trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Điện ảnh
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtĐiện ảnh
13.7.2004
Bùi Văn Phú
Đèn sáng lên, nhìn mặt là biết ai là người tử tế
Trao đổi giữa khán giả và đạo diễn phim "Chuyện Tử Tế"
 
Ðạo diễn Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại Nam Ðịnh. Thời chiến tranh Việt Nam ông làm phóng viên chiến trường, từng du học Liên Xô và đã đạo diễn trên 20 phim. Ông hiện đang làm công tác nghiên cứu tại Williams Joiner Center, University of Massachusetts ở Boston. Tối 27 tháng 1. 2003 vừa qua có một buổi chiếu phim Chuyện Tử Tế do Trung Tâm Nghiên Cứu Ðông Nam Á, Ðại Học Berkeley tổ chức. Ðạo diễn Trần Văn Thủy đã có mặt, trao đổi đôi điều suy nghĩ với khán giả.



Trước khi chiếu phim, giáo sư Peter Zinoman, trưởng trung tâm nghiên cứu, đã giới thiệu đôi hàng về đạo diễn Trần Văn Thủy. Ðạo diễn họ Trần đã làm nhiều phim như Hà Nội Trong Mắt Ai, Tiếng Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai, Chuyện Tử Tế, Chuyện Góc Phố [1] ; trong đó có Hà Nội Trong Mắt Ai mà theo giáo sư Zinoman thì sau khi phim này ra đời, nhiều người gặp vợ của đạo diễn thường hỏi: "Anh Thủy đi tù chưa?" vì phim mang tính chống đối chế độ. Chuyện Tử Tế được ca ngợị tại nhiều đại hội điện ảnh quốc tế và đã đoạt huy chương bạc trong liên hoan phim ở Leipzig, Ðức Quốc.

Chuyện Tử Tế là một phim tài liệu. Biên tập: Nguyễn Thanh An; biên kịch và đạo diễn: Trần Văn Thủy và Hồ Trí Phổ; sản xuất: Xí Nghiệp Phim Tài liệu và Khoa Học Trung Ương. Ðây là câu chuyện xoay quanh đời sống của nhiều người Việt Nam qua ống kính và cặp mắt của những nhà đạo diễn và quay phim. Vào phim là một câu như danh ngôn: "Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình" đi kèm với lời trăn trối từ giường bệnh của một bạn đồng nghiệp là Ðồng Xuân Thuyết: "Các cậu nên làm với nhau một cái gì đó, một cái gì đấy bắt đầu từ tình thương yêu của con người, hay nỗi đau của con người."

Những người làm phim xông xáo vào đời và gặp lắm cảnh trái ngang: đến quay một lò gạch thì bị chủ lò gạch xua đuổi vì tưởng họ đang làm phim tuyên truyền cho nhà nước; một đứa bé chăn vịt vì mệt, cần ngủ, lỡ để đàn vịt vào phá ruộng hợp tác xã mà phải mang lý lịch xấu; một giáo viên toán giờ phải đi bán rau; những cựu chiến binh một thời oanh liệt nay người đạp xích lô, kẻ làm nghề sửa xe đạp; một bà mẹ bị cùi hủi bị người đời khinh chê nhưng quyết chí đúc 18 vạn hòn gạch làm gia tài để lại cho đứa con trai. Ðan xen giữa những mảnh đời đó là những suy nghĩ, nhận thức về sự tử tế, về chữ hiếu đối với dân và những gì được gọi là vĩ đại trong xã hội Việt Nam.

Sau phần chiếu phim dài khoảng 45 phút là những trao đổi giữa khán giả và đạo diễn Trần Văn Thủy. Chị Nguyễn Nguyệt Cầm, vợ giáo sư Zinoman, hiện đang dậy Việt ngữ tại Ðại Học Berkeley, phụ trách phần phiên dịch. Những câu hỏi và trả lời đưọc ghi lại dưới đây.

Hỏi: Nếu bây giờ làm một phim tương tự thì có sự tử tế hơn không?

Ðạo diễn Trần Văn Thủy (TVT): Tôi có thể nói một điều không vui. Bây giờ làm như thế này cũng khó. So sánh thì bây giờ khác nhiều về kinh tế, xã hội, đời sống.

Hỏi: Sau Chuyện Tử Tế, bây giờ chữ tử tế có thêm nghĩa nào khác không?

TVT: Tôi cho rằng con người không chịu thúc thủ. Khát vọng của sự tử tế không ngừng lại. Tôi chỉ là người làm phim theo suy nghĩ và tâm tưởng. Tôi không có trách nhiệm giải thích những hiện tượng của xã hội Việt Nam. Xã hội nay khá lên nhưng lại nảy sinh những sự không tử tế mới. Lúc tôi làm phim này, người ta nghèo khổ như nhau. Bây giờ tới Việt Nam bạn sẽ thấy có nhiều người giàu lên nhanh chóng và lạ lùng. Còn người nghèo ở nông thôn, bảy tám chục phần trăm dân số, có khá lên chút, nhưng so với người giầu thì khoảng cách xa quá. Con người trong xã hội Việt Nam ngày nay hướng về đời sống vật chất, không hướng về đời sống tinh thần như trong quá khứ.

Nhưng đó chẳng là riêng của Việt Nam mà của loài người. Phim này đã được chiếu ở Anh, Pháp, Ý, Ðức, Nhật Bản, Úc. Năm 1992 tại đại hội phim ảnh ở Sydney, tôi cảm động khi một nữ đạo diễn đã ôm tôi khóc và nói, nguyên văn: Phim này cần cho nước Úc và cả nước Mỹ nữa. Tôi không biết bà ấy nói thật hay xã giao. Tôi biết nước Mỹ không cần phim này.

Nhưng hôm 16 tháng 11 vừa rồi, trong liên hoan Việt Nam Qua Phim ở New York, trong hàng ngàn phim, 36 phim được chọn gồm phim của những nhà đạo diễn lớn như Oliver Stone, Francis Coppola. Tôi rất xúc động khi một nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ đã đánh giá cao Chuyện Tử Tế. Ông nói rất tiếc là chưa có người Mỹ nào làm phim như Trần Văn Thủy đã làm. Lời nói này theo tôi mang tính hữu nghị nhiều hơn.

Trong lịch sử ít có ai đi xem phim tài liệu mà phải mua vé. Nhưng đông người đã mua vé xem phim của tôi. Trên áp phích họ giới thiệu Trần Văn Thủy là một Francis Coppola của Việt Nam. Tôi ngượng ngùng với sự so sánh như thế. Francis Coppola thì giàu có, còn tôi, như trong phim ghi nghề làm phim là một nghề hèn và mọn. Nhưng các quảng cáo đó đã đưa đông khán giả đến xem phim của tôi.

Hỏi: Tôi có hai câu hỏi. Ở đầu phim ghi là Chuyện Tử Tế, Tập 2, có phim tập 1 không? Ngày nay làm phim ở Việt Nam có bị kiểm duyệt không?

TVT: Anh là một người tinh ranh. Chuyện ghi "Tập 2" là một chuyện dài chỉ viết hồi ký mới ghi được. Nhờ "Tập 2" đó mà phim mới ra đời được. Hà Nội Trong Mắt Ai là tập 1. Ngày 7 tháng 10 năm 1987 trong một cuộc họp giữa vị lãnh đạo cao nhất với trên 200 nhà văn, nhà thơ, nhà làm phim, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh gặp riêng tôi vào bảo rằng: đến bây giờ thì ông mới hiểu được tại sao phim Hà Nội Trong Mắt Ai bị cấm. Vào thời điểm đó người ta đã khôi phục Hà Nội Trong Mắt Ai. Nguyễn Văn Linh nói với tôi rằng: đạo diễn nên làm tập 2. Tôi đã làm Chuyện Tử Tế từ năm 1985. Về sau tôi chỉ thêm "Tập 2." Tôi kể chi tiết này để chứng tỏ tôi là người không tử tế (nhiều người cười). Vì thế 200 nhà văn, nhà thơ, viết kịch, làm phim nói với nhau rằng Nguyễn Văn Linh đã bảo Trần Văn Thủy làm tập 2. Ðây là lần đầu tiên tôi nói điều này. Phim ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt.

Còn câu hỏi thứ hai, làm phim ở Việt Nam có bị kiểm duyệt không? Ngày nay có nhiều phim do tư nhân làm. Người nước ngoài cũng đầu tư vào. Nội dung phim bây giờ bớt tính chất hương khói [ca ngợi chế độ]. Nhưng vẫn bị kiểm duyệt kỹ lưỡng. Tôi không bao giờ viết đích thực kịch bản. Viết một đàng làm một nẻo. Phim tài liệu ghi nhận những chuyện đang xảy ra và sẽ xảy ra thì làm sao chúng ta viết cho chuẩn xác được chuyện đang xảy ra và sẽ xảy ra. Người ta có kiểm soát chuyện tôi làm. Nhưng tôi là một người rất cẩn thận. Khi tôi nói một điều gì, điều đó phải chính xác. Ngay cả những cuộc đời, những câu nói trong phim đều chính xác. Người ta coi lại thì thấy không có gì không đúng sự thực.

Sau 10 năm chiếu Chuyện Tử Tế, năm 1997 đài truyền hình Nhật NHK có qua Việt Nam thực hiện một phim dài nói về thân phận của những người trong Chuyện Tử Tế và tôi sống như thế nào. Phim dài 73 phút và là một phim rất thành công của đài NHK. May mắn đã mỉm cười với tôi. Không chỉ là những cố gắng hết sức mình.

Hỏi: Cháu là người Việt đã mất gốc. Cháu muốn hỏi chú ảnh hưởng của phim này đối với
người trong nước như thế nào?

TVT: Tôi gặp Bình lần này là lần thứ ba. Bình không mất gốc. Ở Việt Nam thì có thể nói Chuyện Tử Tế có ảnh hưởng rất lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, Hà Nội Trong Mắt Ai và phim này được rất đông người đi coi, như đi mít tinh vậy. Sau này những người làm phim tài liệu chịu ảnh hưởng bởi phim này, là nói lên nỗi bất hạnh của con người. Ðiều ấy làm cho tôi rất vui. Ðiều cực kỳ quan trọng tôi nhồi vào đầu sinh viên là phải dùng hết sức mình và trách nhiệm công dân vào công việc. Sinh viên học tôi thì họ thường làm khác. Ở Việt Nam đi coi phim này, đèn sáng lên, nhìn mặt là biết ai là người tử tế hay không. Nhưng những người có tư tưởng chính thống thì vẫn không chấp nhận. Trong lịch sử 45 năm của xưởng sản xuất, người ta không hề ghi tên phim này trong đó.

Hỏi: 17 năm trước tôi có coi phim này. Bây giờ phim này không còn đúng nữa. Cần có tập 3 không vì phim này còn nhẹ quá.

TVT: Tôi vui được gặp lại một khán giả của mình 17 năm trước. Nếu nói về tâm trạng, trí thức luôn hướng về phiá trước. Tôi đã làm một số việc có thể nói là không xấu hổ. Kể cả việc giúp người nghèo. Xây đường xá, cầu cống tôi cũng đã làm. Về tuổi tác nghề nghiệp, tôi đang gần cuối nhưng vẫn lơ ngơ cảm thấy việc to lớn nhất ở trước mặt mình. Người Việt thường nói: lực bất tòng tâm. Thúc đẩy xã hội tiến bộ là việc của mọi người. Văn nghệ sĩ, trí thức đóng vai trò rất quan trọng. Nhưng để làm được việc thì thật khó trong hoàn cảnh Việt Nam. Nghề làm phim ở Việt Nam khó khăn nhất. Ðó là làm phim đích thực chứ không phải làm phim cúng cụ. Phim tài liệu ngân quỹ do nhà nước cấp. Không có tư nhân làm. Quy trình làm phim bị kiểm duyệt từng bước một. Ðặc biệt làm xong phim, chiếu hay không chiếu, đem lên truyền hình hay không là công việc của người khác. Nghề làm phim không thể vượt quá khả năng của mình. Những nhà làm phim hay than phiền 3 điểm: kiểm duyệt gắt gao, ít tiền quá, thiết bị cũ quá. Nhưng tôi luôn nói trách nhiệm của chúng ta là 51%. Người làm phim có nhân cách và trách nhiệm thì mới có thể bộc lộ.

Hỏi: Tôi muốn có một tập phim này thì tìm ở đâu?

TVT: Chị hỏi anh Peter.

Gs. Zinoman: Một nhà phân phối phim ở New York [không nghe rõ tên] có phim này.

Hỏi: Tôi chưa xem Hà Nội Trong Mắt Ai. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người cũng đã nghiên cứu ở nơi đạo diễn hiện làm việc, có một bài tựa là Hà Nội Dưới Mắt Sĩ Phu Hà Thành, đọc bài đó và xem phim này đã làm tôi muốn rơi lệ. Trong Chuyện Tử Tế, có đoạn nói về một nhà giáo dạy toán, nay phải đi bán rau và ông không muốn cho quay phim vì sợ bôi bác chế độ. Vậy thì trách nhiệm ngày nay của nhà văn, nhà giáo, trí thức có còn tiếp tục giữ vấn đề tránh bôi bác chế độ không?

TVT: Tôi đã trả lời rồi. Trách nhiệm nằm trong mọi người.

*


Sau khi chương trình kết thúc, người viết bài muốn hỏi đạo diễn họ Trần thêm vài câu nhưng ông từ chối: "Tôi đã từ chối phỏng vấn của các báo Người Việt, cả báo tiếng Anh ở Boston, báo trong nước. Anh đừng viết gì về buổi nói chuyện hôm nay nhé." Tôi nói đây là một diễn đàn ở một xứ tự do dân chủ, tôi chỉ ghi lại những điều mà đạo diễn đã nói.

Không như lần xuất hiện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp tại đại học này cách đây mấy năm, buổi chiếu phim, thảo luận đã không có biểu tình chống đối và số người đến dự hơn 200, hầu hết là sinh viên, đông gấp hai lần hơn buổi nói chuyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Và cũng thật là lạ vì nhiều người Việt đã đến Ðại Học Berkeley diễn thuyết, từ những giáo sư viện sĩ Vương Tụy, Nguyễn Văn Hiệu, nhạc sĩ Trần Văn Khê, đến cố giáo sư Nguyễn Ðình Hòa, nhạc sĩ Phạm Duy, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, giáo sư Ðoàn Viết Hoạt, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông Võ Văn Ái và chị Ỷ Lan, nhưng chưa một ai lại không muốn ghi lại những điều mình nói, thảo luận trong môi trường của một đại học danh tiếng như đạo diễn của Chuyện Tử Tế.


Nguồn: Thời Báo, Oakland, California, 22.2.2003





[1]Tiếng Ðàn Vĩ Cầm Ở Mỹ Lai là một phim về vụ lính Mỹ thảm sát trên 200 dân lành ở Mỹ Lai, Quảng Ngãi vào năm 1968 và những cố gắng hàn gắn vết thương từ phía người dân cho đến phía cựu chiến binh Hoa Kỳ với chương trình xây một Công Viên Hòa Bình ở đó.

Chuyện Góc Phố là phim về những hệ quả của chất độc màu da cam để lại trên con cái của những người bộ đội cộng sản Việt Nam.

Hai phim này đã được chiếu tại Liên Hoan Phim Ðông Á tại thành phố Phoenix, bang Pennsylvania trong tuần lễ từ 15 tháng 2. 2003 vừa qua. Ðạo diễn Trần Văn Thuỷ có mặt và nói chuyện tại đại hội.

Theo tường thuật của báo The Phoenix ngày 20-2-2003, đạo diễn họ Trần đã làm phim Chuyện Góc Phố vì gia đình của nạn nhân chất độc da cam, ông bố là một phóng viên chiến trường, đã chịu đựng những hậu qủa nhưng họ không đổ lỗi cho chiến tranh mà cho đó là điều rủi ro trong đời. Ðạo diễn nói: "Những hệ quả về xã hội của cuộc chiến vần còn thấy rất nhiều ở Việt Nam. Nhiều người tan nát vì nó mà trở nên nghiện ngập ... Gia đình này thì đặc biệt về sự can đảm đương đầu với nghịch cảnh."