trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcLý luận phê bình văn học
2.10.2008
Trần Đình Hoà
Cũng chuyện vay mượn
 
Tôi mới đọc ý kiến của Bùi Bụi về việc nhà thơ Inrasara vay mượn một vài ý tưởng của Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc-Tuấn. Thốt nhiên, tôi nhớ là cách đây khá lâu, khi đọc bài viết lý luận văn học của một cây bút nổi danh, tôi cảm thấy ngờ ngợ, sau đó, vì tò mò, tôi đọc lại một số bài viết về văn học. Nhờ Google, công việc ấy tương đối dễ dàng. Chính Google đã giúp tôi tìm ra lời giải đáp: nhà văn nổi danh nọ đã vay mượn khá nhiều ý tưởng của Nguyễn Hưng Quốc, nhưng có lẽ vì lơ đễnh, ông không hề ghi xuất xứ.

Nhà văn nổi danh tôi muốn nhắc ở đây là Đỗ Lai Thuý. Bài viết “Phê bình văn học là gì?” của ông được đăng liên tiếp 5 kỳ trên tờ báo mạng eVan với lời giới thiệu trang trọng của Ban biên tập:

“Phê bình văn học là gì?" là tiểu luận mới nhất và tâm đắc của Đỗ Lai Thuý. Tác giả đã âm thầm viết nó trong năm 2003, khi mà trên báo chí liên tiếp xảy ra các cuộc bút chiến xung quanh một số tác phẩm cụ thể - nhất là các bài thơ. Đỗ Lai Thuý rất không vừa ý với các cuộc phê bình này, đúng hơn, ông không vừa ý với "cách người ta phê bình" chúng. Theo ông, những cuộc tranh cãi ầm ĩ và vô bổ đó là minh chứng cho sự thiếu vắng một cái nhìn học thuật về phê bình văn học.

Trong “Phê bình văn học là gì?”, Đỗ Lai Thuý trình bày những luận điểm cốt yếu nhất của ông về phê bình, những luận điểm mà ông tự đúc rút từ những kinh nghiệm cá nhân và “kinh nghiệm gián tiếp” qua việc nghiên cứu các học giả thế giới. Còn với riêng mình, như Đỗ Lai Thuý tâm sự, “Phê bình văn học là gì?” trước hết là sự tự nhận thức về chính bản thân ông với tư cách nhà nghiên cứu văn học.”

Bài viết của Đỗ Lai Thuý khá dài. Tôi chỉ đủ sức để đọc và tìm xuất xứ giùm 2 kỳ đầu mà thôi.

Sau đây là một số điều tôi tìm thấy được.


A. Trong bài “Phê bình văn học là gì? – Kì 1”
(http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2003/12/3B9AD39C/)

Đỗ Lai Thuý: Tư tưởng dân chủ là nền tảng tinh thần của phê bình văn học. Nó thừa nhận mọi công dân đều có quyền phê bình, tức quyền có ý kiến riêng của mình. Trước đây chỉ một thiểu số nào đó mới có cái quyền ấy, còn đa số chỉ có quyền được / chịu sự phê bình. Điều này đã hình thành một tâm thế, một khuôn mẫu suy nghĩ. Chả thế, ở Việt Nam, mãi đến tận năm 1941, khi phê bình văn học (theo nghĩa hẹp, dĩ nhiên) đã rất phát triển, mà Hoài Thanh, một nhà phê bình nổi tiếng, vẫn chưa rũ bỏ được tâm thế đó, còn rất ngỡ ngàng với cái quyền vừa giành được của mình, nên ở cuối Thi nhân Việt Nam, ông còn Nhỏ to tâm sự: “Quyển sách này ra đời, cái điều tôi ngại nhất là sẽ mang tên nhà phê bình. Hai chữ phê bình sao nghe nó khó chịu quá! Nó khệnh khạng như một ông giáo gàn. Bình thì cũng còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?”.

Nguyễn Hưng Quốc: Trong tiếng Việt, ngày xưa, người ta chỉ thường dùng chữ "bình", bình thơ và bình văn. "Bình" phần nhiều có nghĩa là tán, thiên về việc khen ngợi nhiều hơn là chê bai hay đả kích. "Phê", ngược lại, thường chỉ dùng trong những trường hợp như vua quan phê vào đơn từ của dân chúng, thầy giáo phê vào bài làm của học trò, bao giờ cũng là một hành động quyền uy của người trên đối với người dưới. Chính ám ảnh về quyền uy này của chữ "phê" đã khiến Hoài Thanh, khi viết cuốn Thi nhân Việt Nam vào đầu thập niên 40, đâm ra e dè không dám nhận mình là nhà phê bình: "Bình thì cũng còn được. Nhưng phê? Sao lại phê?"

Thực ra, Hoài Thanh không thấy hết ý nghĩa cách mạng của việc sử dụng chữ phê bình trong sinh hoạt văn học: nó là sự giành giật quyền uy của người dưới đối với người trên. Xưa, chỉ có người trên mới có quyền phê bình người dưới; làm ngược lại là bất kính và phạm thượng. Nay, bất cứ ai cũng có quyền phê bình; không phải chỉ phê bình người khác mà còn phê bình cả hệ thống mỹ học gắn liền với ý thức hệ đang thống trị trong xã hội. Chính vì thế, trong hành động phê bình có hai khía cạnh nổi bật vừa đối nghịch vừa bổ sung cho nhau. Thứ nhất, bản thân nó, phê bình, vừa là điều kiện vừa là kết quả của một tiến trình dân chủ hoá. Phê bình chỉ có thể tồn tại khi người ta chấp nhận sự đối thoại, chấp nhận quyền đối thoại của người khác và quan trọng hơn cả, chấp nhận được/bị phán đoán theo một tiêu chuẩn riêng của văn học, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của văn học. [...] Thứ hai, thực chất của phê bình không phải chỉ là chuyện chữ nghĩa mà là một thứ quan hệ quyền lực.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=513)


Đỗ Lai Thuý: Nhà phê bình phát ngôn không nhân danh bản thân anh ta, mà nhân danh một ý thức thẩm mỹ nào đó mà anh ta là đại diện. Người đối thoại với anh ta cũng vì một ý thức thẩm mỹ khác mà tranh luận lại. Phê bình văn học, vì thế, không còn là chuyện cá nhân, không có vấn đề “ai thắng ai” muôn thuở, mà là một cuộc đối thoại thẩm mỹ theo đúng thuần phong mỹ tục để thúc đẩy văn chương dấn thân vào những cuộc phiêu lưu tìm những giá trị thẩm mỹ mới.

Nguyễn Hưng Quốc: Khi một nhà phê bình lên tiếng khen hay chê một tác phẩm nào đó, hắn không nhân danh cá nhân hắn mà, nghĩ cho cùng, nhân danh một quan điểm thẩm mỹ nào đó. [...] Từ việc nhân danh một quan điểm thẩm mỹ, phê bình trở thành một cách bày tỏ một thái độ thẩm mỹ.

[...] thực chất của phê bình không phải chỉ là chuyện chữ nghĩa mà là một thứ quan hệ quyền lực. [...] trong phê bình, đó là quan hệ quyền lực giữa ý thức thẩm mỹ này và một hay nhiều ý thức thẩm mỹ khác và mục đích chính là để kích thích sự vận động của văn học và của cả văn hoá nữa.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=513)


B. Trong bài “Phê bình văn học là gì? – Kì 2”
(http://evan.vnexpress.net/News/phe-binh/nghien-cuu/2003/12/3B9AD39D/)

Đỗ Lai Thuý: Phê bình văn học, theo tôi, có thể tạm chia thành hai loại: phê bình báo chíphê bình học thuật. [...] Phê bình học thuật, theo tôi, hiện nay có hai dạng: phê bình thực hành và phê bình lý thuyết.

Nguyễn Hưng Quốc: [...] phê bình không phải chỉ là điểm sách. Từ đầu thế kỷ 20, [...] phê bình thành một ngành học thuật vững mạnh với những kiến thức riêng và những phương pháp luận riêng, [... ] Hiện nay, ngoài hình thức điểm sách, phê bình còn có ba hình thức khác nữa: thứ nhất, phê bình học thuật [...] Thứ hai, phê bình thực hành, [...] Cuối cùng là phê bình lý thuyết: đối tượng phê bình ở đây không phải là một tác giả hay một tác phẩm cụ thể mà là bản thân công việc phê bình hay công việc viết lách nói chung, là những quy ước ngôn ngữ và văn hoá bên trong tác phẩm văn học, những yếu tố làm cho tác phẩm văn học trở thành có ý nghĩa và có giá trị.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1034)


Đỗ Lai Thuý: Chọn sự phân chia phê bình thành phê bình báo chí và phê bình học thuật, tôi muốn chuyển trọng tâm khảo sát sang bản thân phê bình. Sự phân loại này dựa trên chính sự phân chia chức năng của phê bình: phát hiện cái đẹp xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ.

Nguyễn Hưng Quốc: Từ hai sự ghi nhận vừa nêu, theo tôi, phê bình có hai chức năng chính: phát hiện và quy phạm hoá những cái đẹp.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1)


Đỗ Lai Thuý: Trong những thời kỳ văn hóa - xã hội ổn định, “những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt” (Chế Lan Viên), các giá trị thẩm mỹ còn là mẫu mực, thì phê bình báo chí dễ phát huy hết các điểm mạnh của mình. Các phán đoán thẩm mỹ của nó dễ đúng và trúng bởi được bảo hộ bằng một hệ giá trị chuẩn. Đồng thời, hệ giá trị này còn giám sát trở lại nhà phê bình, vừa đo tầm vóc của anh ta, vừa ngăn anh ta không để dính vào sự chi phối của những yếu tố phi thẩm mỹ. Nhưng trong các thời kỳ bất ổn, bảng giá trị bị đảo lộn, hệ quy chiếu biến mất, nhà phê bình lúc này chỉ còn biết tựa vào chính bản thân anh ta hoặc lấy ý kiến số đông làm ý kiến của mình, tuỳ vào bản lĩnh của mỗi người. Các phán đoán thẩm mỹ, vì thế, dễ trở nên lung tung, nhầm lẫn. Khi đó, một người phê bình kém bản lĩnh sẽ không còn là người hướng dẫn dư luận nữa (bởi, anh ta cũng đang cần được hướng dẫn!), sẽ bị đám đông nuốt chửng, dìm chết hoặc thả nổi theo những con sóng dư luận lên xuống dập dềnh. Đây là lúc hơn hơn lúc nào hết, trên báo chí, trong đời sống văn học, cần đến tiếng nói của một kiểu phê bình khác, phê bình học thuật.

Nguyễn Hưng Quốc: Dưới sự nâng đỡ của giới sáng tác, sinh hoạt phê bình đã thực hiện nhiệm vụ cổ vũ và biểu dương của nó khá tốt. Nó trở thành một thứ trung gian giữa tác giả và độc giả, góp phần đắc lực trong việc phổ cập một số tác phẩm văn học vào đại chúng. Các nhà phê bình hài lòng với công việc của mình. Giới sáng tác, nếu không hài lòng thì cũng chẳng lấy gì làm phiền hà về sự hiện diện khiêm tốn của họ. Mối quan hệ ấy thường khá êm thắm cho đến khi chính giới sáng tác cảm thấy bị hoang mang trước công việc sáng tác của mình.

Cảm giác hoang mang ấy thường xuất hiện ở một số thời điểm nhất định khi quan điểm văn học cũ bắt đầu lung lay mà quan điểm mới chưa được hình dung rõ ràng.

Đó là lúc, ở trong nước, văn học bắt đầu rục rịch đổi mới. Đường lối sáng tác cũ đã bị xem là lạc hậu, đã bị đọc lời "ai điếu", nhưng mọi người đều ngơ ngác chưa biết sẽ đi về đâu. Những cây bút có tài mỗi người đâm về một hướng như những thử nghiệm đầy phiêu lưu. Lúc ấy, về phía giới sáng tác, người ta cảm thấy sự tồn tại của giới phê bình chuyên vỗ tay và phe phẩy những chiếc quạt trần sau lưng mình là vô dụng và vô duyên. Về phía độc giả, bị bối rối trước tình trạng lộn xộn trong sáng tác, tha thiết chờ đợi sự phân tích của giới phê bình, nhưng cuối cùng, họ đã thất vọng ê chề: những kẻ nói leo ấy hoặc biến mất hoặc chỉ lặp lại những điều cũ mèm. Chúng ta hiểu vì sao khoảng hơn mười năm nay, ở trong nước lâu lâu lại vang lên một câu hỏi thống thiết: đâu rồi những Hoài Thanh và những Vũ Ngọc Phan của thời đại mới?
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1034)


Đỗ Lai Thuý: Hiện nay, phê bình lý thuyết rất được coi trọng. Hợp tuyển các công trình phê bình nổi tiếng thế giới đều không thể vắng mặt những tên tuổi như R. Jakobson, M. Bakhtin, R. Barthes, J. Derrida, M.Foucault, T. Adorno, H. R. Jauss, W. Iser...

Nguyễn Hưng Quốc: Không phải ngẫu nhiên mà trong các tuyển tập phê bình về nền phê bình văn học thế kỷ 20, phần lớn các phần mục được sắp xếp theo tên của các trường phái và hầu hết những người được vinh danh trong đó là những nhà lý thuyết hoặc những người có đóng góp lớn về phương diện lý thuyết, những kẻ góp phần phát hiện hoặc hình thành một số quy phạm lớn trong văn học.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1)



Đỗ Lai Thuý: Có điều đáng lưu ý là loại phê bình này không nhất thiết phải viết về những tác giả đương đại, mà chủ yếu là những tác giả đã được khẳng định, kể cả những nhà văn tưởng như đã “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, như Bakhtin về Dostoievski và Rabelais, Barthes về Sarrasine của Balzac, không phải để “ăn mày dĩ vãng” mà cốt để làm rõ hiệu quả của phương pháp mới trên một tác phẩm cũ tưởng đã cạn kiệt thông tin.

Nguyễn Hưng Quốc: Ở phương diện này, chúng ta không thể không chú ý đến một sự kiện đặc biệt: một số những công trình phê bình có ý nghĩa rất lớn và giàu tính sáng tạo lại không viết về những tác giả đương đại mà là những tác phẩm thuộc về quá khứ, có khi là quá khứ khá xa. Tác phẩm được đánh giá cao nhất của Roland Barthes, chẳng hạn, không phải là tác phẩm viết về Alain Robbe-Grillet, người cùng thời với ông, mà là cuốn S/Z, một công trình phân tích một thiên truyện vừa của Balzac, ra đời cả hơn một trăm năm về trước, truyện "Sarrasine", ở đó, ông đưa ra nhiều phát hiện lý thú, giúp người đọc, qua thiên truyện ấy, hiểu sâu sắc hơn về những cơ chế nội tại của tác phẩm văn học nói chung. Trường hợp của M.M. Bakhtin cũng tương tự. Ðược xem là một trong vài nhà phê bình lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20, Bakhtin hiếm khi viết về bất cứ một tác giả nào thuộc thế kỷ ông đang sống. Hai tác giả "hiện đại" nhất được ông đề cập đến là Leo Tolstoy và Fyodor Dostoievsky chủ yếu là hai nhà văn lớn của thế kỷ 19. Hơn nữa, ngay cả khi viết về Tolstoy và Dostoievsky, điều làm Bakhtin quan tâm nhất không hề là khía cạnh thẩm mỹ trong nghệ thuật của họ mà là những khía cạnh thuộc về thi pháp thể loại, những mối quan hệ tương tác giữa các loại diễn ngôn hoặc giữa văn bản và bối cảnh văn hoá của thời đại. Cũng giống như Barthes, những sự phân tích của Bakhtin giúp mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về tiểu thuyết và về văn học, từ đó, tự nhiên chúng ta cảm thấy dễ cảm nhận và cũng dễ chấp nhận hơn những thử nghiệm mới mẻ và táo bạo theo hướng đa thanh hoá (polyphony) tiểu thuyết của các tác giả hiện đại và hậu hiện đại, từ James Joyce và Gertrude Stein cho đến Donald Barthelme và Pat Barker.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1)


Đỗ Lai Thuý: Phê bình học thuật, như vậy, đã thực hiện chức năng xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, nó luôn tìm kiếm, xây dựng, mở rộng, nâng cao và hoàn thiện các quy phạm này. Cùng với thời gian, hệ giá trị thẩm mỹ càng trở nên ổn định, vững chắc và chuẩn mực. Đến một lúc nào đó, nó trở thành khuôn vàng thước ngọc, thành chân lý độc tôn, bó trói một thực tiễn văn học sống động, luôn tiến về phía trước. Thế là hệ giá trị thẩm mỹ mới mẻ ngày nào nay đã khô cứng, cũ kỹ và lâm vào khủng hoảng. Lúc này, phê bình văn học phải chuyển đổi hệ chuẩn (paradigme), phủ định những quy phạm cũ, để lại xây dựng những quy phạm mới, bảng giá trị thẩm mỹ mới.

Nguyễn Hưng Quốc: Tôi muốn xem công việc phủ định các quy phạm ấy là chức năng thứ ba của phê bình văn học. Nói cách khác, sau khi phát hiện cái đẹp và quy phạm hoá cái đẹp, điều phê bình cần làm nhất là phủ định các quy phạm đã có và nếu được, cố gắng xây dựng những quy phạm mới dựa trên những điều kiện mới và những khám phá mới của văn học và mỹ học. Nếu chỉ có chức năng thứ nhất, phê bình sẽ mãi mãi ở trong tình trạng phôi thai, nghiệp dư và đầy cảm tính. Nếu chỉ dừng lại ở chức năng thứ hai, phê bình cũng không thể phát triển: trong một thế giới văn học đầy những quy phạm vững chắc, người ta không cần phê bình; người ta chỉ cần những nhân viên kiểm duyệt mà thôi.
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1)


Đỗ Lai Thuý: Ở đây, có lẽ cần phải nói rõ thêm một điều là phủ định trong phê bình văn học không phải là bảo nó sai, tiêu diệt nó, mà chỉ là xác định rằng hiện nay nó không còn đủ lực để giữ vai trò chủ đạo nữa, hoặc trước đây tưởng nó là chân lý phổ quát thì nay chỉ là cái đúng trường hợp. Bởi vậy, có thể nói, lịch sử phê bình văn học là lịch sử của những khẳng định và phủ định các quy phạm thẩm mỹ.

Nguyễn Hưng Quốc: [...] Một quy phạm bị phủ định trong văn học sẽ không mất đi đâu cả. Cái bị phủ định không phải là sự tồn tại của quy phạm mà là cái uy thế tuyệt đối và đồng thời, cái vị thế tiên phong của nó.

[...] Sức sống của văn học nằm ở nhịp hình thành và phủ định, lại hình thành và lại phủ định của các quy phạm. [...]
(http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=1)


Tôi chỉ xin nêu một số điểm tương đồng về ý tưởng và xin nhường quyền kết luận cho các bạn đọc khác.

© 2008 talawas