Cuối bài viết “Quái trạng văn hóa”, Hoàng Ngọc-Tuấn tóm lược mối quan tâm của ông về hai bài tham luận gần đây tại Hà Nội như sau:
“Cái quái trạng này đã diễn ra và lặp đi lặp lại trong suốt nhiều năm qua ở Việt Nam. Nếu không có cách nào thay đổi, thì cho dù các học giả nghiêm túc có nỗ lực truyền bá kiến thức đúng đắn đến cách mấy cũng thành vô ích, vì tất cả những nỗ lực của họ sẽ bị bóp méo, phá hoại không ngừng bởi những kẻ háo danh, tự mãn và vô trách nhiệm.”
Tôi xin phép có đôi lời với Hoàng Ngọc-Tuấn về chữ “danh”.
Nói về chữ “danh”, người ta thường nghĩ đến chức vụ. Trong bài phỏng vấn với tờ
Thể thao & Văn hóa, mà
VnExpress đã đăng lại
[1] , khi được hỏi
- Công việc hiện tại của ông ở Australia là gì? thì Hoàng Ngọc-Tuấn trả lời
- […] Hàng ngày, tôi lại phải làm việc như một nhà nghiên cứu và giảng dạy mỹ học âm nhạc đương đại tại Đại học New South Wales và là giáo sư thỉnh giảng ở các Đại học Sydney, Western Sydney và Victoria. Làm giáo sư thỉnh giảng ở cả ba trường đại học nói trên là vinh dự lớn, ít người được. Theo cách làm việc thông thường ở các trường đại học Úc thì thư mời phải do chính Khoa trưởng ký, và trong thời gian làm việc, (thường là 6 tháng hay 1 năm), trường sẽ cung ứng tất cả mọi tiện nghi cần có cho học giả đó làm việc. Khi công bố những công trình nghiên cứu hoàn tất, học giả thường ghi nhận sự giúp đỡ của trường. Giáo sư sử học David Chandler, chẳng hạn, sau khi rời khỏi Đại học Monash, đã được mời làm giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Wisconsin, và ở đó ông đã làm nốt công trình dang dở để viết xong cuốn sách
Voices from S-21: Terror and History in Pol Pot's Secret Prison về trại giam của Khmer Đỏ cùng tên.
Tôi biết, sáu, bảy năm trước đây Hoàng Ngọc-Tuấn có làm phụ tá giảng viên ăn lương giờ, dạy tiếng Việt, ở Đại học Sydney. Có thể là những trường đại học kia có mời anh về làm giảng viên trong một thời gian ngắn, hay để giảng dạy một hai chuyên đề đặc biệt nào đó trong một khóa học. Nhưng nếu miêu tả những chức vụ đó bằng cụm từ “giáo sư thỉnh giảng” thì, theo tôi, là thiếu chính xác. Cũng có xác suất, không cao, là Hoàng Ngọc-Tuấn đang hay đã làm giáo sư thỉnh giảng ở ba đại học này. Trong trường hợp đó, tôi xin nhận lỗi thiếu khả năng truy lục thông tin. Có tìm nhưng không tìm ra.
Danh tiếng đôi khi không vì chức vụ, mà qua tác phẩm. Đánh giá tác phẩm, người ta thường nhắc đến giải thưởng, dù không phải tác phẩm nào được giải thưởng cũng đều là tác phẩm hay, và ngược lại. Cũng theo
VnExpress, thì:
“Ông là nhà nghiên cứu, lý luận phê bình và sáng tác trên các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu, văn chương. Hoàng Ngọc-Tuấn từng đoạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật, trong đó có giải nhất Binderman Essay năm 2000 cho luận văn triết học về Heidegger...”
Một website khác
[2] ghi rõ hơn:
“Ông đoạt giải nhất cuộc tranh tài luận văn triết học Binderman Essay Prize 2000 do The Australian Society of Contemporary Philosophy tổ chức.”
Tìm qua Google, không thấy thông tin nào về giải thưởng
Binderman Essay cũng như tổ chức The Australian Society of Contemporary Philosophy, ngoại trừ những cái link đưa ngược lại trở về những website có đăng tiểu sử Hoàng Ngọc-Tuấn. Thông thường, các hội chuyên gia nghiên cứu đều có phát hành tập san chuyên ngành để công bố công trình nghiên cứu của thành viên, nhất là những công trình đã đoạt giải. Thư viện Quốc gia Úc là cơ quan có nhiệm vụ, theo luật pháp, lưu trữ tất cả mọi ấn phẩm chính thức xuất bản tại Úc. Thế nhưng khi lục tìm trong thư mục của Thư viện này, tôi không tìm ra một thông tin nào liên quan đến tổ chức The Australian Society of Contemporary Philosophy. Cho nên, những chi tiết cụ thể về giải thưởng
Binderman Essay, thể lệ dự thi thế nào, giá trị hiện kim là bao nhiêu, tổ chức trao giải là ai, thì rất khó biết.
Danh tiếng đôi khi cũng gắn liền với bằng cấp. Trên
wikivietlit [3] , tiểu sử Hoàng Ngọc-Tuấn ghi:
“In Australia, he spent 14 years re-educating himself in Philosophy and Ethnomusicology at the University of New England, and Music and Education at the University of New South Wales, where he did his honours and doctoral researches [sic] in contemporary guitar compositional techniques and aesthetics.”
Research là danh từ không đếm được. Ta có thể nói
one cup,
two cups, nhưng nói
one research,
two researches thì thường bị bảo là sai văn phạm. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, ta cũng có thể dùng từ
researches khi muốn nhấn mạnh rằng một học giả nào đó, trong suốt đời làm việc, đã có nhiều thời kỳ nghiên cứu khác nhau. Từ
doctoral thường mang nghĩa “ở cấp độ tiến sĩ”. Tôi tìm trong danh mục online các luận án tiến sĩ ở trường Đại học New South Wales nhưng không tìm ra luận án của Hoàng Ngọc-Tuấn. Có nhờ người tìm hộ ở thư viện Đại học New South Wales, nhưng chưa thấy họ trả lời. Có thể Hoàng Ngọc-Tuấn đã từng ghi danh, hay đang làm luận án tiến sĩ. Nhưng nếu miêu tả quá trình học tập như thế bằng cụm từ “he did his honours and doctoral researches” thì, theo cách nhìn của riêng tôi, là đại ngôn.
Danh chính thì ngôn thuận. Ngược lại, đại ngôn là triệu chứng thường thấy ở những người háo danh.
© 2008 talawas
Xem thêm ý kiến phản hồi của Hoàng Ngọc-Tuấn
[1]http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2004/01/3B9CEAF8/?q=1[2]http://www.vietnhac.org/baivo/i-hoangngoctuan.html[3]http://www.vietnamlit.org/wiki/index.php?title=Hoang_Ngoc-Tuan