trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
28.4.2005
Nam Dao
Việt Nam, con người từ những bóng ma
 1   2   3 
 
Tôi viết những dòng chữ này để trả nợ. Nợ những người đã nằm xuống. Nợ những người còn sống. Nợ những bóng ma chưa siêu thoát. Tất cả, tôi đã gặp trên nẻo đoạn trường những con đường xa. Cái nợ khi nhân cách hóa thành là nợ những khuôn mặt trên những con đường tình cờ. Và cái nợ cuối cùng là tôi nợ một người bạn trẻ, tên Nguyễn Bình Minh, hứa sẽ trả khi chúng tôi cùng đến một cái mốc năm tháng khó quên. Sắp tới ngày 30-04. Ðếm, thế là đã 30 năm từ ngày Giải Phóng. Sờ lên, đầu tôi nay chập chờn lau trắng. Tôi còn bao nhiêu thời gian? Ðã là lúc ngoảnh nhìn về sau. Nhưng để làm gì?

Tôi gặp Bình Minh trong chuyến về Huế cách đây dăm năm. Ði thăm lăng Minh Mạng, lơ ngơ thế nào tôi hụt mất chiếc thuyền máy chở khách tham quan đủng đỉnh rời bến mặc cho tôi vẫy tôi gọi. Một thanh niên lễ phép đề nghị chở tôi bằng Honda rượt thuyền. Leo lên sau, xe vù đi trên những con dốc ngoằn ngoèo, leo lên rồi trượt xuống, làm xiếc mà không khán giả, đùa với những tai hoạ của tình cờ. Thôi em, khỏi rượt thuyền. Xe ngừng. Tôi thở ra, buột miệng, đường xa thấy nỗi sau nay mà kinh. Bình Minh trầm trồ, a... anh cũng thuộc Kiều. Chuyện trò, tôi mới biết Bình Minh người Nam Ðàn, Nghệ An. Bình Minh thốt, quê Bác đấy. Tôi mỉm cười, này cậu có biết cái câu sấm Trạng Trình gì có nơi... bò rống rồi Nam Ðàn sinh thánh không? Anh hỏi thật hay lỡm? Tôi đáp, thật. Tôi hỏi, cậu ở Nghệ, vô đây làm chi? Bình Minh đáp, em đi học Quản Trị ở đại học Huế. Nói đến đó, Bình Minh chép miệng, thật ra thì em thích môn Sử, nhưng đất nước mình cần làm kinh tế tốt đã! Bình Minh hỏi lại, tôi đáp tôi giảng dậy Kinh Tế, nhưng chỉ “lý thuyết’’ chứ chẳng thể kiếm ra tiền ức tiền triệu để mà xây dựng đất nước đâu. Bình Minh có vẻ thất vọng. Tôi thấy thế, đành nói, thì ta trao đổi chuyện Sử vậy, đó cũng là điều tôi rất quan tâm. Mắt sáng lên, Bình Minh gật đầu. Tôi lẩy Kiều:

Ngoảnh nhìn một cuộc vần xoay.
Ðường xa thấy nỗi sau này mà kinh...

Những ngày này ở Huế, sinh viên được nghỉ. Nếu anh muốn, Bình Minh vui vẻ, em sẽ hướng dẫn du lịch cho anh, em rảnh mà!


Ngoảnh nhìn...

Bình Minh đưa tôi đến đàn Nam Giao, nơi vua chúa nhà Nguyễn tế lễ đất trời cho mưa hoà nắng thuận. Trời mưa sụt sùi, nay nhìn lại những tấm ảnh chụp ngày đó mà tưởng chúng vẫn còn hoen ố nước, tiêu điều dưới bầu trời nặng trĩu mây đen. Khi đó tôi buột miệng: Ai vô xứ Huế thì vô... Nay, có đâu người sợ truông nhà Hồ sợ phá Tam Giang! Bình Minh nói tiếp, rồi nửa đùa nửa thật, lập lại câu danh ngôn, rằng nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó... Tôi nhẫn nại nghe Bình Minh, hỏi lại “Thế cậu có đọc Hoàng Lê nhất thống chí chưa? Cậu có để ý khi Nguyễn Nhạc gặp vua Lê, hai người còn nói với nhau là nước tôi với nước ông... Nếu bảo nước Việt Nam là một, thì chỉ bắt đầu với Gia Long, tức là từ 1802. Kể cái thời gian 80 năm bị thực dân Pháp phân ra làm 3 Kỳ, sau là 10 năm kháng chiến chống Pháp, rồi 20 năm chia cắt từ hiệp định Genève đến 1975, thì thời gian cho nước Việt Nam là một quá ít ỏi...’’. Bình Minh chau mày “...còn dân tộc, là một?’’. “Cũng không! Việt Nam là một lãnh thổ đa sắc tộc. Nhưng chúng ta có một ngôn ngữ chung cho đa số là người Việt. Có chung một ngôn ngữ, tức chia chung một văn hóa. Thể hiện của văn hóa là những con người sinh nhai thế nào, sống với nhau ra sao, đồng thuận cơ bản về một thể chế xã hội, một hướng nhìn tương lai, và góp tay xây dựng tương lai đó! Nhìn dưới góc độ này thì chưa là một đâu ...’’.

Chúng tôi lên Honda. Bình Minh đưa tôi vào Thành Nội, mặt thoáng nét băn khoăn. Ðã định thôi không nói chuyện lịch sử nữa, tôi lăng nhăng hỏi qua quít này nọ, nhưng Bình Minh đáp nhát gừng. Ngừng xe, Bình Minh chỉ, đây là Ngọ Môn. Nhìn lên, tôi nghe Bình Minh nói, chỗ này là nơi Bảo Ðại đọc chiếu thoái vị. Nơi đó, nay sơn son thếp vàng như một cái cổng chùa Tầu. Chạnh nghĩ đến hôm đi thăm đền vua Ðinh tuần trước ở Hoa Lư, chỗ nào cũng một kiểu, bôi đỏ loe đỏ loét... Tượng thì vẽ lại, một anh cán bộ phụ trách trùng tu những di tích lịch sử bảo, phát hiện họa sĩ vẽ râu, vẽ cả cho Dương Vân Nga rồi lại phải xóa, có ai biết là đàn bà đâu! Tôi nhìn những cột gỗ lim hai người ôm. Một cột, mối ăn thủng một đầu, vứt lăn lóc cạnh lối đi, lên nước bóng loáng sau cả nghìn năm trơ gan cùng tuế nguyệt. Những chiếc cột khác, nay đều sơn son thếp vàng, vẽ rồng vẽ phượng, và nhất là những đám mây cho rồng bay phượng múa. Bật miệng, tôi nói cứ để nguyên mới đẹp. Anh cán bộ cười: “... để nguyên thì lấy đâu ra ngân sách, trên Ủy Ban nhân dân bảo thế, muốn có tiền thì phải vẽ ra chuyện mà làm chứ! Truyền thống bây giờ cực hợp thời, anh ạ!”. Tay xoa cái cột mối ăn, tôi suỵt soạt tiếc rẻ. Anh cán bộ bảo, thích lấy về mà dùng, tôi đổi anh nửa con dê. Lúc đó tôi nhìn ra chân núi. Ở Hoa Lư, người ta nuôi dê, hàng đàn. Vấn đề là làm sao chuyên chở cái cột mối ăn có thể sẽ bị chẻ ra làm củi. Ðành chịu!

Bình Minh vào mua vé tham quan. Ðứng đợi, tôi ngẩn ngơ nhìn, như thấy lại Bảo Ðại mặc hoàng bào, trân trối nhìn lá cờ quẻ Ly kéo xuống, và cờ đỏ sao vàng kéo lên. Trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu, một vương triều cáo chung. Gia Long, người đã mang Bá Ða Lộc vào đất nước mình, dặn Minh Mạng phải coi chừng bọn Tây Dương. Thế là cấm đạo, rồi phân tháp, rồi bế quan tỏa cảng. Chỉ 60 năm sau khi nhà Nguyễn nắm quyền, thực dân Pháp đã chiếm 3 tỉnh miền Ðông Nam bộ. Cuộc xâm lăng tiếp tục đến 1884 thì Tự Ðức không còn gì ngoài cái ảo tưởng trị vì của một ông vua chỉ còn cái ngai bằng gỗ sơn son thếp vàng. Khi Nhật biết sẽ bại trận, Bảo Ðại được phép tuyên ngôn độc lập và xin trả lại Nam kỳ về một nước Việt Nam thống nhất. Nhưng chỉ một việc chuyển gạo miền Nam ra cứu 2 triệu người chết đói ở Bắc kỳ cũng không làm nổi. “Thôi”, Bình Minh nói, “Bảo Ðại xuống cũng phải!’’. Dĩ nhiên. Nhưng đừng quên công lao nhà Nguyễn. Từ thuở Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân, họ đâu ngồi yên, xua quân Nam tiến [1] . Người Việt chúng ta cũng từng đi xâm lăng. Vương quốc Chăm bị tiêu diệt. Người Chân Lạp giạt xuống cực Nam, rồi về phía Tây, nơi nay ta gọi là Campuchia. “Bây giờ lại có vấn đề ở Tây Nguyên đấy!’’ Bình Minh chép miệng.

Chúng tôi vào Thành Nội. Nhìn quanh, không mấy khác với Cấm Thành ở Bắc Kinh, chỉ nhỏ hơn, nghèo hơn. Nhưng khung cảnh chung quanh tuyệt vời. Tôi hỏi, nơi nào là nơi ở sông Hương mà Nguyễn Huệ chọn làm chỗ tiến công kinh thành Phú Xuân do tướng nhà Trịnh trấn thủ. Không ai biết. Bình Minh hớn hở: “Tây Sơn mới là triều đại đã thống nhất đất nước, có phải không anh?’’. Không. Nhưng chẳng lẽ cứ tiếp tục thế này, gì cũng không à? Lỡ rồi nên tôi tiếp, Nguyễn Lữ vào Gia Ðịnh nhưng không bao giờ ở lâu, hễ có chuyện đao binh là lại “zọt’’ về Qui Nhơn. Nhạc thì thích thú làm ông vua một cái thành nhỏ. Phần Huệ, tham vọng lớn hơn, nhưng chỉ lên ngôi vua khi đại phá quân Thanh, về ngồi chưa kịp nóng ghế Hoàng Ðế ở Phú Xuân đã vội ra người thiên cổ [2] . Cuộc khởi nghĩa nông dân là chuyện tào lao, vì dưới thời nào cũng sưu cao thuế nặng, bắt lính xung quân, bỏ con thơ vợ dại, đi đánh nhau thì đánh cho ông tướng bà chúa, làm gì có cái chuyện ý thức “giai cấp đấu tranh’’ đời sau tô vẽ ra [3] . Nói xong, tôi biết là Bình Minh bực bội. Không kìm được, Bình Minh hỏi “Sách vở em học, đều nói thế! Anh lấy chứng cớ gì mà cứ nói ngược?’’.

Thế ai thống nhất đất nước? Bình Minh thắc mắc. Nếu gọi đất nước là từ Nam Quan đến mũi Cà Mâu thì Gia Long là người làm cái việc thống nhất đầu thế kỷ 19, tôi đáp. Sau, thì sao? Bình Minh gặng hỏi. Khi ấy chúng tôi bước về phía sau Thành Nội. Tôi không đáp, lặng nhìn một bức tường đổ nát nằm chắn ngang, sạt hai đầu, trên lổn nhổn những lỗ đạn xoáy vỡ lớp ngoài để phơi ra lớp trong mầu trắng đục như xương người. Những viên đạn đó bắn ra trong cuộc tổng công kích và nổi dậy năm Mậu Thân, để lại cho những năm sau một Huế ngổn ngang thương tích. Không thấy tôi trả lời, Bình Minh vung tay, nói như đinh đóng cột: “Sau, Ðảng Cộng Sản Việt Nam đã giải phóng dân tộc, giành độc lập, và thống nhất đất nước!”.

Tôi nhìn vào cặp mắt Bình Minh trong sáng, lòng bỗng chớm ngậm ngùi. Em đã được học gì trong lịch sử cận đại thì tôi cũng biết. Ba mươi năm qua, không hiểu bao nhiêu lần câu trên được lập đi nhắc lại đến độ tiềm thức cũng mất phản xạ, não bộ thu và nuốt thông tin không cần lý lẽ để tiêu hóa, tất cả nhằm đưa ba vòng hoa vinh quang là độc lập - giải phóng- thống nhất lên bàn thờ Tổ Quốc như của thế chấp cho những kẻ cầm quyền, bất luận thực tiễn nay ở đâu, và tương lai mai mốt thế nào. Nguy hiểm hơn, ba vòng hoa kia ngụy hóa thành ba vòng kim cô, xiết vào đầu những kẻ nào suy nghĩ chệch đường phép tắc chính thống. Tôi nhỏ nhẹ: “Không ai phủ nhận kiểu phẩy tay bảo Ðảng không công lao. Nhưng bây giờ, đâu phải lúc tranh công luận tội, chẳng ích gì. Có lẽ điều phải quan tâm là nội dung thực chất những điều em vừa nói và cái giá phải trả, với những sự kiện lịch sử nhìn từ nhiều chiều và có thể kiểm chứng được. Phải tránh ngộ nhận, những úp mở có ý đồ đánh lận con đen, những sự thật cắt xén kiểu gọt chân cho vừa giầy...”


Ðộc lập?

Ngày xưa, tôi rất băn khoăn với những điều Bình Minh vừa mới đề cập tới. Trước khi hoạt động phản chiến với những người trong Hội Việt Kiều Yêu Nước ở Canada, tôi bỏ ra nhiều thời gian để tìm hiểu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhớ lại những trao đổi với bạn tôi, một người có suy tư độc lập tham gia phong trào thời đó, tôi kể: “Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập ngày 2-09-1945 là món tả pí lù, tôi phẩm bình, câu đầu lấy trong bản tuyên ngôn Mỹ, vài câu sau thì là tuyên ngôn nhân quyền của Cách Mạng Pháp, rồi 3 chữ Ðộc Lập- Tự Do- Hạnh Phúc biểu trưng cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì lại từ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên bên Tầu!”

“À”, bạn tôi chép miệng, “khi Nhật đầu hàng, từ vĩ tuyến 16 trở ra, quân Anh-Ấn đến giải giới. Còn miền Bắc là quân Tưởng Giới Thạch, có hậu thuẫn của Mỹ. Thế nên phải đánh bài ba lá, tuyên ngôn thế nào cho đẹp lòng tất cả thôi... Nhưng chuyện quan trọng hơn là Hiệp Ðịnh Sơ Bộ (HÐSB)!”

Mười tám vạn quân Trung Hoa Dân Quốc vào giải giới quân Nhật, theo chân là Quốc Dân Ðảng và Việt Nam Cách mệnh Ðồng Minh hội, đều là những đảng phái Quốc Gia chống Cộng, trong khi Việt Minh người ít, khí giới không có [4] ! Các ‘‘vị’’ lãnh đạo Ðảng Cộng Sản Ðông Dương lo chuyện sống còn, giải tán Ðảng, thành lập Chính Phủ Liên Hiệp và cố nhanh chóng hợp thức hóa Chính Phủ qua một cuộc bầu cử Quốc Hội để có cái thế chính danh mà điều đình. Cuối tháng 2, hiệp ước Hoa-Pháp ký kết, quân Tưởng rút để quân Pháp vào miền Bắc, các ‘‘vị’’ đành gấp rút ký HÐSB, bỏ hai chữ Quốc Gia độc lập thay vào bằng hai chữ tự do, còn quyết định về thể chế ở miền Nam thì sẽ thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng thật oái oăm, tự do trong HÐSB lại là tự do trong Liên Bang Ðông Dương và Liên Hiệp Pháp, khi đó chưa có qui chế, rất mù mờ [5] ...Hồ Chí Minh và các ‘‘vị’’ tìm cách tranh thủ thêm khi ký kết một Hiệp Ðịnh Pháp-Việt chính thức ở Fontainebleau với Chính Phủ Pháp!

Phái đoàn Chính Phủ Việt Nam bỏ về trước. Hồ Chí Minh ở lại, ký được bản Tạm Ước, nội dung là một bước lùi so với HÐSB, chiều hướng là Việt Nam sẽ chẳng có quân đội và ngoại giao riêng trong Liên Hiệp Pháp [6] . Một hội nghị dự định sẽ họp ở Hà Nội vào tháng 2-1947 để chính thức hóa những thỏa hiệp trong Tạm Ước. Nhưng khi Hồ Chí Minh vừa lên đường sang Pháp, anh tu xuất D’Argenlieu, Cao Ủy Pháp tại Ðông Dương, đã đơn phương lập ra Chính Phủ một nước Nam Kỳ tự trị, tiến đánh Tây Nguyên và vùng thượng du Bắc Kỳ. Ở Pháp, mặc dầu đảng Cộng Sản Pháp trở thành chính đảng số một và liên minh với đảng Xã Hội để thành lập Chính Phủ phe tả, không có một dấu hiệu gì khả quan cho Việt Nam. Ai cũng biết chiến tranh rất khó tránh [7] !

Sau là cuộc xung đột ở Hải Phòng, và lệnh Kháng Chiến Toàn Quốc vào ngày 19-12-1946. Khi đó, dân khí lên rất cao, dân ở mọi tầng lớp nơi nơi tản cư, tòng quân, về vùng tự do và các chiến khu, tiếp tục chiến đấu giành độc lập. Bốn năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với những anh bộ đội cụ Hồ có thể là những năm đẹp nhất của cả dân tộc trong thế kỷ 20. Ðẹp và lý tưỏng vô cùng! Chỉ một điều đáng tiếc... là song song với cuộc kháng chiến chống thực dân, các ‘‘vị’’ lại ươm mầm cho một cuộc nội chiến. Trong cái thế đấu tranh chính trị đầu năm 46 giữa Việt Minh và những người Quốc Gia (Việt Cách và Việt Quốc), chuyện khủng bố từ cả hai bên đáng tiếc nhưng khó tránh. Nhưng sau đó, khi Quốc Gia đã bỏ chạy, Việt Minh truy kích và tiếp tục một cuộc tàn sát có thể nói là không mấy cần thiết! Số người chết có thể lên đến 4,5 vạn [8] , ở chiến khu 3 của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, chiến khu Hòa Bình-Ninh Bình của Ðại Việt Duy Dân, những thành viên của Ðại Việt Quốc Dân đảng, nhóm đệ tứ Trốt-Kít, người của Việt Nam Quang Phục hội sau theo Việt Cách... Rất nhiều yếu nhân những đảng phái Quốc Gia bị thủ tiêu. Tạm kể, có Trương Tử Anh, Lý Ðông A, Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Huỳnh Phú Sổ, Khái Hưng, Nhượng Tống... Tóm lại, phe Quốc Gia mất gần hết những lãnh tụ có bản lĩnh. Thực dân Pháp vỗ tay, vì sau, nếu có chính phủ Quốc Gia nào thì khả năng họ cũng chỉ làm bù nhìn, đúng như với Chính Phủ Bảo Ðại thành lập ra cuối năm 1949 sau khi Pháp chấp nhận Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp với những điều kiện còn rộng rãi hơn HÐSB trên giấy tờ văn bản. Và Việt Minh, với lá cờ chống Pháp thu về tay, khi phất sẽ phất một mình, ai không theo tức không yêu nước, tức Việt gian, tức phản quốc, đúng sách lược Xứ Ủy Bắc Bộ đã vạch ra từ thời tiền khởi nghĩa, vào tháng 3-45, với “Ðội Danh dự trừ gian’’ mà nhiệm vụ là đi ám sát...


Trả giá nào cho một chiến thắng?

Chúng tôi bước lên thềm điện Thái Hòa. Ngai vua, nay cũng lại sơn son thếp vàng, trơ trẽn nằm giữa một cái thảm đỏ xung quanh chăng dây chặn không để khách tham quan đến gần. Chiếc ngai nhỏ, chắc xưa các vị vua triều Nguyễn không cao lớn gì, vừa vặn với cái tầm nhìn không quá được tháp chuông chùa Thiên Mụ, chẳng bì được với Minh Trị Thiên Hoàng, kẻ kịp thời canh tân nước Nhật giữa thế kỷ 19. Bước vòng vòng theo chân một đám du khách, tôi nói cái ý ngộ nghĩnh đó rồi im lặng. Bình Minh có vẻ nóng ruột, tấp tểnh rủ ra ngoài, tôi trù chắc thế nào cũng hỏi thêm về nước Nhật canh tân. Nhưng tôi đoán nhầm. Nhìn sau không còn thấy ai, bấy giờ Bình Minh lấy giọng nghiêm trọng:

“Nhưng rồi đến chiến thắng Ðiện Biên, cả thế giới khâm phục ta! Rõ ràng là Pháp thua, phải ký Hiệp Ðịnh Genève...”

“Tôi cũng khâm phục, như nhiều người, dĩ nhiên! Nhưng chúng ta trả cái giá nào cho chiến thắng ấy?”

“Cái gì mà không có giá của nó. Ðúng là ta thiệt hại rất nhiều, nhưng Tướng Giáp đâu có dùng chiến thuật biển người kiểu các cố vấn Tầu đề nghị...”

“Tôi không định chỉ đề cập đến cái giá trả bằng sinh mạng và thương tật của hàng vạn con người...”

Bình Minh lắc đầu chau mày:

“Sách em học lại viết rằng ngay sau khi ký kết, ngày 22-07-1954, Bác Hồ nói: ‘... ngoại giao ta đã thắng lợi to’ cơ mà!”

“Phải nhìn lại cái thế của ta trong bối cảnh toàn cục thế giới. Nhưng ngoài tinh thần anh dũng của bộ đội và tài năng của tướng Giáp, ta cần gì mới có thể đoạt được chiến thắng Ðiện Biên Phủ? Súng, đạn, lương thực... Và một hậu phương chắc chắn, là Trung Quốc, năm 49 đã về tay Ðảng Cộng Sản và Mao Trạch Ðông. Chúng ta không thể đánh giặc với tay không! Trước năm 50, với chính sách của Pignon, Pháp đã có ý đồ Việt Nam hóa chiến tranh. Ðến năm 51-52, lực lượng người Việt trong quân đội cũng như Bảo Chính Ðoàn, gọi là Quân Ðội Quốc Gia, lên trên 220.000 người [9] . Ðó là chưa kể số quân nhân Pháp, Marốc, Sênêgan... trong những binh chủng chính qui, được Mỹ trang bị vũ khí tối tân, với không quân và hải quân cũng như những lực lượng cơ động áp đảo hoàn toàn trên trời và dưới biển. Tháng 2 năm 50, ông Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh rồi Mạc Tư Khoa, đề nghị với những nước “anh em’’(!) chính thức công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà như một Quốc Gia, và giúp ta trong chiến tranh chống Pháp. Dĩ nhiên, cái giá phải trả là quay theo cái quĩ đạo của những nước Cộng Sản [10] . Ðổi lại, là khí giới và, ở một mức nào đó, cả lương thực... Chỉ sau Chiến dịch Biên giới, thế giằng co với lực lượng quân đội Pháp mới có chiều thay đổi. Pháp thua, rồi trận cuối cùng là ÐBP. Thế nhưng 9 năm máu xương kháng chiến ta lấy lại được gì? Một nửa đất nước với HÐ Genève. Chia cắt đất nước đau lòng lắm chứ. Trưởng phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Ðồng đề nghị chấp nhận một Việt Nam thống nhất sẽ tiếp tục ở lại trong Liên Hiệp Pháp [11] , tức là quay lại khởi điểm 9 năm trước, ngày Hiệp Ðịnh Sơ Bộ ký kết vào 6-03-1945. Nhưng quá muộn, Pháp buông tay ở Ðông Dương cho Mỹ nhẩy vào [12] ...”

“...còn bối cảnh quốc tế anh có đề cập tới?”, Bình Minh ngắt.

“À, thế này: Ðầu năm 1954 Liên Xô đề nghị nên giải quyết vấn đề Ðông Dương. Khi đó, tại hội nghị Berlin, ngoại trưởng Pháp, Anh, Mỹ đồng ý sẽ bàn chuyện Ðông Dương ở Geneve,có thêm Trung Quốc và Ấn Ðộ tham gia.Thủ Tướng Ấn kêu gọi hai bên ngưng chiến, nhưng lực lượng đặc biêt Pháp với 500 cố vấn Mỹ vẫn muốn thực hiện kế hoạch Navarre, bất ngờ bị Việt Minh pháo kích, và thế là kéo theo bước leo thang của Mỹ trong giúp đỡ máy bay vận tải và ném bom. Ðể vận động dư luận và Thượng Viện, tổng thống Mỹ Eisenhower tuyên truyền truyền chủ thuyết Domino. Bộ Trưởng Ngoại Giao Mỹ Dulles thậm chí ngỏ lời với Bộ Trưởng Pháp là Bidault về khả năng dùng bom nguyên tử ở Ðiện Biên Phủ. Tuy nhiên, không chỉ những nước XHCN mà ngay cả những nước Trung Lập cũng muốn Hội Nghị Geneve khai mạc đúng thời hạn. Và thế là Hội Nghị được tổ chức từ 26-04 đến 21-07, với nghị trình đầu là chuyện Triều Tiên, sau đó mới đến Việt Nam, vào ngày 9-05, đúng một ngày sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ngày 10-05, phó Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng đưa ra quan điểm của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đòi Pháp công nhận quyền độc lập và tự chủ của Việt Nam, nhưng cũng xác nhận sẵn sàng gia nhập Liên Hiệp Pháp. Khi ấy, hai khối mang tên Thế giới Tự Do và Xã Hội Chủ Nghĩa đã cắt đôi nước Triều Tiên, và thế là hai nước “anh em’’ Trung Quốc và Liên Xô ép một giải pháp tương tự với Việt Nam. Nhưng cắt Việt Nam ở đâu? Ta đòi vĩ tuyến 13, rồi lùi dần... Chu Ân Lai, người ngày xưa mai mối và dự lễ cưới của Hồ Chí Minh với Tăng Tuyết Minh, nay gặp lại ông Hồ ở Quảng Châu thuyết phục để vĩ tuyến 17 trở thành vết chém ngang lưng Tổ Quốc.“

„Sao thời đó ta không đánh tiếp?“ Bình Minh gằn, giọng ấm ức.

„Súng đạn là do ‚anh em’ cung cấp thì thắng bại là có phần ‚anh em’ quyết định! Khi đó, cái kinh nghiệm chiến tranh Triều Tiên cho thấy Mỹ đã đổ quân trực tiếp tham chiến, từ phía Nam đánh bật lên phía Bắc Triều Tiên, chắc ‚anh em’ không muốn phiêu lưu thêm một bước!“

„...và hai năm sau là Tổng Tuyển Cử theo như HÐ Genève!“

„Chuyện này thì nói để mà ‚chơi’ thôi! Hoa Kỳ không ký Tuyên Cáo chung, chỉ xác nhận là có ghi nhận văn bản này trừ điểm 13, tương tự như phái đoàn của chính phủ miền Nam Ngô Ðình Diệm. Ý đồ như thế thì trẻ con cũng có thể đoán ra. Nghe kể, khi ăn bữa ‚liên hoan’ chia tay sau hội nghị ‘đạt thắng lợi’, ngồi giữa hai vị trưởng đoàn của hai Chính Phủ miền Nam và miền Bắc, Chu Ân Lai hỏi ông miền Nam có đệ đơn xin vào Liên Hiệp Quốc không, và nếu có, Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ. Ông miền Bắc, tức Phạm Văn Ðồng, nghe mà chết sững... Chỉ tội cho tiếng sáo trên hồ Lehman!“

Ðó là một người họ Võ vấn tóc mặc áo the đến ngồi bờ hồ Lehman gần nơi diễn ra Hội Nghị thổi sáo để nói cho nhân loại biết cái nỗi đau của vết chém ngang lưng. Bình Minh có nghe có biết nhà thơ Trần Dần không?

...Tôi đi giữa trời mưa đất Bắc
Ðất hôm nay tầm tã mưa phùn
Bỗng nhói ngang lưng máu nhỏ xuống bùn
Lưng tôi có tên nào chém trộm ?
A, cái lưỡi dao cùn!
Không đứt được mà đau
...Lưng Tổ Quốc hôm nay rớm máu...

A, cái lưỡi dao cùn? Nhưng súng đạn hai bên lại rất hiện đại. Và khiến trên dưới bốn triệu người cả quân lẫn dân hai bên đã mạng vong trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước? Những bóng ma vẫn đâu đây. Của Huế Mậu Thân. Của An Lộc tử thủ. Của thành cổ Quảng Trị thương tích với gạch đá hoang tàn. Bóng ma họVõ bên bờ hồ tuốt trời Tây, cây sáo cong queo nằm trong rẩy bụi vấy sương. Bóng ma Trần Dần, với vết sẹo cứa cổ rắp ranh trốn sổ đoạn trường, nhưng không thành nên lại một mình khập khễnh đi, không thấy phố, không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ, suốt trên dưới bốn mươi năm. Tôi bước, đâu đó những bóng ma quây quanh, tai chợt nghe thấy tiếng sáo văng vẳng ven sông đệm cho những lời thơ của một người đã từng cứa cổ vì không chịu khuất phục. Bỗng Huế rải vào thế gian những bụi mưa, rất Hà Nội... Bình Minh buột miệng như để tự trấn an: “Ðình chiến để có thời gian xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa là một sách lược đúng, phải không anh?”


Ðất bằng sóng dậy!

Không đáp câu hỏi giọng có chớm chút hoài nghi, tôi chỉ một quán ven sông, rủ Bình Minh vào uống nước. Chọn một góc vắng nhìn ra cầu Tràng Tiền, chúng tôi nghe mưa nặng hột gõ như cười trên mái tôn. Nhìn dăm con đò ủ dột xuôi dòng để lại những vòng nước xoáy hờ bên mái chèo, tôi không biết nói gì cho người bạn trẻ yên lòng. Bình Minh hỏi lại, mắt bỗng dưng ánh lên nét lo lắng. Tôi đáp:

“Chỉ 5 năm, làm sao xây dựng gì ngay được trên cái nền một xã hội đã hàng ngàn năm phong kiến, lại mới thoát ách thực dân? Trở lại cái vế thứ hai, là khi phải dựa vào hai nước ‘anh em’ để chiến thắng ÐBP, ta không còn độc lập trong vấn đề xây dựng xã hội như ta mong muốn. Tài liệu do chính Ðảng sau này khéo léo phổ biến khiến người dân có thể nghĩ rằng ông Hồ Chí Minh không cưỡng nổi áp lực của Stalin và Mao trong phương sách tiến hành những cải tạo xã hội kiểu XHCN giáo điều. Ngay 1953, Việt Nam ta đã phát động một chính sách điền địa bắt chước kiểu Mao bên Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc. Bắt đầu là 4 đợt Giảm Tô Giảm Tức, rồi sau là 5 đợt Cải Cách Ruộng Ðất (CCRÐ), chấm dứt vào 56, tức 2 năm sau Genève. Song song với CCRÐ là phong trào Chỉnh Ðốn Tổ Chức (CÐTC), tiến hành với sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Quốc có kinh nghiệm là La Quí Ba về chính trị, Vi Quốc Thanh về quân sự và Kiều Hiểu Quang về CCRÐ. Chính sách thành phần-lý lịch ra đời, với giai cấp nông dân là đội quân chủ lực xây dựng XHCN. Các đội Cải Cách về nông thôn thăm nghèo hỏi khổ, bắt rễ, xâu chuỗi, tranh thủ bần nông cốt cán để phóng tay phát động đấu tranh chống giai cấp địa chủ, tàn dư phong kiến và (nhân tiện!) bọn Việt gian Quốc Dân đảng, bọn phản động, bọn làm ‘gián điệp’ tay sai cho những thế lực ngoại xâm, vân vân... Rập khuôn Trung Quốc, ta cũng phải tìm cho bằng được 5% địa chủ cường hào, tịch thu của cải - gọi là quả thực - để phân phát cho bần nông. Nhất đội nhì Trời. Và qui thành phần, đem đấu tố, rồi mang trước Toà Án Nhân Dân mà kết tội, nhẹ thì tù đầy cải tạo, nặng thì tử hình. Ai không chịu tham gia, tức có liên quan thành phần, và thế là cũng có tội, bị cách ly với quần chúng cách mạng, bị ruồng bỏ. A, cái chỉ tiêu 5% khó làm sao! Và chỗ nào cũng thi đua đấu tố, cũng đạt thắng lợi, cũng nêu thành tích...nên địa phương nào không có, hay không đủ, địa chủ cường hào thì ‘đánh lên’ thành phần. Tiếng hát vang vang ‘Nông dân là quân chủ lực’, lẫn trong tiếng trống ếch thiếu nhi, biến nông thôn thành nơi bần nông có kẻ ‘tố điêu’, có người ‘tố vấy’, rủ nhau hôi của, tranh cửa cướp nhà. Bấy giờ, không thiếu những chuyện vợ tố chồng, con tố cha, anh em, chú bác tố nhau, giết nhau. Làng xã Việt Nam, nền tảng truyền thống và đạo lý của xã hội, bị xới tung lên, chẻ nát ra, cùng với những con người không còn gì ngoài cái bản năng mà phần thú tính nghiền phần nhân tính ra thành những mảnh vỡ khó lòng hàn gắn lại [13] . Ðồng thời, CÐTC được tiến hành, thực chất là Ðảng của các ‘vị’ thanh trừng nội bộ để sắp xếp lại bộ máy quyền lực từ trên xuống dưới. Bao nhiêu đảng viên oan, bao nhiêu chết, bao nhiêu gia đình tan nát? Ông Võ Nguyên Giáp nói độ 8.000 người. Có kẻ bảo 20.000. Con số đích xác thì Ðảng biết, nhưng 60 năm qua rồi vẫn cứ ‘bảo mật’. CCRÐ đưa đến những công phẫn ngay trong giai cấp nông dân chủ lực. Nạn nhân đấu tố là cường hào ác bá địa chủ thì đã đành, nhưng chỉ 5% và đã bị đấu. Nhưng còn chuyện quả thực chia không công bằng. Ruộng thấp ruộng cao ruộng xấu ruộng tốt phân cho bần cố cũng không công bằng. Hỏi ai đây? Nhưng cứ nhất Ðội thì hỏi Trời cũng vô ích. Trời hạng nhì, vả lại qui thành phần thì qui thế nào? Tháng 9 năm 1956, Trung Ương Ðảng họp để tổng kết thành quả CCRÐ. Ðại Tướng Giáp, người anh hùng ÐBP, thay mặt Ðảng ra nhận sai lầm trước nhân dân. Nhưng số nạn nhân là bao nhiêu ở miền Bắc? Không ai trong những kẻ có thẩm quyền nói gì cả. Cứ coi như nông thôn miền Bắc khi ấy độ 10, 12 triệu người, thế thì 5% số người chắc phải xấp xỉ 600.000 nạn nhân, với có thể khoảng 60.000 người bị sát hại?”

Bây giờ, gió xào xạc thốc vào quán nước. Cô tiếp đãi viên kéo áo len lên che cổ, nhìn chúng tôi, đôi mắt long lanh như thấm nước mưa của Huế da diết, Huế đế đô ngày xưa, và Huế hôm nay nghèo nàn tức tửi những tiếng hò mất hút cuối một thời sắc hương phai nhạt. Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách! Tôi ngậm ngùi, cần chi phải nhắc sắc bất ba đào... trên cái đất nước ba đào này, chòng chành đến chóng mặt!

“Rồi sửa sai thế nào, anh?”

“Sửa thì có Ðội sửa sai về thay Ðội cải cách. Sai có, và sửa thì ông Trường Chinh, Tổng Bí thư Ðảng và Chủ nhiệm ủy ban Cải Cách thành Chủ Tịch Quốc Hội. Ông Hoàng Quốc Việt, phó chủ nhiệm đặc trách CCRÐ, đưa qua nắm Ban Kiểm Sát. Ông Lê Văn Lương, phó chủ nhiệm lo CÐTC, về nhậm chức Chủ tịch UBND Thành Phố Hà Nội. Riêng Hồ Viết Thắng, uỷ viên thường trực của Uỷ ban CCRÐ thì có xuống, bị văng ra khỏi Trung Ương nhưng lại về trách nhiệm Ủy ban Kế Hoạch Nhà Nước. Hồ Chí Minh thành Tổng Bí Thư Ðảng, cứ như người vô can! Và sai gì thì sai, có sai là chỉ chấp hành sai chứ về ‘cơ bản vẫn đúng’, đã ‘cào bằng’, chia bình quân ruộng đất cho nông dân canh tác trong giai đoạn đầu, và sẽ ‘vào hợp tác’ trong tương lai một xã hội đúng bài bản xã hội chủ nghĩa. Dân đùa, có sai có sửa, sai đâu sửa đấy, nhưng sai đấy sửa đâu!”

“Vào hợp tác là thế nào? Bọn em sinh sau đẻ muộn, không biết là gì!”

“Ban đầu, ở mức thấp cho mươi mười lăm gia đình, hợp tác với những tổ đổi công. Sau, ở mức cao hơn, là Hợp Tác Xã, lao động tính theo công điểm, và từ đó qui ra thu nhập của nông dân. Năm 60, hợp tác trong nông nghiệp được hoàn thành về cơ bản. Chỉ ít năm sau, sản lượng xuống, dân bắt đầu ăn độn. Không đổ cho thời tiết được, trong chiến tranh người ta bảo là vì bom Mỹ. Ðâu cũng một giọng, chiến tranh là cách đổ tội để biện minh cho sự thất bại của những cải cách thời bình. Nhưng ngoài chiến tranh, cái nghiệp dĩ của dân tộc từ suốt mấy trăm năm nay, còn những chuyện khác...”

“Chuyện gì?”

“Sự thủ tiêu một xã hội dân sự. Với cái khẩu hiệu ‘chính trị là thống soái’, phương thức tổ chức một nền chuyên chính vô sản kiểu Lênin, lại kèm vào liều lượng Mao-ít xuất phát từ truyền thống phong kiến Trung Quốc. Từ đó, xã hội được tổ chức theo kiểu một trại tập trung. Và như thế, lại cần đến chiến tranh, điều kiện ‘khách quan’ để xây dựng một xã hội-trại lính!”

Bình Minh chằm chằm nhìn, đợi tôi nói tiếp. Lúc ấy, mưa tạnh hột. Trời bắt dầu tối dần, ánh đèn bên kia bờ sông Hương đã nhấp nháy thắp sáng. Cô tiếp đãi viên nhìn chúng tôi, vẻ muốn đóng cửa quán, thu xếp lăng quăng như giục chúng tôi đi. Nhìn Bình Minh, tôi nói khẽ: “Ta đi... Tìm cái gì ăn. Em có biết quán cơm Âm Phủ không?”


Miền Nam của tôi!

Ngồi sau Bình Minh, xe chúng tôi vừa qua cầu Tràng Tiền thì mưa thình linh nặng hột rồi xối xả trút xuống như để hả một cơn ấm ức. Gần khách sạn nơi tôi ở, tôi đề nghị Bình Minh ghé lại, vừa trú, vừa mượn thêm một chiếc áo mưa trước khi đi ăn. Ngồi trong phòng khách, chúng tôi đợi cho mưa ngớt nước, nghe tiếng gió rít qua những tàn cây và tiếng sấm động từ xa vọng lại. Bình Minh bất thình lình hỏi: “Như em hiểu thì anh đi di cư vào Nam, rồi du học, nhưng lại ủng hộ miền Bắc. Rồi nghe anh vừa nói, thì miền Bắc có những điều anh không ưng... Tại sao anh... bỏ miền Nam?”

Trời hỡi, tôi nào đâu có bỏ miền Nam của tôi! Chín năm sống ở Sài Gòn thuở thanh thiếu niên là quãng thời gian tôi lớn lên để biết yêu biết ghét, biết khinh biết trọng, biết hy vọng và bám vào tương lai bằng tất cả nhiệt huyết tuổi trẻ. Chế độ Ðệ Nhất Cộng Hoà “thịnh” nhất là cho đến năm 1958, sau khi chính quyền Diệm dẹp xong Ðại Việt và Quốc Dân Ðảng ở miền Trung, rồi Bình Xuyên, Hòa Hảo và Cao Ðài trong Nam. Từ chối hiệp thương Nam-Bắc và để dân chúng tự do đi lại với lý do là miền Nam không ký vào HÐ Genève, chính quyền Diệm biết sẽ có chiến tranh nhưng chủ quan cho rằng có thể giữ được miền Nam bằng phương tiện quân sự với hậu thuẫn của Mỹ. Về mặt chính trị, chính sách tố cộng và diệt công tung ra với những đoàn thể như Thanh Niên Cộng Hòa, Phụ Nữ Liên Ðới làm nòng cốt trong dân chúng. Ở nông thôn Diệm tổ chức Dân Vệ để giữ an ninh, có trang bị vũ khí thô sơ, nhưng không hiệu quả gì, nên giải pháp là phải gom dân. Lực lượng ‘nằm vùng’ của miền Bắc, khoảng đâu đó 60.000 người, bị cô lập với chính sách Khu Trù Mật, rồi Ấp Chiến Lược, và sau có nguy cơ bị tiêu diệt với Luật 9/59 đặt Cộng Sản ra ngoài vòng pháp luật. Trong bối cảnh đó, chính quyền Diệm từng bước phô khuôn mặt độc tài. Cố Vấn Ngô Ðình Nhu, em Diệm, lý thuyết gia của Ðảng Cần Lao Nhân Vị (CLNV). Lý thuyết khập khiễng, nhưng Diệm-Nhu lại dùng Ðảng CLNV như bàn đạp chống Cộng. Cuối cùng Ðảng CLNV chỉ thành cách tiến thân quan trường của những kẻ qui phục Diệm-Nhu, vừa có tính địa phương, vừa nhuốm mầu sắc tôn giáo, tập trung vào miền Trung và Công giáo. Tập hợp “Bắc di cư”, một thành tố quan trọng của Lực Lượng Quốc Gia và là chỗ dựa ban đầu của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa mất dần thế đứng. Cái nhân đức nổi tiếng của “cụ” Diệm, buồn cười nhất là cụ nhận một số tướng lãnh làm “con nuôi” như Nguyễn Chánh Thi chẳng hạn, trở thành cách cụ điều khiển một quốc gia trong tinh thần gia đình gốc đạo, anh có, em có, em dâu có, với các loại con nuôi chia ra nắm quân những vùng chiến thuật, ai nấy vừa hiến mình phụng sự Chúa, và vừa chống Cộng! Kéo máy chém đi khắp nơi với cái luật 9/59, chính quyền Diệm-Nhu phá tan tành cơ sở Cộng Sản trong Nam, tạo ra phong trào hồi kết ở miền Bắc. Số người miền Nam tập kết năm 55, khoảng 80.000, nóng lòng quay về quê quán là một trong những nhân tố thúc đẩy mở rộng cuộc đấu tranh bằng võ lực. Trận thử lửa với sư đoàn 23 và vụ nổ bom trong căn cứ Biên Hòa bắt đầu một thử thách. Và sau, phong trào Ðồng Khởi ở Bến Tre. Năm 60, Mặt Trận Giải Phóng miền Nam được thành lập, với Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ Tịch. Thời gian đó, Diệm-Nhu đã đẩy tính cách “gia đình trị” đến mức khó chấp nhận. Năm sau, cuộc đảo chánh Nguyễn Chánh Thi- Vương Văn Ðông chết sẩy như một cái bào thai còn non tháng, thiếu sửa soạn và hậu thuẫn chính trị ngoại giao.

Khi ấy, tôi ở với ông bố nuôi, nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm gần đài phát thanh, nghe tiếng súng nổ ròn rã một chặp rồi theo gia đình lên trú nhà ông Vũ Quốc Thông tránh đạn bay bom nổ. Ðó là lần đầu tôi nghe nói đến Mặt Trận Quốc Dân Ðoàn Kết chống độc tài ở miền Nam với sự tham gia của nhà văn Nhất Linh, người đã tục bản Văn Hóa Ngày Nay cuối thập niên 50. Bố nuôi tôi thời ấy hợp tác với Bộ Trưởng Trần Chánh Thành, là Tổng Giám Ðốc Thông Tin Báo Chí, trách nhiệm một guồng máy khiến nhà tôi tấp nập từ những người làm chính trị cho đến đủ loại văn nghệ sĩ. Sau cuộc đảo chính hụt, ông bị hạ xuống, trở thành Chủ Tịch Hội Ðồng Kiểm Duyệt, dĩ nhiên vẫn là một vai trò quan trọng trong bộ máy tuyên truyền chống Cộng. Không hiểu thế nào mà bố nuôi tôi, kín tiếng với những đứa con đẻ, nhưng với tôi, đứa con nuôi, lại thỉnh thoảng gọi lên, nói cho nghe đủ điều về đủ mọi nhân vật. Nào Trần Kim Tuyến, Phan Quang Ðán. Rồi Nguyễn Ðức Quỳnh, Phan Huy Quát... Bên văn nghệ báo chí, Phạm Việt Tuyền, Văn Giang, Lý Thăng, anh Tám Xạc Ne (vốn họ hàng nhà bà Nhu), Phạm Duy, Nguyễn Mạnh Côn... Bố tôi dặn, phải có dũng, nhưng không thể thiếu trí, nhưng trên nền tảng là chữ nhân. Thở dài, ông chán nản, chúng nó chỉ có khôn vặt. Ðến nay, chúng nó là những ai tôi cũng chưa kịp hỏi!

Người tôi có nhiều gắn bó là nhà thơ Trần Việt Hoài, anh ruột Tuệ Mai, hậu duệ của cụ Á Nam Trần Tuấn Khải. Khi đó, chú Hoài viết Tro Tàn Ðiện Ngọc, một tập kịch thơ về thời chiến quốc, có Phạm Lãi với Tây Thi. Chú ở một mình trong một căn gác xép gần chợ Phú Nhuận, viết báo kiếm sống, và, có lẽ, tham gia vào cái việc chú gọi lơ lửng là hoạt động xã hội. Khi in cuốn kịch, chú tặng tôi, đề: Còn gì đâu sau dâu biển đổi dời. Sự nghiệp người rã tan như bọt sóng. Họa chăng khi sống cuộc đời hoạt động. Mòn tim gan, mỏi óc, ráo máu hồng. Ta được nhắp ly rượu mạnh say nồng. Của Ðấng Toàn Năng vô hình tặng thưởng... Mà những kẻ yếu hèn không bao giờ dám hưởng. Ở cái tuổi 15, tôi mơ mộng “hoạt động’’. Và trong bối cảnh ngày nào cũng nghe rằng Diệm-Nhu độc tài, gia đình trị, không đủ tài đức nên thế nào rồi cũng lại thua Cộng Sản. Và lần này mà thua thì đúng là theo Lạc Long quân ra biển Ðông chứ đất liền làm gì còn chỗ sống. Rồi cái tuổi trẻ ăm ắp những giấc mơ phiêu lưu bất chấp thực tại, tôi “thoát ly” (trốn khỏi gia đình đi hoang), đi “hoạt động”, chèo kéo đám hơn tôi dăm ba tuổi thi rớt Trung Học Ðệ Nhất Cấp nên phải vào “Dân Vệ”, mua (khi ăn cắp được tiền) hoặc trộm súng ống, đạn dược... (rất cải lương) đợi ngày khởi nghĩa! Chống độc tài đảng trị và gia đình trị nhà Ngô năm sau có thêm một yếu tố thôi thúc là cuộc đàn áp Phật giáo miền Trung của cậu Cẩn, em Diệm, ở Huế. Họ đạo Hố Nai tay dao tay mác lên Sài Gòn. Chùa Từ Ðàm bị Cảnh Sát Dã Chiến vây. Rồi chùa Xá Lợi trong Sài Gòn. Tôi bỏ học. Làm cách mạng vừa bận vừa vui, nhưng nhất là vô cùng hồi hộp kiểu truyện trinh thám Ðoan Hùng-Lệ Hằng... với hậu quả là tôi trượt khi đi thi Tú Tài toàn phần kỳ 1. “Nhà” cách mạng bị mẹ nuôi đến vây bắt, mang về nhà, nhốt lên gác khóa cửa lại, và bắt bỏ công đèn sách học thi kỳ 2, đỗ và sau đó thi vào dự bị y khoa.

Cuộc đàn áp Phật Giáo của chính quyền Diệm-Nhu chớm trổ nét thánh chiến quá khích là bước cáo chung của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa. Dinh Ðộc Lập bị không kích. Sinh viên học sinh xuống đường. Trí thức lên tiếng phản đối. Người Mỹ bắt đầu buông tay Diệm-Nhu, và mặc dầu tung lực lượng cãnh sát dã chiến, công an mật vụ ra khủng bố, những cuộc chống đối chính quyền ngày một công khai trực diện. Ðỉnh cao là ngày hoà thượng Thích Quảng Ðức tự thiêu trên một ngã ba góc đường Lê Văn Duyệt. Bấy giờ, tôi đã tham gia vào tổ chức những cuộc chặn xe gây tắc giao thông trên hai cây cầu nối Sài Gòn vào Gia Ðịnh, rải truyền đơn, đi vận động học sinh trung học ở các trường như Cao Thắng, Võ Trường Toản... chống nhà Ngô. Mật vụ lùng, tôi “rút vào bí mật”, trốn về vùng phụ cận, khi Gia Ðịnh, khi Thủ Ðức... đinh ninh mình “làm cách mạng” cho đến khi bố nuôi tôi tìm được, mắng “ Con ạ! mày là đứa manh động, tao đã xin họ nhắm mắt bỏ qua vì con còn vị thành niên. Thôi về mà đi học...”. Diệm đưa nhà văn Nhất Linh ra tòa, định xử tội để dọa dẫm, nhưng Nhất Linh tự sát, trăn trối chỉ để cho lịch sử phán quyết ông. Sinh viên chúng tôi tổ chức đưa đám Nhất Linh, và trên những con đường Sài Gòn, tuổi trẻ đã ngửng cao đầu mặc dầu nước mắt có ứa ra khóc một bậc trí giả đã sống và hành xử đủ trách nhiệm với đất nước và con người.

Nhận được một học bổng trong chương trình Colombo đi Canada, tôi bỏ y khoa, ai nấy trong gia đình thở phào bớt đi cái gánh lo một đứa con cứng cổ mà mẹ tôi cứ rên là to đầu mà dại. Phần tôi, đi là cái giấc mơ hải hồ, đồ chừng dăm năm sau sẽ về, có chi mà gọi là sông Dịch để tưởng ra tiếng sáo họ Cao với chén rượu tiễn Kinh Kha. Hai tháng sau khi tôi đặt chân đến Montreal, Diệm và Nhu bị đảo chánh và bắn chết mặc dầu đã xin đầu hàng một Hội đồng quân nhân cách mạng với những Big Minh, Trần Văn Ðôn, Tôn Thất Ðính, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh... Họ là những kẻ đã được Ðại Sứ Mỹ Cabot Lodge bật đèn xanh và điệp viên CIA là Conein cho... tiền thưởng. Sự can thiệp của Mỹ vào nội tình Việt Nam rõ như ban ngày, và thời những tướng lãnh nhẩy lên bàn độc được khai trương với tiếng giầy đinh chưa nện nhưng đã vang vang khắp phố phường. Thế rồi Hiến Chương Vũng Tầu với tướng Nguyễn Khánh như cọng rơm cháy, và sau, nền Ðệ Nhị Cộng Hòa với đủ bầu bán Thượng, Hạ Viện rất Made in USA. Chiến tranh leo thang, với sự hiện diện của quân đội Mỹ và Ðồng Minh, rồi tiếp theo đó là sự kiện vịnh Bắc Bộ, đưa đến phong tỏa Hải Phòng, đánh bom miền Bắc tháng 8-65. Năm sau, vào tháng 3, hai Lữ Ðoàn Mỹ đổ bộ vào Ðà Nẵng. Thế giới lên tiếng: Ðế Quốc Mỹ xâm lược một nước nhỏ ở bên kia Thái Bình Dương!

Miền Nam của tôi ơi! Những ngày lạnh lẽo xứ người, tôi mỗi ngày chúi mũi vào những trang báo, đọc toàn những tin tức vấy máu và sực mùi thuốc súng, với những hình ảnh tàn phá man dã, kiểu Trung úy Calley châm lửa đốt mái tranh một căn nhà ở Mỹ Lai. A, oái oăm thay, mỹ lai nôm na là (người) mỹ đến, với súng M.16, tăng M.113, F 101, C-130... Năm 66, Mỹ phát động chiến dịch ‘’Tìm và Diệt’’ với 2 triệu cuộc hành quân, dùng pháo đài bay B 52 đánh bom. Năm 67, đã có 1 triệu tấn bom trút xuống miền Nam, 2 triệu xuống miền Bắc. Rồi chiến dịch Johnson City, trực thăng vận, và pháo 360,000 quả đạn, nhưng cứ 100 quả mới giết được 1 VC! Cũng năm đó, Mỹ dùng tăng đánh vào ‘’Tam Giác Sắt’’ với 3 sư đoàn, xe san bằng thị xã Bến Xúc, đẩy 6000 dân vào cảnh màn trời chiếu đất. Thảm họa trùm lên mạng sống những người nông dân chất phác cùng một giòng máu với tôi, một kẻ may mắn ở bên ngoài, ngượng ngùng mỗi lần người bản địa chép miệng, giọng thương xót, xứ anh quả là tội nghiệp với một cuộc chiến chống tên khổng lồ không tim nhưng thừa bom đạn. Với vài người bạn, chúng tôi khai sinh giai phẩm Cảm Thông năm 64-65, ra được ba số, kêu gọi hòa bình, và thế là không chống Cộng, sau bị cái cộng đồng nhỏ bé tẩy chay. Ở thành phố Quebec, tờ báo Ðất Lạnh chuyển mình với một số du học sinh qua năm 65 nên có dịp chứng kiến sự vong bản của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa với những tướng lãnh đi giầy đinh, vai đeo sao, lưng giắt súng lục, chửi ÐM và hung hãn hô hào Bắc Tiến! Trong khi đó, Sài Gòn phồn vinh mặc cho số trẻ em bụi đời và các cô gái ăn sương tràn ngập vỉa hè, và OK Salem thành ngôn ngữ Việt, với sự tủi nhục khó mà tránh được ở tuổi chúng tôi, lứa tuổi mới hai mươi, không thể sống mà không tự hào ngước mặt nhìn trời.

Thế cho nên chúng tôi đọc 10 điểm của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đồng thuận vì chỉ mong hết chiến tranh, và hiểu như thế là đồng nghĩa với sự chấm dứt can thiệp của người Mỹ vàoViệt Nam. Phần tôi, tôi hoạt động tiếp tay lực lượng thứ ba trong nước, nhắm mục đích lập lại hòa bình, xây dựng một miền Nam trung lập rồi từng bước thống nhất đất nước qua giải pháp chính trị. Nghe tôi kể đến đây, Bình Minh ngạc nhiên hỏi:

“Mặt Trận là do Ðảng lập ra mà, các anh không biết thế sao?”

“Biết là có Ðảng, nhưng cũng biết có những người trong Mặt Trận không là cộng sản...”


Chọn lựa nào?

Ði từ miền Nam, lại thuộc thành phần quốc gia có nòi, di cư và chống cộng, nên bức thư tôi báo cho cha đẻ cũng như bố nuôi tôi biết rằng tôi ủng hộ Lực lượng thứ ba và Mặt Trận Giải Phóng miền Nam có lẽ là vết cắt bật máu đầu tiên giữa tôi và những người ruột thịt. Với cha đẻ, vết cắt đó không bao giờ lành. Về nước năm 77, cứ mỗi lần tôi có mặt là cả gia đình tôi bỗng nhiên kiệm lời, có nói với nhau thì nói thầm, và tuy không nói ra nhưng tôi hiểu bấy giờ tôi là những kẻ phía bên kia - mang đủ tính tam vô: vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo - và gia đình tôi nếu không thù thì cũng oán tôi, một thằng Việt Cộng, đúng là nuôi ong tay áo. Ba năm sau, khi thấy mấy cô em uống thuốc ngừa thai trước một chuyến vượt biên không thành, tôi làm một chuyện mà nếu như không làm tôi sẽ chẳng có thể nhìn mình trong gương mà không xấu hổ: tôi bảo lãnh cho tất cả những người trong gia đình đi chính thức để rồi ra mới biết là cái vết cắt kia sẽ ứa máu suốt đời. Với bố nuôi, tôi may mắn hơn. Trước ngày ông qua đời ở Cali, tôi có hỏi, vào địa vị ông năm 46, tôi chắc chắn đã theo kháng chiến, và lý do gì đã khiến ông chống lại miền Bắc. Bố tôi kể, ông được bộ phận công an của chính phủ cụ Hồ chỉ định ở lại Hà Nội để vận động và tổ chức thành phần nhân sĩ quốc gia tiếp tục chống thực dân Pháp trong khi mẹ nuôi tôi và 3 đứa con được đưa lên chiến khu Việt Bắc. Nhưng ông ngạc nhiên khi thấy những người ông liên lạc lôi kéo được cứ lần lượt hoặc bị Tây bắt hoặc bị thủ tiêu mờ ám. Ðến khi ông anh con cô con cậu của ông là Nhượng Tống bị sát hại thì ông hiểu ra, rằng có thể ông là một miếng mồi, và chính ông cũng có thể bị thí chốt bất cứ lúc nào. Tìm cách đưa được vợ con về Hà Nội, ông đầu hàng Pháp hòng cứu mạng mình. Từ đó, ông thành đối thủ của những người xưa ông tin là đồng chí. Sau 75, ông không di tản dù có thể đi dễ dàng, ở lại đòi đối chất với Hoàng Ðạo, người chịu trách nhiệm liên lạc với ông nhưng đã tìm cách hại ông, khi đó đã là một Thiếu Tướng công an tăm tiếng. Chính ông Trường Chinh nhắn qua bà Vũ Ðình Hoè bảo ông đi đi, đối chất mà làm gì, và Trần Bạch Ðằng ở Sài Gòn làm thủ tục cho ông lên đường qua Pháp một cách chính thức năm 80. Ông bảo tôi, con ạ, bố nào có được lựa chọn! Nhưng bố hiểu cái động cơ đã đưa con đến những lựa chọn của con. Rồi ông chép miệng, thủng thỉnh đọc, đã mang lấy nghiệp vào thân, thì đừng trách oán Trời gần Trời xa...

Tôi vẫn nghĩ, cái thế của những người như tôi thật mà nói không có chọn lựa nào khác là mong muốn hòa bình, chống mạnh hiếp yếu, và hy vọng góp phần xây một xã hội công bằng nhân ái. Tuổi chớm thanh xuân, ai lại chẳng mơ mộng một xã hội hướng đến công chính lý tưởng. Thuở đó, tình thật, cái kiến thức của tôi là kiến thức thuần sách vở, và lại là sách vở về chủ nghĩa Mác và sự dự tưởng một XHCN do phương Tây truyền đạt: tôi đọc Althusser, rồi Fromn, Marcuse, Sartre... tức là thể loại kinh điển của thế hệ tháng 5-68. Ðó là thế hệ sinh viên của phong trào phản kháng (contestation) cậy đá lát đường khu Quartier Latin ở Paris ném vào xã hội tư bản Tây Âu, là thế hệ râu tóc để dài, miệng hô Peace and Love, tay cầm hoa hồng, tay kia châm lửa đốt cờ hoa Hiệp Chủng Quốc chống chiến tranh Việt Nam ở Berkeley. Tuổi trẻ với Mác, và Che Guevara... là ngọn triều cách mạng lãng mạn ào lên như một con sóng hồn nhiên. Nhưng bèo bọt. Sự bèo bọt nằm ngay trong cái hồn nhiên bây giờ nghĩ lại thấy sao mà ngây ngô kỳ lạ.

Trong không khí bồng bột đó, phong trào ở Canada là sự tự phát cùa những sinh viên, từ lòng yêu quê hương và viễn cảnh một cuộc chiến tang thương, về sau ít nhiều được hỗ trợ về mặt thông tin của phong trào bên Pháp đã có kinh nghiệm từ thời giành độc lập năm 45-46. Riêng tôi, tôi quen anh Phương, đến từ Paris, làm việc trong phòng thí nghiệm Sinh Hóa ở Ðại Học Montreal. Sau này, anh bị chính phủ Canada trục xuất. Khi bị dẫn độ về Sài Gòn thì anh trốn được, qua Chili làm việc trong ban cố vấn của Thủ Tướng Allende, và bị bắn chết khi Pinochet đảo chính. Anh cho tôi mượn cuốn Thời dựng Ðảng của Thép Mới. Ðọc xong, thấy tôi thòm thèm, anh đưa tập Luận Cương của Lê-nin. Tôi không nhớ đã nói gì, nhưng anh bảo tôi thiếu kiến thức cơ bản, phải học từ đầu. Anh giúi vào tay cuốn Tư Bản Luận. Tôi đọc, không hiểu, phải tìm bản tiếng Pháp và từng bước lần mò gỡ những gút chỉ rối rắm, nhưng ngay cho đến nay, tôi thú thật với Bình Minh, rằng tôi chẳng thấy kinh điển Mácxít dính gì đế những thể loại thực tiễn XHCN.

“Thực tiễn?”

“Ở Liên Xô, những nước Ðông Âu, và Trung Quốc, tôi chỉ thấy những tổ chức chính quyền chuyên chính, với tầng lớp nomenklatura độc quyền đặc lợi! Lý tưởng cộng sản đầy tính nhân đạo, nhưng con đường thực hiện thì ngược lại toàn là tù đầy, máu me và nước mắt...”

“Nhưng tại sao anh vẫn tiếp tục ủng hộ?”

“Ðầu tiên, tôi chỉ chống sự xâm lược của Mỹ trong chiến tranh. Ai có thể ngồi yên khi biết số lượng bom Mỹ rơi trên quê hương mình gấp năm ba lần tổng số bom thả trong suốt Thế Chiến thứ 2? Sau 75, tôi hão huyền hy vọng Cách Mạng Việt Nam có thể khác, với những con người tôi thành tâm cảm phục. Bởi đất nước đã trải một cuộc tang thương khủng khiếp, nên tôi tin khó mà chỉ vì đặc quyền đặc lợi tầng lớp lãnh đạo có thể nhắm mắt không đặt ra câu hỏi người dân hy sinh giành độc lập thống nhất để làm gì? Không lẽ để tiếp tục nghèo, dốt, và lại oằn người dưới những cái ách mới? Sau Ðại Hội V năm 81, tôi tự nhủ, dẫu gì đi nữa thì tôi cứ giữ sự ủng hộ cơ bản thêm 10 năm. Phải nói, khi nước ta bước vào thời Ðổi Mới, tôi đã nuôi nhiều hy vọng. Nhưng ủng hộ đối với tôi không là thái độ ngậm miệng mà là phát biểu ‘đúng nơi đúng lúc đúng người’. Nhưng thế nào là đúng, mà đúng đến ba lần. Tôi sau lại mắc tội trời chưa sáng đã gáy!”




[1]ột số những trạm tham khảo trong bài viết là: AMVC: amvc.free.fr; BBC: www.bbc.co,uk/vietnamese; Diễn Ðàn: zdfree.free.fr/diendan/; talawas: www.talawas.org; Thông Luận: www.thongluan.org; Hợp Lưu: www.hopluu.net
Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Saigon, NXB Tân Việt, 1956, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1971.
[2]Tạ Trí Ðại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam 1771-1802, An Tiêm, 1991.
[3]George Dutton, Rethinking the Tay Sơn Era, UCLA working paper, 2004.
[4]Huỳnh Kim Khánh, Vietnamese Communism 1925-1945, Cornell University Press, Ithaca (USA), 1982.
[5]Devillers Philippe, Histoire du Vietnam de 1940-1952, Edition du Seuil, Paris 1952 và Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nxb Văn Học, 1977
[6]Devillers Philippe, Paris-Saigon-Hanoi 1944-1947, Gallimard-Julliard, Paris, 1988.
[7]Salan Raoul, Fin d’un Empire, Edition Presse de la Cité, Paris, 1970.
[8]Goscha Christopher và Benoit de Tréglodé, The Birth of a Party-State : Việt Nam since 1945, edition Les Indes Savantes, Paris, 2004. Tham khảo chương 4, Shaw McHale, Freedom, Violence, and the Struggle... và nhất là chương 10, Francois Guillermont, Au coeur de la fracture vietnamienne. Tiến sĩ Guillermont dựa trên nhiều tài liệu của Nhà XB Công an Nhân dân (NXBCAND) của các Bộ Công An, Bộ Nội vụ Việt Nam (cục Cảnh Vệ, cục Tình báo) cũng như hồi ký của những nhân vật chỉ đạo công an và tình báo như Lê Giản, Lê Văn Viễn... Ðặc biệt trong thời gian 45-54, xin tham khảo Công an Thành Phố Hà Nội, Những chặng đường lịch sử, NXB CAND, 1990.
[9]Devillers Philippe (sđd, 1988).
[10]Võ Nguyên Giáp, Chiến đấu trong vòng vây, Quân dội Nhân Dân, Hà Nội, 2001
[11]Về HÐ Genève, tạm chia diễn biến ra 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (8/5 - 23/6): Ðây là giai đoạn các bên trình bày lập trường của mình về cách giải quyết vấn đề Việt Nam và Ðông Dương. Thay mặt đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Trưởng đoàn Phạm Văn Ðồng đã trình bày lập trường 8 điểm tại hội nghị: 1- Pháp công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia. 2- Ký một hiệp định về việc rút quân đội nước ngoài ra khỏi 3 nước Ðông Dương trong thời hạn do các bên tham chiến ấn định. Trước khi rút quân, đạt thoả thuận về nơi đóng quân của lực lượng Pháp hay Việt Nam trong một số khu vưc hạn chế. 3- Tổ chức tổng tuyển cử tự do trong 3 nước nhằm thành lập Chính phủ duy nhất cho mỗi nước. 4- Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố ý định xem xét việc tự nguyện gia nhập Liên hiệp Pháp và những điều kiện của việc gia nhập đó. 5- Ba nước Ðông Dương thừa nhận các quyền lợi kinh tế, văn hoá của Pháp tại mỗi nước. Sau khi Chính phủ duy nhất được thành lập, các quan hệ kinh tế và văn hoá được giải quyết theo đúng các nguyên tắc bình đẳng và củng cố.6- Hai bên cam kết không truy tố những người hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh. 7- Trao đổi tù binh. 8- Các biện pháp nói trên sẽ được thực hiện sau khi đình chỉ chiến sự. Giai đoạn 2 (24/6 - 20/7): Trưởng đoàn Pháp và Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đàm phán trực tiếp để giải quyết các vấn đề cụ thể. Ðoàn đại biểu VNDCCH kiên trì đấu tranh cho mấy vấn đề cơ bản bao gồm: quyền tham gia hội nghị của các đại biểu chính phủ kháng chiến Lào và chính phủ kháng chiến Campuchia; chọn vĩ tuyến để khẳng định giới tuyến quân sự thạm thời ở Việt Nam và thời hạn tổ chức tổng tuyển cử tự do thống nhất nước ta. Hai vấn đề chủ chốt phía sau mãi đến gần lúc Hội nghị kết thúc mới được giải quyết. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Genève về Ðông Dương bắt đầu được ký kết với nhiều văn kiện, chủ yếu là: 1- Ba hiệp định đình chỉ chiến sự tại 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia; 2- Bản tuyên bố riêng ngày 21/7/1954 của Mỹ tại Hội nghị Genève, đã không ký vào HÐ; 3- Bản tuyên bố của chính phủ Pháp ngày 21/7/1954 trong đó nêu rõ Pháp sẵn sàng rút quân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia theo lời yêu cầu của chính phủ những nước có liên quan trong một thời gian do các bên thoả thuận; 4- Những hiệp định về Việt Nam với nội dung: i- Các nước tham gia hội nghị tôn trọng quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; ìi- Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn chiến trường Ðông Dương; ììi- Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời chia cắt Việt Nam làm hai miền. Pháp rút quân về phía nam vĩ tuyến đó; iv- Tổng tuyển cử tự do trong cả nước sau hai năm để thống nhất nước Việt Nam.
[12]Devilliers, P. (sđd, 1988).
[13]Xin tham khảo Nguyễn Minh Cần, «Xin đừng quên, nửa thế kỷ trước: Vấy máu Cải Cách Ruộng Ðất», Thông Luận, 01-2003; Dương Thu Hương, Những thiên đường mù, 1987; Lê Lựu, Chuyện làng Cuội, 1991; Tô Hoài, Chuyện ba người (chưa xuất bản), Trần Dần, Ghi 1954-1960, td memoire, Paris 2001.