Nghệ thuáºtÄiện ảnh 15.12.2004
Lê Hồng Lâm
Trong nhiá»u Và ng Anh, có má»™t Và ng Anh
Trong một Vàng Anh, có nhiều Vàng Anh. Vàng Anh của thơ, của truyện, của kịch bản phim, biên tập sách, của tạp bút, tiểu phẩm… và gần đây nhất là một Vàng Anh trong phim tài liệu hiện đại. Nhưng trong nhiều Vàng Anh đa năng đấy, vẫn luôn hiện diện một Vàng Anh sắc sảo, tinh tế và đầy tinh thần đương đại.
1.
Có lẽ không ai không nhớ 4 câu thơ như đồng dao, rất dễ đọc, dễ thuộc dưới đây:
Hôm nay trời nắng chang chang.
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì.
Chỉ mang một chiếc bút chì.
Và mang một mẩu bánh mì con con.
“Sự nghiệp” thơ của Phan Thị Vàng Anh chỉ dừng lại ở đấy, hoặc (hình như) có viết cũng không đưa ra phổ biến nữa.
2.
Nổi nhất của Phan Thị Vàng Anh (từ nay gọi là Vàng Anh cho ngắn gọn) phải nói là truyện ngắn. Vỏn vẹn chỉ trong hai tập truyện Khi người ta trẻ và Hội chợ, nhưng đã tạo nên một phong cách truyện ngắn rất đặc trưng - ngắn gọn, súc tích mà sắc sảo, thâm thuý và không lẫn vào đâu được (có lẫn thì cũng là nhiều đàn em đi sau lẫn vào rồi... không thoát ra được!). “Bác” Nguyễn Khải khen một câu rất ngắn gọn mà... nức tiếng là: “Nguyễn Huy Thiệp mặc váy”. Ông Dương Tường thì nói Nguyễn Huy Thiệp là “ông vua” của truyện ngắn, xét theo logic thì Vàng Anh là một kiểu...“vua bà” trong truyện ngắn (tất nhiên chỉ là ở Việt Nam thôi!).
3.
Cái hay (hay cái dở?) của Vàng Anh là biết dừng lại đúng lúc, khi thấy mình chưa mới hơn hay hay hơn cái cũ. Nhưng thế mà hoá hay. Chính điều đó làm cho bạn đọc yêu quý Vàng Anh luôn ở trong cảm giác “thòm thèm” hoặc trong trạng thái thấp thỏm chờ đợi, mong ngóng một cái gì đấy mới mẻ từ chị. Và có lẽ ý thức hoặc tự kiêu (ngầm) với điều đấy mà Vàng Anh luôn dừng lại ở “đỉnh” của mình. Ðang từ “núi” truyện ngắn, chị lại leo xuống đất rồi “lồm cồm” bò lên một “núi” khác, gọi là tản văn. Sau gần 3 năm liên tục xuất hiện trên mục Tôi xem, nghe, đọc, thấy của báo Thể thao & Văn hoá, Vàng Anh tập hợp lại thành một tập sách nhỏ Nhân trường hợp chị thỏ bông. Sách thì nhỏ thật nhưng dung lượng thì không nhỏ chút nào. Bạn đọc như vừa gặp lại một Vàng Anh quen thuộc của truyện ngắn, lại vừa ngạc nhiên phát hiện ra một Vàng Anh khác, “nhiều màu” hơn. Trong 34 (cái) tản văn in trong tập này, có những cái thể hiện một Vàng Anh đầy tinh thần công dân, xây dựng, thẳng thắn và dân chủ (Nếu tao là nhà nước, Cụ Rùa thuộc biên chế nào, Tư cách con cá, Hàng không có biết thương dân...), có cái xộc thẳng vào đời sống thời sự, vào những cái phi lý, thậm chí quái đản của xã hội (Tôi cũng muốn ăn cắp, Sự nan giải của Tí, Giao trứng cho ác, Món nợ của ngành giáo dục, Cuối cùng là lè lưỡi). Có cái “đi đường vòng”, đặt ra những “phản đề” bằng những lý luận sắc bén để cuối cùng là... nói thật: (Tôi có đủ thuốc ngủ rồi, Học cách chết, Ai khiến mày lạ, Không có chồng thì đừng mong làm giàu...). Có cái lại rất... cà khịa, sắc sảo, ghê gớm (Cái bệnh hòn non bộ, Ai cho mày chê con tao xấu?, Ra về lúc giải lao, Ðánh kẻ ngã ngựa...). Có cái đầy cảm thông, xót xa và nhân hậu (Ðể bóp (gần) chết lòng yêu nghề). Có cái nhìn rất cấp tiến nhưng hơi... giáo điều (Lên đường đi các bác)... Và duyên dáng nhất, hóm hỉnh nhất, “đàn bà” nhất phải nhắc tới cái Nhân trường hợp chị thỏ bông, lấy làm tiêu đề cho cả tập (đắc địa). Nghe nói nhiều chị em phụ nữ “phô tô” hẳn bài này ra, ép plastic rồi dán lên tường làm... kim chi nam hành động cho mình!
Một tập sách nhỏ, khổ bé, in chưa đầy 200 trang mà (hơi lẩn thẩn) phân loại ra và đọc được nhiều thứ như thế, nên tập tản văn này của Vàng Anh “cháy chợ” cũng đúng, giữa thời buổi mà bạn đọc sành điệu thì chỉ đọc sách ngoại, còn bạn đọc bình dân thì đọc các sách về Cẩm nang cuộc sống, Nghệ thuật sống, Nghệ thuật cắm hoa, Dạy nấu ăn, Giữ gìn hạnh phúc gia đình... Không chỉ “cháy” ở các hiệu sách, tập tản văn này còn xếp cả chồng, bán như... bán báo ở rất nhiều sạp báo tại Hà Nội (trước đây chỉ có các tập sách trẻ con thuộc dạng best seller cỡ Harry Potter, Bảy viên ngọc rồng hay Kính vạn hoa mới có được “vị thế” này).
4.
Vàng Anh hình như (hoặc tạm thời) dừng lại với tản văn, với một tập sách và cái bút danh Thảo Hảo “để đời”. Lần này chị nhảy sang một lãnh địa khác, có vẻ như không phải là thế mạnh (chữ nghĩa) của mình - đó là phim tài liệu. Sau ba tháng theo lớp học làm phim tài liệu Varan (làm phim trực tiếp) do các chuyên gia Pháp giảng dạy, thành quả của chị là bộ phim tài liệu dài 33 phút có cái tên rất ngộ nghĩnh Trong phường Thành Công, có làng Thành Công. Nhân vật chính trong phim là… một chiếc loa phường, nhưng Vàng Anh đã thực hiện được 33 phút phim rất sống động. Phim làm xong từ năm ngoái nhưng mãi tới tháng 11 vừa rồi mới được đem ra chiếu tại L’Espace ở Hà Nội trong chương trình phim tài liệu Sống ở thành phố mà Trung tâm Văn hoá này tài trợ. Tôi nhớ rất rõ không khí tại hội trường hôm đó, khoảng 2/3 khán giả ta, 1/3 khán giả Tây lâu lâu lại rộ lên cười từng hồi khi chứng kiến cảnh sinh hoạt vui vẻ, hài hước và khá náo nhiệt của những người dân lao động bình thường trong một khu phố nhỏ của Hà Nội.
Ý thức rất rõ mình là một người mới đến (báo chí phương Tây hay dùng chữ newcomer) và cũng là một dạng phim “bài tập” nên Vàng Anh không hề có tham vọng làm phim kiểu luận đề hay to tát về thế hệ này thế hệ nọ mà chỉ đơn giản xoáy ống kính (bằng máy quay phim kỹ thuật số) vào một chủ đề rất thú vị trong đời sống thường nhật của người dân đô thị nhưng ít ai để ý - đó là cái loa phường.
Trong ý thức của đa số người dân, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ có vẻ rất “căm” cái loa phường này, lúc nào cũng “ra rả, nhem nhẻm” suốt ngày. Theo người viết bài này được biết, trong ý định làm phim ban đầu, Vàng Anh định đưa ông nhà thơ Dương Tường và mấy ông hoạ sĩ vào phim của mình. Chả là cứ đến giờ loa phường lên tiếng là ông dịch giả kiêm nhà thơ già “tếch” ra khỏi nhà đi “lánh nạn” với lý do rất chính đáng, giờ sáng thì đi tập thể dục dưỡng sinh, giờ chiều ra phố làm ly cà phê với cánh trẻ. Thế nhưng sau này khi bắt tay vào làm phim, Vàng Anh thấy có vẻ hơi áp đặt và không tự nhiên nên thôi.
Bộ phim kể chuyện về cảnh sinh hoạt náo nhiệt của một ngôi làng cổ trong phường Thành Công, nơi người ta phải sửa chữa lại đường dây và lắp đặt loa phát thanh mới. Máy quay (bộ phim này do chính Vàng Anh tự quay và đạo diễn) bắt đầu mô tả cảnh sinh hoạt thường ngày của bà con lao động trong khu phố, những gánh hàng rong của các bà các chị, chiếc xe chở than tổ ong của một anh nông dân, một con cua nhỏ thoát ra từ rổ cua của chị bán hàng rong bò lổm ngổm trên phố... rồi bắt đầu đi vào nội dung chính - việc lắp đặt loa phường làm sao để truyền thông tin đến bà con một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Thế là nảy sinh đủ chuyện, nào là đường làng quá hẹp khó bắt dây vào, phát thông tin vào giờ nào hiệu quả nhất, bố trí loa như thế nào cho hợp lý để bà con khỏi kêu là chiã thẳng vào nhà họ, “đinh cả tai nhức cả óc” đến nỗi nhiều người dân phải lén leo lên phá loa hoặc xoay loa hướng... lên trời.
Vàng Anh có khi cầm máy quay ngồi sau xe máy của một anh bạn cộng sự để đuổi theo anh thợ sửa và lắp đặt loa, rồi hồi hộp xem anh ta leo lên cột điện sửa chữa đường dây mà không hề có một dụng cụ hỗ trợ an toàn nào, khi thì theo chân cô phát thanh viên đến đọc tin vào buổi sáng và chiều, khi thì mô tả cảnh sinh hoạt, họp bàn, chơi cờ của các cụ hưu trí phường... Và rõ ràng là qua bộ phim này, hiệu quả của chiếc loa phường không hề nhỏ chút nào, nếu không nói là thiết thực và “đầy ắp” những thông tin cần thiết (đến nỗi sau bộ phim này, Vàng Anh “thú nhận” là yêu luôn… cái loa phường mới “tệ” chứ!)
Bộ phim của vàng Anh có thể còn khá nhiều khiếm khuyết (thì phim bài tập mà lại) như máy đôi khi bị rung, cảnh quay nhiều lúc chưa sắc nét hay diễn đạt bằng hình ảnh còn hơi lúng túng nhưng cái được nhất là chị nhìn cuộc sống như cái nó vốn có, không áp đặt, không thêm bớt. Tất nhiên đấy là cái nhìn có tính phát hiện cuộc sống chứ không phản ảnh một cách thô thiển hoá cuộc sống.
Những chi tiết hài hước xung quanh cái loa phường và cảnh sinh hoạt của người dân diễn ra một cách khéo léo và duyên dáng. Có nhiều chi tiết mà tác giả phim “bắt” được rất “đắt” như cảnh hai chú chó theo chủ đến tiêm phòng, “xong việc” tự động nhảy lên xe máy, chú ngồi trước, chú dựa đằng sau chủ, nhìn rất chi là… chuyên nghiệp. Hay ghi lại được những đoạn thoại (phim thu thanh đồng bộ, không có lời bình) rất hài hước như đoạn đối thoại giữa cô phát thanh viên bàn với người cộng sự khi đã đọc hết bản tin, chưa biết tiếp tục bằng chương trình gì: “Hay em bật xừ băng ca nhạc bầu cử nhé!”. Xem đến đây, khán giả ta cười ồ, còn khán giả tây thì ngơ ngác vì có vẻ như phụ đề không dịch hết cái nghĩa hài hước của từ này... Ðoạn kết phim cũng đọng lại nhiều dư âm. Sau một ngày sinh hoạt náo nhiệt, bà con làng Thành Công thu dọn trở về nhà trả lại cho phố phường sự yên tĩnh và vắng lặng của màn đêm, ánh sáng của đèn điện hắt lên tường những con ngõ sâu hun hút, chiếc loa phường nằm lặng lẽ cô độc trên cao...
Những kiểu phim tài liệu sống động như thế, cần được xuất hiện nhiều hơn trên truyền hình, để soi chiếu cuộc sống đời thường hôm nay.
5.
Có thể sẽ chẳng bao giờ Vàng Anh làm nghề phim tài liệu (như chị nói), nhưng qua ba tháng học và bỏ một thời gian khá dài theo đuổi làm bộ phim đầu tay khá ấn tượng này, Vàng Anh nói rằng chị đã học được rất nhiều cái nhìn từ đây. Ðấy là cách nhìn cuộc sống không công thức, sáo mòn, giáo điều, không áp đặt hay “nhét ý mình vào mồm người khác”. Và nữa, khi truyền đi một thông điệp, là “không phải để mất đi các mối quan hệ mà là để có thêm các mối quan hệ” (nghe nói sau bộ phim này, Vàng Anh có hẳn một “cộng đồng” bạn bè là giới bình dân trong khu phố, gặp nhau chào hỏi rất rôm rả), là “không phải nhìn về người khác mà là sống với người khác”, là tính hài hước và nhân bản khi nhìn cuộc sống…
Sau phim tài liệu, lại bắt tay vào công việc gì nữa đây, Vàng Anh?
Nguồn: Sinh viên Việt Nam số 49 (15/12/2004)
|