trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
21.12.2004
Hoài Thanh
Thực chất của tư tưởng Trương Tửu
 
Nếu văn chương chỉ là chuyện độc đáo thì quả thật Trương Tửu rất độc đáo. Trương Tửu đã tự tạo cho mình một bộ mặt riêng trong văn giới. Tiếc thay cái độc đáo của Trương Tửu, cái ngón sở trường của Trương Tửu lại là một thứ mà những người lương thiện không thể nào ưa được và chế độ chúng ta không thể nào dung túng được.

Cách đây hơn hai mươi năm công chúng bắt đầu chú ý đến Trương Tửu vì một loạt bài phê bình trên báo Loa. Loa là một thứ quái thai của của chế độ cũ, một tờ báo loã lồ và dâm đãng, một tai hoạ cho các gia đình có con trai con gái mới lớn lên. Loạt bài phê bình của Trương Tửu không dâm đãng nhưng ầm ỹ. Loạt bài phê bình ấy tuy cũng chỉ nói đến sáu bảy nhà văn nhưng đều đặt dưới cái nhan đề lớn là “Văn học Việt Nam hiện đại” và trong từng bài dùng toàn những chữ to lớn: Hoàng Ngọc Phách là một nhà tiểu thuyết tâm lý; Khái Hưng là một nhà tiểu thuyết triết học; Nhất Linh là một nhà cải cách xã hội, v.v… Ông Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại quyển tư (tập hạ) nhận xét về các bài phê bình của Trương Tửu có nói: “Ông dùng những lời to tát quá để phát biểu ý kiến về những cái hết sức nhỏ trong một quyển sách. Có thể nói: ông là người dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà”. Lúc bấy giờ là năm 1935, công chúng tư sản và tiểu tư sản còn rất thích Tự Lực văn đoàn. Trương Tửu cũng đề cao các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn. Nhưng mục đích chính không phải là thế. Trương Tửu bắt đầu đề cao Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ là để có thể tiếp theo đó đề cao Lan Khai mà uy tín đối với công chúng lúc bấy giờ không có bao nhiêu nhưng lại là chủ bút báo Loa. Trương Tửu nói đến Lan Khai trong ba số báo liền mà nói đến các nhà văn khác chỉ trong một hai số. Có thể nói đó là chuyến buôn lậu đầu tiên của Trương Tửu.

Kế đó Trương Tửu bước vào làng tiểu thuyết, cũng vẫn với một cái kiểu có thể nói là rất Trương Tửu, nghĩa là rất ầm ỹ, tưởng chừng như có đủ cả xập xoã, thanh la mà thực chất lại là lừa bịp. Ầm ỹ ở những cái nhan đề chỉ nhằm một mục đích là đánh lừa người đọc; nó cùng một loại với cái lối quảng cáo cao đơn hoàn tán ngày trước và cái lối bịa chữ nước ngoài để đặt tên các thứ thuốc mình pha chế, một mánh khoé của bọn đầu cơ vừa bị lôi ra trước toà án. Trương Tửu có viết một cuốn tiểu thuyết nhan đề là Khi chiếc yếm rơi xuống. Thực ra thì đó không phải là một câu chuyện khiêu dâm. Nhưng Trương Tửu đã cố tìm một cái nhan đề cho hợp với khẩu vị đương thời. Ðó là nói nhan đề. Về nội dung lại có một lối lừa bịp khác. Thời bấy giờ là thời Mặt trận Bình dân, phong trào đấu tranh của quần chúng do Ðảng cộng sản Ðông Dương lãnh đạo vang dội đến mọi tầng lớp nhân dân. Trương Tửu vì vậy cũng viết tiểu thuyết nói đến người nghèo, nói đến các vấn đề xã hội. Nhưng vì thiếu chân tình, thiếu thực sự đi vào quần chúng nên tiểu thuyết của Trương Tửu không có giá trị gì. Chẳng những thế Trương Tửu còn khuyến khích những hành động lưu manh. Trong quyển Khi người ta đói (1940), một nhân vật của Trương Tửu tên là Kiệt bênh vực một tên kẻ cắp bị đánh rồi cho nó năm xu và mắng: “Ðồ mọi! Ăn cắp có chiếc đèn xe đạp mà cũng để nó bắt được”. Kiệt lại còn nói thêm: “Lương thiện làm cái gì! Mày có biết những đứa nào ở đời này được gọi là lương thiện không? Những thằng hèn! Những thằng yếu…” [1]

Ðúng là cùng một triết lý với cái kiểu người hùng của Lê Văn Trương. Chúng ta nhớ Trương Tửu đã từng cộng tác với Lê Văn Trương trên tờ Ích hữu. Có thể nói đó là cái triết lý của bọn lưu manh vẫn ngự trị trong xã hội tư sản và trong văn học tư sản như Gooc-ki đã nhận định trong bản báo cáo đọc trước Ðại hội nhà văn Xô-viết lần thứ I. Nhân tiện cũng nên nhớ rằng cái thứ triết lý này sống dai lắm và cho đến gần đây do sự sơ suất của ta nó vẫn còn được tuyên truyền công khai trên sân khấu Hà Nội trong vở Thầy tú.

Nhưng viết tiểu thuyết không được mấy ai chú ý, càng về sau Trương Tửu càng chuyên về lý luận phê bình.

Trương Tửu trong khi viết lý luận phê bình thường muốn tỏ ra thông minh. Nhưng thông minh Trương Tửu chủ yếu là cái thông minh của bọn đầu cơ buôn lậu. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật càng thông minh theo kiểu ấy càng chết. Vô luận sáng tác, biểu diễn hay nghiên cứu, phê bình, điều kiện đầu tiên là phải trung thực. Chúng ta đều biết một cố tật của Trương Tửu là hay trích dẫn sách vở. Trong một xã hội trình độ văn hoá chung rất thấp, cái lối trích dẫn như vậy không phải không có một sức hấp dẫn nhất định. Trương Tửu đã trích dẫn lung tung đủ các thứ sách đông tây kim cổ. Trên cái đà trích dẫn ấy nhiều khi Trương Tửu đã đi lạc hẳn ra ngoài đề. Trong nhiều quyển sách gọi là nghiên cứu văn học, Trương Tửu đã chồng chất một mớ kiến thức lộn xộn về văn học, về sử học, về triết học, về tâm lý học, vơ vét chỗ này một ít, chỗ kia một ít. Tình trạng học vấn của Trương Tửu như vậy, chúng ta không trách Trương Tửu, đó là cái tội của bọn thống trị cũ. Nhưng cái điều không thể nào dung thứ được là cái dụng ý núp đằng sau tên tuổi của người khác uy thế của người khác để loè người đọc, thậm chí để doạ người đọc. Một việc khá điển hình là cái việc Nguyễn Bách Khoa tức Trương Tửu bắt mạch Thuý Kiều, ghi bệnh trạng Thuý Kiều y như một bác sĩ. Một đồng chí trước kia làm việc ở nhà Hàn Thuyên cho biết sở dĩ như vậy là chỉ vì trong bạn bè của Trương Tửu có một người là bác sĩ đã đưa cho Trương Tửu mượn một quyển sách về bệnh thần kinh, Trương Tửu đọc mấy hôm thế là tự nhiên Thuý Kiều thành ra người có bệnh. Về nhân vật Thuý Kiều Trương Tửu viết trong quyển Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943): “Tất cả những triệu chứng ấy (buồn não, lo sợ, hoảng hốt, dễ khóc, dâm đãng, trâng tráo…) đều là những hình thức phát hiện của một thứ bệnh trạng thần kinh mà y học Tây phương gọi là trạng thái u uất (hystérie). Ðó là trạng thái của người con gái đến thời kỳ xuân tình phát động mà hoặc vì thân thể và thần kinh hệ yếu quá, không đủ lực chịu đựng sức tiến triển của cơ quan sinh dục hoặc bị lễ giáo kiềm chế, tính dâm đãng không thực hiện được nên đâm ra người gầy, mắt như có nước trong con ngươi, xanh vàng cả mặt và tay chân. Ở con bệnh, chất máu đỏ bị úa đi, sự tuần hoàn thiếu đều đặn, cơ quan tiêu hoá chậm hoạt động, cơ quan sinh dục luôn luôn náo động trong thời kỳ phát triển. Nó làm cho người khi vui quá độ, khi buồn quá mức, hay hờn dỗi khóc lóc, đêm ngủ thường giật mình tức ngực…”

Có lẽ không có quyển nghiên cứu văn học nào khác mà lại có cái lối phân tích nhân vật lạ lùng như vậy. Lạ lùng hơn nữa là người viết vẫn tự cho mình là nhà phê bình mác-xit biết nghiên cứu văn học theo duy vật lịch sử, theo quan điểm đấu tranh giai cấp. Ngày xưa mà tự nhận như thế cũng đã khó nghe. Thế mà cho đến gần đây Trương Tửu vẫn tự nhận như thế. Trong quyển Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du (1956) Trương Tửu tuy có nói lên một cách chung chung những sai lầm của Nguyễn Bách Khoa nhưng vẫn khẳng định Nguyễn Bách Khoa đã “đặc biệt nhấn mạnh vào quan điểm đấu tranh giai cấp”, đã “cố gắng đi theo ý thức hệ của giai cấp công nhân”. Ði theo hay là đi ngược, một khi Trương Tửu tự tiện gán cho ý thức hệ của giai cấp công nhân những điều kỳ quặc như thế ?

Ðến đây chúng ta thấy rõ cái bản chất huênh hoang bịp bợm của Trương Tửu đã không chịu dừng lại trong phạm vi văn học. Nó đã rất nhanh chóng phát triển sang địa hạt chính trị. Với cái tật cố hữu muốn ăn to mà không cần bỏ vốn, muốn trở thành lãnh tụ, chí ít là thành một lãnh tụ cỏn con mà không cần phải thực sự làm cách mạng, Trương Tửu đã rơi tõm vào cái lối mác-xit sách vở, rồi lại từ đó rơi vào khuynh hướng tờ-rốt-kít. Bởi vì ngay từ hồi bấy giờ, muốn thực sự làm cách mạng thì chỉ có một con đường là đi với Ðảng cộng sản Ðông Dương. Mà đi với Ðảng thì phải thực sự dũng cảm, phải chịu đựng gian khổ, phần lớn lại là những gian khổ âm thầm. Ðiều đó không thích hợp với bản chất Trương Tửu. Trương Tửu bèn giải quyết vấn đề bằng cách tự phong cho mình là cách mạng hơn Ðảng mà không cần phải làm cách mạng. Do đó mà đối với Ðảng có cái thái độ coi thường, khinh miệt, hằn học là chuyện tất nhiên. Lại do đó mà đi đến chỗ biến thành công cụ tự giác hay không tự giác trong tay đế quốc, đó cũng là chuyện cơ hồ đã thành quy luật.

Nhưng trong phạm vi bài này tôi chưa muốn đi sâu vào những hoạt động chính trị của Trương Tửu thời bấy giờ, cũng chưa muốn nói nhiều về những bài của Trương Tửu đề cao Tờ-rốt-ki, đề cao bọn tờ-rốt-kít và đả kích Ðảng trên các báo như Quốc gia, Thời thế. Lúc bấy giờ là lúc Ðảng cộng sản Ðông Dương kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân kể cả tư sản, thành lập Mặt trận Dân chủ để đòi tự do dân chủ, chống phản động thuộc địa. Kế đó phát-xít Nhật tràn vào Ðông Dương, Ðảng lại kêu gọi toàn dân tập hợp trong Mặt trận Việt Minh để đánh Pháp đuổi Nhật. Trương Tửu và bọn tờ-rốt-kít đả kích Ðảng, cho là Ðảng đã đi vào con đường cải lương, con đường dân tộc, không còn là Ðảng cách mạng nữa. Họ đưa ra khẩu hiệu thành lập Mặt trận công nông, có vẻ cách mạng lắm. Nhưng một khẩu hiệu như thế ném ra giữa lúc mọi lực lượng đấu tranh cần phải chĩa vào bọn phản động thuộc địa và bọn phát-xít chính là chia rẽ hàng ngũ cách mạng, đi ngược lại quyền lợi của công nông. Trên thực tế bọn họ đều là bọn phá hoại cách mạng. Ngay trên địa hạt học thuật văn chương, một điều đáng chú ý là giữa lúc Ðảng phát động phong trào đánh Pháp đuổi Nhật, giữa lúc lòng tự hào dân tộc là điều tối cần cho cách mạng thì nhóm Hàn Thuyên do Trương Tửu điều khiển in ra những quyển sách của Nguyễn Tế Mỹ bôi nhọ Hai Bà Trưng, những vị anh hùng dân tộc và quyển sách của Nguyễn Bách Khoa bôi nhọ Truyện Kiều, một giá trị lớn của văn hoá dân tộc. Ðiều nguy hiểm là lại nhân danh chủ nghĩa Mác mà bôi nhọ. Các đồng chí Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong cho biết lúc bấy giờ các chiến sĩ cách mạng của ta trong các nhà tù của đế quốc đã rất lấy làm công phẫn. Tờ báo Giòng sông Công xuất bản bí mật ở trại giam Bá Vân đã phê phán nghiêm khắc hai quyển sách của Nguyễn Tế Mỹ và Nguyễn Bách Khoa. [2]

Tuy vậy, sau khi Hội văn hoá cứu quốc được thành lập trong Mặt trận Việt Minh, nhằm tập hợp mọi nhà văn hoá yêu nước, thể theo tinh thần của Ðảng không muốn bỏ sót một ai, Hội đã cử người đến gặp Trương Tửu. Trương Tửu vẫn nhất định không nghe. Chẳng những thế, có lần Nhật khủng bố, nhiều thanh niên yêu nước bị bắt, bị tra tấn dã man, Trương Tửu không những không chút đau xót mà theo các đồng chí Nguyễn Ðỗ Cung, Bùi Huy Phồn thuật lại, lúc đó Trương Tửu còn có những cái cười gằn khoái chí ý nói: ai bảo dại cho chết!

Cách mạng tháng Tám thành công ngày 19-8-1945. Ba tuần sau, vào ngày 10-9-1945, Trương Tửu xuất bản quyển Tương lai văn nghệ Việt Nam. Trong quyển sách cũng như trong lời tựa hoàn toàn không có lấy một lời nói đến Cách mạng tháng Tám. Trái lại Trương Tửu luôn luôn nói đến “cái hôm nay đen tối và chật hẹp” chính giữa lúc dân ta sau tám mươi năm nô lệ tối tăm đang vùng dậy trong ánh sáng tưng bừng của một thời đại mới. Quan điểm văn nghệ của Trương Tửu trong quyển này là một quan điểm phản động. Trong số các nhà văn, nhà tư tưởng Trương Tửu đề cao, bên cạnh Mác, Ăng-ghen, Lê-nin,
Tôn-stôi còn có cả Man-rô (A. Malraux), Pờ-lit-ni-ê (Charles Plisnier), Ji-đờ (André Gide), Trần Ðộc Tú. Trương Tửu nhắc đi nhắc lại lời Ji-đờ khuyên các nhà văn, nhà nghệ sĩ hãy “gieo rắc vào tâm trí mọi người chất men bất phục tòng và phản kháng”. Phản kháng ai? Phản kháng cái gì? Quan điểm văn nghệ ấy lồng vào trong một quan niệm mơ hồ về thù bạn đã là chuyện nguy hiểm, trong hoàn cảnh cách mạng vừa giành được chính quyền và đang phải đương đầu với thù trong giặc ngoài, với một nạn đói kinh người và đủ các thứ khó khăn thì một quan điểm văn nghệ như vậy rõ ràng là phản động. Cái nguy hiểm là nó lại khoác một cái áo rất cách mạng. Theo Trương Tửu tân văn nghệ phải có bốn yếu là: cách mạng, quần chúng, xã hội chủ nghĩa và khoa học. Tuyệt nhiên Trương Tửu không nói đến yếu tố dân tộc. Ðể thực hiện đường lối văn nghệ ấy, Trương Tửu chủ trương thành lập một đoàn Tân Văn Nghệ không chịu sự lãnh đạo của một đảng nào hết mà chỉ có thể hợp tác với các đảng chính trị “một cách hãn hữu”. Chủ trương về tổ chức này cũng như quan điểm cho văn nghệ là “chất men bất phục tòng và phản kháng” phải đặt nó vào hoàn cảnh hồi tháng 9-1945 mới thấy hết cái tác hại của nó. Giữa lúc Ðảng đang ra sức tập hợp lực lượng của mọi tầng lớp nhân dân chiến đấu với quân thù, một chủ trương như vậy thật là nguy hiểm. Những ý kiến này của Trương Tửu về đường lối văn nghệ, về tổ chức văn nghệ sau này đã hiện lại nguyên hình trong Giai phẩm. Ðó cũng là một điều nên chú ý để thấy nguyên nhân sâu xa của Nhân văn-Giai phẩm. Nguyên nhân ấy dứt khoát không phải là những sai lầm của chúng ta mà chính là những tư tưởng phản động vốn có từ lâu của những người cầm đầu Nhân văn-Giai phẩm.

Trên thực tế, Trương Tửu cũng đã gây nhiều rắc rối cho công tác văn hoá của Ðảng. Giữa chủ trương “cách mạng xã hội” đầu lưỡi của Trương Tửu trong “Uỷ ban Văn hoá Bắc Bộ” và chủ trương văn hoá phục vụ sự nghiệp cứu nước của Hội Văn hoá cứu quốc đã diễn ra một cuộc đâú tranh gay go. Có thể nói Trương Tửu đã ráo riết giành quyền lãnh đạo văn nghệ với Ðảng. Chúng ta đã phải đấu tranh lại về lý luận và cả về tổ chức. Một mặt đồng chí Ðặng Thai Mai trên hai số báo Tiên phong đã phân tích và phê phán những quan điểm của Trương Tửu trong Tương lai văn nghệ Việt Nam. Một mặt Hội Văn hoá cứu quốc đưa ra chủ trương thành lập Uỷ ban vận động Hội nghị văn hoá toàn quốc để đoàn kết toàn thể giới văn hoá. Trương Tửu bị thất bại. Nhưng Trương Tửu vẫn không ngớt đả kích vào sự lãnh đạo văn nghệ của Ðảng, nhất là đả kích cái chủ trương kêu gọi tinh thần yêu nước do Ðảng đề ra. Một năm sau, vào tháng 8-1946, trong quyển Văn hoá và Cách mệnh của Ðoàn xuất bản Việt Nam, Trương Tửu có viết một bài nhan đề là Nhà văn và Cách mạng. Trong bài này, Trương Tửu nhận định tình hình văn học như sau: “Từ tiết ngâu trước đến tiết ngâu này, được mùa Cách mạng thì lại mất mùa văn chương sáng tác”. Nguyên nhân, theo Trương Tửu, là do ba cái phương châm Dân tộc, Khoa học, Ðại chúng. Trương Tửu viết “Từ khi có những khẩu hiệu này thì các nhà văn sáng đã bối rối lại càng bối rối thêm”. Có thật như thế không? Mười năm về sau trong Giai phẩm mùa thu tập II, chính Trương Tửu cũng thừa nhận rằng ba phương châm ấy đã có tác dụng hướng dẫn văn nghệ đi theo con đường đúng. Cố nhiên lúc đó mới giữa mùa thu, Trương Tửu chỉ mới đả kích cán bộ lãnh đạo. Ba tháng sau, trong Giai phẩm mùa đông, Trương Tửu sẽ đả kích cả đường lối lãnh đạo. Trở lại hồi 1945-1946. Lúc bấy giờ chúng ta đặc biệt nhấn mạnh phương châm dân tộc. Ðồng chí Nguyễn Ðình Thi viết trên báo Tiên phong: “Lúc này chỉ văn nghệ cứu nước là văn nghệ cách mạng, lúc này không thể có văn nghệ cách mạng nào ngoài con đường cứu nước”. Trương Tửu kịch liệt đả kích chủ trương này. Trương Tửu viết: “Trong khi phần đông chúng ta chưa kịp nhận thức tất cả nội dung danh từ cách mạng thì nhóm Tiên phong ném ra một lời giải thích độc đoán: sáng tác để cứu nước”. Chủ trương ấy có độc đoán hay không, chủ trương ấy đã có tác dụng đến cách mạng, đến văn nghệ cách mạng như thế nào, thiết tưởng ngày nay mọi người đều đã rõ; thực ra ngay từ lúc bấy giờ mọi người cũng đã rõ, trừ Trương Tửu và một số người như Trương Tửu cố tình không muốn rõ. Trương Tửu cho rằng lúc bấy giờ là lúc phải “tranh đấu phá huỷ chế độ tư bản để xây dựng một trật tự xã hội mới trong đó sẽ hết những sự bất bình đẳng, bất công, bóc lột, đè nén”, nghĩa là phải tiến ngay lên chủ nghĩa xã hội. Giá thử cách mạng chiều theo Trương Tửu, nghĩa là giá thử từ 1945 chúng ta đã làm ngay những việc chúng ta đang làm bây giờ ở miền Bắc như xây dựng mậu dịch quốc doanh, cải tạo công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa v.v… thì tình hình sẽ rối reng như thế nào? Và kết quả cuối cùng sẽ là xây dựng chủ nghĩa xã hội hay khôi phục chủ nghĩa thực dân? Vì giữa lúc Trương Tửu ném ra cái chủ trương tiến ngay lên chủ nghĩa xã hội thì quân đội viễn chinh của Pháp đã gây chiến ở miền Nam và đang hàng ngày khiêu khích chúng ta ngay giữa thủ đô Hà Nội! Trái lại ngày nay trong khi miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, và Ðảng lãnh đạo chúng ta tiến lên chủ nghĩa xã hội thì Trương Tửu lại kêu rằng chúng ta tiến lên nhanh quá!

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong hoàn cảnh khó khăn chung, Ðảng và Chính phủ vẫn hết sức săn sóc, giúp đỡ để Trương Tửu tham gia kháng chiến. Trước áp lực của kháng chiến, những tư tưởng đối địch với Ðảng về văn nghệ và chính trị có bị dồn lại trong con người Trương Tửu, nhưng chưa hề sụp đổ, vì Trương Tửu thiếu tinh thần nỗ lực thật sự để cải tạo mình, thiếu khiêm tốn học tập, thiếu dũng cảm nhận trách nhiệm, tich cực tham gia và đi sâu vào thực tế chiến đấu sản xuất của quần chúng công nông binh. Qua ngôn ngữ, cử chỉ hàng ngày cũng như qua các bài viết, bài giảng, những tư tưởng cũ vẫn bộc lộ khá rõ. Ðồng chí Nguyễn Sơn lúc bấy giờ làm Khu trưởng Liên khu IV đã gọi Trương Tửu là “mượn màu duy vật đánh lừa con đen”. Nhưng kháng chiến càng ngày càng thắng lợi, Trương Tửu dần dần cũng biết điều hơn nhất là từ sau kỳ chỉnh huấn, Trương Tửu có vẻ nhích lại gần Ðảng hơn. Tuy vậy vấn đề tư tưởng trên căn bản vẫn chưa được giải quyết.

Cuối năm 1956, nhân dịp những sai lầm của đồng chí Sta-lin vừa được Ðảng Liên xô phát hiện và những sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức vừa được Ðảng ta phát hiện, các thế lực phản động từ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đến những phần tử phản động trong giai cấp tư sản lợi dụng thời cơ tấn công điên cuồng vào Ðảng ta trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá. Những lúc như lúc ấy, người cán bộ đã tự nguyện phấn đấu cho cách mạng dưới lá cờ của Ðảng càng phải gắn bó với Ðảng, cành phải ra sức bảo vệ Ðảng. Ðó là thái độ của tuyệt đại đa số những đồng chí bị quy oan trong cải cách ruộng đất. Vừa được trả lại tự do, mặc dầu trong lòng còn nhiều ấm ức chua xót, các đồng chí ấy đã dứt khoát đứng vào vị trí chiến đấu, kiên quyết bảo vệ thành quả của cách mạng, chống lại bọn phá hoại và ra sức giải thích, thuyết phục để bảo đảm sản xuất, ổn định nông thôn. Người xưa cũng đã từng nói “Gia bần tri hiếu tử”. Thái độ của Trương Tửu thì khác hẳn. Nhân lúc Ðảng gặp khó khăn, toàn bộ con người cũ của Trương Tửu lại vùng dậy hung hăng hơn bao giờ hết! Uất ức vì bị chính nghĩa của cách mạng dồn ép, thái độ của nó lúc này là một thái độ phục thù. Giọng nói của nó là một gịong nói hằn học. Cùng một kiểu với các loại “con người” vùng dậy trong đám Nhân văn-Giai phẩm và có lẽ còn ở một một mức độ cao hơn đa số những “con người” kiểu ấy, nó cũng đòi được “làm người” được “là mình” nghĩa là được đả kích Ðảng tiền phong và chính quyền cách mạng. Trong ba tập Giai phẩm liên tiếp nó đả kích thậm tệ vào toàn bộ cán bộ đảng phụ trách công tác văn nghệ, phủ nhận tính chất mác-xit, tính chất vô sản của Ðảng. Vẫn một lối huênh hoang và bịp bợm cũ, nó làm như chỉ có nó mới là triệt để cách mạng. Một mặt nó bóp méo, bịa đặt sự việc để vu khống. Ví dụ nó dựng đứng lên rằng đồng chí Tố Hữu đã chỉ thị bỏ hết tranh tĩnh vật trong triển lãm mỹ thuật 1955, mặc dầu trong triển lãm ấy rõ ràng vẫn có tranh tĩnh vật của Trần Mạnh Tuyên và Hữu Thanh. Một mặt khác nó xuyên tạc lời nói của các lãnh tụ. Nó trích dẫn lời Mác đả kích chính quyền phản động cũ để gián tiếp đả kích chính quyền ta. Lê-nin nêu nguyên tắc sự nghiệp văn học phải thành “một bộ phận trong toàn bộ sự nghiệp của giai cấp vô sản, phải thành một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong bộ máy cách mạng. Kế đó Lê-nin nhắc đến đặc điểm của văn học khiến văn học không thể rập khuôn với những bộ phận khác trong sự nghiệp Ðảng của giai cấp vô sản. Nhưng sau khi nhắc đến đặc điểm của văn học, Lê-nin lại chỉ rõ những đặc điểm ấy không lật đổ được nguyên tắc đã nêu trên kia là sự nghiệp văn học nhất định phải là một bộ phận công tác của Ðảng gắn chặt với các bộ phận khác. [3] Trương Tửu không hề nhắc đến phần đầu và phần cuối trong đoạn văn này mà tách riêng cái câu nói về đặc điểm, nêu câu ấy lên làm tiêu đề và nhắc đi nhắc lại, làm như đó là phần chính trong ý kiến Lê-nin.

Song song với cái lối dựng đứng, vu khống ấy, cái lối trích dẫn gian dối ấy, Trương Tửu ra sức phỉnh nịnh văn nghệ sĩ, biến văn nghệ sĩ thành một thứ người trời cực kỳ sáng suốt và kích thích các thứ tư tưởng và hoạt động vô chính phủ bằng cách đề cao cái “dũng cảm” đả kích vào Ðảng, vào chế độ.

Cố nhiên những tư tưởng đối địch với Ðảng ấy đều được dán cái nhãn hiệu suông là “thừa nhận sự lãnh đạo của Ðảng” theo quy luật chung của tất cả các thứ hàng lậu. Với tất cả những mưu mô ấy Trương Tửu cũng định kiếm chác một chuyến, may ra lật đổ được cái tổ chức của Ðảng trong văn nghệ, giành lấy quyền lãnh đạo, trở nên một thứ lãnh tụ văn nghệ và nếu thời cơ thuận tiện hơn nữa, nó sẽ còn kiếm chác hơn nữa, biết đâu…

Song như chúng ta biết, mọi việc đã không diễn ra theo ý định của Trương Tửu. Mặc dầu Ðảng có sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, các tầng lớp nhân dân trước hết là các tầng lớp công nông binh đông đảo, đều thấy không thể lẫn lộn bản chất những sai lầm của Ðảng với những tội ác của quân thù, đều thấy uy tín của Ðảng, lực lượng của Ðảng là cái vốn quý nhất của toàn dân. Ðiều đó đã được chứng thực trong hơn một phần tư thế kỷ và là một bảo đảm chắc chắn cho tương lai. Lòng tin tưởng sâu sắc ấy của các tầng lớp nhân dân đã bẻ gãy những mưu toan tối tăm của các thế lực phản động.

Song cũng như những phần tử khác cầm đầu Nhân văn-Giai phẩm, Trương Tửu không hề tỉnh ngộ trước những lời cảnh cáo nghiêm khắc của Ðảng và nhân dân. Trương Tửu vẫn tiếp tục phá phách ở Ðại học, tiếp tục gieo nọc độc vào tư tưởng sinh viên, gây đủ thứ khó khăn cho lãnh đạo và để đạt được mục đích phá hoại ấy, Trương Tửu đã không từ chối cả những thủ đoạn đê hèn như gian lận trong việc chấm thi để cố làm cho Phùng Quán trúng tuyển vào Ðại học. Việc này báo Hà Nội hằng ngày đã từng vạch rõ.

*

Chúng ta đã thấy ngay từ đầu, Trương Tửu đã mang vào trong văn học các ngón sở trường của bọn gian thương. Cho nên mặc dầu có chút thông minh, mặc dầu thỉnh thoảng có một hai điều khám phá, nhất định Trương Tửu không thể tạo nên được những gì có giá trị chân chính. Bước sang địa hạt chính trị, Trương Tửu vẫn không ngừng phát triển những ngón sở trường ấy. Do đó trong các hoạt động văn học về sau, Trương Tửu lại càng thiếu trung thực, càng tìm mọi cách xoay xở.

Có thể nói một đặc điểm của Trương Tửu là thái độ lật lọng đến mức vô liêm sỉ. Trong các vấn đề văn học thực ra thay đổi ý kiến cũng là chuyện thường xảy ra và nếu có những ý kiến không đúng về một nhà văn, một tác phẩm thì cũng cần phải thay đổi. Nhưng đối với một bài văn, một bài thơ chúng ta thích, nó cũng như đối với một người yêu. Dầu biết là người ấy có vấn đề cần phải cắt đứt thì cũng là chuyện đứt ruột đi. Chúng ta hãy nhớ lại câu chuyện phim Liên-xô Người thứ 41. Gỡ mình cho thoát cái ám ảnh của một câu thơ có khi cũng ray rứt như vậy. Ðằng này với Trương Tửu, thay đổi ý kiến y như chuyện trở bàn tay. Nói ngược cũng được, nói xuôi cũng được, miễn nói ngược hay nói xuôi đều phải phục vụ cho cá nhân Trương Tửu, cho những mưu đồ chính trị phản động của Trương Tửu.

Năm 1935, Trương Tửu hết lời đề cao Tự Lực văn đoàn để tự đề cao mình và đề cao Lan Khai. Nhưng liền sau đó và nhất là trong Mùa gặt mới số 2 năm 1940 Trương Tửu lại chuyển sang đả kích Tự Lực văn đoàn kịch liệt. Trong chỗ đả kích cũng có những ý kiến đúng, nhưng động cơ không phải là vì chân lý mà vì muốn tỏ ra mình là người triệt để cách mạng, triệt để chống tư sản, không “cải lương” như Ðảng cộng sản Ðông Dương.

Ðối với Truyện Kiều và Nguyễn Du cũng một sự tráo trở như vậy. Trước kia Trương Tửu đã mạt sát Nguyễn Du không còn tiếc một lời nào. Trương Tửu đã từng viết: “Một xã hội ốm, một đẳng cấp ốm, một cá tính ốm, tất cả Truyện Kiều là ở đó”; “Ðó là một sinh hoạt cằn cỗi và xáo loạn, một tư tưởng nhát hèn và uỷ mị, một tâm lý tuỳ thời và ích kỷ, Truyện Kiều là kết tinh của ba yếu tố suy đồi ấy”; “Truyện Kiều là một kết tinh phẩm của một chặng đường suy đồi nhất trên trường kỳ tiến hoá của cá tính Việt Nam”. Nghĩa là ngược hẳn lại những điều Trương Tửu sẽ khẳng định sau này trong quyển Truyện Kiều và thời đại Nguyễn Du: “Nguyễn Du tin ở con người tin ở tài năng và tình cảm tin ở ngày mai. Nguyễn Du tin rằng con người thắng được mệnh, đổi được nghiệp bằng sức lực bản thân mình. Mặc dầu là tiếng đoạn trường, Truyện Kiều chủ yếu vẫn là một tiếng nói lạc quan”; “Truyện Kiều là bức tranh trung thành của thời đại Tây Sơn, tiếng nói trung thành của quần chúng nhân dân đã làm ra phong trào Tây Sơn…”; “Nguyễn Du đã ghi lại được quá trình thành bại của phong trào quần chúng vĩ đại ấy với tất cả những quy luật lịch sử chi phối nó”; “Truyện Kiều … có một ý nghĩa cách mạng”; “Truyện Kiều… có ý nghĩa và tác dụng như một hành động chính trị phản kháng quyết liệt, táo bạo. Ðó là tiếng hò vang chiến đấu hậu vệ của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn thét vào mặt bọn vua quan cường hào nhà Nguyễn đang hì hục tìm cách thủ tiêu mọi di tích của phong trào ấy”.

Ðây chưa phải là nhận định về Truyện Kiều, nhưng hiển nhiên là mạt sát Truyện Kiều như Trương Tửu là không đúng mà tâng bốc Truyện Kiều như Trương Tửu cũng không đúng.

Tại sao lại có sự thay đổi hẳn đi như vậy? Lúc này là năm 1955, chúng ta vừa mới tiếp quản Hà Nội, tiếng vang của Ðiện Biên Phủ còn rất lớn; đối với cách mạng, giai cấp tư sản chưa có những phản ứng mạnh. Trương Tửu nghĩ rằng đi với Ðảng thì kiếm chác được khá hơn. Trương Tửu viết quyển này là một số ý kiến của đồng chí Trường Chinh phát biểu trong một buổi toạ đàm thân mật. Ðại ý đồng chí Trường Chinh nói: từ lâu nông dân ta vẫn rất thích Truyện Kiều, vậy Truyện Kiều có cái gì mà khiến nông dân thích như thế, chúng ta nên chú ý điều đó. Trương Tửu viết: “Câu nói giản dị mà sâu xa của ông Trường Chinh đã vạch ra cái hướng tìm hiểu Truyện Kiều đúng nhất, căn bản nhất”. Tiếp thu ý kiến của đồng chí Trường Chinh là đúng nhưng vì thiếu thật thà và theo thói thường xưa nay của Trương Tửu là cứ muốn tố thêm vào, muốn thổi phồng lên, Trương Tửu đã đi đến chỗ xem Truyện Kiều là bức tranh ghi lại trung thành cuộc khởi nghĩa Tây Sơn “với tất cả những quy luật lịch sử chi phối nó”, là “tiếng hò vang chiến đấu hậu vệ” vân vân… Một điều cũng đáng chú ý là chỉ mấy tháng sau khi xuất bản quyển sách này, trong đó Trương Tửu hết lời ca tụng Ðảng, ca tụng đồng chí Trường Chinh, là Trương Tửu đã chuyển giọng sang đả kích Ðảng, đả kích đồng chí Trường Chinh trong Giai phẩm.

Bởi vì theo Trương Tửu thì tình hình đã biến chuyển; đầu năm 1956 là một thời, đến giữa năm 1956 lại là một thời khác và lúc này mới thật là cái thời Trương Tửu. Cũng vì vậy cho nên đầu 1956, theo một số anh em ở Ðại học cho biết, Trương Tửu vẫn bảo Trần Dần với nhóm Gia phẩm mùa xuân là “một lũ đang đi tìm cái chết ngu xuẩn, điên cuồng, đẻ ra cái quái thai trong xã hội Việt Nam, một cái mà nghìn đời người ta sẽ còn chửi”. Và Trương Tửu khoe với người chung quanh rằng khi có người rủ Trương Tửu nhập bọn, Trương Tửu không những từ chối mà còn “chửi cho một trận”. Trương Tửu chửi thật hay chửi vờ. Thật khó mà biết. Chỉ biết mấy tháng sau, Trương Tửu không những nhập bọn với Trần Dần mà còn đi xa hơn Trần Dần trên con đường đối địch với Ðảng. Vì sao vậy? Rõ ràng không có lý do nào khác ngoài cái lý do “bỉ nhất thời, thử nhất thời” mà Phan Khôi đã nâng lên thành triết lý.

Cũng một cái lối lật lọng tráo trở, đổi trắng thay đen ấy trong việc giảng dạy ở Ðại học, năm sau giảng mâu thuẫn với năm trước, nhưng bao giờ cũng có những lý lẽ rất hùng hồn và Trương Tửu không hề một lần nào đính chính. Trước khi Nhân văn ra đời Trương Tửu trong khi giảng dạy vẫn đề cao Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố. Nhưng đến năm sau thì không nhắc đến Ngô Tất Tố mà lại nhấn mạnh tính chất lạc hậu của Nguyễn Công Hoan. Cũng chỉ bởi một lý do là Trương Tửu đã trắng trợn trở về con đường đối địch với Ðảng mà Nguyễn Công Hoan và Ngô Tất Tố lại là những đảng viên. Hồi sau này Trương Tửu chỉ đơn thuần đề cao Vũ Trọng Phụng, đề cao đến độ xem Vũ Trọng Phụng là sáng suốt hơn Ðảng. Vũ Trọng Phụng có sáng suốt hơn Ðảng không? Chúng ta đều rõ Vũ Trọng Phụng tuy có đạt được những thành công nhất định nhờ sức vang dội của phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Ðảng nhưng Vũ Trọng Phụng còn có những cái nhìn rất lầm lạc về bọn thực dân là kẻ thù chính của dân tộc và về nhân dân lao động là lực lượng chính của cách mạng.

Khi tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu mới in ra, trong một buổi họp ở Ðại học, Trương Tửu nhiệt liệt đề cao, Trương Tửu nói trên một tiếng đồng hồ. Những anh chị em ngồi nghe tuy đều là người rất thích thơ Tố Hữu nhưng thấy Trương Tửu đề cao quá đáng cũng ngường ngượng. Ðồng chí Hoàng Xuân Nhị đã phải phát biểu uốn nắn lại, đại ý nói thơ Tố Hữu rất hay nhưng có lẽ chưa nên gọi là anh hùng ca của dân tộc. Trương Tửu đã từng tặng đồng chí Tố Hữu một quyển sách của Trương Tửu về Truyện Kiều, trong lời đề tặng Trương Tửu gọi đồng chí Tố Hữu là “người kế tục sự nghiệp của Nguyễn Du”. Nhưng chẳng mấy chốc Trương Tửu lại viết một bài dài gửi cho toà soạn tập san Ðại học sư phạm chỉ trích rất gay gắt tập thơ của Tố Hữu!

Có người nhận định rằng Trương Tửu là duy tâm chủ quan về văn học và cơ hội về chính trị. Chúng ta có thể nói một cách giản đơn hơn: Trương Tửu là một tay bịp cả về văn học lẫn chính trị. Trương Tửu đã dùng chính trị và nhất là văn học làm những thủ đoạn đầu cơ kiếm chác, do đó không thể nào không đi vào con đường mác-xít giả hiệu nó cũng là con đường tờ-rốt-kít, con đường phản cách mạng. Trương Tửu đã gây tác hại cho cách mạng, cho văn học cách mạng. Ðảng không phải không nhìn rõ cái thực chất ấy của Trương Tửu. Nhưng Ðảng không hề có thành kiến. Trên tinh thần nhân đạo chủ nghĩa cộng sản, Ðảng đã hết sức cứu Trương Tửu ra khỏi bùn nhơ, thân ái phê bình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Trương Tửu phục vụ cách mạng. Nhưng Trương Tửu luôn luôn muốn trở về con đường cũ. Trong đợt học tập và đấu tranh hiện nay, một lần nữa Ðảng lại chỉ cho Trương Tửu thấy cái nguy cơ của con đường cũ, không dứt khoát,không thực thà từ bỏ nó đi thì vĩnh viễn làm hư hỏng cả cuộc đời. Liệu rồi Trương Tửu có tỉnh lại hay không? Dầu sao cuộc đời đang chuyển mạnh sang những chân trời mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Những thói đầu cơ kiếm chác trên lĩnh vực chính trị và văn học cũng như trên lĩnh vực buôn bán kinh doanh, dầu khôn khéo đến đâu, tài tình đến đâu cũng không cách gì tồn tại được nữa. Làm văn học hay vô luận làm gì cũng chỉ một con đường là phải trung thực, phải thật thà đi với Ðảng, ngoài ra không còn con đường nào khác.

Nhưng vô luận thái độ Trương Tửu như thế nào, đã đến lúc trường Ðại học và các cơ quan văn học nghệ thuật, những trung tâm văn hoá của chúng ta trong cả nước, phải chặn lại không cho Trương Tửu được tự do truyền bá những tư tưởng phản động, những tác phong đồi bại. Không thể nào coi nhẹ tác động nguy hại của tư tưởng Trương Tửu. Bản chất tờ-rốt-kít của nó khiến nó có sức hấp dẫn đối với những đầu óc “yêng hùng” vốn bạc nhược, vốn ngại gian khổ, trốn trách nhiệm, nhưng lại huênh hoang khoác lác, muốn tự phong cho mình là cách mạng hơn Ðảng, cộng sản hơn Ðảng và từ đó đi dần vào con đường chống Ðảng, chống chủ nghĩa xã hội. Báo Nhân dân từng vạch rõ Lời mẹ dặn của Phùng Quán chỉ là lời “mẹ mìn” Trương Tửu. Những câu thơ ầm ỹ của Trần Dần, Lê Ðạt, các kiểu kêu gào hùng hổ Hãy đi mãi, Bay cho cao! Bay cho xa! Bên cạnh những lời vu khống chế độ chúng ta, nào cuộc sống hàng ngày nhí nhách, nào công thức xỏ giây vào mũi, cũng đều sặc mùi tờ-rôt-kít. Loại nọc độc này rất dễ nhiễm mà lại rất khó trừ. Nó không phải chỉ đưa người ta đến chỗ ngông cuồng mà còn có thể đưa người ta vào con đường tội lỗi. Chúng ta không thể nào để cho họ tiếp tục đầu độc công chúng nhất là đầu độc lớp thanh niên yêu quý của chung ta.



[1]Trích theo Vũ Ngọc Phan (nguyên chú của Hoài Thanh)
[2]Xem Chống quan điểm phi vô sản về văn nghệ và chính trị, Nhà Sự Thật xuất bản (nguyên chú)
[3]Xem cả đoạn văn này của Lê-nin trong quyển Tổ chức của Ðảng và văn học Ðảng, nhà xuất bản Sự Thật (nguyên chú )
Nguồn: Tạp chí Văn nghệ, số 11 (tháng 4 năm 1958)