trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
7.10.2008
Aleksandr Solzhenitsyn
Tầng lớp kĩ giả
Phạm Minh Ngọc dịch
 1   2   3 
 
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ Bách nhật Aleksandr Solzhenitsyn (11.12.1918 – 03.8.2008)


1.

Những đặc điểm vô cùng tai hại của tầng lớp có học của nước Nga đã được xem xét một cách kĩ lưỡng trong tác phẩm Những cột mốc – và đã làm cho cả tầng lớp trí thức đủ mọi xu hướng, từ những người thuộc Đảng Dân chủ Lập hiến cho đến những người cộng sản, đều phẫn nộ và bác bỏ. Trí tuệ uyên thâm mang tính tiên tri của Những cột mốc đã không tìm được sự đồng cảm (chính các tác giả của cuốn sách cũng biết là như thế) của độc giả Nga, không gây được ảnh hưởng đối với quá trình phát triển của nước Nga, không cảnh báo được những sự kiện thảm khốc sẽ diễn ra sau đó. Chẳng bao lâu sau, tên gọi của tác phẩm bị một nhóm người cầm bút khác, những người với quyền lợi chính trị hẹp hòi và trình độ không cao, lạm dụng (Thay thế những cột mốc), cũng mờ dần và biến khỏi tâm trí của những thế hệ có học mới của nước Nga, còn cuốn sách thì biến khỏi các thư viện quốc doanh. Nhưng sau sáu mươi năm, những lời chứng của cuốn sách vẫn không bị lu mờ: Những cột mốc dường như được gửi tới từ tương lai. Chỉ có một điều vui, đấy là sau sáu mươi năm dường như cái tầng lớp có khả năng cỗ vũ cho cuốn sách đã đông thêm.

Hôm nay chúng ta đọc cuốn sách với một tình cảm lẫn lộn: trước mắt chúng ta hiện lên những ung nhọt không chỉ của một thời đã qua mà phần lớn lại là ung nhọt của ngày hôm nay, của chính chúng ta. Vì vậy không thể tiến hành bất kì cuộc thảo luận nào về tầng lớp trí thức hiện nay (do sự phức tạp của thuật ngữ “tầng lớp trí thức”, trong chương này chúng ta sẽ coi đấy là: “tất cả những người tự gọi mình là như thế”, còn trí thức là “bất kì người nào đòi phải coi mình là như thế”) mà lại không so sánh những tính chất của nó với những nhận định của Những cột mốc. Nhìn lại quá khứ bao giờ cũng giúp nhận thức vấn đề một cách toàn diện hơn.

Nhưng ở đây tôi sẽ không tìm cách giữ nguyên tính nhất quán của Những cột mốc, mà, vì mục đích phân tích của ngày hôm nay, xin được tóm tắt và đưa những nhận định của nó vào bốn nhóm sau đây:

a. Khuyết điểm của tầng lớp trí thức cũ, có ảnh hưởng quan trọng đối với lịch sử nước Nga, nhưng hôm nay đã không còn hoặc còn rất ít hay đã bị đảo ngược hoàn toàn.

Sự tách biệt một cách giả tạo mang tính phe nhóm ra khỏi đời sống của dân tộc. (Hiện nay là sự cố kết thông qua địa vị công tác.) Đối lập một cách căng thẳng và mang tính nguyên tắc với nhà nước. (Hiện nay thì chỉ trong các nhóm nhỏ và tận đáy lòng người ta mới nói và nghĩ đến việc tách biệt quyền lợi của mình với quyền lợi của nhà nước, mới tỏ ra hân hoan trước những thất bại của nhà nước, mới dám tỏ ra thông cảm một cách thụ động đối với bất cứ sự chống đối nào, còn trên thực tế tất cả đều trung thành phục vụ nhà nước.) Sự hèn nhát về mặt đạo đức của một số cá nhân riêng lẻ trước dư luận “xã hội”, thiếu táo bạo trong tư tưởng cá nhân. (Hiện đã bị sự hèn nhát đầy hoảng loạn trước ý chí của nhà nước thế chỗ.) Tình yêu đối với sự công bằng mang tính bình quân, với điều thiện, với phúc lợi vật chất của nhân dân đã làm tê liệt tình yêu và lòng ham thích chân lí; “sự cám dỗ của Đại pháp quan tôn giáo [1] ”: thây kệ chân lí tiêu vong, miễn là nhân dân sung sướng hơn là được. (Hiện nay những mối quan tâm bao trùm như thế đã không còn. Hiện nay: thây kệ chân lí tiêu vong, dù phải trả giá như thế nhưng ta và gia đình ta vẫn còn là được.) Thôi miên một niềm tin chung cho tất cả giới trí thức, bất dung về tư tưởng đối với tất cả những cái khác biệt, lòng hận thù là xung lượng mĩ học làm say đắm lòng người. (Lòng nhiệt tình làm say đắm lòng người đã trở thành dĩ vãng.) Cuồng tín, không thèm để ý đến tiếng gọi của đời sống. (Hiện nay: nghe ngóng và thích nghi với hoàn cảnh thực tế.) Giới trí thức coi thường nhất là từ “nhẫn nhục”. (Hiện nay người ta phục tùng, đôi khi chẳng khác gì nô lệ.) Mơ mộng, cực kì tốt bụng, không nhận thức được hoàn cảnh thực tế. (Hiện nay: nhận thức tỉnh táo và thực dụng.) Hư vô chủ nghĩa đối với lao động. (Không còn.) Không thích hợp với công việc thực tế. (Thích hợp.) Liên kết tất cả mọi người là chủ nghĩa vô thần gượng gạo, suy nghĩ một cách thiếu phê phán rằng khoa học có thẩm quyền giải quyết cả các vấn đề tôn giáo, mà cuối cùng, dĩ nhiên là giải quyết một cách tiêu cực; tín điều của cái tôn giáo coi con người và loài người là chúa tể: tôn giáo được thay thế bằng niềm tin vào tiến bộ của khoa học. (Sự gượng gạo đã không còn, nhưng chủ nghĩa vô thần vẫn lan toả trong phần lớn giới có học, nhưng đây đã là chủ nghĩa vô thần truyền thống, héo úa, nhưng nhất định phải là đề cao tiến bộ khoa học và “con người là tối thượng”.) Thụ động trong tư duy, không coi lao động trí óc như một công việc tự thân, thậm chí căm thù những nhu cầu tinh thần tự thân. (Ngược lại, vì không còn niềm tin, nhiệt huyết và hành động mang tính xã hội, hiện nay những người có học, trong thời gian rỗi hoặc giữa các nhóm bạn bè, đang tích cực hoạt động, dù thường là chẳng có biểu hiện ra bên ngoài hoặc đôi khi xuất bản bí mật dưới dạng samizdat.)

Những cột mốc chủ yếu là phê phán giới trí thức, liệt kê những thói tật và khuyết điểm của nó, tức là những thói tật nguy hiểm đối với quá trình phát triển của nước Nga. Các ưu điểm của giới trí thức không được xem xét trong một bài cụ thể nào. Nhưng hôm nay, dưới góc độ so sánh, trong khi không bỏ qua phẩm chất của tầng lớp có học hiện nay, chúng ta còn phát hiện ra rằng trong khi liệt kê khuyết điểm, các tác giả của Những cột mốc còn nhắc tới những đặc điểm mà hôm nay chúng ta không thể không coi là:

b. Ưu điểm của tầng lớp trí thức trước cách mạng

Tìm kiếm thế giới quan hoàn chỉnh, khao khát niềm tin (dù là chỉ là niềm tin trần thế), cố gằng đem cuộc sống của mình phục vụ cho niềm tin đó. (Hiện không có gì để so sánh, chỉ còn thói vô liêm sỉ.) Sám hối, cảm thấy có tội với nhân dân. (Hiện nay thái độ chung là ngược lại: nhân dân có tội với giới trí thức và không hề sám hối.) Đánh giá về đạo đức và động cơ hành động chiếm vị trí đặc biệt trong tâm hồn người trí thức Nga; cho rằng nghĩ về cá nhân mình là ích kỉ, quyền lợi cá nhân và đời sống nhất định là để phụng sự xã hội; khắt khe về đạo đức, lối sống khổ hạnh, bất vụ lợi, thậm chí căm thù sự giàu sang, coi giàu sang là gánh nặng. (Đấy không phải nói về chúng tôi, hoàn toàn ngược lại!) Sẵn sàng hi sinh theo kiểu cuồng tín, thậm chí tích cực tìm cách hi sinh, mặc dù chẳng có mấy người đi qua được con đường ấy, nhưng nó vẫn là con đường bắt buộc đối với tất cả, là lí tưởng xứng đáng duy nhất. (Không thể nhận thấy được, đấy không phải là chúng tôi. Chỉ còn từ “giới trí thức”, theo thói quen, là chung mà thôi.)

Giới trí thức Nga không phải là kém cỏi, ngay cả khi Những cột mốc phê phán nó, một sự phê phán với yêu cầu rất cao. Chúng ta sẽ còn phải ngạc nhiên khi xem xét nhóm đặc điểm được Những cột mốc nêu ra thành:

c. Bấy giờ là khuyết điểm, nhưng theo đánh giá của chúng ta hiện nay thì gần như là ưu điểm.

Bình đẳng cho tất cả mọi người là mục tiêu, để làm như thế người ta sẵn sàng hi sinh các nhu cầu thuộc loại cao cấp của từng cá nhân. Lòng nhiệt tình mang tính anh hùng ca, được củng cố bởi việc đàn áp của nhà nước; đảng nào càng dũng cảm thì càng được ưa chuộng. (Sự đàn áp hiện nay dã man hơn, có hệ thống hơn nên đã gây ra trạng thái chán nản chứ không phải là lòng nhiệt tình nữa.) Tinh thần tuẫn nạn và truyền giáo; sẵn sàng chết (Hiện nay: cố gắng tồn tại.) Người trí thức anh hùng không chấp nhận vai trò của một nhân viên bình thường, anh ta mơ ước trở thành người cứu chuộc cả thế giới hay ít nhất cũng là cứu nhân dân Nga. Dễ bị kích động, nhiệt tình một cách phi lí, say sưa tranh đấu. Tin rằng chỉ có một con đường là đấu tranh xã hội và phá bỏ các hình thức xã hội hiện hành. (Chẳng có gì tương tự! Không có con đường nào khác, chỉ còn cách khuất phục, nhẫn nhục và đợi người ta rủ lòng thương.)

Nhưng chúng ta chưa đánh mất hết tất cả di sản tin thần của cha ông. Chúng ta sẽ nhận ra mình ngay sau đây.

d. Những khuyết điểm, được kế thừa cho đến hôm nay

Không có sự quan tâm mang tính cảm thông đối với lịch sử đất nước, không có sự gắn bó máu thịt đối với lịch sử. Thiếu tình cảm đối với hiện thực lịch sử. Vì vậy mà giới trí thức đang sống trong sự chờ đợi phép màu (lúc đó người ta đã làm mọi việc để cho phép màu xảy ra, còn nay thì họ củng cố để nó không thể xảy ra và… chờ đợi!) Tất cả những điều xấu xa đều là do những bất hợp lí ngoại tại, vì vậy mà chỉ cần các cuộc cải cách ở bên ngoài. Chế độ chuyên chế chịu trách nhiệm về mọi việc, từng người trí thức chẳng có trách nhiệm và chẳng có lỗi gì. Nhận thức về quyền bị thổi phồng. Thói hợm hĩnh, bộ tịch, đạo đức giả về “tính nguyên tắc” của những phán đoán trừu tượng, cứng nhắc, thái độ kiêu ngạo, tách biệt mình với những “người tiểu tư sản”. Thói tự cao tự đại. Tự coi mình là thần tượng, giới trí thức coi mình là tương lai của đất nước.

Tất cả đều trùng hợp, chẳng cần bình luận làm gì.

Xin dẫn thêm một từ của Dostoievsky (Nhật kí nhà văn):

Nhu nhược. Vội vã đưa ra những kết luận yếm thế.

Như vậy là giới trí thức hiện nay còn thừa kế được nhiều đặc tính của giới trí thức cũ, nếu chính cái giới trí thức đó vẫn còn…


2.

Trí thức ôi là trí thức! Nó gồm những ai và giới hạn của nó nằm ở đâu? Một trong những khái niệm được ưa chuộng nhất trong các cuộc tranh luận ở Nga lại được mỗi người dùng một khác. Thuật ngữ mù mờ thì kết luận cũng chẳng có mấy giá trị. Các tác giả của Những cột mốc định nghĩa giới trí thức không phải theo bằng cấp và lĩnh vực học vấn mà căn cứ vào tư tưởng - đấy là một kiểu hội đoàn mới, phi tôn giáo và mang tính nhân văn. Rõ ràng là họ không liệt các kĩ sư và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực toán học và kĩ thuật vào tầng lớp trí thức. Và cả các chuyên gia trong lĩnh vực quân sự. Giới tăng lữ. Nhưng ngay cả giới trí thức (hoạt động trong các ngành nhân văn, xã hội và cách mạng) thời đó cũng không coi tất cả những người kia là thuộc tầng lớp của mình. Hơn nữa, Những cột mốc cũng ngầm định, còn những người kế tục Những cột mốc thì khẳng định rằng các nhà văn và triết gia lớn nhất của Nga như Dostoevski [2] , Tolstoi [3] , V. Soloviev [4] cũng không thuộc về tầng lớp trí thức! Đối với độc giả ngày nay chuyện này nghe có vẻ kì quặc, nhưng lúc đó tình hình là như thế và vết rạn nứt là khá sâu. N. V. Gogol [5] được đánh giá cao khi ông tố cáo nhà nước và các giai cấp cầm quyền. Nhưng khi ông bắt đầu tìm kiếm những giá trị tinh thần mà mình trân trọng thì đã bị phê phán công khai và loại khỏi lực lượng tiến bộ ngay lập tức. Tolstoi cũng được đánh giá cao vì những lời tố cáo, và cả thái độ thù địch đối với nhà thờ, đối với triết lí cao siêu và sự sáng tạo. Nhưng đạo đức bất di bất dịch của ông, những lời kêu gọi tha thứ, kêu gọi lòng từ tâm nói chung của ông đã bị coi thường. Còn kẻ “phản động” Dostoevski thì bị giới trí thức căm thù, và có thể đã bị che lấp và quên hẳn và không được trích dẫn thường xuyên đến như thế nếu như trong thế kỉ XX tên tuổi của ông không giành được vinh quang mang tầm quốc tế chói ngời như thế ở phương Tây.

Nhưng nếu không được xếp vào giới trí thức thì phải đưa họ vào đâu? Họ có những đặc điểm đôi khi không trùng với những đặc điểm được liệt kê trong Những cột mốc. Thí dụ, chẳng có mấy đặc điểm trong Những cột mốc có liên quan đến những người làm công tác kĩ thuật. Tất cả những gì xa cách với đời sống dân tộc, với sự chống đối nhà nước, với chủ nghĩa cuồng tín, với tinh thần cách mạng, với lòng hận thù… đều không có trong tác phẩm này.

Nếu chấp nhận định nghĩa tri thức theo lối từ nguyên (intëlligërë: hiểu, biết, tư duy, có khái niệm về bất kì cái gì đó) thì rõ ràng là nó bao gồm một nhóm người có nhiều điểm khác với những người, trong lúc giao thời giữa hai thế kỉ, tự gán cho mình cái danh hiệu đó và được tác phẩm Những cột mốc xem xét với tư cách như thế.

Georgij Fedotov [6] đã có một đề nghị hóm hỉnh là coi nhóm người với đặc điểm “thống nhất bởi tính tư tưởng của những nhiệm vụ của mình và sự thiếu căn cứ của chính các tư tưởng đó” là tầng lớp trí thức.

V. Dal [7] định nghĩa tầng lớp trí thức là “cái phần dân chúng có học vấn và phát triển về mặt trí tuệ”, nhưng lại nói thêm đầy suy tư, “chúng ta không có từ thể hiện sự giáo dục về mặt đạo đức”, thể hiện sự khai minh “tạo ra cả khối óc lẫn trái tim”.

Đã có những cố gắng nhằm đưa ra định nghĩa về tầng lớp trí thức trên cơ sở sức sáng tạo tự thân vận động, bất chấp những hoàn cảnh ngoại giới; trên cơ sở tư duy sáng tạo; trên cơ sở một đời sống tinh thần độc lập. Nhưng khó nhất trong tất cả những cuộc tìm kiếm đó không phải là việc đưa ra định nghĩa, cũng không phải là đặc điểm của nhóm xã hội tồn tại trong thực tế mà ở sự khác biệt về nguyện vọng; về việc chúng ta muốn được nhìn thấy ai dưới cái danh xưng: tầng lớp trí thức.

Berdaiev [8] sau này đã đề nghị một định nghĩa, khác với định nghĩa được xem xét trong Những cột mốc: tầng lớp trí thức là tập hợp những người thuộc giới tinh hoa trong lĩnh vực tinh thần của đất nước. Nghĩa là tầng lớp tinh hoa về mặt tinh thần chứ không phải là một giai tầng xã hội.

Sau cách mạng những năm 1905-1907, quá trình phân hữu tầng lớp trí thức đã bắt đầu diễn ra một cách lặng lẽ: đấy là quá trình thay đổi mối quan tâm của tầng lớp sinh viên và sự tách ra một cách chậm chạp một tầng lớp cực kì ít người với một sự quan tâm đặc biệt tới đời sống đạo đức ở bên trong mỗi người chứ không quan tâm đến những biến đổi xã hội ở bên ngoài nữa. Như vậy là các tác giả của Những cột mốc không phải là những người đơn độc ở nước Nga lúc đó. Nhưng cái tiến trình hình thành một tầng lớp trí thức mới (sau đó chính thuật ngữ cũng sẽ bị phân tách và chính xác hoá lại), một tiến trình chưa từng nghe nói đến bao giờ và cực kì yếu ớt đó đã không thể diễn ra ở nước Nga: nó đã bị Chiến tranh Thế giới I và bão táp của cách mạng lật tung lên và đè bẹp hẳn. Cái từ “tầng lớp trí thức” được dùng thường xuyên hơn nhiều từ khác trong tầng lớp có học Nga, nhưng do nhiều sự kiện khác nhau đã không kịp có một ý nghĩa thực sự chính xác.

Càng về sau thì càng có ít điều kiện và thời gian hơn. Năm 1917 là sự phá sản về mặt tư tưởng của giới trí thức nhân văn cách mạng, như nó đã từng bôi nhọ chính thanh danh của mình. Đây là lần đầu tiên giới trí thức buộc phải từ bỏ những hành động khủng bố đơn lẻ, những phe nhóm ồn ào, từ bỏ những kiến thức mang tính đảng phái cứng nhắc và những lời phê phán kịch liệt đối với chính phủ để thực hiện những hành động quản lí thực tiễn. Và đúng như những lời dự đoán đầy bi thảm của các tác giả Những cột mốc (cụ thể S. Bulgakov từng viết: “Trí thức kết hợp với mọi rợ [9] … sẽ giết chết nước Nga”), nhưng hoá ra tầng lớp trí thức không có khả năng làm những việc như thế, nó tỏ vẻ sợ hãi, lúng túng, các lãnh tụ của nó đã từ bỏ quyền lãnh đạo và quyền lực một cách quá dễ dàng, từ bỏ ngay chính những điều mà họ mong ước từ lâu – và quyền lực, như một quả cầu lửa, bị đẩy từ tay người này sang tay người khác, nó lăn cho đến khi bị những bàn tay sẵn sàng chịu đựng sức nóng của nó bắt được (cũng là những bàn tay trí thức, nhưng thuộc loại đặc biệt). Giới trí thức đã tìm được cách xô đẩy nước Nga đến một vụ nổ mang tầm vũ trụ nhưng không biết cách quản lí những mảnh vụn của nó. (Sau này, nhìn lại từ chốn lưu vong, giới trí thức đã tìm cách tự biện hộ: hoá ra “nhân dân không được như thế”, “nhân dân đã phụ lòng mong đợi của giới trí thức”. Đấy chính là dự đoán của Những cột mốc, tức là trong khi thần thánh hoá nhân dân, giới trí thức đã không hiểu họ, giữa nhân dân và họ đã có một khoảng cách phải nói là tuyệt vọng! Nhưng không biết không phải là một lời biện hộ. Trong khi không biết cả nhân dân lẫn sức mạnh quốc gia của mình thì càng phải cực kì thận trọng để không kéo họ và cả mình vào đồng hoang.)

Và, như một que thông lò trong truyện cổ tích trong một căn nhà tối, bị một bàn chân đạp lên, đã đập một nhát thật mạnh vào trán thằng ngốc, cách mạng đã trừng trị giới trí thức, đã đánh thức nó hệt như vậy đấy. Sau bộ máy quan liêu của Sa hoàng, sau cảnh sát, sau giới quí tộc và tăng lữ, đòn đánh chết người đã kịp nện vào giới trí thức ngay trong những năm cách mạng 1918-1920, không chỉ bằng những vụ bắn giết và nhà tù, mà còn bằng đói, rét, lao động khổ sai và thái độ miệt thị đầy nhạo báng nữa. Bên cạnh đó, giới trí thức trong niềm phấn khích đầy tính anh hùng của mình chưa sẵn sàng – kéo thành đoàn dài để được các tướng lĩnh của chế độ cũ bảo vệ, còn sau đó thì đi lưu vong, đấy không phải là lần đầu với một số người, nhưng lần này là cùng với bộ máy quan liêu mà trước đây không lâu chính họ đã đánh bom.

Cuộc sống ở nước ngoài, về mặt vật chất thì khó khăn hơn thời gian ở nước Nga mà họ từng căm ghét trước đây, nhưng giới trí thức Nga đã có hàng chục năm để biện hộ, lí giải và suy tư về những mảnh vỡ. Phần lớn giới trí thức ở lại Liên Xô đã không được quyền tự do như thế. Những người sống sót sau nội chiến đã không có được không gian tư duy và phát biểu như họ đã từng có trước đây. Bị các trường đại học và nạn thất nghiệp đe doạ, ngay từ cuối những năm 1920 họ đã phải hoặc là coi hệ tư tưởng quốc doanh là tư tưởng thân thiết và yêu quí của mình hoặc là chết và biến thành tro bụi. Đấy là những năm tháng thử thách khắc nghiệt đối với ý chí bất khuất của cả quần chúng lẫn từng cá nhân, một sự thử thách không chỉ giới trí thức mà, thí dụ, nhà thờ Nga cũng phải chịu đựng. Có thể nói rằng nhà thờ, ngay trước khi cách mạng xảy ra đã già nua và phân rã, có thể là một trong những kẻ có tội đầu tiên trong việc đưa nước Nga đến chỗ sụp đổ, đã vượt qua được thử thách của những năm 1920 một cách xứng đáng hơn nhiều: cũng có những kẻ phản bội và những kẻ xu thời, nhưng đã xuất hiện rất nhiều giáo sĩ tuẫn đạo, những người đã thể hiện được ý chí bất khuất và đã bị báng súng lùa vào trại cải tạo. Nói cho ngay, chế độ Xô-viết đối xử với nhà thờ tàn nhẫn hơn nhiều, còn giới trí thức thì nó hé cho thấy những điều quyến rũ: nhận thức được qui luật vĩ đại, nhận thức được tính tất yếu sắt đá mà họ vừa trải qua chính là tự do được chờ đợi từ bao lâu nay - tự mình nhận thức trong ngày hôm nay, bằng nhịp đập của con tim chân thành, nhịp đập vượt trước cả những cú đá của đội áp giải hay những cú giáng vào gáy của các công tố viên vào ngày mai, và không được trở thành mục nát vì bản chất “thối tha của lũ trí thức” mà dìm cái Tôi vào trong qui luật, phải nuốt trọn làn gió ấm vô sản và đuổi cho kịp giai cấp tiền phong đang cắm đầu cắm cổ đi về phía trước bằng những đôi chân run rảy của mình. Đối với những kẻ chạy theo thì còn một điều hấp dẫn nữa: đóng góp bằng trí tuệ của mình cho công cuộc xây dựng chưa từng thấy, lịch sử thế giới chưa từng biết đến bao giờ. Làm sao lại không say mê cho được!... Chính nhờ sự hăng say đó mà nhiều trí thức đã thoát chết, hơn nữa, dường như còn không bị đè bẹp về mặt tinh thần vì họ đã hoàn toàn chân thành, hoàn toàn tự nguyện cống hiến cho niềm tin mới. (Mãi sau này, trong văn học, nghệ thuật và khoa học nhân văn vẫn còn nổi lên những cây đa cây đề tượng trưng cho sự thật, phải sau nhiều năm phong hoá người ta mới biết rằng đấy chỉ là mấy cái vỏ cây rỗng ruột.) Có đôi người “chạy theo” giai cấp tiền phong mà vẫn tự cười thầm, phải giả đò như thế, vì họ đã nhận thức được ý nghĩa của các sự kiện, nhưng phải làm thế thì mới thoát. Kì lạ là (quá trình này hiện đang được lặp lại ở phương Tây) đa số đã đi theo một cách chân thành, bị thôi miên, sẵn sàng để cho người ta thôi miên. Quá trình này diễn ra một cách nhẹ nhàng hơn nhờ lòng say mê của giới trí thức trẻ đang lớn: họ tưởng rằng chân lí của chủ nghĩa Marx đang thắng thế là đôi cánh đại bàng - suốt hai mươi năm, cho đến tận Chiến tranh Thế giới II, chúng tôi đã bay trên đôi cánh đó. (Tôi nhớ mùa thu năm 1941, ngọn lửa chết chóc của chiến tranh đã cháy hừng hực rồi mà mình vẫn còn tìm cách, không biết đến lần thứ mấy, thâm nhập vào túi khôn của Tư bản luận, thật là khôi hài.)

Trong những năm 1920 và 1930, tầng lớp trí thức cũ đã có những thay đổi và tăng đáng kể về số lượng, chính nó cũng hiểu và nhận thấy như thế.

Trước hết là quá trình tăng tự nhiên, đấy là giới trí thức trong lĩnh vực kĩ thuật (gọi là các chuyên viên). Tuy nhiên, vì giới kĩ thuật có nền tảng vững chắc, có liên hệ mật thiết với nền công nghiệp quốc gia và lương tâm không cảm thấy có tội vì không tham gia vào những việc làm tàn ác của cách mạng, nghĩa là không cần phải bịa ra những lời biện hộ trước Chế độ Mới, không cần lấy lòng nó - giới trí thức trong lĩnh vực kĩ thuật trong những năm 1920 đã tỏ ra kiên cường hơn là giới làm trong lĩnh vực nhân văn, họ không vội vàng chấp nhận hệ tư tưởng đó như một thế giới quan khả dĩ duy nhất, và do sự độc lập của công việc mà còn giữ được cả mạng sống nữa.

Nhưng còn có những hình thức làm tăng thêm số lượng và tha hoá khác của thành phần trí thức cũ, đấy là các biện pháp quản lí chặt chẽ của nhà nước. Thứ nhất, cắt đứt truyền thống của các gia đình trí thức: con cái trí thức gần như hoàn toàn không có quyền vào đại học (con đường duy nhất là khuất phục và tái sinh: vào đoàn). Thứ hai, thành lập một cách vội vã giới trí thức “rabfak” [10] với kiến thức rất sơ sài, đấy là dòng bổ sung “nóng hổi” tinh thần cộng sản và vô sản. Thứ ba, bắt giam hàng loạt “những kẻ phá hoại”. Đòn giáng này chủ yếu nhắm vào giới kĩ thuật: đập tan một phần nhỏ, số còn lại thì đe doạ. Những vụ án như vụ Shakhtinsky [11] , vụ Đảng Công nghiệp [12] và một vài vụ khác trong cái không khí hoảng loạn bao trùm cả nước đã đạt được mục tiêu đề ra. Kể từ đầu những năm 1930, giới trí thức kĩ thuật đã khuất phục hoàn toàn, những năm 1930 đã trở thành trường học phản bội của họ: họ đã ngoan ngoãn biểu quyết mọi bản án tử hình nếu được yêu cầu; khi một người anh em bị giết thì người anh em khác lặng lẽ nhận lãnh ngay trách nhiệm lãnh đạo, thậm chí lãnh đạo ngay cả Viện Hàn lâm Khoa học; các trí thức Nga đã không còn coi bất cứ đơn hàng quân sự nào là vô đạo đức nữa, đơn hàng nào họ cũng vội vàng thực hiện ngay lập tức [13] . Không chỉ tầng lớp trí thức cũ mới bị ăn đòn, một phần giới “rabfak” đã bị đánh vì không chịu vâng lời, và đã làm cho số còn lại phải uốn lưng, quì gối. Thứ tư, trí thức Xô-viết “bình thường” - đấy là những người đã trải qua quá trình học tập kéo dài 14 năm dưới chính quyền Xô-viết và chỉ có mối liên hệ di truyền với mỗi một mình nó mà thôi.

Làn sóng gia tăng “tầng lớp trí thức” mới, vô cùng lớn, được thực hiện trong những năm 1930: theo tính toán của nhà nước và bằng nhận thức ngoan ngoãn của xã hội, hàng triệu viên chức nhà nước được đưa vào thành phần trí thức, đúng hơn phải nói là: tất cả giới trí thức đều được coi là viên chức, hồ sơ lí lịch viết như thế, tem bánh mì cũng phát như thế. Bằng một qui chế nghiêm ngặt, tất cả giới trí thức đều bị dồn vào giai cấp công nhân viên chức nhà nước, còn chính từ “trí thức” thì bị vứt bỏ, chỉ được sử dụng như một lời thoá mạ (ngay cả những nghề tự do, thông qua các “hội” cũng bị biến thành một kiểu công chức). Từ đó, giới trí thức trở thành một tầng lớp vô cùng đông đúc, nhưng ý nghĩa của nó thì đã bị xuyên tạc và nhận thức của nó thì bị hạ thấp. Sau Chiến tranh Thế giới II, khi từ “tầng lớp trí thức” được phục hồi một phần quyền lợi thì nó đã bao gồm hàng mấy triệu viên chức tiểu tư sản, những kẻ đang làm bất kì công việc bàn giấy hoặc bất kì công việc cần một chút ít chất xám nào đó.

Ban lãnh đạo Đảng và nhà nước, tức là giai cấp cầm quyền, thời trước chiến tranh không để người ta trộn lẫn với “công nhân viên chức” (họ cứ là “công nhân” thôi), càng không được lẫn lộn với “giới trí thức” thối tha, họ là nòng cốt của “vô sản”, cách biệt hẳn với những người khác. Nhưng sau chiến tranh, đặc biệt là trong những năm 1950 và 1960, khi hệ thống thuật ngữ “vô sản” đến thời kì suy tàn, càng ngày người ta càng sử dụng hệ thống thuật ngữ “Xô-viết”; mặt khác, do nhu cầu kĩ thuật, các trí thức lớn cũng hay được giữ các chức vụ lãnh đạo hơn – giai cấp cầm quyền bắt đầu cho phép gọi mình là “tầng lớp trí thức” (điều này được phản ánh trong định nghĩa của Bách khoa Toàn thư Xô-viết) và “giới trí thức đã lặng lẽ chấp nhận sự mở rộng này”.

Trước cách mạng, người ta cảm thấy khủng khiếp như thế nào khi gọi một cố đạo là trí thức thì nay người ta lại thấy tự nhiên khi gọi một tuyên truyền viên hay cán bộ chính trị của Đảng là người trí thức như thế ấy.

Như vậy là, vì không có một định nghĩa rõ ràng về tầng lớp trí thức, dường như chúng ta đã không còn cần cái định nghĩa đó nữa. Ở nước ta hiện nay toàn bộ tầng lớp có học, tức là tất cả những người có học vấn từ lớp bảy trở lên đều được coi là thuộc tầng lớp trí thức cả.

Theo từ điểm của Dal thì đào tạo (образовать) khác với khai minh (просвещать): chỉ có cái mẽ bên ngoài.

Mặc dù cái mẽ bên ngoài này cũng chỉ thuộc vào loại ba, theo tinh thần của tiếng Nga, đúng ra ý nghĩa của nó phải là: cái tầng lớp có học, tự gọi hay là được gọi một cách bộp chộp là “trí thức”, đúng ra phải gọi là tầng lớp kĩ giả.


3.

Đã xảy ra những chuyện như thế đấy, lịch sử thì không thể nào cãi được: người ta đã dồn chúng ta vào tầng lớp kĩ giả, đã nhấn chìm chúng ta trong đó (chính chúng ta cũng cho dồn, cho dìm cơ mà). Không thể cãi được lịch sử nhưng trong lòng thì bực bội, bất đồng: không thể cứ như vậy mãi được! Dù là nhớ về quá khứ hay hi vọng vào tương lai thì vẫn cứ là: chúng ta là những người khác!...

Một người tên là Altaev (bí danh, bài báo “Nhận thức nước đôi của tầng lớp trí thức và hiện tượng nguỵ văn hoá”, Tờ tin của Phong trào Sinh viên Công giáo Nga, số 97 [14] ) đã công nhận sự gia tăng theo cấp số nhân về mặt số lượng, sự hoà tan và sự gắn bó của nó với bộ máy quan liêu nhưng vẫn tìm cái đòn bẩy để tách nó ra khỏi dung môi. Ông tìm thấy cái đòn bẩy ấy trong “dấu hiệu của chủng loài” tri thức, cái dấu hiệu dường như phân biệt nó, cả trước cách mạng và hiện nay, và có thể coi là “định nghĩa” về tầng lớp trí thức: đấy là “một loại người đặc biệt”, không lặp lại ở bất cứ đâu và ở bất cứ nước nào, sống trong “nhận thức tập thể về sự vong thân” khỏi “trái đất, nhân dân và chính quyền nhà nước của mình”. Chưa nói đến tính giả tạo của định nghĩa này (và tính đặc thù của hoàn cảnh), có thể phản bác ngay rằng giới trí thức trước cách mạng (trong định nghĩa của Những cột mốc) không hề có nhận thức về sự vong thân đối với nhân dân, ngược lại họ tin rằng mình có toàn quyền cất lên tiếng nói của nhân dân; còn giới trí thức hiện đại thì lại càng không vong thân đối với nhà nước hiện đại: những người cảm thấy như thế đã tự co mình lại một cách buồn bã và tuyệt vọng hoặc co lại trong các nhóm thân hữu, còn nói chung họ không chỉ ủng hộ nhà nước bằng tất cả những hoạt động mang tính trí thức hàng ngày của mình mà còn tham gia và thực hiện những công việc khủng khiếp của nhà nước: toàn tâm toàn ý tham gia vào bản đồng ca dối trá bắt buộc. Làm gì bây giờ? Có thể vẫn tiếp tục làm kẻ “vong thân”, chỉ cho họ thân xác, khối óc, kiến thức, nhưng không phải là tâm hồn! Giới trí thức cũ quả thực đã chống đối nhà nước đến mức đoạn tuyệt / phải dùng bom đạn [15] , chuyện đúng là như thế - còn về giới trí thức hiện nay thì chính Altaev đã tự mâu thuẫn với mình khi viết: “Dưới chính quyền Xô-viết, nó không dám nói, không chỉ vì người ta không cho nó nói, mà còn vì, trước hết là nó chẳng có gì để nói cả. Chủ nghĩa cộng sản là con đẻ của chính nó…, kể cả tư tưởng khủng bố… Trong nhận thức của nó không tồn tại những nguyên lí khác biệt hẳn với những nguyên lí đang được chế độ cộng sản thi hành”, chính giới trí thức đã “dính líu vào tội ác và đấy, hơn bất kì điều gì khác, đã không cho nó ngẩng đầu lên”. (Và tạo điều kiện cho nó tham gia vào hệ thống dối trá.) Giới trí thức đã nhận được chính cái mà nó đã phấn đấu trong hàng chục năm, dù dưới một hình thức có làm người ta hơi ngạc nhiên: nó đã đầu hàng mà không cần giao tranh. Chỉ có một chút an ủi nhỏ để cho nó mút mát một cách thầm lặng, đó là: “tư tưởng của cách mạng thì tốt nhưng đã bị xuyên tạc mất rồi”. Và trong mỗi sự đổ vỡ của lịch sử, nó lại tự an ủi bằng niềm hi vọng rằng chế độ sẽ bình phục, sẽ chuyển biến theo hướng tốt hơn và lúc đó, sự hợp tác với chính quyền sẽ được biện hộ một cách hoàn toàn (sáu đặc điểm đầy cám dỗ của giới trí thức Nga: cách mạng, sẵn sàng thay đổi hẳn quan điểm [16] , có tinh thần xã hội chủ nghĩa, yêu nước, ủng hộ tan băng [17] và có tinh thần kĩ trị, xuất hiện lần lượt theo đúng thứ tự như thế và cùng tồn tại trong giai đoạn hiện nay).

Đầu hàng một cách nhục nhã nhất, đến mức tự huỷ về mặt tinh thần, vậy thì cái tên “tầng lớp kĩ giả” chẳng xứng đáng với chúng ta hay sao? Cảm giác vong thân chán chường đối với nhà nước (chỉ từ sau những năm 1940), cảm thấy tình cảnh trói buộc trong tay người khác – đấy không phải dấu hiệu liên tục, mang tính chủng loài, mà là sự xuất hiện của một hình thức phản kháng mới, của sự sám hối. Và phần lớn giới trí thức đã nhận thức được - người thì lo lắng, người thì bàng quan, kẻ lại kiêu căng - rằng họ đã vong thân với chính nhân dân.

G. Pomerants [18] (tên thật chứ không phải bí danh, một nhà Đông phương học, xuất bản cả một cuốn sách tập hợp các bài viết về triết học dưới dạng samizdat) đã viết khá nhiều về việc giữ làm sao để không hoà tan vào lũ kĩ giả, đứng tách biệt ra khỏi bọn họ và cứu lấy khái niệm trí thức: “thành phần lành mạnh nhất của xã hội hiện đại”, “không thể tìm đâu ra một tầng lớp tiến bộ như thế [19] ”. Nhưng ông đã tỏ ra lúng túng trước một biển kĩ giả: “Rất khó định nghĩa khái niệm tầng lớp trí thức. Tầng lớp trí thức vẫn chưa ổn định ngay chính trong cuộc đời này”. (Sau 130 năm, từ Belinski [20] đến Granovski [21] mà vẫn chưa ổn định ư? Không, đấy là sau chấn động của cách mạng). Ông buộc phải tách ra “phần ưu tú nhất của giới trí thức”, đấy “thậm chí không phải là một tầng lớp mà chỉ là một nhóm người”, “chỉ có cái hạt nhân nhỏ bé của tầng lớp trí thức mới thực sự là trí thức mà thôi”, “đấy là một nhóm nhỏ những con người có khả năng tự phát hiện lại những báu vật, những giá trị của văn hoá”, thậm chí: “phẩm tính trí thức là một quá trình”... Ông đề nghị chấm dứt việc vẽ ra những hình thù, những đường biên, những giới hạn của giới trí thức mà hãy tưởng tượng nó như một trường (theo nghĩa của vật lí học): một trung tâm bức xạ (nhóm rất nhỏ), rồi đến “tầng lớp trí thức được khích lệ”, tiếp theo là “tầng lớp trí thức không được khích lệ” (?), nhưng “phát triển hơn tầng lớp tiểu tư sản”. (Trong các phiên bản cũ của bài báo này, Pomerants còn chia trí thức thành “tử tế” và “không tử tế”, với một định nghĩa kì quặc như sau: “người tử tế chỉ làm hại người khác khi không thể tránh được, không cảm thấy thích thú”, còn bọn không tử tế thì cảm thấy thích thú, toàn bộ sự khác biệt chỉ có thế!)

Nói cho ngay, Pomerants đã tìm được những lời lẽ đầy cảm thông để biện hộ cho cái giai cấp gồm nhiều triệu người nằm ở biên giới của “tầng lớp không được khích lệ” và “tiểu tư sản”: ông đã nói tới sự vất vả của các thày cô giáo, của các y bác sĩ và những kế toán viên, tức là “những người nông phu trong lĩnh vực lao động trí óc”. Nhưng hoá ra sự biện hộ kiên trì của ông lại chính là cuộc tấn công vào “nhân dân”: chứng minh rằng việc tìm ra sai sót trong một bản quyết toán vất vả hơn nhiều lần công việc của nữ nông trang viên trong trại gà ngột ngạt.

Đúng là công việc đã bị biến dạng, còn con người thì bị tàn phế. Chính tôi, một người đã từng là giáo viên trong một thời gian dài, hoàn toàn có thể tán đồng những lời như thế và có thể đưa thêm vào đây nhiều nghề nữa: kĩ thuật viên xây dựng, nhà nông học… Các thày cô giáo bị hành hạ, bị thúc ép, bị nhục mạ quá đáng, lại còn bị thiếu thốn về vật chất nữa, thành ra chẳng còn thì giờ, chẳng còn không gian và tí tự do nào để mà xác định cho được ý kiến riêng về bất cứ vấn đề gì, cũng chẳng có điều kiện để tìm và thưởng thức những món ăn tinh thần chưa bị ô nhiễm nữa kia. Chính vì bản chất, chính xác là vì thiếu thốn và vô quyền, chứ không phải là do ít học mà đám đông tỉnh lẻ nghèo đói này mới tích cực diễn trò “khích lệ” hơn so với giới khoa bảng có nhiều đặc quyền đặc lợi ở thủ đô.

Chính vì thế mà bức tranh đầy tuyệt vọng về tầng lớp kĩ giả cực kì đông đúc mới chẳng thay đổi được bao nhiêu, học vấn trung bình là cánh cửa dẫn vào giới này.

Nếu người ta lên án giai cấp công nhân là dễ bảo, chẳng quan tâm gì tới đời sống tinh thần, chìm đắm trong hệ tư tưởng tiểu tư sản, chỉ quan tâm đến những vấn đề vật chất, xin nhà ở, mua những món đồ gỗ chẳng có tí thẩm mĩ nào (bán gì mua nấy), chơi bài, chơi đô-mi-nô, xem vô tuyến và nhậu nhẹt, thì thử hỏi giới kĩ giả, thậm chí kĩ giả thủ đô, cũng có hơn gì? Đồ gỗ đắt tiền hơn, những buổi hoà nhạc chất lượng cao hơn, rượu cô-nhắc thay cho vodka ư? Còn khúc quân cầu chiếu trên vô tuyến thì ở đâu cũng như nhau cả. Nếu ở ngoại vi, việc xin xỏ về tiền lương là phương tiện sống còn thì tại các trung tâm toả sáng của nó (mười sáu thủ đô và vài thành phố bí mật) người ta càng cảm thấy kinh tởm khi chứng kiến cảnh khuất phục trước bất kì tư tưởng và tín điều nào – săn đuổi quyền chức, danh hiệu, nhà ở, nhà nghỉ, ô tô (Pomerants nói: “bổng lộc bù đắp cho những nhọc nhằn về mặt tinh thần”), và những chuyến công tác ra nước ngoài nữa. (Giới trí thức trước cách mạng chắc chắn phải hết sức kinh ngạc! Cần gì phải giải thích: ấn tượng, chơi bời, ăn ngon, mặc đẹp, ngoại hối, mấy bộ quần áo màu mè nữa… Tôi nghĩ chỉ cần như thế thôi thì một trí thức hạng bét trước cách mạng cũng chẳng thèm bắt tay một kĩ giả danh giá nhất ở thủ đô hiện nay). Nhưng trí tuệ của giới kĩ giả trung tâm thể hiện rõ nhất ở khát khao tặng thưởng, phần thưởng và danh hiệu của nó, cao hơn rất nhiều những thứ mà người ta phát cho công nhân và giới kĩ giả tỉnh lẻ - tiền thưởng cũng cao hơn và nghe cũng đã tai hơn: “hoạ sĩ (nghệ sĩ, v.v…) nhân dân”, “nhà giáo ưu tú”, “giải thưởng…” Chẳng cần xấu hổ khi giả đò là một người không chê vào đâu được, sẵn sàng cắt đứt những mối quan hệ có thể làm cấp trên nghi ngờ, làm mọi việc theo ý cấp trên; chỉ cần bí thư chi bộ ra lệnh là có thể phê phán, cả bằng văn bản lẫn trên hội nghị, hoặc không bắt tay bất kì đồng nghiệp nào. Nếu đây là trí thức thì thử hỏi “thị dân-tiểu tư sản” là gì?!... Những người mà tên tuổi còn xuất hiện trên màn ảnh gần đây và dĩ nhiên vẫn xưng danh là trí thức, lúc bỏ nước ra đi đã không hề xấu hổ khi tháo các án thư thời Ekaterina [22] thành từng mảnh nhỏ (đồ cổ bị cấm xuất khẩu) rồi trộn lẫn vào những tấm ván bình thường để mang ra nước ngoài. Thế mà lưỡi vẫn còn phát âm được từ “trí thức” đấy!... May là hải quan cấm nên những tượng cổ trước thế kỉ XVII còn giữa được ở trong nước. Còn những bức mới hơn thì đã từng có mấy cuộc triển lãm ở châu Âu, không chỉ nhà nước đứng ra bán chúng ở bên đó…

(Còn 2 kì)


Bản tiếng Việt © 2008 talawas



[1]Ám chỉ nhân vật Đại pháp quan tôn giáo trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của F. M. Dostoievski, kẻ sẵn sàng hi sinh cả Chúa lẫn chân lí miễn là nhân dân được hạnh phúc.
[2]Fiodor Dostoevski (1781-1821), nhà văn vĩ đại của nước Nga. Tác phẩm chính: Anh em nhà Karamazov, Tội ác và hình phạt, Lũ người quỉ ám, Gã khờ
[3]Lev Tolstoi (1828-1910), đại văn hào Nga. Tác phẩm chính: Chiến tranh và hoà bình, Anna Karenina, Phục sinh
[4]V. Soloviev (1853 — 1900) – triết gia lớn người Nga, người đặt nền móng cho triết học tôn giáo của Nga.
[5]N. V. Gogol (1809-1852), nhà văn vĩ đại người Nga. Các tác phẩm chính: Quan thanh tra, Taras Bulba, Những linh hồn chết..
[6]G. Fedotov (1886-1951), triết gia người Nga.
[7]V. I. Dal (1801-1872), nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Nga.
[8]N. A. Berdaiev (1874-1948), nhà triết học, nhà văn Nga. Ông được coi là triết gia về tự do, các tác phẩm chính: Triết lí của bất bình đẳng, Về tình trạng nô lệ và tự do của con người
[9]Nguyên văn tactar : dân tộc bị người Nga coi là lạc hậu.
[10]Đây là tên viết tắt của các khoa dự bị dành cho công nhân.
[11]Vụ án Shakhtinsky (1928) chống lại các chuyên gia được coi là có tinh thần bài Xô ở vùng Donbask. Có 53 người, chủ yếu là các kĩ sư và kĩ thuật viên, bị đưa ra toà. Kết quả: 5 người bị tử hình, 40 người bị tù từ 1 đến 10 năm, 4 người án treo, 4 được tha bổng.
[12]Vụ Đảng Công nghiệp (1930) ở Moskva, xét xử L. K. Ramzin, giám đốc Viện Kĩ thuật Nhiệt học và một loạt các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kĩ thuật và kế hoạch hoá bị kết tội phá hoại.
[13]Lòng trung thành mê muội đối với các đơn hàng của nhà nước đã được thể hiện một cách rõ ràng trong tác phẩm có tên là Nhóm tội phạm Tupolev (Tupolev là chuyên gia hàng không có tiếng của Liên Xô, Tổng công trình sư các máy bay mang tên TY - ND) được xuất bản dưới dạng Samizdat, hoá ra ngay cả những nhân vật lỗi lạc cũng không thoát.
[14]Xem V. F. Kormer, “Nhận thức nước đôi của tầng lớp trí thức và hiện tượng nguỵ văn hoá”, Những vấn đề triết học, 1989, số 9 – ghi chú của biên tập viên)
[15]Ở đây tác giả chơi chữ разрыв/взрыв, nghĩa là đoạn tuyệt/ tiếng nổ, đều có âm рыв - dịch thoát ý - ND
[16]Dịch thoát ý từ cменовеховский, thuật ngữ được hình thành từ hai từ cмена (thay đổi) và вехa (cột mốc), chỉ những người tham gia viết hoặc chia sẻ quan điểm của tác phẩm gọi là Cмена вех do những người Nga lưu vong thất vọng với cuộc đấu tranh chống chế độ Bolshevik xuất bản ở Praha vào năm 1921 - ND.
[17]Đây là nói những người có tư tưởng ủng hộ những cải cách (gọi là tan băng) dưới trào Khrushchev cuối những năm 1950, đầu 1960 - ND
[18]G. Pomerants (1918), nhà bất đồng chính kiến, từng tham gia Chiến tranh Thế giới II, bị bắt năm 1949, được ân xá vào năm 1953. Từng dạy học và cộng tác với nhiều tờ báo khác nhau.
[19]Tất cả cách trích dẫn từ Pomerants ở đây chủ yếu đều lấy từ hai tác phẩm: Người không từ đâu tớiHằng hà sa số (dịch thoát ý từ квадрильон nghĩa là một số đứng đầu là số 1 rồi đến 15, thậm chí 24 số không đứng sau) - ND.
[20]Belinski V. G. (1811-1848), nhà phê bình văn học, nhà báo và triết gia lớn người Nga
[21]T. M. Granovski (1813-1855), giáo sư lịch sử nổi tiếng người Nga
[22]Ekaterina A. R. (1729-1796), nữ hoàng Nga từ năm 1762 đến năm 1796, thường gọi là Ekaterina Đệ Nhị.
Nguồn: Nowy Mir (Thế giá»›i Má»›i), 1991, số 5, trang 28-46