Bến Tre nổi tiếng khắp miền Nam, và chắc trong cả nước, là xứ dừa, với những vườn dừa bạt ngàn. Chắc vì hợp thuỷ thổ. Bốn phụ lưu ở cuối nguồn của nhánh Tiền Giang, thuộc sông Cửu Long, chia miền đất này thành ba cù lao lớn, An Hoá, Minh, Bảo. Ba cù lao này lại bị cắt vụn ra bởi hàng trăm con sông, rạch, lớn nhỏ, dày đặc hơn bất cứ tỉnh nào của Việt Nam. Bến Tre cũng có rất nhiều vườn cây ăn trái đủ loại, tàn nhánh che phủ mát rượi những lối nhỏ trong vườn, chạy dọc theo các con mương chứa đầy cá tôm. Vào thời thái bình thạnh trị trước năm 1960, liên tục có các gánh cải lương di chuyển trên những chiếc ghe bầu đến dựng phông, quay màn, hát tại các chợ quận. Cũng thường có các đoàn hát bội đến trình diễn tại các đình làng. Họ diễn những vở tuồng cổ xưa đề cao các gương trung trinh tiết liệt, ca tụng những giá trị nhân lễ nghĩa trí tín. Bến Tre là nơi xuất thân của nhiều nhà văn học, văn hoá tiếng tăm miền Nam như Petrus Trương Vĩnh Ký, Phan Thanh Giản, Phan Văn Trị
[1] , Sương Nguyệt Anh, v.v… Bến Tre là quê hương của những người dân hiền hoà, chất phác, nhưng trọng nghĩa khinh tài.
Với tôi, Bến Tre còn là nơi ghi lại bao kỷ niệm khó quên với lũ bạn nhóc thời tiểu học. Những buổi trưa trốn ngủ theo bạn ra đồng tát ruộng bắt cá, vào vườn bắt chim, đánh trỗng, thả diều, thảy lỗ, tắm sông, đá dế… trò chơi quanh năm, suốt tháng, không bao giờ dứt. Tôi, một anh học trò rời quê lên Sài Gòn vào học trường Petrus Ký toàn nam sinh, còn nhớ mãi trong đầu hình ảnh những lần về quê ngẩn ngơ ngắm nhìn các cô nữ sinh vừa hồn nhiên tíu tít, vừa dịu dàng thướt tha trong những chiếc áo dài trắng, bên bờ hồ Trúc Giang nằm trước cổng trường trung học của tỉnh.
Nhưng nhắc đến Bến Tre (được mang tên Kiến Hoà từ 1956 đến tháng Tư, 1975) và liên tưởng đến cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn vừa qua, nhiều người sẽ có ngay ý nghĩ: “đây là ổ Việt cộng!” Có quá nhiều người theo cộng sản nổi tiếng từ miền đất này để có thể kể hết tên ra. Bến Tre được mệnh danh là “Quê hương đồng khởi”, là nơi phát động cuộc chiến tranh, từ năm 1960. Nhiều người hẳn đã có lần nghe nhắc đến, với giọng ngầm ngưỡng mộ hay oán hờn chê trách: “đây là quê hương của nữ tướng Việt cộng, đầu tiên và duy nhất, Nguyễn Thị Định.”
Nhưng có lẽ nhiều người lại không biết rằng vùng đất này cũng còn là nơi xuất thân của rất nhiều tướng lãnh Việt Nam Cộng hoà. Cố trung tướng Ngô Quang Trưởng vừa qua đời, một danh tướng được đông đảo dân quân miền Nam thán phục, là một trong số các vị đó. Đây cũng là quê hương của biết bao người lính Việt Nam Cộng hoà các cấp khác, đủ mọi quân binh chủng, anh dũng, kiên cường, trung thành, khí tiết. Đây cũng là “ổ Việt Nam Cộng hoà.”
Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên, khi Bến Tre là nơi ghi lại biết bao câu chuyện thương tâm, éo le, nghiệt ngã nhất; hệ quả của một thời đối địch hai bên chiến tuyến thấm đẫm máu xương. Và ở mức độ không nhỏ, đau thương vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Đã ba, bốn thập niên qua rồi, mà khi nhắc nhớ đến thời gian đó, lòng người dân Bến Tre vẫn quặn lên đau xót.
Chỉ kể riêng dòng họ tôi thôi, các câu chuyện, mảnh đời, chắc cũng đủ tiêu biểu cho biết bao nhiêu oan nghiệt mà nhiều người dân Bến Tre, khởi đi từ những năm 1945-46, đã phải gánh chịu. Đây là những câu chuyện của gia đình, vẫn còn in rõ trong tâm trí tôi, cho dù đã qua bao nhiêu tháng năm biến động của bản thân và đất nước.
Ngày thực dân Pháp quay trở lại Bến Tre vào đầu năm 1946, ba tôi cùng với bác tôi, chú tôi, cậu tôi, và rất đông người dân Bến Tre khác, bỏ vào bưng kháng chiến. Hầu như toàn bộ thị dân Bến Tre bồng bế nhau bỏ nhà, bỏ cửa, “tản cư chạy giặc”. Tôi nghe nói, có lúc ba tôi đã rong ruổi xuống tận Cà Mau, U Minh, Năm Căn… xa xôi. Nhưng rồi vào khoảng cuối năm 1949, đầu năm 1950, ba tôi, bác tôi, và một số không ít người dân Bến Tre đã ra bưng, lần lượt trở về thành.
Khi còn nhỏ, tôi không nghe ba tôi, hay mẹ, hay các anh chị lớn nói gì nhiều đến biến cố và khoảng thời gian mình chưa sinh ra đời này, cho đến mãi về sau. Mà cũng chỉ được nghe loáng thoáng chỗ này một ít, chỗ kia một phần. Không biết với các anh chị lớn ra sao, chứ ba tôi không hề đề cập đến cho tôi và các em nghe, dù có lần tôi tò mò hỏi về một vết sẹo “chiến thương” trên tay ông. Tôi không biết có phải ba tôi “trở về thành” vì không kham nổi cuộc sống hiểm nguy, gian khổ bưng biền hoặc vì quá thương nhớ gia đình. Hay ông đã không thể giác ngộ cách mạng, đồng tình với những chủ trương của chủ nghĩa cộng sản, bắt đầu ló dạng trong lực lượng kháng chiến Việt Minh từ thời gian đó. Chỉ biết một điều hơi trái khoáy, sau này ông có đến hai người con rể (mà một cũng là dân Bến Tre), là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà, cùng xuất thân từ trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Và ba đứa con ruột của ông cũng là sĩ quan cộng hoà. Ba tôi qua đời hai năm trước khi miền Nam được “giải phóng”.
Còn cậu Năm, em của mẹ tôi, thì tôi chỉ nghe nói mà không bao giờ biết mặt. Tôi nhớ mang máng vào những năm 1958-59 xa xôi đó, có thời gian mẹ tôi hay buồn và khóc thầm. Đây là điều lạ vì mẹ tôi có cá tính rất mạnh mẽ. Tôi chỉ thường thấy bà tươi cười cùng mọi người (ba tôi có tiệm thuốc Tây), hết sức dịu dàng, nhỏ nhẹ với các con. Sau này mới biết, lúc đó mẹ tôi được tin báo em mình đã chết trong tù, ngoài Côn Đảo. Tội danh là “làm cộng sản”. Tôi nghĩ mẹ tôi đau lòng lắm vì bà chỉ có hai người em trai gần gũi, do mẹ mất sớm. Cậu Năm tôi mất khi còn khá trẻ. Ông không có vợ con gì.
Mẹ tôi sau đó cũng qua đời sớm, vào khoảng giữa năm 1964. Bà lên cơn đau tim sau một trận pháo kích của Việt cộng vào thị trấn, nơi ba mẹ tôi đang sống. Mẹ tôi, oan nghiệt thay, đã gián tiếp chết dưới tay các đồng chí của em mình.
Hoàn cảnh chú Út tôi lại còn éo le hơn. Giống như ba tôi, ông là người theo Tây học. Tôi vẫn nhớ khi còn nhỏ đã nhìn thấy những tấm hình của ông trong các album gia đình. Trông ông bảnh bao và khỏe khoắn, gọn gàng, sơ mi trắng, quần soóc trắng, giày bata trắng. Lúc tôi xem những tấm hình đó thì ông đang ở miền Bắc.
Ông tập kết ra Bắc sau một thời gian dài theo Việt Minh chống Pháp ở trong bưng miền Nam. Khi ra đi, ông bỏ lại ở Bến Tre một người vợ trẻ và một đứa con thơ. Sau này khi lớn lên, đứa em họ tôi gia nhập quân đội Việt Nam Cộng hoà. Rồi bị thương, mất đi một phần thân thể. Vài tuần sau ngày 30 tháng Tư “giải phóng miền Nam”, chú tôi từ Bắc trở về. Tôi thật sự bị sốc khi nhìn thấy ông. Chú không còn giữ được một chút gì cái hình ảnh “phong độ” mà tôi từng ngưỡng mộ trong album, mà là một ông nhà quê già trước tuổi. Ông được Đảng “xây dựng” với một người vợ mới, cũng quê mùa, từ ngoài Bắc. Cũng may, và phúc cho dòng họ tôi, ông không xử sự như một “ông cách mạng” huênh hoang, khoác lác, giáo điều, như một số ông tập kết. Những người, ngày nào ra đi vì lý tưởng phục vụ cao đẹp, nay trở thành “ông quan cách mạng” cao ngạo trở về.
Đứa con bỏ lại ở miền Nam ngày xưa của chú tôi không vồn vã nhận cha. Ngược lại, oán ông nhiều. Oán vì đã bỏ hai mẹ con ở lại bơ vơ. Oán vì ông đã theo cái phe cưỡng chiếm miền Nam, và làm cho mình thương tật. Cái hố sâu ngăn cách nghiệt ngã đó, có lẽ chẳng bao giờ có thể lấp đầy lại được. Không lâu sau ngày ông về Nam, một đám đông con cháu gọi ông là cậu, là chú, sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hoà, lũ lượt kéo nhau vào trại cải tạo. Dù đa số chỉ phục vụ trong quân y, làm việc tại các bệnh viện, chưa hề cầm súng bắn ai.
Khoảng giữa năm 1974, vào một buổi tối tại đơn vị là một bệnh xá quân y ở Vĩnh Long, tôi được một nhân viên y tá vào cho biết, có người của An ninh Quân đội muốn nói chuyện trên điện thoại. Anh y tá nhìn tôi lo lắng. Mấy tuần trước, bệnh xá bị Việt cộng tấn công, mà tôi thì không có mặt tại đơn vị. Tôi đã “dù” về Sài Gòn thăm người yêu với cái “phép ngó lơ” của anh bác sĩ trưởng. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra người ở đầu kia đường dây, đúng là sĩ quan An ninh Quân đội, nhưng lại chính là ông anh rể của mình. Ông báo cho một tin sét đánh, em kế tôi vừa tử trận tại Vĩnh Long. Em tôi chỉ mới 21 tuổi.
Không giống như các anh đều lên đại học, em tôi sau khi xong tú tài đã gia nhập quân đội cộng hoà. Bởi vì:
“
Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung”
Em tôi, cũng như hàng ngàn thanh niên Bến Tre, theo truyền thống hào hùng của cha, anh trước đó không lâu, lại lên đường làm nghĩa vụ công dân. Khi ra đơn vị, em tôi làm trung đội trưởng tác chiến thuộc một sư đoàn bộ binh ở miền Tây. Chỉ mới được hơn một năm.
Trong đám tang em tôi, lúc sắp hạ huyệt, tôi ngạc nhiên thấy trước mắt mình một cô gái lạ mặt, tuổi chưa đến 20, thơ ngây, xinh xắn, dù tả tơi. Cô đang gào hét, vật vã than khóc trước quan tài phủ lá quốc kỳ, bên huyệt lạnh. Sau này nghe kể, tôi mới biết đó là một cô sinh viên y khoa Sài Gòn năm thứ nhất, bạn gái của em tôi vừa mất. Tôi lại còn được biết thêm rằng gia đình cô thuộc loại “gia đình cách mạng” thứ dữ. Thật là éo le. Nhưng cũng không có gì ngạc nhiên lắm, vì cô… cũng là dân Bến Tre.
Vào buổi tối ngày 29 tháng Tư năm 1975, một ông anh rể quân đội đến cho biết có thể tìm được phương tiện cho mọi người trong đại gia đình ra bến tàu Tân Cảng rời Việt Nam. Đó là ước muốn cháy bỏng của đại đa số người Sài Gòn đang lo sợ kinh hoàng lúc đó, khi bộ máy chính quyền, quân đội miền Nam đang tan rã nhanh chóng. Nhưng không! Một ông anh ruột, mới trở về nước năm tháng trước đó, sau hơn mười năm du học và làm việc tại Pháp, đã khuyên ngăn cả gia đình nên ở lại. Anh nói, giọng thắm đầy truyền thống thương yêu quê hương của người dân Bến Tre: “
Sắp hoà bình rồi, nên cùng ở lại xây dựng đất nước.” Và chúng tôi cùng đồng tình quyết định ở lại. Kết quả là, người anh rể nêu trên phải trải hơn mười mấy năm tù trong trại cải tạo. Tôi cũng phải mất hết vài năm. Còn người anh khuyên can mọi người ở lại “xây dựng đất nước”, một năm sau ngày “giải phóng”, cũng đã bất bình rũ áo ra đi.
Đó là một vài câu chuyện nhỏ trong gia đình. Tôi còn có thể kể thêm vô số những chuyện đau thương, buồn thảm khác, của người dân Bến Tre trong cuộc chiến vừa qua, mà mức độ thương tâm, ngang trái, nghiệt ngã còn hơn gấp bội. Những câu chuyện mà anh em trong nhà, trong dòng họ, hàng xóm, láng giềng, đã thực sự cầm súng bắn nhau. Nhưng thiết nghĩ, bao nhiêu đó chắc cũng đủ nhắc lại một quá khứ đau buồn. Một chương lịch sử đen tối bậc nhất của tỉnh Bến Tre. Ai có đến Bến Tre ngày nay sẽ thấy thật nhiều nghĩa trang liệt sĩ với chi chít các hàng mộ chí. Dĩ nhiên sẽ không thấy có một nghĩa trang tử sĩ Việt Nam Cộng hoà nào. Nhưng người Bến Tre đều biết, hàng ngàn tấm hình của họ có trên bàn thờ của rất nhiều gia đình ở Bến Tre. Có những gia đình mà những người trong các tấm ảnh, trên cùng bàn thờ, mặc quân phục của hai bên.
Gần đây cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một tuyên bố mang ý nghĩa hoà giải, đại ý rằng biến cố tháng Tư làm cho hàng triệu người vui thì cũng có hàng triệu người buồn. Theo tôi hiểu, ông nói trong một hàm ý phân chia đồng đều tâm trạng số người của hai bên đã dính líu đến cuộc chiến vừa qua. Tôi lại có cái nhìn khác, đứng ở một vị trí khác. Theo tôi, có thể nhiều người miền Bắc vui mừng chứ đa số người miền Nam đều buồn. Riêng người dân tỉnh Bến Tre chắc chẳng có mấy ai vui, trừ một ít vị may mắn sống sót qua cuộc chiến và nay được ăn trên ngồi trốc. Thử hỏi một miền đất thật trù phú, từng có cuộc sống sung túc, tươi vui, tiến bộ vào hàng đầu của các tỉnh miền Tây, sau mười lăm năm của “chiến tranh giải phóng” khốc liệt, với biết bao người thân mất mát, và nay trở thành vùng đất nghèo nàn, chậm tiến vào hàng bậc nhất miền Nam, thì có mấy ai vui?
Đôi điều trải ra trên trang giấy, dấy lên bởi không khí “nhộn nhịp” của tháng Tư. Tháng Tư của những lễ lạt, mít tinh, họp mặt mừng ngày “giải phóng miền Nam”, mừng “chiến thắng thần kỳ”, mừng ngày “thống nhất đất nước”, được tổ chức rầm rộ trong nước. Tháng Tư của những cuộc biểu tình, lễ kỷ niệm “Quốc hận” cũng ồn ào, hừng hực không kém tại rất nhiều nước ở hải ngoại. Hình như sau cuộc quyết chiến “thống nhất lãnh thổ” với hàng triệu sinh mạng của hai bên, không mấy ai đặt ưu tiên cụ thể và với cùng một quyết tâm cho việc “hợp nhất nhân tâm” vẫn còn ly tán, bằng những biện pháp bao dung, công bằng, nhân ái, chẳng phải tốn một giọt máu xương. Cho dù đã hơn 32 năm trôi qua.
Úc châu, những ngày đầu tháng Năm
© 2007 talawas
[1] Petrus Trương Vĩnh Ký sinh quán làng Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách. Phan Thanh Giản sinh quán làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri. Phan Văn Trị sinh quán làng Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm. Các vùng này thời triều Nguyễn thuộc tỉnh Vĩnh Long, nay thuộc tỉnh Bến Tre.