trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
6.8.2007
Dmitriĭ Likhachëv
Phẩm tính trí thức
La Thành dịch và chú thích
 1   2   3   4 
 
Lời người dịch: Hồi đầu năm nay, trên báo điện tử VietNamNet đã diễn ra một cuộc thảo luận dưới tiêu đề “Trí thức Việt Nam”, mở đầu bằng bài đề dẫn của nhà chính trị xuất thân học giả Chu Hảo, giật tít “Trí thức nước nhà mạnh hay yếu?” Từ đó đến nay, một loạt sự kiện trí thức đã diễn ra. Đầu tháng Hai, Nguyễn Hữu Đang qua đời. Sau đó ít ngày, danh sách các lô-rê-a Giải thưởng nhà nước năm 2007 được công bố, trong đó bốn cựu bị cáo của vụ án trí thức nửa thế kỷ trước bỗng nhiên thành ‘quế quán thi nhân’. Từ tháng Ba đến tháng Năm, nhiều nhà hoạt động nhân quyền và vận động dân chủ đã bị bắt rồi bị kết án tù trong những phiên toà mà tác dụng lớn nhất của chúng là phơi bày sự ô nhục của nền tư pháp Việt Nam đương đại. Tháng Sáu, chủ tịch nhà nước Việt Nam đi làm khách Hợp Chúng Quốc; tấm giấy mời cho chuyến đi được đổi bằng sự phóng thích hai tù nhân lương tâm… Bên dòng chảy sự kiện ấy, file hồ sơ của talawas về vụ Nhân Văn - Giai Phẩm đang tiếp tục dày thêm.

Trước đây gần tám mươi năm, hay là trước Nhân Văn - Giai Phẩm ba mươi năm, tác giả của bài viết được giới thiệu sau đây cũng từng là tù nhân lương tâm trong cái thể chế đã một thời vang bóng mà chế độ hiện nay ở Việt Nam chỉ là một trong các vệ tinh của nó. Ông sinh ra vào đầu thế kỷ trước (28.11.1906) và tạ thế trước giao thừa thế kỷ mới chỉ vừa ba tháng (30.9.1999), đều ở Sankt-Peterburg – đế đô và cổng ngõ ra vào châu Âu của nước Nga. Trong cuộc đời gần trăm tuổi của mình, ông đã nếm trải 5 năm trong Trại giam đặc biệt Solovki, nơi mà nền chuyên chính bolshevik đã làm nên những “kỳ tích tội ác” (chữ ông dùng). Ông đã đứng ra bênh vực Andreĭ Sakharov, Aleksandr Solzhenitsyn và những dissident khác trước sự ngược đãi của chính quyền Xô-viết; đã tham dự – với tư cách đại biểu nhân dân – những kỳ họp lịch sử của Xô-viết Tối cao Liên Xô, trong đó Điều 6 của bản Hiến pháp Liên Xô bị loại bỏ và cuối cùng, Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô-viết bị giải thể, tất cả đều bằng biểu quyết dân chủ. Ông – viện sĩ hàn lâm, nhà ngôn ngữ học và văn hoá học Dmitriĭ Sergeevich Likhachëv – được khẳng định là chuyên gia lỗi lạc nhất về cổ ngữ và cổ văn Đông Slav, được tôn kính như “người Sankt-Peterburg cựu thời cuối cùng”, “người giám hộ nền văn hoá Nga” và “lương tâm của nước Nga”.

Trong bài viết dưới đây, Dmitriĭ Likhachëv đã nghị luận một cách rốt ráo khái niệm ‘интеллигенция’ (đọc như [in-tel-li-ghen-tsi-ĭa]), một khái niệm Nga đã thâm nhập khắp thế giới. (Để cho tiện, hãy cứ tạm thời khoác cho khái niệm này cái vỏ ngữ âm tiếng Việt “trí thức”.) Sau đó, ông đã làm một việc ít ai dám làm là lọc lựa từ trong các nhân vật lịch sử của nước Nga ra những người đủ tiêu chuẩn để được xếp vào hàng ngũ trí thức. Rồi, bởi lẽ trí thức là một hiện tượng văn hoá, không thể mổ xẻ khái niệm này mà không đụng chạm đến nền tảng văn hoá đã sinh ra nó. Và thế là, trong mạch tư biện của mình, Likhachëv đã tất yếu rơi vào giao trận còn đang bất phân thắng bại của học thuật và tư tưởng Nga, giữa một bên là ‘chủ nghĩa hướng Âu’ (европоцентризм, eurocentrism) và bên kia là ‘chủ nghĩa Á-Âu’ (евразийство, eurasianism). Là một người Sankt-Peterburg chính kinh, Likhachëv đứng về trận tuyến của chủ nghĩa hướng Âu. Tuy nhiên, đó là việc của riêng ông. Giới thiệu với độc giả bài viết này, người dịch trước hết muốn cung cấp một tiếp cận tới khái niệm “trí thức” từ chính nơi mà khái niệm hiện đại này xuất sinh, cũng như tầm vóc của những vấn đề mà giới trí thức ở đó đã hoặc đang quan tâm / giải quyết.

Trong quá trình dịch thuật, người dịch gặp phải một thách thức không nhỏ là bài viết chứa đựng khá nhiều điển tích, tên riêng và thuật ngữ, có thể ít quen thuộc đối với một bộ phận độc giả; đằng sau chúng là những câu chuyện lịch sử, những số phận con người hay đất nước, những vấn đề hoặc tri thức học thuật. Phần chú thích của bản dịch được biên soạn nhằm cung cấp những dữ liệu tham khảo khả dĩ cần thiết, hoặc (đôi khi) nhất thiết – trong trường hợp người dịch e ngại rằng độc giả có thể băn khoăn trước một vài lập luận chủ quan của tác giả. Ngoài ra, một bài viết riêng của người dịch gắn với bản dịch – “Phẩm tính trí thức (phụ lục)” – sẽ cung cấp những account vắn tắt về ba trong số các tên tuổi được tác giả đề cập trong bài viết, mà ảnh hưởng của họ đã hoặc đang góp phần làm nên lịch sử hiện đại của nước Nga.
Thư gửi ban biên tập, “Novyĭ mir”, 1993, №2, trang 3–9

1.

Tình hình hiện nay thôi thúc tôi gửi tới ban biên tập bức thư này, bày tỏ ý kiến của mình (không phải lần đầu tiên) về những chủ đề liên quan tới địa vị, vai trò và tầm quan trọng của giới trí thức trong xã hội chúng ta.

Đây không phải một bài báo, mà là một bức thư. Thôi thì tôi cứ nói không theo một trình tự chặt chẽ, mà theo cách tôi mường tượng hiện nay về thực tại, theo cách mà kinh nghiệm sống của bản thân đang thúc bách tôi lên tiếng.

Vậy, thế nào là giới trí thức? Tôi nhìn nhận và hiểu về họ như thế nào? Trong nhiều ngôn ngữ nước ngoài và trong các từ điển, từ ‘интеллигенция’ (đọc như [in-tel-li-ghen-tsi-ĭa] – người dịch) thông thường không được dịch một mình, mà đi kèm với một tính từ tương đương với “của Nga” / “thuộc về Nga” / “kiểu Nga”. [1] Đây là một khái niệm thuần Nga và nội dung của nó chủ yếu khơi gợi một cảm xúc xã hội. Nói cho rõ hơn, do những đặc điểm của quá khứ lịch sử Nga, chúng ta, những người Nga, thường ưa những ý niệm duy cảm hơn các định nghĩa lô-gích.

Tôi đã sống qua nhiều biến cố lịch sử, đã nhìn mãn nhãn quá nhiều điều khác thường và vì thế, tôi có thể nói về giới trí thức Nga theo cách không đưa ra cho nó một định nghĩa chân xác, mà chỉ bằng suy ngẫm về những đại diện xứng đáng nhất của nó – những người mà theo quan điểm của tôi, có thể liệt vào đội ngũ các nhà trí thức.

Hiển nhiên A. I. Solzhenitsyn [2] đã có lý: người trí thức không đơn thuần là người có học vấn, càng không phải là kiểu người mà ông kêu bằng thuật ngữ “kỹ giả” [3] – một thứ gì đó gần giống như “kẻ mạo xưng” hoặc “ma cà bông”. Có thể hơi cay nghiệt một chút, nhưng Aleksandr Isaevich (tức A. I. Solzhenitsyn – người dịch) muốn bao hàm trong thuật ngữ này lớp người có giáo dục nhưng vụ lợi, dễ bị mua chuộc, tóm lại là xoàng xĩnh về tinh thần.

Người trí thức: đó là đại diện của một nghề nghiệp gắn với lao động trí óc – kỹ sư, bác sĩ, nhà khoa học, hoạ sĩ, nhà văn –, và phải là con người có sự đoan chính về nhận thức. Cá nhân tôi rất bối rối bởi cụm từ được dùng phổ biến (để phiếm chỉ giới trí thức – người dịch) là “giới sáng tạo”: nói cho đúng thì một bộ phận nào đó của giới này có thể hoàn toàn không sáng tạo. Mọi trí thức ít nhiều đều làm công việc sáng tạo; nhưng mặt khác, khi một con người viết, giảng dạy, tạo ra tác phẩm nghệ thuật theo đơn đặt hàng, theo nhiệm vụ được giao trên tinh thần các yêu cầu của đảng, của nhà nước hay của bất cứ “người đặt hàng có khuynh hướng tư tưởng” nào, thì theo tôi, anh ta chẳng có gì là trí thức cả, mà là kẻ làm thuê.

Theo kinh nghiệm sống của tôi, chỉ những con người tự do trong đức tin của mình, những con người không bị lệ thuộc bởi các ràng buộc kinh tế, đảng phái, quyền chính, không phải tuân phục các khế ước tư tưởng, mới thuộc về giới trí thức.

Nguyên tắc cơ bản của phẩm tính trí thức là tự do trí tuệ – tự do trong tư cách một phạm trù đạo đức. Con người trí thức chỉ không tự do với lương tâm và với tư duy của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng người ta cũng có thể mất tự do bởi những nguyên tắc được tin là bất di bất dịch. Điều này liên quan đến những người mắc phải hội chứng tiền thuỳ [4] , luôn luôn bênh vực những tư duy cũ của mình, những tư duy mà họ đã từng phát biểu hoặc thậm chí đã thực hành theo trong cuộc sống, song bản thân chúng lại làm tê liệt tự do của chính họ. Dostoevskiĭ đã gọi những niềm tin như vậy là những bộ “đồng phục”, còn những con người có “niềm tin theo chức trách” là những người mặc đồng phục.

Con người phải có quyền thay đổi đức tin của mình vì những lý do nghiêm cẩn. Nếu như anh ta thay đổi đức tin do những suy tính lợi ích, đó sẽ là một khiếm khuyết đạo đức trầm trọng. Nếu một người trí thức, khi cảm thấy mình sai trái – nhất là trong những vấn đề can hệ đến đạo đức –, suy xét đi đến những quan niệm khác, anh ta không thể bị đánh giá thấp.

Lương tri không chỉ là vị thần hộ mệnh của nhân phẩm, nó còn là người cầm lái của tự do. Lương tri sẽ trông coi để tự do không bị biến thành sự tuỳ tiện, mà trỏ cho con người đường đi nước bước đích xác của anh ta trong những tình thế hỗn tạp của cuộc sống, nhất là cuộc sống hiện đại.

Vấn đề nền tảng đạo đức của phẩm tính trí thức quan trọng đến đỗi tôi muốn dừng lại đây thêm chút nữa. Trước hết, tôi muốn nói rằng bác học không phải lúc nào cũng là trí thức (trong ý nghĩa cao quý nhất, dĩ nhiên). Nhà học thuật sẽ không là trí thức khi anh ta quá khép kín trong chuyên môn của mình mà quên đi câu hỏi: những thành quả công việc của anh ta sẽ được ai sử dụng và sử dụng như thế nào? Khi đó, bằng cách đặt mọi thứ xuống dưới các lợi ích chuyên môn của mình, anh ta đang hy sinh những lợi ích của nhân quần hoặc của các giá trị văn hoá. Trường hợp ít phức tạp nhất là khi người ta (tức các nhà chuyên môn – người dịch) làm việc phục vụ chiến tranh hoặc tiến hành những thực nghiệm gây nguy hại cho con người hoặc gây đau đớn cho các động vật.

Nói chung, sự chăm lo và đào sâu chuyên môn là một nguyên tắc sống hoàn toàn không tồi. Hơn nữa, nước Nga đang có quá nhiều nhà nghiệp dư đảm trách những việc không thuộc chuyên môn của mình. Điều này không chỉ dính dáng đến khoa học, mà còn đến cả nghệ thuật và chính trị, là những lĩnh vực cũng rất cần đến chủ nghĩa chuyên nghiệp. Tôi đánh giá rất cao các nhà chuyên nghiệp và chủ nghĩa chuyên nghiệp, nhưng điều này không luôn luôn đồng nghĩa với việc tôi gọi các chuyên viên là những trí thức và coi tinh thần chuyên nghiệp của họ là phẩm tính trí thức.

Tôi xin nói thêm thế này: ở Nga, phẩm tính trí thức trước hết là tính độc lập của tư duy trên nền học vấn Âu châu. (Vì sao lại “Âu châu”, tôi sẽ giải thích ở dưới.) Sự độc lập này là nhất thiết đối với tất thảy những gì đang hạn chế nó, tỷ như (tôi nhắc lại) tính đảng – thứ đang ngự trị một cách chuyên quyền bên trên hành trạng và lương tri của con người –, những lo toan mưu sinh và sự nghiệp, và ngay cả những lợi ích chuyên môn – nếu chúng vượt ra ngoài giới hạn cho phép của lương tri.


2.

Tôi nhớ lại nhóm trí thức Nga quy tụ ở Petrograd vào những năm 1920 xung quanh nhà triết học Nga xuất chúng Aleksandr Aleksandrovich Meĭer – nhóm “Thứ Hai”, sau đổi tên thành nhóm “Chủ Nhật” do các thành viên của nhóm chuyển ngày nhóm họp từ Thứ Hai sang Chủ Nhật. Điều quan yếu đối với các meĭerovets [5] là sự tự do trí thức – tự do trước những đòi hỏi của giới cầm quyền, của thời cuộc, của những mối lợi vật chất, tự do trước những ý kiến của người khác. Tinh thần tự do trí thức đã xác lập hành vi thế giới quan của bản thân A. A. Meĭer, của những người xung quanh ông như K. A. Polovtsev, S. A. Askolvdov-Alekseev, G. P. Fedotov, N. P. Antsiferov, M. B. Ĭudina, N. I. Konrad, K. S. Petrov-Vodkin, L. A. Orbeli, N. V. Pigulevskaĭa và của nhiều người như họ.

Trí thức Nga nhìn chung đã đứng vững qua những thử thách của thời ly loạn, và bổn phận của tôi – một chứng nhân của thế kỷ – là tái lập một thái độ công bằng đối với họ. Chúng ta đã sử dụng quá thường xuyên cụm từ “đám thức giả thối nát”, hình dung rằng trí thức là những kẻ yếu đuối và thiếu kiên định, bởi vì chúng ta đã quen tin vào những lý giải trong các hồ sơ dự thẩm (của các vụ án truy bức trí thức thời Xô-viết – người dịch), tin vào những xuất bản phẩm theo ý thức hệ mác-xít vốn chỉ coi công nhân là “giai cấp bá quyền”. Thế nhưng, trong các vụ án đã điều tra chỉ còn lưu lại những tài liệu phù hợp với các giả thuyết dự thẩm – những giả thuyết được xây dựng nhờ khai thác các nghi can không hiếm khi bằng nhục hình mà không chỉ bằng vào vật chứng. Tệ hại nhất là tình cảnh của những người đã có gia đình. Sự tuỳ tiện vô giới hạn của các điều tra viên đã thường xuyên đe doạ những thành viên gia đình (của các nghi can – người dịch) bằng nhục hình, và chúng ta thì không đủ thẩm quyền lên án những người đã ký xác nhận các hồ sơ thẩm vấn mà không đi sâu cứu xét bản chất của sự việc. (Để thí dụ, điều tương tự đã từng xảy ra trong “vụ Hàn lâm viện” nổi tiếng thời những năm 1929–1930. [6] )

Những trí thức xuất thân là quý tộc thế truyền đã tỏ ra anh dũng siêu quần biết nhường nào! Tôi thường xuyên hồi tưởng đến Georgiĭ Mikhaĭlovich Osorgin, bị bắn ngày 28 tháng Mười năm 1929 trên đảo Solovki [7] . Ngày vợ ông (nhũ tính Golitsyna) đến thăm – điều mà đám chúa ngục ở Solovki không mong đợi –, Osorgin đã nằm buồng tử tội. Điều không mong đợi đã xảy ra do sự lạm quyền hoàn toàn phi pháp trong các trại giam ngày ấy: nhà đương cục trong đất liền không hề hay biết về quyết định tự tiện (tử hình Osorgin – người dịch) của các cai tù trên đảo. Xoay xở mọi cách, các chúa đảo đã thả Georgiĭ Mikhaĭlovich khỏi xà lim biệt giam để ông được gặp vợ với điều kiện nhà quý tộc phải hứa không nói gì với phu nhân về cuộc hành hình đang chờ đợi ông. Osorgin đã giữ lời với bầy đao phủ. Một năm sau cuộc gặp ngắn ngủi ấy, Golitsyna khởi hành đi Paris mà không ngờ rằng ngay ngày hôm sau, Georgiĭ Mikhaĭlovich sẽ bị giết một cách man rợ.

Hay như Pokrovskiĭ, vị giáo sư xạ kích học bị cụt chân, người đã kháng cự lại toán lính áp giải ông ở Thần Môn (di tích này giờ đã bị các “nhà phục chế” dỡ bỏ), đánh chúng bằng chính cây nạng gỗ của mình, chỉ để chứng tỏ rằng mình không phải là một con vật dễ bảo.

Hay G. G. Taĭbalin [8] : người đã liều mạng sống khi cho ẩn náu trong phòng mạch của mình một lão tín đồ Islam – từng là ca sĩ hay nhất của Staraĭa Bukhara [9] – hoàn toàn tứ cố vô thân, không biết lấy một từ tiếng Nga mà chỉ riêng điều này thôi cũng đã không tránh khỏi tội chết.

Tôi đã và vẫn còn chưa hết thán phục sự can đảm của giới trí thức Nga, những người đã giữ vững đức tin của mình trong hàng chục năm ròng dưới ách chuyên chế hung bạo nhất của một chính quyền Xô-viết được trang bị ý thức hệ; rất nhiều người trong số họ đã tử nạn trong lặng lẽ – những cái chết hoàn toàn không ai hay biết. Tôi thành kính nghiêng mình trước những trí thức của thế hệ đàn anh đã ra đi. Họ đã phải hứng chịu những thử thách của nạn khủng bố đỏ, bắt đầu không phải từ năm 1936 hoặc 1937 [10] mà ngay sau khi đất nước ngả sang màu lông Xô-viết.

Sự phản kháng của giới trí thức càng mạnh mẽ bao nhiêu, những hành động (của chính quyền – người dịch) chống lại họ càng tàn khốc bấy nhiêu. Chúng ta có thể xét đoán về sự phản kháng của giới trí thức thông qua mức độ của sự nghiệt ngã đã chống lại họ: Đại học Petrograd bị đóng cửa, những cuộc thanh trừng bạo liệt trong giới sinh viên được tiến hành, biết bao học giả đã bị phế truất khỏi bục giảng, chương trình đào tạo ở các trường phổ thông và trường cao đẳng bị cải cách với sự nhồi nhét của những giáo trình chính trị nhập môn, các khó khăn mà những ứng sinh muốn học lên cao phải chịu đựng. Con cái của trí thức tuyệt nhiên không được nhận vào đại học, trong khi các “lao hiệu” [11] dành cho công nhân được thiết lập. Mặc dầu vậy, trong các khu ký túc đã xuất hiện những nhóm tự đào tạo dành cho những ai đang học dở dang đại học; các giáo sư Đại học Peterburg A. I. Vvedenskiĭ và S. I. Povarnin đọc giáo án tại nhà riêng, lên lớp những bài giảng về lô-gích học, còn A. F. Losev thì bỏ tiền túi ra để xuất bản các công trình triết học của mình.

Trí thức Nga bước vào thời đại Tháng Mười Đỏ sau khi đã được tôi luyện trong những phản kháng trước đây đối với chính phủ sa hoàng. Đã không chỉ có một A. A. Meĭer quy tụ được quanh mình nhiều nhà trí thức bằng những kinh nghiệm liên kết tích luỹ được ngay từ chốn lưu đày lao lý dưới chế độ tsarist.

Mùa thu năm 1922, người ta đã phải cần đến hai chiếc tàu thuỷ PreußenOberbürgermeister Hagen [12] để chở khỏi nước Nga một bộ phận của giới trí thức mà việc áp dụng những biện pháp quen thuộc để chống lại những người này là bất khả do tiếng tăm đã cồn khắp châu Âu của họ.

Tôi có thể nêu thí dụ về hàng trăm, hàng nghìn nhà khoa học, hoạ sĩ, nhạc công, những người đã luôn luôn gìn giữ sự độc lập tinh thần của mình, thậm chí còn hăng hái chống cự lại sự khủng bố ý thức hệ trong khoa học lịch sử, nghiên cứu - phê bình văn học, sinh học, triết học, ngôn ngữ học v.v... Đứng sau lưng những kẻ chủ mưu đủ loại của các chiến dịch đấu tố là hàng đám các nửa-chuyên-gia, nửa-trí-thức – những kẻ thực hiện sự khủng bố và giành giật lấy cho mình các học vị, các hàm cấp học thuật trong những công việc béo bở. Tôi dám khẳng định rằng họ không phải là trí thức trong ý nghĩa lâu nay của từ này. Không có gì nguy hiểm hơn giới nửa-chuyên-gia. Các chuyên gia nửa mùa này vững tin rằng họ biết tất cả, hay chí ít cũng biết cái tối trọng yếu, còn hành động của họ thì vừa đểu cáng vừa không khoan nhượng. Biết bao số phận đã bị ném ra đường vì những nửa-chuyên-gia như vậy! Những người còn lại từng được (chẳng đặng đừng) nuôi vỗ, ngoài A. A. Akhmatova, có B. M. Ėĭkhenbaum, D. E. Maksimov, V. L. Komarovich và cả Viện sĩ L. A. Orbeli (trong khi ông không được cấp lấy một phòng thí nghiệm riêng). Viện sĩ I. Ĭu. Krachkovskiĭ thì đã phải trả lương cho các cộng sự bằng tiền riêng của mình sau khi những bài giảng về ngôn ngữ cổ phương Đông của ông bị tuyên bố là phản động.

(còn tiếp 2 kì)


Bản tiếng Việt © Khánh Long Translations, 2007



[1]Về mặt lịch sử, trong tiếng Nga từ ‘интеллигенция’ (đọc [in-tel-li-ghen-tsi-ĭa], hãy cứ tạm coi là tương đương với “giới trí thức” của tiếng Việt) được cho là có các xuất xứ Latin ‘intelligentia’ (“sự thấu hiểu”, “năng lực nhận thức”, “tri thức”) và ‘intelligens’ (“thông minh”, “duy lý”, “uyên thâm”). Ở Nga, nhiều tài liệu ghi nhận rằng ‘интеллигенция’ bắt đầu xuất hiện trong ngữ hội vào nửa đầu thế kỷ XIX. (Chẳng hạn, nó được bắt gặp trong những cuốn nhật ký của nhà thơ Nga Vasiliĭ Zhukovskiĭ, đề ngày tháng cho đến 1836.) Tuy nhiên, nó chỉ được đưa vào ngôn ngữ truyền thông đại chúng từ thập niên 1860 bởi nhà văn và nhà báo Nga Pëtr Boborykin (1836–1921). Ở Ba Lan, version Ba Lan của ‘интеллигенция’ là ‘inteligencja’ đã được triết gia Karol Libelt (1807-1875) phổ cập với ý nghĩa gần gũi với ngày nay từ năm 1844. Từ Nga hoặc Ba Lan, khái niệm ‘интеллигенция’ / ‘inteligencja’ đã đi vào gần như tất cả các thứ tiếng châu Âu thuộc ngữ tộc Ấn-Âu và nhiều ngôn ngữ khác, với vỏ ngữ âm tương đồng. (Để thí dụ, tiếng Đức ‘Intelligenzija’, tiếng Anh, Pháp và Tây Ban Nha ‘intelligentsia’, tiếng Italia ‘intellighentsia’, tiếng Thuỵ Điển ‘intelligentia’ hoặc ‘intelligentsia’, tiếng Nhật インテリ [interi], v.v...) Là một thuật ngữ nhân tạo (không phải một đơn vị từ vựng sẵn có của ngôn ngữ tự nhiên), nội hàm của ‘интеллигенция’ và các version của nó trong những ngôn ngữ khác – chẳng hạn, ‘intelligentsia’ trong tiếng Anh – không đơn thuần phiếm chỉ một nhóm xã hội bận bịu lao động trí óc do chuyên môn nghiệp vụ, bận bịu phát triển và truyền bá văn hoá, mà còn ám chỉ những nhân cách khả dĩ được coi là chuẩn mực đạo đức của xã hội. Chính tầng ý nghĩa thứ hai này của khái niệm ‘интеллигенция’ / ‘intelligentsia’ mới phiên diễn dụng ý của những người đã sáng tạo ra thuật ngữ. Bản thân Boborykin, cha đỡ đầu của thuật ngữ, đã định nghĩa ‘интеллигенция’ là “những con người có văn hoá tinh thần và đạo đức ở mức cao, chứ không phải những lao công làm việc bằng trí óc.”
Nhu cầu xây dựng khái niệm vừa được mô tả (tóm tắt) dưới vỏ bọc ngôn ngữ ‘интеллигенция’ gắn liền với hiện thực xã hội ở Nga và Ba Lan – và ở một số nước Trung/Đông Âu – trong các thế kỷ XIX và XX. Khác với Tây Âu và Bắc Mỹ, cho đến thế kỷ XIX ở những quốc gia này các chế độ chuyên chế đã tồn tại quá lâu, gắn liền với chúng là sự chà đạp ở cấp nhà nước đối với các quyền con người, tình trạng thấp kém về giáo dục phổ cập, sự lạc hậu về văn hoá và sự suy đồi về đạo đức. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của một giới tinh hoa được giáo dục tốt trở nên một hiện tượng. Trong nội bộ giới này hình thành một hệ thống giá trị chung và ý thức cảm thông lẫn nhau. Một bộ phận trong số họ bị thôi thúc bởi tinh thần trách nhiệm đối với quốc gia / dân tộc, trong đó có niềm tin rằng sự tiến bộ của đất nước phụ thuộc chủ yếu vào tầm cấp văn hoá của bản thân tập hợp ‘интеллигенция’. Thường thì lý tưởng này sẽ đẩy những đại biểu ưu tú của tập hợp đến vị thế đối lập chính trị với giới cầm quyền. Trong khi đó, ở những quốc gia phương Tây đã trải qua cách mạng công nghiệp, sự phát triển của giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, sự thừa nhận rộng rãi những giá trị tiến bộ về văn hoá và đạo đức trong phạm vi toàn xã hội, thậm chí liên xã hội, đã khiến cho những cá nhân theo đuổi những nghề nghiệp chuyên môn thuộc về phạm trù “lao động lý trí” không trở thành một nhóm xã hội biệt lập như hiện tượng đã được quan sát thấy ở Đông và Trung Âu. Để chỉ “những người làm việc bằng trí óc” ở Tây Âu và Bắc Mỹ, người ta sử dụng những version bản địa của thuật ngữ (tiếng Anh) ‘intellectuals’ (tiếng Nga ‘интеллектуалы’) mà không gắn với bất cứ một giá trị văn hoá hay đạo đức riêng biệt nào ngoài những giá trị đã được công nhận phổ quát. Đây là lý do chủ yếu khiến các từ điển và nguồn tra cứu ở phương Tây thường phiên giải thuật ngữ ‘интеллигенция’ / ‘intelligentsia’ / … như là một khái niệm có đặc trưng Nga. Ở Việt Nam, cả ‘интеллигенция’ (tiếng Anh ‘intelligentsia’) lẫn ‘интеллектуалы’ (tiếng Anh ‘intellectuals’) đều (thường) được đối dịch là “[giới] trí thức”.
[2]Aleksandr Isaevich Solzhenitsyn (sinh năm 1918): nhà văn Nga – đoạt giải Nobel văn chương năm 1970 –, nhà bình luận chính trị và hoạt động xã hội, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đối với chế độ Xô-viết. Xem tiểu sử chi tiết về A. I. Solzhenitsyn trong “Phẩm tính trí thức (phụ lục)”.
[3]“Kỹ giả”: lựa chọn dịch thuật đối với thuật ngữ tiếng Nga obrazovanets do Solzhenitsyn sáng tạo, với căn tố obrazovan- (“được đào tạo”) và hậu tố -ets (“người”). Trong các ngữ cảnh hiện nay có sử dụng từ này, obrazovanets mang nghĩa xấu, phiếm chỉ người được đào tạo một cách ồ ạt từ các trường đại học – nhất là đại học kỹ thuật – dưới chế độ Xô-viết, có kiến thức và kỹ năng chuyên môn nhưng thiếu hụt nền tảng văn hoá.
[4]“Hội chứng tiền thuỳ”: tạm dịch thuật ngữ tiếng Nga sindromy lobnoĭ psikhiki (tiếng Anh frontal lobe syndromes), phiếm chỉ tập hợp các triệu chứng bệnh học tâm lý liên quan đến những tổn thương ở thuỳ não trước (frontal lobe). Những biểu hiện điển hình của hội chứng này là: suy giảm tâm lý chức năng (kém trí nhớ, kém minh mẫn; xao lãng, mất tập trung; trùng lắp, rập khuôn trong phản xạ; trì trệ, e dè, thậm chí mất khả năng chuyển hướng tư duy), rối loạn ngôn ngữ (phát ngôn thiếu mạch lạc, vô nghĩa; ngôn ngữ không thích hợp về xã hội hoặc mất phản xạ có điều kiện về ngôn ngữ; có thể thích tán phét, bông lơn nhạt nhẽo), rối loạn hành vi (hành động bộp chộp thiếu kiểm soát, vô mục đích, thiếu óc phê phán; thô lỗ, trơ trẽn, vô liêm sỉ; có thể hung bạo, dâm đãng, dơ dáy bẩn thỉu). (Theo Psychopathology of Frontal Lobe Syndromes, www.ect.org)
[5]Meĭerovets: thuật ngữ trong nguyên bản, chỉ “người theo [học phái] Meĭer”.
[6]“Vụ Hàn lâm viện” (tiếng Nga Akademicheskoe delo): vụ án chính trị lớn ở Liên Xô cũ thời kỳ 1929–1931, được biết là do cơ quan an ninh Liên Xô dàn dựng nhằm loại bỏ một loạt các trí thức đối lập với chính quyền ra khỏi cơ cấu của Viện Hàn lâm Khoa học và một số cơ quan / tổ chức khoa học và văn hoá trong giai đoạn đầu của chế độ Xô-viết. Trong vụ án này, từ tháng 12.1929 đến tháng 12.1930, hơn 100 người đã bị bắt, phần lớn là các chuyên gia trong lĩnh vực các khoa học nhân văn, đặc biệt là sử học; bao gồm một số viện sĩ, các cán bộ của Viện Hàn lâm và một số cơ quan trực thuộc Viện Hàn lâm như Nhà Pushkin, Bảo tàng Nga, Viện Lưu trữ Trung ương, Bảo tàng Á châu v.v… Những người can án đã bị buộc tội tham gia thành lập tổ chức phản cách mạng có tên gọi “Liên minh toàn dân tộc đấu tranh khôi phục nước Nga tự do”, bị kết án (vào tháng 8.1931) tù và lưu đày với những thời hạn khác nhau. Nhiều người trong số này sau đó đã bị bắn hoặc chết ở nơi lưu đày. (Theo Ėntsiklopediĭa Sankt-Peterburga.)
[7]Solovki hay đầy đủ hơn, Solovetskie ostrova: quần đảo nằm trong biển Trắng thông thuỷ với Bắc Băng dương. Về mặt địa - hành chính, nhóm đảo này thuộc địa phận vùng Arkhangel’skaĭa ở tây-bắc lãnh thổ Liên bang Nga. Trên hòn đảo lớn nhất của quần đảo này – đảo Solovetskiĭ –, có Tu viện Solovetskiĭ được thành lập từ năm 1436, một trong những tu viện Ki-tô giáo lớn nhất thế giới. Ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga (1917), theo một sắc lệnh của Lenin, Tu viện Solovetskiĭ bị biến thành “Trại giam đặc biệt Solovki” (tiếng Nga Solovetskiĭ lager’ osobogo naznacheniĭa, gọi theo acronym là SLON), một nguyên mẫu của hệ thống nhà tù GULAG sau đó ở Liên Xô. Theo nhiều tài liệu, trong vòng hơn hai mươi năm – từ 1917 cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ Hai –, tổng số người bị giam cầm và cưỡng bức lao động ở Solovki đã lên đến hàng trăm nghìn, tuyệt đại đa số là tù nhân chính trị, bao gồm đủ các thành phần: sĩ quan bạch vệ, quý tộc / quan lại của chế độ tsarist, người vô chính phủ, đảng viên xã hội - cách mạng (esery), người men’shevik, người tu hành, nông dân, đảng viên cộng sản, cán bộ của Quốc tế cộng sản, văn/nghệ sĩ, nhà khoa học, thậm chí cả nhân viên an ninh của chính quyền Xô-viết. Hàng chục nghìn người trong số này đã chết trong thời gian thụ án bởi các nguyên nhân: bị bắn không xét xử, bị trừng phạt bằng nhục hình, kiệt sức vì đói và lao động quá sức, nhiễm bệnh không được cứu chữa, v.v… Bản thân tác giả Likhachëv đã từng là một tù nhân Solovki. Nhận định về SLON, nhà sử học và triết học Nga Sergeĭ Mel’gunov (1880–1956) viết: “Chế độ (giam cầm ở Solovki) này là sự ô nhục tột bậc về phía những người bol’shevik, ngay cả nếu nó chỉ áp dụng cho các can phạm hình sự nặng tội nhất. Một khi những điều kiện kia được áp đặt lên những kẻ thù chính trị đã thất thế, thì không có từ ngữ nào đủ độ căm phẫn có thể sử dụng để phỉ nhổ sự hèn hạ này.” (Mel’gunov Sergeĭ, “Krasnyĭ terror” v Rossii 1918–1923, Izd. 2ое dopolnennoe, Berlin 1924.) Sau khi Liên Xô tan rã, Giáo hội Chính Thống Nga đã cho tái lập Tu viện Solovetskiĭ vào năm 1992. Cùng năm đó, quần thể di tích ở đây được UNESCO đưa vào ‘Danh sách di sản thế giới’. (Theo Solovki ėntsiklopediĭa và nhiều tài liệu khác.)
[8]G. M. Osorgin, Pokrovskiĭ, G. G. Taĭbalin: những tấm gương trí thức, là những bạn tù của tác giả ở Solovki (xem chú thích [7]). Những nhân cách này cũng được D. S. Likhachëv mô tả trong tập Hồi ký (Vospominaniĭa) của mình.
[9]Staraĭa Bukhara: địa danh theo tiếng Nga của Buxoro (đọc như [bu-kho-ro]), một trong những đô thị cổ nhất ở vùng Trung Á hiện thuộc chủ quyền của Uzbekistan. Những chứng tích khảo cổ cho thấy rằng ngay từ giữa thời kỳ đồ đồng (~3000 trước CN), Buxoro đã là một ốc đảo phồn thịnh. Tuy nhiên, thành phố được cho là chính thức thành lập vào năm 500 trước CN, khi đã có vài khu định cư với tường rào bao quanh được xây dựng. Thời kỳ cổ đại và trung đại, Buxoro là một trong những trung tâm của nền văn minh Persia (Ba Tư), và là trung tâm khai sáng ở phương Đông với nền giáo dục và khoa học hết sức phát triển. Từ 1500 đến 1920, Bukhara/Buxoro từng là kinh đô của ‘hãn quốc Bukhara’ (tiếng Nga Bukharskoe khanstvo, tiếng Anh Khanate of Bukhara, 1500–1785), sau đó là kinh đô của ‘tiểu vương quốc Bukhara’ (tiếng Nga Bukharskiĭ ėmirat, tiếng Anh Emirate of Bukhara, 1785–1920). Hãn quốc / tiểu vương quốc Bukhara là những thiết chế địa chính trị lịch sử, có lãnh thổ bao trùm lên một phần của Uzbekistan và hầu như toàn bộ Tajikistan ngày nay. Vào năm 1868, tiểu vương quốc Bukhara bị Nga thôn tính một phần (trong phần bị thôn tính có thành phố cổ Samarkand), phần còn lại chịu quy chế ‘lãnh thổ bảo hộ’ (protectorate) của đế quốc Nga. Tháng 9.1920, sau khi tiểu vương Bukhara từ chối đáp ứng những đòi hỏi xâm phạm chủ quyền tiểu vương quốc của phía Nga, Hồng quân Xô-viết đã tấn công chiếm đóng Bukhara, phế truất tiểu vương và thành lập nhà nước ‘Cộng hoà Xô-viết Nhân dân Bukhara’ (tiếng Nga Bukharskaĭa narodnaĭa sovetskaĭa respublika, acronym BNSR) do một người bol’shevik gốc Uzbek (Faĭzulla Khodzhaev) đứng đầu. Vào thời điểm này, BNSR có diện tích 182193 km2 (bằng non hai phần ba diện tích Việt Nam) và dân số trên 2,2 triệu người – gồm đại đa số là người Tajik (sắc tộc nói tiếng Iran và thuộc về nền văn hoá Ba Tư). Tháng 9.1924, BNSR đổi tên thành ‘Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô-viết Bukhara’ (Bukharskaĭa SSR) và gia nhập Liên bang Xô-viết với quy chế ‘nước cộng hoà trực thuộc liên bang’ (soĭuznaĭa respublika). Tháng 2.1925, Bukharskaĭa SSR bị giải thể, lãnh thổ của nó bị chia cắt và sáp nhập vào các lãnh thổ cộng hoà vùng Trung Á của Liên Xô (sredneaziatskie soĭuznye respubliki) – bao gồm (theo tiếng Nga) Uzbekskaĭa SSR (Uzbekistan hiện nay), Tadzhikskaĭa SSR (Tajikistan h/n), Turkmenskaĭa SSR (Turkmenistan h/n) và Kazakhskaĭa SSR (Kazakhstan h/n). Bộ phận lớn nhất của sự chia cắt này, trong đó có hai thành phố Bukhara/Buxoro và Samarkand/Samarqand của người Tajik, bị giao cho Uzbekskaĭa SSR – lãnh thổ do người Uzbek (có ngôn ngữ và văn hoá Turkic) chiếm đa số. Như vậy, tiểu vương quốc Bukhara lịch sử, từng có địa vị pháp lý của một quốc gia có chủ quyền trong hơn bốn thế kỷ, đã bị những người bol’shevik xoá tên vĩnh viễn trên bản đồ chính trị thế giới. Vị tiểu vương (emir) cuối cùng của Bukhara, Mohammed Alim Khan (1880–1944), được biết là hậu duệ trực tiếp của Genghis Khan. Ngày nay, ‘Staraĭa Bukhara’ hay Buxoro là thủ phủ của Buxoro viloyati (“tỉnh Buxoro”), một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương của Uzbekistan – quốc gia độc lập xuất hiện từ sau sự sụp đổ của Liên Xô tháng 12.1991. Được coi là một “bảo tàng sống” về nền văn minh Ba Tư cổ/trung đại, Buxoro có tên trong ‘Danh sách di sản thế giới’ (World Heritage List) của UNESCO. Giai đoạn lịch sử hiện đại của ‘Staraĭa Bukhara’/Buxoro (từ 1920 đến nay) và chi tiết trong đoạn văn – lão tín đồ Islam, người được Taĭbalin che chở, “không biết lấy một từ tiếng Nga mà chỉ riêng điều này thôi cũng đã không tránh khỏi tội chết” – là những minh chứng cho chính sách sô-vanh về dân tộc, văn hoá và ngôn ngữ của Lenin và các lãnh tụ bol’shevik.
[10]“Năm 1936 hoặc 1937”: ám chỉ giai đoạn Đại Thanh trừng (tiếng Nga Bol’shaĭa chistka, tiếng Anh Great Purge – xem chú thích [45]) trong lịch sử Liên Xô.
[11]“Lao hiệu”: lựa chọn dịch thuật đối với từ ghép rabfak, nguyên là phương án rút gọn của từ tổ rabochiĭ fakul’tet, chỉ phân hiệu dành cho người lao động được chính quyền Xô-viết thành lập trong các trường đại học và cao đẳng tiếp quản từ chế độ cũ. Theo một sắc luật được Hội đồng dân uỷ (tức chính phủ) Cộng hoà Xô-viết Nga ban hành tháng 8.1918, người lao động “có quyền vào học các trường đại học mà không cần có chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông”. Các “lao hiệu” (tồn tại từ 1919 đến nửa cuối thập niên 1930) có nhiệm vụ “đào tạo dự bị trong thời hạn ngắn nhất” để các học viên công nông “chưa có cơ hội thụ hưởng giáo dục phổ thông đúng lúc” có thể tiếp thu các giáo trình ở bậc đại học. Theo thống kê, vào năm học 1925/26 những người tốt nghiệp các “lao hiệu” đã được nhận khoảng 40 phần trăm chỗ nhập học ở các trường đại học. Cho đến năm học 1932/33, đã có trên 1 nghìn “lao hiệu” hoạt động, với khoảng 350 nghìn người theo học. (Theo Đại toàn thư Liên Xô BSĖ.)
[12]“Hai chiếc tàu thuỷ PreußenOberbürgermeister Hagen”: nói về vụ trục xuất lần đầu tiên những trí thức khác chính kiến ra khỏi lãnh thổ Liên Xô theo quyết định của Lenin. Hai chuyến tàu Oberbürgermeister Hagen (“Thị trưởng Hagen”, cuối tháng 9.1922) và Preußen (“Nước Phổ”, giữa tháng 10.1922) đều xuất phát từ Petrograd và đi đến Stettin (cảng biển Baltic, lúc đó thuộc Đế quốc Đức-Phổ, nay là cảng Szczecin thuộc chủ quyền Ba Lan), đã đem đi khoảng 160 nhà hoạt động khoa học và văn hoá. Đây là cũng là đợt trục xuất có số lượng người phải ra đi lớn nhất, trong đó có nhiều nhà triết học lỗi lạc, đến nỗi trong văn học sau này, hai chiếc tàu thuỷ nói trên đã được gọi một cách bóng bảy là “những con tàu triết học”. Việc trục xuất như một biện pháp trấn áp những trí thức khác chính kiến sau đó còn được chính quyền Liên Xô sử dụng nhiều lần trong suốt lịch sử tồn tại của thiết chế này. (Theo Ėntsiklopediĭa «Krugosvet» và một số tài liệu khác.)
Nguồn: Д. С. Лихачёв, Письмо в редакцию, «Новый мир», 1993, â„–2, стр. 3–9