(tiếp chương 11)
Với những chiến thắng ở Cam Bốt được thâu lượm quá dễ dàng, gần cuối năm 1970, thẩm quyền dân sự từ Hoa Thịnh Đốn “đề nghị” MACV đề nghị với bộ tổng tham mưu VNCH mở một cuộc hành quân qua Hạ Lào với mục đích tương tự như cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Nhưng cuộc hành quân lần này hơi khác, thẩm quyền dân sự thông báo cho MACV: Vì luật Quốc hội không cho phép quân đội Hoa Kỳ có mặt trên đất Lào, cuộc hành quân sẽ hoàn toàn do quân đội VNCH đảm nhiệm. Hoa Kỳ chỉ có thể yểm trợ quân đội VNCH bằng các phương tiện như không vận, hỏa lực Pháo binh và không yểm.
Nhưng lần này, mục đích của Hoa Thịnh Đốn khi đánh qua Hạ Lào năm 1971 không thuần túy chỉ là mục đích quân sự. Theo những tài liệu giải mật có liên hệ đến chủ đích của kế hoạch đánh qua Hạ Lào đã được công bố, Cố vấn An ninh Quốc gia Kissinger đề nghị VNCH đánh qua Lào năm 1971 để làm gián đoạn tiềm năng quân sự của CSBV vào năm 1972, năm bầu cử tổng thống Mỹ. Chính Kissinger là người khuyên Nixon là đừng nên rút quá quân nhiều, quá vội trong năm 1971: đợi đến cuối năm 1972 rồi sẽ rút hết. Giữ lại một số quân để bảo đảm tình hình quân sự ở Việt Nam và đồng thời có được một an toàn cho cuộc bầu cử năm 1972 (trong ý nghĩa tình hình chiến sự ở Việt Nam được yên lặng thì giới phản chiến Mỹ không có lý do để biểu tình và đảng Dân Chủ không có cớ nói đảng Cộng Hòa vẫn chưa giải quyết được tình hình quân sự ở Việt Nam). Đây là một chiến thuật chính trị khá độc đáo của Kissinger. Và Nixon nghe theo.
[1]
Sử liệu sau này - hay ít ra là sử liệu viết trước khi cuốn hồi ký của Hademan ra đời, và một số tài liệu giải mật được công bố gần đây - không xác định chắc chắn ai là cha đẻ của kế hoạch đánh qua Hạ Lào năm 1971. Và sau khi cuộc hành quân kết thúc với một kết quả không được hoàn hảo như dự tính, dĩ nhiên không ai muốn nhận làm cha đẻ của một kế hoạch thiếu mỹ mãn. Mặc dù các sử gia không thể xác định chắc chắn, nhưng dựa vào nhiều hồi ký và tài liệu, họ có thể suy luận kế hoạch có thể bắt nguồn từ Nixon; Kissinger; Hội đồng An ninh Quốc gia; hay cũng có thể là khởi nguồn từ tướng Alexander Haig, một phụ tá tín cẩn của Kissinger đương thời.
[2] Kissinger, trong hồi ký viết sau này, chẳng những không nói rõ ai là tác giả đề nghị kế hoạch đánh qua Lào, mà còn chối là mình có khởi sự và tham dự vào kế hoạch đó.
[3]
Kế hoạch tấn công qua Hạ Lào để cắt đứt đường tiếp vận và xâm nhập vào chiến trường miền Nam của CSBV, không phải là một quyết định hay đề nghị mới. Năm 1964 Lục quân Hoa Kỳ phát họa một kế hoạch, trong đó dùng bốn sư đoàn đánh và giữ một phòng tuyến dài từ Đông Hà qua Savannakhet. Kế hoạch được tư lệnh Lục quân Harold K. Johnson chấp thuận, nhưng bị đô đốc Sharp của bộ tư lệnh Thái Bình Dương phủ phản đối trên lý do đóng quân như vậy thì quá thụ động, không làm được gì. Từ năm 1966 tướng Westmoreland đã yêu cầu ban tham mưu MAVC phát họa một kế hoạch đánh qua Lào, bắt đầu từ Lao Bảo, dọc theo quốc lộ 9 đến Sê Pôn, một trung tâm nhận và chuyển hàng của CSBV. Giữa năm 1969, khi Abrams thừa nhiệm Westmoreland, tướng Abrams cũng đề nghị đánh qua Lào trước khi có cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt. Năm 1972, trong một bài viết về một chiến lược để cô lập CSBV, đại tướng Cao Văn Viên nói từ năm 1966 ông đã đề nghị hai giải pháp quân sự để cô lập đường tiếp tế của cộng sản: Hoặc đánh vào Vinh để cắt đứt nút xâm nhập ở các đèo Mụ Già, đèo Ban Karai; hoặc đánh theo đường số 9 để chiếm giữ Sê Pôn. Nhưng vì một lý do chính trị nào đó, thẩm quyền dân sự ở Hoa Thịnh Đốn không ưng thuận hay khuyến khích các kế hoạch do các tư lệnh quân sự đề nghị.
[4]
Nhưng dưới chính phủ của tay đánh phé Nixon và ông cố vấn phù thủy Kissinger, kế hoạch đánh qua Lào quyền rũ hơn lần đánh qua Cam Bốt. Năm 1971 là năm bầu cử tổng thống VNCH, và năm 1972 là năm bầu cử tổng thống Mỹ. Sau khi đánh qua Lào, thắng hay thua, với thiệt hại đôi bên, tình hình quân sự sẽ tạm lắng dịu, và như vậy tình hình sẽ có lợi cho hai chính phủ đương nhiệm ở Hoa Kỳ và Việt Nam. Hơn nữa, theo chương trình rút quân, vào cuối năm 1972 tổng số quân Mỹ còn có mặt ở Việt Nam sẽ không hơn 50 ngàn người. Nếu phải đánh tan - hay ít ra giảm thiểu - tiềm năng quân sự của CSBV, thì đây là cơ hội duy nhất còn lại. Với những suy luận đó, Nixon quyết định ra tay trước khi CSBV có thể tái bổ sung những thiệt hại ở Cam Bốt. Ban đầu, Nixon có ý định dùng TQLC và Bộ binh đổ bộ lên Vinh (kế hoạch tương tự như kế hoạch của tướng Viên), nhưng cố vấn Kissinger đề nghị đánh trở lại Cam Bốt thêm một lần thứ nhì nữa để dọn sạch những căn cứ của CSBV. Sau cùng họ để ý đến một đề nghị của đô đốc John McCain, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. McCain, trong một điện tín gởi cho Abrams vào tháng 10-1970, đề nghị MAVC nghiên cứu những mục tiêu nhắm vào các căn cứ hậu cần của CSBV nằm dọc theo biên giới Việt-Lào (Đề nghị của đô đốc McCain chỉ là một trong những đề nghị hành quân thông thường, không liên quan gì đến ý định của Nixon và Kissinger. Giữa tháng 6-1970, McCain có thăm viếng bộ tư lệnh MACV để duyệt xét tình hình của cuộc hành quân đang diễn tiến bên Cam Bốt.). Nixon và Kissinger chọn kế hoạch của McCain nhưng thay đổi đi một vài mục tiêu để phù hợp với kế hoạch chính trị của họ: Thay gì chỉ đánh vào các mục tiêu nằm gần và dọc theo biên giới Việt-Lào, kế hoạch sẽ đánh 30 cây số sâu vào nội địa Lào (tới Sê Pôn), rồi sau đó quân đội VNCH sẽ bọc trở lại để tiếp tục phá hủy các căn cứ hậu cần nằm dọc theo biên giới. Chưa hết, cùng lúc đánh qua Lào, một lực lượng khác của quân đội VNCH sẽ tấn công trở lại Cam Bốt, đánh sâu vào khu vực đồn điền cao su Chup, nơi cộng sản đang xây dựng những căn cứ mới.
[5]
Đầu tháng 12-1970, ban tham mưu liên quân liên lạc qua đô đốc McCain, cho phép tướng Abrams bàn thảo với tướng Viên về kế hoạch hành quân qua Lào.
[6] Ngày 7, tướng Abrams và đại sứ Bunker gặp tổng thống Thiệu gần một tiếng rưỡi để trình bày sơ qua khái niệm cuộc hành quân. Trở về bộ tư lệnh, Abrams đánh điện tín thông báo cho đô đốc McCain là, tổng thống Thiệu đồng ý kế hoạch. Abrams cho biết tổng thống Thiệu chọn vùng Sê Pôn là mục tiêu chính; đường số 9 là trục lộ di chuyển quân; cấp số căn bản cho cuộc hành quân là hai sư đoàn, cộng thêm một số quân Thiết kỵ; thời điểm bắt đầu hành quân là sau Tết; thời gian hành quân kéo dài chừng hai đến ba tháng; sau đó vẫn giữ lại một số đơn vị nhỏ để đánh phá quấy rối chung quanh các căn cứ hậu cần cộng sản.
[7] Ngày 8, một điện tín từ ban tham mưu liên quân gởi qua McCain cho tướng Abrams, xác định lại chi tiết rõ ràng hơn: hành quân qua Lào, dọc theo đường số 9. ... Hoa Kỳ sẽ yểm trợ hỏa lực và không vận. ... Cùng lúc, cũng phải soạn thảo kế hoạch tấn công qua Cam Bốt. Hai ngày sau, đích thân đô đốc Thomas Moorer, tham mưu tưởng ban tham mưu liên quân, chuyển lại cho Abrams một huấn lệnh của tổng trưởng quốc phòng viết theo lệnh của tổng thống Nixon. Huấn lệnh thông báo, “tổng thống giao trách nhiệm [cho Abrams] phối hợp với quân đội VNCH và quân đội Cam Bốt [trong cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt] để tấn công quân địch với tất cả khả năng ... nhưng nằm trong giới hạn chính trị của quân đội Hoa Kỳ [nghĩa là quân đội Hoa Kỳ không thể đi kèm theo quân VNCH qua biên giới].” Bức điện tín đồng thời cho biết Nixon sẽ cho tướng Alexander Haig đến Sài Gòn và Nam Vang để cùng tham khảo kế hoạch của hai cuộc hành quân.
[8] Tướng Haig đến Sài Gòn trung tuần tháng 12, thảo luận với tổng thống Thiệu, tướng Abrams và đại sứ Bunker. Sau chuyến đi tham khảo của Haig, tổng trưởng quốc phòng Laird đến Sài Gòn thượng tuần tháng 1, năm 1971. Theo những gì được viết lại, Laird cũng có thảo luận với tổng thống Thiệu về kế hoạch hành quân qua Lào.
[9] Ngày 18 tháng 1-1971, tòa Bạch Ốc nhóm họp để quyết định về cuộc hành quân đánh sang Lào. Buổi họp có mặt của Nixon, tổng trưởng quốc phòng Laird, ngoại trưởng William Rogers, tham mưu trưởng liên quân Moorer, xếp CIA Richard Helm, tướng Haig, và Kissinger. Trên nguyên tắc, tất cả hiện diện đều đồng thuận với kế hoạch. Chỉ trừ ngoại trưởng Rogers. Rogers phản đối kế hoạch và phản đối rất có lý: cấp số quân quá ít; cuộc hành quân đi vào địa thế nguy hiểm. Ông ngoại trưởng nhắc cho mọi người nhớ, kế hoạch của ban tham mưu Lục quân, và kế hoạch của Westmoreland vài năm trước đây đòi hỏi một lực lượng không dưới bốn sư đoàn quân Hoa Kỳ, cộng với không lực yểm trợ của ba quân chủng. Bây giờ, với một lực lượng dưới ba sư đoàn lính VNCH và một hỏa lực yểm trợ rất giới hạn của Hoa Kỳ, làm sao chúng ta đặt tin tưởng tuyệt đối vào cuộc hành quân được? Nhưng Nixon gạt ngang sự phản đối của ngoại trưởng Rogers, chấp thuận kế hoạch hành quân và ra lệnh soạn thảo để thi hành.
[10]
Từ tháng 3-1970, trước khi có cuộc hành quân của VNCH và Hoa Kỳ vẫn đánh qua Cam Bốt, và trong thời gian cuộc hành quân đang diễn ra, hệ thống tình báo điện tử của Hoa Kỳ thâu được một số điện tín của bộ tư lệnh cao cấp CSBV gởi cho các binh trạm đóng dọc trên hệ thống đường xâm nhập Hồ Chí Minh từ Lào xuống cam Bốt. Bộ tư lệnh CSBV ra lệnh cho các binh trạm chuẩn bị tác chiến nếu cần, vì địch có thể tiếp tục tấn công qua Cam Bốt, Lào hay qua khu vùng ba biên giới. Những tháng kế tiếp, tình báo điện tử tiếp tục ghi nhận lệnh từ cấp trên lưu ý các đơn vị đóng từ Vinh cho đến Hạ Lào, là địch có thể tấn công bất thần, kể cả chuyện đổ bộ lên Vinh. Đầu tháng 10, 1970, CSBV thiết lập một bộ tư lệnh cấp Quân đoàn có tên là 70B, đóng ở khu vực đường 9 bên kia biên giới, để chuẩn bị trả chống trả mọi cuộc tấn công qua biên giới của quân đội VNCH. Từ tháng 3-1970, các tư lệnh cấp trung đoàn và sư đoàn được lệnh phải đích thân đi thám thính địa hình dọc theo, và chung quanh đường số 9. Với những biến chuyển và hoạt động quân sự đang diễn ra ở Vùng I và Khe Sanh, CSBV biết cuộc tấn công qua Hạ Lào sắp sửa tiến hành.
[11]
Về phía VNCH. Sau khi nghe đề nghị của Hoa Kỳ; sau khi nghe đại tướng Viên tường trình kế hoạch hành quân mà bộ tư lệnh MACV đã thảo luận với ông, tổng thống Thiệu cho phép soạn thảo kế hoạch Hành Quân Lam Sơn 719. Kế hoạch hành quân có khái niệm tổng quát như sau: Cuộc hành quân có bốn giai đoạn. Giai đoạn I: Giai đoạn này bắt đầu từ đầu tháng 1, phần lớn do Hoa Kỳ phụ trách. Các đơn vị công binh, Thiết kỵ Mỹ sẽ giải tỏa, tái thiết và thiết lập an ninh trên quốc lộ 9 từ Đông Hà đến Lao Bảo; tái chiếm căn cứ Khe Sanh để làm nơi đổ bộ quân và làm hậu cứ tiền phương bên này biên giới.
[12] Giai Đoạn II: Với một cấp số quân tương đương ba sư đoàn, gồm sư đoàn Nhảy dù, sư đoàn 1 Bộ binh, lữ đoàn 1 Thiết kỵ, và Liên đoàn 1 Biệt động quân. Quân Dù và Thiết kỵ sẽ tiến theo trục lộ đường 9, đáng qua biên giới về hướng tây. Trong thời gian đó, một Tiểu đoàn Dù được trực thăng vận nhảy vào một mục tiêu trước mặt, cách biên giới khoảng 12 cây số, có tên là Bản Đông (trên bản đồ hành quân có tên là A Lưới) để thiết lập bộ chỉ huy tại mặt trận. Cùng lúc, hai Tiểu đoàn Dù được trực thăng vận lên chiếm hai đỉnh đồi hướng đông bắc (căn cứ hỏa lực 30) và tây bắc (căn cứ hỏa lực 31) của Bản Đông để thiết căn cứ hỏa lực và bảo vệ mặt bắc của trục tiến quân. Đồng thời, về hướng đông bắc của căn cứ hỏa lực 30, ba Tiểu đoàn Biệt động quân (BĐQ) sẽ thiết lập hai điểm phòng thủ như một tiền đồn quan sát và canh chừng địch quân có thể tràn xuống tiếp viện từ hướng đông bắc. Ở phía nam của trục tiến quân, các Tiểu đoàn của sư đoàn 1 sẽ thiết lập những căn cứ hỏa lực ở cao điểm Co Roc, từ biên giới chạy dài đến Bản Đông để bảo vệ mặt nam của hướng tiến quân. Sau khi các đơn vị đã nằm vào vị trí của họ, quân Thiết kỵ sẽ theo dường số 9, đánh thẳng về Sê Pôn để bắt tay với một lữ đoàn Dù được trực thăng vận vào đó cùng lúc. Ngoài các lực lượng tấn công qua bên kia biên giớ, ở bên này căn cứ Khe Sanh, hai lữ đoàn TQLC sẽ nằm phòng thủ như một lực lượng trừ bị. Giai đoạn III: Với giả định quân Dù chiếm được Sê Pôn, và quân Thiết kỵ tiến vào bắt tay quân bạn, quân Dù sẽ lục soát chung quanh Sê Pôn; các đơn vị của sư đoàn 1 sẽ lục soát các khu vực phía nam Sê Pôn. Giai Đoạn IV: Khi được lệnh lui quân, các lực lượng tấn công sẽ lui quân theo hai kế hoạch. Theo kế hoạch 1, Dù và Thiết kỵ sẽ rút về Bản Đông. Từ đó, hai lực lượng này sẽ bảo vệ sư đoàn 1 vừa lục soát các căn cứ địch, vừa tiến về hướng đông nam để rút về biên giới. Trong khi đó, quân BĐQ ở hướng đông bắc sẽ nhập vào quân Thiết kỵ và rút ngược về biên giới theo quốc lộ 9. Các đơn vị TQLC sẽ hành quân dọc theo biên giới trong thời gian đó, vừa quấy phá vừa ngăn ngừa những cuộc phục kích có thể xảy ra cho quân bạn. Kế hoạch lui quân 2 chỉ khác 1 ở chỗ quân Dù sẽ tiếp tục nối đuôi theo sau sư đoàn 1 để lục soát căn cứ địch, nhưng thay gì đi theo hướng tây nam về biên giới, hai cánh quân này sẽ theo hướng đông để về đường 9.
[13] Tư lệnh của cuộc hành quân là trung tướng Hoànhg Xuân Lãm, đương nhiệm tư lệnh Vùng I. Trừ sư đoàn Nhảy dù (và hai lữ đoàn TQLC nằm trừ bị ở Khe Sanh), tất cả các đơn vị tham gia cuộc hành quân đều là đơn vị cơ hữu của Quân đoàn I. Ngày hành quân được ấn định là sau Tết Tân Hợi.
Giữa tháng tháng 1, bộ tổng tham mưu và MACV cho sĩ quan hành quân ra trình bày kế hoạch với tướng Hoàng Xuân Lãm và trung tướng James W. Sutherland của Quân đoàn XXIV. Ngày 21, cả hai vị tướng bay về Sài Gòn để tường trình kế hoạch chung cho MACV và bộ tổng tham mưu. Cùng ngày, đích thân tướng Lãm trình kế hoạch hành quân cho tổng thống Thiệu duyệt xét. Ngày 25 tháng 1-1970, tin hành quân đánh qua Lào được chánh thức loan báo xuống tận cấp Tiểu đoàn ở một vài đơn vị tham dự.
[14]
Sau gần bốn ngày bị đình trệ vì thời tiết, qui luật hành quân từ phía Hoa Kỳ, và tai nạn, hành quân Lam Sơn 719 bắt đầu vào ngày 8 tháng 2-1971, khi quân Dù và Thiết kỵ băng qua biên giới để tham dự vào một cuộc hành quân qui mô và tốn kém nhất trong lịch sử cuộc chiến.
[15]
Trên giấy tờ, kế hoạch hành quân Lam Sơn 719 nhìn rất đơn giản: tin tức về các lực lượng địch quân đang có mặt trong vùng không quá nhiều để gây nhiều lo lắng cho ban tham mưu soạn thảo; không ảnh cho thấy địa hình phức tạp, nhưng không phức tạp đến độ gây trở ngại cho quân Thiết kỵ. Và với những hứa hẹn hỏa lực yểm trợ từ Không quân chiến thuật và chiến lược của Hoa Kỳ, ban tham mưu không thấy cuộc hành quân sẽ gặp một trở ngại nào. Sự thành công trong lần đánh qua Cam Bốt đã làm cho ban tham mưu soạn thảo hành quân lạc quan hơn.
Nhưng tin tức tình báo và hình chụp từ trên trời không thể nhìn thấy tất cả những gì được che đậy dưới những cánh rừng dầy của Hạ Lào. Tình báo cũng không thể nào cập nhật được sự di động liên tục của các đơn vị đối phương. Sự ước lượng về quân số của CSBV trong vùng hành quân chỉ chính xác trong thời điểm soạn thảo kế hoạch; và khi không ảnh cho thấy đường số 9 tuy bị hư nhiều vì bom nhưng còn di chuyển được thì chỉ là trên ...hình ảnh. Trên thực tế, hai chi tiết quan trọng này khác xa ước tính. Trong thời gian soạn thảo, kế hoạch ước lượng CSBV chỉ có khoảng 22 ngàn quân ở chung quanh Sê Pôn. Đến đầu tháng 1, ước lượng về cấp số quân của đối phương trong vùng hành quân được tăng lên tương đương ba sư đoàn rưỡi (bằng quân số dưới tay của của Quân đoàn 70B). Nhưng đến thượng tuần tháng 2, khi quân đội VNCH chuẩn bị băng qua biên giới, CSBV đã có khả năng quy động một số quân tương đương với bảy sư đoàn để chuẩn bị ứng chiến trong vùng hành quân.
[16]
Về trục lộ di chuyển và địa hình của mặt trận: Không ảnh không cho thấy nhiều chỗ hư nát của đường số 9 vì bị cỏ và lá thấp bao phủ. Đường số 9 là một con đường bị bỏ hoang gần 20 năm (khúc từ biên giới Việt Nam đi về Sê Pôn), tất cả cầu trên đường đã bị Không quân Mỹ đánh sập. Những trận oanh kích ngày đêm đã cắt con đường ra từng đoạn bằng những hố bom sâu năm, bảy thước.
[17] Địa hình Hạ Lào không thuận lợi nếu không nói bất lợi cho chiến xa và quân Thiết kỵ. Đường số 9, với bên phải là rừng cây dầy dặt, bên trái là sông Sê Pôn với rừng và chỏm đá cao dọc theo bờ sông, giới hạn tầm quan sát của Thiết kỵ. Địa hình dọc theo trục lộ lại càng giới hạn chiến thuật sử dụng chiến xa khi chiến xa không thể rời được lộ chánh để nới rộng địa bàn hoạt động hay trinh sát, canh chừng vòng đai an ninh xa hơn. Không như ở mặt trận Cam Bốt, địa hình ở Hạ Lào không phải là địa hình để có thể dàn một mặt trận dài sáu cây số hàng ngang, với 200 xe tăng và thiết vận xa, mỗi chiếc cách nhau 25 mét, và cứ thế tác xạ và tiến quân.
[18]
Tuần đầu tiên của cuộc hành quân mọi chuyện xảy ra như dự định. Nhảy dù và BĐQ chiếm các tọa độ và thiết lập các căn cứ hỏa lực như được chỉ định; bộ chỉ huy mặt trận đã nằm ở Bản Đông hai ngày trước khi quân Thiết kỵ tiến 12 cây số từ biên giới đến để gia nhập họ. Ở phía đông nam Bản Đông, lính Bộ binh của sư đoàn 1 đã an tọa trên những cao điểm, nhìn về hướng nam canh giữ.
Nhưng đến tuần thứ hai, tình hình thay đổi: sau khi xác định được vị trí của các lực lượng VNCH và sau khi đã viện quân đầy đủ, CSBV chuẩn bị tấn công vào các cao điểm và căn cứ hỏa lực của VNCH.
Trong khi đó, lực lượng Thiết kỵ từ Bản Đông tiến về mục tiêu Sê Pôn ở hướng tây được chừng năm cây số thì gặp sức kháng cự. Căn cứ hỏa lực 30 bắt đầu bị pháo vào ngày 16 tháng 2. Ở hướng tây của căn cứ 30, quân CSBV phối hợp chiến xa và Bộ binh để tấn công trực diện điểm phòng thủ của đồi 31, nơi đặt bộ chỉ huy của lữ đoàn 3 Nhảy dù. Ở phía nam, tất cả cứ điểm của sư đoàn 1 Bộ binh đều bị tấn công lẻ tẻ. Vấn đề tiếp tế cho các căn cứ hỏa lực bằng trực thăng càng lúc càng khó khăn hơn vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh. Không ảnh và phi cơ quan sát cho biết CSBV có một lực lượng tương đương 19 Tiểu đoàn phòng không, trang bị khoảng 525 đến 575 súng phòng không các loại 12.7, 23, 37, hay đôi khi 57 ly.
[19] Cuộc tiến quân về Sê Pôn chậm lại theo đà kháng cự của đối phương. Ngày 16 tháng 2, tướng Viên và tướng Abrams bay ra bộ tư lệnh tiền phương ở Đông Hà để họp với tướng Lãm và Sutherland. Trong cuộc họp này họ thay đổi kế hoạch hành quân: Các lực lượng Bộ binh của sư đoàn 1 sẽ nhảy chiếm các ngọn đồi cao ở phía nam sông Sê Pôn để giúp cho quân Dù và Thiết kỵ tiến nhanh hơn về mục tiêu Sê Pôn. Ba ngày sau, ngày 19, tổng thống Thiệu cũng bay ra Đông Hà để nghe thuyết trình tình hình chiến sự. Sau khi nghe tình hình, tổng thống Thiệu ra lệnh cho tướng Lãm tiến quân chậm lại và bỏ nhiều thì giờ hơn lục soát các kho chứa quân nhu dụng ở hướng tây nam Bản Đông. Nhưng sự đình trệ này đã giúp cho đối phương có thêm thì giờ củng cố nhân lực và tập trung hỏa lực để phản công.
[20] Đến thời điểm đó VNCH có hơn 10.600 quân ở Hạ Lào, đối diện với 35 ngàn quân của năm sư đoàn CSBV.
[21]
Ngày 18 tháng 2, địch tấn công mạnh vào hai căn cứ BĐQ ở hướng đông bắc do Tiểu đoàn 21 và 39 trấn giữ. Ngày hôm sau CSBV pháo kích để cầm chân Tiểu đoàn 21, trong khi nỗ lực tấn công Tiểu đoàn 39. Ngày 20, chịu không nổi áp lực địch, Tiểu đoàn 39 di tản khỏi cao điểm và rút về căn cứ của Tiểu đoàn 21 BĐQ ở cách đó vài cây số. Nhưng hai ngày sau, chính Tiểu đoàn 21 cũng được lệnh di tản về căn cứ hỏa lực 30 của Nhảy dù. Đến đây, trừ căn cứ hỏa lực 30 và 31, CSBV đã gần như làm chủ các cứ điểm ở hướng bắc của Bản Đông và đường số 9.
[22] Mười một giờ sáng ngày 25, sau một trận pháo kích tàn khốc, CSBV sử dụng chiến xa và Bộ binh ồ ạt tấn công căn cứ hỏa lực 31 từ bốn hướng. Khoảng năm giờ chiều, căn cứ 31 thất thủ. Ngày 3 tháng 3, Tiểu đoàn 2 Nhảy dù, sau hai ngày không được tiếp tế nước và lương thực, và với số thương vong khoảng 200 quân, được lệnh di tản bằng đường bộ ra khỏi căn cứ hỏa lực 30. Hướng bắc của đường 9 bây giờ hoàn toàn nằm trong tay CSBV.
[23]
Thấy sự kháng cự của địch càng lúc càng mạnh, ngày 28 tháng 2 tổng thống Thiệu bất thần ra lệnh sư đoàn TQLC nhảy vào Hạ Lào để thay thế sư đoàn Nhảy dù tại mặt trận. Nhận được quân lệnh thay quân rất khó khăn đó, trưa ngày 28 tuớng Hoàng Xuân Lãm bay về Sài Gòn để bàn thảo tình hình với tổng thống Thiệu. Thay gì dùng TQLC thay thế quân Dù, tướng Lãm đề nghị, Quân đoàn I sẽ dùng Bộ binh của sư đoàn 1 nhảy vào Sê Pôn; dùng quân Dù bảo vệ hướng bắc và đường số 9; hai lữ đoàn TQLC sẽ thay vào chỗ của sư đoàn 1 ở các cao điểm hướng nam đường 9. Sau khi nghe kế hoạch trình bày, tổng thống Thiệu chấp nhận đề nghị của tướng Lãm.
[24] Với sự tham dự của sư đoàn TQLC và một vài đơn vị BĐQ và Bộ binh, quân đội VNCH bây giờ có gần 17 ngàn quân ở mặt trận Hạ Lào.
Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 3, các Tiểu đoàn của hai trung đoàn 1 và 2 của sư đoàn 1 tiếp tục nối đuôi nhau chiếm những cao điểm ở phía nam đường số 9, dẫn dài về mục tiêu Sê Pôn. Ngày 6 và 7, một đoàn trực thăng 120 chiếc chở hai Tiểu đoàn 2 và 3 của trung đoàn 2 nhảy vào Sê Pôn. Chiếm được mục tiêu, các đơn vị chia nhau lục soát chung quanh căn cứ quan trọng nhất trên con đường chuyển vận, xâm nhập vào nam của CSBV. Ngày 12 tháng 3 quân đội VNCH bắt đầu chuẩn bị rút quân khỏi địa phận Hạ Lào.
[25] Cuộc rút quân không phải không khó khăn nhất là rút quân khi mặt trận vẫn còn tiếp diễn. Một vài đơn vị bị thiệt hại nặng khi họ bị chận đánh trên đường về.
[26] Cuộc hành quân Lam Sơn 719 được coi như kết thúc khi những đơn vị cuối cùng của VNCH bước về bên này biên giới vào ngày 24 tháng 3-1971.
Số thương vong chết và bị thương của VNCH trong cuộc hành quân là 8.300 quân, và 651 mất tích. Số tử thương phía cộng sản ước lượng hơn 16.000 người.
[27] Số lượng vũ khí, quân nhu dụng bị tịch thu và phá hủy trong trận Hạ Lào bằng ba lần số lượng trong cuộc hành quân qua Cam Bốt năm 1970.
Cuộc hành quân 45 ngày đánh qua Lào, ngoài sự thiệt hại gần 50 phần trăm số quân tham dự, đã không hoàn tất được mục tiêu hoạch định: thời gian hành quân không kéo dài 90 ngày như dự định để có thể lục soát tận tường các kho dự trữ của CSBV ở chung quanh Sê Pôn; và kế hoạch truy lùng ngược về các căn cứ nằm trong vùng Co Roc, gần sát biên giới Việt Lào cũng không thực hiện được. Cuộc hành quân có nhiều khiếm khuyết. Nhưng những khiếm khuyết đó không đến từ sự chiến đấu của tất cả các đơn vị tham dự, mà đến từ những lỗi lầm của ban tham mưu lúc soạn thảo kế hoạch hành quân.
Trái với những tin đồn là tình báo Bắc Việt có được trong tay tin tức và chi tiết cuộc hành quân từ lúc được phác họa. Trên thực tế, cuộc hành quân được tổ chức quá hấp tấp, quá lộ liễu, để có thể che mắt đối phương. Căn cứ và phi trường Khe Sanh bị bỏ hoang từ tháng 7-1968, nhưng đến cuối tháng 1-1971 thì công binh Hoa Kỳ trở lại sửa chữa, thiết lập phi đạo để cung ứng cho phi cơ vận tải chiến lược (C-130). Quân Thiết kỵ và Không Kỵ Mỹ bắt đầu thiết lập an ninh trên trục lộ Đông Hà-Khe Sanh ...các phi trường ở tuyến đầu Vùng I nhộn nhịp với những chuyến phi cơ vận tải đổ quân từng vùng khác về. ... Với những họat động quân sự đó, một người mù cũng có thể đoán được ý định của đối phương. Thêm vào đó, sau cuộc hành quân đánh như chẻ tre qua Cam Bốt, sau khi lực lượng đặc biệt Mỹ nhảy thẳng vào Sơn Tây như chổ không người, từ giữa năm 1970 giới lãnh đạo Bắc Việt đã báo động cho tất cả các mặt trận và bộ tư lệnh phải lo phòng thủ những cuộc tấn công của quân đội VNCH vào lãnh địa của họ. Sự đề phòng và bảo vệ con đường chuyển vận sinh tử ở Hạ Lào là chuyện đương nhiên.
Ban tham mưu soạn thảo kế hoạch hành quân coi thường sức kháng cự, và ước đoán quá thấp cấp số của CSBV đang hay sẽ có mặt ở vùng hành quân. Trái với những đơn vị cộng sản mà quân lực VNCH đối diện ở Cam Bốt (ba sư đoàn địa phương 5, 7, và 9 của Việt Cộng), các sư đoàn có mặt ở Hạ Lào là các sư đoàn chính qui, được trang bị nhiều hơn là đầy đủ, với một nhiệm vụ sống còn là phải bảo cái yết hầu của con đường xâm nhập vào Nam. Sau khi đã mất những cứ địa bên Cam Bốt, bây giờ nếu CSBV mất luôn những cứ địa ở Hạ Lào thì cuộc chiến kể như thua. Vì lý do đó, dù bị thiệt hại nặng, CSBV phải bảo vệ Hạ Lào cho đến người cán binh cuối cùng.
Địa hình ở Hạ Lào không những bất lợi cho chiến xa và Thiết kỵ, mà còn bất lợi luôn cho vấn đề chuyên chở và yểm trợ bằng không lực: trời chỉ quang đãng từ mười giờ sáng đến ba giờ trưa. Trước hay sau giờ đó, mây mù bao phủ toàn vùng và vấn đề tiếp tế hay yểm trợ bằng trực thăng không thể nào thực hiện được. Và dù thời được tiết quang đãng, tìm một chổ đáp ở rừng núi Hạ Lào không dễ: lõm rừng nào trống trải, thích hợp, để đáp trực thăng thì địch đã ghi tọa độ sẵn hay chĩa thẳng (súng) phòng không vào đó. Khi thấy trực thăng sà xuống thì họ bắn hay pháo vào mục tiêu đã định. 82 trực thăng bị hủy diệt hoàn toàn và 618 chiếc khác bị trúng đạn, cho thấy cường độ phòng không của địch ở mặt trận. Hỏa lực phòng không giới hạn tiếp tế: quân đồn trú trên các căn cứ hỏa lực bị thiếu tiếp tế đạn, nước và lương thực hai, ba ngày là chuyện thường. Những ước tính về thời tiết và địa hình thiếu sót đến độ quân phục của lính hành quân không đủ ấp để chống lại cái lạnh của Hạ Lào về đêm.
[28]
Cuộc hành quân không có một hệ thống chỉ huy và điều khiển suôn sẻ và trôi chảy ở cấp Quân đoàn trong ba tuần lễ đầu tiên hai mươi mốt ngày đầu quan trọng của cuộc hành quân. Trong khi bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn XXIV nằm ở Quảng Trị, bộ tư lệnh tiền phương của Quân đoàn I thì ở Đông Hà. Bộ tư lệnh chiến thuật hỗn hợp Việt Mỹ ở tại Khe Sanh thì thiếu một thẩm quyền cao cấp để quyết định lập tức cho mặt trận. Quân đoàn XXIV không có sĩ quan đại diện ở Khe Sanh để điều động hai đơn vị chánh đang hỗ trợ cho quân đội VNCH là Liên đoàn 101 Không lực và Liên đoàn 108 Pháo binh. Cố vấn Mỹ của các sư đoàn VNCH không có thẩm quyền xin yểm trợ trực tiếp và phải chuyển yêu cầu ngược về bộ tư lệnh Quân đoàn XXIV ở Quảng Trị. Ở một vài trường hợp, cố vấn sư đoàn không trực tiếp yểm trợ cho sư đoàn của mình, hay không bắt được liên lạc với các cánh quân của sư đoàn trong giây phút sống chết nhất.
[29] Sự hợp tác và yểm trợ của Hoa Kỳ rất rời rạc và thiếu nhiệt tình vì chính hai quân chủng Lục quân Và Không quân Hoa Kỳ cũng có nhiều dị biệt khi làm việc chung: tất cả yểm trợ của Không lực 7 đều do Lục quân (Quân đoàn XXIV) điều khiển và hoạch định, trong khi nhiệm vụ của Không quân rất quan trọng với hỏa lực của B-52 hay những loại bom 15 ngàn cân (Anh) dùng để dọn bãi đổ bộ quân. Ngay từ lúc soạn thảo kế hoạch hành quân, hai quân chủng đã cãi nhau về vai trò của không lực. Không quân lưu ý Lục quân là trực thăng của họ không đủ để áp đảo hỏa lực phòng không của CSBV. Lục quân thì cho rằng Không quân đã quan trọng hóa và phóng đại khả năng phòng không của đối phương. Sau khi cuộc hành quân khai diễn, Không quân có đại diện ở bộ chỉ huy chiến thuật, nhưng phải chờ lịnh yêu cầu của Lục quân từ Quân đoàn XXIV. Hai tuần sau ngày hành quân, Liên đoàn 101 Không vận lâm vào tình trạng không đủ trực thăng vận chuyển, và hỏa lực từ trực thăng cũng không đủ mạnh để áp đảo phòng không hay phá hủy xe tăng địch như Không quân đã tiên đoán. Đến giờ phút đó, khi bộ tổng tham mưu của VNCH lên tiếng phàn nàn thì MACV mới cho người từ Sài Gòn bay ra Vùng I để dàn xếp tình trạng chỉ huy và điều khiển ở Khe Sanh. Sự vắng mặt của một sĩ quan cao cấp của MACV ở bộ tư lệnh tiền phương Quảng Trị hay bộ chỉ huy chiến thuật Khe Sanh có thể là một yếu tố thắng thua của cuộc hành quân. Trên cương là tư lệnh MACV, đại tướng Abrams không nhiều ít phải chịu trách nhiệm về sự thiếu sót trong lối tổ chức chỉ huy và điều khiển của cuộc hành quân.
[30] Khi tin tức về những lộn xộn của cuộc hành quân được mật báo ngược về Hoa Thịnh Đốn, trong một phút nổi giận tống thống Nixon lên tiếng đòi cách chức đại tướng Abrams.
[31] Với hệ thống chỉ huy và điều khiển thiếu trôi chảy và gián đoạn đó, sự yểm trợ của quân đội Hoa Kỳ trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã không được đúng mức và đầy đủ như đã phác họa trong kế hoạch một sự kiện mà tất cả các nhà quan sát quân sự đều công nhận.
Ước lượng sai lầm quan trọng khác là sự chênh lệch giữa lực lượng tấn công và quân phòng thủ. Trên lý thuyết quân sự, thông thường quân tấn công cần một lực lượng đông hơn quân phòng thủ ít nhất là ba lần để nắm phần thắng. Nên nhớ, vào năm 1966 khi tướng Westmoreland soạn thảo hành quân đánh qua Lào, kế hoạch của ông đòi hỏi
ít nhất là bốn sư đoàn quân tác chiến, cộng với yểm trợ không lực của tất cả bốn quân binh chủng.
[32] Khi tấn công qua Lào, quân đội VNCH không những không có số quân tương đương mà lại ít hơn quân phòng thủ hai lần. Ở một vài trận đánh như trận ở căn cứ Ranger North, Tiểu đoàn 39 BĐQ phải đối chọi với một lực lượng đông gấp sáu đến tám lần.
[33]
Trong năm 1971, các giai đoạn Việt Nam hóa cuộc chiến gần như là hoàn tất. Quân đội VNCH nhận lãnh gần như hầu hết nhiệm vụ chiến đấu từ các đơn vị Mỹ. Họ chiến đấu không thua bất cứ đơn vị nào của đối thủ ở chiến trận nếu họ có được cơ hội. Và quân đội VNCH có cơ hội chứng minh khả năng tác chiến vào năm 1972 khi họ đóng vai quân phòng thủ và đánh bại 14 sư đoàn quân tấn công của CSBV. Nhưng trong trận đánh qua Hạ Lào vào mùa xuân 1971, quân lực VNCH nói chung, cùng một thời gian cố gắng nhận lãnh một trách nhiệm vượt xa khả năng họ có trong lúc đó. Quân lực VNCH rơi vào tình trạng mà đô đốc John McCain, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ Thái Bình Dương, đã lưu ý hơn một năm trước: “Quá tham vọng; tiến nhanh quá [chương trình Việt Nam hóa và và bao thầu trách nhiệm] sẽ tự hại mình.”
[34] Quân đội VNCH phải đánh hai mặt trận lớn cùng một lúc với tất cả lực lượng tinh nhuệ có trong tay: 17.000 quân ở Hạ Lào và 21.000 quân ở Cam Bốt hai miếng ăn quá lớn để có thể nuốt và tiêu hóa cùng một lúc. Nhưng đối diện với sự nguy hiểm thường trực mà CSBV đặt trước mặt, quân đội VNCH không có chọn lựa nào khác hơn là đánh. Nguy hiểm, chết, có thể thất bại, nhưng phải đánh.
Cuối năm 1971 quân đội Hoa Kỳ còn 139 ngàn quân ở Việt Nam. Với tất cả trách nhiệm tác chiến giao lại cho quân đội VNCH, số thương vong của Hoa Kỳ trong năm 1971 giảm đi rất nhiều so với những năm trước: với 1.381 quân nhân tử thương và 4.767 bị thương. Nhưng bên phía VNCH, tương tự như lời một chính trị gia Mỹ đã nói, dù nhìn ở khía cạnh nào, chương trình Việt Nam hóa chỉ là một kế hoạch thay đổi màu da của tử sĩ. Năm 1971 màu da của những tử sĩ ở chiến trường Việt Nam vàng nhiều hơn trắng: năm đó quân lực VNCH có 22.738 tử sĩ. Ở phía bên kia, CSVN có hơn 98 ngàn quân thiệt mạng.
[35]
*
Sau khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã chấm dứt; sau khi những báo cáo kết quả hành quân được trình lên bàn giấy ... Abrams vẫn còn bực tức với ban tham mưu, với Không lực 7, với Quân đoàn XXIV và cả với chính ông. Trong một lần họp với các tướng lãnh MACV, Abrams noi bóng gió là ông thấy ái náy khi những gì ông hay những sĩ quan dưới quyền ông hứa hẹn và không giữ vẹn lời hứa. Có lần, khi nghe một trung tướng kể lại chuyện ông ta đã bội hứa với trung tướng Đỗ Cao Trí ra sao, tướng Abrams thông cảm và đồng thời cũng nói cho viên tướng thuộc hạ sự khó chịu khi ông phải nhận lệnh từ Hoa Thịnh Đốn để thúc dục và ép buộc phía VNCH thực hiện một số kế hoạch mà Hoa Thịnh Đốn muốn thực hiện. “Nhưng cũng còn đỡ hơn, so với những gì tôi thấy đại sứ Bunker bị [Hoa Thịnh Đốn] bắt phải thương lượng [với VNCH],” ông đại tướng tiết lộ với người sĩ quan phụ tá.
[36]
Nói về người Mỹ và chiến tranh Việt Nam mà không nói chút gì về đại tướng Creighton Williams Abrams là một điều thiếu sót. Abrams cũng phục vụ ở Việt Nam một khoảng thời gian năm năm như người tiền nhiệm - và bạn đồng khóa từ trường võ bị West Point - là đại tướng William Westmoreland. Nhưng nếu chúng ta so sánh hai người về tư cách và chiến thuật chiến lược áp dụng trong cuộc chiến, Westmoreland và Abrams hoàn toàn khác nhau.
Sanh năm 1914 tại Springfield, Massachutsettes, trong một gia đình đủ ăn. Được theo học và ra trường võ bị West Point năm 1936 - khóa của những vì sao - và chọn binh chủng Thiết giáp. Hai mươi bảy tuổi và mang đại úy khi Hoa Kỳ gia nhập thế chiến thứ II. Ông chỉ huy một Tiểu đoàn thiết giáp và phục vụ dưới quyền của tướng Patton khi Đồng minh đổ bộ lên châu Âu. Abrams được cấp trên chú ý khi Tiểu đoàn của ông phá vỡ đường giây của Đức để giải cứu sư đoàn 101 Nhảy dù ở trận Bastogne. Sau thế chiến thứ II, Abrams được mang lon đại tá thực thụ khi còn 30 tuổi. Trong chiến tranh Đại Hàn, Abrams lần lược được chọn làm tham mưu trưởng cho ba Quân đoàn tham chiến ở đó (Quân đoàn I, IX, và X). Làm việc ở các Quân đoàn Abrams có dịp phục vụ dưới quyền của những đại tướng có tiếng như Maxwell Taylor, Bruce Clarke. Lên chuẩn tướng năm 1958 (một trong ba sĩ quan ra trường năm 1936 lên tướng đầu tiên) khi đang phục vụ ở trường Thiết giáp Fort Knox; rồi lên thiếu tướng và được chỉ định qua Đức coi sư đoàn 4 Thiết giáp. Trở về Mỹ phục vụ ở Ngũ Giác Đài; được thăng trung tướng năm 1963 và trở qua Đức lần thứ hai để làm tư lệnh Quân đoàn V. Chưa đầy một năm sau, Ngũ Giác Đài gọi Abrams trở lại Mỹ, gắn thêm một sao nữa và đề cử làm tư lệnh Tư lệnh Phó Lục quân - ông được chọn trên đầu 45 sĩ quan cấp trung và đại tướng thâm niên hơn ông cho chức vụ đó. Trong lúc đó, người bạn cùng lớp West Point với ông, Westmoreland, đã là đại tướng và mới vừa nhận chức tư lệnh MACV ở Việt Nam.
[37] Tháng 5 năm 1967, Abrams được đề cử qua Việt Nam làm tư lệnh phó cho Westmoreland. Một năm sau, ông thay Westmoreland làm tư lệnh MACV.
Nhìn ở bên ngoài, Abrams và Westmoreland hoàn toàn khác nhau: Westmoreland ăn bận chải chuốt, tươm tất; trong khi quân phục của Abrams thì rất lè phè, nhăn nhíu. Một ký giả khi nhìn thấy ông ăn bận, đã gọi ông là “một cái giường ngủ chưa dọn đang hút xì gà.” Sau lưng ông, những người lính gọi ông qua hỗn danh là ông “thượng sĩ già.”
[38] Đúng, đó là Creighton Williams Abrams. Về tánh tình và lối chỉ huy: Westmoreland mềm mỏng, ngoại giao và biết dấu ý nghĩ, tình cảm của mình qua lời nói; trong khi Abrams thì la hét, bùng nổ như một hỏa diệm sơn khi chuyện xảy ra không vừa ý. Nhưng lính dưới quyền thương và kính trọng ông, vì sau cơn bùng nổ ông biết hạ giọng - và nếu cần, nói lời xin lỗi - nếu nhận thấy mình đã đi quá trớn.
[39]
Về chiến thuật, chiến lược áp dụng vào cuộc chiến: Abrams và người tư lệnh tiền nhiệm hoàn toàn khác nhau - khác nhau đến độ Abrams thấy rất khó khăn và cô đơn trong thời gian hơn một năm làm tư lệnh phó cho Westmoreland. Tuy không hợp nhau về lối đánh nhưng Abrams không bao giờ lên tiếng phản đối người tư lệnh của mình. Trong những lúc tâm sự riêng với bạn bè đồng cấp, Abrams nói ông phải trung thành và ủng hộ Westmoreland trong tư cách là tư lệnh phó.
[40] Như đã nói qua, chiến thuật và chiến lược của Westmoreland là truy lùng và tiêu diệt; đánh nhanh, đánh mạnh bằng những đơn vị chủ lực quân đội Hoa Kỳ. Từ giữa năm 1964 đến đầu năm 1968, Westmoreland không chú tâm đến quân đội VNCH trong ý nghĩa ông không chú trọng về các phương diện như tân trang và hiện đại hóa vũ khí, hay đặt nặng vấn đề huấn luyện quân đội VNCH, hay quan trọng các kế họach bình định và bảo vệ an ninh ở Nông thôn. Những cuộc hành quân hỗn hợp Việt Mỹ được thực hiện rất ít dưới thời Westmoreland. Đối với Westmoreland, cuộc chiến được quản trị và tiến hành bởi hai quân đội riêng biệt của Việt Nam và Mỹ.
Khi Abrams vừa lên thay Westmoreland, theo một sĩ quan cao cấp kể lại, thì chiến thuật và chiến lược của cuộc chiến thay đổi “trong vòng 15 phút.”
[41] Chiến thuật của Abrams không chú trọng vào truy lùng và triệt tiêu, mà là tảo thanh và giữ đất; chiến lược của Abrams không còn Mỹ đánh theo lối Mỹ, Việt đánh theo lối Việt, mà là một cuộc chiến chung.
[42] Abrams đề nghị nhiều cuộc hành quân phối hợp Việt Mỹ; cũng như ông muốn những báo cáo hàng tuần về tình hình quân sự phải nói đến tình hình và thiệt hại của VNCH. Ngay từ những buổi họp đầu tiên sau khi nhậm chức, Abrams quan tâm đến cơ cấu huấn luyện và vũ khí của quân đội VNCH. Ông nói nếu chúng ta (người Mỹ) muốn quân đội VNCH vững mạnh để chống lại cộng sản, thì ít ra phải trang bị cho họ đúng mức (nghĩa là có hỏa lực tương đương như quân Bộ binh Mỹ). Trong những buổi họp Abrams thường xuyên nhắc tên đến các đơn vị và sĩ quan của quân đội VNCH, cho sĩ quan tham mưu nghe. Vì Abrams thăm viếng các đơn vị Việt Mỹ ngoài mặt trận thường xuyên, ông có kiến thức rất tường tận về chuyện xảy ra ngoài mặt trận. Đôi khi ông tranh luận về sự giỏi dở của sĩ quan VNCH với các thuộc tướng, khi những bình phẩm của họ đi ngược lại sự quan sát của ông.
[43] Và khi nói về người dân miền Nam Việt Nam, về sự hy sinh của họ, Abrams đã không ngần ngại nói trước mặt các sĩ quan cao cấp là chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ hiểu được những hy sinh và đau khổ người dân và chiến sĩ miền Nam đang chịu đựng trong cuộc chiến đang xảy ra.
[44]
Nhưng cuộc chiến mà Abrams nhận lãnh trong năm năm còn lại là một cuộc chiến khó khăn. Khó khăn trong ý nghĩa ông không còn được đánh trận theo như ý ông muốn. Khó khăn trong ý nghĩa ông phải nhận lãnh nhiệm dụ thu dọn chiến trường của người Mỹ và bàn giao chiến trường lại cho quân dân miền Nam. Trong những năm còn lại của cuộc chiến, Abrams nhìn những gượng ép mà chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng dàn xếp để rút ra khỏi cuộc chiến; những bó buộc chính trị, tài chánh, mà cấp trên bắt ông phải thi hành... riết rồi ông cũng buông tay đầu hàng, thi hành theo chỉ thị. Trong hai năm 1970-71, thẩm quyền dân sự ở Hoa Thịnh Đốn viếng thăm bộ tư lệnh MACV ở Sài Gòn thường xuyên hơn. Viếng thăm là tiếng lịch sự, thật ra thẩm quyền dân sự đến bộ tư lệnh để thông báo ngân quỹ bị cắt giảm; chi phí cho cuộc chiến phải được giới hạn. Những chi phí được giới hạn đến từ đạn Pháo binh, phi vụ oanh tạc chiến thuật và chiến lược, hay đến từ những đợt rút quân chi phí cho một quân nhân Mỹ ở Việt Nam tốn kém hơn ở tại lục địa Mỹ. Năm 1970, khi ngân sách cho chiến trường Việt Nam đã bị giảm xuống còn 11 tỉ (so với khoảng 30 tỉ của năm 1967-68), nhưng giới chức dân sự ở bộ Lục quân vẫn muốn MACV phải cắt giảm hơn nữa để phù hợp với chỉ thị của Bộ quốc phòng. Khi Abrams và MACV phản đối là, ở chiến trường họ không thể nào đánh giặc theo sự giới hạn của tiền bạc; hơn nữa, họ đã cắt giảm tối đa rồi... Nhưng phản đối chỉ để phản đối, lệnh là lệnh. Abrams phải tìm mọi cách để thi hành.
[45]
Nếu Westmoreland có những khó khăn của ông ta trong thời điểm 1964-1968 (bị bó tay với ban tham mưu liên quân và Hoa Thịnh Đốn về chiến thuật chiến lược cho cuộc chiến Việt Nam; phải đối đầu với tình hình quân sự và những cuộc đảo chánh liên tục trong giai cấp tướng lãnh VNCH; cố gắng giàn xếp những xáo trộn chính trị dân sự/tôn giáo ở Vùng I), thì Abrams cũng có những “vấn nạn” trong những năm 1968-1972 khi ông nắm quyền tư lệnh. Một trong những khó khăn mà Abrams phải đối đầu ở Việt Nam không nhất thiết thuộc về phạm vi quân sự, mà là tinh thần chiến đấu của những người lính dưới quyền ông. Từ sau năm 1969, tinh thần chiến đấu của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam thật ra trên toàn thế giới không còn nữa. Tệ nạn về quân phong quân kỷ lan tràn ở nhiều đơn vị: lính tìm các ám hại sĩ quan và hạ sĩ quan chuyên nghiệp; sĩ quan quay mặt làm ngơ với những quân nhân ba gai vì chỉ muốn làm cho xong nhiệm vụ để được thuyên chuyển về hậu cứ hay về nước (sĩ quan Mỹ được thuyên chuyển ra khỏi các đơn vị tác chiến, về làm việc ở văn phòng sau sáu tháng ngoài mặt trận). Những năm kế tiếp, 1970-1971, tình trạng bất tuân quân lệnh, bất tuân thượng cấp xảy ra hàng ngày; nạn hút sách nghiện ngập, và nạn ẩu đả giửa các toán lính khác màu da xảy ra như cơm bữa. Tinh thần tác chiến và ý thức hệ về cuộc chiến của các binh sĩ (ở đây chúng ta nhấn mạnh chữ binh sĩ là những tân binh hay lính ở cấp bực thấp nhất) ở Việt Nam càng tồi tệ hơn, khi đa số đến từ giai cấp lao động, thất học, và thất nghiệp. Ở Mỹ, trong thời gian chiến tranh Việt Nam đang xảy ra, Nha Động viên Hoa Kỳ cũng cho phép nhiều hình thức hoãn dịch: hoãn dịch vì lý do gia cảnh, học vấn, sức khoẻ, hay tài nguyên quốc gia (nhân viên quan trọng trọng trong cơ sở nào đó). Và với một lý do này hay lý do nọ, giới trung lưu và giới có tài sản đều “chạy” được một lý do để xin hoãn dịch. Cuối cùng, đa số tầng lớp bị bắt lính, bị đưa qua Việt Nam tham chiến, là tầng lớp thuộc giai cấp thấp nhất, không còn lối thoát, hay cơ hội lối tiến thân trong xã hội Hoa Kỳ. Cái nhìn này không những đến từ những nhà xã hội học, mà còn đến từ chính người tư lệnh của quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam. Một lần, khi nói chuyện với tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird về vấn đề tổng động viên, về vấn đề quân dịch, Abrams nói thẳng là, “Chỉ có những công dân Mỹ dốt, nghèo, và da đen, là những người có được hân hạnh hy sinh cho tổ quốc của họ ở Việt Nam.”
[46] Ý của Abrams không phải khinh miệt; ý của ông chỉ muốn nói vì không có lệnh tổng động viên cho cuộc chiến, nên phần lớn tân binh là tình nguyện hoặc bị bắt quân dịch. Tân binh tình nguyện thì đến từ giai nằm trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế; tân binh bị bắt quân dịch thì chỉ vì họ không có cơ hội đi học lên tiếp để được hoản dịch về lý do học vấn. Ý của Abrams là vậy.
Mới nhận được bộ tư lệnh chưa đầy một năm, và trong khi chương trình Việt Nam hóa còn trong thời kỳ phôi thai, Abrams đã thấy Hoa Thịnh Đốn muốn ông phải làm gì trong thời gian ông cầm cây baton chỉ huy: phải tìm mọi cách để giảm thiểu tối đa thương vong của quân đội Mỹ. Vào hai tuần đầu tiên của tháng 5-1969, một lữ đoàn Nhảy dù Mỹ bao vây một trung đoàn CSBV ở vùng thung lũng A Shau, ở một cao điểm có tên là Núi Ap Bia, gần biên giới Lào. Các đơn vị CSBV thường vùng cứ địa này để chuẩn bị tập kích Huế và Đà Nẵng. Trong mười một ngày, Nhảy dù Mỹ bao vây chung quanh,chờ cho Pháo binh và phi cơ oanh tạc nát mục tiêu trước khi tấn công đánh chiếm đỉnh đồi. CSBV để lại gần 600 xác trong khi phía Hoa Kỳ chỉ có 70 tử thương. Thông thường, với kết quả như vậy, trận đánh là một chiến thắng, nếu không nói là chiến thắng lớn. Nhưng vào mùa xuân 1969 Nixon vừa lên làm tổng thống với nhiều hứa hẹn về cuộc chiến; và những phong trào phản chiến đang tìm mọi nổ lực để mê hoặc người dân Mỹ chống lại chiến tranh Việt Nam tổn thất như vậy không chấp nhận được. Thế là Báo chí và các phong trào phản chiến đặt tên cho trận đó là trận “Đồi Thịt Bằm” (Hamburger Hill) và phóng đại tổn thất của quân đội Mỹ. Với áp lực của các tổ chức phản chiến, báo chí, và thẩm quyền dân sự từ nội địa, bộ tư lệnh các cấp ở chiến trường Việt Nam hiểu ngầm là họ phải tìm mọi cách giảm thiểu tổn thất về nhân mạng. Nhưng chừng một tháng, sau trận đánh Núi Ap Bia, để bộ tư MACV hiểu rõ ràng hơn, Nixon trực tiếp ra lệnh cho Abrams bằng mọi giá, “giảm thiểu tối đa thương vong của Hoa Kỳ” trong cuộc chiến.
[47]
Trong những năm còn lại của chiến tranh Việt Nam, Abrams bị bó tay nhiều hơn người tư lệnh tiền nhiệm. Quân đội Mỹ bị rút đi nhanh hơn ý muốn của ông. Vì phần lớn quân rút đi là Lục quân, chiến trường Việt Nam bấy giờ sống nhờ vào sự yểm trợ hỏa lực của Không và Hải quân. Nhưng hai quân chủng này cũng bị giới hạn bởi chính ngân quỹ riêng của họ: họ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của Abrams nhưng theo giới hạn đã được ấn định sẳn từ ngân quỹ của mỗi quân chủng. Mùa xuân năm 1972 khi CSBV mở cuộc tổng tấn công vào bốn vùng chiến thuật VNCH, dưới tay của Abrams không còn hơn 39 ngàn quân, là một đại tướng Lục quân, Abrams bực tức nhìn cuộc phản công được đảm nhiệm bởi hai quân chủng Hải quân và Không quân. Có hiểu được sự cạnh tranh và hiềm tị giữa các quân chủng trong quân đội Hoa Kỳ thì mới thấy được sự tức giận của Abrams.
[48] Cũng trong năm 1972, Abrams không được quyền tác chiến theo kinh nghiệm quân sự của ông, mà phải đánh giặc theo chiều hướng của những kế hoạch chính trị rất ngây thơ đến từ tòa Bạch Ốc. Trong chiến dịch dội bom Linebacker đợt đầu (Linebacker I) từ tháng 5 đến cuối tháng 6-1972, Nixon muốn dùng tất cả B-52 vừa để huy hiếp miền Bắc, vừa trừng phạt CSBV về cuộc tổng tấn công ở Miền Nam, vừa uy hiếp họ trở lại bàn hội nghị. Cũng trong thời gian đó, vào trung tuần tháng 5 ở Kontum, sau khi các căn cứ hỏa lực phía nam và bắc Tân Cảnh, Võ Định, bị thất thủ, CSBV dồn tất cả lực đánh bức Dakto, rồi tiến thẳng về Kontum. Thấy tình thế nguy ngập, Abrams ra lệnh triệu hồi một số phi cơ B-52 đang được chỉ định cho các mục tiêu ở miền Bắc, thay đổi phi vụ để bảo vệ Kontum. Nhờ những phi vụ B-52 này, những đơn vị của sư đoàn 320 CSBV bị chận đứng trước khi họ có thể tập trung quân để tràn ngập Kontum. Khi nghe tin, Nixon rất nóng giận, nói rằng ông cần tất cả B-52 dội bom ở Bắc Việt để tạo một áp lực cho CSBV sợ và trở lại thương lượng thành thật hơn. Abrams trả lời, nếu để mất Kontum thì tất cả những hội đàm chính trị sẽ không còn ý nghĩa nữa. Sau này, có tin đồn nói Nixon ghét Abrams từ đó.
[49]
Những buổi chiều sau giờ làm việc, Abrams trở về căn nhà tiền chế là một cái trailer, đặt bên cạnh bộ tư lệnh MACV, bên trong phi trường Tân Sơn Nhất. Ở đó ông nghe nhạc hòa tấu thật lớn và uống rượu tới khuya. Ông giải thích cho một người bạn thân đến thăm là, ông giải trí như vậy để làm dịu cơn nhức đầu vì hàng ngày phải đọc những chỉ thị và quân lệnh ngược ngạo ông nhận từ Hoa Thịnh Đốn về cuộc chiến ông đang chỉ huy.
[50]
Rời Việt Nam vào cuối tháng 6-1972, Abrams được đề cử vào chức Tư lệnh Lục quân. Ông chết trẻ; chết vì bệnh ung thư vào năm 60 tuổi trong khi đang tại chức. Abrams có ba người con là sĩ quan; hai người đã phục vụ ở chiến trường Việt Nam. Người con cả giải ngũ với cấp bực chuẩn tướng; người kế là đại tướng; người còn lại là một đại tá hiện dịch. Một lần, có người hỏi người con cả là ông nghĩ sao nếu có người nói lẽ ra đại tướng Abrams xứng đáng hơn cho một cuộc chiến khác, tốt và khá hơn. “Ba tôi không nghĩ như vậy,” Người con trả lời ngay, “ba tôi nghĩ chính người dân miền Nam Việt Nam mới xứng đáng [nhận sự giúp đỡ của Hoa Kỳ và của thân phụ ông].”
[51]
[1]H.R. Haldeman,
The Haldeman Diaries, trang 225-226, 239. Haldeman viết trong nhật ký, ngày 21 tháng 12-1970, Henry Kissinger muốn gặp riêng Nixon để bàn về kế hoạch đánh qua Lào. Cũng theo Haldeman, Kissinger nói ông ta có hẹn với tổng trưởng quốc phòng Laird và tham mưu trưởng liên quân Thomas Moorer vào ngày kế tiếp để bàn luận về kế hoạch đó. Sáu ngày trước (ngày 15), Kissinger đã nói cho Haldeman nghe sơ qua những gì ông ta lập lại vào ngày 21.
[2]Theo Seymour Hersh trong
The Price of Power, trang 308, kế hoạch do Alexander Haig đề nghị và hoạch thảo. Ai đề nghị thì không chắc chắn, nhưng có một điều chắc chắn là kế hoạch đến từ phía dân sự ở tòa Bạch Ốc chứ không xuất phát từ giới quân sự. Trong nhật ký của Haldeman, tác giả nói rõ Kissinger muốn nói chuyện (về kế hoạch đánh qua Hạ Lào) với Tổng trưởng Quốc phòng Melvin Laird và tham mưu trưởng liên quân Thomas Moorer trước mặt Tổng thống Nixon, vì Kissinger “muốn Tổng thống trực tiếp ra lệnh, vì họ [phía quân sự] sẽ không thi hành vì không có lệnh trực tiếp từ tổng thống.”
Haldeman Diaries, trang 224. Riêng tướng Haig thì nói trong hồi ký là, Ngũ Giác Đài soạn thảo kế hoạch hành quân qua sự thúc dục của Nixon và Kissinger. Đọc, Alexander Haig,
Inner Circles, trang 273.
[3]Coi tất cả nhận xét của Kissinger về cuộc hành quân qua Lào trong, Kissinger,
White House Years, trang 987-1010. Với nhân cách luôn luôn phủ nhận khi cần chạy tội, Kissinger không nghĩ là qua hai lần nói chuyện (bằng miệng, khác với văn thư, và dễ chối hơn) với Haldeman, những gì Kissinger nói về kế hoạch đánh qua Lào đã được Haldeman ghi lại trong nhật ký. Và Kissinger cũng không ngờ người phụ tá quan trọng là Alexander Haig cũng sẽ viết lại chuyện đó trong cuốn hồi ký của ông ta. Những tài liệu giải mật sau này (mà chúng ta sẽ lần lượt đưa ra) cho thấy Kissinger là người tham dự, nếu không nói hoạch định kế hoạch từ đầu.
[4]Về các đề nghị đánh qua Lào để cắt đứt đường tiếp tế và xâm nhập vào nam, đọc, William Westmoreland,
A Sodier Reports, trang 431; Lewis Sorley,
A Better War, trang 229; và, Cao Văn Viên,
Những Ngày Cuối của Việt Nam Cộng Hòa, trang 288. Kế hoạch thiết lập phòng tuyến từ Đông Hà sang Savannakhet của Lục Quân được Robert Buzzanco chú trong
Masters of War, trang 171.là người tham dự, nếu không nói hoạch định kế hoạch từ đầu.
[5]James H. Willbanks, sđd, trang 96-97.
[6]Căn cứ theo và suy luận từ một số ít tài liệu được giải mật liên hệ đến kế hoạch hành quân đánh qua Lào, chúng ta biết bộ Tư lệnh MACV đã nhận được lệnh soạn thảo cuộc hành quân ít nhất là từ ngày 28 tháng 11-1970. Trong buổi họp “Cập nhật Tin tức Tình báo hàng tuần” (Weekly Intelligence Updates) ở MACV ngày thứ Bảy, 28 tháng 11, trung tướng Fred Weyand ngồi chủ tọa thay cho đại tướng Abrams vắng mặt, có nói một cách úp mở về kế hoạch hành quân qua Lào khi ông nói với các sĩ quan có mặt là tướng Abrams sắp gặp tướng Viên để nói chuyện, và, “bằng cách này hay cách nọ, chúng ta phải nói chuyện với ông ta [đại tướng Viên] về
chiến lược này. Hoa Thịnh Đốn giao trách nhiệm này cho chúng ta và kế hoạch phải được bàn thảo với chính phủ VNCH.” (
chiến lược viết chữ nghiêng là nguyên tác của tác giả Lewis Sorley). Đọc, Sorley,
A Better War, trang 230. Tuy nhiên trong
The Abrams Tapes (những cuộn băng thâu lại các buổi họp hàng tuần của MACV do Abrams chủ tọa, từ năm 1968 đến năm 1972) của cùng tác giả, Sorley chỉ ghi lại nội dung của tuần lễ 7 và 21, không nói đến (hay không được nói đến) hai tuần lễ 14 và 28. Điều này cho thấy nội dung buổi họp của hai tuần 17 và 28 vẫn chưa được giải mật (tất cả các buổi họp Cập nhật Tin tức Tình báo hàng tuần xảy ra các ngày thứ Bảy trong tháng). Nhưng ba ngày sau, ngày 1 tháng 12-1970, trong buổi họp của các sĩ quan cao cấp MACV, với sự có mặt của đại tướng Abrams, chúng ta đọc được lời mở đầu của thuyết trình viên (chuẩn tướng William E. Potts) nhắc Đại tướng Abrams là, “để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt vào buổi trưa này giữa Đại tướng và Đại tướng Viên, chúng ta sẽ bắt đầu buổi họp nói về các cuộc oanh kích và lưu lượng xâm nhập của những đoàn xe chuyển vận [của CSBV ở Hạ Lào].” Đọc Sorley,
The Abrams Tapes, trang 502-507. Về tính cách tối mật của những buổi họp, trong phần giới thiệu về quyển The Abrams Tapes, tác giả Sorley nói rõ là một số lớn nội dung của các buổi họp vẫn chưa được giải mật (trang XXII, sđd). Như vậy chúng ta có thể suy luận, nội dung các thảo luận có liên hệ đến kế hoạch cuộc hành quân qua Lào vẫn chưa được các cơ quan thẩm quyền giải mật.
[7]Sorley,
A Better War, trang 234.
[8]Willbanks, sđd, trang 97; Sorley,
A Better War, trang 234. Đến đây thì chúng ta thấy rõ ràng những gì Kissinger nói với Haldeman ở tòa Bạch Ốc ngày 15 và 21 tháng 12-1970, chỉ là những lời nói xã giao để giữ bí mật kế hoạch hành quân qua Lào.
[9]Seymour, sđd, trang 309.
[10]Davidson, sđd, trang 641; Willbanks, sđd, trang 98-99.
[11]Nội dung những điện tín gởi cho các binh trạm được thông báo trong các buổi họp Cập nhật Tin tức Tình báo hàng tuần ở Bộ Tư lệnh MACV. Đọc, Sorley,
The Abrams Tapes, trang 428, 433, 525, 599. Thượng tướng Nguyễn Hữu An, trong
Chiến Trường Mới, trang 103-105, có nói về những dự bị để phòng hờ cuộc tấn công qua biên giới của quân lực VNCH. Tướng An nói ông đích thân đi quan sát địa hình ở vùng Lao Bảo, Lang Vei, nằm sát biên giới Lào. Bộ Tư lệnh cấp quân đoàn 70B (còn được gọi là bộ Tư lệnh mặt trận đường 9-Nam Lào) do Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, Cao Văn Khánh và Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh phó. Dưới quyền điều động của 70B là các sư đoàn 304, 308 và 320, cùng với tất cả binh trạm và lực lượng phòng không ở Nam Lào. Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh trong
Lam Son 719 (xuất bản năm 1979), trang 25, có liệt kê một số đơn vị CSBV ở chung quanh khu vực hành quân vựa vào tin tức tình báo của VNCH và những gì Hoa Kỳ cung cấp. Những tin tức đó khá chính xác so với tài liệu giải mật sau này. Đọc, Sorley, trích ở trên. Một trong nhiều binh trạm có điện tín bị tình báo Mỹ đọc được là binh trạm 9, 27, 33, và 44. Về vị trí các binh trạm, đọc, Võ Bẩm, Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Viết Phương,
Đường về thành phố mang tên Bác, Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2005, trang 566-576.
[12]Bộ Tư lệnh Quân Đoàn XXIV của Hoa Kỳ là lực lượng chánh hỗ trợ cuộc hành quân, gồm có các đơn vị trực thăng vận tải và võ trang; thiết kỵ; công binh; pháo binh; và cơ giới. Không quân từ Không lực 7 (7th Air Force) sẽ yểm trợ oanh tạc chiến thuật và chiến lược. Về cấp số các đơn vị Hoa Kỳ hỗ trợ cuộc hành quân, đọc, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh,
Lam Son 719, Appendix B, trang 175.
[13]Căn bản kế hoạch hành quân nằm trong, thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh,
Lam Son 719, trang 32-39. Cấp số hành quân trong thời gian soạn thảo là các đơn vị, sư đoàn Nhảy dù; hai trung đoàn 1 và 3 của sư đoàn 1 Bộ binh; ba Tiểu đoàn 21, 37 và 39 của liên đoàn 1 BĐQ; hai thiết đoàn 11 và 17 của lữ đoàn 1 thiết kỵ; Tiểu đoàn 44 pháo binh; và Tiểu đoàn 101 công binh. Hai lữ đoàn TQLC nằm trừ bị ở Khe sanh là lữ đoàn 147 và 258.
[14]Trương Duy Hy,
Tử thủ căn cứ hỏa lực 30 Hạ Lào, trang 15-16. Một vài chi tiết rất khôi hài về vấn đề bảo mật trong cuộc hành quân Lam Sơn 719: Cho đến ngày 30 tháng 1, đại tướng Abrams ở MACV vẫn cương quyết không tiết lộ cho báo chí biết có hay không một cuộc tấn công qua Lào, khi ông nhận được điện tín từ Hoa Thịnh Đốn hỏi nên cho báo chí và cơ quan truyền thông biết được chưa. Đọc,
The Abrams Tapes, trang 252;
The Haldeman Diaries, trang 241. Nhưng theo đại úy Trương Duy Hy, một sĩ quan pháo binh tham dự cuộc hành quân, ngày 25 tháng 1 ông đã được gọi về tham dự buổi thuyết trình hành quân ở bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Như vậy, phần lớn các đơn vị ở Vùng I đã biết trước (và thân nhân họ cũng nghe nói) là họ sẽ đi hành quân qua Lào sau Tết Tân Hợi (1971). Năm 1971, mùng 1 Tết là ngày 27-1-1971. Trong khi đó ở một vài đơn vị khác, tin tức hành quân lại được giữ rất kỹ: khi bộ Tư lệnh Tiếp vận vùng I nhận được lệnh hành quân thì họ không có đủ thì giờ để sửa soạn cho đơn vị họ. Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 47.
[15]Hai ngày 4 và 5 trời mưa và mây thấp, không quân Hoa Kỳ không thể dọn bãi và yểm trợ. Ngày 5 và 6 thời tiết khá hơn và tướng Lãm ra lệnh tiến quân. Nhưng khi phía VNCH yêu cầu trực thăng võ trang bay yểm trợ trước khi họ băng qua biên giới, quân đoàn XXIV trả lời là luật hành quân của MAVC cấm không cho bất cứ đơn vị nào của Hoa Kỳ băng qua biên giới trước các đơn vị VNCH. Cũng trong ngày 6, phản lực cơ của Hải quân đánh lầm vào một điểm tập trung quân của lính Dù và Thiết kỵ gần biên giới, làm sáu quân nhân tử thương và 51 bị thương. Ngày 8, hai Bộ Tư lệnh đồng ý là Nhảy dù sẽ gởi một toán quân qua biên giới trước, và liền sau đó Không kỵ Hoa Kỳ sẽ lập tức theo sau. Đọc Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 63-64.
[16]Theo
Lịch sử Quân đội Nhân dân, quyển 2, trang 374, lực lượng đang có mặt là năm Sư đoàn bộ binh 308, 304, 320, 324, và 2; hai Trung đoàn biệt lập 27 và, 278; tám Trung đoàn pháo binh; ba Trung đoàn công binh; ba Tiểu đoàn chiến xa; sáu Trung đoàn phòng không; tám Tiểu đoàn đặc công; và một số số lính hậu cần của các binh trạm trong vùng. Số quân 22 ngàn trong thời gian đầu là kể luôn năm ngàn quân Lào Cộng có mặt gần đó. Đọc, Davidson, sđd, trang 644. Ngày 19 tháng 2 (ngày thứ 11 của cuộc hành quân), MACV loan báo CSBV có 12 Trung đoàn bộ binh (tương đương bốn Sư đoàn) đang tụ lại vùng hành quân. Đó là chưa kể các đơn vị chiến xa, phòng không, hậu cần, hay đặc công, đi kèm với 12 Trung đoàn bộ binh. Sorley,
The Abrams Tapes, trang 537.
[17]Sorley,
The Abrams Tapes, trang 533; Donn A. Starry,
Mounted Combat in Vietnam, trang 191.
[18]Đại tướng Donn A. Starry, sđd, trang 172, cước chú 4.
[19]Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương,
Lam Son 719: January 30-March 24, 1971 (Project CHECO), trang 18, 34. Tài liệu do Bộ Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (Headquarters Pacific Air Forces) soạn, dựa vào tài liệu hành quân và báo cáo chiến trường nhận được từ MACV và Không Lực 7).
[20]Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 74, 79.
[21] Sorley, sđd, trang 535-536.
[22]Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 79-80; James H. Willbanks, sđd, trang 107. CSBV áp đảo được hai căn cứ Ranger North (Tiểu đoàn 39) và Ranger South (Tiểu đoàn 21) là chuyện phải xảy ra. Vì trước mặt Ranger South vài cây số là bộ Tư lệnh của sư đoàn 308, với ba Trung đoàn 102, 36, và 88. Đọc, Nguyễn Hữu An, sđd, trang 109.
[23]Tác phẩm của đại úy Trương Duy Hy, trang 96-236, tả trận chiến từ khi căn cứ hỏa lực 31 bị tràn ngập cho đến khi căn cứ 30 được Lệnh di tản bằng đường bộ.
[24]Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 89-90.
[25]Đọc, Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 96-104, về lý do, quyết định, và kế hoạch rút quân.
[26]Tiểu đoàn 4, trung đoàn 1/sư đoàn 1, với nhiệm vụ bảo vệ cho những Tiểu đoàn bạn đi trước, đã đánh một trận thư hùng để mở đường máu rút quân. Hai sĩ quan Tiểu đoàn trưởng và phó đều tử trận. Tiểu đoàn chỉ còn 82 người khi về được nơi an toàn. Nhưng trong trận đánh ở phía đông nam Tchepone này, CSBV đã để lại hơn 1.000 xác chết, phần lớn bị phi cơ oanh kích. Về những chiến đấu hào hùng, dũng cảm, của các quân nhân thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh, đọc, Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 104-108; Phạm Huấn,
Trận Hạ Lào 1971, trang 98-105. Tại bộ Tư lệnh MACV, ngày 25 tháng 3, đại tướng Abrams cũng nhắc lại sự anh dũng của các Tiểu đoàn bộ binh và BĐQ trong buổi họp ban tham mưu. Đọc, Sorley, sđd, trang 569-570.
[27]Chi tiết về thiệt hại nhân sự và quân nhu dụng đôi bên được liệt kê trong, Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 128-133. VNCH công bố CSBV có khoảng 13 ngàn quân tử thương; trong khi bản tường trình của Quân Đoàn XXIV ghi 19 ngàn, kể luôn số tử thương vì bom của B-52. Con số 16 ngàn quân CSBV tử thương người viết dùng, đến từ tin tình báo của MAVC. Ngày 5 tháng 6-71, MACV cho biết một cố vấn quân sự Ba Lan ở Vạn Tượng cho biết Bắc Việt bị thiệt hại rất nặng trong trận Hạ Lào; tin từ Nga và Đông Âu cũng cho biết tương tự. Một nguồn tin tình báo khác nói, vài viên chức của Bắc Việt cho biết chính xác số tử thương của quân đội CSBV ở Hạ Lào là 16.224 người. Đọc, Sorley, sđd, trang 635. Phía Hoa Kỳ có 215 tử thương, 1149 bị thương và 38 mất tích (số thương vong tính luôn các đơn vị hỗ trợ ở bên này biên giới).
[28]Trương Duy Hy, sđd, trang 53; Nguyễn Duy Hinh, sđd, trang 88.
[29]Trường hợp mất liên lạc hoặc liên lạc chậm đã xảy ra cho Sư đoàn Nhảy dù, và từ đó có thể đưa đến sự thất thủ của bộ chỉ huy Lữ đoàn 3 Dù ở căn cứ hỏa lực (đồi) 31. Trong khi đó, bộ chỉ huy Tiểu đoàn 2 Dù đóng ở căn cứ hỏa lực 30, sau hai ngày không được tiếp tế nước và đạn, không liên lạc được với cố vấn, hay bộ Tư lệnh sư đoàn mẹ và trong tay đang có gần 200 thương vong, đánh một điện văn trên hệ thống truyền tin chung, xin các phi cơ nhắn lại với “thẩm quyền” là họ phải di tản vì không còn lương thực, đạn dược để chiến đấu. Hai ngày sau, đại tướng Abrams giải nhiệm vị đại tá cố vấn sư đoàn Dù (đại tá William Pence) và đưa một đại tá khác về thay (đại tá James Vaught). Abrams tỏ ý mất tín nhiệm trung tướng Sutherland khi ông hỏi Sutherland có thấy “phiền phức” khi đại tá Vaught chỉ thi hành trực tiếp chỉ thị đến từ ông mà thôi. Abrams cũng bất mãn và chỉ trích trung tướng William McCaffrey, Tư lệnh phó MACV, và đang thay Abrams đại diện ở bộ Tư lệnh tiền phương chỉ huy trưởng sư đoàn 101 Nhảy dù. Sorley,
The Abrams Tapes, trang 544-546; A Better War, trang 243-260. Về bản truyền tin của Tiểu đoàn 2 Nhảy dù, đọc
Project CHECO, Lam Son 719, trang 128.
[30]Phạm Huấn, trong,
Trận Hạ Lào 1971, trang 136, có thuật lại cuộc đối thoại của tác giả với tướng Dư Quốc Đống ở Khe Sanh. Sau đó tác giả trình bài sự khó khăn hay lủng củng của Nhảy dù vis a vis kế hoạch hành quân và yểm trợ đến từ phía Hoa Kỳ cho phó tổng thống (lúc đó còn là thượng nghị sĩ) Trần Văn Hương nghe. Ngày 28, 2-1971, phó tổng thống Hương họp báo và công khai trình bày những thiếu sót đến từ phía Hoa Kỳ. Cuộc họp báo của phó tổng thống Hương đã đánh thức Bộ Tư lệnh MACV về những sai lầm của họ.
[31]Với báo cáo của cuộc hành quân gởi về cho Kissinger hàng ngày, khi thấy cuộc hành quân có những biến chuyển bất lợi, thêm vào đó là sự vắng mặt của Abrams ở Saigon, trong một buổi họp với Nixon ở tòa Bạch Ốc ngày 23 tháng 3, Kissinger nói với Nixon: “Tôi nghĩ cuộc thành quân này là một thành quả quan trọng, dù với nhiều hư hỏng [trong vấn đề chỉ huy và điều khiển cuộc hành quân].” “Tôi muốn nói thẳng với tổng thống là ... chính nguời của chúng ta đã làm cho chúng ta thất vọng chứ không phải [quân đội] VNCH. Họ [các thẩm quyền quân sự Mỹ] đã làm chúng ta thất vọng ngay trong ba tuần lễ đầu tiên [của cuộc hành quân], rồi họ còn báo các với tổng thống là tôi xen vào kế hoạch của họ quá nhiều.” Tiếp theo, Kissinger nói về tướng Abrams: “Trời ơi, Abrams đi thăm gia đình bên Thái Lan hàng tuần, trong khi chúng ta đặt tất cả vào chuyện này [cuộc hành quân đánh qua Lào]. ... Rồi bây giờ Abrams bắt đầu uống rượu từ giữa trưa. Tôi nghĩ rất kỹ, chúng ta phải quyết định coi có nên thay ông ta hay không.” Trích theo Deb Riechmann, AP Press, 10-6-1999, bài báo viết về nội dung những tài liệu và băng thâu âm từ tòa Bạch Ốc do, National Archives giải mật và công bố vào năm 1999. Trong hồi ký
Inner Circles, trang 275-276, đại tướng Haig (lúc đó mang lon chuẩn tướng, làm phụ tá cho Kissinger) nói Nixon gọi ông vào phòng, không giải thích gì, ra lệnh cho ông, “Về nhà chuẩn bị hành lý, rồi lên chuyến bay sớm nhất qua Saigon,” để thay thế Abrams làm Tư lệnh MACV. Nhưng Haig dùng lời lẽ hợp lý để làm dịu cơn giận của Nixon. Ngày hôm sau Nixon ra lệnh cho Haig bay qua Saigon để duyệt xét tình hình cuộc hành quân ở Hạ Lào. Trong những trang đã trích dẫn trên, Haig cũng viết ý kiến của ông về những khuyết điểm của cuộc hành quân đó.
[32]Cấp số một sư đoàn Hoa Kỳ (12-14 ngàn quân) đông hơn cấp số của sư đoàn VNCH (10-12 ngàn). Bốn quân binh chủng, Hải, Lục, Không quân và TQLC Hoa Kỳ đều có không lực cơ hữu riêng của họ.
[33]James Willbanks, sđd, trang 107. Phạm Huấn,
Trận Hạ Lào 1971, trang 98-105.
[34]Jeffrey Clarke,
Advice and Support: The Final Years, 1965-1973, trang 354. Nhưng lời lưu ý của vị đô đốc bị Tổng trưởng quốc phòng Melvin Laird phủ quyết.
[35] Số thương vong hai bên, người viết lấy trong tài liệu giải mật năm 1980, được công bố từ Phòng Giám đốc Tình báo Quốc Ngoại/ Phụ tá Tư lệnh Lục quân/Tình báo. Tài liệu này được trích đăng lại trong, Jeffrey Clarke, sđd, trang 275.
[36]Sorley,
A Better War, trang 237;
The Abrams Tapes, trang 565. Đại tướng Abrams thổ lộ với trung tướng Michael Davison, Tư lệnh Quân đoàn II Dã chiến, khi nghe ông trung tướng nói, “Mình đã đưa họ vào chỗ đó, rồi mình lại kéo tấm thảm dưới chân họ [để họ hụt chân]. Tôi có nói với tướng [Đỗ Cao] Trí là, 'tôi thấy kỳ quá, trung tướng.'“ Chúng ta không hiểu chuyện “đưa họ vào chỗ đó” là chuyện gì, nhưng có thể ở đây ám chỉ cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt hay Lào. Davison là Tư lệnh Quân đoàn II Dã chiến (quân đoàn Hoa Kỳ nằm kèm theo Quân đoàn III của VNCH) năm 1971-1972.
[37]Sorley,
Thunderbolt: General Creighton Abrams and the Army of His Times, trang 179. Về truyện đời của Abrams, người viết dựa theo tác phẩm nói trên của Sorley. Trong tổ chức quân đội Hoa Kỳ, được chọn làm Tư lệnh hay Tư lệnh phó quân chủng (Lục quân, Hải quân, hay Không quân...) là một hãnh diện tuyệt đối trong binh nghiệp của một quân nhân, nhưng không hẳn phải là một nhiệm sở các cấp tướng lãnh mong muốn. Nhiệm sở mà các tướng lãnh mong muốn là các bộ Tư lệnh Hỗn hợp như Thái Bình Dương, NATO, MACV, Lộ quân Thứ 8 ở Đại Hàn, Bộ Tư lệnh Trung Á. ... Rất nhiều vị Tư lệnh Lục quân, sau khi hết nhiệm sở, vẫn xin được tái bổ nhiệm ở những bộ Tư lệnh nói trên. Khi trở thành Tư lệnh một quân chủng, trách nhiệm của vị tướng phần lớn chỉ là hành chánh, và những hoạt động hàng ngày rất gò bó ở Ngũ Giác Đài.
[38]Davidson,
Vietnam at War, trang 583.
[39]Bruce Palmer,
The 25-Year War: America's Military Role in Vietnam, trang 69, 133, 134. Đại tướng Palmer là bạn cùng khóa với Westmoreland và Abrams; cũng từng giữ chức Tư lệnh phó MACV dưới quyền Westmoreland và Abrams; Tư lệnh phó Lục quân, và trong một thời gian ngắn, nhiệm chức Tư lệnh Lục quân. Trung tướng Phillip B. Davidson, trong,
Vietnam at War, trang 579-580, cũng có nhiều nhận xét sâu đậm về tánh tình của Abrams. Davidson là sĩ quan tình báo của MACV, làm việc dưới quyền Abrams gần một năm. Một thí dụ khác về tánh tình của Abrams trong, Sorley,
Thunderbolt, trang, 145-146.
[40]Sorley,
Thunderbolt, trang 199;
A Better War, trang 10-11.
[41]Sorley,
Thunderbolt, trang 232. Người nói câu đó là đại tướng Frederick Weyand, Tư lệnh phó MACV, và sau cũng trở thành Tư lệnh Lục quân.
[42]“Tảo thanh và giữ đất,” và “Một cuộc chiến chung” là “Clear and hold,” và “One war” trong chiến thuật, chiến lược của Abrams. Shelby Stanton,
The Rise and Fall of an American Army, trang 283-284; Sorley,
Thunderbolt, 237-241.
[43]Khi bàn về cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt 1970, Abrams tuyên bố với ban tham mưu là tướng Nguyễn Viết Thanh soạn thảo và hành quân nhanh đến độ ông làm cho các đơn vị Hoa Kỳ đang tham dự chung có cảm tưởng cánh quân của họ di chuyển chậm như những con voi. Một lần khác, Abrams chỉnh một sĩ quan cấp tướng khi người đó có ý kiến sai lạc về kinh nghiệm quân sự và lối làm Việc của đại tá Nguyễn Bá Liên. Thiếu tướng Thanh (Tư lệnh quân đoàn III) và cố chuẩn tướng Liên (sau khi rời binh chủng TQLC, làm Tư lệnh Biệt khu 24, Vùng II) đều bị tử nạn trực thăng trong năm 1970 và 1969. Đọc, Sorley,
The Abrams Tapes, trang 83-84; 418-419.
[44]Sorley,
The Abrams Tapes, trang 565.
[45]Bộ trưởng Lục Quân Stanley Resor bàn về vấn đề giảm thiểu chi phí với MACV tại Saigon ngày 29 tháng 6-1971, trong, Sorley,
The Abrams Tapes, trang 445. Lính ở Việt Nam tốn kém hơn ở nội địa Mỹ vì họ trang bị nhiều hơn và được hưởng nhiều phụ cấp khác như phụ cấp tác chiến. Trong năm 1970-71, phi vụ và phi pháo của Hải quân (các lực lượng đóng ngoài khơi Việt Nam) bị giảm thiểu từ 20 đến 30% hàng tháng. Không quân thông thường bay từ 28 đến 30 ngàn phi vụ oanh kích hàng tháng, nay bị giảm lại còn chừng 14 ngàn. Đọc, Sorley, sđd, trang 495.
[46]Sorley,
Thunderbolt, trang 183. Ở chương 12,
Tinh thần người Mỹ trong cuộc chiến, chúng ta sẽ nói sâu hơn về vấn đề bất bình đẳng trong chế độ quân dịch của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.
[47]Ray L. Bowers,
The United States Air Force in Southeast Asia: Tactical Airlift, trang 467. Cũng theo Bowers, sau đó, ngày 28 tháng 7-1969, Tổng trưởng Quốc phòng Laird cũng gởi cho Ban tham mưu liên quân một huấn lệnh có nội dung tương tự như huấn Lệnh của Nixon. Op. cit., ibid., trang 777, phụ chú số 1. Về chi tiết của trận Ap Bia Mountian/Hamburger Hill, đọc, trung tướng E.M. Flanagan
, The Rakkasans: The Combat History of the 187th Airborne Infantry, trang 283-302. Một trong những sự phóng đại của giới báo chí phản chiến là, tuần báo
Life, số ra ngày 27 tháng -1969, có đăng hình 241 quân nhân tử thương trên toàn cõi chiến trường Việt Nam trong một tuần trước, nhưng chú đó là tổn thất của trận Ap Bia Mountain. Con số tổn thất chính thức của trận đánh là 70 chết và 372 bị thương. Trung đoàn 187 Nhảy dù Tác chiến có nguồn gốc từ “Glider Infrantry,” của sư đoàn 11 Nhảy dù vào đệ nhị thế chiến, chuyên phụ trách mặt trận Á châu. Tiểu đoàn 3, trung đoàn 187 là đơn vị đánh chiếm ngọn đồi Ap Bia. Lý do báo chí nói nhiều về trung đoàn 187 vì đây là một trung đoàn thiện chiến do Westmoreland chỉ huy trong chiến tranh Đại Hàn. Trung tướng Flanagan, lúc ở chiến trường Việt Nam, là trưởng phòng Huấn luyện của MACV. Người chỉ trích kịch liệt về tổn thất trận Ap Bia là thượng nghị sĩ Edward Kennedy, một lãnh tụ phản chiến ở quốc hội Mỹ cho đến ngày sau cùng của cuộc chiến.
[48]Một vài thí dụ về những bó buộc làm Abrams bực tức: Không quân chỉ có thẩm quyền cung cấp một số phi vụ hàng tháng, khi MACV “xài” hết số phi vụ ấn định, không quân không thể cung cấp thêm được. Đồng thời, có một số mục tiêu dù Abrams muốn nhưng không quân không được quyền oanh tạc. Mỗi bốn tháng MACV phải xin Hoa Thịnh Đốn gia hạn thẩm quyền dội bom vào các mục tiêu ngoài lãnh thổ Nam Việt Nam và khoảng giữa vĩ tuyến 17-20. Không lực 7 tuy nằm dưới quyền và có nhiệm vụ hỗ trợ MACV nhưng vẫn phải xin thẩm quyền từ bộ Tư lệnh gốc, nhất là những phi vụ đến từ bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (B-52). Đọc Sorley,
Abrams Tapes, trang 385, 591, 654; A Better War, trang 331-316. Trong cao điểm của trận “Mùa hè đỏ lửa” 1972, không còn quân tác chiến bộ binh trong tay, Abrams phải tùy thuộc vào hỏa lực của không quân và hải quân. Abrams đã nổi trận lôi đình khi một số chiến đỉnh rời vị trí yểm trợ của họ ở ngoài duyên hải Việt Nam mà không cho ông biết lý do. Hỏi ra thì mới biết họ được Lệnh từ Ngũ Giác Đài rời vị trí để đi yểm trợ cho các chiến đỉnh khác đang hành quân thả ngư lội phong tỏa các cửa khẩu dẫn vào Hải Phòng và Hà Nội. Bộ Tư lệnh Hải quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương... quên thông báo cho MACV về kế hoạch của họ. Trước khi tổng trưởng quốc phòng Laird gọi Abrams để xin lỗi về sự sơ hở đó, Abrams đã chửi tan nát quân chủng Hải quân trước mặt nhiều sĩ quan và nhân viên cao cấp của Hải quân và Bộ Quốc phòng. Đọc, Sorley,
Thunderbolt, trang, 323-325.
[49]Willbanks, sđd, trang,141,147; Sorley,
Thunderbolt, 326.
[50]Đại tướng Bruce Palmer,
The 25-Year War, trang, 133-135.
[51]Sorley,
The Abrams Tapes, trang XV. Câu nói nguyên tác đến từ ký giả Robert Shaplen, “General Abrams deserves a better war.” Ký giả Kelvin P. Buckley, trong tạp chí phụ bản The New York Times Magazine, ngày 5 tháng 10-1969, có viết một bài về Abrams với tựa đề tương tự. Ý của Buckley và Shaplen, khi nói về một cuộc chiến tốt hơn, khá hơn, là một cuộc chiến không bị giới hạn vì chính trị, một chiến tranh với chủ đích duy nhất là đánh để hủy diệt dối phương mà không cần quan tâm về những áp lực khác. Dĩ nhiên chiến tranh Việt Nam không nằm trong phạm trù đó. Buckey và Shaplen, nhất là Shaplen, là hai ký giả có ảnh hưởng nhiều với đọc giả Mỹ. Thân phụ của Buckley, William F. Buckley, là một trong những tiếng nói quan trọng của khối bảo thủ đảng Cộng Hòa trong thập niên 1960-70.