“Nàng đã đến bởi con đường vạch trắng..”
Nàng là nàng thơ, nàng Thúy, nàng Dương, nàng Hà, nàng Thái Chân, Thậm Mỹ, Chí Thiện, Từ Bi… Nhưng phải gọi, thì nàng mới về… Mà gọi cũng là lắng nghe… Lắng nghe trong vắng lặng Thái Hư tịch mịch chiều hồng…
“Lặng nghe lời nói như ru
Chiều xuân dễ khiến nét thu ngại ngùng”
Thế là bỗng dưng biên thuỳ xoá mất… Ai là kẻ gọi? Ai là người nghe? Và cả trời, cả đất, cả xuân, cả thu cũng tràn lan vào trong cõi. Niềm tương ứng càn khôn vũ trụ mấp mé bên nhịp cầu ngại ngùng trong từng trận gió tịch mịch hư không.
Người xưa dùng cái tiếng
“không cốc túc âm” cũng không ngoài nghĩa đó: “
ngồi trong hang động im vắng mà nghe gót chân…khơi động bên ngoài”.
Gót chân nào đi?
Gót chân nào bước?… Và đi trong bước để tái lập mộng đời ở quanh quất hương màu các ngã ba:
“
Nàng từ lánh gót vườn Hoa
Dường gần Rừng Tía, đường xa Bụi Hồng”
Nàng là ai?… Chính lời cậy hỏi nọ đã buộc ta bước lên đường kêu gọi mãi… Về miền Nam nước Việt nhớ nhung hoài người bạn tuổi anh niên.
Người bạn tuổi anh niên… của miền Nam nước Việt -vốn xưa kia tên gọi là nước Việt của trời Nam- đã từng gặp những cơn mạo hiểm lưu ly…Tố Như Tử! Đã từng rời mái Thanh Hiên, chịu làm Hiệp Hộ Lang Thang ghé Gia Tĩnh tìm nàng suốt hà sơn vạn lý!…
“
Xuân phong tiếu bộ nguyên màu
Liễu yêu bài động mối sầu trở cơn”
Bởi một đường rẽ trắng….nàng đến.
Bởi một đường rẽ trắng….nàng đi.
Hỡi ôi! Chính đó là cái chỗ để trần gian dấn thân vào mà phiêu bồng tư lự chiêm bao:
Huyền diệu của con người. | Dị thường của con kẻ. |
Kỳ bí của tồn lưu. | Vô ngần của tâm lý. |
U uẩn của tân thanh. | U huyền của ngôn ngữ. |
U lệ của ra hoa. | U kiều của thanh lục. |
U diễm của thanh hà trên vạn lý hà sơn. | |
Cái đáng kể là riêng duy chỉ rằng, chân lý tồn lưu chịu về trong ngôn ngữ và tư tưởng chịu đạt tới ngôn ngữ nọ. Ngôn ngữ nào?… Ngôn ngữ tái tạo tân thanh. Ngôn ngữ thiết lập thịnh triều của ngôn ngữ. Vô thanh vô tức trong Nếp gấp Bất tư nghi của Vô Ngôn.
Nói nghìn lời để dìu cái-không-lời về trong cái-không-nói.
Và cái-không-nói cũng thường là cái mệnh đề phụ thuộc giắt cài thêm, lửng lơ như cái-nói-rằng-không là triền miên trong-có vậy.
Thường thấy người ta phàn nàn: thằng nọ viết văn làm thơ lớ mớ, nửa cỏ nửa gai, không gì ra rành mạch cả. Sao nó không viết đơn giản rành rõ như ông Nguyễn Du, như ông Hồ Dzếnh, như ông Khổng, ông Lão, ông Trang?
Tưởng như ông Khổng, ông Trang, ông Du, ông Dzếnh viết văn rành mạch đơn giản lắm!
Tưởng như người ta đã hiểu rõ cái điều ông Khổng, ông Du đã nói!
Và hỡi ôi! Tưởng như ai ai cũng có thể và có bổn phận phải viết như các thánh sống, thần linh kia! Kỳ dị thay!
Giữa phong tình cổ lục, và lục đại mây mưa vốn có một cái hang từ thiên cổ. Cái hang chia xa tồn lưu và tồn hoạt. Chia xa dị biệt.
Rồi về sau, lúc mê cung tư tưởng chuyển sang Mê Hội Trận Triết Học chi ly, khi cái chỗ chia xa dị biệt đạt tới mức độ vô ngần.
Đó là trường hợp Đức Khổng. Hình nhi thượng và Hình nhi hạ ban sơ tương giao ở địa điểm tồn sinh nào, mà về sau căn cơ an thập lập mệnh trôi tuốt đi ba ngã, bốn bề phiêu bồng suốt xứ. Lời than tê buốt lại dội ngầm:
“Thái Sơn kỳ đồi hồ!
Lương mộc kỳ hoại hồ!
Triết nhân kỳ nuy hồ!” [1]
Chúng ta bàn hoàn xiết bao, chợt một lần nghe ra tiếng than thở nọ.
Đầu ta hai ba thứ tóc!
Mà sao chiêm bao vạn lý, sao hà sơn đi?
Đại hồng ký thác từ quy:
“Lời trong căn để vui gì lắm đâu”.
Suốt kiếp phải nghiêng mình lên huyền nhiệm nọ! Ấy bởi rằng, không thể dòm ngó theo lối
“ lai rai “.
“Cái cốt thiết, cái hệ trọng, cái tinh thể làm sao nhìn thấy với hai con mắt thao láo mở”. Hãy xin người hãy đăm chiêu hơn nữa…Từ con trăn trong rừng thẳm nuốt con mãnh thú trong rừng sâu, tới con rắn vàng hoe mổ vào chân
Hoàng Tử Bé…, cho tới miền bàn hoàn của kẻ ở lại sớm hôm bần thần nêu câu hỏi:
“
Một nơi nào đó, chẳng biết là đâu, một con cừu đã, có hay không, ăn mất một đoá hồng?”
[2]
Chân thành nhìn vào chỗ nọ, ta sẽ nêu câu hỏi:
“Nhạt thưa gương dọi đầu cành”, “ngọn đèn khi tỏ khi mờ” vây phủ cõi đăm chiêu chiêm niệm của những chàng, những chị thiếp lúc họ đối diện với định mệnh mình, khi tỉnh mộng, khi trở cơn?
“Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Song hồ nửa khép mở về chiêm bao»
Chính những câu thơ chập chờn lay lắt của Nguyễn Du là cái chỗ căn cơ cho mọi cuộc thiết lập trường tồn vô ngần lãng đãng. Nguyễn Du đã âm thầm đẩy một nhịp cầu tồn lưu
“tổng hợp” tới dưới bước chân con người đang khập khiễng trên bình diện náo sinh.
Những “
tổng hợp” lớn trong những trận suy tư hoằng viễn, cũng hiện ra trong Nếp Gấp dị thường cơ cấu lung linh mờ tỏ
“dường gần Rừng Tía, dường xa Bụi Hồng”. Cho đến lúc nào cái lẽ tử sinh hiện ra giữa trận tiền theo tiết điệu: “
sinh là tử, tử là sinh”, tử sinh là cái thiên thu tặng vật phong phú trao về từ dĩ vãng đang chờ đợi con người ở chân trời sương bóng Mai sau.
Truyện Kiều biến làm truyện sử lịch Tây Phương đang tìm sang Đông Phuơng để nêu một câu hỏi trong cuộc gây cấn tương tranh.
Nhưng nếu người Đông Phuơng không nghe cái tiếng nói của Đông Phương thì làm sao mà nghe tiếng nói của Tây Phương.
Phải trả Đức Lý về cõi sơ nguyên trong ánh sáng mờ tỏ của tồn thể, thì Đức Lý mới đủ sức đi tiếp dặm đường và giải toả thiên hạ để bước vào Mê Cung lớn.
Từ đó về sau, thiên hạ sẽ đọc lại thơ Việt Nam trên bình diện Thái Cổ Cực Kim.
Đó là điều môt bực tiền bối cũng đã nói:
“
Lão phu mạo hỹ
Tam thu khai bồ liễu chi dung”
Tới lúc đó thì cả trời, cả đất, cả vũ trụ và càn khôn, và Sài Gòn phố thị, và Chợ Lớn phố phường, và cô em họ gái phố Tunis sẽ… hòa chung trong cõi miền bấn loạn của Tình Điên:
“Đã có một lần (giữa trận tiền), tôi xin phép Đại Uý cho phép về Tunis thăm người em họ gái”, Đại Úy trả lời:
“Trong thế gian còn chứa đầy xiết bao là cô em họ gái!” [3]
Đông Phương, Tây Phương gặp gỡ nhau chính tại trận tiền nọ.
Một phen trong cõi, đã yêu một cô em họ gái trong miền, thì từ đó về sau nhìn đâu đâu cũng thấy
“trong thế gian còn chứa đầy xiết bao là cô em họ gái”. Những da vàng, da trắng, da đen, da Triều Minh Gia Tĩnh, da Hy Lạp Homère, da Sylvie thôn nữ, da cô em mọi nhỏ phiêu bồng… nguồn dịu ngọt… suối tóc hồng vàng… dặm nghìn nước thẳm… năm nghìn cây số sa mạc bên kia….
Những trang viết ẩn kín của mấy nhà tư tưởng Tây Phương đang nói với chúng ta những điều cốt yếu thân thiết trong tâm hồn họ. Nghĩa là tâm hồn của Lục Địa đang thao thức vì câu chuyện sử xanh lạc loài rơi vào trong tồn sinh “
hư vô chủ nghĩa” đã tàn phá cõi
“Thái Hư”.
Những nhà tư tưởng xưa nay vẫn lần mò đi đứng trong đáy hang sâu… để nghe rõ ràng những vang bóng đi qua…
Kỳ lạ sao. Cứ mỗi phen đoạn trường dội tân thanh là một phen trần gian lẩy bẩy hy vọng náo nức.
Chúng ta muốn rủ nhau chết chùm để có cơ hội hồi sinh sống bó.
Tất cả những trang sách hoằng viễn của hiện đại đều nằm trong trong cơn chiêm bao bát ngát thầm thì vết máu bất-khả-tư-nghi của hoài vọng Hy-Lạp-Ly-Tao!
Tiếng kêu đó phải được nghe trên lối về miền vắng lặng. Vì nó nằm trong cõi bất-tư-nghị của mọi tư tưởng kim cổ trong bầu gió của Tồn Thể Uyên Nguyên.
Vô thanh vô tức… Đoạn trường tân thanh… Thanh hiên thi tập… Terre des hommes… Le Petit Prince… tiếng kêu chìm trong hơi thở hiu hiu…
“Bậc chân nhân đời xưa công trùm thiên hạ, mà thiên hạ không biết không hay”.
Từ câu nói đó, những tặng vật thiên thu bỗng được trao về.
Ta đón nhận và tự nhủ rằng:
«dù sao cũng không quá muộn”.
(1965)
Phụ lục
Vài lời dẫn của Mộc Giai
I.
Bài tiểu luận trên gồm những đoạn văn tôi đã trích lục nguyên văn từ bài
Tựa, Bùi Giáng viết cho quyển
Sương Tỳ Hải, nhà Xuất Bản Phú Vang, Sài Gòn 1966. Trong quyển
Sương Tỳ Hải này, Bùi Giáng dịch và giảng giải một số văn bản của Albert Camus, André Gide, Martin Heidegger.
Taị sao những nhà tư tưởng văn học Tây phương xa xôi ấy?
“Những trang viết ẩn kín của mấy nhà tư tưởng Tây phương đang nói với chúng ta những điều cốt yếu thân thiết trong tâm hồn họ”… nhưng cũng là những điều cốt yếu trong tâm hồn của toàn thể chúng ta vốn từ xưa vẫn thao thức với câu hỏi “nhân loại tồn sinh - có hay không - trong Hư Vô chủ nghĩa.
Ôi! Biết bao nhiêu là những trang sách hoằng viễn, tư tưởng
“thiên thu tặng vật” trao về từ Đông phuơng, từ Tây phương, từ dĩ vãng cho chúng ta ngày nay, cho con người của mai sau. Những trang sách nằm trong chiêm bao bát ngát hoài vọng khởi sự từ Homère tới Nguyễn Du, từ Khổng Tử tới Camus- Gide -Heidegger…
Trong bài
Tựa, Bùi Giáng lại tự hỏi giữa chúng ta, có còn những ai, ai bây giờ biết
“lắng nghe” những lời vang vọng đó.
Người xưa đã đặt câu hỏi vào bốn chữ:
“Không Cốc Túc Âm”, trong hang động im vắng của tâm hồn, lắng nghe bước chân của người đi rộn ràng bên ngoài, dẫn đường cho tư tưởng.
Và Bùi Giáng còn tự nghĩ, chính chúng ta, người Việt Nam đây, có thật nghe ra được không Nguyễn Du đã nói gì, và định rõ được thế nào là nguồn thơ Việt Nam kim cổ trong giòng lịch sử thi ca của nhân loại. Những điều đặt trong cõi Bất Tư Nghị giữa
“bầu gió tồn thể uyên nguyên”
II.
Bùi Giáng có thể ngồi ngay bên lề đường, tựa mình vào một gốc cây, viết hàng chục trang giấy trên một quyển vở học trò. Và cứ như thế trao cho nhà in!
Bùi Giáng phủ nhận mọi giằng co đo đếm, mọi chi ly lý luận.
Ngay trong sáng tác văn học, Bùi Giáng
“bản nhiên thử tại trong cõi tồn sinh thể tại”.
Toàn bộ những trang sách văn thơ đã in ra phát hành của Bùi Giáng, đều có thể được coi là những bản thảo. Những bản thảo của
thiên tài: câu thơ câu văn tự nó bay bổng không cùng, ý tứ cứ thế lôi theo nhau ẩn hiện đan ghép, ngôn ngữ như suối nước tràn lan bất tận.
Đọc Bùi Giáng, độc giả mỗi người phải biết thu mình
lắng nghe, lần mò theo dõi một hai ý. Trước hết phải biết
lược gạt, trong cái nghĩa
“cất khép lại giữa hai dấu ngoặc” (bracketing) của Husserl, trong Hiện Tượng Luận Học.
Lược gạt những đột phá không cùng, hồn nhiên thi phú của nhà thơ chìm đắm trong lời và trong ý.
Bài tiểu luận trên, theo cái ý đó, đã thu gọn vào 3-4 trang sách bài
Tựa dài 22 trang sách mà Bùi Giáng đã viết cho
Sương Tỳ Hải.
Hỏi tôi đã quá mạo muội không?
Hỏi tôi có phản bội tư tưởng của Bùi Giáng không?
Tôi chỉ biết trả lời rằng tôi đã
“thành tâm lắng nghe”.
Bài tiểu luận ngắn gọn, tôi mạn nghĩ, đưa Bùi Giáng gần gũi người trần chúng ta hơn. Và cho các bạn đọc, cho cả chính tôi nữa dễ dàng nhận ra một số suy tư bay bổng, sâu rộng của nhà thơ nhà văn hàng đầu trong lịch sử văn học Việt Nam.
8.3.2004
© 2004 talawas
[1]Những hình ảnh trong Hoàng Tử Bé, Bùi Giáng dịch Le Petit Prince, truyện của Saint Exupéry
[2]Thái sơn tới kỳ lở! Rường gỗ tới kỳ mục! Triết nhân tới kỳ mỵ!
[3]Đoạn văn trích từ Cõi Người Ta, Bùi Giáng dịch Terre des Hommes, truyện của Saint Exupéry.