trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
21.6.2005
Quang Huy
Những khoảng trống trong lịch sử
 
Nhân dịp ngày 30 tháng Tư vừa qua, trên một số diễn đàn đã xuất hiện những cuộc tranh luận sôi nổi, với nhiều ý kiến, nhận định và quan điểm khác nhau. Ðây là lần đầu tiên chúng ta nói về cuộc chiến tranh với tinh thần cởi mở và cầu thị như thế. Ðó hẳn là một tín hiệu vui đối với đất nước, với dân tộc, thúc đẩy tích cực quá trình hòa hợp, hòa giải, và thống nhất ý chí phấn đấu cho một Việt Nam phát triển.


1. “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện niềm khát khao được sống tự do, độc lập trong một đất nước đang phải chịu sự đô hộ của thực dân Pháp đầu thế kỷ 20. Trong suy nghĩ của ông, sự lựa chọn và thành lập Đảng Cộng sản chỉ là phương tiện chứ không phải mục đích. Cả chủ nghĩa Marx và cuộc cách mạng tháng 11 năm 1917 làm rung chuyển thế giới tư bản cũng chưa thuyết phục được ông chọn con đường cộng sản. Chỉ đến khi ông bị từ chối gặp tổng thống Mỹ Woodrow Wilson, nhằm đưa ra bản cáo tội chế độ thực dân Pháp, ông mới gia nhập Đảng Cộng sản Pháp năm 1919, với lời phát biểu: “Tình yêu nước, chứ không phải chủ nghĩa cộng sản, đã thuyết phục tôi”. [1]

Nhân dân ủng hộ Đảng Cộng sản cũng vì lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Họ lựa chọn Đảng Cộng sản không phải vì lý tưởng cộng sản, vì những học thuyết đấu tranh giai cấp, đánh đổ tư sản,… mà chính vì Đảng Cộng sản đã thể hiện mình là đảng vì nhân dân, vì dân tộc nhất trong số các đảng phái khác vào thời điểm đó. Ði kèm với mục tiêu giải phóng đất nước, Đảng Cộng sản còn hứa hẹn về một chế độ lý tưởng, một xã hội bình đẳng, nhân ái. Phương pháp tổ chức và tuyên truyền đó đã phát huy rất tốt lòng yêu nước và đoàn kết trong dân, đặc biệt là huy động được sự tham gia và ủng hộ của giai cấp nông dân, lực lượng lao động chủ yếu của xã hội Việt Nam. Ðảng Cộng sản đã thể hiện là một đảng dân tộc vì nhân dân, hơn là một Đảng Cộng sản vì giai cấp công nhân.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau khi nắm quyền lực, đảng của dân đã đổi thành dân của đảng. Cũng kể từ đây, tính dân tộc giảm dần, tính cộng sản trong đảng tăng dần, kéo theo những hậu quả nghiêm trọng. Ðảng tự coi mình là trên hết, tự nhận là sự lựa chọn của nhân dân, là lực lượng duy nhất có khả năng mang lại công bằng cho xã hội cho nhân dân. Cùng với phong trào cộng sản quốc tế, họ tự coi mình là người cứu tinh, cứu giúp nhân loại khỏi chủ nghĩa tư bản “đang giãy chết”. Chủ nghĩa cộng sản độc tài, stalinít, maoít bắt đầu du nhập vào Việt Nam. Phần lớn đảng viên không bao giờ tự hỏi, đảng của mình độc quyền lãnh đạo đất nước là đúng hay sai. Sau chiến thắng, họ coi vai trò lãnh đạo của đảng là lẽ tự nhiên, là sự đền bù xứng đáng. Họ không hề thấy băn khoăn khi đảng nắm chính quyền, chỉ định ra chủ tịch nước, thủ tướng, sắp xếp quốc hội và quyết định mọi việc trọng đại của đất nước. Họ đã bỏ rơi lý tưởng nhân dân làm chủ, chọn ra người lãnh đạo đất nước thuở ban đầu. Quả thực, quyền lực chính là liều thuốc thử công hiệu nhất đối với thuyết cộng sản.

Năm 1954, nếu cuộc tổng tuyển cử sau hiệp định Genève được thực hiện, hiển nhiên Đảng Cộng sản sẽ thắng cử. Nhưng cũng chính cuộc tổng tuyển cử đó, nếu được thực hiện, sẽ làm lộ rõ điểm yếu của chế độ cộng sản. Tất cả các Đảng Cộng sản đều lên cầm quyền từ đấu tranh cách mạng. Bởi vậy, nếu thắng cử, đảng sẽ bị đặt vào thế phải tiếp tục các cuộc tuyển cử, phải cạnh tranh với các đảng phái khác để giữ được sự tín nhiệm của nhân dân. Sẽ rất khó xử cho Đảng Cộng sản, cho chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu 4 năm sau cuộc tổng tuyển cử đó, ông Ngô Ðình Diệm đòi ra ứng cử lại. Một khi Đảng Cộng sản đã giành được quyền lực, họ khó lòng có thể nhường nó cho ai, và vì thế, họ sẽ không chấp nhận một cuộc phổ thông đầu phiếu. Do vậy, nhìn từ khía cạnh này, cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc vô hình chung đã gắn chặt với cuộc đấu tranh giành quyền lực của Đảng Cộng sản. Khi một bên cho rằng sự gắn kết đó là đúng, là sự lựa chọn của nhân dân, còn một bên thì cho là sai, là cản trở sự phát triển của dân tộc, thì mâu thuẫn phát sinh. Ðó chính là sự bất đồng “ý thức hệ” như Giáo sư Lê Xuân Khoa đã dẫn.


2. “Xâm lược hay can thiệp”: Cuộc chiến 1955-1975 diễn ra trong cái vòng xoáy mâu thuẫn đó, nhưng Đảng Cộng sản đã rất khéo léo che đậy mối liên kết kia. Trong khi đó, mục đích của phía Việt Nam Cộng hòa - là chiến đấu chống lại sự lãnh đạo của cộng sản trên toàn đất nước Việt Nam - bị đồng hóa với việc chống lại độc lập dân tộc, chống lại thống nhất Tổ quốc, làm tay sai cho đế quốc.

Ðể củng cố cho việc Mỹ có ý định xâm lược, Đảng Cộng sản đã hết sức nhấn mạnh sự có mặt của nửa triệu quân Mỹ tại Việt Nam, và so sánh nó với việc Việt Nam không hề mang quân vào Mỹ. Tuy vậy, nhìn lại một vài sự kiện lịch sử, chúng ta sẽ thấy yếu tố trên hoàn toàn chưa đủ để kết luận về một sự xâm lược:

  • Năm 1953, Nam Triều Tiên, với sự hỗ trợ của Mỹ và Liên hợp quốc, đã làm chủ hoàn toàn bán đảo. Tương lai rộng mở, đất nước thu về một mối. Nhưng bỗng nhiên, hơn 1 triệu quân Trung Quốc tràn vào và chia cắt Triều Tiên như hiện nay. Nếu áp dụng lý luận trên của đảng về Mỹ, rõ ràng Trung Quốc và chế độ Kim Nhật Thành đã chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất tổ quốc đã có được dưới chế độ Nam Triều Tiên. Lẽ ra Bắc Triều Tiên phải bị kết tội là dựa vào ngoại bang. Vậy mà, sự có mặt của hơn 1 triệu quân Trung Quốc đó, không những không bị Đảng Cộng sản Việt Nam gọi là xâm lược, mà còn được thay bằng cái tên rất trìu mến, “chí nguyện quân”.

  • Năm 1968, Liên Xô và đồng minh mang quân vào Praha, bắt tổng bí thư Tiệp Khắc mang về nước, và dựng lên một chính phủ thân Liên Xô. Ðây là một sự can thiệp rất trắng trợn vào công việc nội bộ của một nước (như đảng vẫn hay thường nói). Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam, thậm chí cho đến bây giờ, không hề đưa tin về sự kiện này, chưa nói đến việc nhận định là Liên Xô có xâm lược hay không.

  • Năm 1979, Liên Xô lại đưa quân vào chiếm đóng Afghanistan suốt 10 năm. Cũng như sự kiện trên, Đảng Cộng sản Việt Nam không hề nhắc đến.

  • Cũng năm 1979, Việt Nam mang quân vào Campuchia chống lại chế độ Pol Pot. Có thể lý do đánh đổ một chế độ tàn bạo là chính đáng. Nhưng, xét hoàn cảnh đất nước khi đó (vừa thoát ra khỏi chiến tranh, kinh tế kiệt quệ, hoàn toàn trông chờ vào viện trợ), cách giải quyết này không phù hợp. Tuy nhiên, sai lầm trầm trọng của đảng nằm trong việc ở lại Campuchia quá lâu, việc dựng lên chính phủ bù nhìn, và nhất là đã có chủ tâm chiếm đóng nước này. [2]

Những ví dụ trên cho thấy, việc một đội quân nước ngoài vào ủng hộ một lực lượng trong nước, chiến đấu chống lại một lực lượng khác vì những lý tưởng khác nhau, đã không bị gọi là xâm lược, nếu những đội quân nước ngoài ấy cũng thuộc phe cộng sản. Ngược lại, những ví dụ sau cho thấy cái nhìn rất khác của đảng:

  • Năm 1999, việc liên quân 4 nước Mỹ, Anh, Pháp, Ðức không kích Nam Tư, đã bị Đảng Cộng sản kịch liệt lên án là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, mặc dù trước đó, đã không ít lần đảng nói về sự đàn áp dã man của quân đội Serbia đối với nhân dân các nước liên bang Croatia, và nhất là nước Hồi giáo Bosnia-Hercegovina (những năm tháng ác liệt nhất của cuộc nội chiến, 1993-1995). Can thiệp quân sự của Mỹ và liên quân, nhằm chấm dứt sự tàn bạo của chế độ Milosevic, không khác mấy sự can thiệp của Việt Nam vào Campuchia, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam đặt cho chúng những tên gọi rất khác nhau.

  • Năm 2002, liên quân Mỹ - Anh đánh Afghanistan, ngay lập tức Đảng Cộng sản Việt Nam lại đi đầu trong việc phản đối Mỹ. Trước đó, báo chí Việt Nam đã đăng nhiều tin về sự tàn bạo, hà khắc của chế độ Taliban. Nhưng khi liên quân đánh Taliban, đảng lại hô khẩu hiệu không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Ðảng tuyên bố, mọi việc ở một nước phải do nhân dân nước đó định đoạt, dịch là: việc loại bỏ Taliban phải do nhân dân Afghanistan đảm nhận, họ không làm được thì họ chịu, nước ngoài chớ can thiệp.

Những ví dụ nêu trên cho thấy khái niệm “xâm lược” của Đảng Cộng sản được định nghĩa theo quan điểm địch, ta rất rõ ràng. Nếu ngoại binh mà là Liên Xô, Trung Quốc hay là chính Việt Nam thì mục đích là chính đáng, là giúp đỡ, tình nguyện...; ngược lại, nếu là Mỹ, cho dù có vì lí do chống lại... khủng bố đi chăng nữa, thì cũng nhất định mang tội xâm lược, tội chủ nghĩa đế quốc.

Trở lại cuộc chiến Việt Nam, tôi tin rằng nếu Trung Quốc tình nguyện gửi quân như trường hợp của Triều Tiên, Đảng Cộng sản cũng sẽ không từ chối. Thậm chí bác tôi, một cựu chiến binh, từng ước ao “Giá như Việt Nam ở gần Liên Xô thì Liên Xô đã gửi quân đánh Mỹ rồi,” với nhiều hứng khởi và nuối tiếc.


3. “Những khoảng trống trong lịch sử”: Trong suốt hơn 75 năm qua, có nhiều sự kiện quan trọng đã không được Đảng Cộng sản đề cập đến một cách đầy đủ.
  • Cải cách ruộng đất là một sai lầm đã được đảng thừa nhận, nhưng nó được nhắc đến và mô tả rất ít. Biến cố này cần phải được nhìn nhận một cách đầy đủ, bởi số nạn nhân rất lớn, từ vài ngàn đến vài vạn ngưòi. Trong giai đoạn đó, cách mạng, hay đúng hơn là Đảng Cộng sản, đã đẩy con người ta đến tận cùng của sự quá khích. Con gọi bố bằng thằng, phủ nhận công ơn sinh thành nuôi dưỡng. Thậm chí, vì lý tưởng cộng sản, người ta sẵn lòng đấu tố và giết cả bố mẹ mình. Trong suốt mấy ngàn năm lịch sử, chưa bao giờ đạo đức dân tộc băng hoại đến như vậy. Rất mong đảng làm sáng tỏ biến cố này, ít nhất về số nạn nhân và những cá nhân chịu trách nhiệm chính. Hơn nữa, đảng còn nợ một lời xin lỗi đối với dân tộc.

  • Hoàng Sa đã bị mất vào tay Trung Quốc vào năm 1974, nhưng đại bộ phận nhân dân vẫn không biết về điều này. Chỉ đến đầu năm 2004, nhân dịp tròn 30 năm ngày mất đảo, đảng mới cho phép được nói đến đôi chút, qua một bài báo của ông Dương Trung Quốc [3] . Với lời giải thích hết sức đơn giản: “Hoàng Sa vì một số lý do nằm ngoài tầm kiểm soát của ta”, đảng tự coi việc quốc gia lãnh thổ không phải là việc của dân. Việc có thông báo cho dân hay không, và thông báo vào thời điểm nào, là độc quyền của đảng. Sự kiện này cũng chứng tỏ, đảng đã rất thành công trong việc loại bỏ những vấn đề quốc gia trọng đại ra khỏi sự quan ngại của dân. Việc lần đầu tiên báo chí công nhận ta đã mất đảo Hoàng Sa cũng chẳng gây được sự quan tâm chú ý đặc biệt nào của công luận. Chẳng hề có những cuộc bàn luận sôi nổi, mít-ting, biểu tình, dù trong sách giáo khoa, người ta vẫn dạy trẻ em sự hiện diện của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðể bình luận cho việc này, tôi xin dùng lại câu mà ông Nguyễn Hòa đã lưu ý giáo sư Lê Xuân Khoa: “Giống như thời chiến tranh đang diễn ra, nhiều sự thật đã bị bóp méo, xuyên tạc, hiện tại tình trạng này cũng đang lặp lại”. Vâng, đúng là trong cả hiện tại, họ vẫn đang bóp méo, xuyên tạc, nói dối, thậm chí nói dối cả trẻ em.

Trong suốt hàng chục năm qua, nhân dân đã được giáo dục, tuyên truyền để không quan tâm đến chính trị. Người dân càng dị ứng với chính trị bao nhiêu thì càng hợp ý đảng bấy nhiêu. Suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, mỗi sự can thiệp và xâm chiếm, dù nhỏ nhất, của Trung Quốc cũng được người Việt quan tâm, mong mỏi giành lại tấc đất của tổ tiên. Thế nhưng, từ nửa sau thế kỷ 20, dân tộc ta đã mất đi thói quen này, hoàn toàn phó mặc đất nước cho Đảng Cộng sản.
  • Có hai sự kiện lịch sử khắc họa mối bất đồng và xung đột kịnh liệt giữa các chế độ cộng sản cần được đánh giá và xem xét công khai. Thứ nhất là cuộc chiến tranh biên giới với Campuchia, kéo dài ròng rã suốt 10 năm, làm mất đi hàng vạn chiến sĩ, làm Việt Nam bị cô lập với thế giới. Thứ hai là cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung quốc, cũng đã lấy đi hàng vạn sinh mạng dân Việt.

  • Những sự kiện lịch sử khác như vụ thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, sự vi phạm hiệp định Paris của phía Bắc Việt Nam, sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN, cũng rất ít được nhắc đến một cách chi tiết, cụ thể.

[Nếu ông Nguyễn Hòa hay ai khác trong đảng có thể, theo lời của ông, “tôn trọng các nguyên tắc khách quan – toàn diện – lịch sử – cụ thể, xác lập tính logic, dựa trên các dữ liệu lịch sử xác thực đã thâu nhận được, độc lập xét đoán...,” tìm hiểu lại những sự kiện trên, giúp làm sáng tỏ lịch sử cho tôi thì tôi rất trân trọng cảm ơn.]

Quả thật, đảng rất chủ quan, coi thường cả nhân dân và lịch sử. Những mặt nào là thành tích, đảng nhấn mạnh; mặt nào sai lầm yếu kém thì giấu đi. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập đảng, ông Nông Ðức Mạnh có nói, “Ðảng có sai lầm nhưng dám nhìn thẳng vào sự thật.” [4] Tôi thấy câu nói của ông vế đầu thì đúng, đúng quá, nhưng vế sau thì sai, rất sai. Ðảng sợ sự thật, nếu sự thật đó ảnh hưởng đến việc cầm quyền của đảng.

Bài viết này chỉ là những suy nghĩ, quan điểm về những vấn đề cộng sản, dân tộc, chiến tranh, xâm lược, và lịch sử của một người trẻ tuổi, chưa từng biết đến chiến tranh, nhưng từng được sống và học tập dưới mái trường XHCN, được trải qua những năm tháng đói ăn, cũng như những ngày đổi mới, mở cửa, được trải nghiệm cuộc sống thị trường XHCN và tìm hiểu cuộc sống, xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Lẽ hẳn còn có nhiều thiếu sót, nên rất mong quý vị cùng góp ý, tranh luận. Cuối cùng, tôi xin ngỏ lời chào trân trọng với các tác giả đề cập trong bài, và xin nhấn mạnh rằng: Chỉ có tự do tranh luận, tự do bày tỏ ý kiến, dù khác với quan điểm của chính quyền, mới có thể thúc đẩy xã hội tiến bộ.

06/2005

© 2005 talawas


[1]Stanley Karnow, tạp chí Times, 13 tháng 4, 1998. Tác giả của “Vietnam: A History.”
http://www.time.com/time/time100/leaders/profile/hochiminh.html
[2]Hồi ký Trần Quang Cơ, nguyên thứ trưởng ngoại giao. Có thể đọc trên:
http://zdfree.free.fr/diendan/articles/u134tqco.html
[3]Báo Lao Ðộng số 18 ngày 18/01/2004. Ðây là bài đầu tiên, sau đó còn một số bài trên báo Người Lao Ðộng, Thanh niên đề cập về vấn đề này.
[4]Báo Nhân Dân ngày 02/02/2005 http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=36&sub=47&Article=25056