trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 235 bài
  1 - 20 / 235 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngChiến tranh nhìn từ nhiều phía
18.9.2004
Nguyễn Bá Chung
Nguyên ủy một vụ kiện
Thư ngỏ gửi cộng đồng Việt Nam ở Massachusetts và hải ngoại
 1   2 
 
Lời tác giả

Tôi gửi đăng bài này trên talawas vì tuy bài viết đã lâu những vấn đề nó đặt ra vẫn còn có giá trị thời sự. Hơn nữa rất nhiều những bài viết gần đây về Chương trình Rockefeller/đại học UMASS Boston tại Trung tâm vẫn lập lại một số lập luận dựa trên những thông tin thiếu chính xác hay hoàn toàn giả tạo. Tôi rất ngạc nhiên là không một người nào viết bài chỉ trích Chương trình đã bỏ công tìm hiểu, liên lạc với Trung tâm, dễ dàng qua điện thoại hoặc điện thư, trước khi dựa trên những thông tin thiếu trung thực đó. Có quá nhiều những bài viết như thế nên WJC đã hoàn toàn im lặng hai năm nay.

Tôi tuyệt đối không chống đối những ai chống đối hay bất đồng ý kiến với Chương trình. Tôi tôn trọng mọi quan điểm khác biệt. Ðây là một nước tự do dân chủ, mọi người đều có quyền biểu lộ và tranh đấu cho quan điểm của mình. Ðiều tôi không đồng ý là chiến dịch tung tin thất thiệt, bôi nhọ và chụp mũ tùy tiện nhằm mục đích kích động sự phẫn nộ sẵn có của cộng đồng về giai đoạn lịch sử vừa qua.

Việc trao đổi, tranh luận những vấn đề chung không những nên có mà phải có trong bất cứ một sinh hoạt dân chủ nào. Những đối thoại đó, tuy nhiên, phải tuân thủ một số những quy luật về lý luận và nhân cách. Nếu không nó sẽ trở thành những cuộc độc thoại, “đầy những tiếng hô hoán và cuồng nộ, nhưng chẳng có ý nghĩa gì”.

Tôi hy vọng sẽ viết một bài bổ túc về những ngộ nhận gần đây về TT WJC và Chương trình Rockefeller.

Xin xác định là những bài do tôi ký tên riêng, phản ảnh quan điểm của riêng cá nhân tôi, và không phải là tiếng nói đại diện cho đại học UMASS, Trung tâm WJC, hay Hội đồng thường trực của Chương trình Rockefeller.

Nguyễn Bá Chung
(Bản sơ thảo 10/4/2000)

Gần đây tổ chức cộng đồng Việt Nam ở tiểu bang Massachusetts đã ra tuyên cáo phát động phong trào bất hợp tác với Chương trình Rockefeller Nghiên cứu về người Việt Nam ở nước ngoài tại đại Học University of Massachusetts Boston (UMASS). Kèm theo đó, từ tháng 4 năm 2000, đã có nhiều bài viết đăng trên các báo cộng đồng địa phương, đưa lên mạng internet, chuyền tay qua điện thư, đọc lại trên đài phát thanh v.v., tất cả đều dựa vào một số tin tức không chính xác loan đi từ Massachusetts. Ðiều này vô tình hay cố ý đã tạo nên những hiểu lầm đáng tiếc trong dư luận tập thể người Việt ở hải ngoại.

Ngày xưa mẹ thầy Tăng Tử nghe được một tin xấu. Lần thứ nhất bà không tin. Lần thứ hai, bà bắt đầu bán tín bán nghi nhưng vẫn chưa làm gì. Lần thứ ba, bà hốt hoảng bỏ trốn. Sau đó bà mới biết đó là tin thất thiệt! Trong trường hợp này, một số nguồn tin hoàn toàn dựng đứng loan đi từ Massachusetts được lập đi lập lại không phải ba lần mà cả trăm, cả ngàn lần. Nếu một số độc giả có tin đó là những tin tức chính xác, có thật, thì cũng dễ hiểu. Chiến thuật lộng giả thành chân, đảo hư ra thực bằng phép đại ngôn dưới vài cây bút, nhưng được đăng lại nhiều lần, qua nhiều phương tiện truyền thông, quả là hiệu nghiệm.

Chúng tôi ở Boston, tiểu bang Massachusetts, là một người "trong cuộc bất đắt dĩ" và "đối tượng" của một phần những nguồn tin thất thiệt trên, đã có may mắn được chứng kiến diễn tiến của sự việc ngay từ đầu, nên nắm được một số sự kiện mà ít người biết được. Vì sự việc nếu để nguyên sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường và sự phí phạm rất nhiều công sức của cộng đồng, nhất là đối với những người ở xa không nắm được sự kiện, chúng tôi bất đắc dĩ thấy có bổn phận phải làm sáng tỏ vấn đề. Mong quý độc giả lượng thứ.

Lá thư ngỏ gồm 5 phần:


I. Diễn tiến khởi đầu

Về bài "Tường trình" trước BCH CDVN/Mass [1] với những chi tiết đả kích cá nhân chúng tôi và Chương trình Rockefeller nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài. BCH Tổ chức CDVN/Mass yêu cầu sa thải chúng tôi khỏi trường Ðại Học UMASS và thiết kế lại Chương trình Rockefeller theo ý của BCH/CD địa phương. Chúng tôi xin nêu đầy đủ những chi tiết ít người biết về bối cảnh xung quanh bản "Tường trình" độc nhất vô nhị này và lý do buộc MỘT SỐ NGƯỜI trong BCH CDVN/Mass chuyển hướng chống đối.

II. Phương pháp làm việc độc đáo của MỘT SỐ NGƯỜI trong tổ chức CDVN/Mass

III. Buổi gặp gỡ giữa đại diện CDVN/Mass và HDTT Chương trình Rockefeller/UMASS

IV. Những đòi hỏi của TC CDVN/Mass và truyền thống nghiên cứu Hoa Kỳ

V. Một vài ngộ nhận về Chương trình Rockefeller/UMASS

Chúng tôi mong rằng lá thư ngỏ này sẽ góp phần hóa giải những ngộ nhận do MỘT SỐ NGƯỜI, và chúng tôi xin nhấn mạnh CHỈ MỘT SỐ NGƯỜI, cố ý tạo nên, để toàn thể BCH CDVN/Mass và cộng đồng Việt Nam hải ngoại khỏi phung phí sức lực hầu tập trung vào những công trình có ích lợi thực sự và lâu dài cho sự phát triển của tập thể người Việt trên khắp thế giới.


I. Diễn tiến khởi đầu

Trong một buổi họp hàng tuần của Hội đồng thường trực (HDTT) của nhóm soạn đề án cho Chương trình Rockefeller ở đại Học UMASS Boston vào khoảng tháng 5 năm 1999 để phân chia trách nhiệm cho mỗi thành viên phụ trách một chương mục của đề án, tôi đã kể một câu chuyện có thật xẩy ra ở một trường tiểu học ở Boston đại khái như sau:

"Một em bé Việt Nam, sau khi ở trường tự tìm được lá cờ của quê hương bản xứ của mình, đem kết quả về nhà khoe ông nội. Không ngờ ông nội em không những không khen mà còn tỏ ra giận dữ - ‘Ðây không phải lá cờ của nước mình! Mày không biết lá cờ của nước mình là gì à?’ Em bé rất bỡ ngỡ, cho đến giờ phút này vẫn chưa hiểu tại sao ông nội của mình lại giận dữ như thế."

Câu chuyện đó do chính em kể lại với cô giáo trong trường. Một thành viên khác của HDTT đã lấy câu chuyện trên, cùng với vài mẫu chuyện khác, để viết phần dẫn nhập dài khoảng một trang cho tham luận tư tưởng của đề án nói lên những phức tạp mà CDVN phải đối phó. Phần còn lại của bài tham luận, dài 17 trang, mô tả hiện trạng của ngành học Diaspora (Những cộng đồng lưu tán), Việt học, văn học hải ngoại, tiến trình soạn thảo đề án, v.v.

Câu chuyện chỉ có thế. Không hiểu sao ông Nguyễn Hữu Luyện (NHL), lúc đó là sinh viên cao học ngành Mỹ Quốc học và "đại diện của tổ chức CDVN/Mass tại trường UMASS" đã dựa trên những sự kiện nào mà dùng nó dàn dựng nên cả một bản "tường trình" tố cáo tôi là "nhục mạ" văn hóa Việt Nam, bôi nhọ cộng đồng Việt Nam trước mắt người Mỹ, "đánh gục thế hệ già của CÐVN", "âm mưu xảo quyệt", thực hiện "chiến lược chính trị thâm độc của VC", "lưu manh chính trị", v.v. và v.v.

Nếu đây chỉ là vấn đề cá nhân ông NHL thì chúng tôi đã không cần thiết phải trả lời (và chưa hề trả lời). Vì có MỘT SỐ NGƯỜI đứng sau, đưa những điều này ra làm tiếng nói của tập thể người Việt tỵ nạn tại Massachusetts, thay đổi chiều hướng khi nhu cầu đòi hỏi, tiếp tục chiến dịch tung tin thất thiệt trong mấy tháng qua mà nếu bây giờ có ngưng lại cũng không thể xóa đi được những ngộ nhận sâu rộng đã loan truyền trong cộng đồng ở khắp nơi, bất đắc dĩ chúng tôi phải có lá thư ngỏ này.

Chúng tôi xin trình bày tất cả những sự kiện đằng sau bản "tường trình" này, mục đích không nhằm vào cá nhân ông NHL, nhưng rất tiếc là chỉ có thể qua những chi tiết đó quý bạn đọc mới thấy được nguyên hình cả một chiến dịch của MỘT SỐ NGƯỜI đứng sau.

Ông NHL, "đại diện tổ chức CDVN/Mass", gọi bản "tường trình" của ông là "kết quả cuộc hội kiến" với trường đại học UMASS Boston ngày 11 tháng 4 năm 2000". Ðó là một điều khó hiểu. Ông NHL xin gặp bà Judith Smith, GS giảng dậy lớp Mỹ Quốc học 688 (American Studies 688) mà lúc đó ông Luyện đang theo học, và GS Peter Kiang, người thầy cũ đã dậy NHL nhiều khóa ở cấp đại học - hai người mà ông Luyện bày tỏ sự tôn kính vô cùng, "sẽ mãi mãi là thầy tôi… theo tinh thần Khổng giáo". Nghĩa là một học trò xin gặp hai người thầy của mình. GS Smith và GS Kiang không hề "đại diện" cho trường đại học UMASS và họ cũng không bao giờ nghĩ như vậy khi gặp ông Luyện. Nếu NHL được tổ chức CDVN/Mass giao trách nhiệm thảo luận về 4 đề nghị của cộng đồng Việt Nam liên hệ tới chúng tôi và Chương trình Rockefeller nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài, tại sao NHL không trực tiếp liên hệ với văn phòng của Chương trình - với tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ điện thư ghi rõ ràng trên địa chỉ liên mạng? Tại sao trong suốt thời gian "nghiên cứu" về vấn đề này, NHL tuyệt đối không hề điện thoại, thư từ, hoặc gặp gỡ TS Kevin Bowen, nghiên cứu gia chủ và người chịu trách nhiệm quản lý Chương trình, đồng thời là giám đốc của Trung Tâm Joiner, nơi chúng tôi làm việc? Hay ít nhất cũng vào địa chỉ liên mạng để biết HDTT được tổ chức như thế nào, để ít nhất cũng nhắc tới nó trong bản "tường trình"? (Nếu các bạn ở xa không quen thuộc với trường đại học UMASS Boston, văn phòng Chương trình nằm ngay trong khuôn viên đại học, ở tầng thứ 10 của thư viện Healey. Nghĩa là nếu NHL không tới, không phải vì ông không tới được, mà vì ông không muốn tới.)

Trong cuộc gặp gỡ này, ông Luyện đã đưa cho hai giáo sư bài tiếng Anh "Thăm dò ý kiến" (Opinion Poll) ông viết cho lớp Mỹ Quốc học 688 với nội dung chính tương tự như bản "tường trình" (khoảng 1/3 bản “tường trình” và bài Opinion Poll là dịch nguyên văn của nhau), và nói muốn đem những sự kiện trong đó ra thông báo cho cộng đồng Việt Nam. Cả hai đều thất kinh sau khi đọc qua bài viết rất đặc biệt đó. Cả hai giáo sư đều khuyên ông Luyện không nên tiếp tục sự đả kích cá nhân một cách tùy tiện như vậy.

Có lẽ điều khó hiểu hơn cả là cũng chính trong buổi gặp gỡ này, GS Peter Kiang, một thành viên của HDTT, và người hiểu biết tường tận quá trình soạn thảo đề án, đã giải thích cho ông Luyện hiểu là toàn bộ những đoạn văn ông Luyện trích dẫn để đả kích GS Nguyễn Bá Chung KHÔNG PHẢI DO GS NGUYỄN BÁ CHUNG VIẾT. Chương mục đó do một giáo sư khác trong HDTT đảm trách. Nhưng dù cho ai viết nữa, GS Peter Kiang nhấn mạnh, nó hoàn toàn KHÔNG MANG NHỮNG Ý NGHIÃ MÀ NHL GÁN CHO NÓ!

Với tất cả những sự kiện như trên, ông Luyện vẫn thản nhiên ra trước BCH của CDVN/Mass đọc nguyên văn bản "tường trình" đã soạn trước, hoàn toàn không hề thay đổi. Và BCH tổ chức CDVN/Mass chấp nhận hoàn toàn bản "tường trình" kỳ lạ đó, mà không hề kiểm chứng với GS Peter Kiang, Chương trình Rockefeller tại UMASS, hay Trung Tâm Joiner trước khi công bố!

Không những không thay đổi, ông Luyện còn "tường trình" là GS Peter Kiang đã "chấp nhận" hoàn toàn 4 đề nghị của CDVN/Mass, nhất là đòi hỏi sa thải GS Nguyễn Bá Chung khỏi trường đại học UMASS - một sự bịa đặt trắng trợn! (GS Peter Kiang đã minh xác những điều này trong bản Thông báo của Chương trình Rockefeller/UMASS.)

Quả là chúng ta đang sống trong khu rừng của "Alice in Wonderland".

Trọng điểm thứ hai của bản "tường trình" này là sự "phát hiện" của ông Luyện về sự kiện "tên Nguyễn Bá Chung mời hai người từ Việt Nam qua, hai nhà văn do y lựa chọn giữa những người tỵ nạn". Nếu ông Luyện có một sự hiểu biết tối thiểu về cách làm việc của HDTT trong một viện nghiên cứu, ông sẽ không viết như thế (Xin xem bài Thông báo của Chương trình Rockefeller/ UMASS). HDTT gồm tất cả 8 thành viên, trong đó có 3 THÀNH VIÊN NGƯỜI VIỆT, đã quyết định danh sách các tuyển viên cho niên khóa 2000-2001 vào cuối tháng 3 năm 2000, ra thông cáo chính thức vào ngày 15 tháng 4 (4 người chứ không phải 5 như ông Luyện võ đoán) với đầy đủ tên tuổi và đề tài nghiên cứu. Bản "tường trình" được phát tuyến vào ngày 25 tháng 4 năm 2000: ông Luyện vẫn có đủ thời giờ để phản ứng. Ông Luyện đã hoàn toàn không nhắc gì tới cái Thông cáo báo chí này.

Với tất cả những sự kiện trên, và xin để ngoài vấn đề văn phong của bài viết, quả thật khó có thể giải thích được tại sao ông Luyện có thể bịa đặt ra một bản "tường trình" như vậy, và càng khó hiểu hơn nữa tại sao BCH của CDVN/Mass lại có thể coi sự bịa đặt trơ trẽn đó là tiếng nói chính thức của người Việt tại tiểu bang Massachusetts, không những chỉ đăng nó trên báo chí, mà còn long trọng thu băng và phát tuyến trên kênh VietTV của cộng đồng Việt Nam, một việc làm chưa từng có trong lịch sử cộng đồng Massachusetts! HDTT của Chương trình nói riêng và trường đại học UMASS nói chung sẽ hiểu lầm như thế nào về tập thể người Việt với những lý luận non yếu và sự ngụy tạo tin tức khó hiểu như vậy?

Bản "tường trình" này được phát tuyến ngày 25 tháng 4 năm 2000. Cho tới nay, kể cả từ sau Thông báo của HDTT Chương trình, trong đó GS Peter Kiang xác nhận những sự bịa đặt này ngày 11 tháng 5, BCH CDVN/Mass vẫn hoàn toàn im lặng về những việc làm trên. Chúng tôi nghĩ ít nhất BCH CDVN/Mass cũng nên xin lỗi cộng đồng Việt Nam, rút lại những lời vu khống trắng trợn không xứng đáng với tinh thần văn hóa tôn sư trọng đạo (sinh viên NHL và GS Peter Kiang) truyền thống của người Việt.


II. Về phương pháp làm việc của MỘT SỐ NGƯỜI trong tổ chức CDVN/Mass

Chúng tôi biết là trong tổ chức CDVN/Mass có rất nhiều bậc đạo cao đức trọng, kiến thức uyên thâm, xả thân làm việc cho ích lợi chung của tập thể, cho danh dự của cộng đồng. Vì không ở trong cuộc nên chúng tôi không thể nắm được đầy đủ mọi dữ kiện bên trong. Những nhận xét sau đây, vì thế, chỉ là một số phân tích dựa trên những sự kiện đã xẩy ra, mà chúng tôi tin chắc là CHỈ DO MỘT VÀI NGƯỜI TRÁCH NHIỆM. Nếu quí vị trong BCH CDVN/Mass thấy có điều chi thiếu sót xin thông báo, chúng tôi sẽ sẵn sàng bổ túc.

Chúng tôi trộm nghĩ nếu tổ chức CDVN/Mass có thắc mắc gì về cá nhân chúng tôi, Nguyễn Bá Chung, về phương pháp tuyển chọn các học giả nghiên cứu cho Chương trình Rockefeller, BCH CDVN/Mass chỉ cần gởi một văn thư chính thức, hoặc cho một vị đại diện gọi điện thoại tới văn phòng Chương trình, hoặc để hỏi đầu đuôi cho ra nhẽ, hoặc yêu cầu chính thức gặp mặt để tìm hiểu, chất vấn để quí vị nắm vững vấn đề. Sau đó nếu quí vị vẫn không thỏa mãn, lúc đó có ra thông cáo hay phản thư cũng không muộn.

Chúng tôi là một giảng viên của trường đại học Massachusetts Boston, mọi việc chúng tôi làm đều đuợc công khai tuyên bố trên địa chỉ liên mạng của đại học, trên văn bản của Trung Tâm Joiner, để hoàn thành trách nhiệm do đại học và Trung Tâm ủy thác.

  1. Chẳng hạn các Tuyển tập thơ đương đại Việt Nam: đó là chương trình dịch thuật của Trung Tâm, giới thiệu văn thơ Việt Nam [2] . Chương trình này được sự tài trợ của những quỹ nổi tiếng ở Hoa kỳ - the National Endowment for the Arts, the Eric Mathieu King Fund of the Academy of American Poets, the Witter Bynner Foundation for Poetry, the Connecticut Commission for the Arts, v.v.

  2. Chẳng hạn chương trình Vietnam Today, hàng năm hướng dẫn một lớp học hè ở Huế: đó là một khóa học với 3 tín chỉ (credits) của trường đại học UMASS, các sinh viên phải tự đài thọ mọi chi phí, kể cả phí tổn cho giáo sư hướng dẫn (http://www.conted.umb.edu/vietnam.html). Ngoài Việt Nam, đại học UMASS còn có chương trình với Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Mễ Tây Cơ và Haiti. [3]

  3. Chẳng hạn chương trình trao đổi các nhà văn nhà thơ Việt Nam và các nhà văn nhà thơ Mỹ: đó là chương trình giúp Việt Nam tiếp xúc với thế giới phương Tây, và các nhà văn nhà thơ Mỹ tìm hiểu văn học Việt Nam đương đại, do quỹ Ford tài trợ.

Chương trình Rockefeller nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài là một đề án quốc tế, một trong 30 chương trình nhân văn về đủ mọi đề tài hiện đang hoạt động trên khắp thế giới, do Quỹ Rockefeller tài trợ. Sau một cuộc tuyển lựa vô cùng nghiệt ngã, đối đầu với những cơ sở nghiên cứu có tầm cỡ nhất ở Hoa Kỳ, đề án của đại học UMASS Boston đã được tuyển chọn. Chương trình nhân văn Rockefeller là một chương trình đã hoạt động lâu đời, có uy tín quốc tế, theo những phương pháp làm việc nhuần nhuyễn do Quỹ Rockefeller quy định và giám sát. Ðây không phải là một chương trình nhỏ bé địa phương, xa làng xa phố, để một hai cá nhân có thể tùy tiện tự ý thao túng như một vài người đã hoang tưởng.

Hơn nữa tổ chức CDVN/Mass và Trung Tâm Joiner không xa lạ gì. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch CDVN/Mass, thường xuyên liên lạc với Trung Tâm trong 4-5 năm qua khi có việc cần - nhờ Trung Tâm mượn phòng triển lãm, mời các nhà văn nhà thơ Việt Nam hải ngoại tham dự cuộc Hội Luận Hè hàng năm do Trung Tâm tổ chức, v.v.

Chúng tôi chắc chắn trong tập thể người Việt ở Massachusetts không thiếu gì các bậc nhân sĩ, từ tú tài, cử nhân tới thạc sĩ, bác sĩ hoặc tiến sĩ, để các vị ấy có thể bỏ chút thì giờ vào địa chỉ liên mạng của Trung Tâm Joiner (http://omega.cc.umb.edu/~joiner) và của Chương trình nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài (http://omega.cc.umb/edu/~diaspora) để ít nhất cũng có một khái niệm cơ bản về Trung Tâm và phương pháp làm việc của Chương trình. Ông Nguyễn Thanh Bình, và chúng tôi tin chắc có nhiều người khác nữa, có thừa khả năng làm việc đó.

Thật đáng tiếc khi BCH CDVN/Mass đã đưa một bản "tường trình" đả kích toàn bộ một cá nhân, một Chương trình mang tính quốc tế mà không hề có bất cứ một sự kiểm điểm thực hư tối thiểu nào.

Có thể vì tổ chức CDVN/Mass quá bận rộn nên đã sơ sót trong việc giám sát ông Luyện chăng? Câu hỏi này chỉ có BCH CDVN/Mass mới có thể xác nhận được là đúng hay sai. Chúng tôi chỉ xin đưa ra một số chi tiết mà chúng tôi có, để quý bạn đọc và vị nào trong tổ chức CDVN/Mass chưa biết, để cho thấy bản "tường trình" của ông NHL đã được chuẩn bị rất kỹ, và tốn rất nhiều thì giờ và công sức. Ðây không phải là một sự sơ xuất ngoài ý muốn mà là một chiến dịch đã được chuẩn bị rất lớp lang, hao tốn nhiều tâm lực và tài lực, do MỘT SỐ NGƯỜI đứng sau ông Luyện dàn dựng.

Trong khi ông NHL đang "nghiên cứu vụ WJC" khoảng từ giữa tháng 3 năm 2000 cho tới giữa tháng 4, văn phòng Chương trình Rockefeller/UMASS và Trung Tâm Joiner hoàn toàn không hề hay biết. Mãi tới khoảng giữa tháng 4, GS Peter Kiang mới trao cho văn phòng một video màu do ông NHL đưa, với lời nhắn là video này sẽ được phát tuyến trên kênh TV của cộng đồng trong khoảng một hai tuần sắp tới (mỗi tuần CDVN có một nửa giờ phát tuyến).

Bản video màu này dài khoảng 30 phút chiếu lại buổi "tường trình" của ông NHL trước BCH CDVN/Mass, do vị Chủ tịch cộng đồng chủ tọa và giới thiệu. Ðiều đặc biệt là trong bản video này, toàn bộ "tường trình" đã được chuyển dịch sang tiếng Anh, mục tiêu là hạ uy tín GS Nguyễn Bá Chung trong cộng đồng giảng dậy và lãnh đạo của trường đại học UMASS. Không thể sách động sa thải GS Nguyễn Bá Chung nếu không được sự đồng tình của cộng đồng nói tiếng Mỹ này. Công sức chuyển dịch, huấn luyện người đọc, thu âm đồng bộ, các máy móc kỹ thuật chuyên môn cần thiết, v.v. để hoàn thành một bản dịch màu đọc 30 phút không phải đơn giản.

Hơn nữa, ông Luyện "hội kiến" với hai giáo sư ở UMASS vào ngày 11 tháng 4, mà khoảng 15 tháng 4 đã có bản video màu quay cảnh ông NHL "tường trình" hoàn toàn chuyển dịch sang tiếng Anh: có phải cuộc gặp mặt đó chỉ để làm cảnh không? Vì phải có cuộc gặp mặt thì mới có thể "tường trình" là có cuộc "hội kiến", có cuộc "hội kiến" thì mới tung tin thất thiệt được là GS Peter Kiang ủng hộ 4 điểm đấu tranh của TC CDVN/Mass trong đó có việc sa thải chúng tôi. Nghĩa là bản "tường trình" đã được viết sẵn (nội dung chính tương tự bản tiếng Anh "Opinion Poll" đã viết từ lâu), máy video đã lên đèn, nên dù được GS Peter Kiang khẳng định là CHÚNG TÔI KHÔNG PHẢI LÀ TÁC GIẢ CỦA NHỮNG GÌ NHL TRÍCH DẪN, dù được GS Peter Kiang giải thích những sự hiểu biết sai lạc về Chương trình Rockefeller, chiến dịch đả kích vẩn phải tiếp tục. Ai là những người coi thường dư luận đến độ có thể bất chấp sự thật, bất chấp sự khẳng định của GS Peter Kiang, một thành viên của HDTT, dàn dựng một cuộc “đấu tố” hoàn toàn dựa trên những sự mạo nhận này?

Lại nữa, việc phát hành bản video phiên dịch này trước khi bản tiếng Việt chính thức được phát tuyến là việc làm có chủ định của BCH CDVN/Mass hay là việc làm cá nhân của một nhóm người dàn dựng đằng sau ông NHL?

Với tất cả những liên hệ sẵn có mấy năm nay giữa tổ chức CDVN/Mass và Trung Tâm Joiner qua ông Nguyễn Thanh Bình, Trung Tâm Joiner không thể hiểu tại sao tổ chức CDVN/Mass không hề liên lạc, tìm hiểu, chất vấn Trung Tâm trước khi đưa ra một bản "tường trình" lạ lùng đó? Sự im lặng và vắng mặt tuyệt đối của ông Nguyễn Thanh Bình về vấn đề này trong suốt thời gian bản "tường trình" được chuẩn bị, phát tuyến, và ngay cả sau khi HÐTT trả lời, là một điều khó hiểu. Ngay như một tờ báo, trước khi viết bài chỉ trích bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào, phóng viên của tờ báo phải phỏng vấn đối tượng, và dành cho đối tượng quyền trả lời. Việc làm của tổ chức CDVN/Mass (dĩ nhiên chỉ do MỘT SỐ NGƯỜI điều khiển) tương tự như một tờ báo cho phóng viên mình đi phỏng vấn một số người quen biết không đủ tư cách phát biểu, rồi tập hợp tất cả những ý kiến cá nhân cùng phe phái đó, viết một bài mạ lỵ đối tượng một cách bất ngờ. Ở xứ này, không một tờ báo nào có uy tín lại làm việc như vậy.

Vì BCH CDVN/Mass đã không hề liên lạc, phỏng vấn hoặc thông báo chính thức cho văn phòng Chương trình hay Trung Tâm Joiner nên HDTT đã quyết định ra "Thông báo của Chương trình Rockefeller tại Massachusetts Boston", chỉ gởi cho VietTV nhờ công bố và tờ báo liên hệ nhờ đăng tải. HDTT viết - "Chúng tôi mong rằng tạp chí... trong tương lai sẽ phối kiểm các sự kiện trước khi đăng những loại bài như vậy."

Sau đó ông NHL viết một lá thư thứ hai, bản tiếng Việt công bố trên truyền thông tiếng Việt, bản tiếng Anh gởi cho 8 thành viên HDTT và Viện trưởng Viện đại học UMASS. Trong lá thư này ông Luyện không hề đề cập tới những bằng chứng không thể chối cãi được về những sự bịa đặt trắng trợn của ông trong bản "tường trình", như GS Peter Kiang đã xác nhận trong Thông báo trên. Trái lại ông NHL chuyển qua tranh luận thuần túy về vấn đề kiến thức, cách thức dịch, và phương pháp nghiên cứu để đi đến một kết luận không tiền khoáng hậu là những chuyên viên dịch cho HDTT, nghĩa là những thành viên gốc Việt trong HDTT, đã "lừa dối" HDTT, vì tiếng Anh nghĩa một đằng, tiếng Việt dịch một nẻo. Với một cách lý luận ngộ nghĩnh như vậy, NHL có thể nghĩ là nếu không nhắc tới những bịa đặt của mình, thì không ai để ý tới, và vì thế ông ấy vẫn còn thừa uy tín để thảo luận một cách nghiêm chỉnh những vấn đề thâm cứu chăng?

Lá thơ này, lý luận lung tung và tùy tiện, đi vào những lãnh vực không phải là chuyên môn của người viết nên HDTT không ai trả lời. Riêng vì lý do NHL là sinh viên của trường đại học UMASS nên những trưởng nhiệm các cơ sở hành chánh không thể không giải đáp. Xin quý bạn đọc tham khảo Thư Ttrả lời của TS Kevin Bowen, giám đốc Trung Tâm Joiner và TS Charles F. Cnudde, Phó viện trưởng đặc trách học vụ, đại học UMASS. Xin trích TS Cnudde để quý bạn đọc tham khảo:

"Tôi đón nhận những quan tâm của ông: tôi đã kiểm điểm lại sự việc và xin đoan chắc với ông là KHÔNG HỀ CÓ CHỦ Ý NHỤC MẠ HOẶC TƯỜNG THUẬT MỘT CÁCH SAI LẠC VỀ CỘNG ĐỒNG HOẶC GIA ĐÌNH VIỆT NAM.
...
Tôi rất tiếc những hoàn cảnh đã đưa đến sự quan tâm của ông. Tôi mong ông sẽ xét lại những nhận định của ông về vấn đề này và cùng chúng tôi ủng hộ một chương trình mà chúng tôi nghĩ là sẽ tạo ra và đẩy mạnh những cuộc bàn cãi tranh luận về những vấn đề có tầm cỡ quan trọng với tất cả chúng ta."

("I appreciate your concerns and have looked into the matter and assure you that there has been no intention to slander or misrepresent the Vietnamese community or family.
...
I regret the circumstances that led to your concerns. I do hope you will reconsider your observations about this matter and help us to support a program which we feel promotes and generates discussion and debate about matters of importance to all of us.")

Với một quá trình như vậy, Chương trình Rockefeller/UMASS và Trung Tâm Joiner rất ngạc nhiên khi BCH CDVN/Mass sau đó cử ông NHL làm "Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm giải quyết vụ WJC." Không hiểu tại sao BCH CDVN/UMASS lại cử một cá nhân đã có những thành tích độc đáo như vậy giao tiếp với Chương trình, Trung Tâm Joiner (WJC) và trường đại học UMASS Boston?
Nếu quý bạn đọc tự đặt mình vào vị trí của HDTT Chương trình Rockefeller, Trung Tâm Joiner, và trường đại học UMASS trước những sự kiện diễn tiến như trên, quý bạn sẽ nghĩ sao về những việc làm của MỘT SỐ NGƯỜI trong BCH CDVN/Mass; những việc họ làm có xứng đáng với tập thể người Việt ở hải ngoại không, có thực là "đại diện" cho văn hóa và con người Việt Nam không?


III. Buổi gặp gỡ giữa đại diện CDVN/Mass và HDTT Chương trình Rockefeller/UMASS ngày 25 tháng 8 năm 2000

Do TS Kevin Bowen bị ngã bệnh bất ngờ, và sau đó phải cùng gia đình đi nghỉ hè hàng năm nên mãi tới ngày 25 thành 8 mới có cuộc gặp gỡ chính thức giữa đại diện CDVN/Mass và HDTT Chương trình Rockefeller tại UMASS Boston.

Vì lúc đó chúng tôi còn đang ở Việt Nam hướng dẫn khóa học Vietnam Today nên đã không thể tham dự được. Chúng tôi xin ghi lại một vài chi tiết đáng chú ý trong cuộc trao đổi và thảo luận này. Chúng tôi ghi lại KHÔNG NHẰM VƠ ĐŨA CẢ NẮM vì trong đoàn đại diện CDVN/Mass có nhiều quan điểm khác nhau, có nhiều cung cách ứng xử khác nhau. [4]

  1. Một thành viên của đoàn đại diện CDVN/Mass là luật sư Thái Ngọc Nguyên, cố vấn pháp luật cho CDVN/Mass, một sự kiện gây sự chú ý vì không ai nghĩ một cuộc gặp gỡ thuần túy về văn học và nghiên cứu như vậy lại cần sự có mặt của một luật sư, nhất là những gì luật sư TNN phải làm trong cuộc họp như dẫn chứng dưới đây.

  2. Trong buổi họp mỗi khi một hai thành viên của đoàn đại diện bắt đầu ám chỉ người này là "cộng sản", chương trình khác là "thân cộng", lập tức luật sư Thái Ngọc Nguyên nhẩy vào ngắt lời để xác định công khai là đó là quan điểm "cá nhân" của người ấy, chứ không phải là quan điểm chung của tổ chức CDVN/Mass. Nghĩa là tuy tới họp với tư cách là đại diện cho CDVN/Mass, có lúc các đại diện đó phát biểu với tư cách cá nhân, có lúc với tư cách đại diện. Có điều đáng lo là các vị đại diện này hoàn toàn không phân biệt được lúc nào là "nói chuyện tầm phào" cá nhân, "buông lưỡi nói càn", lúc nào là nói chuyện cộng đồng nghiêm túc, và phải nhờ luật sư Thái Ngọc Nguyên tỉnh táo, thông hiểu luật pháp, lo lắng cho trách nhiệm pháp lý của tổ chức CDVN/Mass, ngắt lời nhắc cho họ biết.

    Nếu trong một buổi họp như thế mà một số thành viên đó còn không biết được đâu là phạm trù "nói chuyện chơi" cá nhân đâu là phạm trù luật pháp, thử hỏi khi bàn bạc việc chung của cộng đồng, khi không có luật sư bên cạnh, ai là người sẽ nhắc nhở cho họ ý niệm pháp lý tối thiểu đó? Và như thế họ có thể đã vi phạm quyền của những người khác bao nhiêu lần? (Xin tham khảo những mỹ từ chụp mũ liên tục trong bản "tường trình" của NHL trước BCH CDVN/Mass, do Chủ tịch CDVN/Mass giới thiệu, và những bài viết đủ loại trên những báo cộng đồng địa phương và trên Internet.)

  3. Khi đoàn đại diện nhất định đòi hỏi không cho nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến và nhà cổ học Nguyễn Huệ Chi sang tham dự, TS Kevin Bowen hỏi tất cả những thành viên đại diện có mặt, có ai đã đọc cẩn thận những tác phẩm của họ chưa. Không ai xác nhận rõ ràng là có. HDTT kinh ngạc.

    Từ khi phát động cuộc đấu tranh tới nay, TC CDVN/Mass chưa hề đưa ra bất cứ một dẫn chứng nào trích từ các bài viết hoặc tác phẩm của hai nhà học giả từ Việt Nam để chứng minh là họ không thể nghiên cứu một cách khách quan được. Chúng tôi thiết nghĩ chúng ta không nên lên án kết tội ai điều gì nếu chúng ta không có bằng chứng rõ ràng và cụ thể. Thật là lạ khi MỘT SỐ NGƯỜI trong BCH CDVN/Mass lại nghĩ rằng họ có thể lên án mạ lỵ bất cứ ai, mà không cần nêu ra bất cứ một bằng chứng cụ thể nào.
    Họ chủ trương “chúng tôi chống bất cứ ai từ Việt Nam sang, không cần biết họ là ai”. Lý luận như thế có thể tóm gọn như sau: Kẻ trộm Nguyễn Văn X có râu bạc; GS Lê Văn A có râu bạc; GS Lê Văn A là kẻ trộm. Một quan điểm như thế, chúng tôi e rất mỏng tính thuyết phục với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, và hoàn toàn vô hiệu trong dư luận người Mỹ. (Và chính MỘT SỐ NGƯỜI dàn dựng đằng sau cũng hiểu điều đó nên mới khổ công dựng ra hai tiểu sử ngụy tạo.)

  4. Trong buổi gặp mặt này, HDTT rất lắng nghe những ý kiến của cộng đồng, và những gì HDTT có thể làm được trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình để quan điểm của cộng đồng trở thành một bộ phận của kết quả nghiên cứu của Chương trình. Với thiện chí đó, HDTT đã đưa ra 4 đề nghị sau, rải rác trong suốt buổi trao đổi [5] :

    1. HDTT sẵn sàng chào đón các thành viên của cộng đồng tới tham dự và đóng góp trong các buổi diễn giảng, nói hoặc viết, của các học giả tuyển viên, nhất là hai học giả từ Việt Nam. Những nhận xét, phê bình của cộng đồng sẽ trở thành một bộ phận chính thức của những công trình nghiên cứu của Chương trình.

      Nghĩa là nếu BCH CDVN/Mass không đồng ý với những gì hai nhà nghiên cứu từ Việt Nam viết hoặc nói, họ có thể phản biện và những bài phản biện đó trở thành tài liệu của Chương trình, có thể được phân phối với những công trình nghiên cứu của hai tác giả trên.

    2. HDTT sẽ tìm ra phương án định nghĩa lại khái niệm “có mặt sở tại” (cận trú, residency) để có thể cấp học bổng cho các nhà nghiên cứu hải ngoại, vì lý do sinh kế, đã không thể vắng cơ quan làm việc một thời gian dài. (Ðiều kiện “residency” do Quỹ Rockefeller đặt ra, áp dụng cho tất cả mọi chương trình.)

    3. HDTT trân trọng mời các thành viên của cộng đồng cùng chúng tôi làm việc để phát hiện và kêu gọi sự tham gia của những nhà nghiên cứu hải ngoại.

    4. HDTT sẵn sàng làm việc cùng với cộng đồng để phát động các sáng kiến khác liên hệ tới Chương trình này.

  5. Sau khi buổi họp chấm dứt vào tối ngày 25 tháng 8 năm 2000, TS Kevin Bowen có gởi cho BCH CDVN/Mass một lá thư ngay ngày hôm sau, mong mỏi hai bên sẽ tiếp tục thảo luận và làm việc, đồng thời yêu cầu BCH gởi cho Chương trình Rockefeller/UMASS một bản sao video buổi gặp mặt như đoàn đại diện đã hứa khi được HDTT đồng ý cho thu hình toàn bộ. Bản video đó sẽ trở thành tài liệu của Chương trình. Cho tới hôm ngay, ngày 04 tháng10, nghĩa là hơn một tháng sau buổi họp, vẫn chưa có hồi âm. Mong rằng đoàn đại diện tổ chức CDVN/Mass giữ lời hứa của mình.

  6. Trước khi chấm dứt, có thành viên đại diện tuyên bố sẵn sàng làm việc với hai học giả xuất thân từ các đại học Mỹ. Một thành viên khác ngắt lời, không cho thành viên đó trình bày hết ý tưởng của mình.

  7. Cho tới giờ phút này, BCH CDVN/Mass chưa hề có văn thư chính thức gởi cho HÐTT sau buổi gặp gỡ. Do sự tình cờ chúng tôi tìm thấy bản Thông cáo của BCH CDVN/Mass phổ biến trên liên mạng và các báo cộng đồng địa phương tường thuật toàn bộ buổi gặp gỡ một cách thiếu trung thực. Một vài ví dụ:

    1. Ðiều không trung thực lớn nhất là không nhắc gì tới 4 đề nghị rất có thiện chí của HDTT nêu trên.

    2. Thông cáo không nhắc gì tới câu hỏi của TS Kevin Bowen, về những ngắt lời một vài thành viên của luật sư Thái Ngọc Nguyên, những phát biểu hùng hồn của TS Watanabe về cái nhìn phân cực đen trắng giữa cộng sản và chống cộng, những sự khác biệt ý kiến giữa những thành viên của đoàn (điều đáng chú ý là trong khi đó Thông cáo diễn tả rất tường tận và chi tiết mọi khác biệt quan điểm trong HDTT!).

      Ðây không phải là những chi tiết vụn vặt bên lề: Nó nêu lên những câu hỏi cơ bản về ý nghĩa của sự chống đối khi những người chống đối không hề biết gì về những người mình chống đối và thóa mạ một cách tùy tiện, trong khi không biết họ đã viết lách, nghiên cứu như thế nào, đến trình độ và sự hiểu biết pháp luật của một số người tự coi mình là tiếng nói của cộng đồng (vu khống chụp mũ tùy tiện, bất kể luật pháp).

      CHÚNG TÔI TRÂN TRỌNG YÊU CẦU BCH CDVN/MASS CÔNG BỐ TRƯỚC CỘNG ÐỒNG VIỆT NAM Ở BOSTON TOÀN THỂ NỘI DUNG BUỔI HỌP MẶT TRÊN, hoặc chiếu lại TOÀN BỘ trên VietTV, hoặc để bất cứ ai muốn cũng có thể tạo được một bản sao (tự sao lấy hoặc trả một lệ phí vừa phải) để mỗi người có thể tự đánh giá tính cách đại diện của TC CDVN/Mass và thiện chí của HDTT Chương trình Rockefeller.

      Nếu BCH CDVN/Mass nghĩ cuộc gặp mặt đã diễn ra như diễn tả trong bản Thông cáo, chúng tôi thiển nghĩ không có lý do gì BCH CDVN/Mass lại không gởi cho Chương trình Rockefeller/UMASS một phiên bản như đã cam kết, và tạo cơ hội để mọi người có thể tự thẩm định lấy cho mình?

      Nguyên tắc làm việc của bất cứ một bản tường trình một cuộc hội họp nào, theo chúng tôi nghĩ, là báo cáo đầy đủ ý kiến của cả hai bên, không bao giờ chỉ nên chọn những ý kiến có lợi cho bên mình rồi ra Thông cáo với mục đích tuyên truyền. Ðó, tôi nghĩ BCH CDVN/Mass sẽ đồng ý với chúng tôi, là một tinh thần thảo luận thiếu nghiêm túc.

      Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên không hiểu BCH CDVN/Mass hành xử theo quy tắc làm việc nào mà cho tới giờ phút này vẫn chưa gởi bản Thông cáo đó cho HDTT? Chúng tôi trộm nghĩ nếu chúng ta muốn người khác tôn trọng chúng ta, tối thiểu là chúng ta cũng phải tôn trọng người khác.


IV. Những đòi hỏi của TC CDVN/Mass và truyền thống nghiên cứu Hoa Kỳ

Về những đòi hỏi của TC CDVN/Mass

  1. Chống đối hai học giả Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi vì coi họ là "cán bộ cộng sản cao cấp"

    1. TC CDVN/Mass đã không đưa ra được bất cứ bằng chứng cụ thể nào, như trích dẫn tham luận hoặc tác phẩm của họ, để chứng minh rằng họ không có khả năng độc lập nghiên cứu. TC CDVN/Mass chỉ đưa ra một lý luận "đại trà" rằng họ đã là "cán bộ cộng sản" thì không thể nghiên cứu độc lập được. Từ thời kỳ Ðổi Mới, đã có biết bao biến động trong giới văn học Việt Nam?

      Luật pháp của một xã hội dân chủ có một nguyên lý bất di bất dịch là mọi người đều vô tội trừ phi có những chứng cớ xác thực và đầy đủ qua một tiến trình xử án công minh. MỘT SỐ NGƯỜI trong TC CDVN/Mass đã kết tội GS Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi mà không cần tuân thủ bất cứ một nguyên tắc văn minh tối thiểu nào.

      Xin quý bạn đón đọc một số tham luận của hai học giả trên mà chúng tôi sẽ đưa lên địa chỉ liên mạng của Chương Ttrình Rockefeller/UMASS trong thời gian tới. Xin đơn cử hai thí dụ:

      Bài "Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua" của GS Hoàng Ngọc Hiến và bài "Thử nhìn văn hóa như một động lực phát triển" của GS Nguyễn Huệ Chi. [6]

    2. Một chiến dịch ngụy tạo tài liệu để mạ lỵ cá nhân và kích động sự phẫn nộ của người Việt tỵ nạn:

      Trong khi những lời tuyên bố của TC CDVN/Mass gọi hai học giả VN là "cán bộ cộng sản cao cấp", so sánh họ với quân "Nazi" Ðức Quốc Xã, thì "đại diện" CDVN/Mass, "Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm" CDVN/Mass (nay là cựu đại diện và cựu Chủ tịch) cùng một cá nhân khác ở Massachusetts đã tung ra một loạt tài liệu hoàn toàn ngụy tạo về tiểu sử của GS Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, và của chúng tôi. Chúng tôi xin trích dẫn bài của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, người cũng dựa vào những tài liệu ngụy tạo trên để lên án Chương trình:

      "Theo tài liệu do các ông Nguyễn Hữu Luyện và... công bố, Nguyễn Bá Chung du học Hoa Kỳ từ năm 1972, hiện là giáo sư tại đại học Massachusetts (UMass) ở thành phố Boston. Ông này mang mối cựu thù với chính thể VNCH, có lập trường thiên cộng.

      Hoàng Ngọc Hiến, vào Ðảng năm 1970, hiện là đảng ủy kiêm Giám đốc Học viện Nguyễn Du (Trường viết văn tại Hà Nội).

      Nguyễn Huệ Chi vào Ðảng năm 1976, là Trưởng Ban lý luận và phê bình văn học của Viện Văn Học Hà Nội."

      (Nhận định của Nguyễn Hữu Nghĩa về vụ Boston, soc.culture.vietnamese, ngày 17 tháng 8, tr. 2)

      Về những xuyên tạc về cá nhân chúng tôi, những xuyên tạc thuộc loại "nghe người khác nói" vô bằng cớ này, đầy rẫy trên các báo cộng đồng, chúng tôi xin miễn bàn. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập hợp một số bài viết của chúng tôi đã có sẵn từ lâu tản mạn ở trên liên mạng và một số tài liệu để quý bạn đọc tùy nghi đánh giá.

      Riêng chúng tôi đặc biệt muốn làm rõ những bịa đặt trắng trợn về hai ông HNH và NHC.

      Ðể chứng tỏ hai người là những "cán bộ cộng sản cao cấp", và vì thế nguy hiểm hầu dễ dàng khích động lòng phẫn nộ của người Việt tỵ nạn, GS HNH được mô tả là đương kim Giám đốc của một "Học Viện" dạy viết văn, đồng thời là "đảng uỷ" (thành phần lãnh đạo cao cấp nhất của tập thể đảng viên trong một tổ chức), và GS NHC là "Trưởng Ban lý luận phê bình văn học", một chức vụ thường chỉ do những đảng viên nhuần nhuyễn triết lý Mác Lê, kỳ cựu và giáo điều, đảm nhiệm.

      Tiểu sử GS Hoàng Ngọc Hiến

      Sinh năm 1930
      1949-56: Dạy văn học ở Nghệ Tĩnh và Thái Nguyên
      1957-59: Phó Giáo sư, khoa Ngữ văn
      1959-64: TS văn chương Nga, University of Moscow
      1964-74: Dạy văn học ở Trường Sư Phạm Vinh
      1974-79: Chủ nhiệm khoa, khoa viết văn Nguyễn Du, thuộc Ðại học Văn Hóa Hà Nội.
      1979: Chấm dứt chức Chủ nhiệm khoa, rời khoa viết văn.
      1983: Về làm giảng viên lại ở khoa viết văn Nguyễn Du
      1992: Khoa viết văn được nâng cấp thành Ðại học viết văn. Tiếp tục làm giảng viên.
      1993: Về hưu.
      10/95-12/95: Hai tháng sang thăm và nói chuyện ở các đại học Mỹ (Quỹ Ford tài trợ).
      1996: Ðồng chủ biên tờ Việt Nam Review với dịch giả Huỳnh Sanh Thông và nhà văn hải ngoại Trương Vũ.
      6/2000-8/2000: Nói chuyện về văn hóa Ðông Phương ở Viện Ðông Phương Học Marcel Granet do GS Francois Jullien, Chủ nhiệm khoa Ngôn Ngữ và Văn Hóa Ðông Phương, Ðại Học Tổng Hợp Paris Denis Diderot mời.

      Tiểu sử GS Nguyễn Huệ Chi

      Sinh năm 1938
      1959: Tốt nghiệp khoa ngữ văn, Ðại Học Hà Nội.
      1959-60: Biên tập viên, nxb Lao Ðộng.
      1/1961: Trợ lý nghiên cứu khoa học, Viện Văn Học
      1975-84: Nghiên cứu viên chính, Viện Văn Học
      1984-91: Phó Giáo sư, Viện Văn Học
      1991-Hiện nay: Giáo sư Viện Văn Học, Trưởng ban Văn Học Cổ Học và Cận Ðại. Ông chưa từng gia nhập đảng cộng sản. [7]

      Tóm lại, GS Hoàng Ngọc Hiến, nay đã 70 tuổi, đã về hưu từ năm 1993. Ông mất chức Chủ nhiệm khoa năm 1979 vì bài viết “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” đăng trên Văn Nghệ số 23, tháng 9 năm 1979. Nếu nhà văn Nguyễn Minh Châu đã sáng tạo ra cụm từ “văn học minh họa” thì GS Hoàng Ngọc Hiến đã đưa vào ngôn ngữ Việt Nam cụm từ “văn học phải đạo”. Trong khi đó bài “Vài cảm nhận văn học Việt Nam hải ngoại" của GS Nguyễn Huệ Chi, một bài viết rất nghiêm túc và được văn giới hải ngoại trân trọng, đã bị một số người trong nước đả kích dữ dội. Gần đây bài tham luận của ông về sự đóng góp cho Triết Ðông của thầy mình là cố GS Cao Xuân Huy đăng trên tờ Kiến thức ngày nay số 228 tháng 11. 1996 đã bị ám chỉ là “phản khoa học”, và “phản cách mạng” (KTNN, các số 228, 236, 240, 243 và Văn Nghệ Thanh Hóa số 33, tháng 4 năm 1998).

      Theo nhà phê bình văn học hải ngoại Thụy Khê, phóng viên đài phát thanh tiếng Việt của Pháp RFI, bài “Về một đặc điểm…” của GS Hiến là “một trong hai tiểu luận được coi là những bài khai quang cho nền văn học đổi mới", và bài “Vài cảm nhận văn học hải ngoại ” của GS Huệ Chi đã “giới thiệu một số tác phẩm ngoài nước dưới nhãn quan đứng đắn của người nghiên cứu phê bình không phân biệt lằn ranh địa lý chính trị” (Thụy Khê, “Hai mươi lăm năm văn học Việt Nam hải ngoại", đăng lại trong đặc san Xứ Quảng, Boston, tr. 229).

      Trái với những gì CDVN/Mass khẳng định và các bài viết nhất tề lên án, Hoàng Ngọc Hiến là một nhà phê bình nổi tiếng ở trong nước lẫn hải ngoại. Ông là một trong những người đầu tiên viết bài phê bình trân trọng sự đóng góp của Nguyễn Huy Thiệp. Nguyễn Huệ Chi là một trong những nhà cổ học bậc nhất ở Việt Nam. Bộ Thơ văn Lý Trần do ông chủ biên mở một chân trời mới cho văn học và tư tưởng Việt Nam cổ đại; cuốn ”Tư tưởng Phương Ðông gợi những điểm nhìn tham chiếu” do ông hiệu đính những bản thảo rời rạc của thầy mình là cố GS Cao Xuân Huy, được Nguyên Thắng đánh giá trên tờ Diễn Ðàn: “Ta không lấy làm lạ khi điểm lại thấy một số bậc thầy ngày hôm nay về văn học, ngôn ngữ học, Hán học, Việt học được trong cũng như ngoài nước đều tôn trọng, là những cao đồ của cụ Cao Xuân Huy.” (“Cổ học cho đời sống, cho hôm nay”, Diễn Ðàn, Paris, số 50, 3/1996.)

      Trong khi tổ chức CDVN/Mass gọi hai GS Hiến và Huệ Chi là "cán bộ cộng sản cao cấp", so sánh họ với quân Nazi, đồng thời "đại diện" CDVN/Mass rồi "Chủ tịch Ủy ban đặc nhiệm" CDVN/Mass Nguyễn Hữu Luyện tung những tin thất thiệt ngụy tạo trên, tổ chức CDVN/Mass không hề có một lời phủ nhận, cải chính. Những tin tức ngụy tạo này được một số bài viết đăng trên tuần báo, nguyệt san tiếng Việt lập lại, các đài phát thanh tiếng Việt ở Mỹ và Úc truyền thanh, các liên mạng đăng tải, v.v. tạo nên một chiến dịch tung tin thất thiệt rộng lớn từ Texas tới California, từ Mỹ tới Úc, v.v. khích động lòng công phẫn của người Việt tỵ nạn ở khắp nơi! Các tập thể người Việt tỵ nạn ở các tiểu bang ở xa, không thể không tin vào tổ chức cộng đồng địa phương, tới tấp gọi điện về hỏi thăm, viết kháng thư phản đối, thúc giục đấu tranh.

      Nhưng đó có phải là những hành động xứng đáng đại diện cho tất cả những người Việt ở hải ngoại không? Một cuộc đấu tranh dựa hoàn toàn trên những lập luận "đại trà", không một chứng cớ cụ thể, và một loạt những tin tức giả mạo có thể tồn tại lâu dài và dẫn đến thắng lợi được chăng? Những chuyên viên nghiên cứu có sự hiểu biết sâu rộng về văn học trong và ngoài nước ở trong Chương trình, trong Quỹ Rockefeller, và các trung tâm Việt học trên thế giới, sẽ có phản ứng như thế nào với những sự ngụy tạo trắng trợn trên? Nó sẽ đem lại một sự kính trọng hay một sự kinh ngạc khó hiểu đối với những người phát động một cuộc đấu tranh phiêu lưu như vậy? Tại sao cho tới giờ phút này, sau hơn 5 tháng phát động, chưa hề có một giáo sư hoặc chuyên gia đại học nào làm việc trong các trung tâm nghiên cứu hoặc giảng dậy Việt học ở hải ngoại, người Việt hay người ngoại quốc, những người có đủ thẩm quyền nhất để thẩm định vị trí văn học của hai nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, lên tiếng ủng hộ quan điểm của MỘT SỐ NGƯỜI trong tổ chức CDVN/Mass? Người Việt ta có câu "trông mặt bắt hình dong": điểm mặt hầu hết những bài đã viết về Chương trình Rockefeller/UMASS trong thời gian qua, ngoại trừ một số thông cáo của các tổ chức cộng đồng tỵ nạn do ở xa không nắm được sự kiện, chúng ta có thể tìm thấy một khuôn mặt nào có tầm cỡ văn học trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại, hoặc có uy tín trong giới nghiên cứu Việt học không?

      Chúng tôi xin để những câu hỏi đó cho quý bạn đọc trả lời.

  2. Chương trình Rockefeller/UMASS và những nhà nghiên cứu Việt Nam tỵ nạn

    1. Chính là để các nhà nghiên cứu Việt Nam tỵ nạn, mà đa số không sử dụng tiếng Anh, có thể tham dự mà ngay từ đầu Chương trình đã quyết định mọi ngườiï có thể nộp đơn và nghiên cứu hoàn toàn bằng tiếng Việt.

    2. Trong niên khóa 2000-2001, sau khi hết hạn nộp đơn, HDTT mới khám phá ra là đại đa số các nhà nghiên cứu này, vì thường đang làm những nghề tay trái, nên không thể bỏ 4-6 tháng tới Boston tham dự được. Ðiều kiện “có mặt tại sở” (residency rule) do quỹ Rockefeller đặt ra, và không thể thay đổi nếu không được sự đồng ý trước của họ.

    3. Hiện nay HDTT đang thảo luận và làm việc với quỹ Rockefeller để đơn giản hóa điều kiện này tới mức tối đa có thể được.


Tự do và truyền thống nghiên cứu của đại học Hoa Kỳ

  1. Thế đứng của một chương trình nghiên cứu quốc tế

    Chương trình Rockefeller nghiên cứu về người Việt ở nước ngoài là một chương trình nghiên cứu quốc tế, tương tự như khoảng 30 chương trình Rockefeller khác hiện đang hoạt động, mở ra cho tất các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới tham dự. Nó không phải là một chương trình chỉ giới hạn trong giới người Việt, nhất là chỉ trong giới người Việt tỵ nạn như MỘT SỐ NGƯỜI trong BCH CDVN/Mass đòi hỏi hoặc lầm tưởng.

    Vì là một chương trình nghiên cứu có tầm vóc quốc tế, nó không mang, và không thể mang, mầu sắc chính trị, chống cộng hay theo cộng. Chỉ có thế, những thành quả nghiên cứu của nó mới có thể có giá trị và tác dụng phổ quát, đối với mọi bên, mọi phía.

    Nhất là đứng trên quyền tự do học thuật, tự trị đại học (academic freedom), một quyền cơ bản làm nền tảng cho hệ thống đại học và nền dân chủ và tự do của nước Mỹ, không một cơ sở nghiên cứu đại học nào có thể từ khước, hay để áp lực phải từ khước, một tuyển viên dựa trên nguồn gốc quốc gia, ý thức hệ, hay tôn giáo. Tại sao như vậy? Bởi vì khi có bất cứ một ngoại lệ nào, người ta chỉ cần vu khống cho những người không đồng quan điểm với mình thuộc thành phần ngoại lệ đó (như trường hợp chúng ta vừa thấy) là có thể ngăn chặn bất cứ một quan điểm nào mình không thích! Ở nước Mỹ, may mắn thay, tự do này là tự do thực sự chứ không phải tự do giả vờ.

    Cơ sở đấu tranh của MỘT SỐ NGƯỜI trong BCH CDVN/Mass là đòi hỏi Chương trình phải tiên khởi "chống cộng" (a priori "anti-communist") - nghĩa là biến chương trình nghiên cứu thành một cuộc đấu tranh chính trị, một đòi hỏi đi ngược lại tất cả những nguyên tắc làm việc của một cơ sở nghiên cứu đại học. Một cuộc đấu tranh như thế không thể nào mang tính thuyết phục với bất cứ một ai có chút hiểu biết về phương pháp làm việc của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ. Những người khởi xướng cuộc đấu tranh đó không hiểu rằng không một cơ sở nghiên cứu nào trên nước Mỹ này có thể chấp nhận đòi hỏi của TC CDVN/Mass mà còn có thể tự coi mình là một cơ sở nghiên cứu, hoặc còn được cộng đồng nghiên cứu nước Mỹ coi là một cơ sở nghiên cứu!

  2. Cái nhìn của xã hội dân chủ Hoa Kỳ

    Phần lớn những người đang phát động cuộc phiêu lưu trên, nếu làm được theo ý họ, sẽ làm cho dư luận Mỹ nhất là trong giới nghiên cứu hậu đại học, tương tự như vụ em bé Cuba Elian, có một sự nghi ngờ sâu xa về sự hiểu biết thế nào là nghiên cứu, thế nào là tự do và dân chủ của toàn thể cộng đồng người Việt.

    Một cơ sở nghiên cứu đại học của Mỹ, một khi đã được thẩm định và thành lập, có một khoảng tự do rất lớn để nghiên cứu bất kỳ một vấn đề gì liên hệ tới sứ mạng của đề án, với bất cứ một cá nhân nào mà họ xét là có đủ thẩm quyền và trình độ, để tiếp cận và khám phá những sự thật tiềm ẩn. Nó được thành lập không nhằm mục đích để thi hoa hậu, nghĩa là nhằm thu hút sự ủng hộ thuần túy có tính cách mỵ dân của đám đông (nếu thế cứ để đám đông nghiên cứu, cần chi phải có những cơ sở nghiên cứu đại học). Vì những sự thật sâu sắc thường tiềm ẩn, phải khổ công nhọc trí đào xới đãi lọc mới tìm thấy, các cơ sở nghiên cứu vì thế phải cố gắng nghiên cứu vấn đề qua nhiều tiếng nói, nhiều quan điểm, nhiều nguồn gốc. Và khi hoàn thành, không phải tất cả những công trình nghiên cứu đó sẽ đương nhiên được chấp nhận như là thánh kinh, được các trường học hoặc trung tâm nghiên cứu sử dụng. Như bất kỳ một tác phẩm văn học hoặc nghiên cứu nào khác ở Hoa Kỳ, nó sẽ được các chuyên gia trong ngành thẩm định, đánh giá, và phê bình. Chỉ khi nào được họ coi là khách quan, phát hiện được nhiều dữ kiện mới, có những đóng góp có tầm cỡ trong ngành, chỉ khi đó, nó mới có chỗ đứng trong cộng đồng nghiên cứu.

    Nếu quả thật những công trình của các nhà nghiên cứu từ Việt Nam đều nặng mùi chủ nghĩa, phiến diện, và một chiều, tự nó sẽ là những PHẢN BIỆN HỮU HIỆU NHẤT CỦA CHÍNH NÓ trong cộng đồng nghiên cứu hải ngoại.


© 2004 talawas




[1]Xin xem phần phụ đính. Tất cả những tài liệu dẫn chứng trong lá thư ngỏ này chúng tôi dự định sẽ đem lên địa chỉ liên mạng của Chương trình Rockefeller/UMASS trong thời gian sắp tới "http://omega.cc.umb.edu/~diaspora". Riêng về chuyện “bôi nhọ cộng đồng”,“sỉ nhục thế hệ già”, v.v. chúng tôi không hiểu là một cá nhân phải có một sự chủ quan tới mức nào mới có thể cho là một quỹ như Rockefeller, với tất cả những chuyên gia quốc tế tham vấn, lại tài trợ cho một đề án nào có nội dung như vậy.
[2]Chương trình dịch thuật này có gồm cả thơ Miền Nam Việt Nam, thời đại VNCH, trước 1975, như chúng tôi đã trao đổi với nhà thơ Hà Thúc Sinh khi nhà thơ tham gia Hội Luận do Trung Tâm Joiner tổ chức, và một số các nhà thơ khác.
[3]Xin xem một chương trình tương tự với tầm vóc rộng lớn hơn - Group of Universities for the Advancement of Vietnamese Abroad (GUAVA), http://www.public.asu.edu/~ickp/vasi.html
[4]Vì vắng mặt khá lâu một thời gian, chúng tôi chưa tiếp xúc đủ để tìm hiểu hết những diễn biến trong thời gian đó. Chúng tôi xin tạm gọi bản viết này là bản sơ thảo số hai, ngày 10/04/2000, và sẽ tiếp tục hiệu đính khi có thêm chi tiết, nhất là khi có bản sao video buổi gặp mặt ngày 25/8/2000 từ CDVN/Mass. Nếu quí vị nào trong phái đoàn đại diện muốn tranh cãi về một số chi tiết trong buổi gặp mặt, chúng tôi xin yêu cầu là không nên viết thư phân trần: xin hãy công bố bản video buổi họp.
[5]TS Kevin đã lập lại lại 4 đề nghị này trong bài trả lời các bài viết đăng trên các báo cộng đồng địa phương ngày 12 tháng 9 năm 2000 (Phụ đính 5).
[6]Bài "Thử nhìn văn hóa như một động lực phát triển" của GS Nguyễn Huệ Chi hiện đã được đưa lên mạng - http://www.conong.com; Diễn Ðàn số tháng 9 năm 2000 có trích dẫn một đoạn bài nói chuyện của ông Hoàng Ngọc Hiến ở Viện Ðông Phương Học Marcel Granet, Paris – “Chủ nghĩa cá nhân- Văn hoá và chủ nghĩa cá nhân đạo lý trong văn hóa hiện đại Việt Nam”.
[7]GS Nguyễn Huệ Chi chưa bao giờ gia nhập đảng cộng sản: sự gắn mũ đảng viên ở đây là hoàn toàn bịa đặt nhưng chúng tôi trên nguyên tắc không đặt vấn đề vì chúng tôi nghĩ yếu tố quan trọng nhất để thẩm định một tác giả là công trình và tác phẩm, không phải ở nhãn hiệu này hay nhãn hiệu nọ.