trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
20.3.2007
Nhật Tiến
Phong trào Nhân văn-Giai phẩm và Giải thưởng Nhà nước: Nhìn dưới góc người đọc
 
Tôi được biết tới bốn chữ Nhân văn-Giai phẩm ngay từ cuối thập niên 50, khi Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hoá cho phát hành cuốn Trăm hoa đua nở trên đất Bắc (Sài Gòn, 1959) của học giả Hoàng Văn Chí, người cũng là trưởng ban biên tập của Mặt trận này. Kể từ năm 1954, sau hơn bốn năm bị hoàn toàn xa lìa mọi thứ tin tức của miền Bắc, tác phẩm kể trên đã được hầu hết giới văn nghệ ở miền Nam đón nhận nồng nhiệt, hầu như ai cũng đọc, ai cũng có thể ghi gói một đôi điều có thể kể lại về biến cố văn học này. Hơn thế nữa, nhiều đoạn thơ, văn của văn nghệ sĩ miền Bắc tham gia phong trào này cũng đã được giới văn nghệ trẻ chúng tôi thời đó truyền tụng, nhắc nhở, và trong lòng mỗi người không khỏi dấy lên nỗi niềm ngậm ngùi, xót xa, có khi cả căm giận. Xin nhắc lại đây vài đoạn như những kỷ niệm sâu đậm của thế hệ chúng tôi vì mỗi khi tụ họp nhau bàn tán chuyện văn nghệ, đề tài phong trào Nhân văn-Giai phẩm thường hay được nhắc tới:

Làm sao cũng chẳng làm sao
Dẫu có thế nào cũng chẳng
làm chi,
Làm chi cũng chẳng làm chi
Dẫu có “việc gì” cũng chẳng
làm sao

(Phan Khôi)

(Vào thời Nhân văn-Giai phẩm bị đàn áp, các văn nghệ sĩ mỗi sáng ra, cứ hỏi nhau: “tao có việc gì không?”, hiểu theo nghĩa “tao có bị gì không?”.)

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi
Càng sống càng tồi
Càng sống càng bé lại.

(Lê Đạt)

Tôi ở phố Sinh Từ
Những ngày ấy bao nhiêu
thương xót
Tôi bước đi
không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trền mầu cờ đỏ

(Trần Dần)

Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Ði trọn đời trên con đường chân thật
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi cũng muốn làm nhà văn chân thật
chân thật trọn đời
Ðường mật công danh không
làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá

(Phùng Quán)

Dưới mắt tôi, và có thể là với hầu hết anh chị em văn nghệ sĩ miền Nam ở thời điểm đầu thập niên 60, thì những tên tuổi Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán, Lê Ðạt, Hoàng Cầm... đều là những người cầm bút hào hùng, dũng cảm, khi võ khí trong tay họ chỉ có tâm huyết và ngòi bút mà dám đứng lên đương đầu với cả một guồng máy đang ra sức tiến hành một chế độ toàn trị mệnh danh là “chuyên chính vô sản”.

Mấy chữ “chuyên chính vô sản” vào thời điểm ấy chưa gây đủ trong đầu óc tôi một ấn tượng sâu sắc nào. Nhưng kể từ sau năm 1975, khi có dịp tham gia sinh hoạt đời sống xã hội ở miền Nam, tôi mới thấy thấm thía những đoạn thơ văn mà mình đã có dịp đọc từ mười lăm năm trước đó. Thí dụ:

Giết, giết nữa, bàn tay
không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt,
thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng
rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin
bất diệt..

(Tố Hữu)

Anh em ơi ! Quyết chung lòng
Ðấu tranh tiêu diệt tàn hung, tử thù
Ðịa hào, đối lập ra tro
Lưng chừng phản động
đến giờ tan xương
Thắp đuốc cho sáng khắp đường
Thắp đuốc cho sáng đình làng
đêm nay
Lôi cổ bọn nó ra đây
Bắt quỳ gục xuống,
đọa đầy chết thôi.

(Xuân Diệu)

Ðánh giá nội dung những bài thơ kiểu này, thật không có từ ngữ nào khác hơn là “sắt máu”. Cho nên, khi dũng cảm đứng lên giữa khung cảnh sặc mùi sắt máu như thế, những văn nghệ sĩ tham gia phong trào Nhân văn-Giai phẩm không thể không được coi là những anh hùng.

Rồi thời gian trôi qua hàng nhiều thập kỷ. Chế độ toàn trị ở Việt Nam cũng đã có nhiều thay đổi. Trong khung cảnh cả nước rũ bỏ thời kỳ bao cấp u mê, rị mọ để tiến vào nền kinh tế thị trường có định hướng XHCN, thì dư âm của phong trào Nhân văn-Giai phẩm cứ ngày một mờ nhạt đi và tội ác do những tên tuổi như Trường Chinh, Tố Hữu, Xuân Diệu v.v... từng gây đau khổ, khốn cùng cho biết bao nhiêu gia đình văn nghệ sĩ mặc nhiên coi như xí xoá. Và những con người vì tự do cầm bút như Phan Khôi, Phùng Cung, Trần Dần, Phùng Quán, gần đây nhất là Nguyễn Hữu Ðang thì cứ theo nhau qua đời trong âm thầm, lặng lẽ.

Tình trạng như thế, nếu cứ kéo dài thì vẫn phải kể là Ðảng Cộng sản Việt Nam còn mắc với riêng văn nghệ sĩ miền Bắc và những độc giả của họ một món nợ. Ðó là món nợ tinh thần, thâm sâu và oan nghiệt vì đã vùi giập và triệt tiêu biết bao nhiêu tài hoa văn chương của đất nước.

Món nợ ấy ai đứng ra đòi, bao giờ đòi và đòi cách nào thì theo sự nổi trôi của vận nước, nó chỉ được mặc nhiên coi như xếp chung vào cùng danh sách những món nợ tinh thần khác, còn to lớn hơn, oan nghiệt hơn, liên hệ đến nhiều tầng lớp khác nhau của con người hơn.


*


Bất chợt, ngày 13 tháng Hai năm 2007 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ra quyết định tặng “Giải thưởng Nhà nước cho các tác giả có tác phẩm hay, công trình văn học nghệ thuật giá trị cao, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc”.

Bốn người thuộc nhóm Nhân văn-Giai phẩm nằm trong danh sách được giải là Trần Dần, Phùng Quán, Lê Ðạt và Hoàng Cầm. Hai ông Trần Dần và Phùng Quán thì đã mất, còn lại hai ông kia thì đều tỏ ra hoan hỉ nhận giải, trị giá một bằng khen và 60 triệu đồng tiền Việt.

Theo nguồn tin ngoài hành lang thì việc quyết định trao giải cho bốn người kể trên là một quyết định đơn phương của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Ông không thông qua sự bàn thảo của Bộ Chính trị và văn bản quyết định trao giải là một văn bản riêng biệt, tách rời. Ðiều này đúng hay sai, kể ra cũng khó kiểm chứng mà cũng chẳng cần thiết phải kiểm chứng vì đó là chuyện nội bộ của giới lãnh đạo ở Việt Nam hiện nay. Vấn đề đáng nói là khi đem so sánh thái độ của giới cầm quyền đối với phong trào Nhân văn-Giai phẩm trong những giai đoạn khác nhau kể từ trước tới nay, thì ta thấy việc trao giải thưởng bây giờ là một bước tiến hơn hẳn.

Tiến hơn hẳn là vì “cấp độ ứng xử” đối với những nhân sự liên hệ tới NVGP đã ngày một được tha thứ hơn, bao dung hơn và nay thì sự bao dung đã lên tới đỉnh điểm. Tiến trình thay đổi này có thể liệt kê đại khái như sau: Trước tiên là đàn áp dữ dội, bắt bớ, tù đầy, cho đi lao động cải tạo; sau đó cho về nhưng không cho cầm bút trở lại; rồi tới mức trả lại hộ tịch Hội viên Hội Nhà văn, cung cấp công ăn việc làm hay cho lãnh lương hưu; và nay thì tới việc trao Giải thưởng Nhà nước cho bốn nhân vật tiêu biểu của phong trào này.

Tuy nhiên nhìn lại những giai đoạn trong tiến trình kể trên, thì kể từ lúc giới lãnh đạo quyết định thả cho các đương sự được trở về từ những nông trường lao động hay các nhà tù, cho đến khi tuyên bố trao giải, biến cố NVGP mặc nhiên bị nhấn chìm, không ai được phép công khai nhắc tới, dẫu rằng nó đã mang theo nhiều cuộc đời tan nát, nhiều dấu ấn bôi nhọ, sỉ nhục mà giấy trắng mực đen vẫn còn đó.

Lịch sử là một tập hợp của nhiều dữ kiện đã xẩy ra trong quá khứ. Nó đâu có phải mảnh giấy vô tri sẵn sàng để bị đem ra vo tròn, bóp méo.

Khi nhận tin được giải, nhà thơ Lê Ðạt đã tiết lộ với phóng viên VietNamNet rằng ông Ðỗ Chu (một thành viên của Hội đồng Giải thưởng chuyên ngành Văn học) có phát biểu rằng: “Có thể cho đây là lời xin lỗi của anh em đối với các anh.”

Có thực rằng việc trao giải này đã là một lời xin lỗi?

Ðiều này hoàn toàn không minh bạch vì nội dung của bản công bố trao giải không hề nhắc tới mấy chữ Nhân văn-Giai phẩm. Thậm chí trong tang lễ nhà văn hoá Nguyễn Hữu Ðang (10-2-2007), giữa lúc thân nhân, bạn bè đau thương tiễn biệt người quá cố đến nơi an nghỉ cuối cùng, thì đại diện của cơ quan văn hoá nhà nước vẫn còn nói trước linh cữu rằng: “mặc dù anh đã mắc phải sai lầm...”

Một hành động của đại diện cơ quan văn hoá nhà nước trong một đám tang như thế không những biểu lộ sự “thù dai” mà còn mang tính chất “vô văn hoá”.


*


Thế thì ý nghĩa của việc trao giải là “Chúng tôi xin lỗi các anh” hay là “Chúng tôi tha thứ lỗi lầm của các anh?”

Câu trả lời tùy theo quan điểm của mỗi cá nhân, nhưng những người đã nhắm mắt lìa đời, vốn từng mang khẩu khí như: “Ðường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi, sét nổ trên đầu không xô tôi ngã. Bút giấy tôi ai cướp giật đi. Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá“ thì việc trao giải này có làm cho họ được ngậm cười nơi chín suối chăng?

Ðó là ta chưa mở rộng thêm vấn đề “người cầm bút đối xử với chính người cầm bút”, ngoài sự đối xử của giới lãnh đạo với phong trào NVGP.

Nhờ nỗ lực bền bỉ của nhóm chủ trương mạng lưới toàn cầu talawas, mà hầu như toàn bộ hồ sơ về Nhân văn-Giai phẩm đã được phơi bầy ra ánh sáng. Người đọc vì thế có cơ hội nhìn sâu vào đủ mọi khía cạnh của vấn đề, trong đó một phần không thể bỏ qua là những bài viết của chính giới cầm bút đã ùa lên tố cáo, vu khống, mạt sát đồng nghiệp của mình. Xin tạm trích vài đoạn:

Cũng như những loại vi trùng kinh niên quen chống đỡ với các loại thuốc sát hại chúng, bệnh cá nhân vô chính phủ trong con người Lê Ðạt ngày càng tinh vi, “khôn ngoan”, luôn tìm cách lẩn tránh hoặc ngụy trang dưới hình thức này hay hình thức nọ để lừa phỉnh mọi người. Dán một cái nhãn hiệu “yêu thương nhân dân, yêu thương giai cấp”, thơ văn của Lê Ðạt đã bộc lộ rõ rệt tư tưởng của một kẻ khinh quần chúng, muốn tỏ ra mình tài giỏi, có khả năng lãnh đạo quần chúng mà không được Ðảng tin dùng.” (Xuân Hoàng)

“Sự giảng dạy của Trần-Ðức-Thảo giống như một thứ thuốc phiện, nó làm giảm sút, thậm chí tiêu diệt nhuệ khí, nhiệt tình và lòng tin của nhiều sinh viên, phát triển cái “chất” hoài nghi trong con người cũ của một số sinh viên.” (Khắc Thành)

“Trần Dần đã nấp dưới chiêu bài “chống công thức”, “đi tìm cái mới”, chỉ huy cái bào thai Nhân văn-Giai phẩm trong quân đội, kéo bè kéo cánh đả kích lãnh đạo và tụ tập nhau đề ra cái gọi là “chính sách về văn nghệ trong quân đội”, công khai và trắng trợn đòi “văn nghệ phải độc lập với chính trị”, “trả quyền lãnh đạo văn nghệ cho văn nghệ sĩ”. (Huy Vân)

Bọn thù địch của chế độ giật quả mìn phá hoại đầy hơi xú uế: Nhân văn số 1 ra đời, Dần khi đó vẫn còn ở bộ đội, gian ngoan lúc đầu còn làm ra vẻ đứng ngoài. Nhưng chính Dần đã thông qua bài “Con người Trần Dần” của Hoàng Cầm viết. Báo ra bị quần chúng phản đối. Biết khó khăn, trước số 2 Nhân văn, Dần bảo Lê Ðạt bằng một câu rất phản động: “Nhảy vào đi! Mày làm như Các Mác với Ba-lê công xã ấy (!)Biết là thất bại, cũng vào mà giảm bớt thất bại đi!”. Nhân văn ra số 3, Dần cùng vợ mang báo đi bán, coi như một “nghĩa cử”. Lúc này, thấy không cần ném đá giấu tay nữa, Dần ra mặt hoạt động, nhảy đến họp Nhân văn, nhảy đến nhà in chữa bài. Quần chúng ngày càng phẫn nộ. Biết Nhân văn sắp phải đóng cửa, Dần chủ trương “đánh vớt vài đòn”. Dần ném vào số 4 bài “Không có lý gì không tán thành trăm hoa đua nở” đòi Ðảng phải để cho bọn Dần được tự do đưa ra quần chúng những sáng tác chống Ðảng, chống chế độ, chống nhân dân. Và Dần ném vào số 6 giẫy chết một bản dịch về hội họa Ba Lan nhằm nói “Ðảng lãnh đạo nghệ thuật là đưa đến bế tắc nghệ thuật”. (Hữu Mai)

Phan Khôi ăn lương thân sĩ, cơm rượu ngày hai bữa, làm “thơ luân lưu” chửi Ðảng, chửi chế độ. Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Ðạt cuộn khúc trong các tổ chức văn học, rèn một loạt “dao hai lưỡi”, nung nấu chí phục thù, khiêu khích, chia rẽ, đánh kéo những phần tử yếu bóng vía. Trong tình hình nghiêm trọng ấy, đáng nhẽ chúng ta phải nêu khẩu hiệu: “Quét sạch tư tưởng thù địch của nhóm Nhân văn-Giai phẩm” thì có người lại kêu gọi: “Sáng tác trước hết, sáng tác trên hết, lấy sáng tác mà đấu sáng tác. Ðảng nói: “Cách mạng vô sản phải do Liên Xô đứng đầu, lãnh đạo”. Họ nói: “Sùng bái, đầu óc nô lệ, ta theo con đường của ta”. Nhưng khi giai cấp tư sản phát ngôn: phải chiếu cố tư sản, phải để các xu hướng nghệ thuật tự do phát triển, không nên quá tin ở Liên Xô, thì nhất nhất họ đều khen: - đúng, hay, phải, ý kiến độc đáo! - Thế nghĩa là gì? Ðảng là một tập thể sáng suốt nhất bảo họ, họ không nghe, nhưng khi bọn tư sản là giai cấp phản động, thối nát (trên lý luận họ cũng biết như thế) bảo họ những điều rất nghịch tai thì họ tin ngay lập tức, không hoài nghi một chút nào. Chẳng qua cái tâm của họ vẫn là cái tâm tư sản.” (Nguyễn Khải)

Một đồng chí văn nghệ sĩ Nam Bộ đã kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện sau đây. Một hôm, bọn Mỹ-Diệm đem báo Nhân văn ra dán ở một đầu phố Sài Gòn nhằm dụng ý để cho đồng bào miền Nam đọc, “biết tình hình Việt cộng ở miền Bắc đen tối như thế nào!”. Một chị đứng đọc hồi lâu rồi không giữ nổi căm giận, chị giơ tay xé tan tờ Nhân văn trước mặt chị. Một phát súng của một tên lính Mỹ-Diệm lập tức xuyên qua lưng chị, và chị đã gục xuống. Máu từ ngực chị đã thấm đỏ những trang báo Nhân văn. Ðồng chí kể xong, nói: “Tội ác ấy, đồng bào miền Nam không bao giờ quên được!”. (Từ Bích Hoàng)

Có thể nói, vào thời điểm ấy đã có cả một trận bão các bài viết mạ lỵ, vu khống, xuyên tạc, tố giác với công an mật vụ... nhắm vào những ngòi bút của NVGP. Giấy trắng mực đen còn đó. Ðộc giả theo dõi diễn tiến của phong trào này vì thế đã được nhồi nhét đủ thứ luận điệu, nhiều khi quái đản như đã trích ở trên..

Thế mà cả một đội ngũ những kẻ cầm bút xu thời như thế, hỏi có ai ngỏ lấy một lời ăn năn, tạ lỗi về những điều mình đã viết, ngoại trừ nhà văn Bửu Tiến tại Ðại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV (1990) họp tại Hà Nội đã can đảm công khai nói lên việc ông đã đánh lầm vào nhóm NVGP, để bây giờ mối ân hận vẫn đeo đẳng theo ông dù có mang xuống tuyền dài cũng chưa chắc gì nguôi.

Như vậy, vấn đề của NVGP chẳng những đòi hỏi giới lãnh đạo Đảng CSVN một lời xin lỗi công khai, minh bạch mà ngay đến cả những ai đã từng mạ lỵ, vu khống NVGP hiện nay vẫn còn đang sống thì cũng nên bầy tỏ thái độ của mình. Sự im lặng sau ngần ấy năm đằng đẵng vừa có thể khiến lương tâm các vị không dễ gì thanh thản mà hẳn còn bôi một vết nhơ lên sự nghiệp cầm bút của mỗi người. Xin nhớ cho rằng không ai có thể bôi xoá được lịch sử, nhất là trong lãnh vực văn chương.

Nói tóm lại, theo tôi, trong cương vị một người đọc vốn từng theo dõi những diễn tiến của phong trào NVGP, thì việc trao Giải thưởng Nhà nước cho một nhóm nhỏ của họ không thể là một công việc đơn giản, khi làm xong là ai nấy có thể hùa nhau xí xoá được hết.

Khi có tin mình được trao giải, hai ông Lê Ðạt và Hoàng Cầm đã hoan hỉ chấp nhận. Ðó là sự tự do chọn lựa của các ông. Ông Lê Ðạt cho rằng “đây là cử chỉ đẹp, cho dù là muộn, nhưng muộn còn hơn không.”

Còn ông Hoàng Cầm thì trả lời với phóng viên báo An ninh Thủ đô rằng: “Tôi buồn thương cho hai bạn Trần Dần và Phùng Quán mất đã lâu không được biết là mình được xem xét lại. Các anh mất đi mà vẫn buồn vì có cái oan chưa giải. Tôi thấy mình may mắn vì trời cho sống đến bây giờ và lại được trao cái giải thưởng này.”

Như thế, vốn mang cái tâm trạng “cái oan được giải”, ta có thể hiểu được tại sao các ông ấy vui mừng khi có tin mình được trao giải.

Nhưng với riêng tôi, ở cương vị là độc giả của các ông từ hơn nửa thế kỷ đã qua, tôi lại thấy tiếc cho hai ông về một điều:

Cho đến cuối đời, các ông có một dịp ngàn vàng để nói thay cho nhiều người bị bách hại, vốn ngày xưa đã có cùng chí hướng với các ông về cuộc đấu tranh cho tự do cầm bút. Phải chi các ông tuyên bố được rằng: “Sẵn sàng nhận Giải với điều kiện Ðảng CSVN minh bạch công nhận đã sai lầm trong công cuộc đàn áp phong trào Nhân văn-Giai phẩm.”

Nói được như thế, tên tuổi của các ông lại thêm một lần nữa chói sáng trong lòng độc giả và bộ mặt của Nhân văn-Giai phẩm cũng không bị cái Giải ấy làm cho lu mờ đi.

California ngày 4-3-2007

© 2007 talawas