trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
27.12.2004
Nguyễn Hoàng Văn
Thịt hộp và Mercedes
 
Trong những chuyện nửa đùa nửa thật về chiến tranh, hễ nghe đến chuyện “bộ đội đánh đồn kiếm thịt hộp” là tôi cười cho qua, chuyện lọt vô lỗ tai này cho ra qua lỗ tai kia. Thường, những chuyện như thế, tôi vẫn xếp vào loại nhảm, thứ tuyên truyền ba xu kiểu “ba thằng Việt cộng bu cọng đu đủ không gẫy”. Tôi nghĩ: làm sao người ta lại có thể tự rẻ rúng thân mình như thế? Làm sao những con người từng phơi phới câu “xẻ dọc Trường Sơn” băng qua nghìn dặm đường dài gian khó, dài và khó bằng mấy con đường Tây tiến “nghìn thước lên cao nghìn thước xuống” của Quang Dũng thời nào chỉ để liều chết băng qua lửa đạn với những ý nghĩ nhẹ tênh như thế trong đầu?

Mãi như vậy cho đến lúc tôi khám phá ra rằng, có khi, những chuyện đùa như thật lại là chuyện thật như đùa; rằng, có khi, những điều cho là tầm thường phơ phất lại là những bộ phận hữu cơ và mang tính nhân quả nhất của những ý đồ đao to búa lớn tưởng chừng chất chứa toàn điều cao cả và sâu nặng. Chính những ý nghĩ nhẹ tênh kiểu ám ảnh lon thịt hộp ấy lại là sản phẩm không thể tránh khỏi của một tiến trình lên gân dài lê thê, lên từ thời chiến lên cho tới thời bình.

Và như thế, những ý nghĩ nhẹ tênh ấy cũng làm nên một góc nhìn về những cuộc chiến, đã chấm dứt hay đang tiếp tục, dù là một góc nhỏ thôi, rất nhỏ.

Nhỏ như những lon thịt hộp nhỏ làm nên khuyết điểm lớn của người lính giải phóng trong trận đụng độ chính quy Mỹ-Việt đầu tiên ở thung lũng tử thần Ia-Ðrăng năm 1965, cái trận đụng độ mà 35 năm sau vẫn còn... đụng độ. Ðụng qua những trang hồi ký bên này, bên kia. Ðụng qua những thước phim mù khói và toé lửa của Hollywod kiểu We were soldiers và những phản ứng hậm hực hay những lời tiếng chì chiết nặng nề sau đó. [1] Thế nào đi nữa, phía này hay phía nọ, hết thảy cũng chẳng vượt qua những điều khổ quá nói hoài về cuộc chiến là bao khi bên nào cũng chăm chăm tái hiện quá khứ để tự khẳng định mình. Hoặc là những anh hùng chiến thắng vinh quang, thứ người hùng “kẻ thù nào cũng đánh thắng, trở ngại nào cũng vượt qua, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành”. Hoặc là những người hùng “gặp thời thế thời phải thế”, thứ người hùng bi tráng ở đó những ý nghĩa như màu cờ sắc áo, nghĩa khí đồng đội, sự gan góc và bất khuất trước sức mạnh kẻ thù v.v. đã cộng hưởng với nhau để níu lại phần nào chiều nghiêng ở cán cân thua thắng. Gì thì gì, những đặc tính người hùng kiểu nào cũng lấn át những tính cách con người - con người với những gì phàm trần nhất, do đó thực nhất và, có thể nói, nhân bản nhất – để tăm tắp trở thành những cơ phận đơn giản và bền bỉ trong cỗ máy chiến tranh. Chỉ có những chi tiết nhỏ như lon thịt hộp. Nó đủ nhỏ so với một trận đánh lớn nên mới vượt qua những kẽ hở của nỗ lực tái hiện quá khứ theo mô thức sử thi hay anh hùng ca để, một cách vô tình, níu kéo lại phần nào tính chân thực.

Tôi không bôi nhọ ai. Tôi cũng không hoài công tham gia cái trò phản tuyên truyền nhảm nhí mà chỉ lập lại “những điều trông thấy” của người trong cuộc, thứ người trong cuộc với lập trường đầy mình cỡ ông tướng Ðặng Vũ Hiệp, Chủ nhiệm Chính trị của mặt trận hồi ấy, như đã kể lại trong Ký ức Tây Nguyên:

“Khuyết điểm thứ ba, công tác giáo dục và tổ chức cho bộ đội ý thức thu hồi chiến lợi phẩm, nhất là vũ khí trang bị chưa đầy đủ. Chưa tận dụng lấy vũ khí địch để diệt địch, còn nặng về lấy thức ăn. Có đồng chí đang đánh nhau vẫn ngồi ăn. Lại có anh em diệt địch xong, lấy thuốc lá vừa hút vừa xông lên đánh tiếp”. [2]

Kể ra, ông Ðặng Vũ Hiệp có nặng lời kiểm điểm thì cũng phải thôi. Tưởng tượng cảnh anh bộ đội Cụ Hồ nhồm nhoàm cái miệng giữa trận địa, sẵn sàng “bắn bắn bắn vào đầu quân Mỹ” với khẩu AK-47 Nga ở tay bên này, cái lon thiếc Mỹ xanh màu olive và thơm mùi thịt nguội ở phía bên kia. Tưởng tượng cảnh, dưới bóng cờ hồng phấp phới thêu hàng chữ “Quyết chiến Quyết thắng”, người lính giải phóng “cầm gươm, ôm súng, xông tới” với họng súng toé lửa trên tay và đôi mắt “mang hình viên đạn” sáng rực trên mặt. Hãy tưởng tượng: anh siết cò bắn gục hay vung lê đâm gục một tên lính Mỹ. Rồi tưởng tượng tiếp: anh cúi xuống loay hoay bên cái xác chết rướm máu và nóng hổi để tìm cái gì đó thơm thơm, rồi anh lóng ngóng tay súng tay diêm, rồi miệng anh bốc khói thơm lừng, rồi anh “cầm gươm, ôm súng, xông tới” tiếp. Cũng dưới một bóng cờ hồng phấp phới. Cũng với đôi mắt mang hình viên đạn. Cũng với họng súng toé lửa trên tay. Có thêm chăng là thêm một điếu thuốc thơm cháy đỏ trên môi và những cảm giác khoan khoái nào đó tràn ngập trong hai buồng phổi. Có cấp chỉ huy nào muốn đoàn quân oai dũng của mình bị tỳ ố khí hùng? Có cấp chỉ huy nào mà muốn đoàn quân bị cám dỗ vật chất làm giảm đi khí thế tiến công?

Mà, không phải đợi đến trận đánh Mỹ đầu tiên và không phải ngay giữa một trận đánh ác liệt mới có những khuyết điểm dây dưa chiến lợi phẩm như thế. Cứ đọc Hồi ký của tướng Trần Ðộ, chương thứ 13 “Lần đầu ra trận”, viết về Chiến dịch Biên giới 1950, sẽ thấy. Nào là “thuốc lá, bánh kẹo, bơ sữa nhiều lắm” trong một đồn binh Pháp. Nào là nguyên cả hầm rượu “đủ cho lính đồn của địch uống cả năm”, những giọt rượu chiến trường dễ gợi nhắc tới một điển cố Trung Hoa mà Nguyễn Trãi từng đưa vào Bình Ngô Ðại Cáo: Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới / Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào. Thì, tướng và quân, hết thảy cũng cùng ngọn cờ phấp phới trên đầu thế nhưng xưa nay sự tình có khác. Tướng xưa được vua ban ly rượu quý không nỡ uống một mình nên đổ hết xuống sông để toàn quân cùng hưởng, dù chỉ là hưởng hương hoa, hưởng để lấy tình, để trên dưới một lòng. Những thứ chiến lợi phẩm trong bếp kia thì khác. Chúng không được san sẻ kiểu “trên dưới một lòng” mà phải dồn về một mối, vừa khệnh khạng bề trên mà vừa chi ly bần tiện. Hồi ấy ông Trần Ðộ là chính ủy trung đoàn, là người từng đồng cam cộng khổ với lính nên hiểu và thông cảm với tiếng kêu réo trong con tỳ con vị của họ, cái sự thông cảm đã khiến bậc đàn anh cộng sản Trần Ðăng Ninh, vị Trưởng ban thu dọn chiến trường khư khư và chi ly cái nguyên tắc dồn về một mối, cao giọng lên lớp, thậm chí cảnh cáo và đề nghị thi hành kỷ luật. [3]

Tôi không có ý “điển hình hoá” câu chuyện. Tôi cũng không ca ngợi hay chê bai mà chỉ muốn nói lên rằng, với những chuyện không thể tách rời khỏi cuộc chiến như thế, chúng ta có thể gợi nên một góc nhìn về cuộc chiến, về vai trò của những lớp người khác nhau trong cuộc chiến; rằng, bên những khung cảnh hoành tráng đầy tính lên gân và vắng hẳn hơi thở con người, vẫn tồn tại những góc khuất tuy chẳng hào hùng gì nhưng lại rất thực, rất ấm áp tình người và, nhất là, chẳng có gì sai quấy hay đáng xấu hổ cả, như chính lời ông Trần Ðộ:

“Thực tình tôi rất thương anh em chiến sĩ. Hồi chuẩn bị chiến dịch, cả thời gian dài lương thực thiếu thốn phải vào rừng kiếm các thức ăn thay cơm, phải nói là ai cũng chịu đói khổ. Thấy anh em đụng tới chiến lợi phẩm như những thứ lặt vặt đó, tôi không cho là vi phạm kỷ luật chiến trường, không nỡ nặng lời với họ. Với lời phân tích của ông Trần Ðăng Ninh cho là khuyết điểm thì tôi cũng đành chịu.”

Hồi đó ông Trần Ðộ chịu là phải, cũng như sau này ông đành chịu. Thời chiến, Chính uỷ trung đoàn Trần Ðộ muốn những người lính dưới quyền thoải mái cái bao tử và con tỳ con vị với mấy thứ bánh kẹo lặt lặt lính Pháp bỏ lại sau một trận đánh cam go. Thời bình, Thứ trưởng văn hoá Trần Ðộ muốn những “chiến sĩ văn hoá” thoải mái cái đầu sau những gò bó ràng buộc đã chịu đựng suốt thời chiến cam go. [4] Nhưng thời nào cũng vậy: thu dọn những “lợi phẩm” chiến tranh hay hoà bình là phần việc của những bề trên.

Mà kẻ bề trên thì chỉ khư khư cái lý thuyết bề trên. Thứ lý thuyết cho phép họ vĩnh viễn là bề trên. Thứ lý thuyết vĩnh viễn xem bề dưới đơn thuần là những cơ phận ngoan ngoãn trong khuôn khổ của những mệnh lệnh, những nghị quyết và những giáo điều. Cứ nghe giọng điệu của những Trần Ðăng Ninh cũ hay mới, sẽ thấy. Cứ lật những trang viết hay những nghị quyết bốc mùi giáo điều lỡ mùa của những đàn anh cộng sản phụ trách mảng tư tưởng và lý thuyết hôm nay, sẽ thấy. Sẽ thấy rằng, bất chấp những chuyển biến của thế giới, cái cuộc chiến cũ rích mà Marx rồi Lenin phát động hơn gần hai hay hơn một thế kỷ trước vẫn tiếp tục. Liên Xô hay Ðông Âu có tan tành thì, chẳng qua, chỉ là một sự thoái trào. Ngọn cờ búa liềm vẫn phải giương cao. Thời chiến hay thời bình gì thì, hết thảy, cũng chỉ là những pha nóng pha nguội trong cuộc đấu tranh không ngừng dưới bóng cờ hồng Marx-Lenin năm nào, có khác chăng thì chỉ khác với cái đuôi nheo “Tư tưởng Hồ Chí Minh” mới được thêu vào. Mới rợi.

Mới mấy thì cũng chỉ là một bóng cờ hồng. Dưới bóng cờ hồng “Quyết chiến quyết thắng”, những chiến sĩ Ia-Ðrang vừa sẵn sàng diệt địch vừa tranh thủ nhai thịt hộp, vừa chĩa lưỡi lê nhọn hoắc xung phong với “sức núi dồn tay” lại vừa phì phà thuốc thơm. Dưới bóng cờ hồng Marx-Lenin với cái đuôi nheo tư sản những chiến sĩ búa liềm bề trên chừng như cũng thế. Cũng vừa chiến đấu vừa tranh thủ nhấm nháp. Cũng vừa chĩa cái lưỡi lê đấu tranh giai cấp tiến lên vừa khoan khoái phì phà. Ngày xưa, những anh lính hồn nhiên nghêu ngao câu “Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ” hay “Ðường ra trận mùa này đẹp lắm” có bất chấp những lần được nắn gân lập trường, những lần nắn gân ý thức tổ chức để ngã lòng trước sức hấp dẫn của miếng bánh cây kẹo hay lon thịt hộp thì cũng là điều dễ hiểu. Họ là con người. Con người bình thường với những nhu cầu bình thường, lặt vặt. Nhưng mấy bề trên búa liềm hôm nay thì khác. Họ đã già nửa đời người đấu tranh, đã già nửa đời người dạy đời bề dưới về ý thức tổ chức hay lập trường đấu tranh và hiện vẫn ngoan cường cái sự tiếp tục đấu tranh, vậy mà họ vẫn không sao cưỡng lại sức thu hút của những nhu cầu vật chất cực kỳ... phản búa liềm. Bất kể trên đầu họ vẫn phấp phới một thứ cờ hồng, có thêm chăng là thêm một cái đuôi nheo tư sản.

Âu cũng là một kiểu cách... bề trên. Chính ủy Trần Ðộ có thể bị cảnh cáo vì cho phép lính tự thưởng mình sau một trận đánh lớn. Những chiến sĩ ở Mặt trận B-3 năm 1965 có thể bị kiểm điểm vì tự tiện thưởng mình giữa một trận đánh lớn. Nhưng những bề trên cao hơn thì không bao giờ như thế. Ngày trước, sau trận đánh, ông Trần Ðăng Ninh thu gom chiến lợi phẩm về một mối để làm gì, có “hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” hay không, người cộng sản bề dưới Trần Ðộ đành chịu, không dám hó hé một câu, không dám hó hé cả khi không chịu cho mình là quấy. Bây giờ, sau một chiến thắng ca ngợi là vĩ đại, chấn động thế giới, những chiến sĩ búa liềm bề trên có tự thưởng mình thì câu chuyện cũng chỉ có thế, khác chăng là khác ở chỗ, so với những “chiến phẩm” của thời bình, so với những tài nguyên quốc gia, những đặc quyền kinh tế – xã hội ngất trời hôm nay thì mấy miếng ăn mà lính Pháp để lại trong bếp cho ông Trần Ðăng Ninh ngày xưa chả thấm tháp vào đâu. Nhưng thấm hay không thấm, cái trò tự thưởng luôn là độc quyền của kẻ bề trên mà bề dưới đành chịu. Chịu như ngày xưa ông Trần Ðộ từng chịu. Như những chiến sĩ Ia-Ðrăng ngày xưa từng chịu. Hay chịu như hôm nay, ông Trương Ðình Anh, chủ bút của tạp chí VnExpress, đang chịu. Bởi, nếu thời chiến có luật kín của thời chiến thì thời bình có luật kín của thời bình. Luật của những quan toà ăn vụng phạt kẻ nhìn mép, như viên chủ bút dám nhìn vào mấy cái mép sáng màu sơn của những lô xe Mercedes mới toanh nhập nóng mượn cớ Hội nghị đối thoại cao cấp Á-Âu (ASEM). [5]

Và như thế, từ miếng thịt hộp mà anh bộ đội xơi nóng ngay giữa trận địa năm xưa cho đến nước sơn của những chiếc Mercedes lộng lẫy dưới màu cờ búa liềm hôm nay cũng bao hàm một mối quan hệ biện chứng nào đó. Nhai nóng miếng thịt chiến lợi phẩm là một cách tự thưởng mình. Khề khà nhai nguội mấy miếng ấy ở nơi nào đó an toàn, sau khi đã thu về một mối, cũng là cách tự thưởng mình. Thừa cơ một hội nghị quốc tế để nhớn nhác nhập nóng những lô xe hơi sang trọng cũng là một cách thưởng lấy mình. Vấn đề là cái quyền tự thưởng. Nhai nóng giữa chiến trường là cá nhân chủ nghĩa, là vi phạm ý thức tổ chức. Khệnh khạng nhai nguội ở hậu cứ, sau khi tập trung về một mối, lại là nhân danh “ý thức tổ chức”. Cái ý thức tổ chức về nguyên tắc tập trung đi suốt thời chiến cho tới cả cả thời bình. Ðể đánh thắng giặc Tây thì phải tập trung hết thức ăn lớn nhỏ trong bếp giặc về một mối. Ðể xây dựng nền dân chủ thì phải tập trung hết quyền làm chủ vào một mối. Chiến lợi phẩm tập trung và dân chủ tập trung. Một thứ “ý thức tổ chức” cực kỳ cha chú và cực kỳ bề trên.

Hẳn nhiên, chủ nghĩa búa liềm, trên phương diện khoa học, là một thứ chủ nghĩa cha chú và bề trên. Cha chú và bề trên tới mức cực đoan, cuồng tín. Nó bảo thiên hạ sai tất, phản khoa học tất, chỉ mình nó đúng. Nó bắt người ta phải nghe chứ không được cãi. Nó bắt người ta vâng lệnh chứ không được thắc mắc. Nó đội mũ “phản động” cho bất kỳ ai bất đồng và tước quyền làm người của ai bị xem là phản động. Nó bắt người ta phải bịt mắt tiến lên ngay giữa lúc thoái trào. Nó nghênh ngang và nó khệnh khạng, cha chú. Chỉ khi đã cúi đầu thú nhận là đang bị thoái trào và phải loay hoay thêu thêm cái đuôi nheo tự sản, cái sự khệnh khạng cha chú kia mới phần nào xuống nước, vừa khệnh khạng cha chú vừa nhớn nhác dòm trước dòm sau cứ như là quân ăn vụng...

© 2004 talawas




[1]Phim We Were Soldiers dựa trên quyển sách We Were Soldiers Once... And Young (Chúng tôi từng là lính... trẻ), viết về trận đánh lớn đầu tiên của quân đội Mỹ tại Việt Nam, trận Ia Ðrăng vào tháng 11.1965. Chỉ huy quân Mỹ là Trung tá Harold G. Moore, sau lên trung tướng. Chỉ huy bên Việt Nam là Thuợng tá Nguyễn Hữu An, sau lên thượng tướng. Vì thủ vai Nguyễn Hữu An trong phim “xuyên tạc phẩm chất quân đội cách mạng” và “tô điểm cho hình ảnh các binh sĩ Mỹ, trong khi bôi nhọ tên tuổi những người lính Việt Nam” này, tài tử Ðơn Dương đã bị báo chí và chính quyền công kích một thời gian dài, với nhiều kiến nghị “xử lý”. Sau đó Ðơn Dương được chính quyền Mỹ can thiệp và đã di cư sang Mỹ.
[2]ÐặngVũ Hiệp (2002), Ký ức Tây Nguyên, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, tr. 82.
[3] Hồi ký Trần Ðộ. Có thể theo dõi trên website: http://dactrung.net/ truyen/noidung.aspx? BaiID=uZoJtBuQZS zg0ZFGY8W6G w%3d%3d. Xin trích lại đoạn này: “Sau chiến thắng của chiến dịch, bộ chỉ huy lập một ban thu nhận chiến lợi phẩm. Có anh em đã đụng phải một hầm rượu, đủ cho lính đồn của địch uống cả năm. Các thứ thuốc lá, bánh kẹo, bơ sữa nhiều lắm. Ðó là chưa kể súng ống, quân trang, quân dụng, máy móc, thuốc Lơ Mo lấy về cả kho. Ông Ðinh Ðức Thiện đem pha trộn với thuốc ta hút. Các đơn vị cũng lấy hút. Thuốc này một người hút khói thơm lan cả một vùng. Sôcôla thì lính mình nông dân chê đắng. Tôi thích chụp ảnh cũng đi mò phim. Có chỗ thấy cả đống nhưng không dùng được nữa vì anh em không biết tưởng kẹo đã bóc ra cả. Cuộn phim cũng bọc giấy bạc như kẹo. Hôm tôi đi qua Ðông Khê vừa giải phóng, thấy một nhóm chiến sỹ đang ngồi nhai bánh, ăn kẹo. Cán bộ thu dọn chiến trường đến quát tháo đòi kỷ luật, bắt anh em đưa nộp hết bất cứ thứ gì đã thu nhặt được với cái lẽ: chiến lợi phẩm lớn nhỏ đều là tài sản quốc gia, là chiến quả đổi bằng xương máu. Với máu thanh niên vốn xôi nổi, tôi rất ghét cái thói lên lớp dạy đời, nên đứng lên cãi lại. Tôi cũng nói ngang ngược không kém: Các anh có biết chiến thắng này do ai không? Và ai đổ xương máu ở chiến trường này. Có phải là những người lính không? Trước khi đi vào trận đánh họ vui vẻ ăn bưởi rừng, ổi ma thay cơm, măng rừng thay thịt cá. Bây giờ chiến thắng rồi, có tí chút chất tươi vui vẻ với nhau. Các anh phải lên lớp làm gì nặng nề thế! Thôi các anh đi đi. Ðây là đơn vị chúng tôi. Chúng tôi chịu trách nhiệm ở đây không cho ai lấy. Sau tay này báo cáo với ông Trần Ðăng Ninh, trưởng ban thu dọn chiến trường - vốn là người rất nghiêm khắc. Trong một cuộc họp sơ kết chiến dịch mấy chục người ông Ninh phát biểu nhiều điều, trong đó có điều tôi không ngờ tới: Một chính ủy trung đoàn nói như thế này đây... Như thế là không được, là vô kỷ luật! Thế là cộng với cái tội vô kỷ luật nào đó, ông ấy đề nghị Quân ủy mặt trận thi hành kỷ luật và tôi bị cảnh cáo trong chiến địch. Thực tình tôi rất thương anh em chiến sĩ. Hồi chuẩn bị chiến địch, cả thời gian dài lương thực thiếu thốn phải vào rừng kiếm các thức ăn thay cơm, phải nói là ai cũng chịu đói khổ. Thấy anh em đụng tới chiến lợi phẩm như những thứ lặt vặt đó, tôi không cho là vi phạm kỷ luật chiến trường, không nỡ nặng lời với họ. Với lời phân tích của ông Trần Ðăng Ninh cho là khuyết điểm thì tôi cũng đành chịu. Hôm về dự tổng kết chiến dịch ở vùng chợ Chu, tôi lo ngay ngáy. Sau khi bị kỷ luật tôi cũng buồn. Buồn vì sự kém cỏi không đủ trình độ xử lý các công việc cho tốt. Giữa lúc mọi người vui sướng phấn khởi về chiến thắng, riêng tôi vừa buồn vừa lo, về dự tổng kết mà lòng ngay ngáy.”
(Sau đó, trước hôm khai mạc hội nghị Trần Ðộ được Trường Chinh gọi lên gặp và vấn đề được bỏ qua. Ông Trần Ðộ là người rất thân cận với Trường Chinh.)
[4]Xem Hồi ký Trần Ðộ, ở tập II, chương 3, viết về nghị quyết 05 về văn hoá và những trò đấu đá nội bộ liên quan đến vấn đề văn hoá.
[5]Tổng biên tập tạp chí Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) Trương Ðình Anh đã bị cách chức vì dám phanh phui chuyện nhập xe Mercedes nhân danh hội nghị ASEM 5 ở Hà Nội. Trước hội nghị, VnExpress đã đưa tin về vụ nhập gần 80 xe Mercedes để đưa đón các nguyên thủ quốc gia đến dự hội nghị ASEM 5 tại Hà Nội. Dĩ nhiên sẽ được nhập miễn thuế và sau đó sẽ bán với giá ưu đãi cho các cá nhân bởi vậy ngay khi xe chưa nhập đã có người đăng ký mua trọn. Ngay sau đó VnExpress đã tổ chức diễn đàn và thu hút nhiều ý kiến phê phán, cho các quan chức này đã lạm dụng danh nghĩa hội nghị quốc tế để thủ lợi.
Tin cho biết ông Phan Văn Khải muốn ra lệnh đóng cửa tờ báo ngay nhưng các viên chức ngành văn hóa đã can thiệp, cho rằng mỗi tháng VnExpress có hàng chục triệu người đọc nên quyết định đóng cửa này ngay trước hội nghị ASEM là một điều không hay, chỉ nên dừng lại ở mức độ khiển trách.
Sau khi Trịnh Ðình Anh bị cách chức, trang diễn đàn đầy ý kiến chỉ trích chính phủ này đã bị lấy ra khỏi website của VnExpress. Theo báo Hà Nội (9.11.2004) thì ''Thủ tướng Chính phủ có ý kiến cho rằng những sai phạm của báo điện tử VnExpress là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ vi phạm luật báo chí và các văn bản quản lý nhà nước về báo chí mà còn gây dư luận xấu trong nước và ngoài nước.''
Có thể xem chi tiết trên webstie của đài BBC và RFI qua địa chỉ:
[http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2004/11/041110_vnexpress_mercedes.shtml]
và: [http://www.rfa.org/vietnamese/dacky/2004/11/19/vnexpress/]