trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
23.6.2008
Vương Trí Nhàn
Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm và đời sống tinh thần người Việt sau chiến tranh
 
Từ một quan niệm kéo dài trong lịch sử và đã trở thành tâm thức dân gian…

Qua một chương trình phim truyền hình thời sự, có lần tôi được thấy cảnh những người lính Nga trở về từ chiến tranh, một số còn sống đến tận cuối thế kỷ XX, đầu XXI. Điều khiến tôi lạ nhất là cuộc sống hoà bình với nhiều người trong họ hình như không còn thích hợp. Chỉ làm việc để đủ sống tàm tạm, ngoài ra như đã bị chiến tranh lấy hết hồn vía, mỗi người là một cái bóng.

Tình hình ở Việt Nam ít nhiều có khác. Trong số những người trở về sau chiến tranh, lác đác cũng có ít người rơi vào tâm trạng buông trôi bất lực. Nhưng số đó quá ít và gần như lạc lõng trong cộng đồng. Phổ biến hơn là một tình trạng ngược lại. Sống sót sau những năm tháng khốc liệt, ý nghĩ đầu tiên của người ta là làm gì đó để cứu gia đình khỏi cảnh đói rét đã kéo dài. Cởi quân phục là vớ lấy chiếc xe đi buôn. Hoặc xông vào tìm bằng được một chỗ đứng trong các cơ quan nhà nước, nhân danh người đã có công đòi lấy một vị trí thuận lợi để kiếm ra tiền, bù đắp lại những ngày bị thiệt.

Trong sự mải miết sống với quá khứ, những con người Nga có mặt trong chiến tranh trở về kia dành hẳn một phần tâm trí của mình cho các đồng đội đã hy sinh. Tôi nhớ một chiến binh chỉ ngồi loay hoay với những đài kỷ niệm cho từng người bạn. Làm cho thằng Boris mô hình một cái lò rèn. Đắp cho thằng Ivan một cái cối xay gió thay cho đài tưởng niệm… Người chết không chết, vì đồng đội vẫn đang trò chuyện với họ, như những người sống.

Còn ở Việt Nam? Không phải người ta đã quên hẳn những năm chiến tranh và người thân đã nằm xuống ở những mảnh đất xa lạ. Nhưng việc đó được làm theo một cách riêng, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh một đất nước trường kỳ nghèo đói và đã gắng gỏi chống lại chiến tranh hiện đại bằng một nền kinh tế tiểu nông, và cuộc sống con người thì luôn luôn đặt trên ranh giới mong manh của sự sống và cái chết.

Việc thu thập tin tức về những người đã mất tích trong chiến tranh đến nay vẫn còn đang được tiếp tục. Đã có những gia đình bỏ ra bạc tỷ nhiều năm lặn lội để đi tìm hài cốt của con cái.

Dù thế chăng nữa, phải nhận cách làm của người Việt chú trọng lễ nghi mà không mấy tỉ mỉ. Sau khi biết đích xác người thân đã hy sinh ở đâu, cái mà người ta cần là mang về một ít bằng chứng chắc chắn để đòi lấy sự công nhận của cộng đồng, những lời biết ơn nồng nhiệt, những đền bù cho sự hy sinh. Sau đó làm đám giỗ để bà con làng xóm cùng xác nhận và kiếm được một tấm ảnh đẹp để vào chỗ trang trọng trong gia đình, thế là đã mãn nguyện lắm.

Các di vật, nếu có, cũng được chú ý mang về. Nhưng phải nói thực, việc bảo quản các di vật ấy không phải nằm trong dự tính. Phần vì điều kiện khó khăn. Phần chủ yếu vì sự chi phối của thói quen tâm lý.

Một cái nhà tươm tất cho người sống ở còn chưa có, lấy đâu chỗ để đồ cho người chết? Các bảo tàng của nhà nước chưa xây và nếu xây xong thì còn đang tranh cãi xem nên bày cái gì. Các di vật thiêng liêng đấy mà cũng vô nghĩa ngay đấy. Xếp xó là chuyện bất đắc dĩ, nhưng đành phải làm.

Nói to lên cho rõ ràng rằng “làm cho xong chuyện” thì không ai dám, nhưng trong thâm tâm đều hiểu cho nhau là vậy.

Giữa bề bộn công việc hậu chiến, việc trở lại với cuộc đời người đã khuất trong chiến tranh không được đặt thành vấn đề, nếu không muốn nói gần như lảng tránh. Những gì làm nên cuộc sống thực của người đã khuất bị đẩy lên thành huyền thoại, với nghĩa “kính nhi viễn chi”.

Xét từ căn nguyên sâu xa, ở đây có vai trò của hai ý niệm quan trọng là ý niệm về lịch sử và ý niệm về cái thực. Cả hai ý niệm này ở người Việt đều lờ mờ mây khói.

Đến thăm nhiều đình đền ở Hà Nội và nói chung là ở Bắc Bộ, người ta thấy người giữ đền lưu ý rằng ngôi đền này rất thiêng. Nhưng thờ ai và sự tích thế nào thì họ chỉ biết mang máng và nhầm lẫn lung tung cả.

Thể tiểu thuyết lịch sử cũng như các loại phim lịch sử ở Việt Nam hình thành rất khó khăn, một phần là vì bản thân lịch sử chỉ được hiểu là những sự tích anh hùng. Cái gọi là sinh hoạt đời thường gần như chưa bao giờ trở thành đối tượng của lịch sử ở Việt Nam. Còn các sự kiện xã hội chính trị thì thường bị tô vẽ theo phương châm “Tốt đẹp phô ra xấu xa đậy lại”. Đây là cách nghĩ thấm vào trong tư duy dân gian và âm thầm chi phối xã hội.

Trong số các nhà văn Việt Nam đương đại, Nguyễn Minh Châu là một trong những người đi sâu nhất vào chiến tranh. Trong bài “Viết về chiến tranh” in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1978 [1] , ông ngẫm nghĩ và ghi nhận một cách nghĩ phổ biến như sau:

Từ ngàn năm xưa, người Việt Nam đã mang một quan niệm “phàm cái gì đem chép vào sách vở thì không thể dung tục như đời sống bình thường hàng ngày được, mà phải là những điều tốt đẹp tinh khiết.”

Bằng giọng hơi đùa đùa, ông giải thích thêm “Đồng bào mình bây giờ thấy anh nhà văn nhà báo tả mình như thực thì không ưng. Lên tivi, lên phim, dù đang lao động cũng phải ăn mặc đẹp, mặt mũi cũng phải sạch sẽ, sáng sủa tươi cười”. Làm ăn đã vậy trong chiến tranh cũng vậy: đánh giặc giữ nước là một việc cao cả; “chuyện những người anh hùng vì nước xưa nay được coi như chuyện thần thánh” - nên không thể có một mảy may dung tục.

Nguyễn Minh Châu tiếp tục câu chuyện bằng cách so sánh tâm lý đọc sách viết về chiến tranh với tâm lý người dân khi chụp ảnh. Ai mà chẳng có cái mặt thực của mình. Nhưng mỗi lần chụp ảnh, chỉ những khuôn mặt trẻ hơn đẹp hơn mới là cái mà người ta chờ đợi.

Toàn bộ lối suy nghĩ như thế này đối với quá khứ là ổn định và kéo dài cho tới hôm nay. Và cái tâm thức dân gian này sẽ được nâng lên để trở thành định hướng của nhà nước.


…tới một lối viết kéo dài từ thời chiến tới hậu chiến

Tôi nhập ngũ ngày 5-8-1964, và tới đầu 1968 thì được chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nói theo thuật ngữ chính thống, tôi được chính thức gia nhập vào đội ngũ những người làm công tác tư tưởng. Viết văn làm thơ hay chụp ảnh viết báo cũng như tuyên truyền cổ động đều là công tác tư tưởng cả. Có thể tóm tắt quy phạm chính chi phối ngành này như sau:
  • Làm gì viết gì thì cũng phải hướng về phục vụ người lính, khiến họ hào hứng phấn khởi xông lên. Để họ nản lòng là có tội.
  • Cái cần viết không phải là chiến tranh, mà là chiến công.
  • Không có cái gọi là chiến tranh chung chung. Tôi nhớ hồi đó bản thân hai chữ chiến tranh cũng không dùng. Để thay thế, phải nói cuộc chiến đấu, hàm nghĩa chiến tranh ở Việt Nam khác hẳn mọi cuộc chiến tranh trên thế giới.
Những quy phạm này có thể thấy rõ trong nghệ thuật nhiếp ảnh.

Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện có một bảo tàng được nhiều người nước ngoài tới thăm là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Nhưng ở đó, những bức ảnh có ý nghĩa nhất lại là của các phóng viên nước ngoài.

Một người bạn tôi là anh Đoàn Công Tính, một phóng viên nhiếp ảnh trong quân đội, đã giúp tôi hiểu tình thế ngược đời này. Theo Tính, ngay trong những năm chiến tranh, chính những bức ảnh bám sát chiến trường và làm rõ “sự thật chiến hào” của các phóng viên chiến trường lại không được toà soạn ưa thích. Được ưu ái nhất phải là những bức ảnh nêu khí thế chiến thắng. Giữa hai phạm trù chân thực với mang khí thế chiến thắng, không phải bao giờ cũng có sự trùng khớp, nếu không muốn nói là thường xung đột nhau. Và không phân vân gì hết, trong mọi trường hợp người ta chọn cái thứ hai. Nếu thích hợp với việc tuyên truyền cho chiến tranh, có cả những bức ảnh bố trí giả tạo, vẫn được sử dụng.

Đoàn Công Tính nổi tiếng với tác phẩm Chiếm căn cứ Đầu Mầu Quảng Trị (được giả thưởng Hội Nhà báo Quốc tế OIJ). Sự thành công của bức ảnh này là ở chỗ thứ nhất nó được chụp từ thực địa, và thứ hai, biểu hiện được con người như bay lên trong một chiến công thần thánh.



Các ảnh khác thường cũng có sự kết hợp tương tự. Với tôi và với dư luận chung, tưởng như Đoàn Công Tính chỉ có vậy.

Nhưng gần đây (2005), tôi được biết là trong kho ảnh của Tính còn có những bức ảnh lạ như Chiếc cầu gục đổ.



Bức ảnh biểu hiện rõ không khí chiến tranh ở Việt Nam. Cả sự bất bình thường của chiến tranh. Cả sự bé nhỏ bất lực của con người.

Có điều mãi sau chiến tranh bức ảnh này mới được giới thiệu, và là rất hạn chế. Nó không được đưa vào các sưu tập chính thống. Rất ít người biết tới nó.

Đơn giản là vì các bức ảnh tương tự như Phúc Tân kêu gọi trả thù của một đồng nghiệp của Tính là Vũ Ba, lúc xuất hiện đã hứng chịu nhiều lời phê phán. Cái tội của người chụp ảnh ở đây là đưa đau thương mất mát lên thành một chủ đề lớn.

Câu chuyện về các tấm ảnh của Đoàn Công Tính và của Vũ Ba cũng là câu chuyện của nhiều tác phẩm văn chương.

Những năm chiến tranh, tôi đã được chứng kiến nhiều vụ tác phẩm “mô tả chiến tranh như chiến tranh” bị phê phán. Bài ký “Cái gốc” của Nguyễn Thành Long. Bài thơ “Vòng trắng” của Phạm Tiến Duật. Những tác phẩm này chỉ có lỗi là nói về những cay đắng của con người, những tin thất thiệt. Khi bị từ chối, chúng làm cho những người rất có thiện chí cũng sinh nhụt, không dám viết nữa.

Sự định hướng các tác phẩm viết trong chiến tranh như trên, theo tôi, không phải là không có phần hợp lý của nó. Muốn đánh lại kẻ thù mạnh hơn, người ta phải không biết sợ. Phải suy nghĩ khác với cách nghĩ thông thường. Phải cứng cỏi sắt đá mà không dễ mềm lòng trước mọi mất mát đau thương. Nhà nước xác định cho dân như vậy và mỗi người cũng tự nhủ như vậy.

Xuất phát từ đây, một quy phạm chính thức hình thành. Nó gói gọn vào mấy yêu cầu bắt buộc với các tác phẩm:
  • trình bày bức tranh tổng quát;
  • quan sát từ một góc độ khá xa;
  • kết thúc lạc quan.
Lối viết này - tạm gọi là lối viết sử thi - vốn được nhập từ văn học xô viết thời trước 1945. Nếu ở bên ấy, sau chiến tranh người ta đã thay đổi, thì ở Việt Nam nó được giữ nguyên.

Ngay từ trước tháng 8-1964, những tác phẩm viết về chiến tranh nổi tiếng thế giới như Phía Tây không có gì lạ của E.M.Remarque, thậm chí ngay các tác phẩm xô viết như Trong chiến hào Stalingrad của V.Nekratsov, Tấc đất của G.Baklanov, phim Đàn sếu bay qua, phim Bài ca người lính – đây chỉ nói những tác phẩm từng được giới thiệu ở Việt Nam - cũng bị gạt bỏ thẳng cánh.

Một nhà văn viết về chiến tranh phải xem lối thể hiện đời sống như thế là có tội. Vả chăng, phim không ai nhập, sách không ai dịch, và cũng không ai có sách nguyên bản mà đọc.

Như ở đoạn trên vừa nói, ở Việt Nam từ chiến tranh chuyển sang hoà bình hầu như không có khoảng trống. Trong các khẩu hiệu, khái niệm mặt trận được dùng lại: thay cho mặt trận chiến đấu là mặt trận văn hoá. Đóng vai trò chi phối con người trong xã hội nói chung vẫn là lối nghĩ thời chiến. Người ta buôn bán làm ăn xây nhà xây cầu cống dạy học đi du lịch theo kiểu thời chiến.

Nói bao quát, lối suy nghĩ về chiến tranh như trên vẫn tiếp tục ngự trị. Các cuộc thi sáng tác, các đơn đặt hàng để lôi cuốn các nhà văn viết về chiến tranh, nhất nhất đi theo cái đường ray cố định đó.

Nhưng bên trong đời sống xã hội và tâm lý nhà văn vẫn có những đợt sóng ngầm. Các sáng tác cuối đời của Nguyễn Minh Châu và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là những nỗ lực rõ rệt theo hướng này.

Nguyễn Minh Châu, như trên vừa dẫn, sớm hiểu rằng một nền văn học chân chính không thể đi theo lối viết “đưa ra những bức ảnh đẹp” mà có lúc chính ông tự nguyện tham gia.

Sau chiến tranh, truyện vừa Cỏ lau (1989) được ông viết theo hướng mới. Nó cho thấy chiến tranh là mất mát là đau khổ, và có nhiều di luỵ không biết bao giờ mới gỡ ra nổi. Chỉ vì được in ra khi ông vừa qua đời nên tác phẩm thoát khỏi sự lên án. Nhưng nó cũng bị lờ đi. Một tác phẩm bao quát hơn, như Tiểu thuyết vô đề của Dương Thu Hương lại càng không bao giờ được công nhận.

Có cái lạ là xu hướng viết về chiến tranh theo kiểu Cỏ lau - xu hướng phi sử thi – tuy không bao giờ được đề cao, không được ai theo đuổi đến cùng, nhưng cũng không bao giờ bị chết hoàn toàn.

Nỗi buồn chiến tranh (1991) của Bảo Ninh thì đánh dấu một chặng đường nhận thức kéo dài hàng chục năm.

Thoạt đầu, khi còn là bản thảo, cuốn tiểu thuyết đã được khen ngợi hết lời. Khi in ra, nó được tặng cái giải thưởng sang trọng nhất so với lúc ấy, là giải Hội nhà văn.

Nhưng ngay từ lúc ấy, đã có lời eo xèo rằng tác phẩm có ý “phủ nhận quá khứ”. Tới khoảng 1994, việc phê phán này lên tới đỉnh điểm. Chính những người đã khen nó (Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam…) lại mang nó ra phê phán. Trong khi ra với thế giới và trở thành sứ giả chính của văn học Việt Nam, thì đồng thời tác phẩm này vắng bóng hẳn trên thị trường sách trong nước hàng chục năm liền.

Cần nhấn mạnh tới Nỗi buồn chiến tranh vì qua đó người ta thấy một phương hướng:
  • Ý định tìm hiểu thực chất chiến tranh và con người trong chiến tranh.
  • Sự thay đổi trong cách nhìn: Chiến tranh được nhìn gần hơn.
  • Sự thay đổi trong quan niệm: Chiến tranh Việt Nam cũng tuân theo những quy luật chung của mọi cuộc chiến tranh.
Tóm lại, một cách tự nhiên, lớp trẻ từ chiến tranh về có ý định làm ra một nền văn học chiến tranh như họ đã thấy, chứ không bằng lòng với lối viết về chiến công của những người đi trước.

Nhưng xã hội Việt Nam sau chiến tranh đến nay vẫn chưa sẵn sàng thay đổi theo hướng này. Người ta chỉ lúng túng, lảng tránh, và lùi dần dần, chứ chính thức cho phép nghĩ khác thì không. Với việc đẩy Nỗi buồn chiến tranh vào bóng tối, một khuynh hướng tự phát bị chặn đứng.

Có điều, như thế không có nghĩa là nó chết hẳn. Nó vẫn luẩn quẩn đâu đó. Người ta cũng thấy có vài cuốn sách như Những mảnh đời đen trắng của Nguyễn Quang Lập, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức… có những chương, những đoạn viết theo cái mạch này.

Có những người gần như trở thành “nạn nhân” của sự chuyển đổi. Tôi muốn xem trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc thuộc dạng này. Tiểu thuyết Đất nước đứng lên đánh dấu một lối viết đã thành cổ điển về cuộc chiến tranh chống Pháp. Đến chiến tranh chống Mỹ, ông lại có Rừng xà- nu, Đất Quảng, cùng một giọng điệu sử thi như Đất nước đứng lên. Đất Quảng (I) viết ngay ở chiến trường (1971) nên có cái giọng ấy cũng là chuyện tự nhiên. Đến tập II, ông bỏ dở. Theo chúng tôi hiểu, lúc này suy nghĩ của ông thay đổi, ông thấy cần viết khác. Nhưng ngòi bút nhà văn của ông không chịu và ông đành thôi.

Sự lúng túng là tình trạng thấy ở nhiều người trong việc xử lý đề tài chiến tranh ở Hà Nội. Khác với Nguyên Ngọc, nhiều người trong họ chỉ kéo dài lối viết cũ, có tân trang ít nhiều. Sự chấp nhận này huỷ hoại tài năng của cả những người đã để cả cuộc đời có mặt trong chiến tranh.


Một câu trả lời xuất hiện đúng lúc

Tôi kể lại những chuyện trên để thấy tình hình chung của việc viết về chiến tranh ở Hà Nội. Trên cái nền ấy mà Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm xuất hiện, nên nó được mọi người tìm đọc cũng là điều dễ hiểu.

Cuốn nhật ký đã chọn được một thời điểm xuất hiện “tối ưu”.

Từ sau 1985, mối quan hệ làm ăn kinh tế với nước ngoài trở thành một sự lựa chọn không thể đảo ngược. Sự hội nhập, cái mà người ta lảng tránh mãi, nay đã thành một xu hướng chính thức và ảnh hưởng sang cả văn hoá tư tưởng.

Với người nước ngoài, sự hội nhập này đã làm một cuộc phát hiện: Việt Nam từ nay không chỉ là một cuộc chiến tranh, mà còn là một đất nước.

Với người Việt Nam thì quá trình diễn ra là ngược lại: do áp lực của hội nhập, người Việt thấy hoá ra không thể quên nổi những ngày đạn lửa; chiến tranh mãi mãi là một phần cuộc sống. Từ chỗ đẩy chiến tranh vào tấm màn sương khói của quá khứ, người ta lờ mờ cảm thấy rằng chiến tranh có mặt ngay trong cuộc sống hôm nay và chi phối cách nghĩ và cách làm việc của người ta, một sự chi phối khi công khai khi kín đáo, nhưng là trên mọi phương diện.

Sau cái giai đoạn chỉ biết thu thập lấy một ít di vật của người thân và nói chung là nhìn chiến tranh trong mối quan hệ với từng gia đình từng cá nhân, nay người dân thường bắt đầu muốn nhìn chiến tranh như là yếu tố tác động lên toàn bộ cộng đồng.

Một cách ngẫu nhiên, Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm bước đầu đáp ứng được yêu cầu đó. Nó là ghi chép của người trong cuộc. Nó cho người ta thấy lại không khí chiến tranh và những con người trong chiến tranh từ bên trong.

Giá như xuất hiện 10 – 15 năm sau chiến tranh - khoảng từ 1990 trở về trước, cuốn nhật ký với sự kết thúc bi thảm của nhân vật sẽ không được phép in ra, hoặc có in ra cũng không được ưu ái đến vậy. Ba mươi năm đã qua, những cách nghĩ căng cứng chỉ biết một màu lạc quan… đã khiến người ta mệt mỏi. Những cách miêu tả chiến tranh với tương đối nhiều sắc thái đen tối bắt đầu được chấp nhận.

Khuynh hướng này có lúc còn đi quá đà nữa.

Trong tình hình hiện tại (chiến tranh đã lùi xa ba thập kỷ), dường như đang có một quy ước ngầm: một tác phẩm sẽ được hiểu là chân thực, nếu nó nghiêng về diễn tả những đau đớn mệt mỏi, những tan nát trong lòng người có mặt trong chiến tranh (mà Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là một ví dụ).

Bởi các tác phẩm đang viết ra có vẻ nghiêng sang một hướng sáo mòn theo cái đường ray vốn có từ trước nên mới nảy sinh cái phản ứng ngầm như vậy.

Theo tiêu chuẩn này mà xét, có vẻ Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm vẫn theo mốt cũ. Mặc dầu có khá nhiều trang miêu tả con người với đau thương mất mát và nói được ám ảnh về cái chết trong tâm trí họ, song người ghi nhật ký vẫn giữ được cái vẻ thuần hậu trong sáng của một con người lý tưởng. Cảm hứng thần thánh thiêng liêng vẫn chi phối tâm trí người bác sĩ.

Thế thì liệu có thể nói là Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm có được sự chân thực cần thiết? Và tại sao trong sự lạc điệu của mình, nó vẫn được cả người đọc Việt Nam lẫn người nước ngoài tìm đọc?

Như trong lời giới thiệu viết cho bản tiếng Việt cuốn Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm tôi đã nói qua, nhìn cuộc chiến tranh chống Mỹ như cái gì thuần nhất, từ đầu đến cuối chỉ có một bộ mặt duy nhất là không đúng. Mà nhìn vào cuộc chiến tranh đó chỉ thấy duy nhất một hình ảnh nào đó về con người cũng là không đúng.

Chỉ xét tâm lý những thanh niên Hà Nội được huy động tham chiến, tức có mặt trong đội quân miền Bắc chi viện miền Nam, thì cũng đã thấy nó có hai giai đoạn.

Trước 1968, người ta đi chiến trường một cách hồ hởi tự nguyện. Người ta tin rằng mình đang tham gia một cuộc chiến tranh thần thánh và chẳng bao lâu sẽ trở về. Những người được chọn đi bộ đội chiến đấu lúc ấy thấy đây là cả một niềm vinh dự.

Sau 1968 thì khác, mỗi ngày mỗi khác. Chiến trường ngày càng thu hút nhân lực tài lực. Việc huy động người trở nên xô bồ. Con người thấy đây là nghĩa vụ trách nhiệm, hơn là vinh dự. Cuộc sống trở nên nặng nề. Con người mang nặng tính cách phá phách – như chữ dùng của Lê Lựu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 1997. [2]

Thuỳ Trâm về mặt tâm lý, là thuộc thế hệ những người lính có mặt ở chiến trường trước 1968. Để nói về họ, người ta phải dùng những chữ như trong sáng thánh thiện. Việc họ tin tưởng ở Đảng, ở quân đội – tức cái chất tín đồ của họ, là có thật. Tâm lý họ chưa trở nên chai sạn như lớp người ra đi về sau. Thuỳ Trâm phải viết bằng cái giọng chân thành tin tưởng như đã viết. Cái thực của Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm là ở chỗ ấy.

Về phía người đọc Việt Nam - tạm giả định rằng họ là một khối thống nhất - thì trong trường hợp này cũng không phải họ dễ tính và bị lừa. Trên kia tôi đã nói, họ chán những công thức giả tạo. Còn điều thánh thiện trong sáng, hay sự thật đầy bùn đất của chiến hào họ đều thấy gần gũi. Miễn là có được phần nào đó sự thực.

Thậm chí còn có thể nói rằng với người đọc Việt Nam hiện nay, một cái gì thực đến tàn nhẫn như Nỗi buồn chiến tranh còn là quá sốc. Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm vừa với cái dạ dày còn rất yếu của họ.


Vấn đề con người và thể nhật ký

Một lý do nữa khiến cho Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm được đọc rộng rãi (tổng số bản tiếng Việt đã in lên tới 430.000): Nó tạo được cảm giác một cái gì có thực. Điều này một phần dựa vào thể tài mà nó sử dụng.

Thể nhật ký vốn rất quen thuộc không chỉ ở phương Tây mà cả ở những nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản. Theo Phan Khôi, ít ra là từ thế kỷ XVII [3] nó đã sớm phát triển.

Ở Việt Nam, việc này rất hạn chế. Có thể thấy, việc ít viết nhật ký có một lý do sâu xa. Con người cá nhân trong xã hội Việt Nam còn rất yếu ớt, và nhu cầu đối diện với bản thân của người ta chưa xuất hiện.

“Người ta có nhìn rõ sự sống của mình là có giá trị thế nào, có biết quý cái ngày tháng mình còn sống ở đời, tóm lại là cái nhân sinh quan vững chắc sáng suốt thì mới lấy làm trịnh trọng mà chép lại mình đã trải qua hoặc nghe lấy suy nghĩ mà để lại về sau. Nhật ký phổ thông sản xuất ra vì đó. Người Việt Nam ta chưa có ai chép nhật ký phổ thông hết, hoặc giả là chúng ta chưa có cái nhân sinh quan đến bậc ấy chăng?” [4]

Cách cắt nghĩa của Phan Khôi đến nay vẫn đúng.

Riêng với chiến tranh, ở nước nào cũng vậy, trong và sau chiến tranh, người ta thường cũng sưu tầm thêm nhật ký thư từ. Tức là trong hoàn cảnh sống dưới bom đạn, hình thức viết này khá phổ biến.

Ở Việt Nam, sau cuộc kháng chiến chống Pháp chỉ có hai cuốn nhật ký được công bố: Ở rừng của Nam Cao và Nhật ký của một bộ trưởng của Lê Văn Hiến.

Sở dĩ nhật ký trong chiến tranh càng ít, vì mấy lý do:
  • người ta bận bịu (Bảo Ninh từng có nhận xét này);
  • người ta nghĩ rằng với mình, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào;
  • đời sống tinh thần người ta đơn giản;
  • người ta không có điều kiện bảo quản và giữ bí mật những suy nghĩ của mình.
Đặt vào hoàn cảnh chung đó, thấy Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm là một yếu tố mới trong đời sống tinh thần con người trong công cuộc chống Mỹ.

Trong nhận xét của người dịch Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm ra tiếng Anh có đoạn nói riêng về cách viết nhật ký của Ðặng Thuỳ Trâm:

“Ngòi bút của cô uyển chuyển từ văn xuôi cho đến thơ, từ suy ngẫm để tự phân tích bản thân, từ thổ lộ tâm tình cho đến phản ánh. Ở chỗ này, cô tự nói với mình. Ở những chỗ khác cô lại nói chuyện với những người bạn không hiện diện ở bên. Cô thường xuyên thay đổi đối tượng, đang nói chuyện với mình lại nói với một người khác một cách dễ dàng và không hề báo trước.” [5]

Vậy là ở đây, người ta thấy có một con người mau mắn, sinh động, tự tin.

Trước đây, nhân vật trung tâm trong văn học thường là những người sống quá hồn nhiên đến mức có thể bảo họ nặng về bản năng. Họ đi vào chiến tranh mà không suy nghĩ gì nhiều. Nổi lên ở họ chỉ là cái thanh thản của những trai làng đi làm việc nước từ bao đời nay (truyện ngắn Đỗ Chu). Họ sống thế nào cũng được. Thích cười vui đùa tếu, thích đi tìm cảm giác lạ (thơ Phạm Tiến Duật).

Với Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm, người ta bắt gặp một con người đi vào chiến tranh như một trí thức hoặc có chất trí thức. Chất trí thức này – hoặc đúng hơn là sự phong phú trong đời sống tinh thần, sự có mặt của âm nhạc thơ ca, văn học cổ điển thế giới - chỉ làm cho sự cảm thụ và ghi nhận chiến tranh của con người sắc bén thêm. Cũng do chất trí thức này, con người ở đây hiện ra không khác là bao so với con người trong các cuộc chiến tranh mà thế giới đã biết. Sự gần gũi giữa Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm với Nhật ký Anna Frank mà tôi nêu ra trong lời giới thiệu bản tiếng Việt, về sau đã được nhiều bạn đọc ở Mỹ xác nhận.

Thế có phải cứ viết nhật ký là làm bộc lộ được con người mình và tạo đươc hiệu quả chân thực? Nên chú ý là trước Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm một chút, và nhất là sau cuốn sách ít lâu, cũng có hàng loạt sổ tay ghi chép. Thế nhưng ở đó người ta chỉ nhận ra một người viết hời hợt. Một số trong các tác giả loại này không thể hiện được mình; một số khác thực ra không viết nhật ký mà đó chỉ là bản nháp của cuốn sách mà người ta muốn in ra khi từ mặt trận trở về. Người đọc cảm thấy người viết làm văn trên trang giấy, nên đã từ chối.

Chỉ đọc qua nhật ký của Ðặng Thuỳ Trâm, Nguyễn Trung Hiếu đã cảm thấy ở đây có lửa. Anh em nhà Whitehurst tin ở Ðặng Thuỳ Trâm như tin ở chính mình. Người dịch Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm ra tiếng Anh cảm thấy người viết nhật ký là một nhân cách cao quý.

Sở dĩ có được sự tin yêu đó vì Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm có được cái hồn nhiên như dòng suối vọt ra từ lòng đất. Nó được viết ra do nhu cầu của người trong cuộc chứ không hề tính tới việc xuất bản.


Theo quy luật của truyền thông đại chúng trong xã hội hiện đại

Trong đời sống tinh thần của người Việt, Truyện Kiều có một vai trò không cuốn sách nào có nổi. Các nhà nghiên cứu văn học cắt nghĩa là ở đó có sự phản ánh hiện thực hoặc tinh thần nhân văn. Nhưng theo tôi, ở đây còn có vai trò của chất cảm thương bi luỵ là một truyền thống của sự tiếp nhận văn học của đám đông quần chúng các nước phương Đông. Có thể bảo đây là một tác phẩm melodrama ở chỗ nó nói về thân phận bất hạnh của một người con gái. Cái chữ thường được người Việt quen dùng là tài hoa bạc mệnh. Thuý Kiều bất tử một phần lớn vì những giọt nước mắt của mình.

Nhìn lại Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm. Một người con gái giàu tình cảm đẹp đẽ nết na được đưa lên thành nhân vật chính. Người đó phải dấn thân vào cuộc đời đa đoan - ở đây là chiến tranh -, sống giữa những người xa lạ, và gặp nhiều nhỡ nhàng oan uổng trong tình yêu. Cuối cùng là cái chết. Sự cảm thụ kiểu melodrama như thế này không có trong phạm vi ý thức, mà chỉ ở phạm vi tiềm thức, nhưng với các đám đông, nó là yếu tố gây ra sự lan truyền mạnh mẽ và cả sự bùng nổ nữa.

Bản thân số phận cuốn nhật ký cũng khá ly kỳ. Nó giống như một đứa con rơi. Vừa ra đời đã bước vào cuộc lưu lạc. Chinh phục được ngay cả những kẻ ở bên kia chiến tuyến. Tiếp đó làm cuộc du lịch sang tận tây bán cầu. Mấy chục năm liền sống giữa những người xa lạ và làm cho họ rơi nước mắt. Chỉ nhờ những cớ ngẫu nhiên – người Việt hay nói nhờ Thần Phật run rủi – mà cuối cùng có cuộc hội ngộ với quê hương xứ sở.

Ở trên tôi đã nói thời điểm theo nghĩa rộng. Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm xuất hiện khi nhận thức về chiến tranh có sự chuyển giai đoạn.

Nhưng còn có thể hiểu thời điểm theo nghĩa hẹp, cái năm 2005 cụ thể. Lúc này, sau chuyến đi sang Mỹ của phái đoàn Phan Văn Khải, quan hệ Việt Mỹ mở ra với sự náo nức chờ đón của những người bình thường. Một thuận lợi không gì đo đếm nổi!

Sau hết, phải đặt Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm vào hoàn cảnh của truyền thông hiện đại. Tác phẩm không chỉ xuất hiện như một quyển sách văn chương, mà đã may mắn có mặt trên báo và được đọc trên đài phát thanh. Rồi các nhà làm phim, các nhà hoạt động sân khấu tấp nập xin nhập cuộc. Rồi sự chú ý của các cơ quan thông tấn nước ngoài, ý định về một loạt bản dịch. Nhờ dư luận trong nước mà người nước ngoài chú ý. Nhưng đến lượt mình, sự chú ý từ nước ngoài như thế lại thổi bùng sự quan tâm của bạn đọc trong nước, đưa nó tới một tầm mức mà trên nhiều phương diện, chưa một tác phẩm nào có được.

Với việc chấp nhận Nhật ký Ðặng Thuỳ Trâm, xã hội Việt Nam vốn rất nhiều yếu tố cổ điển đang tự chứng tỏ là nó qua một chặng mới và trở nên một xã hội hiện đại khi giải quyết một vấn đề lớn như nhìn nhận và đánh giá con người chiến tranh.

8-2007

Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Bài viết này sau được in lại trong một tập phê bình tiểu luận của tác giả. Xem Trang giấy trước đèn, Nxb Khoa học Xã hội, 1994: tr. 44-55.
[2]Xem Thể thao & Văn hoá, số ra 19 - 12-1997.
[3]Phan Khôi, “Về lối văn nhật ký”, trong Phụ nữ Tân văn số 150 ra ngày 23-6-1932. Dẫn lại theo Thanh Lãng, 13 năm tranh luận văn học, Nxb Văn học và Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học Thành phố Hồ Chí Minh, 1995: tr. 121-128.
[4]Như trên.
[5]Last Night I Dreamed of Peace – The Diary of Dang Thuy Tram, translated by Andrew X. Pham, Introduction by Frances Fitzgerald: p.20.
Nguồn: Bài này được đăng lần đầu bằng tiếng Anh, “The Diary of Ðặng Thuỳ Trâm and the Postwar Vietnamese Mentality” trên Journal of Vietnamese Studies, volume 3, number 2, summer 2008.