là kỳ đi tù trước đây của y.

Yakanov đi tới cây cầu xi-măng cao bắc ngang sông Mạc Tư Khoa. Y không đi vòng để đi lên cầu, y đi dưới chân cầu, ngang chỗ có một viên cảnh sát đang đi tuần.

Viên cảnh sát nghi ngờ nhìn gã đàn ông say rượu đang đi loạng choạng đầu đội cái mũ lông thú đặc biệt của những sĩ quan cấp tá.

Đây là khúc dòng sông Yauza đổ vào sông Mạc Tư Khoa. Yakanov đi qua dưới chân cầu nhưng y vẫn không biết là y đang ở đâu, y sẽ đi đâu.

Một cuộc tranh đấu sống chết đang diễn ra và sắp đến hồi kết thúc, Yakanov nghĩ đến cuộc tranh đấu gay cấn ấy và y cảm thấy cái vội vã, cuống quýt chạy chết của một kẻ bị trói chặt cả tay lẫn chân. Hơn lúc nào hết y ghi nhận sự vô lý, độc đoán, tàn ác của những hạn kỳ thời gian. Đó là một tình trạng thúc đẩy, dồn ép ghê gớm, ác liệt, làm nhanh hơn, nhanh hơn nữa, hết hạn rồi, tranh thủ thời gian, làm xong trước giờ ấn định. Và khi mọi việc được làm theo cách này, những tòa nhà được xây lên sẽ không đứng vững, những cây cầu sẽ sụp, những công thự sẽ đổ, những vụ mùa thật thu và những mầm giống được gieo sẽ nhất định không chịu nhô lên khỏi mặt đất. Nhưng cho đến khi nào sự thật nổ ra trước mắt mọi người, những kẻ nào chẳng may bị cuốn hút vào cơn giông bão tranh thủ thời gian ấy không có lối nào thoát ra được trừ lối đau ốm, lối tự đút tay vào guồng máy để bị thương, gặp một tai nạn – và để được nằm chờ trong một bệnh viện hay một nhà dưỡng đường.

Từ trước cho đến bây giờ luôn luôn Yakanov nhảy ra được những tình trạng cấp bách một cách an toàn để lẻn vào ở trong những tình trạng khác yên bình hơn, chắc chắn hơn hoặc còn lâu mới đến hồi kết thúc.

Nhưng lần này, lần này, y cảm thấy y không sao thoát ra được. Y không thể nào thực hiện xong dự án chế tạo máy điện thoại bí mật trong thời hạn ngắn ngủi ấy. Y không thể làm được gì hết.

Và y cũng không thể thoát ra được bằng cách cáo ốm.

Y đứng vịn tay vào thành cầu và nhìn xuống. Sương mù nằm trên mặt nước sông lạnh đóng thành đá nhưng không che kín mặt sông. Ngay dưới chỗ y đứng, nơi đá tan, Yakanov nhìn thấy một hố đen nước chảy.

Hố đen như miệng giếng – cái hố đen của dĩ vãng – nhà tù – một lần nữa lại mở ra trước chân y, một lần nữa kêu gọi y trở xuống.

Yakanov coi khoảng thời gian sáu năm y sống ở đó, trong hố đen đó, là khoảng thời gian đến đủi nhất, xui xẻo nhất, là thất bại nặng nhất đời y.

Y bị vào tù năm 1932 khi y là một kỹ sư vô tuyến điện trẻ tuổi, tuy trẻ nhưng y đã được xuất ngoại vì công tác hai lần (chính vì những cuộc xuất ngoại này mà y bị bắt). Y là người tù thứ nhất trong những tù nhân đầu tiên sống là làm việc trong những nhà tù theo quan niệm của Dante.

Y muốn quên đi cái dĩ vãng tù đày đó biết là chừng nào! Y muốn quên và muốn những kẻ khác cũng quên. Muốn cho định mệnh quên. Y từng cố gắng bằng đủ mọi cách xa lánh những kẻ nào gợi cho y nhớ lại dĩ vãng đen tối ấy, xa lánh những kẻ nào từng biết y bị tù.

Đột ngột Yakanov lùi phắt lại. Y lùi xa thành cầu và đi qua đường đê leo một con dốc lên ngọn đồi. Một con đường mòn lách qua hàng rào gỗ của một dự án xây cất nào đó ở chân đồi, con đường mòn đầy đá băng nhưng không đến nỗi quá trơn.

Chỉ có cơ quan Mật vụ MGB Trung ương là biết rõ, nhờ những phiếu lý lịch hồ sơ trong phòng lưu trữ, những tên tù cũ nay được bận đồ đồng phục của nhân viên MGB.

Có hai tên cựu tù nhân, ngoài Yakanov, có mặt ở Viện Mavrino.

Yakanov vẫn cẩn thận tránh gặp, tránh gần hai tên ấy. Y cố giữ để khỏi phải trò chuyện với càng ngoài khi bắt buộc phải nói về công việc chung, nhưng không bao giờ y chịu ở lại một mình trong văn phòng với hai tên ấy, để cho người khác khỏi thấy và khỏi suy luận.

Một trong hai tên ấy là Kynazhetsky, giáo sư hóa học. Lão này đã bảy mươi tuổi. Trước kia lão là học trò ưu tú của Giáo sư Mendeleyev. Lão bị án tù mười năm và đã sống hết hạn tù. Nhờ một số những thành quả khoa học, lão được gửi đến làm việc ở Viện Mavrino với tư cách là nhân viên tự do và lão đã làm việc ở đó yên lành được ba năm sau chiến tranh cho đến ngày ban hành Luật Củng cố hậu phương quật lão ngã lần thứ hai. Lần này có lẽ là lần ngã cuối cùng trong đời lão. Vào một buổi trưa, có lệnh bằng điện thoại từ Bộ An ninh gọi lão về Bộ trình diện. Lão về và không thấy lão trở lại nữa. Hak nhớ kỹ hình ảnh Knyazhetsky khi lão đi xuống trên tấm thảm đỏ trải trên những bực thang của Viện, vừa đi vừa lắc lắc mái tóc bạc, không hiểu vì sao người ta lại gọi lão về Bọ để hỏi về một vấn đề gì đó trong “nửa tiếng đồng hồ”. Trong khi đó ở sau lưng lão, trên tầng lầu trên, Thiếu tá Shikin, sĩ quan an ninh của Viện, đã dùng con dao bỏ túi cạy tấm hình ra khỏi bản danh sách nhân viên danh dự của Viện.

Người thứ hai là Altynov. Lão này không phải là một khoa học gia nổi tiếng, lão chỉ là một chuyên viên làm những công tác khoa học như buôn bán kiếm lời. Cũng giống như trường hợp của Giáo sư Knyazhetsky, Altynov từng ở hết hạn tù và nhờ thành tích đạt được trong thời gian phục vụ trong tù, lão được cho làm nhân viên tự do đến làm việc ở Viện Mavrino. Bề ngoài Altynov có vẻ ham lam và hơi ngu nhưng lão hơn người ở điểm lo xa và nhất là lão nghi ngờ. Lão nghi rằng người ta có thể sẽ không để cho lão được yên ổn sống nốt những năm còn lại trong nhà lão. Lão bèn giả vờ đau tim. Khi Luật Củng cố hậu phương được ban hành sau chiến tranh, lão đã nằm trong một bệnh viện chuyên trị bệnh đau tim. Lão giả vờ đau tim hữu hiệu đến nỗi bác sĩ điều trị cho lão đều hết hy vọng cứu sống được lão. Và lão cứ sống vật vờ mãi cho đến bây giờ.

Và Yakanov, đoạn đời trước đen tói vì thời gian ở tù, đoạn đời sắp đến đen vì tội phá hoại. Cả dĩ vãng và tương lai y đều khốn khổ.

Hố thẳm tù đày vừa lên tiếng kêu gọi y trở lại.

...

Yakanov đi qua bãi đất trống nhưng y vẫn không biết la y đi đâu, đến đâu, y cũng không nhận thấy mặt đất thoải dốc và y đang vất vả lần bước lên dốc. Sau cùng, y phải đứng lại vì hụt hơi. Hai chân y mỏi, hai cổ chân y nhức nhối vì mặt đất không được phẳng.

Đứng trên đỉnh cao nơi y vừa trèo lên, giờ đây Yakanov mới phóng tầm mắt nhìn ra chung quanh. Mắt y bây giờ mới ghi nhận cảnh vật và mới tìm hiểu nơi này là nơi nào.

Trong khoảng thời gian một tiếng đồng hồ vừa qua kể từ lúc y ra khỏi xe hơi, đêm đã lạnh hơn và đêm đã gần hoàn toàn trôi qua. Sương mù đã bắt đầu tan và tan đi rất mau. Mặt đất dưới chân y đầy những mảnh gạch vụn đá nhỏ, thủy tinh vỡ, gần chỗ y đứng có một căn nhà gỗ nhỏ xíu. Bên dưới là một hàng rào gỗ vây quanh khu đất chưa được khởi công xây cất. Không có tuyết rơi nhưng tất cả đều nằm dưới một làn băng mỏng.

Trên ngọn đồi trung tâm quá gần thành phố này, ngọn đồi có nhiều dấu vết của sự tàn phá, y nhận thấy có những bực đá trắng sót lại của một lối đi bằng đá. Y lẩm nhẩm đếm. Có bảy bực thang đá tất cả.

Ký ức của Yakanov gợi lên một ghi nhớ mơ hồ nào đó khi y nhận thấy những bực thang đá trắng trên lưng đồi xác xơ. Y đi tới và bước lên những bực đá, tâm trí vẫn hoang mang chưa nhớ đây là đâu và tại sao y lại có vẻ quan thuộc với những bậc đá này. Y đi lên, đi lên mãi và sau cùng, y thấy một tòa nhà ẩn hiện trong màn sương và bóng tối. Tòa nhà có hình thể thật lạ. Tòa nhà như đã đổ nát, hoang tàn nhưng vẫn còn giữ nguyên được hình thể bên ngoài.

Phải chăng đây là một nơi đổ nát vì trúng bom đạn trong thời chiến tranh? Chắc không phải. Chiến tranh đã qua lâu rồi. Tất cả những nơi bị bom đạn tàn phá trong thủ đô này đều đã được xây cất lại. Nơi này dường như bị tàn phá vì một cái gì khác bom đạn.

Một thềm đá lớn ngăn cách những bậc thang đá Yakanov vừa đi qua với những bậc thang khác. Rồi khối đá lù lù che tầm mắt y. Những bậc đá trên cao này dẫn tới cửa tòa nhà như lối dẫn lên cửa một nhà thờ.

Yakanov tới trước một khung cửa sắt lớn. Cửa sắt đóng kín, gạch đá vụn chặn kín dưới ch ân cửa cao tới nửa thước.

Đúng rồi, đúng rồi, Yakanov đã nhớ ra đây là đâu. Y nhìn quanh để kiểm soát lại. Dòng sông dưới kia nằm như một đường sáng lượn vòng, chìm mất dưới chân cầu và chảy mãi, chảy xuôi về điện Kremlin.

Nhưng còn tháp chuông? Không thấy có tháp chuông. Những tảng đá xếp đống này? Phải chăng đây là những gì còn sót lại của tháp chuông ngày xưa?

Hai mắt Yakanov bỗng nong nóng, cay cay, như khi y chảy nước mắt. Y nhận ra, y nhớ lại và toàn thân y bủn rủn.

Yakanov nhè nhẹ ngồi xuống bậc đá ở trước cửa nhà thờ.

Trước đây hai mươi hai năm có lần y đã ngồi trên thềm đá này với một người thiếu nữ tên là Angiya.



[1]Zhelyabov và Perovskaya là hai người sinh viên trẻ tuổi đã tình nguyện ôm bom đi ám sát Nga hoàng Alexander Đệ nhị. Hành động này mở đầu cho cuộc Cách mạng của dân Nga chống lại chế độ quân chủ. Zhelyabov và Perovskaya cùng nhiều người khác trong nhóm sau đó bị bắt và bị xử tử. Khi ôm bom từ bên đường chạy ra ném vào xe của Nga Hoàng. Hai người trẻ tuổi trên đây hô lớn câu: “Giết tên độc tài”.
Alexander Đệ nhị, Nga Hoàng, trị vì từ năm 1855 đến 1881.
[2]Đây chỉ là chuyện xảy ra trong những giáo đường ở Nga Xô.
Nguồn: Tác phẩm viết bằng tiếng Nga của Aleksandr I. Solzhenitsyn, giải Văn chÆ°Æ¡ng Nobel 1970 do Nhà Harper và Row dịch và ấn hành lần thứ nhất năm 1968 ở Hoa Kỳ dÆ°á»›i nhan đề tiếng Anh The First Circle. Bản dịch tiếng Anh của Thomas P. Whitney. Bản Việt văn của Hải Triều dịch theo bản tiếng Anh của Thomas P. Whitney do Nhà xuất bản Đất Má»›i ấn hành lần thứ nhất Sài Gòn, Việt Nam, 1973. Nhà xuất bản Đất Má»›i giữ bản quyền. KD. Số 2137/PTUDV ngày 15-5-1973. Giá 900Ä‘. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.