trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2006
Nguyễn Kỳ Phong
Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam
 1   2   3   4 
 
Tác phẩm Vũng lầy Bạch ốc - Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam của Nguyễn Kỳ Phong, Tiếng Quê Hương xuất bản, Virginia 2006
Chương 10
Nixon và Kissinger

Từ một đứa học trò tiểu học thường bị những đám trẻ thuộc nhóm Đức Quốc xã ăn hiếp ở quê nhà, rồi thành một anh binh nhì đào những hố cá nhân đầy đất đỏ trong trại lính Mỹ ở South Carolina... cho đến khi được ngồi trong căn phòng lớn nhất ở tầng lầu thứ bẩy của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đời của Kissinger là một cuộc đời ngoại hạng - dựa trên bất cứ tiêu chuẩn nào. Sự nghiệp của Kissinger được nhiều người ca tụng, nhưng cũng không thiếu kẻ dèm pha, đả kích.

Heinz Alfred Kissinger sanh năm 1923, tại Furth, một làng nhỏ ở ngoại ô thành phố Nuremburg, Đức. Mẹ ở nhà nội trợ; cha dạy học. Phía bên nội thích con cái theo ngành sư phạm; phía bên ngoại thì giàu và trung lưu hơn. Theo lời bà mẹ kể lại, lúc còn nhỏ Kissinger thích đọc sách, hay trầm tư, và rất ngoan học kinh đạo. Nhưng năm ông chào đời cũng là năm những luồng sóng bài Do Thái đang nổi lên ở Đức vài năm sau đệ nhất thế chiến. Ở Nuremberg, một đảng viên cuồng tín Đức Quốc xã là Julius Streicher xuất bản một tuần báo, kêu gọi triệt tiêu tất cả những người Do Thái [1] . Năm 1935, phong trào bài Do Thái ở Đức lên gần cực độ khi Bộ luật Nuremberg cấm hôn phối giữa Đức và Do Thái; cấm Do Thái không được hoạt động hay làm nhiều ngành nghề, trong đó có nghề dạy học - một nghề duy nhất mà cha của Kissinger có thể đem lợi tức về nuôi gia đình. Khi thấy chủng tộc Do Thái đang bị dần dần cô lập, mẹ của Kissinger - có thân nhân đang ở New York - quyết định ra đi. Tháng 8 năm 1938, khoảng ba tháng trước ngày những đám đông cuồng tín Đức Quốc xã nổi lên đốt phá, huỷ diệt văn hoá, định chế xã hội và tôn giáo của Do Thái (được gọi là Kristallnacht), Kissinger, người em trai, và song thân rời Đức di cư qua Mỹ. Đến Mỹ, Kissinger đổi tên Heinz thành Henry - Henry Alfred Kissinger.

Kissinger hội nhập vào xã hội Mỹ chậm hơn những người bạn cùng lứa, có lẽ tại thích đời sống nội tâm, nhưng không đến nổi bị thụt lùi đằng sau. Từ bậc trung học, Kissinger làm việc ban ngày, đi học ban đêm. Theo học bạ ở trường, Kissinger học giỏi, nếu không nói là xuất sắc, ở những năm cuối của bậc trung học và năm đầu ở trường đại học City College of New York. Kissinger nói mộng của ông rất đơn giản: chỉ học ra trường đại học và hành nghề kế toán. Và có thể Kissinger đã trở thành một kế toán viên nếu Hoa Kỳ không nhảy vào thế chiến thứ hai. Tháng 2 năm 1943, Kissinger bị động viên và lên đường nhập ngũ. Trong thời gian thụ huấn căn bản quân sự ở trung tâm huấn luyện Camp Croft, South Carolina, Kissinger được hợp thức hoá trở thành công dân Hoa Kỳ. [2]

Sau khoá căn bản quân sự Kissinger và tất cả những tân binh khác được thi một khoá thi định lượng khả năng chuyên môn. Quân đội Hoa Kỳ thường tuyển chọn những quân nhân ưu tú bằng loại thi tuyển này, để lựa ra các quân nhân có khả năng chuyên môn và gởi đi học các lớp huấn luyện đặc biệt cao hơn. Kissinger được tuyển chọn và gởi về một đại học ở Pennsylvania để tiếp tục huấn luyện. Ở khoá huấn luyện đặc biệt này, so với đám bạn quân nhân ưu tú đồng môn, Kissinger đã chứng tỏ ông ta ưu tú hơn. Theo bạn bè kể lại, lúc nào Kissinger cũng kè kè có sách vở bên người: ăn, ngủ, thở, đều với sách vở. Niên học đó Kissinger lấy 12 lớp và được điểm ưu cả 12. Nhưng khoá học chưa đầy một năm thì bị đình chỉ vào tháng 4.1944: Hoa Kỳ chuẩn bị đổ bộ lên Âu Châu; quân đội cần tất cả quân nhân để tác chiến, dù ưu tú, trí thức, hay là không. Kissinger không muốn ra tác chiến nên thi vào quân y để tránh. Ông đậu khoá thi nhưng không được tuyển chọn. Kissinger và nhóm bạn bị đưa về trại Fort Claireborne, Louisiana, nhập vào Sư đoàn 84 bộ binh, tiếp tục huấn luyện kỹ thuật tác chiến để chuẩn bị đổ bộ lên Âu Châu. Ở Sư đoàn 84 bộ binh, Kissinger gặp một người làm đời ông thay đổi.

Tư lệnh Sư đoàn 84 là một thiếu tướng. Ông thiếu tướng này có một binh nhì làm việc cho ông, vừa là thông dịch viên, vừa và chuyên viên về chiến tranh tâm lý. Nhưng binh nhì Fritz Gustav Anton Kraemer không phải là một binh nhì tầm thường. Sanh năm 1908 ở Đức, trong một gia đình thượng lưu người gốc Phổ (Prussia). Gia đình Kraemer khinh bỉ Hitler, coi Hitler chỉ là một tên hạ sĩ quèn gặp thời. Kraemer có chứng chỉ ở London School of Economics và hai bằng tiến sĩ ở Đại học Frankfurt và Đại học Rome. Đang làm việc cho Liên hội Quốc gia (League of Nations, tiền thân của Liên hiệp quốc bây giờ) ở Ý thì đệ nhị thế chiến xảy ra. Kraemer quyết định sống cuộc sống tự lưu đày ở xứ người, không muốn trở lại Đức. Khi Mỹ tham chiến, Kraemer qua Mỹ đầu quân. Trong thời gian phục vụ tại Sư đoàn 84, ban huấn luyện cần người nói tiếng Đức để giả làm đối phương trong các cuộc tập trận, và Kraemer tình nguyện giả làm sĩ quan Đức trong những lần tập trận đó. Vị tư lệnh Sư đoàn 84 để ý Kraemer và gọi ông về làm việc trong bộ tư lệnh sư đoàn. Ngoài nhiệm vụ là thông dịch viên, Kraemer còn phụ trách về tâm lý chiến: giải thích về ý thức hệ Đức Quốc xã và sự nguy hiểm của Hitler ở Âu Châu. (Vào đệ nhị thế chiến, Hoa Kỳ động viên tất cả mọi thành phần trong xã hội, và ít người được miễn dịch như những cuộc chiến mà Hoa Kỳ liên hệ đến sau nầy. Một số đông tân binh là những giáo sư, sinh viên, trí thức... Và các bộ tư lệnh thường có những buổi học tập về tâm lý chiến để giải thích sự gia nhập của Hoa Kỳ vào thế chiến chống lại trục quân sự Đức - Ý - Nhật.)

Một hôm, Kissinger là cử toạ trong một bài diễn thuyết của Kraemer. Nghe Kraemer giảng xong, Kissinger viết cho Kraemer một lá thư ngắn, tự giới thiệu, và đề nghị Kraemer một cách diễn thuyết hay hơn. Kraemer (lớn hơn Kissinger 16 tuổi) hơi sửng sốt về tính chất thẳng thắn của Kissinger, nhưng cũng muốn gặp coi Kissinegr là ai. Gặp nhau, Kramer thích lối suy nghĩ của Kissinger (Kissinger có một bộ óc chính trị khác thường, Kraemer nói cho Kissinger biết); trong khi Kissinger thích tính ngạo mạn, thái độ bất cần và phong cách quí tộc của Kraemer. Quen được Kraemer làm thay đổi cuộc đời của Kissinger: chỉ trong ba năm, từ một anh binh nhì vô danh, với ước vọng tầm thường trở thành một kế toán viên, Kissinger được mọi người chú ý và - quan trọng nhất - nhờ Kraemer, Kissinger đã khám phá ra những tiềm năng trí thức chưa được phát triển đúng mức bên trong.

Khi Sư đoàn 84 bộ binh đổ bộ lên Âu Châu và tiến vào nước Đức, thiếu tướng Bolling, tư lệnh sư đoàn, nhận lời tiến cử của Kraemer, cho Kissinger về làm tài xế, thông dịch viên và tuỳ viên cho ông. Trong thời gian các sư đoàn Hoa Kỳ được lệnh tạm thời quản trị các vùng trong phạm vi trách nhiệm của họ, vì không đủ chuyên viên hành chánh rành cả hai ngôn ngữ Anh - Đức, Kissinger được giao trách nhiệm quản trị cả một quận lỵ nhỏ ở gần Frankfurt. Tháng 6.1945, mang lon trung sĩ và có chức vụ chỉ huy trưởng một biệt đội phản gián chuyên truy lùng những đảng viên Đức Quốc xã đang lẩn trốn quân đội Đồng minh, Kissinger có thẩm quyền bắt giữ tất cả những ai nằm trong vùng trách nhiệm của ông [3] . Giữ chức vụ đó chưa đầy một năm thì Kraemer tìm gọi Kissinger: Kraemer vừa thành lập một trường tình báo ở gần Munich, mục đích của trường là huấn luyện các sĩ quan Đồng minh khám phá những tổ chức Nazis còn sót lại, và tái lập thẩm quyền dân sự cho nước Đức. Kissinger nhận lời. Ban đầu Kissinger dạy như là một quân nhân trong ban giảng huấn của trường. Nhưng khi xuất ngũ và được mướn trở lại như một giảng viên dân sự, Kissinger được trả lương 10.000 mỹ kim một năm, một số tiền khá lớn vào năm 1946. Những học viên của trường - sau này là những nhân vật có nhiều thẩm quyền của chính phủ Mỹ, hay khoa trưởng ở những đại học nổi tiếng - đều công nhận Kissinger có lối nói chuyện và một tư cách rất thẩm quyền, nếu không nói là độc đoán. Với số lương cao như vậy, nhưng Kissinger muốn trở lại Hoa Kỳ để tiếp tục học. Nhất là khi người đở đầu của ông, Kraemer, khuyên ông nên có một mảnh bằng đại học. Kissinger được nhận vào Đại học Harvard và nhập học vào mùa thu năm 1947. Năm đó Kissinger được 24 tuổi.

Ở Đại học Harvard Kissinger học giỏi và tạo cho mình một tên tuổi, nếu không nói là một huyền thoại. Chọn ngành Chánh quyền và Triết học là môn căn bản, Kissinger không gia nhập một hội đoàn nào ở trường, không tụ tập vào những cuộc hội họp cuối tuần, và cũng không tham dự vào môn thể thao nào. Kissinger chỉ học và có một cuộc sống gần như cô độc. Vì Kissinger học giỏi từ năm đầu, ông được liệt vào hạng sinh viên danh dự và được trường đề cử một giáo sư để làm cố vấn. Vị giáo sư đó là William Yandell Elliott, một trong những giáo sư nổi tiếng về ngành nhân văn của Đại học Harvard đương thời. Cũng như Kraemer, lúc đầu giáo sư Elliott ngộ nhận Kissinger chỉ là một sinh viên thường như những sinh viên khác mà ông đã bị trường bắt làm cố vấn. Để tỏ sự khó chịu và để cho Kissinger biết ông là một giáo sư cố vấn khó tánh, giáo sư Elliott bắt Kissinger đọc 25 quyển sách để viết cho ông một luận đề, so sánh giữa lý trí thuần tuýlý trí thực nghiệm trong hệ thống triết học của Immanuel Kant. Theo lời kể của hai người bạn ở chung phòng, Kissinger vào thư viện mượn tất cả những quyển sách đó về chất trong phòng, rồi đêm nào ông cũng thức đến hai giờ sáng đọc và viết. Ba tháng sau Kissinger nộp bài cho giáo sư Elliott. Nộp bài buổi sáng thì buổi chiều giáo sư Elliott gọi điện thoại muốn Kissinger trở lại gặp ông. Gặp Kissinger, Elliott nói từ trước đến nay chưa có một sinh viên nào đọc hết những quyển sách ông chỉ định, và chưa có sinh viên nào viết được một luận đề mạch lạc như bài viết của Kissinger [4] . Trong một lá thư giới thiệu ông viết cho Kissinger, giáo sư Elliott nói trong năm năm qua, ngay cả trong nhóm sinh viên liệt vào hàng tối ưu, ông chưa gặp ai có một cái nhìn sâu sắc về triết lý chính trị như Kissinger. Bốn năm ở Harvard, Kissinger chỉ có một lớp bị điểm B, tất cả các lớp còn lại đều điểm A. Vào năm thứ hai ở đại học, Kissinger lập gia đình với một cô bạn đã quen biết từ thời trung học. Vợ Kissinger cũng là người Đức gốc Do Thái, cũng chạy tị nạn Nazis cùng thời với ông.

Tiểu luận cử nhân của Kissinger ở Đại học Harvard làm ông trở thành một huyền thoại; một “tiểu" luận đã làm cho Harvard đề ra một qui luật mới về cách viết tiểu luận ở bậc cử nhân. Tiểu luận của Kissinger mang tên “Ý nghĩa của lịch sử”, dầy 383 trang. Nội dung chánh của tiểu luận nói về phương thức phân tích lịch sử; thẩm định lại để coi lịch sử có phải là một sự tất định - trong ý nghĩa lịch sử là định mệnh - hay lịch sử là hậu quả của những quyết định đến từ những cá nhân trong lịch sử tạo ra. Kissinger bàn về nhận định của triết gia Immanuel Kant; nhà xã hội học Oswald Spengler; và sử gia Arnold Toynbee. Không mấy ai nói nhiều - hay đọc hết - về tiểu luận của Kissinger. Nhưng với tiểu luận đó và thứ hạng trong suốt bốn năm học, Kissinger tốt nghiệp cử nhân hạng tối ưu. Và cũng qua tiểu luận của Kissinger, đại học Harvard qui định từ đó về sau, tiểu luận bậc cử nhân không được quá 150 trang. [5]

Nếu Kissinger đã may mắn gặp được Fritz Kraemer, thì Kissinger may mắn hơn lúc được William Elliott đở đầu. Khi Kissinger quyết định tiếp tục theo học lên bậc tiến sĩ ở Harvard, Elliott tìm mọi cách để giúp đỡ Kissinger về vấn đề tài chánh. Mùa hè năm 1951, trong lúc Kissinger đang viết luận án tiến sĩ, giáo sư Elliott cho Kissinger phụ trách một chương trình quan trọng mà sau này (khi Kissinger trở thành Cố vấn an ninh quốc gia, rồi Tổng trưởng ngoại giao) đã giúp đỡ Kissinger liên lạc dễ dàng với nhiều yếu nhân quan trọng trên thế giới. Chương trình do giáo sư Elliott đề nghị có tên là Hội thảo Quốc tế Harvard. Đây là một khoá hội thảo mùa hè do Đại học Harvard tổ chức. Những thành phần được chọn đến tham dự là những lãnh tụ, khoa bảng trẻ, có nhiều tương lai ở quốc gia của họ. Kissinger được Elliott cho phụ trách tuyển chọn những người tham dự [6] . Nhiều người theo dõi sự nghiệp của Kissinger cho rằng Harvard International Seminar là bắt đầu của Kissinger vào thao trường chính trị. Ngoài nhiệm vụ phụ trách Harvard International Seminar, Kissinger còn ấn hành một tạp chí với nội dung về chính trị quốc tế có tên là Confluence: An International Forum (Hội tụ: một diễn đàn quốc tế). Tạp chí phát hành bốn số một năm, và Kissinger đã thu hút được nhiều tác giả khoa bảng có tiếng lúc đương thời. [7]

Tháng 5 năm 1954, Kissinger được cấp bằng tiến sĩ qua luận án “A World restored: Metternich, Castlereagh, and the Problems of Peace 1812-22”. Một luận án rất lỗi thời so với những sôi động trong giới khoa bản và lý thuyết gia về chiến lược nguyên tử đương thời. Trong luận án, Kissinger phân tích về vai trò của Clemens von Metternich, Thủ tướng Áo, và Ngoại trưởng Anh, Robert Steward Castlereagh, trong cuộc hội nghị ở Vienna để bàn về số phận của Pháp và Napoleon, và tạo lại thế quân bình trên lục địa Âu Châu sau khi ảnh hưởng của đế quốc Pháp tàn lụn. Trong lịch sử ngoại giao quốc tế, Metternich được nhắc đến nhiều với đường lối ngoại giao bí mật để thương lượng thế lực giữa các cường quốc. Metternich hô hào những biện pháp như đàn áp và kiểm duyệt để duy trì an ninh nội bộ của một quốc gia. Kissinger tán dương Metternich, cho rằng nhờ nhà ngoại giao này mà Âu Châu được yên tĩnh cho đến khi thế chiến thứ nhất bùng nổ. [8]

Với bằng tiến sĩ trong tay, Kissinger hy vọng được bổ nhiệm một chức giáo sư trong ban giảng huấn của Harvard. Nhưng Harvard không bổ nhiệm ông một chức gì thực thụ, ngoài chức tạm thời là phụ giáo. Thất vọng, nhưng Kissinger kiên nhẫn ở lại Harvard, dù hai trường đại học khá có tiếng khác mời ông về dạy với chức giáo sư thực thụ (Đại học Chicago và Đại học Pennsylvania). Kissinger kiên nhẫn ở lại Harvard vì biết đó là tụ điểm của tiếng tăm và danh vọng.

Làm phụ giảng chưa đầy năm thì một may mắn tình cờ khác xảy đến với Kissinger. Giáo sư sử học Arthur Schlesinger, Jr., của Harvard có viết một tiểu luận chỉ trích chiến lược nguyên tử đương thời của Hoa Kỳ cho tạp chí ngoại giao và chính trị Foreign Affairs. Ông nhờ Kissinger đọc và cho ý kiến. Kissinger đọc và viết lời phê bình về bài viết của Schlesinger. Bài phê bình của Kissinger làm cho Schlesinger thích đến độ ông gởi bài phê bình của Kissinger đến chủ bút tờ Foreign Affairs; và bài viết đầu tiên về an ninh quốc gia và chiến lược nguyên tử của Kissinger được đăng trên một nguyệt san tên tuổi, chuyên nghiên cứu về đường lối ngoại giao Hoa Kỳ. [9] Sau khi bài viết được đăng trên Foreign Affairs, và nhờ sự giới thiệu của những giáo sư danh tiếng ở Harvard như Elliott, Schlesinger, hay McGeorge Bundy, Kissinger được mời vào làm giám đốc một ban nghiên cứu về ảnh hưởng của vũ khí nguyên tử đối với đường lối ngoại giao. Kissinger xin Harvard cho nghỉ dạy một thời gian và dọn về New York làm việc. Ban nghiên cứu do Kissinger làm giám đốc (mà hội viên là những thành phần nổi tiếng trong giới quân sự, tình báo, kinh tế và ngoại giao Hoa Kỳ đương thời) nằm trong một cơ sở có tiếng nói rất quan trọng đối với nền ngoại giao Hoa Kỳ: Hội đồng Liên hệ Ngoại giao (Council on Foreign Relations). Khi đặt chân vào làm việc cho Council on Foreign Relations, Kissinger mới thật sự đối diện với cơ cấu và quyền lực của Chính phủ Hoa Kỳ [10] . Làm việc chung với những chuyên gia tên tuổi về quân sự và ngoại giao chuyên về chiến lược nguyên tử, sau 18 tháng làm việc miệc mài, năm 1957, Kissinger hoàn tất một tác phẩm được nhiều người trong giới chính trị, ngoại giao và quân sự nhắc đến: Nuclear Weapons and Foreign Policy (Đường lối ngoại giao và vũ khí nguyên tử). Tác phẩm được chánh quyền Mỹ chú ý; giới chuyên nghiệp bàn tán, và nằm trên đầu những quyển sách bán chạy nhất ở Mỹ trong 14 tuần lễ liên tục. Nhưng theo những nhà quan sát, Kissinger chỉ “khoa bảng hoá” ý nghĩ và suy luận của các chuyên viên làm việc chung với Kissinger. Tác phẩm của Kissinger bán chạy chỉ vì đúng vào thời điểm và sự hiếu kỳ của độc giả trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh đang diễn ra giữa hai siêu cường Nga - Mỹ [11] .

Sau thời gian ở Council on Foreign Relations, sau khi tên tuổi đã được ít nhiều sự chú ý trong cộng đồng khoa bảng, Kissinger trở lại Harvard. Đại học Harvard bổ nhiệm Kissinger chức giảng sư, rồi phó giáo sư; và giáo sư thực thụ vào năm 1962. Tuy trở về Harvard dạy, nhưng Kissinger vẫn tiếp tục giữ liên lạc với Council on Foreign Relations và các cơ sở có ít nhiều liên hệ với chính quyền. Cuối năm 1962, Kissinger được 34 tuổi, có hai con, trai và gái, và đã ly dị vợ.

Khi chúng ta nói về sự may mắn trong cuộc đời, có lẽ khó ai gặp nhiều may mắn như Kissinger. Kissinger biết Kraemer lúc còn một binh nhì trong lính; được giáo sư Elliott giúp đỡ khi mới vào Harvard. Rồi trong thời gian làm việc ở Council on Foreign Relations, Kissinger gặp một bảo nhân khác quan trọng hơn, thế lực hơn: nhà tỉ phú Nelson Rockefeller [12] . Nelson Rockefeller biết Kissinger qua những lần hội thảo về tình hình an ninh quốc gia/quốc tế (Nelson là phụ tá cho tổng thống Eisenhower về an ninh quốc tế một thời gian), và trong thời gian Kissinger làm việc cho Council. Nelson kính nễ Kissinger, nghĩ rằng ông có thể nhờ vào trí thức và khoa bảng của Kissinger để cố vấn trong cho sự nghiệp chính trị của ông về sau. Từ năm 1956 cho đến năm 1968, Nelson đích thân mướn Kissinger soạn thảo và nghiên cứu nhiều dự án cho cá nhân ông. Năm 1969, khi Kissinger chánh thức về làm việc cho chính phủ (Cố vấn an ninh quốc gia cho Nixon), Nelson đã biếu Kissinger 50000. mỹ kim như một món quà đưa tiễn [13] . Đã lọt vào thế giới khoa bảng, giáo khoa, ở Đại học Harvard, bây giờ, nhờ sự quen biết với Nelson Rockefeller, Kissinger lại được giới thiệu, hay có dịp làm việc chung những khuôn mặt quan trọng trong Chính phủ Hoa Kỳ.

Năm 1961, khi John F. Kennedy nhậm chức tổng thống, vị tổng thống trẻ tuổi này đưa hầu hết các bạn bè đồng môn ở Harvrad về làm việc cho ông (Kennedy cũng tốt nghiệp ở Harvard năm 1940, hạng danh dự cum laude). Một trong hai giáo sư đang dạy ở Harvard là Schlesinger và McGeorge Bundy được Kennedy mời về làm cố vấn và phụ tá quan trọng trong toà Bạch Ốc. Theo lời mời của Bundy, Kissinger được về làm cố vấn bán thời gian ở Hoa Thịnh Đốn. Nhưng trong thời gian làm việc ở toà Bạch Ốc, thái độ và tư cách của Kissinger gây nhiều khó chịu cho nhiều người - trong đó có Tổng thống Kennedy và cố vấn an ninh quốc gia McGeorge Bundy. Thấy mình không được trọng dụng trong chính phủ Kennedy - hay là thấy không ai thích mình - Kissinger làm chưa tới một năm rưỡi thì từ nhiệm, trở về Harvard tiếp tục nghiên cứu và viết sách. Năm 1964, khi Nelson Rockefeller ra tranh cử vòng sơ tuyển trong Đảng Cộng hoà cho cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, Kissinger là cố vấn cho Nelson về vấn đề an ninh quốc phòng. Nelson thua, và Đảng Cộng hoà đề cử Thượng nghị sĩ Barry Goldwater ra tranh cử lại Lyndon Johnson. Nhưng qua lần xuất hiện năm 1964 với Nelson Rockefeller, Kissinger biết được thêm một số nhân vất quan trọng trong Đảng Cộng hoà. Một trong những người quan trọng đó là Henry Cabot Lodge, một nhân vật quan trọng đương thời trong Đảng Cộng hoà. Lại thêm một tình cờ khác đưa Kissinger trở lại liên hệ với chính quyền. Cũng từ Lodge, Kissinger lần đầu tiên biết đến Việt Nam và cuộc chiến đang xảy ra ở miền Nam, một địa dư và cơ cấu chính trị Kissinger rất còn xa lạ [14] .

Qua lời mời của Lodge, Kissinger đến Sài Gòn cuối năm 1965, và hai lần tiếp theo sau đó vào năm 1966. Trong ba lần quan sát nghiên cứu này, Kissinger đi thăm viếng nhiều nơi, nói chuyện với nhiều thành phần và yếu nhân của Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Sau những chuyến quan sát đó, Kissinger tường trình bằng miệng lại cho Lodge và thẩm quyền ở Hoa Thịnh Đốn. Tuy nhiên, theo những người biết chuyện bên trong, Kissinger tường trình theo ý của người nghe: nghĩa là ông thay đổi quan điểm tuỳ theo người đối diện [15] . Tháng 8 năm 1966, Kissinger viết lên nhận định đầu tiên về vấn đề Việt Nam trên tạp chí Look. Trong bài viết, Kissinger nói cuộc chiến ở Việt Nam khó kết thúc bằng chiến thắng quân sự; thương thuyết để tìm một giải pháp hoà bình là chuyện tất nhiên sẽ xảy ra. Nhưng quan trọng nhất trong thời gian này, sự rút quân của Hoa Kỳ khỏi Việt Nam sẽ gây nhiều tổn thương về danh dự của Hoa Kỳ đối với các quốc gia đồng minh chống cộng trên toàn thế giới.

Liên hệ đầu tiên của Kissinger đối với Việt Nam tưởng đã chấm dứt sau ba lần thăm viếng quan sát qua lời mời của đại sứ Lodge. Nhưng vào năm 1967, một tình cờ khác đưa Kissinger đến những liên hệ bí mật hơn của chiến tranh Việt Nam. Trong một lần tham dự hội thảo với những giới chức khoa bảng quốc tế hàng năm tại Paris, Kissinger gặp lại một người bạn Pháp tên Herbert Marcovich. Khi câu chuyện qua lại đưa đến đề tài về chiến tranh Việt Nam, Marcovich nói với Kissinger ông có một người bạn thân tên là Raymond Aubrac, và Aubrac quen biết rất thân với Hồ Chí Minh từ năm 1946. Marcovich đề nghị ông thể nhờ Aubrac đánh tiếng với Hồ Chí Minh, hay cấp lãnh đạo Hà Nội, khởi đầu một liên lạc ngoại giao ngầm giữa Hà Nội và Mỹ về vấn đề Việt Nam [16] . Trở lại Mỹ, Kissinger đem chuyện đó nói với McGeorge Bundy, hỏi thẩm quyền có ý kiến gì không. Bundy hỏi Ngoại trưởng Dean Rusk, và Rusk trình lên cho Tổng thống Johnson. Vài tuần sau, toà Bạch ốc cho phép Kissinger liên lạc lại với Marcovich và Aubrac. Nhưng để tránh sự lộ liểu và để giữ bí mật trong trường hợp sự liên lạc không đi đến đâu, thẩm quyền Hoa Thịnh Đốn chỉ thị Kissinger liên lạc Hà Nội với tư cách một “cá nhân quan tâm”, muốn đi tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt Nam chứ không phải đại diện của chính phủ Hoa Kỳ. Trong khi đó, được sự chấp thuận của Tổng thống De Gaulle, Aubrac và Marcovich bay qua Hà Nội ngày 21 tháng 7 năm 1967. Ở Hà Nội hai người được Phạm Văn Đồng và Hồ Chí Minh đón tiếp. Sau khi nghe đề nghị Hoa Kỳ sẽ ngưng dội bom nếu Hà Nội thật sự muốn thương lượng để chấm dứt cuộc chiến, Phạm Văn Đồng trả lời Hoa Kỳ phải ngưng dội bom lập tức và vô điều kiện trước khi muốn có một cuộc đối thoại nào. Aubrac chuyển tin tức từ Hà Nội về cho Kissinger; Kissinger đưa lại cho toà Bạch ốc. Giữa tháng 10.1967, trong một buổi họp cao cấp dưới sự chủ toạ của Johnson (và có mặt Kissinger), sau khi bàn cãi về thái độ sự thành thật của Hà Nội, Tổng thống Johnson quyết định chấm dứt những liên lạc ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Hà Nội qua Kissinger - Marcovich - Aubrac. Hoa Kỳ đoán đúng về thái độ hiếu chiến của cộng sản Bắc Việt (CSBV): hơn hai tháng sau, CSBV mở cuộc tổng công kích toàn diện ở miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968 [17] .

Chỉ mười một năm từ ngày Kissinger xuất bản tác phẩm về chiến lược nguyên tử, cho đến năm bầu cử tổng thống 1968, tên tuổi Kissinger được nhắc đến nhiều trong giới chiến lược, chính trị gia, và khoa bảng. Giống như năm 1964, Kissinger được mời làm cố vấn quan trọng trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của Nelson Rockefeller vào năm 1968. Ở vòng sơ tuyển tranh cử nội Đảng Cộng hoà, Kissinger ra mặt chỉ trích ứng cử viên Nixon [18] . Kissinger tuyên bố: “Nixon không xứng đáng làm tổng thống”, đầu óc Nixon “nông cạn”, và Nixon là “một thảm hoạ cho Đảng Cộng hoà... Nhưng may mắn, Nixon không thể đắc cử tổng thống, nếu không thì [sự đắc cử của Nixon] là một thảm hoạ cho Mỹ quốc" [19] . Nhưng sau khi Nixon đánh bại Rockefeller và được đảng chính thức đề cử, Kissinger yên lặng. Nhưng Kissinger yên lặng không lâu: khi cuộc tranh cử tổng thống đi vào giai đoạn hai - Nixon của Đảng Cộng hoà đối lại Humphrey của Đảng Dân chủ - thì ban cố vấn của Nixon gọi Kissinger, mời ông giúp một tay, cố vấn về đường lối ngoại giao quốc tế. Kissinger chần chừ vài ngày rồi nhận lời với một điều kiện: ông muốn cố vấn sau lưng và không muốn ra mặt làm việc cho Nixon công khai. Ban tham mưu Nixon chấp nhận [20] . Giấu mặt ở phía sau, Kissinger cung cấp một số tin tức liên quan về những mật đàm sơ khởi đang xảy ra ở Paris giữa CSBV và Mỹ. Với những tiên liệu cung cấp từ Kissinger, ứng cử viên Nixon theo đó mà tuyên bố một cách dè dặt, theo chiều, về đường lối ngoại giao của ông đối với cuộc chiến Việt Nam đang xảy ra. Tuy nhận tin tức từ Kissinger, nhưng Nixon lúc nào cũng đề phòng một người đã từng làm việc cho đối thủ của mình. Theo những người biết chuyện, tin tức Kissinger cung cấp cho Nixon không quan trọng hay tối mật lắm, nhưng có thể dùng được [21] .

Rồi chuyện xảy ra như chúng ta đã thấy: Nixon đắc cử năm 1968. Với lời hứa là ông sẽ giải quyết vấn đề Việt Nam, Nixon cần một người mới nhưng biết chút ít nội vụ thương nghị đang xảy ra ở Paris. Kissinger có thể đóng vai trò đó. Gần một tháng sau ngày đắc cử, Nixon gọi Kissinger về và giao cho chức Cố vấn an ninh guốc gia.

Chỉ trong vòng 26 năm, từ một anh lính quèn, Kissinger ngày nay trở thành cố vấn quan trọng cho một vị tổng thống mạnh nhất trên thế giới.

Bây giờ, anh bình nhì Henry Alfred Kissinger có quyền sử dụng sĩ quan cấp tướng để làm phụ tá cho mình [22] .


*


Ở phần trên là những điểm sáng, những thành công của cuộc đời Kissinger. Nhưng ở phía sau những thành đạt, những khen ngợi đó, tư cách và đạo đức của Kissinger bị rất nhiều tai tiếng, chê bai, phỉ nhổ. Những tiếng như “con đĩ”, “thằng điếm”, “hai mặt”, “tráo trở, đâm sau lưng”, được sử dụng để chỉ con người Kissinger.

Theo những người đã biết Kissiger từ lúc bắt đầu làm phụ khảo ở Harvard, cho đến lúc ông rời chính phủ sau nhiệm kỳ của Tổng thống Gerald Ford, tư cách và đạo đức của Kissinger có thể tóm gọn trong câu “nịnh trên hiếp dưới”. Kissinger sợ và tuân lệnh những người có quyền hơn ông; đối với người dưới trướng thì ông doạ nạt và đày ải. Một người thầy cũ của Kissinger ở Harvard nói Kissinger nịnh rất giỏi; thích làm quen với các giới thượng lưu, quyền thế, để có thể nhờ vả về sau. Những người bạn đồng môn nổi tiếng sau này như Zbigniew Brzezinski, James Schlesinger, Adam Ulam (Brzezinski là Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Jimmy Carter; Schelesinger làm Giám đốc CIA, rồi Tổng trưởng Quốc phòng thời Nixon và Ford; Ulam là Giám đốc trung tâm nghiên cứu về Nga Xô của Đại học Harvard) đều nghĩ Kissinger thích quan trọng hoá cá nhân, tư cách hồ đồ, tự cao tự tại, thích được mọi người chú ý. Đối với những người đó, Kissinger chỉ là một tên nói lừa dối không biết ngượng; một kẻ vô luân. “Kissinger khoái lừa dối, và khi sự lừa dối càng phức tạp, Kissinger càng thích thú”. James Schlesinger nói về tư cách của Kissinger: “Mọi người thấy xấu hổ khi nói dối; nhưng đối với Kissinger, nói dối là một trang vật; Kissinger nói dối có phong độ”. Vì Kissinger quá mong muốn được mọi người thích và chấp nhận mình nên ông ta phải làm vừa lòng, phải chiêu dụ nhiều loại người khác nhau. Để làm như vậy, Kissinger tạo ra nhiều khuôn mặt cho từng loại người Kissinger muốn mua chuộc, lấy lòng, khi giao thiệp. Morton Halperin, một trong những cố vấn tổng thống như Kissinger trong toà Bạch ốc, nhưng sau này thưa Kissinger ra toà vì Kissinger ra lệnh thu âm đường điện thoại của Halperin, nói về Kissinger: “Không cần biết đúng hay sai, thật hay giả dối khi ông hứa hẹn, thương thuyết với một người nào: Kissinger nói đại ra rồi tính sau” [23] . Fritz Kraemer, người đỡ đầu từ lúc Kissinger mới vào lính, phải lên tiếng phê bình, “Dần dần, tôi thấy người này [Kissinger] chẳng những có một khác vọng về tri thức, mà còn có một tham vọng về sự nghiệp cá nhân”. Nahum Goldmann, một lãnh tụ tinh thần của cộng đồng người Mỹ gốc Do Thái - và là bạn thân của gia đình Kissinger - tuyên bố, nếu Kissinger “bớt thông minh đi mười phần, và thêm vào đó mười phần chân thật, thì ông ta là một người vĩ đại”.

Trong liên hệ nghề nghiệp giữa cá nhân và cá nhân, Kissinger thường lấn quyền những người bạn đồng nghiệp, một đôi khi hất họ ra khỏi vòng ảnh hưởng của quyền lực nếu được. Lúc còn làm việc trong chánh quyền Kennedy, Kissinger đi lòn sau lưng cấp trên như McGeorge Bundy, tìm cách để được gần Kennedy đến độ vị tổng thống khó chịu, phải ra lệnh giới hạn lại sự ra vào của Kissinger [24] . Trong thời gian Nixon đang vận động tranh cử, chính Richard Allen trong ban tham mưu của Nixon là người giới thiệu và mời Kissinger về làm việc trong ban tham mưu. Nhưng khi trở thành cố vấn cho Nixon, Kissinger hất Allen ra, và cô lập ông này trong vòng ảnh hưởng quyền lực ở toà Bạch ốc. Trường hợp tương tự cũng xảy ra với tướng Alexander Haig: khi thấy Haig được sự tính nhiệm của Nixon, Kissinger đề nghị Nixon thăng cấp cho Haig để cho ông tướng này trở về làm việc với quân đội ở Bộ Quốc phòng [25] .

Về phương diện nghề nghiệp công vụ, trong khi đi thương lượng ngoại giao, Kissinger coi trọng quyền lợi Hoa Kỳ trên tất cả quyền lợi của những quốc gia khác. Chuyện đó dễ hiểu và thông cảm được. Nhưng khi có sự xung đột giữa quyền lợi cá nhân của Kissinger và của quốc gia mà ông đang phụng sự, Kissinger đặt quyền lợi cá nhân của ông trên quyền lợi Hoa Kỳ: Kissinger coi trọng tên tuổi của mình hơn hết. Brzezinski gọi lối ngoại giao “bí mật, khuynh đảo, lừa dối” của Kissinger là vô luân, là đi ngược lại những nền tảng của người Mỹ”. Khi đi thương lượng, Kissinger thường nói xấu phía bên kia để lấy lòng phía bên này; qua bên này lại nói xấu bên kia. Nói chuyện với Trung Cộng, Kissinger chửi Nga; trước mặt thì vui cười, gọi Leonid Brezhnev là bạn, nhưng khi nói chuyện với các nhà ngoại giao Anh quốc thì chửi những nhà lãnh đạo Nga là “nói láo khủng khiếp”. Lúc khởi đầu thương lượng với Tàu, Kissinger khen ngợi Chu Ân Lai và Mao với Nixon; nhưng khi nói chuyện với Tổng thống Ford về sau này thì gọi những người đó “những thằng con rơi vô tình cảm”. Sau khi Kissinger bí mật liên lạc với Trung Cộng vào năm 1971, rồi đến chuyến viếng thăm lịch sử của Nixon vào năm 1972, để lấy lòng lá bài cộng sản Tàu, Kissinger đề nghị với Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông, là Hoa Kỳ sẽ cung cấp tất cả hình ảnh chụp bằng vệ tinh về vị trí đóng quân của Nga bên kia biên giới Trung Cộng, và sẽ cập nhật hoá những hình ảnh chiến lược đó nếu cần. Đến năm 1974, trong lúc thương lượng với Nga về vấn đề giảm thiểu hoả tiễn nguyên tử liên lục địa, khi đại sứ Nga Anatoly Dobrynin chất vấn Kissinger về việc Hoa Kỳ cung cấp hình ảnh vệ tinh cho Trung Cộng, Kissinger trả lời: “Anatoly, bạn nghĩ tôi tay mơ đến như vậy sao? Đó không phải là chuyện chúng ta cần lo lắng”. Kissinger cũng giả dối, lừa đảo như vậy khi thương lượng giảng hoà ở Trung Đông giữa Do Thái và khối Ả Rập. Vì sợ người ngoài thấy được sự gian dối và hai mặt của mình, Kissinger không bao giờ cho ai biết sự thương lượng đi đến đâu, đang điều đình chuyện gì, và thời khoá biểu ra sao. Kissinger giấu Ngoại trưởng William Roger khi thương lượng bang giao với Trung Cộng; giấu ban tham mưu liên quân khi thương lượng về vấn đề giảm thiểu vũ khí chiến lược; và trong trường hợp Việt Nam, Kissinger giấu Tổng thống Thiệu và cả đại sứ Ellsworth Bunker khi nói chuyện bí mật với cộng sản Bắc Việt về vấn đề Việt Nam [26] .

Hầu hết những người phục vụ cùng với Kissinger trong hai chánh phủ Nixon và Ford, không người nào nhắc đến Kissinger bằng tiếng tốt lời khen. Những hằn học và khinh bỉ về Kissinger càng gia tăng khi số lượng hồ sơ liên hệ về những việc làm bí mật của Kissinger được giải mật sau khi Kissinger rời công vụ, và sau khi hồ sơ mật đã mãn hạn theo luật định. Theo thời gian, những mảnh nhỏ từ chiếc mặt nạ của Kisisnger bị rớt ra, và đến nay chúng ta có thể thấy khá rõ khuôn mặt thật của Kissinger. Rất khôn ngoan, sau khi mãn nhiệm kỳ Tổng trưởng ngoại giao, Kissinger đem tất cả tài liệt của chính phủ, và tài liệu có liên hệ đến ông từ lúc còn làm Cố vấn an ninh quốc gia cho đến khi rời chính quyền, giao cho Thư viện Quốc hội (The Library of Congress) với điều kiện những tài liệu đó chỉ được bạch hoá năm năm sau khi ông chết. Tuy nhiên, từ đầu tập niên 1990, dựa vào Bộ luật Quyền Tự do Tin tức (Freedom of Information Act), Liên hội Báo chí và Tư nhân (sử gia, chuyên viên nghiên cứu, giáo sư), yêu cầu Nha Văn khố (The National Archives) và Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ phải giải mật một số tin tức tài liệu đang nằm trong hồ sơ của Kissinger, nếu những tài liệu đó không làm nguy hiểm đến nền an ninh quốc gia hay gây nguy hiểm cho cá nhân nào. Bắt đầu từ đó, một số văn kiện và tin tức được giải mật và công bố sau khi Toà án Liên bang xử cho phía nguyên cáo. Dựa vào những tài liệu được giải mật, dựa vào những hồi ký của những người từng làm việc chung hay có liên hệ với Kissinger, chúng không thể hoàn toàn tin Kissinger, khi so sánh sự kiện trên thư liệu và những gì Kissinger viết lại - nhất là những giai đoạn Kissinger thương lượng ngoại giao bí mật [27] . Sau này, với những chứng cớ được phơi bày, khi Kissinger được hỏi ông có thể giải thích những khác biệt giữa những gì ông viết và những gì được ghi lại chánh thức..., Kissinger trả lời là ông không còn nhớ rõ. Dĩ nhiên, nói theo tâm lý học hiện sinh, Kissinger chỉ nhớ những gì ông muốn nhớ; và quên những gì ông muốn chối. Đô đốc Elmo Zumwalt, cựu chỉ huy trưởng hải quân Mỹ ở Việt Nam và sau này là tư lệnh hải quân Hoa Kỳ nói về Kissinger: “Lối viết sử của Kissinger giống lối viết sử của những người cộng sản: Họ bắt đầu từ hiện tại và giải thích ngược về trước; từng chi tiết một. Viết sử như vậy thì lịch sử không xảy giống như đã xảy ra” [28] .

Nhưng trong năm năm làm việc cho Nixon, tại sao Kissinger có thể lộng hành, tác quái, theo cá tính của ông ta được mà không bị một phản đối nào từ Nixon hay từ những viên chức cao cấp trong nội các của Nixon?

Nhiều tổng trưởng, cố vấn quan trọng đã lên tiếng phản đối Kisisnger với Nixon nhưng vô hiệu quả. Nixon biết lối làm việc của Kissinger, biết sự va chạm của Kissinger với những cố vấn khác, nhưng ông vẫn giữ Kissinger vì Nixon cần Kissinger để thi hành những kế hoạch riêng của Nixon. Chính Nixon thú nhận ông đã dùng một hai cố vấn thân cận chêm vào giữa Kissinger và các tổng trưởng khác để giảm thiểu những xung đột xảy ra hàng ngày giữa những cận thần thân tín của ông [29] . Nixon cần một người như Kissinger để làm những việc mà cương vị một tổng thống không thể nào làm được.

Nixon không phải là một chính trị gia có đạo đức hay lương thiện khi chúng ta so sánh ông với những người tiền nhiệm - nhất là sau khi những liên lạc, âm mưu, và thủ đoạn của Nixon được phơi bày ra công luận. Nhưng ngược lại, Nixon cũng không phải là một vị tổng thống bất tài, thiếu những cái nhìn chiến lược.


*


Khi Richard Milhous Nixon trở thành Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng Giêng năm 1969, thì Nixon đã có nhiều kinh nghiệm trong đấu trường chính trị lắm rồi. Nixon đã phục vụ mười bốn năm trong chính phủ qua những chức vụ như là dân biểu, thượng nghị sĩ, và phó tổng thống trước khi trở thành tổng thống. Trong đoạn đường chính trị đó, Nixon được đối phương gán cho một hỗn danh là “Tricky Dick”. Hỗn danh đó không quá xa sự thật, dựa vào những thủ đoạn chính trị, ngoại giao Nixon đã áp dụng ở nội địa và ngoại quốc [30] .

Sanh năm 1913 tại Yobar Linda, California, trong một gia đình vừa đủ ăn. Theo hồi ký, Nixon nói thời ông còn nhỏ thì gia đình rất vất vả; nhưng lúc ông được hơn mười tuổi thì nhà có được một trạm bán xăng và đồ tạp hoá... và tương đối khá giả so với hàng xóm cùng thời. Tốt nghiệp trung học năm 17 tuổi, muốn qua miền đông theo học đại học nhưng nhà không đủ tiền nên theo học một trường đại học cộng đồng tại địa phương. Học được hai năm thì Nixon xin được một học bổng về luật của trường Đại học Duke ở Durham, North Carolina. Nixon qua North Carolina theo học và ra trường năm 1937, đứng hàng thứ ba của khoá tốt nghiệp năm đó. Trở lại California, lấy giấy phép hành nghề và làm việc cho một văn phòng luật sư ở Whittier. Nixon lập gia đình năm 1940, rồi xin được một việc làm với chính phủ liên bang ở Hoa Thịnh Đốn vào năm 1941, ngay khi Hoa Kỳ bước vào thế chiến thứ hai [31] . Làm công chức cho Nha Kiểm soát Vật giá ở Hoa Thịnh Đốn được chừng một năm thì Nixon tình nguyện đi sĩ quan hải quân. Mãn khoá căn bản quân sự, Nixon bị thuyên chuyển về Iowa, một tiểu bang ở miền trung Mỹ với một địa hình làm cho chữ hải quân trở nên khôi hài. Nhưng theo Nixon, cuộc sống ở Iowa rất bình yên cho cặp vợ chồng mới lấy nhau, tuy nhiên vì muốn chứng kiến mùi binh lửa, Nixon xin thuyên chuyển ra mặt trận Thái Bình Dương; và được chấp nhận. Ở Thái Bình Dương, mùi “binh lửa” mà Nixon kinh nghiệm được, chỉ dưới cái nhìn của một sĩ quan tiếp liệu, đóng ở những căn cứ hải quân dã chiến trên các đảo vừa chiếm lại được từ Nhật như New Caledonia, Bougainville, Guadalcanal.

Sau cuộc chiến, do sự thúc giục của các chức sắc trong Đảng Cộng hoà, Nixon quyết định ra tranh cử dân biểu của đơn vị nơi ông đang cư ngụ. Kết quả là Nixon được đắc cử với số phiếu khá xa đối phương. Trong thời gian làm dân biểu của Quốc hội thứ 80, Nixon được nhiều người biết đến vì được chỉ định nằm trong một uỷ ban điều tra về những công chức thân cộng đang phục vụ trong chính phủ Mỹ. Làm dân biểu sắp hết nhiệm kỳ thì Nixon quyết định tranh cử nghị sĩ. Và trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1950, Nixon thắng với tỉ số cao nhất trong các cuộc bầu cử nghị sĩ trên toàn quốc.

Năm 1951 trong một chuyến đi công lý bên Âu Châu, Nixon có dịp tiếp chuyện với thống tướng Eisenhower, lúc đó là Tổng tư lệnh quân đội NATO đóng ở Paris. Khi trao đổi ý kiến qua lại, Nixon nghĩ Eisenhower là người xứng đáng ra tranh cử tổng thống vào năm 1952. Trong vòng nội Đảng Cộng hoà năm đó, Robert Taft (con trai Tổng thống thứ 26, William Howard Taft) và Dwight Eisenhower là hai người có cơ hội đánh bại Adlai E. Stevenson của Đảng Dân chủ (cháu nội cựu Phó tổng thống Mỹ có cùng tên, thời Tổng thống thứ 24, Grover Cleveland). Với cuộc chiến đang xảy ra ở Đại Hàn; với làn sóng đỏ đang lấn dần ở Á Châu và Âu Châu, cử tri đoàn của Đảng Cộng hoà - và quan điểm của đa số của dân Mỹ lúc đương thời - nghĩ Eisenhower là ứng cử viên thích hợp cho thời cuộc: Eisenhower đã thắng Đức Quốc xã; Eisenhower sẽ đủ khả năng ngăn chận làn sóng đỏ trong thời kỳ bạo hành nhất sau đệ nhị thế chiến. Theo hồi ký, Nixon nói từ đầu năm 1952, Robert Taft có đến nói chuyện và nhờ ông ủng hộ Taft. Nhưng Nixon nói thẳng ông kính trọng Taft, nhưng đã dành sự ủng hộ cho Eisenhower. Với thái độ đó, Nixon được nội bộ của Eisenhower mời đến nói chuyện.

Sau khi Eisenhower được Đảng Cộng hoà đề cử, ông chọn Nixon để đứng chung liên danh [32] . Liên danh Eisenhower-Nixon thắng hai nhiệm kỳ liên tiếp - năm 1952 và 1956. Tuy nhiên vào năm 1956, không hiểu gì lý do gì, cử tri chọn tổng thống và phó tổng thống Đảng Cộng hoà nhưng lại dồn phiếu cho dân biểu và nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, một hiện tượng chính trị lần đầu tiên xảy ra trong 108 năm của lịch sử chính trị Hoa Kỳ [33] . Trong tám năm làm Phó tổng thống, Nixon giữ vai trò như một đại sứ lưu động cho Tổng thống Eisenhower: ông công du vòng quanh thế giới, diễn đạt chủ thuyết tự do của Hoa Kỳ và đồng minh vis-a-vis chủ nghĩa cộng sản đang hăm doạ quyền tự do căn bản của nhân loại. Một trong những chuyến công du, Nixon có viếng thăm Việt Nam năm 1953; tranh luận với Nikita Khrushschev năm 1959 ở Moscow; và chuyến viếng thăm gây ra nhiều biểu tình bạo động ở Venezula vào năm 1958 - một thời điểm chống Mỹ cao nhất ở các quốc gia Nam Mỹ sau khi Fidel Castro chiếm được Cuba. Trong tám năm đó, Nixon được dư luận và báo chí đề cập nhiều vì thái độ cứng rắn trong đường lối đương đầu với cộng sản quốc tế [34] .

Eisenhower, sau khi mãn hạn hai nhiệm kỳ tổng thống theo hiến định, nhường ghế thủ lãnh Đảng Cộng hoà lại cho Nixon. Nixon đương nhiên được Đảng đề ra tranh cử tổng thống năm 1960. Cuộc bầu cử năm 1960 giữa hai liên danh Nixon-Lodge và Kennedy-Johnson được coi là một cuộc bầu cử có tỉ số chênh lệch sát nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Nixon thua Kennedy chỉ 113000. phiếu trong tổng số 68 triệu 400 ngàn phiếu cử tri. Theo Nixon, chỉ cần thay đổi nửa phiếu ở mỗi đơn vị đầu phiếu thì kết quả cuộc bầu cử đã thay đổi. Có tin đồn nhiều vụ gian lận phiếu xảy ra ở hai tiểu bang Texas và Illinois... nhưng Nixon quyết định chấp nhận thua Kenney với kết quả công bố [35] .

Thua chức Tổng thống vào tay Kennedy, Nixon trở lại California nhận làm việc cho một công ty luật quen biết từ lâu. Nhưng với những kinh nghiệm và quen biết về chính trị từ trước, tuy trở lại một công dân thường hành nghề luật sư, nhưng Nixon vẫn tiếp tục sinh hoạt khi được những hội đoàn chính trị mời đến phát biểu ý kiến. Cuối năm 1961, qua sự thúc giục của cấp lãnh đạo Đảng Cộng hoà, Nixon quyết định ra tranh cử chức Thống đốc tiểu bang California. Qua những thăm dò ý kiến sơ khởi, đa số ý kiến cho thấy Nixon sẽ đánh bại đối phương dễ dàng. Nhưng không may cho Nixon vào năm đó: trong những tháng cuối cùng của cuộc bầu cử, báo chí California phanh phui ra là, em ruột của Nixon dựa vào tên tuổi của anh mình để mượn một số tiền khá lớn từ một công ty chuyên đấu thầu làm ăn với chính phủ Hoa Kỳ. Mặc dù vụ phanh phui đó không dẫn đến đâu, nhưng thanh danh của Nixon bị nghi ngờ vì báo chí đặc câu hỏi suốt thời gian tranh cử. Cái xui thứ hai cho Nixon - và cho cả đảng Cộng Hoà - là Kennedy, trong cuộc đối diện với Khrushchev ở Vịnh Cuba tháng 101962., đã dằn mặt Nga Sô bằng một thái độ thật cứng rắn khiến Nga phải tháo gỡ vũ khí nguyên tử khỏi Cuba. Vụ “thắng” được Khrushchev đã đưa Kennedy và Đảng Dân chủ lên cao trong lòng tin của cử tri Hoa Kỳ. Với hai biến cố đó, Nixon thất cử chức Thống đốc tiểu bang California - Nixon thua xa. Liền sau đó, qua một cuộc trao đổi với báo chí trong lúc được phỏng vấn, Nixon không dằn được nóng giận, công kích giới báo chí đã không công bằng khi điều tra và phanh phui, đặt nghi vấn về tư cách và liêm sĩ của ông. Lần đó Nixon thề ông sẽ không trở lại chính trường; và báo chí sẽ không bao giờ còn cơ hội để “đá lăn đá lóc” ông nữa. Lời tuyên bố của Nixon một lần nữa được giới truyền thông trên cả nước Mỹ bàn tán [36] .

Thua cuộc ở California; tuyên bố sẽ không bao giờ trở lại với chính trị, Nixon dọn về New York khi được một công ty luật danh tiếng mời gia nhập. Nhưng khi về New York, Nixon lại được thêm nhiều thân chủ cả về mặt thương mại lẫn chính trị: về thương mại, Nixon đại diện cho nhiều đại công ty có sản phẩm và chi nhánh trên toàn thế giới; về chính trị, Nixon vẫn được nhiều ứng cử viên trong Đảng Cộng hoà mời diễn thuyết giúp họ lấy phiếu cử tri ở cấp tiểu bang và quốc hội. Nixon giúp những ứng cử viên Đảng Cộng hoà khi được kêu gọi, nhưng rất bí mật và yên lặng về những dự tính chính trị trong tương lai. Từ năm 1962 đến cuối năm 1964, Nixon đứng bên ngoài chính trường, yên lặng quan sát cuộc bầu cử tổng thống năm 1964 giữa hai liên danh Johnson-Humphrey và Goldwater-Miller. Năm 1964 Đảng Cộng hoà bị thảm bại ở phòng phiếu: Goldwater thua Johnson đến 16 triệu phiếu phổ thông; 434 phiếu cử tri đoàn; và chỉ thắng được 6 trên 50 tiểu bang. Chẳng những được ghế Tổng thống, Đảng Dân chủ còn gia tăng số nghị viên của họ ở hai viện quốc hội. Sự thất bại ê chề của Barry Goldwater đưa uy tín Nixon lên cao hơn trong các tay lãnh đạo Đảng Cộng hoà còn lại. Cùng thời gian ở ngoài vòng chính trị đó, Nixon có dịp đi nhiều nơi trên thế giới, nói chuyện với nhiều nhà lãnh đạo, thấy được phản ứng và thái độ của họ đối với chính sách ngoại giao Hoa Kỳ dưới quyền lãnh đạo của Johnson.

Năm 1965, khi Johnson bắt đầu đưa quân tác chiến vào Việt Nam, Đảng Cộng hoà kiếm cớ chỉ trích Tổng thống Johnson để hy vọng lấy được phiếu trong mùa bầu cử tới. Riêng cá nhân Nixon, dù nói với mọi người là ông chưa quyết định trở lại với chính trị, nhưng trong năm đó Nixon nói chuyện nhiều về chính trị hơn là về nghề nghiệp. Thư từ liên lạc, lời mời đi diễn thuyết chính trị nhiều đến độ người thư ký và vợ ông làm không hết. Nixon mướn thêm nhân viên để bắt đầu thiết lập một ban tham mưu chẩn bị cho hai kỳ bầu cử quan trọng của năm 1966 và 1968 [37] . Cuối năm 1965, để coi ảnh hưởng chính trị của mình còn hay không đối với cử tri Hoa Kỳ, Nixon quyết định đứng ra vận động giùm cho các ứng cử viên thuộc Đảng Cộng hoà trong mùa bầu cử quốc hội và thống đốc năm 1966. Trong mùa bầu cử năm 1966, Nixon nói chuyện với hơn 400 hội đoàn ở 40 tiểu bang, và quyên được hơn bốn triệu mỹ kim để vận động bầu cử cho các ứng cử viên Đảng Cộng hoà.

Khi kết quả cuộc bầu cử năm 1966 được công bố, Nixon biết tương lai chính trị của mình đang trên đường khôi phục: nhờ những vận động và hỗ trợ của Nixon, Đảng Cộng hoà thắng 47 ghế ở Hạ viện; 3 Thượng viện; 8 thống đốc; và 470 nghị viên ở quốc hội cấp tiểu bang. Đảng Cộng hoà thắng lớn lần này giống như Đảng Dân chủ đã thắng hai năm về trước. Và Nixon có quyền nói - cũng như không ai phủ nhận - nhờ có bàn tay Nixon trong chiến thắng đó.

Đầu năm 1967 Nixon quyết định: ông ra lệnh cho ban tham mưu chuẩn bị thâu thập tin tức, nghiên cứu tình hình chính trị để chuẩn bị cho năm bầu cử tổng thống 1968. Nixon nói với ban tham mưu ông vẫn yên lặng và giữ kín kế hoạch chính trị đến giữa năm 1967, nhưng ông đốc thúc ban tham mưu phải làm việc hăng hái hơn để có thể đánh bại các đối thủ trong đại hội đề cử toàn quốc của Đảng Cộng hoà vào mùa hè 1968.

Từ tháng Giêng cho đến tháng 6.1967, Nixon đi thăm viếng nhiều nơi trên thế giới (trong đó có Việt Nam) một lần nữa để thăm dò phản ứng thế giới về đường lối ngoại giao đương thời của Mỹ. Khi đến Á Châu, Nixon nói với hầu hết các nhân vật lãnh đạo để lấy cảm nghĩ của họ về vai trò của Hoa Kỳ ở Á Châu, đối với Trung Cộng, và đối với cuộc chiến đang xảy ra ở Việt Nam. Trở lại Mỹ, sau khi đi thăm cựu Tổng thống Eisenhower và nói chuyện với hầu hết các thống đốc tiểu bang thuộc Đảng Cộng hoà, Nixon viết một tham luận, nói lên ý kiến về đường lối ngoại giao Hoa Kỳ đối với Á Châu, nhất là đối với Trung Cộng. Đại ý chính của bài viết đăng tạp chí Foreign Affairs là: Cộng sản Trung Cộng chỉ buông tha - nếu không nói là không xâm lấn được - các quốc gia lân bang ở Á Châu, nếu các quốc gia này có sức lực về kinh tế, quân sự và chính trị... Và Hoa Kỳ chỉ nói chuyện với Trung Cộng nếu quốc gia này chấp nhận những luật lệ căn bản quốc tế. Hoa Kỳ muốn thấy Trung Cộng phát triển theo cộng đồng thế giới, chứ không phải là một trung tâm của cách mạng thế giới [38] .

Dựa vào nhiều cuộc thăm dò dư luận, sau khi biết chắc mình đang đứng ngang ngửa với các ứng cử viên tổng thống của hai đảng, Nixon tuyên bố ra tranh cử tổng thống vào đầu năm 1968. Nixon không quan tâm nhiều về hai đối thủ trong cùng Đảng Cộng hoà là Rockefeller và George Romney; Nixon chỉ sợ phải đương đầu với đương kim Tổng thống Johnson. Nhưng khi Johnson tuyên bố không ra tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa, và phía Dân Chủ chỉ còn Hubert Humphrey và George Wallace, Nixon thấy bớt lo ngại đối với hai đối thủ còn lại. Từ lúc tuyên bố ra tranh cử cho đến những ngày cuối cùng trước khi đầu phiếu, Nixon lúc nào cũng dẫn đầu đối phương không ít thì nhiều. Đương kim Tổng thống Johnson, sau khi không ra tái cử, tìm nhiều cách giúp Humphrey lấy phiếu cử tri. Nhưng hoặc là quá trễ, hoặc là lòng cử tri Mỹ đã muốn thay đổi, Humphrey chưa bao giờ đứng trước Nixon trong các cuộc thăm dò dư luận người đi bầu.

Vấn đề sôi động nhất của năm bầu cử 1968 là chiến tranh Việt Nam. Biết được sự ưu tư của quần chúng Mỹ về vấn nạn đó, Nixon cẩn thận chỉ trích từng điểm sai lầm của chính phủ Johnson trong cuộc chiến và trong sách lược giải quyết cuộc chiến. Khi Johnson ra lệnh ngưng dội bom để khuyến khích Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị, Nixon ngoài mặt lên tiếng ủng hộ, nhưng ở phía sau, Nixon sai những phụ tá lên tiếng chỉ trích Johnson đã quyết định quá hấp tấp. Như đã nói đến ở chương trước, Nixon bí mật liên lạc với Tổng thống Thiệu, khuyên ông Thiệu phản đối kế hoạch của Johnson. Với những mánh khoé chính trị đó, Nixon rất xứng đáng với hỗn danh “Tricky Dick” [39] . Nixon đắc cử năm 1968; tỉ số thắng không xa, nhưng đủ thắng. Cũng vào năm bầu cử 1968, trong khi Đảng Cộng hoà chiếm được toà Bạch ốc, toà nhà Quốc hội thì rơi vào tay Đảng Dân chủ: ở Thượng và Hạ viện, Đảng Dân chủ chiếm khối đa số.



[1]Tuần báo Der Studermer của Julius Streicher hô hào nhiều đường lối bạo hành và sự triệt tiêu toàn diện chủng tộc Do Thái. Sau khi Đức đầu hàng, Streicher bị đưa ra tòa án tội phạm chiến tranh ở Nuremberg, và bị kết án tử hình bằng treo cổ.
[2]Về giai đoạn từ thiếu thời cho đến ngày Kissinger nhập ngũ, đọc: Walter Isaacson, Kissinger: A Biography, trang 17-39.
[3]Isaacson, Sđd, trang 53. Về thân thế và trí thức của Kraemer, đọc: Issacson, trang 44-45; Marvin Kalb và Bernard Kalb, Kissinger, trang 38-39.
[4]Isaacson, Sđd, trang 61-64. Trong phạm vi triết học, Luận về lý trí thuần tuýLuận về lý trí thực tiễn là hai tác phẩm được coi là khó hiểu nhất của Immanuel Kant.
[5]Tiểu luận ra trường bậc cử nhân của Kissinger có tựa là “The Meaning of History: Reflections on Spengler, Toynbee and Kant”. Giới sinh viên đồn với nhau là Carl Friedrich (hay là Elliott), một trong những giáo sư triết của Kissinger ở Harvard, chỉ đọc đến 150 trang tiểu luận của Kissinger rồi bỏ vì giọng văn quá chán. Kissinger đậu bằng cử nhân hạng summa cum laude (tối ưu). Đọc: Isaacson, Sđd, trang 64- 67; Marvin Kalb và Benard Kalb, Kissinger, trang 42-46.
[6]Mỗi khoá hội thảo có chừng 35 hội viên tham dự, đến từ mọi nơi trên thế giới. Một trong số những người đến Harvard International Seminar sau này lãnh đạo nước họ, như các thủ tướng, tổng thống, là Valery Giscard dEstaíng (Pháp); Yasuhiro Nakasone (Nhật); Leo Tindermans (Bỉ); Mahathir Bin Mohammad (Mã Lai Á); Bulent Ecevit (Thổ Nhĩ Kỳ); Yigal Allon (Do Thái); hay Pierre Trudeau (Gia Nã Đại). Chương trình kéo dài đến năm 1967 thì bị báo chí khui ra là do CIA cấp ngân quỹ. Chương trình Harvard International Seminar chấm dứt vào năm 1969.
[7]Một số tác giả góp bài viết cho Confluence là McGeorge Bundy; Paul Nitze; Hans Morgenthau; Czeslaw Milosz; Walt Rostow; Arthur Schlesinger; John Kenneth Galbraith. Trong thời gian đó, có tin đồn Kissinger làm mật báo viên cho FBI. Không chắc chắn tin đồn này có thật hay không, nhưng đặc san Confluence với khuynh hướng chống chủ nghĩa cộng sản rất được lòng Chính phủ Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu của chiến tranh lạnh. Hơn nữa, Harvard International Seminar là một nơi qui tụ nhiều thành phần ưu tú quốc tế... nên sự chú ý của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ không phải là một điều ngạc nhiên. Một chi tiết khác đáng chú ý: theo hai tác giả Marvin Kalb và Bernard Kalb trong Kissinger (trang 49), trong hai năm 1951-52, Kissinger được mướn làm cố vấn tư cho lục quân, và Ban tham mưu liên quân, với nhiệm vụ nghiên cứu về quân đội Hoa Kỳ ở Nam Hàn, và về chiến lược tâm lý chiến. Hồ sơ và tường trình của FBI về Kissinger được nhắc đến trong Isaacson, Sđd, trang 71; và ở phụ chú 23.
[8]Về vai trò và lý thuyết ngoại giao của Metternich và Castlereagh, đọc Isaacson, Sđd, trang 74-77; David Landau, Kissinger: The Uses of Power, trang 29-30; và Kalb, Sdd, trang 46-48. Luận án của Kissinger được một giải thưởng về giá trị khoa bảng.
[9]Arthur Schlesinger, Jr là bạn của John F. Kennedy. Khi Kennedy trở thành tổng thống, Schlesinger được Kennedy mời làm phụ tá đặc biệt. Khi Kennedy chết, Schlesinger được gia đình Kennedy mời làm sử gia chính thức của cố Tổng thống Kennedy. Trong thập niên 1950, dưới thời Tổng thống Eisenhower, chiến lược nguyên tử của Hoa Kỳ và đồng minh NATO là trả đũa toàn bộ và huỷ diệt toàn bộ nếu phải khai chiến với Nga Sô hay chư hầu. Schlesinger chỉ trích kế hoạch này không còn hiệu quả vì Nga Sô đã theo kịp Hoa Kỳ về số lượng vũ khí nguyên tử sản xuất hàng năm. Bài phê bình của Kissinger, “Military Policy and the Defense of the Grey Areas,” (Foreign Affairs, April, 1955) cũng đi theo đường lối tương tự như của Schlesinger, nhưng nhấn mạnh một chủ thuyết mới về đường lối sử dụng vũ khí nguyên tử: giới hạn và theo từng vùng, từng địa phương; sự trả đũa của Hoa Kỳ và đồng minh là một sự trả đũa giới hạn tuỳ theo vùng xâm lấn và mức xâm lấn của Nga Sô và chư hầu.
[10]Council on Foreign Relations là một tổ chức tư, do gia đình tỉ phú Rockefeller thành lập năm 1921. Với ảnh hưởng về kinh tế và thế lực tài chánh, Rockefeller Foundation mời và chiêu dụ được rất nhiều nhân vật danh tiếng trong xã hội Mỹ về làm giám đốc và đứng trong ban chấp hành. Các giám đốc của Council on Foreign Relations phần lớn là những người lãnh đạo trong chính quyền về hưu, hay từ nhiệm để về làm cho Council. Tờ Foreign Affairs do Council on Foreign Relations ấn hành; chủ biên của tờ đó là những người có rất nhiều kinh nghiệm trong Chính phủ Mỹ, như William Bundy, William Hyland, Leslie Gelb... Về một số khuôn mặt trong Council, đọc David Landau, Sdd, trang 43-48; Kalb, Sđd, 52-58.
[11]Hai phía khen chê tác phẩm của Kissinger đều đến từ những người có tên tuổi. Phó tổng thống Nixon viết thư riêng khen ngợi; ngoại trưởng John Foster Dulles đồng ý lý thuyết “chiến tranh giới hạn và vũ khí nguyên tử chiến thuật” có lý (Dulles là người từng hăm doạ Nga Sô, nếu có chiến tranh, thì đó sẽ là một chiến tranh toàn diện; một sự huỷ diệt không giới hạn). Giới chỉ trích lý thuyết của Kissinger có những người như George Kennan, Paul Nitze, Dean Rusk, là những tay lão luyện trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Đọc Landau, Sđd, trang 55-57; 76-78; Isaacson, Sdd, trang 88-90; Charles R. Ashman, The Adventure of Super-Kraut, trang 65-68; Kalb, Sđd, trang 54-55. Kissinger trả một giá đắt về phương diện tình cảm gia đình cho công trình này. Kissinger sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt trong thời gian viết sách: ông ta yều cầu vợ không được nói chuyện với ông nếu không cần thiết. Đọc Kalb, Sđd, cùng trang đã dẫn.
[12]Nelson Aldrich Rockefeller (1908-1979) là cháu nội của nhà tỉ phú đầu tiên, John D. Rockefeller. Khởi đầu từ John Rockefeller, dòng họ Rockefeller thành lập vô số cơ sở bất vụ lợi lo về từ thiện, giáo dục, cũng như kinh tế, ngoại giao hay chính trị. Đại Học Chicago; Đại học Rockefeller; Council on Foreign Relations; Rokefeller Brothers Fund... là một trong những cơ sở tượng trưng của dòng họ Rockefeller. Nelson Rockefeller làm Thống đốc tiểu bang New York gần bốn nhiệm kỳ (10 năm) rồi ra tranh cử ứng viên tổng thống sơ tuyển trong Đảng Cộng hoà. Năm 1974 ông là Phó tổng thống dưới thời Tổng thống Gerald Ford.
[13]Theo Isaacson, Sđd, trang 92, năm 1960 Nelson Rockefeller trả cho Kissinger 12.000$; năm 1964, 18.000$; và năm 1968, 20.000$. Như một so sánh, 12 ngàn mỹ kim của năm 1960 tương đương với 50 ngàn của năm 2000; và 50 ngàn mỹ kim Kissinger nhận từ Rockefeller vào năm 1969, tương đương 200 ngàn hiện nay.
[14]Như chúng ta biết, năm 1960 Henry Cabot Lodge đứng chung liên danh với Richard Nixon của Đảng Cộng hoà tranh cử đối lại liên danh Kennedy-Johnson Đảng Dân chủ. Liên danh Kennedy thắng cử. Nhưng để có một ý kiến đa đảng trong đường lối ngoại giao về Việt Nam, Kennedy bổ nhiệm Lodge làm đại sứ tại Sài Gòn năm 1963. Lodge ra mặt ủng hộ cuộc đảo chánh Tổng thống Diệm; và sau khi cuộc đảo chánh thành công, Lodge từ nhiệm trở lại Hoa Kỳ tham dự cuộc bầu cử tổng thống năm 1964. Lần này Johnson của Đảng Dân chủ cũng thắng nữa, và Johnson lại bổ nhiệm Lodge làm đại sứ tại Việt Nam lần thứ hai. Khi nhận nhiệm sở vào năm 1965, Lodge yêu cầu Thứ trưởng Vụ Viễn Đông, William Bundy (anh của McGeorge Bundy, Cố vấn An ninh Quốc gia cho Kennedy và Johnson) mướn con của ông (đang là một giáo sư dạy ở Harvard) và Kissinger để làm tư vấn cho ông về vấn đề Việt Nam. Lodge nói lý do ông cần hai người đó vì ông muốn có một cái nhìn mới về vấn đề Việt Nam từ những chuyên viên ở bên ngoài, thay gì những ý kiến của các nhân viên chính phủ từ bên trong như đã và đang xảy ra. Henry Cabot Lodge có liên hệ sâu đậm đối với Việt Nam từ năm 1963 cho đến lúc ông từ chức Trưởng phái đoàn thương thuyết ở Hội nghị Paris vào giữa năm 1969, khi Nixon lên nhậm chức Tổng thống.
[15]Lối làm việc của Kissinger là ông tường trình cho từng người nghe, và không bao giờ có nhiều người nghe cùng một lúc. Theo một nhân vật trong cuộc, những tường trình của Kissinger không nhất thiết giống nhau khi ông báo cáo lại cho mỗi thẩm quyền. Marvin and Bernard Kalb, Sđd, trang 68.
[16]Marcovich lúc đó là một nhà sinh vật học vi phân; Aubrac, tốt nghiệp từ hai đại học nổi tiếng MIT và Harvard, là viên chức của Liên hiệp quốc, làm cho cơ quan Lương nông Thế giới ở Rome. Theo Aubrac, năm 1946, khi Hồ Chí Minh qua Pháp thương thuyết với Chính phủ Pháp về vấn đề chủ quyền của Việt Nam, ông ở nhà Aubrac, và hai người thân nhau đến độ ông Hồ Chí Minh nhận con của Aubrac làm con đỡ đầu. Xem David Kraslow và Stuart H. Loory, The Secret Search for Peace in Vietnam, trang 219-224. Sử liệu cộng sản Việt Nam viết về những hội họp bí mật trong thời gian đầu nằm trong, Lưu Văn Lợi và Nguyễn Anh Vũ, Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2000).
[17]Về những liên lạc ngầm đầu tiên này với mật danh “Pennsylvania” đọc Isaacson, Sđd, trang 121-123. Cuộc hội ngộ giữa Hồ Chí Minh và Aubrac ở Hà Nội được ghi lại trong Kalb, Sđd, trang 71-73. Tài liệu chính phủ Hoa Kỳ sơ lược từng chi tiết về “Pennsylvania” nằm trong The Pentagon Papers, Gravel Edition, Vol. IV, Chương 4.
[18]Tranh cử vòng sơ tuyển nội đảng là primaries và caucuses để chọn một trong những ứng cử viên cùng một đảng, trước khi đi đến nghị hội đề cử toàn quốc (national nomination convention). Ở nghị hội đề cử, ứng cử viên có nhiều phiếu từ những đại biểu các tiểu bang sẽ được đảng đề cử ra tranh cử với ứng cử viên của đảng đối lập. Bộ sách The Making of the President của Theodore White là bộ sách rất hay để biết về hệ thống bầu cử, vận động bầu cử, và đường lối chính trị chung quanh nền tổng thống hiện đại Hoa Kỳ.
[19]Isaacson, Sđd, trang 126-128.
[20] Isaacson, op. cit., trang 214. Người gọi mời Kissinger là Richard Allen, sau này là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Ronald Reagan trong một thời gian ngắn.
[21]Về những tin tức Kissinger cung cấp cho Nixon về hội đàm ở Paris, và những gì Nixon biết được từ những đường giây khác (Chennault, Bùi Diễm...), tác giả đã viết một số chi tiết ở chương 9. Tổng thống Nixon trong The Memoirs of Richard Nixon, trang 323- 324, nói những tin tức do Kissinger cung cấp đôi khi mơ hồ và có vẻ bí mật. Nixon nói ông nhận tin từ Kissinger nhưng không hoàn toàn tin lắm.
[22]Phụ tá quân sự cho Cố vấn An ninh Quốc gia thường là cấp chuẩn tướng trở lên. Kissinger nhận Alexander Haig làm phụ tá cho ông lúc Haig còn là đại tá. Haig được thăng chuẩn tướng đầu năm 1970 để có cấp bực phù hợp với chức vụ. Người phụ tá quân sự thứ nhì của Kissinger là trung tướng không quân Brent Scowcroft. Scowcroft thay Kissinger làm Cố vấn An ninh Quốc gia cho Tổng thống Ford.
[23]Isaacson, Sđd, ý kiến của Ulam về Kissinger ở trang 97-98; Brzezinski, trang 699-700; Halperin và Schlesinger, trang 763-764. Chương 34 trong sách của Isaacson nói rất hay và sâu sắc về tâm lý của Kissinger.
[24]Isaacson, Sđd, trang 762. Để giới hạn khuôn khổ của các phụ chú trong bài viết, người viết chỉ chú dẫn những lời phê bình, chỉ trích quan trọng về tư cách và đạo đức Kissinger. Ngoài một số thư liệu phụ, người viết đọc năm tác phẫm viết về Kissinger để soạn chương này: Kissinger, của hai anh em ký giả Marvin Kalb và Bernard Kalb; Kissinger: A Biography, của Walter Isaacson; Kissinger: The Uses of Power, của David Landau; The Trial of Henry Kissinger, của Christopher Hitchens; và The Price of Power: Kissinger in the Nixon White House, của Seymour M. Hersh. Sách của anh em Kalb viết thiên vị về Kissinger; Isaacson thì viết trung thực, có khen chê. Sách của Hersh và Landau hoàn toàn nói về những khiếm khuyết đạo đức và tư cách lừa dối của Kissinger. Sách của Hitchens như tựa sách đã gợi ý kết án Kissinger về vụ đảo chánh bên Chí Lợi và những vụ dội bom bí mật ở nội địa Cam Bốt. Về sự khó chịu của Kenendy đối với Kissinger, đọc Isaacson, Sđd, trang 111.
[25]Haig nói, “Kissinger thăng cấp để cho tôi văng khỏi toà Bạch ốc”, Seymour, Sđd, trang 621. Alexander Haig được thăng chức từ thiếu tướng lên đại tướng trong vòng sáu tháng (mang chức Đại tướng, Tư lệnh phó lục quân, vào tháng 1.1973; tháng 6.1972 vẫn còn mang lon thiếu tướng).
[26]Isaacson, Sđd, trang 764-765; đối thoại giữa Kissinger và Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai; và Leonid Brezhnev. Anatoly Dobrynin, nằm trong tài liệu thuộc Nixon Presidential Materials Collection/Presidént’s Office Files/Memoranda for the President, hiện lưu trữ tại National Archives. Nhật báo Washington Post có sơ lược nội dung trong số báo ra ngày Chủ Nhật 10.1.1999. Trong khoảng 1969-1974, các chuyên viên quan sát quốc tế đều biết Hoa Kỳ đang dùng lá bài Trung Cộng để chèn ép Nga và dùng lá bài Nga để đưa Trung Cộng vào quỹ đạo quốc gia tư bản Tây phương. Từ những tài liệu giải mật nói trên, nhiều văn kiện cho thấy Nga đã gián tiếp hỏi Mỹ nghĩ thế nào nếu họ tấn công những căn cứ chiến lược của Trung Cộng bằng vũ khí nguyên tử. Vào tháng 4.1972, Kissinger bí mật gặp đại sứ Trung Cộng tại Liên hiệp quốc là Hoàng Hoa, đề nghị Mỹ sẽ cung cấp thêm những phóng ảnh vệ tinh về vị trí các đơn vị của Nga dọc theo biên giới Nga-Hoa. Trong cuộc gặp bí mật đó, không biết hai bên có bàn gì liên hệ đến Việt Nam hay không (thời gian đó là ngay vào trận “mùa hè đỏ lửa”), nhưng vài tháng sau, Hoàng Hoa viết thư cho Kissinger hỏi Hoa Kỳ có phản ứng gì khi Trung Cộng tiến chiếm quần đảo Hoàng Sa hay không. Kissinger trả lời là hạm đội Mỹ được lệnh tránh xa khỏi những quần đảo đang tranh chấp đó, và Chính phủ Hoa Kỳ không có ý kiến hay muốn tham sự vào những tranh chấp đang xảy ra. Được đèn xanh, hải quân Trung Cộng tiến đánh quần đảo Hoàng Sa vào tháng 11.974. Đọc thêm, Nayan Chanda, Brother Enemy, trang 20-21; Kissinger, White House Years, trang 1114.
[27]Kissinger viết tất cả (đến năm 2002) 15 quyển sách và 45 tiểu luận. Trong số đó bốn tác phẩm có nhắc đến Việt Nam là White House Years (1979); Years of Upheaval (1982); Diplomacy (1994), và Ending the Vietnam War (2002). Chúng ta sẽ nói đến những chi tiết liên hệ trong những tác phẩm này ở chương tới.
[28]Larry Berman, No Peace, No Honor: Nixon, Kissinger, and the Betrayal in Vietnam, trang 9. Đọc, Elmo Zumwalt, On Watch, trang 411-511, để thấy Ban tham mưu liên quân khinh miệt Kissinger như thế nào. Sau khi giải ngũ, Zumwalt là người công khai chỉ trích tư cách của Kissinger trong các vụ thương lượng ngoại giao. Đọc Isaacson, Sđd, trang 696-698.
[29]Đọc RN: The Memoirs of Richard Nixon, trang 443-444.
[30] Hỗn danh “Tricky Dick” được nữ dân biểu Hellen Douglas gọi Nixon lần đầu tiên khi hai người tranh ghế nghị sĩ vào năm 1950. “Dick” là tiếng rất thân mật để gọi tên “Richard”. Trong tập quán Mỹ, chỉ cha mẹ, người thân lâu đời, hay được cho phép, thì mới gọi người có tên Richard là Dick. Nhưng, “dick” lại là tiếng lóng tục để chỉ dương vật của đàn ông. “Tricky” là mánh khoé, mưu mô. Đây là một lối chơi chữ khi gọi Richard Nixon là “Tricky Dick”.
[31]Phần lớn những chi tiết về cá nhân của Nixon, tác giả trích theo hồi ký của Richard Nixon, RN: The Memoirs of Richard Nixon.
[32]Richard Nixon, Sđd, trang 78-88. Nhưng liên danh Eisenhower - Nixon gặp nhiều trở ngại từ lúc được đề cử cho đến ngày bầu cử vì Nixon bị tố cáo đang sử dụng một quỹ đen do nhiều thương gia cung cấp, để vận động cho quyền lợi của họ ở quốc hội. Sau này, trong năm năm rưỡi làm tổng thống (1969-1974), Nixon lại bị báo chí và đối thủ khui ra chuyện sử dụng quỹ đen thêm lần nữa. Về những nghi vấn của quỹ đen năm 1952, đọc cùng sách, trang 92-110.
[33]Những năm bầu cử tổng thống cũng là năm bầu lại tất cả dân biểu và một phần ba thượng nghị sĩ (và một số thống đốc ở các tiểu bang). Thông thường, uy tín chính trị của ứng cử viên tổng thống giúp thêm các ứng cử viên quốc hội cùng đảng lấy thêm được cử tri, và như vậy, người tổng thống tương lai có được đa số nghị viên cùng đảng trong quốc hội một lợi thế cho tổng thống khi cần dự luật nào đó được phê chuẩn. Ít khi nào một đảng thắng chức Tổng thống nhưng lại thua tỉ lệ đa số ở hai viện Quốc hội như trường hợp của Eisenhower vào năm 1956. Năm 1972 hiện tượng chính trị này xảy ra một lần nữa: Nixon thắng cử Tổng thống nhưng Đảng Dân chủ chiếm phần đa số ở Quốc hội. Chính những nghị viên Đảng Dân chủ đối lập đó đã gây nhiều khó khăn cho Nixon, từ những dự luật phản đối chiến tranh Việt Nam cho đến giới hạn quyền hành pháp của Tổng thống, và sau cùng là quyết nghị hạ bệ Nixon vào tháng 8.1974 qua vụ phạm pháp ở Watergate. Đọc Nixon, cùng sách, trang 180.
[34]Một trong những chi tiết về tổng thống Nixon ít được sách báo nói đến, là liên hệ của ông trong cuộc chiến Việt - Pháp vào những ngày cuối cùng: Nixon đề nghị gởi thêm chuyên viên cơ khí không quân (trước đó Mỹ đã gởi 200 người rồi) để gia tăng đầu cầu không vận hầu cứu vãn Điện Biên Phủ; đề nghị dùng không quân oanh tạc mạnh để đánh tiếng với Trung Cộng và Việt Minh là Hoa Kỳ sẵn sàng can thiệp nếu người Pháp không giữ nổi. Nixon có mặt trong tất cả các cuộc họp quan trọng của Hội đồng An ninh Quốc gia về tình hình Điện Biên Phủ trong tháng cuối cùng trước khi Pháp thất thủ. Về chuyến viếng thăm Sài Gòn, Hà Nội, của Nixon, đọc Richard Nixon, Sđd, trang 122-125; về những quyết định liên hệ đến Điện Biên Phủ, trang 150-155.
[35]Nixon, Sđd, trang 224-226. Kết quả số phiếu chính thức là, Kennedy, 34.221.463; Nixon, 34.108.528. Kennedy được 49,7%; Nixon 49,6%. Hai bên cách nhau 0,07%. Về chuyện lương lận, phiếu giả ở Texas, Johnson đã một lần bị tai tiếng về chuyện đó trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ năm 1949. Về cuộc bầu cử hào hứng Kennedy - Nixon, đọc Theodore H. White, The Making of the President 1960, phụ lục số 1.
[36]Nixon, Sđd, 442-447.
[37]Nixon, Sđd, trang 271-272.
[38]Nixon, Sđd, trang 285.
[39]Ở Chương 9, “Những con khỉ của năm Mậu Thân”, người viết đã sơ lược một số chi tiết quan trọng của năm bầu cử 1968 giữa Nixon và Humphrey. Nếu Johnson đã có vài mưu lược để giúp Humphrey, thì Nixon cũng đối lại bằng một số xảo thuật chính trị đang có trong tay (dùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu để làm đình trệ kế hoạch của Johnson). Đọc Nixon, Sđd, trang 322-335, để thấy Nixon thú nhận ông quan tâm về những mánh khoé của Johnson vào những tuần cuối trước ngày bầu cử; một tác phẩm khác thật hay của William Safire, Before the Fall, về những mưu lược và kế hoạch chính trị của Nixon từ khi tuyên bố tranh cử vào tháng Giêng 1967, cho đến khi đắc cử vào tháng 11.1968.

Nguồn: Nguyá»…n Kỳ Phong, VÅ©ng lầy Bạch ốc - Người Mỹ và chiến tranh Việt Nam, Tiếng Quê HÆ°Æ¡ng xuất bản, Virginia 2006