trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tham nhÅ©ng
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21 
2.1.2006
Phong Uyên
Người dân nghĩ gì về nhũng lạm và triển vọng có hay không đổi mới chính trị sau Đại hội X?
 
Trong thời gian 2 tháng ở Việt Nam, từ tháng 10 đến tháng 12. 2005, báo chí và đài truyền hình luôn luôn đập vào óc tôi hình ảnh những cuộc bàn cãi, thảo luận thuyết trình trên hội trường Quốc hội về dự luật phòng chống tham nhũng. Trong cuộc hành trình từ Bắc vào Nam mỗi lần qua một xã, một huyện, một tỉnh, thấy cờ nước cờ Đảng rợp trời, biểu ngữ giăng đầy đường, là biết nơi đó đang có Đại hội đại biểu Đảng để bầu bán lại ngôi thứ và cũng để sửa soạn Đại hội Đảng toàn quốc năm 2006.

Măc dầu bộ máy nhà nước làm rầm rộ để động viên cổ võ, người dân vẫn tỏ ra thờ ơ lãnh đạm. Để hiểu làm sao có thái độ đó, tôi kiếm dịp trò chuyện với mọi người trong xã hội. Người dân thường thì ý nghĩ chỉ tóm tắt vào một câu: Tham nhũng cũng ở mấy ông, chính trị cũng ở mấy ông, mình là dân thường chỉ biết chịu đựng, đâu có dám bàn. Với một chút kiên nhẫn và sau vài phút ngại ngùng ban đầu, những người có kiến thức hơn bộc lộ những ý nghĩ khúc chiết hơn về nhũng lạm và về đổi mới chính trị. Tôi xin trình bày và lạm bàn về những ý nghĩ đó trong hai phần dưới đây:


I. Tham nhũng và những lý do đưa đến sự nghi ngờ của người dân về những biện pháp chống nó

1. Biện pháp chống tham nhũng bằng luật pháp

Quốc hội từ 6 tháng nay thảo luận liên miên về dự luật phòng chống tham nhũng, đồng thời huy động mọi người dân góp ý kiến. Số người góp ý kiến rất ít và chỉ đi theo cùng chiều hướng chỉ đề nghị thay đổi vài chi tiết như về hình thức, về thành phần của luật, có thuộc về hình luật hay không. Người dân thừa biết là có thảo ra một trăm đạo luật nữa cũng là để xếp đống với cả trăm đạo luật đã có sẵn mà chẳng bao giờ được thi hành. Vả lại thi hành bằng cách nào khi chưa có một cơ quan hành pháp độc lập, chưa có một cơ quan đứng ngoài sự chi phối của Đảng để có thể giám sát, phát giác, điều tra, truy tố những sự kiện nhũng lạm phần nhiều được bao che bởi các chức quyền trong Đảng. Quốc hội tránh né thành lập một ban thanh tra tối cao độc lập, chỉ ủy quyền cho Thủ tướng chính phủ đứng tiên phong lãnh đạo chống tham nhũng, có khác chi ủy nhiệm tay trái đánh tay phải nếu tay phải tham nhũng.

2. Biện pháp của Giáo sư Hoàng Tụy

Nhà toán học, Giáo sư Hoàng Tụy, trong tạp chí Pháp luật đã phân tích một cách rất toán học cơ cấu của tham nhũng. Theo ông "nguyên nhân của tham nhũng là cơ chế tiền lương thu nhập của công chức cán bộ quá thấp, chỉ cho phép họ sống trong khoảng 10 ngày". Lẽ tất nhiên, theo nhận định của Giáo sư, 20 ngày còn lại trong tháng họ phải sống bằng tham nhũng. Đó là cấp dưới, còn cấp cao thì phải có các khoản thu nhập „phụ“ cao hơn mức lương chính từ 3-4 lần đến cả mấy chục lần. Biện pháp của GS. Hoàng Tụy là tăng lương. Ông chỉ không nói thêm là nếu làm bài tính cho đúng, phải tăng lương cho cấp dưới ít nhất là 3 lần và cấp trên vài chục lần! Muốn đương đầu với cái tăng lương vĩ đại đó, chắc nhà nước phải cần đến sự hỗ trợ của nhũng lạm!

3. Biện pháp mà mọi người dân đều nghĩ tới nhưng không thể thực hiện được

Muốn hiểu vì lí do nào hiện có một biện pháp có thể diệt trừ tham nhũng đến tận gốc mà không thể thực hiện được, ta cần phải truy nguyên đến nguồn gốc tham nhũng: Tham nhũng phát sinh và dính chặt với cơ chế tập trung bao cấp trước thời kỳ Đổi mới, nghiã là từ 54 ở miền Bắc và từ 75 ở miền Nam. Trong chế độ bao cấp, người dân phải qua mậu dịch, tùy khẩu phần đã được qui định theo thành phần của mình để được mua tối thiểu nhu phẩm như bao nhiêu ký gạo, đường, thịt, bao nhiêu thước vải một năm. Ngoài ra còn một vấn đề quan trọng hơn nữa là làm sao có hộ khẩu: nơi ăn chốn ở đi lại làm ăn đều phụ thuộc vào hộ khẩu, muốn đi lại từ địa phương này đến địa phương khác cũng phài có giấy thông hành do công an địa phương cấp. Người dân hoàn toàn bị trói buộc vào những quyền chức không lên cao quá phường xóm của mình. Các chức quyền đó tha hồ tác oai tác quái, nhũng nhiễu hạch sách, từ tổ trưởng đến công an khu vực, công an phường, và chức quyền cao nhất mà người dân với tới được chỉ lên đến trưởng phường. Tham nhũng, tuy tập trung trong phạm vi nhỏ đó, nhưng đối với người dân nó lại càng khắc nghiệt hơn.

Từ ngày Đổi mới, cơ chế chức quyền ở phường xóm vẫn như cũ nhưng vì nhu cầu của người dân mỗi ngày một lớn hơn, tham nhũng cũng tăng trưởng theo những nhu cầu đó. Và ngoài tham nhũng ở phường xã, người dân còn khổ vì tham nhũng ở các chức quyền khác như cảnh sát giao thông, cán bộ thuế má, hải quan, cán bộ phụ trách nhà đất, v.v. Người dân muốn được việc phải qua nhiều cửa, mỗi cửa là lại phải đút lót.

Lẽ tất nhiên là kinh tế đổi mới cũng tạo ra một lớp người biết lợi dụng tham nhũng mà làm giàu: gian thương, doanh nghiệp bất chính, bọn đầu cơ nhà đất, mua bán quotas xuất nhập cảng, bọn trung gian giữa chính quyền địa phương và những nhà thầu, những doanh nghiệp bất chính nước ngoài.

Sự cấu kết giữa lớp tài phiệt phú hào mới đó với những chức quyền cấp cao, quan chức của Đảng, rất cần thiết cho hệ thống kinh tài của Đảng qua nguồn kinh tế đổi mới, vì hệ thống kinh tài của Đảng còn bao gồm 2 nguồn lợi khác là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể (của những tập thể như quân đội, công an, công đoàn...)

Người dân biết thừa là tham nhũng nằm hoàn toàn trong hệ thống chức quyền của Đảng. Chính cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đã xác nhận như vậy trong số báo Nhân dân ngày 22.9.2005: "Toàn bộ hệ thống chính trị của chế độ, bao gồm từ Đảng, các tổ chức chính trị xã hội cho đến nhà nước, chưa bao giờ có số lượng đảng viên đông đảo như ngày nay… chiếm tỷ lệ 100%’’. Ngoài việc xác nhận 100% chức quyền là thuộc Đảng, ông Võ Văn Kiệt còn nói thêm là ở một số nơi "có sự thoả hiệp trong lãnh đạo điều hành các cấp". Như vậy là cựu Thủ tướng đã hoàn toàn đồng ý với người dân để đi đến cái kết luận là: muốn tham nhũng phải có chức quyền, muốn có chức quyền phải có Đảng. Tham nhũng thế nào mà có Đảng cũng sẽ được bao che, vì có sự thoả hiệp lên tới lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt nói. Trước sự thực phũ phàng đó, tất cả mọi biện pháp đang được đưa ra chỉ là để che lấp cái biện pháp duy nhất là: Đảng phải từ bỏ mọi chức quyền.

Lẽ tất nhiên đó chỉ là một ảo tưởng, vì nếu có một phép lạ nào đưa đến việc Đảng từ bỏ mọi chức quyền thì không những tham nhũng sẽ biến mất mà Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ trở lại thành Đảng của chúng ta như trước Cách mạng tháng Tám. Nghĩa là hôm trước hôm sau, 3 triệu đảng viên sẽ tự xin ra khỏi Đảng và Đảng chỉ còn một số đảng viên trung kiên 3-4 trăm người sẵn sàng sống trong nghèo khó như mọi người dân. Đồng thời đổi mới chính trị cũng không thành vấn đề nữa.


II. Có hay không triển vọng đổi mới chính trị sau Đại hội X?

Đa số người dân mà tôi hỏi ý kiến, như tôi đã nói trong phần dẫn ở đầu bài, đều không tin là có thể có đổi mới chính trị, ít nhất theo cái nghĩa thông thường là từ độc đảng thành đa đảng, như đại đa số các nước trên hoàn cầu, mặc dầu ở rất nhiều nước, đó cũng chỉ là một hình thức. Tôi xin diễn đạt lại sau đây những ý kiến đó:

1. Đổi mới chính trị không thể có được vì phạm tới bản chất của chế độ

Sự hoài nghi của một số rất đông những người tôi gặp căn cứ vào những suy luận sau đây:

Đổi mới đã tự phát ngoài ý muốn của Đảng năm 1986 ở miền Nam từ sự bãi bỏ cưỡng chế thu mua trong nông nghiệp, đi tới bãi bỏ cơ chế bao cấp đang đưa cả nước tới phá sản. Đổi mới chỉ được chính thức đưa vào văn kiện Đảng 10 năm sau, trong Đại hội Đảng năm 96, và cũng là nhờ công của ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng thời bấy giờ đã mạnh dạn biện minh, thuyết phục Bộ Chính trị trong lá thư gửi Bộ Chính trị tháng 9. 1995. Ngay khi được đưa vào văn kiện của Đảng, Đổi mới đã bị Ban Tư tưởng Văn hoá đóng khung trong giới hạn kinh tế với một định nghĩa là: Đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Mỗi chữ trong định nghĩa cho thấy Đổi mới không được đi ra ngoài điạ hạt kinh tế, phải theo đúng hướng mà Đảng chỉ định và nhất là không được vi phạm đến bản chất độc tôn của Đảng trong nguyên tắc nhất nguyên chính trị. Đổi mới, một khi theo đúng nghĩa mà Đảng chỉ định, thì được đề cao như là một sáng kiến vĩ đại của Đảng, một thành tựu trong 3 thành tựu lớn nhất của chủ nghĩa cộng sản toàn thế giới (2 thành tựu khác là NEP của Lenin và Kinh tế mở cửa của Trung Quốc). Theo ông Nguyễn Đức Bình, cựu Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá và Khoa giáo, trong cuốn sách về lý luận của Đảng xuất bản tháng 5.2005: Đổi mới biểu dương sức sống mạnh mẽ của tư tưởng Đảng biết đáp ứng với mọi tình huống và là một bằng chứng cho thấy mặc dầu chủ nghĩa xã hội có thoái hóa tạm thời sau sự sụp đổ của Liên Xô, nhưng sẽ khắc phục mọi khó khăn gây ra bởi âm mưu diễn biến hoà bình của Mỹ và phương Tây, và tiến tới thắng lợi trong tương lai. Ai cũng biết là trong chế độ cộng sản, mọi người đều ghê sợ Ban Tư tưởng Văn hoá vì một khi bị chụp mũ là lệch lạc tư tưởng, nhất là trong giới văn nghệ sĩ, thì có thể coi như là tàn lụi cuộc đời. Về chính trị, từ khi chế độ cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Ban Tư tưởng Văn hóa dùng huyền thoại về âm mưu diễn biến hòa bình để áp đảo bất cứ một ai dù ở chức quyền cao trong Đảng, nhất là nếu bị nghi ngờ là muốn lợi dụng Đổi mới để đụng chạm đến cơ chế độc tôn của Đảng. Bởi vậy, ngay trong số những nhân vật được coi là cấp tiến trong Đảng cũng chưa ai dám lên tiếng công khai đặt vấn đề về bản chất độc tôn của Đảng.

2. Đổi mới chính trị chỉ có thể có được với sự nổi dậy của nhân dân

Có một số rất ít người trong nước, nhưng phần nhiều là những người chống đối đã ra được nước ngoài hay những người Việt di tản ở nước ngoài, hoàn toàn đồng ý với nhận xét của người dân trong nước là không trông mong gì ở sự thay đổi chính trị từ bản thân chế độ, vì Đổi mới chỉ có ý nghĩa nếu đi đến bãi bỏ sự độc tôn của Đảng, nghĩa là có thể đi đến sự cáo chung của Đảng. Sự kiện đó không thể xảy ra được nếu không có sự nổi dậy của toàn dân, mà có nhiều người Việt ở hải ngoại cho là thời cơ đã chín muồi. Trước hết là những người chống đối ở nước ngoài quá tự lượng sức mình là có thể hỗ trợ cho cuộc nổi dậy trong nước dù chỉ bằng tinh thần hay vật chất. Phải hiểu một cách thực tế là dưới chính thể cộng sản, tất cả mọi ý định chống đối đều bị bóp từ trong trứng. Dù đa số người dân ghét chế độ, nhất là ở miền Bắc vì phải chịu quá lâu cường hào tham nhũng, nhưng người dân coi đó như một cái ách phải chịu đựng vì số phận như vậy, vả lại từ trước tới nay, từ đời vua quan phong kiến cũng đã như vậy rồi: người dân không thể hình dung ra được một chế độ nào khác với chế độ đang sống. Vả lại, so với thời kỳ bao cấp thì dầu sao cũng khá hơn. Ở miền Nam thì người dân chỉ lo làm ăn vì đời sống, nhờ tiền Việt kiều nước ngoài gửi về, có thể dùng tiền để mua chuộc, không phải bị quá bóp chẹt để đi tới đối kháng. Giới trẻ cũng vậy, không phải không biết bản chất độc tài chuyên quyền tham nhũng của chế độ, nhưng đa số chỉ lo kiếm việc, kiếm tiền, học hành cho có bằng cấp, đua đòi một này một nọ, rập khuôn theo các bạn trẻ ở các nước khác từ cách ăn mặc đến âm nhạc, phim ảnh... Ban Tư tưởng Văn hóa tuỵêt nhiên không cấm đoán, lại còn khuyến khích nữa, vì như vậy tụi trẻ không nghĩ đến làm chính trị.

3. Đổi mới chính trị bằng tước bỏ dần dần độc quyền toàn trị của Đảng để đi tới tam quyền phân lập

Một số lớn những người đã sống dưới chế độ trước 75, những đảng viên kỳ cựu đã từng nắm những chức vụ lớn từ thời chống Pháp chống Mỹ, đặt hi vọng vào những người được coi là cấp tiến trong Đảng và những người trẻ được đào tạo ở những nước dân chủ phương Tây, dù những người đó thuộc hạng con ông cháu cha, để Đổi mớỉ bằng chiến thuật đánh tiả dần dần quyền hành của Đảng như đánh du kích, chặt dần dần chân tay của Đảng mà không đụng vào đầu não Đảng là nguyên tắc nhất nguyên chính trị, để đi tới tam quyền phân lập.

Theo phân tích của những người thạo tin thì trong Đảng có hai phe: Phe bảo thủ chịu ảnh hưởng của Đỗ Mười, Lê Đức Anh, gồm những nhân vật mà nổi bật nhất là Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương Đảng, Phạm Văn Trà, Tư lệnh, đại tướng, và Phan Diễn, không được tiếng tốt vì dính líu tới vụ Tổng cục 2. Cũng phải kể thêm, trong phe bảo thủ còn có một số tướng lãnh trong quân đội, công an (mặc dầu phe cấp tiến có ông Lê Hồng Anh, công an), và đa số những người cầm đầu các tập đoàn, các tỉnh ủy. Những thành phần đó được coi như những thế lực ngầm của phe bảo thủ, bảo thủ vì muốn bảo thủ quyền lợi. Phe cấp tiến có ưu thế hơn nếu kể về thành phần trong Bộ Chính trị: ông Phan Văn Khải, Thủ tướng (thứ 3), ông Nguyễn Minh Triết, bí thư Thành ủy T.P. HCM (thứ 4), ông Nguyễn Tấn Dũng (thứ 5), ông Lê Hồng Anh (thứ 9), ông Trương Tấn Sang (thứ 10), ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc hội. Phe cấp tiến có cái yếu là hầu như toàn bộ là người miền Nam, trừ ông Nguyễn Văn An, và chỉ nắm về quản lí (chính phủ). Chỉ hy vọng là phe cấp tiến đòi được đa nguyên trong Quốc hội, chấm dứt cảnh "Đảng cử, dân bầu", quyền hành pháp được tôn trọng, khỏi bị sự chi phối của Đảng và phải có tối thỉểu tự do ngôn luận, không phải là báo Đảng báo Đoàn nữa, không còn dưới sự kỉểm duyệt, trong vòng cương toả của Ban Tư tưởng Văn hoá và Khoa giáo của Bộ Chính trị nữa.

Tôi muốn nói thêm và cũng để kết luận là tuy thâu lượm được nhiều ý kiến hơn những chuyến về Việt Nam trước đây, vì mọi người có vẻ cởi mở hơn, nhưng có triển vọng thay đổi chính trị không, thay đổi như thế nào, vẫn chẳng ai, ngay cả bản thân những nhân vật cao cấp trong Đảng kể trên, biết được. Vì khác với Trung Quốc, Việt Nam không có một lãnh tụ nào có uy thế như Đặng Tiểu Bình, ngay đến như Hồ Cẩm Đào cũng không có, để có thể thẳng tay triệt hạ những phe không cùng ý kiến với mình. Trước nay cộng sản Việt Nam có triệt hạ thẳng cánh các đảng phái khác để giữ độc quyền chính trị, nhưng có xu hướng chia phần trong Đảng với nhau, như các cường hào trong làng xóm ngày trước. Chắc chắn là sớm hay muộn, tiến triển kinh tế cũng bắt buộc chính trị phải nhúc nhích. Chỉ có khác là sẽ có một sự giằng co kéo cưa không biết tới một thời gian nào giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, không phải vì lý tưởng mà vì một bên muốn duy trì quyền lợi, một bên muốn có tiến trỉển nhanh hơn về kinh tế đang bị khựng lại và có thể thoái hóa nếu không có nhúc nhích về chính trị.

© 2006 talawas