trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Văn học miền Nam trÆ°á»›c 1975
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63 
9.10.2003
Trần Hữu Thục
Bùi Giáng giữa chúng ta
 
Có lẽ chưa có người nghệ sĩ nào mà cái chết gây ra sự quan tâm nơi nhiều người thuộc nhiều thế hệ khác nhau như Bùi Giáng. Từ trong nước ra ngoài nước, từ già đến trẻ, từ chống Cộng đến thân Cộng và kể cả Cộng sản, tất cả đều nhất loạt bày tỏ tình cảm và lòng trân trọng của mình đối với Bùi Giáng. Tin tức về sức khỏe cũng như cái chết của ông được loan báo tức thời, đồng loạt trên các báo trong và ngoài nước. Chúng ta có cảm tưởng như cái chết của ông đã tạo nên một sự đoàn kết hiếm có giữa những người viết lách trong giai đoạn lịch sử mà sự nghi kỵ vẫn còn nằm ở hàng đầu.

Hầu như các nhà văn, nhà thơ, nhà báo đều nhất loạt ca ngợi nhân cách và sự nghiệp của nhà thơ đất Quảng này. Mọi người đều dùng những từ hay nhất, đẹp nhất để xưng tụng ông. Ta thử đọc qua một số câu trích của một số nhà văn, nhà thơ viết về ông trên Hợp Lưu, số đặc biệt về Bùi Giáng [1] sau đây:
  • Nhà thơ Huy Tưởng: Bùi Giáng "thông tuệ và tài ba ngất trời điên đảo" ..." thiên tài thơ Bùi Giáng" (HL, tr. 9)


  • Nhà văn Mai Thảo:"Bùi Giáng chất ngất một trời chữ nghĩa, Bùi Giáng trùng trùng một biển văn chương" (HL, tr. 12)


  • Nhà phê bình Huỳnh Hữu Ủy: " Ði cho tới cùng cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ, tới đỉnh cao chót vót của nó, sống với nó trong từng mỗi giây phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ chỉ mới có Bùi Giáng là một." (HL, tr. 19)


  • Nhà văn Cung Tích Biền: "Bùi Giáng giàu ngôn ngữ như cát bãi biển"... "Bùi Giáng đã trải một cánh bay dài mênh mông chiếc bóng trong bầu trời thi ca Việt Nam nữa thế kỷ qua" (HL, tr. 62 & 54)


  • Nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc: "Ông là một thi sĩ bát ngát, ngây thơ và cỏ hoa điên đảo" (HL, tr. 75)


  • Nhà phê bình Hoàng Nguyên Nhuận: "Ðời anh là một công án tử sinh" (HL, tr. 96)


  • Ông Huỳnh Ngọc Chiến: "Bùi Giáng là bậc thượng trí, hầu như "vô sở ngộ" (HL, tr. 135).


  • Bà Ý Nhi: "...những câu thơ được chắt ra từ máu của con người khắc khoải khôn nguôi về thân phận con người, về thế gian này" (HL, tr. 138)


  • Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền: "Bùi Giáng là một thiên tài tự hủy ghê gớm nhất của thi ca hiện đại" [2]


  • Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc: "Thơ Bùi Giáng là những phún thạch phun lên từ hỏa diệm sơn của hồn ông". [3]


  • Ông Nguyễn Hoàng Văn: "Thơ ông là khối trầm hương chữ nghĩa" [4]
vv...và vv...


Tóm lại, đặt bút viết về ông, ta chỉ biết có ca tụng và ca tụng. Dường như ta có quyền dùng bất cứ ngôn ngữ xưng tụng nào sáng giá nhất để nói về ông mà không sợ đại ngôn, không sợ nhầm lẫn.


Bùi Giáng giữa chúng ta: hư cấu.

Thế là, năm nay (1998) , văn học Việt Nam có ba cái tang lớn: Mai Thảo, Nguyên Sa và Bùi Giáng. Nói chung, cảm giác của chúng ta đối với ba cái chết không hoàn toàn giống nhau, Mai Thảo một cách, Nguyên Sa một cách và Bùi Giáng một cách. Nhưng Bùi Giáng khác xa nhất.

Theo tôi, khi nghĩ đến Mai Thảo hay Nguyên Sa, ta nghĩ đến những con người thật. Họ đã đến, đã sống, đã tồn tại đâu đó, như ta, bên cạnh ta, vui buồn với ta, chia sẻ với ta, cao thượng như ta và cũng tục tằn như ta. Mai Thảo chết như là một maithảo. Nguyên Sa chết như một nguyênsa. Cũng như, tôi rồi sẽ chết như tôi, anh rồi sẽ chết như anh. Bùi Giáng thì khác. Bùi Giáng không chết như Bùi Giáng. Ông chết như một người khác chết. Khi nghe tin ông chết, ta có thương tiếc, nhưng dường như không xúc động mấy. Không bàng hoàng mấy. Không xót xa mấy. Ta có cảm giác như nhà thơ vừa lên đường rong chơi ở một nơi nào đấy rất xa, rất khác thế giới chúng ta đang ở. Và sẽ trở về. Mai, mốt, hay một lúc nào đó, nhưng chắc chắn trở về. Tại sao ta có cảm giác đó? Tôi không nghĩ rằng vì Bùi Giáng hiện đang ở trong nước còn Mai Thảo hay Nguyên Sa thì ở ngoài nước, tức là gần chúng ta hơn. Theo tôi, ngay khi ông còn sống, ông vốn đã cư ngụ ở một thế giới khác với chúng ta rồi, dù ông vẫn ăn, vẫn uống, vẫn gần cận ta hàng ngày. Chúng ta vẫn gặp ông đâu đó, thỉnh thoảng, hoặc có khi hàng ngày, hàng tuần mà không có cảm giác gì khác ngoài cảm giác này: đó là Bùi Giáng. Thế thôi. Ta biết ông vẫn còn đó, chưa đi đâu xa. Cần cho ông cái gì, ta sẽ có ông bên cạnh để cho. Cần thơ, ông sẽ chép ngay một loạt mấy bài thơ hay cả chục bài thơ không chừng. Ông ở đó, như ta, với ta, nhưng dường như khác băng tầng. Hồi còn ở Sài Gòn, nhiều khi ở tiệm sách ra, trên tay còn cầm cuốn sách của ông vừa mới mua, lại gặp ông đang đứng ngay giữa đường, múa may, cười cợt mà tôi vẫn ít có liên hệ nào giữa cuốn sách đang cầm trên tay và tác giả đang ở đó. Hình như Bùi Giáng trên sách không dính dáng gì đến Bùi Giáng đang ở kia.

Thế đấy! Trong chúng ta, Bùi Giáng nửa thực, nửa hư. Vừa thiên tài, vừa là người điên. Vừa rất giống lại vừa quá khác chúng ta. Trong chúng ta, Bùi Giáng luôn luôn là một nghịch lý. Ta vừa quan tâm đến ông, vừa hững hờ với ông. Tin ông chết không làm tim ta đau nhói lên như một số người khác, Nguyên Sa chẳng hạn. Tôi muốn nói: Bùi Giáng hiện hiện giữa cuộc đời và giữa chúng ta như một hư cấu. Nghĩa là một nhân vật. Một câu chuyện. Có thể nói cho rõ hơn, theo tôi, ông là nhân vật trong một cuốn truyện dài không kết thúc. Và sẽ không bao giờ kết thúc. Ngay lúc này đây, ông chết đã mấy tháng rồi mà tâm thức của tôi về ông vẫn chẳng khác gì trước đây, khi còn ở Sài Gòn hay cách xa ông đến ½ vòng trái đất. Tôi vẫn tự hỏi: chẳng biết ông chết thật hay ông giả vờ. Bùi Giáng thân xác đã tiêu tán, nhưng Bùi-Giáng-như-một-hiện-sinh vẫn còn đâu đó, nghêu ngao ca hát, làm thơ và sống hồn nhiên trên các đường phố Sài Gòn. Một Sài Gòn có Bùi Giáng và một Bùi Giáng có Sài Gòn:

Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi.
Mai Thảo

Sống như là hư cấu. Chết như là hư cấu. Và vì là hư cấu, ta có quyền đọc lại đời ông. Nghĩa là cũng như bất cứ một nhân vật hư cấu nào khác, nhân vật Bùi Giáng sẽ phục sinh và lại chết và lại phục sinh và lại chết...cứ thế. Ðiều đó giúp ta hiểu thêm vì sao đời ông kết tinh bởi những giai thoại. Những giai thoại chồng chất, trùng nhau và khác nhau. "Ðã có rất nhiều giai thoại, huyền thoại về ông; vô số được thế gian tô bồi sau này, khó minh xác thực hư" (Cung Tích Biền, tr. 56 & 57)). Không hề gặp ông, ta nghe kể về ông như một hư cấu, kiểu Trạng Quỳnh hay Ba Giai Tú Xuất chẳng hạn. Gặp được ông, đối diện với ông, nắm tay nắm chân ông, nhậu với ông, mà cũng như ta đọc về ông. Cuộc đời ông = giai thoại + thơ. Chính vì thế mà tôi có thể quả quyết rằng, tất cả những gì mà ta đang nghĩ về Bùi Giáng thảy đều là nghĩ về một nhân vật, một hư cấu. Hư cấu của hư cấu. Rồi hư cấu của hư cấu của hư cấu. Nghĩa là, hiểu theo một cách nào đó, ta có thể tùy tiện bày ra một giai thoại nào đó về Bùi Giáng mà vẫn có cảm giác không hề xúc phạm tới ông và làm thương tổn người nghe. Nghĩa là, hư cấu mà là thực. Ta thì hư cấu mà Bùi Giáng trong đó vẫn cứ thực như thường. Và Bùi Giáng đứng bên cạnh ta mà vẫn hư cấu như thường. "Sống giữa đời, ông có khả năng lấy mật đắng ớt cay làm ngọt. Ăn cơm để thiu nguội rất nhiều ngày. Ông ăn chè ngọt nấu cả với tương chao, nêm vài con mắm. Ông nổi tam bành lúc người đời lẽ ra nên cười, được phúc đắc lợi. Ông rất vui với những ngày chói lòa ánh dương trong một thị thành mà nhìn xe cộ tưởng hươu nai"... "Ông lạ trong sinh hoạt đời thường, lạ trong thi ca, tư tưởng. Ông rất đỗi cô đơn tự đọa đày; vầy cuộc chơi múa hát chỗ vô thanh, đùa giỡn quỷ thần, tương đắc kẻ ở mộ, nhớ nhung người sẽ tới. Ông trào lộng tuyệt cùng giữa bi đát, siêu thoát ngay giữa một tồn sinh tinh mật. Nói chung cuộc sống của ông khá bí ẩn và kỳ dị." (Cung Tích Biền, tr. 56).

Tôi vốn mê Kim Dung, vì mê những nhân vật đầy "chất khái niệm" mà ông tạo dựng ra trong hơn chục pho truyện đồ sộ của ông, nào Thần Ðiều Ðại Hiệp, Anh hùng Xạ Ðiêu, Tiếu Ngạo Giang Hồ...Tôi tìm thấy nhân vật Bùi Giáng của tôi chứa đầy "chất khái niệm" như thế. Ngẫm mà xem, ta có thể tìm thấy ở Bùi Giáng khi thì một chút cuồng ngạo nghịch thường hoàngdượcsư, khi thì lém lỉnh hoàngdung, khi thì ngờ nghệch quáchtỉnh, khi thì đầy cả trào lộng lãongoanđồng, khi thì chân chính, hào sảng, trượng phu hồngthấtcông, khi thì quái đản kiểu mấy quái nhân luyện võ trong hang động, khi thì điên tàn, thống hận tạtốn...Ngẫm mà xem, ông sống đó cũng như ông mất đi. Ông như có đó mà như không hề có đó. Kẻ sĩ hay người điên. Nhà thơ hay triết nhân. Ông sống giữa thế kỷ này hay một ngàn, hai ngàn năm trước. Thiên tài hay tên vô lại. Trong hay ngoài. Tỉnh hay say. Ông làm thơ hay thơ làm ông. Chính vì thế, ngẫm mà xem, tưởng nghĩ đến ông lúc nào cũng làm ta bối rối. Ðọc thơ ông lại càng bối rối hơn. Dở hay, hay dở. Ðiên tỉnh, tỉnh điên. Ðời ông như một dấu hỏi lớn ném vào hư không. Rất giống mọi người và chẳng giống ai. Tôi có thể quả quyết rằng, nếu bạn chịu khó tưởng tượng ra một nhân vật, rồi vẽ rắn thêm chân, tô màu tô mè, vẽ râu vẽ ria...theo cách của bạn, bạn sẽ có ngay một Bùi Giáng để thưởng thức, để làm quen.


Chúng ta trong Bùi Giáng

Bởi thế mà viết về ông tưởng như rất dễ mà hóa ra không dễ tí nào.
  • Nguyễn Hưng Quốc: "Thơ ông cũng lạ lùng, lạ lùng đến nỗi ai cũng ngại ngùng khi viết về ông. Kể chuyện về ông: có; nhưng phê bình thơ ông: chưa" [5]


  • Huy Tưởng: "...vốn sống, vốn chữ nghĩa và cảm thức của mình vẫn chưa thể hứng chờ nỗi chiếc bóng lồng lộng, đa âm sắc và linh hoạt của ông". (HL, tr. 9)


  • Cung Tích Biền: "Viết về Bùi Giáng là tôi làm cái việc chỉ vào cục gạch mà bảo rằng đây là Nhu Lai phu nhân". (HL, tr. 55)


  • Hoàng Nguyên Nhuận: "Những điều tôi sắp nói chỉ là viên đá dò đường ném vào hư không hoặc chỉ như người chạy bắt bóng" (HL, tr. 95)


  • Huỳnh Ngọc Chiến: "Viết về ông quả là điều mạo muội nếu không muốn nói là liều lĩnh" (HL, tr. 137)
Chắc chắn là không ai giả đò khiêm tốn trong những lời thú nhận thêm. Chắc chắn không ai cố tình viết "cho quá", phóng đại để tâng bốc, kiểu tâng bốc lãnh tụ trong các chiến dịch tuyên truyền, mà là nói thực. Dường như khi viết về Bùi Giáng, chúng ta càng tỏ ra khiêm tốn càng hay. Có lẽ càng khiêm tốn chúng ta càng thấy dễ chịu, để cam đảm cầm bút viết về ông. Tâm trạng đó chẳng phải là lạ lùng, độc nhất vô nhị sao? Cầm bút viết về Bùi Giáng người ta rất ngần ngại, dù chỉ viết để khen, nói gì đến chuyện viết để phê bình. Ấy thế mà có người "dám" phê bình; không những chỉ phê bình chung chung, lấy lệ mà là phê bình "nặng tay", nghĩa là chê, chê thật. Ðó là nhà phê bình Thụy Khuê. Chị viết:

"Trong gần nửa thế kỷ làm thơ, Bùi Giáng để lại hàng ngàn bài, có những câu thơ tuyệt hay, nhưng chính sự lập lại những khám phá ngôn ngữ buổi đầu khiến thơ ông trở thành khuôn sáo về mặt từ ngữ cũng như tư tưởng. Những dạ thưa, tồn sinh, trùng lai, phố thị của Bùi Giáng, tà huy của Nguyễn Gia Thiều, mù sa, trăm năm của Nguyễn Du ban đầu làm xao xuyến người đọc: (...) Nhưng vì lập lại nhiều lần, chúng bị phá giá. Hiện tượng phá giá này có mặt ngay ở những tác phẩm đầu và chủ yếu của Bùi Giáng" (HL, tr. 39-40)
.........
"Nhà thơ tiện tay bắt đươc chữ nào vội bỏ ngay vào lục bát, không màng nhìn lại những câu đầu nữa" (HL, tr. 42)
...
"Cho nên biết bao lần người đọc tiếc, giá Bùi Giáng đừng ham chơi, chịu khó dừng lại ở chỗ đáng dừng để những câu thơ sáng giá như (...) khỏi bị lọt vào khu rừng hoang, ôm đồm những lời thơ vội vàng, mọc lên như cỏ dại". (HL, tr. 43)

Ðọc xong bài Thụy Khuê, ít nhất có hai người bạn gọi điện thoại hỏi ý kiến tôi và bày tỏ "thái độ": sao bà Thụy Khuê "dám" phê bình Bùi Giáng? Sao lại không dám nhỉ, tôi trả lời. Bùi Giáng khi sống thì phiêu lãng như hương đồng cỏ nội, như châu chấu như chuồn chuồn, lúc chết thì chết bình thường, thậm chí tầm thường hơn cả những kẻ tầm thường, chứ có phải lãnh tụ vĩ đại gì đâu mà phải dám với không dám. Tôi cho rằng, nếu Bùi Giáng sống lại, đọc được những giòng trên của nhà phê bình Thụy Khuê, chắc phải vô cùng sảng khoái kêu lên: "Thiệt đúng ý qua! Thiệt đúng ý qua!". Y như Archimedes la lên: "Euréka, euréka!" khi tìm ra được nguyên lý về sức đẩy của nước. Hay như nhân vật Ðộc Cô Cầu Bại của Kim Dung vô cùng sung sướng khi tìm ra được kẻ có thể đánh bại được mình. Theo thiển ý của tôi, nhận xét của chị Thụy Khuê không có gì sai (không có gì sai không tất nhiên có nghĩa là đúng). Thơ Bùi Giáng, và kể cả văn, quả là bị "phá giá", ông làm thơ theo kiểu "tiện tay gặp được chữ nào là bỏ vào chữ nấy", rồi lại "ham chơi" khiến cho có những lời thơ "vội vàng mọc lên như cỏ dại".

Nói cho rõ ràng ra, thơ của Bùi Giáng dở. Trừ một số câu thơ hay - chưa hẳn là rất hay -, còn lại hầu hết thơ ông đều dở. Tôi có cảm tưởng rất nhiều câu thơ ông làm chẳng khác gì những câu thơ ngây ngô của mình khi mới bắt đầu tập tễnh làm thơ hồi còn học trò. Thậm chí có nhiều câu hệt như các em "ma-ri-sến" làm thơ tặng tình nhân. Vần điệu ráp nối tùy tiện, ý tứ lại tầm thường. Chúng ta thử đọc lại một vài câu:

ngô nghê:
Giật mình lúc chợt nghĩ ra
Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi.

đạo văn (của Nguyễn Du):
Rừng phong thu đã nhuốm màu
Quan san ngần ấy tư trào ngần kia

gượng ép chữ cho có vần:
Thưa em ngôn ngữ quặt què
Làm sao nói được nghiệp nghề người điên

lập lại (vần):
Non nửa thế kỷ xa quê
Mà chưa có dịp về quê một lần

nói nhăng nói cuội:
một hôm gầu guốc gầm ghì
hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm
vv...và vv...

Tóm lại, những câu thơ như thế rất, rất nhiều trong sự nghiệp thi ca của ông. Ðôi khi tôi có cảm tưởng ta cứ làm đại một bài thơ lục bát nào đó thật dở rồi đề tên Bùi Giáng là ta có một bài thơ rất Bùi Giáng. Nếu bạn không tin, bạn cứ thử đi rồi sẽ biết.

Ta có thể nói, cái dở trở thành tính cách của thơ ông. Nói cho đúng ra, nhà văn nhà thơ nào chẳng có cái dở. Chẳng hạn Mai Thảo, nhà văn được xem như một trong những khuôn mặt hàng đầu của văn học miền Nam, cũng có nhiều cái dở, đến nỗi ta khó mà không đồng ý với nhận xét sau đây của Nguyễn Ngọc Tuấn: "Ðọc lại những cuốn tiểu thuyết một thời rất ăn khách ở miền Nam, sau này được in lại tràn lan ở hải ngoại của Mai Thảo, dù thương ông đến mấy, tôi nghĩ, chúng ta cũng nên thẳng thắn thừa nhận một điều là chúng chỉ là những cuốn tiểu thuyết đèm đẹp. Cố gắng lắm, tôi cũng chỉ đọc vài chục trang là phải buông sách xuống". Cái dở của Mai Thảo cũng như cái dở của nhiều nhà văn, nhà thơ khác là vì không thể viết hay hơn hoặc theo như Nguyễn Ngọc Tuấn "người ta không thể không cúi xuống vỗ về những thị hiếu kém cỏi của quần chúng" [6] . Nhưng Bùi Giáng có cái dở riêng, phải nói là rất riêng, của Bùi Giáng. Và ông không che dấu cái dở của mình. Không bao giờ. Chẳng những thế, ông lại còn cố ý phô bày nó ra, phô bày một cách chân tình, hồn nhiên, toàn diện. Hay nói cho đúng hơn, ông phô bày mọi thứ. Chúng có thể hay, có thể dở, có thể thế này có thể thế khác. Chúng dính kết vào nhau thành từng chùm, đến nỗi chị Thụy Khuê lấy làm tiếc, cho rằng vì ông quá "ham chơi". Mấy câu thơ đang hay như thế này, bỗng xen vào những câu thơ dở không chịu nỗi. Thật uổng!

Gẫm lại, con người chúng ta thường sống hai mặt: tốt và xấu. Tốt khoe, xấu che. Trong văn chương, có bản nháp, bản thật. Thường thì chúng ta tìm cách dấu đi, càng dấu kín càng tốt, bản nháp hay background của đời mình. Chúng ta sống với cái phía khác của đời mình, một phía khác thường không mấy thật. Nếu viết văn, làm thơ, chúng ta rất sợ những câu thơ dở, những đoạn văn tầm thường, nhạt nhẽo hay chữ nghĩa ngô nghê phô bày ra giữa ba quân thiên hạ để tránh bị xem thường, tránh bị tổn hại "thanh danh" (nếu lỡ có thanh danh). Chúng ta trau chuốt chữ nghĩa, tạo nên "nhân cách', tạo nên bề mặt, tạo nên cái vỏ, càng nhiều lớp càng tốt. Biết bao nhiêu bản nháp của đời mình bị chính mình cố tình quên lãng, tìm cách quên lãng. Cũng như biết bao nhiêu bản nháp của thơ, văn, tiểu luận bị đôi vào sọt rác. Chúng không phải là của mình, vì chúng dở. Tưởng chừng như, một kẻ thiên tài như ta đâu có đời nào lại có thể sáng tác ra cái thứ dở như thế. Chúng ta không thích cái dở của mình, không thích cái sai của mình, không thích cái điên của mình, không thích cái xấu của mình trong lúc biết rất rõ, thấy rất rõ cái dở, cái sai, cái điên của người khác. Ta đâu có cam đảm công bố một câu thơ dở, một đoạn văn dở của chính chúng ta, trừ phi nó dở mà ta cứ tưởng là hay, là số một. Cái gì xuất hiện trên văn đàn thường cũng đã được cắt xén, hoàn chỉnh, được "review" năm lần bảy lượt. Chúng ta hoàn thành "nhân cách" của mình, vai trò xã hội của mình trong cái vỏ đó.

Bùi Giáng làm trái lại. Bùi Giáng cho chúng ta thoải mái xem bản nháp của đời ông, của văn chương ông. Ông sống và làm thơ, viết văn hở hang, trần trụi. Không trau chuốt, kiểu cách. Ông bỏ cái dở vào đời mình, vào sự nghiệp của mình, trân trọng nó y như chúng ta trân trọng cái hay. Càng nổi danh, chúng ta càng ngụy trang, càng dấu dốt. Bùi Giáng thì càng nổi danh, càng được ca ngợi, tâng bốc, lại càng dở, dở một cách thành thật, hồn hậu. Cái dở của Bùi Giáng, hiểu một cách nào đó, chính là phía khác của Bùi Giáng, cũng là phía khác của đời người, mà cũng là phía khác của chúng ta. Vì sao? Cái hay có thể chúng ta không giống nhau (nếu giống nhau thì làm sao mà hay được). Nhưng cái dở thì hầu như chắc chắn rất giống nhau. Ðại loại là...dở. Ta cứ tưởng Bùi Giáng tách bạch cái hay, cái dở. Hay thì để dành cho ông, còn dở thì xem như ông diễu cợt (kiểu làm thơ tự trào). Không. Hay và dở trong Bùi Giáng trộn vào nhau y như bụi trộn với đất, nước lạnh trộn với nước nóng, rất khó lựa ra, khiến chị Thụy Khuê tiếc hùi hụi: "giá như ông đừng ham chơi...để những câu thơ sáng giá như (...) khỏi bi lọt vào khu rừng hoang".

Tôi tin rằng có mặt của mỗi một người chúng ta trong vô vàn nhưng câu thơ dở đó, trong cuộc tồn sinh trần trụi đó của Bùi Giáng. Hãy dùng chữ của Thanh Tâm Tuyền: bóng vang. "Ông luôn luôn nhắc nhở nơi ông là những bóng vang của ai khác. Và ta hãy là bóng vang của ông" [7] Chúng ta đã từng làm thơ dở và có thể vẫn tiếp tục làm thơ dở như thế. Ví như, có thể trong sâu thẳm của tâm hồn chúng ta vẫn vang lên tiếng hát thuộc loại "sến" của Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Chế Linh trong lúc, bên ngoài, chúng ta chỉ thích nghe Tuấn Ngọc, Thái Thanh, Vũ Khanh...Ta vẫn "sến" ngay khi rất "trí thức", vẫn yếu đuối trong lúc vô cùng mạnh mẽ, vẫn vô cùng bần tiện, tục tằn ngay khi được tôn thờ như lãnh tụ, thánh nhân (Quang Trung, Gia Long của Nguyễn Huy Thiệp chẳng hạn). Có một đứa bé trong người lớn, có một ác quỷ trong tâm hồn thánh thiện, một lão ngoan đồng trong vị "bắc đẩu võ lâm". Chúng ta sống trong và bằng ngụy tín. Bùi Giáng gánh hết cái dở của đời ông, của đời người, của chính ông và của chúng ta. Ông là kẻ cứu chuộc chúng ta bằng cái dở toàn diện của đời ông và thơ ông. Ông giúp ta nhìn thấy "bản lai diện mục" của mình: dở. Ðôi khi tôi cũng muốn lý luận như sau về ông: thơ ông càng về sau càng ngô nghê, càng dở là vì ông đi từ hữu chiêu tới vô chiêu, từ chấp ngã tới phi ngã, từ chấp trước tới phá chấp, từ lý luận đến triệt bỏ lý luận, từ chữ nghĩa đến phá bỏ chữ nghĩa, từ nói đến...vô ngôn (như hiện giờ dưới lòng đất). Nhưng thành thật mà nói, khi chúng ta khen ông biết đâu lại chính là chê ông, tưởng "thấu hiểu" được ông, té ra chẳng hiểu mô tê gì ráo:

điên cuồng mà tưởng nên thơ
cuồng điên mà tưởng làm thơ như thần


Gặp

Khoảng mùa hè năm 1969. Ðêm đó, nhân nhà tôi ở trọ có giỗ, tôi mang một ít thức ăn đến chỗ thầy Tuệ Sĩ để thầy dùng. Phòng thầy ở thuộc tầng hai đại học Vạn Hạnh. Kế bên phòng thầy là phòng của anh Nguyễn Hữu Hiệu (hồi đó là nhà tu Thích Chơn Pháp). Ðến gõ cửa phòng thầy thì thầy đi vắng. Anh Hiệu cũng đi vắng. Thường thì khi thầy Tuệ Sĩ không ở nhà, tôi dùng lối đi bên phòng anh Hiệu để đột nhập phòng thầy, ở đó nằm đọc sách hoặc nghe nhạc đợi thầy về. Lần này cả hai đều đi vắng. Vậy là tôi tìm một lối leo ra phía lan can, bò dọc bên ngoài, đến chỗ cửa sổ, thò tay kéo cửa sổ để vào phòng thầy Tuệ Sĩ. Tới nơi, thấy cửa đã mở sẵn, tôi hơi ngạc nhiên. Trèo vào, thấy có một người đàn ông đã ở trong phòng. Ông mặc quần xà lỏn, áo mai-ô. Tôi hết sức ngạc nhiên, không biết người đàn ông này là ai và sao ông ta lại biết lối đi này để vào. Cảm giác đầu tiên của tôi là: ông ta là một tay trộm cắp. Tôi hỏi: "Anh quen với Tuệ Sĩ à? Anh là ai vậy?". Người đàn ông trả lời tỉnh bơ: "Ta chẳng biết ta là ai nữa. Mà sao? Nếu ta nói ta không phải là ta, thì sao?". Câu trả lời là lạ khiến tôi nhìn kỹ lại khuôn mặt và chợt biết ngay đó là ai. Tôi mừng rỡ nhào vào ôm người đàn ông, la lên: "Bùi Giáng hả?!".

Vâng, ông ta là Bùi Giáng. Thấy tôi mang đồ ăn vào, ông hỏi và tự nhiên lấy đồ ăn ra ăn, chừa lại một ít cho thầy Tuệ Sĩ. Ăn xong , ông hỏi: "Có rượu không?". "Không. Nhưng hề gì, đi mua thôi". Tôi lao xuống lầu, chạy ra tiệm rượu gần chợ Trương Minh Giảng mua chai Johnnie Walker và một ít đồ nhắm. Tôi nói nhậu ở trong phòng thầy bất tiện. Ông bảo: "Ðược, đi theo ta". Ông kéo tôi đi lên tầng bốn, đến chỗ Thiền viện. Hai chúng tôi ngồi giữa sân Thiền viện bày ra nhậu. Nơi đây, thực là một chỗ nhậu lý tưởng. Ðêm trời đầy sao, không trăng, ánh đèn đường từ bên ngoài phản chiếu lên vừa đủ. Lại nghe tiếng khánh reo leng keng đồng loạt khi có gió thổi qua. Không khí vô cùng tĩnh lặng.

Ðêm đó, hai chúng tôi nhậu quên trời quên đất, quên luôn chuyện trở lại phòng Tuệ Sĩ (đêm đó, may là thầy không về). Tôi, anh học trò nhỏ từ Huế vào, mang trong mình một ít mớ kiến thức triết học tạp nham, thảo luận về đủ thứ chuyện cùng một bậc thầy về nhiều mặt. Nói cho đúng , chẳng thảo luận gì ráo. Tôi chỉ thắc mắc, đặt câu hỏi và nghe trả lời. Thỉnh thoảng dè dặt đưa ra một vài ý lấy lệ. Nhưng rồi, khi rượu đã ngà ngà, tôi bắt đầu chẳng úy kỵ gì nữa, gặp đâu nói đó, ngông nghênh, lếu láo y như đang đấu hót với đàn em. Chẳng hiểu sao, Bùi Giáng cũng hứng chí, đấu hót với mình y như bạn. Ôi, thiên thung mang nai, từ Platon, Socrate đến Sartre, Heiddeger, Gabriel Marcel, Camus, Lão Tử, Trang Tử, rồi Freud, Jung... rồi Kim Dung, gái điếm, chiến tranh, Cộng sản, Mỹ. Ðược nói chuyện với ông dường như làm tôi hứng khởi cực độ, nên có gì trong đầu là tuôn ra tưới hột sen. Cái làm tôi ngạc nhiên nhất là tôi tiếp cận với một Bùi Giáng hoàn toàn khác hẳn với điều tôi tưởng nghĩ, khác hẳn với những giai thoại, những hình ảnh khác thường mà thi ca và những cuốn khảo luận triết học của ông gợi ra. Ông bình thường, vô cùng bình thường. Một Bùi Giáng thông tuệ, ưu tư, tra vấn về mình và về cuộc đời với một ý thức tỉnh táo vô lượng. Một Bùi Giáng uyên bác, kinh viện hết mực. Chẳng ba đào, tồn lưu, mù sa, thưa rằng...Chẳng châu chấu, chuồn chuồn, xoang điệu, hồng quần, mẫu thân Phùng Khánh...Mà là một Bùi Giáng trên bục giảng đại học. Một Bùi Giáng rất mực luận lý. Một Bùi Giáng rất đời thường với những bất bình, giận hờn, tủi nhục, đau đớn của những đoạn đời trải qua. Ông nói về cái học của ông, về hai người mà ông hận nhất trong đời. Ông nói về việc học chữ Hán và đọc cho tôi nghe mấy bài thơ mới nhất bằng chữ Hán ông vừa mới làm để tặng Kim Dung (Kim Dung thời gian này đang ở Sài Gòn trong một chuyến viếng thăm hình như khá dài ngày) [8] . Triết gia mà ông đề cập nhiều nhất đêm hôm đó là Pierre Teilhard de Chardin [9] . Tôi không còn nhớ rõ từ đâu lại đưa đến đề tài này. Nhưng lạ là ông nói về những quan điểm triết lý của cha Teilhard rất say sưa hào hứng. Khoa học và triết lý. Tôn giáo và triết lý. Giáo điều, bảo thủ và tiến bộ...Nhất là ông bàn về một trong những quan điểm của Teilhard: việc "thấy" ("voir" trong tiếng Pháp). Ông đối chiếu quan điểm này với khái niệm về "kiến tánh" trong Phật Giáo.

Nửa đêm, hết rượu, tôi lại phải leo tường ra tìm mua thêm rượu. May mà chưa đến giờ giới nghiêm và may mà có một quán phở ở đường Kỳ Ðồng còn mở cửa. Rốt cuộc cả hai người nằm gục trên sân Thiền viện. Sáng ra, chúng tôi thất thểu tìm về phòng thầy Tuệ Sĩ. Ở đây, Bùi Giáng lục tìm một số sách của ông, tặng tôi hai cuốn sách vừa mới in. Ở cuốn "Trăng Tỳ Hải", ông đề tặng như sau:

Tồn lỡ bốn lần sinh bấn loạn
Tặng chàng Hữu Thục hục hay hang.

Sau lần đó, tôi còn tìm gặp ông hoặc tình cờ gặp ông nhiều lần, khi thì giữa đường, khi thì trong Vạn Hạnh, khi thì đâu đó trên đường phố Sài Gòn. Ông chẳng hề nhớ tôi, và cũng chẳng nhớ gì về cuộc nhậu trên sân thiền viện Vạn Hạnh ngày nào. Nói chi đến hai câu thơ ông hồn nhiên viết vội sau một đêm nhậu sa đà. Hai câu thơ ngây ngô, vô nghĩa và dở. Như rất nhiều, rất nhiều câu thơ vô nghĩa, ngây ngô và dở khác của ông. Ấy thế mà tôi cứ nhớ mãi, nhớ mãi đến bây giờ. Ba mươi năm sau.

Xin thưa rõ, Bùi Giáng mà tôi gặp đó chỉ là một hư cấu! Tất nhiên, câu chuyện trên cũng hoàn toàn là hư cấu!

12/1998


[1]Trừ những đoạn trích có ghi chú riêng, tất cả những trích dẫn trong bài này đều lấy từ Hợp Lưu (viết tắt là HL) số 44 đặc biệt về Bùi Giáng, tháng 12/98 và tháng 1/99.
[2]Thanh Tâm Tuyền, Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn, Tạp chí Thơ (Cali) số 1, năm 1994, tr. 73
[3]Nguyễn Hưng Quốc, Thơ, V.V...và V.V..., Văn Nghệ (Cali) 1996, tr. 217-218
[4]Nguyễn Hoàng Văn, Về nơi cố quận..., tiểu luận, Văn Học số 152, tháng 12/98, tr. 6
[5]Nguyễn Hưng Quốc, sđd, tr. 217
[6]Nguyễn Ngọc Tuấn, Mai Thảo, tiểu luận, Tạp chí Việt số 2, Úc châu, tr. 184-185
[7]Thanh Tâm Tuyền, bđd, tr. 75
[8]Có thể là nhà văn Quỳnh Dao, tôi nhớ không rõ lắm. Nhưng chắc chắn Kim Dung đã từng đến Sài Gòn, nếu không dịp đó thì cũng trước đó không lâu.
[9]Pierre Teilhard de Chardin ( 1881-1955), linh mục Công giáo người Pháp, triết gia, nhà cổ sinh vật học. Ông dùng các nghiên cứu khoa học để chứng minh sự hiện hữu của Thượng Ðế. Nhưng vì ông chấp nhận quan điểm tiến hóa luận, nên trong một thời gian khá dài ông gặp nhiều chống đối từ phía giáo hội Công giáo.
Nguồn: Viết và Ðọc, tập tiểu luận văn học, Văn Học (California) xuất bản, 1999