trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
13.9.2006
Huỳnh Phan
Chúng tôi đã “bị động” tham gia cuộc chiến
 
Qua nhiều bài viết của Trần Trung Đạo và đặc biệt qua bài “Khám nghiệm một ‘hồn ma’” của anh, tôi tin rằng anh đã rất thành tâm khi “tự gán cho mình cái trách nhiệm phải nói ra những điều mình nghĩ để may ra các em nhỏ miền Nam sinh ra sau cuộc chiến, nếu đọc được sẽ vơi bớt nỗi tủi hổ… các em nhỏ miền Bắc sinh ra sau cuộc chiến nếu đọc được hy vọng các em sẽ biết sự thật và chân lý không phải chỉ là những lời Đảng dạy…”. Tuy nhiên, tôi cảm thấy hình như trong các bài viết đó, anh vẫn ngầm tranh luận đâu là chính nghĩa hơn là cung cấp những sự thật khách quan cho các thế hệ đi sau. Vì thế, tôi xin phép được đóng góp một vài đìều rút ra từ thực tế cuộc sống hơn là từ các nghiên cứu khoa học (mà tôi không đủ khả năng để làm) và tôi nghĩ rằng có lẽ các em cũng nên biết.

Tôi đã từng sống ở vùng quê trong thời chiến tranh, đã thấy bằng chính mắt mình hàng xóm, họ hàng bị bắt dẫn cả xâu, tù đày ở chốn xa xôi vì là “Việt cộng nằm vùng”, cha tôi bị lùng bắt vì trước kia có tham gia Thanh niên Tiền phong, mẹ tôi bị tra nước (đổ nước vôi vào mũi, vào miệng) để khai chỗ cha tôi trốn. Tôi cũng có thân nhân bị cho “mò tôm” hoặc bị giết bằng mã tấu vì là “Việt gian chỉ điểm”. Trong làng tôi có phụ nữ bị hãm hiếp, có thanh niên bị giết mổ bụng lấy gan bởi “lính Nguỵ”. Tôi cũng nhìn thấy nhà cửa, ruộng vuờn mình và hàng xóm bị tàn phá vì bom đạn, vì thuốc khai quang của Mĩ Nguỵ; chuà chiền, nhà thờ, đình miếu bị đốt cháy vì bom lửa napalm,…

Tôi cũng đã từng sống ở vùng “quốc gia”, chứng kiến nhiều người bị thương vong, nhà cửa bị hư hại vì đạn pháo kích của “Việt cộng”. Tôi cũng đã hãi hùng thấy người chết và bị thương nằm la liệt sau các vụ nổ plastics ở các nhà hàng, rạp hát, chợ búa… do “Việt cộng” gây ra. Tôi cũng đọc tin về vụ thảm sát ở Mĩ Lai, vụ bom thả xuống bệnh viện Bạch Mai, nghe nói đấu tố ở miền Bắc, mồ chôn tập thể ở Huế,… Trong gia đình và họ hàng tôi có người đi theo bên này, có người tham gia bên kia. Tôi cũng được học hành đôi chút và cũng có tìm hiểu về lịch sử nước nhà, nhưng dĩ nhiên với cái nhìn của một người mới lớn, thiếu kinh nghiệm và hơn nữa sách vở cũng rất hạn hẹp trong môi trường của thời bấy giờ (và ngay cả bây giờ hơn 30 năm sau khi chiến tranh kết thúc, với điều kiện thông tin rộng mở, nhiều tài liệu mật đã được giải mã công bố nhưng những nhà nghiên cứu cũng vẫn chưa thống nhất với nhau về cuộc chiến này), thử hỏi trong điều kiện như thế tôi sẽ theo ai và rõ ràng nếu cuộc sống tiếp tục đưa đẩy thì tôi sẽ đứng về phía bên này hoặc phía bên kia nhưng chắc chắn không phải đó là một sự chọn lựa chủ động của mình (may mắn là hoàn cảnh cá nhân đã không đẩy tôi trực tiếp tham gia bên này hay bên kia cho tới ngày kết thúc cuộc chiến).

Tôi cho rằng hiếm có ai, với cuộc sống thời chiến lôi về phía trước, với tuổi trẻ non nớt của mình, với môi trường thông tin eo hẹp… của thời đó (và ngay cả bây giờ) lại có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ để biết đâu thật sự là chính nghĩa. Đối với dân miền Nam, tuỳ theo hoàn cảnh, môi trường sống cá nhân mà mỗi người sẽ nhìn thấy bức tranh mà tôi đã thấy theo những mức độ đậm nhạt khác nhau. Nếu chỉ sống ở vùng quê, họ sẽ thấy mặt trái của phe “quốc gia” nhiều hơn, do đó lòng họ dễ ngả về phía cộng sản hơn. Còn nếu chủ yếu chỉ sống ở thành thị, nghe thấy nhiều điều tệ hại của phe cộng sản thì họ sẽ thấy phe “quốc gia” là chói ngời chính nghĩa. Cũng lưu ý thêm là bè bạn, giáo dục (kể cả tuyên truyền) và nhất là gia đình… có ảnh hưởng rất quyết định tới thái độ chính trị của phần lớn chúng ta. Hầu hết chúng ta đều tin theo gần như không điều kiện sự chọn lựa của cha mẹ, hiếm ai đặt vấn đề về sự chọn lựa đó.

Ngoài ra cần nói thêm rằng đối với nhiều người cuộc sống trước mắt, nhất là cuộc sống thời chiến, mới là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp làm người ta đứng về phía bên này hay phía bên kia. Nhiều người ở vùng quê đã tham gia đi lính “quốc gia” vì lí do đơn giản là phải lo cho cuộc sống trước mắt. Do chiến tranh mà họ và gia đình đã bị đưa đẩy ra thành thị, không việc làm, chẳng có nghề nghiệp trong tay, để đối phó với cuộc sống của bản thân và gia đình, lúc ấy không có điều gì dễ hơn là bằng cách bán cái mạng của mình, tức đi đăng lính (lương lính có phụ cấp vợ con, có thể tạm đủ sống cho cả gia đình), nếu không đăng thì sớm muộn gì cũng bị bắt lính. Còn đối những người không chạy ra thành hoặc không có điều kiện để chạy ra thành thì việc tham gia “Việt cộng” cũng không phải là hoàn toàn tự nguyện. Các cán bộ “Việt cộng” thường xuyên tới tuyên truyền, “động viên tham gia cách mạng”, và dĩ nhiên gia đình cũng không phải dễ sống nếu không có người “thoát li” theo họ. Những người thành thị, kể cả những sĩ quan “quốc gia” cũ, có người nay là chức sắc của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, khi được hỏi, nhiều người cũng đã thành thật nói rằng ngày xưa họ cũng chưa có lập trường rõ ràng, và họ tham gia quân đội chẳng qua là do bị “động viên”, hay đến tuổi bị bắt lính mà thôi.

Đối với miền Bắc, thanh niên thời đó sống trong một môi trường thông tin, giáo dục một chiều, do đó nhiều người đã tham gia cuộc chiến với tất cả nhiệt huyết và niềm tin trong sáng của mình. Phải kể đến là cũng có rất nhiều trường hợp tham gia do những bức bách của cuộc sống đời thường: lòng tự ái cá nhân trước tập thể (cảm thấy hèn hoặc không có chỗ đứng khi mọi người đều tình nguyện ra đi), vì sự an nguy của gia đình (không dễ sống trước sức ép “lúa không thiếu một cân, quân không thiếu một người” từ địa phương)…

Nói tóm lại, ngoại trừ một số không nhiều các trường hợp cá biệt, việc tham gia phe này hay phe kia trong cuộc chiến vừa qua của mỗi người chủ yếu là do hoàn cảnh, môi trường, cuộc sống cá nhân đưa đẩy và rất nhiều trường hợp chúng ta đã tham gia với tất cả nhiệt tâm, niềm tin của mình và nếu so sánh thì chưa chắc niềm tin chính nghĩa của một anh lính “cộng hoà” gốc Bắc thua kém niềm tin của một anh bộ đội “đi B” về tính trong sáng. Do theo đuổi niềm tin đó một thời gian khá dài, thậm chí bằng máu và nước mắt, nên ai cũng có khuynh hướng tìm mọi cách để bảo vệ niềm tin của mình, coi đó là chính nghĩa mà việc từ bỏ nó là một điều hoàn toàn không dễ dàng, nhất là trước những cái được và cái mất của cá nhân và gia đình trong và sau chiến tranh. Điều này có thể thấy rõ qua kiểu lập luận “thương thì trái ấu cũng tròn, ghét thì bồ hòn cũng méo” của nhiều tác giả công khai hoặc ngầm đứng về phía bên này hay bên kia trên các diễn đàn. Có thể nói, trên thực tế khó có ai vượt lên trên điều kiện xã hội, cá nhân… của mình để tìm thấy một chính nghĩa theo nghĩa tuyệt đối, mà có chăng chỉ là niềm tin vào chính nghĩa, và thế hệ chúng ta nói chung đã “bị động” đứng về phía này hay phía kia trong cuộc chiến vừa qua (ở những mức độ khác nhau). Hay nói theo cách đơn giản là: trong bối cảnh lịch sử của đất nước, tôi theo “quốc gia” vì cha mẹ tôi /những người tôi chịu ảnh hưởng theo “quốc gia” hoặc tôi ở vùng “quốc gia”, anh theo cộng sản vì cha mẹ anh/ những người anh chịu ảnh hưởng theo cộng sản hoặc anh ở vùng cộng sản, và nhận thức về chính nghĩa cũng chỉ theo hiểu biết và kinh nghiệm trong điều kiện và hoàn cảnh hạn chế của từng cá nhân.

Theo tôi đó là sự thật đơn giản và theo lẽ thường mà các thế hệ trẻ hơn cần biết và đó cũng có thể là bài học bổ ích cho các em trong cuộc sống. Chính vì không nắm được sự thật đơn giản đó, dù trong điều kiện hiện nay, rất là buồn lòng là có khá nhiều bạn trẻ (không có hiểu biết nhiều về cuộc chiến vừa qua) đã tự gán cho mình thuộc phe này hay phe kia (cũng do ảnh hưởng hoàn cảnh môi trường sống như chúng ta) rồi ra sức công kích nhau, đối đầu với nhau trên nhiều diễn đàn và bên nào cũng tự cho rằng mình là kẻ nắm chân lí. Sức lực đó có lẽ tốt hơn nên dành vào việc thảo luận tìm cách tháo gỡ các hạn chế hiện nay, tìm các hướng đi cho tuơng lai của đất nước…

Cũng với cách nhìn như trên thì rõ ràng việc đào xới lại quá khứ để kết án hoặc chứng minh rằng phe này hay phe kia là chính nghĩa (hay chính nghĩa hơn) sẽ không bao giờ đi đến kết quả mà chỉ làm rộng thêm hố ngăn cách mà chúng ta đang muốn san bằng. Cuộc chiến vừa qua cũng như cuộc chiến thời Trịnh - Nguyễn, dù bên này hay bên kia có được xem là chính nghĩa hay chính nghĩa hơn, đều đã làm đất nước điêu linh, nhân dân thống khổ. Lịch sử có thể sẽ có một phán xét khách quan hơn sau này, và dù cho phán xét đó là như thế nào thì sẽ chẳng có ảnh hưởng gì đối với những người đã tham gia cuộc chiến vừa qua và cũng ảnh hưởng rất ít tới con cháu của họ. Bây giờ nếu ta có chê bai hay khen tụng chúa Trịnh (hay chúa Nguyễn) và những người theo họ chẳng hạn, có lẽ cũng chẳng làm con cháu họ phiền lòng hay vui mừng đáng kể và chỉ có tác dụng như kinh nghiệm cần tránh cho những người đang sống và các thế hệ tương lai. Thế hệ trẻ hiện nay ở cả hai miền Nam Bắc cũng thế, có lẽ họ cũng chỉ quan tâm nhiều tới cuộc sống trước mắt của họ hơn là quá hãnh diện hay tủi hổ vì lí lịch nhiều đời của mình như Trần Trung Đạo đã nêu.

Vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với Triệu Tử rằng “vấn đề tìm kiếm, tranh đấu cho một tương lai mới, một tinh thần mới, một ngọn cờ mới cho đất nước mới là điều cần thiết hơn hết, thực tế hơn hết” cho tất cả chúng ta. Điều này chỉ trở thành hiện thực khi chúng ta biết nhìn nhau với cách nhìn cởi mở hơn, biết nhìn nhận và đánh giá nhau công bình hơn… và nhất là khi lòng còn nặng về một phía thì cố dừng lại việc rao giảng cho thế hệ trẻ những điều mình cho là chân lí về cuộc chiến. Điều cuối này quả là khó nhưng chính nó đã và đang làm sự đối đầu tiếp tục kéo dài thêm, điều mà có lẽ không ai trong chúng ta mong muốn.


© 2006 talawas