Dịch thơ
là điều khảm kha nhất. Dịch thơ ắt phải cho ra thơ – nói như ông Crayssac trong
bài Tựa bản dịch Kiều: “toute poésie traduit a le devoir de l’être enver [...] La langue des
Dieux m’a paru seule idoine à chanter l’héroique et douloureux calvaire de la
divine Thuy-Kieu.”
Cũng vì quan niệm tới mức triệt để tế nhị đó, nên bản dịch Kiều của
Crayssac là bản dịch đạt nhất trong mọi bản dịch Kiều ra ngôn ngữ Tây Phương.
Lời thơ Crayssac thỉnh thoảng có vài chỗ sống suợng, nhưng Crayssac đã đòi hỏi,
đã tận dụng khả năng ngôn ngữ thi ca Pháp tới mức tối đa. Và nhiều phen bất
ngờ, những tư tưởng, tư lường sâu xa, ẩn trong Nếp Gấp Lục Bát Nguyễn Du, bất
thình lình đuợc Crayssac mở phơi ra một cách tinh tế.
Tiện đây, tôi xin dẫn một thí dụ để làm sáng tỏ phần nào đường lối dịch
thơ. Dịch thơ Emily
Dickinson:
My life closed twice before its close
It yet remains to see
If Immortality unveil
A third event to me
So huge, so hopeless to conceive
As these that twice befell
Parting is all we know of heaven
And all we need of hell.
Một bài
ngắn như thế của Emily Dickinson dịch còn khó hơn dịch cả một cuốn Lá Cỏ [Leaves
of Grass] của Walt Whitman... Ấy bởi vì, nó thuộc loại thơ bất khả dịch
diễn.
Những
điệp ngữ và điệp âm và đảo ngữ mà Emily Dickinson sử dụng, là riêng Mỹ Ngữ một
lần được thiên tài cho phát tiết anh hoa ra ngoài:
my life closed – its close
to see – to me
twice before – twice befell
parting is all – and all
all we know – all we need
of heaven – of hell
to see – to me – to conceive
a third event – as these that twice
so huge – so hopeless ...
Tôi thử
chép ra như thế, những thanh-âm-vận song trùng nhị bội liên tồn giao hưởng nhau
trong bài thơ, xoay vít quanh nhau trong tám câu huyền diệu đó. Thế cũng đủ
nhận ra tính chất phong phú đìu hiu dị thường trong lời thơ tài tử. Thế mà, vẫn
còn những giao hưởng giao thoa ngấm ngầm âm ỉ trong tiết nhịp rung rinh, không
làm sao ghi ra song đôi cho được. Bởi vì những giao hưởng ngầm nọ vừa như giao
nhau vừa như xô đẩy nhau, ly khứ nhau... Bây giờ thử đọc lại toàn bài:
My life closed twice before its close
It yet remains to see
If Immortality unveil
A third event to me
So huge, so hopeless to conceive
As these that twice befell
Parting is all we know of heaven
And all we need of hell.
Nếu dịch
ra văn xuôi ắt sẽ thành cái gì? Chẳng lẽ vất vơ thành ra cái như sau:
Cuộc đời tôi khép lại hai lần
Trước buổi chung cục của nó
Nó vẫn ở lại để xem
Thử sự Bất Tử có mở ra
Một sự cố thứ ba cho tôi không
Bao xiết đồ sộ khổng lồ tuyệt vọng cho quan niệm
Là ấy những gì đã hai lần xảy ra
Ly biệt là tất cả những gì chúng tôi biết về Thiên Ðường
Và tất cả những gì chúng ta cần (của) nơi Ðịa Ngục
Thật là không thể tưởng tượng được. Chẳng
những nghe ra lớ ngớ, mà còn chẳng ai biết nói cái gì. Không một chút ý nghiã
nào tồn tại, đừng nói chi là tinh thể tinh hoa. Thế mà thường thường tôi vẫn
thấy người ta dịch theo lối đó một cách rất hồn nhiên, và còn cho rằng mình
dịch rất sát.
Gẫm về cái vụ dịch thơ, nhiều phen phải
toát mồ hôi hột. Giữ tiếng thì lạc lời. Giữ lời thì mất ý. Giữ ý thì mất nghiã.
Giữ nghiã thì mất trụi thần hồn tinh thể.
Do đó, ta có thể dám chắc rằng giữa hai bản
dịch Kiều ra Pháp Ngữ của ông Nguyễn Văn Vĩnh và René Crayssac, quả thực có
cách biệt ngàn trùng. René Crayssac mặc dù không lột hết được tinh hoa ngôn ngữ
Kiều, nhưng vẫn đạt hơn Nguyễn Văn Vĩnh có tới hơn một trăm lần là ít. Ông có
tái tạo được một bầu khí hậu thơ-mộng đặc biệt trong bản dịch của ông.
Giờ thử dịch bài thơ Emily Dickinson ra lục
bát:
Ðời tôi khép lại hai lần
Trước lần khép mắt khôn hàn vĩnh ly
Tuy nhiên còn nấn ná vì
Ðể xem Vĩnh Cửu còn gì mở ra
Cho mình biến cố thứ ba
Những gì song điệp xảy ra
Gẫm càng đồ sộ gợi ra lại càng
Ngất trời tuyệt vọng mang mang
Thiên đường địa ngục còn chan chứa gì
Vĩnh ly là chất của trời
Biệt ly là thói của đời nhà ma
(kể từ cửa quỷ tuôn ra
thói nhà băng tuyết chất là phỉ phong)
Bạn đọc ắt có nhận thấy
rằng tôi đã chịu khó khiếp dẫn vài ngôn ngữ đặc biệt Nguyễn Du vào lối dịch thơ
Emily Dickinson. Dịch theo lối đó là âm thầm bố thiết cuộc đối thoại ấm áp cho
hai tài tử kia, mà đồng thời vẫn không lìa xa ngôn ngữ Emily Dickinson gì mấy
chút.
Ðó là bước thứ nhất
mà lời dịch đã gắng thực hiện cho cuộc hội đàm. Từ đó chúng ta có thể tiến tới giai
đoạn thứ hai. Cái bước sơ khởi ngại ngùng đã đi tới chỗ hài hòa thân thiết
thì từ đó, ta có thể “mở lời phương tiện” một cách táo bạo hơn. Lời dịch
thứ hai có thể ra như thế này:
Song trùng khép kín đôi phen
Sơ khai đậu khấu khép bằng thiên thu
Tường vôi tô vách tử tù
Trăm năm trong cõi sương phù du tuôn
Niềm riêng nấn ná hý trường
Xem Con Tạo mở môi trường đệ tam
Bình sinh ngất tạnh hội đàm
Xiết bao tuyệt vọng gẫm càng buốt tim
Sự tình nhị bội đánh ghen
Trút quần giũ áo thưa rằng thế thôi
Vĩnh ly là chất của trời
Biệt ly là thói của đời nhà ma
Cước chú: My life closed twice before
its close... Ðời ta đã khép lại hai lần từ trước cuộc khép kín trăm năm... Nghiã là?
Nghĩa là: trước khi xảy ra cuộc tử diệt thì
ta đã hai lần chết thật sự rồi. Nhưng chết mà vẫn chịu chơi, nên còn sống lai
rai để xem còn có một đệ tam tử diệt nào thơ mộng hơn chăng. Cái lối nói chịu
chơi gay cấn đó đưa tới lời kết thúc dị thường: all we know of heaven ...
all we need of hell. Tất cả những gì ga biết về thiên đường... Tất cả những gì
ta cần nơi địa ngục... là?
Từ đó dịch lần thứ ba ra thế này:
Cần nơi địa ngục những gì
Biết nơi thiên thượng những gì biển dâu
Chất hằng ly biệt thiên thâu
Biệt ly là thói dâng trào sử xanh
Niềm riêng tại thể đã đành
Nồi riêng hiện thể còn thành khẩn xin
Chờ xem Vĩnh Cửu lặng im
Song trùng tam bội còn tin chi về
Kỳ oan phong vận đề huề
Trước đèn lần giở lời quê dông dài
Mai sau khép mắt ngủ dài
Còn nghe mộng cũ di hài liễu dương
Ðánh tranh chụm nóc thảo đường
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi
Bất thình lình cái câu
thơ lục bát Nguyễn Du nọ lại kỳ dị hiện ra tại đây. Mọi sự bỗng dời bình diện.
Cái câu thơ “một gian nước biếc mây vàng chia đôi” vốn là một câu thơ
thuộc loại hàm hỗn man mác nhất trong Truyện Kiều. Nước
biếc một gian? Sao gọi là một gian? Mây vàng chia đôi? Chia đôi cái gì? Chia đôi hai cõi nào? Hai miền
hai ngả nào? Nhưng tại sao trong thể thái chia đôi nọ, lại có hàm ngụ quy hợp?
Do một thứ tinh hoa âm thầm nào phát tiết từ trong tiết điệu lục bát cùng với
những vang bóng lãng đãng tỏa ra từ một nóc thảo đường? Một mái hiên? Một
thanh hiên tồn lập bao dong ra như thế và sẽ chứng giám một “vô lượng
phương tiện lực” nào, sẽ “vớt người trầm luân” và thành tựu cái
nghiã của “nam hải điếu đồ”?
Ðiếu đồ? Ông câu
câu cá? Câu cá giữa một vùng tịch mịch chân không? Câu cá trong tính thể giác
duyên như lai bồ tát? – Ta làm Nam Hải Điếu Đồ? Ngồi câu con Cá Hư Vô linh
hồn? Sự đó liên can gì tới câu: Như
lai giả vô sở tòng lai diệc vô sở khứ? Và cái lời đó trong Kinh Kim Cang lại thiêm
thiếp đi trong sa mù mà tiếp giáp với câu thơ “Parting is all we know of
heaven/And all we need of hell” như thế nào?
Thế thì cái sự vụ dịch thơ đã nằm trong một
cõi suy tư nào như thế? Nó đã biến ra một thứ dịch di, dy viễn, diên vỹ, vy
diễn, như thế nào, để... ? Ðể bất thình lình xô ùa chúng ta trở lại với cái lời
Khổng Tử: “Ngô đạo nhứt dĩ quán chi”.
[...]
Cái bí quyết của thiên tài sáng tạo, cũng
như thi tài dịch thuật, là: tạo nên một vùng sương bóng cho ngôn ngữ. Sương
bóng đó có thể bắt gặp bóng sương Hy Lạp, hay Ðường Thi, hay Tây Trúc – không
hề gì. Không hề gì. Miễn là nó mở ra một chân trời cho chiêm niệm chịu chơi.
Ðánh tranh chụm nóc thảo đường, một gian
nước biếc mây vàng chia đôi. Cài then cửa đóng đến nơi, sư đà hái thuốc phương
trời nào xa .. Parting is all we know of heaven – and all we need of hell.
Ai đã độ ra được cái tầm đầy vơi trong tư
lự tồn lưu nọ, ắt chẳng còn thiết chi tới chuyện bàn luận viết sách làm thơ gì
nữa cả.