Suy nghĩ vỠvấn đỠviết vỠnhững sai lầm trong Cải cách ruộng đất
Chủ nghĩa công thức ngự trị trong tác phẩm văn nghệ của chúng ta trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong khuôn khổ một bài báo nhỏ tôi không thể nói hết suy nghĩ của tôi về vấn đề đó. Những khuynh hướng một chiều, tránh viết cái sai, tránh nêu khuyết điểm, tránh mâu thuẫn, khuynh hướng "tô hồng" cuộc sống, lý tưởng hóa con người đã đẩy người viết từ lúc đi vào thực tế lấy tài liệu cho đến lúc sáng tác tạo nên những tác phẩm trên một mức độ nào đó xa rời hiện thực. Khuynh hướng đó không những có hại cho bản thân tác phẩm, mà điều quan trọng nhất − làm cho nhà văn quên đi một nửa trách nhiệm của mình. Là vì trách nhiệm của nhà văn là phải xây dựng cái mới đồng thời đả kích cái cũ, bồi dưỡng cái đúng đồng thời phê phán cái sai; có đả kích cái cũ, phê phán cái sai nghiêm khắc mới mạnh tay mà xây dựng cái mới được. Tôi nghĩ rằng những sai lầm vừa qua trong Cải cách ruộng đất, trong chỉnh đốn tổ chức và trong một số công tác khác đã để xẩy ra và trở nên nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài, có một phần trách nhiệm khá nặng của người công tác văn nghệ. Chúng ta đã ngủ trên trách nhiệm của mình.
Gần đây một số bài trên các báo đã đề cập đến cái sai. Viết về cái sai − đứng trên trách nhiệm của một ngòi bút có trách nhiệm mà nói − không phải là một điều mới lạ. Nhưng đối với chúng ta, ngòi bút lâu nay quen viết một chiều, đối với một số ít người đọc của chúng ta hoặc vì không muốn nhìn sâu vào thực tế, hoặc vì một dụng ý rất tốt là muốn chế độ mình không bao giờ phạm sai lầm gì cả, mặc dù sai lầm đó là sai lầm tạm thời về hiện tượng, về bộ phận, không phải về bản chất, hoặc vì những sai lầm viết ra xa gần có đụng chạm đến mình, thì vấn đề viết về cái sai, đọc những bài viết về cái sai lại là một vấn đề rất mới, rất lớn. Sai lầm là một vấn đề có thực. Không ai phủ nhận thực tế đó. Và cũng không ai muốn những sai lầm đã xẩy ra tái diễn lại nữa, nên viết cái sai, vạch rõ cái sai để chấm dứt cái sai, góp phần sửa chữa cái sai đó và ngăn ngừa những cái sai về sau là việc làm cần thiết, và đó cũng là trách nhiệm của người cầm bút. Hội nghị lần thứ 10 (mở rộng) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã dũng cảm vạch rõ sai lầm trong công tác Cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chỉ ra những nguyên nhân sai lầm, định ra những phương châm, chính sách sửa chữa sai lầm. Trách nhiệm đặt ra cho người cầm bút không phải đợi đến kết luận của Hội nghị Trung ương mới viết về cái sai. Văn nghệ biểu hiện thực tế có nhiệm vụ phát hiện vấn đề, đấu tranh chống cái sai, xây dựng cái đúng, đã để trách nhiệm đó cho nhà văn từ khi cầm bút. Viết cái sai gần đây được xem như một việc làm dũng cảm.
Nhưng theo tôi, điều quan trọng là viết cái sai như thế nào để tác phẩm của mình thực sự giúp ích cho quần chúng, để qua cái sai phản ảnh trong tác phẩm một cách sâu sắc trung thực, giúp quần chúng nhận rõ hơn bản chất của cái sai, giáo dục được quần chúng chống và ngăn ngừa cái sai tái diễn, nâng cao trình độ tư tưởng của quần chúng, làm cho quần chúng sau khi đọc tác phẩm của ta đoàn kết hơn, thêm quyết tâm sửa chữa sai lầm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trước mắt.
Vấn đề thật khó khăn và đòi hỏi nhiều suy nghĩ.
Anh chị em ở trong đoàn sáng tác chúng tôi chủ yếu viết về Cải cách ruộng đất đã nhiều lần trao đổi với nhau về vấn đề đó. Có đồng chí nói: "Sáng tác là tự do, thấy gì viết nấy, thích gì viết nấy. Thấy sai thì cứ việc viết toạc nó ra". Có đồng chí lại chủ trương: "Chỉ viết một mặt cái sai thôi, đả kích thật mạnh vào cái sai để tiêu diệt cái sai, như thế là tạo điều kiện cho cái đúng phát triển. Đó là phía hiện thực phê bình trong hiện thực xã hội chủ nghĩa". Có đồng chí suy nghĩ: "Nên viết một ít đúng, một ít sai, cái gì mà chẳng có một ít đúng, một ít sai. Nếu viết cái sai cả thì tác phẩm của mình sẽ quá tối tăm". Có đồng chí lại băn khoăn về hình thức thể hiện: "Viết kiểu châm biếm như Sê-cốp nên chăng?" Những suy nghĩ đó đều biểu lộ một ý định tốt là đồng chí nào cũng muốn cho ngòi bút của mình, trong khi viết cái sai, có tác dụng phục vụ tốt cho quần chúng. Vì thế, lúc cầm bút viết không đồng chí nào là không khỏi băn khoăn. Mình viết cái sai ra để làm gì? Viết thế này có được không? Viết như thế này có đụng chạm đến bản chất của con người mới, bản chất tốt đẹp của chế độ chúng ta không? Viết thế này có xuyên tạc sự thật không? Những băn khoăn suy nghĩ đó không phải do vì sợ viết sai lầm ra sẽ đụng chạm đến một số cán bộ cao cấp nào, không phải vì sợ bị địch lợi dụng, không phải vì sợ một số dư luận sai lệch phản đối hoặc một số người thành kiến hiểu lầm. Trách nhiệm của nhà văn trước cuộc sống cho chúng tôi đủ dũng cảm để viết cái sai. Nhưng viết cái sai ra thế nào cho có lợi, cho tác phẩm của mình phản ảnh trung thành được thực tế, không "xuyên tạc", không “bôi đen" thực tế? Không phải chúng tôi sợ những bóng ma danh từ nói trên, nẩy ra trong các cuộc tranh luận gần đây ám ảnh đâu. Nhưng trách nhiệm của nhà văn đòi hỏi chúng tôi phải phụ trách trước quần chúng về tác phẩm của mình. Chúng tôi muốn tác phẩm của mình thực tế giúp ích cho quần chúng, vạch rõ sai lầm và những tổn thất đau đớn do sai lầm gây ra, nhưng đồng thời nói lên được tinh thần đấu tranh của quần chúng, của cán bộ, đảng viên, nói lên được phẩm chất cao quý của họ, qua đó thấy rõ bản chất tốt đẹp của chúng ta. Đấy không phải là ý muốn chủ quan mà đấy là sự thực.
Những ngày Cải cách ruộng đất vừa qua, bản thân tôi đã gặp những đồng chí cán bộ địch hậu cũng đi cải cách, đấu tranh trong nội bộ chống lại cái nhận định là chi bộ vùng mới giải phóng phức tạp nghiêm trọng, nhiều nơi chi bộ của địch lồng vào chi bộ của ta; tôi đã biết những đội công tác đã dám khách quan nhận định địa phương mình phụ trách không có chi bộ Quốc dân Đảng; tôi đã biết những đồng chí đi sâu cả quyết kết luận một vụ chết người là ốm chết không phải địch giết, giữa một phong trào hễ có một chuyện gì không hay chưa điều tra nghiên cứu, người ta cũng đã vội vàng nhận định là địch phá để khỏi mang tiếng là hữu khuynh, mất lập trường. Tôi còn nhớ một đồng chí cán bộ miền Nam đã phạm nhục hình đánh một đồng chí đảng viên bị quy nhầm là phản động trong một cơn tức giận, đồng chí nghĩ đến bọn phản động Ngô Đình Diệm trong Nam tàn sát gia đình đồng chí! Một hình ảnh mà tôi không bao giờ quên là đồng chí cán bộ phụ trách tổ chức. Đồng chí này thành phần chủ nghĩa rất nặng, hễ cán bộ nào là công nhân, là bần cố nông, thì mặc dù trình độ thế nào, kinh nghiệm ra sao cũng cứ đề bạt. Còn kỷ luật thì đồng chí lệch về một mặt: hễ nghe báo cáo có cán bộ đội nào hủ hóa là đồng chí thi hành kỷ luật ngay trong lúc đó, còn những cán bộ phạm sai lầm về chính sách thì đồng chí rất ít chú ý đến. Rất nhiều cán bộ ghét đồng chí đó. Nhưng đồng chí đó lại là một đồng chí tích cực, làm việc không kể ngày đêm và có một tinh thần tương trợ rất cao. Đồng chí sai lầm mà không có ý thức là mình phạm sai lầm. Đến lúc kiểm thảo, đồng chí là một trong những đồng chí thành khẩn kiểm thảo nhất…
Về đảng viên, cán bộ, cốt cán và nhân dân ở xã thì những ngày về xã sau Cải cách ruộng đất tôi càng thấy rõ hơn. Tôi đã gặp những đồng chí đảng viên bị quy là phản động đấu tranh đến cùng không nhận. Có đồng chí bí thư chi bộ cũ suốt trong thời gian bị truy hỏi không những không nhận mà còn đấu tranh đề nghị với đội công tác bắt những tên phản động còn sót, phản đối đội công tác dựa nhầm một tên lưu manh côn đồ và mù quáng kết nạp vào Đảng, vạch rõ cho đội công tác một vụ chết người trong xóm là ốm chết không phải là địch giết. Tôi đã biết những cốt cán vì bênh vực bào chữa cho một đồng chí đảng viên mà bị bỏ rễ. Tôi đã biết những bà mẹ đã lén lút nấu cơm cho những đảng viên, cán bộ, bị quy oan là phản động ăn… Và nhiều nữa. Không xã nào là không có. Những hình ảnh đó phơi phới trước mặt tôi giữa những sai lầm và bao nhiêu tổn thất đau xót, với bao nhiêu hậu quả của nó. Tôi nêu bật những hình ảnh đó lên không phải tôi quên những phút mềm yếu của họ với những tấn bi kịch trong mỗi con người, cũng không phải tôi quên những phần tử cán bộ cốt cán cơ hội chủ nghĩa lợi dụng phong trào để vây vo lên địa vị, cũng không phải tôi quên những phần tử xấu còn chen chân trong hàng ngũ chúng ta, và nhất là tôi không thể quên được kẻ thù đã phá hoại chúng ta trong Cải cách ruộng đất và sau Cải cách ruộng đất đã lợi dụng sự bất mãn chính đáng của quần chúng đối với những sai lầm của chúng ta để gây rối loạn, phá hoại, trả thù. Nhưng tôi muốn nêu bật những hình ảnh đó lên để chúng ta cùng suy nghĩ nên viết những sai lầm vừa qua trong Cải cách ruộng đất thế nào cho đúng. Theo ý tôi, viết mà quên hoặc vô tình hay hữu ý phủ nhận những sự thực đó đi là không đúng, là không hiện thực, là xuyên tạc, bôi đen sự thực. Nhưng một khuynh hướng khác, khuynh hướng xoa dịu mâu thuẫn, không dám đưa những mâu thuẫn có gay gắt thực trong cuộc đời vào tác phẩm với tất cả chiều sâu của nó, khuynh hướng điều hòa này đã tạo nên những tác phẩm mờ mờ, nhạt nhẽo, những con người thiếu sự sống, khuynh hướng này đứng về chủ nghĩa hiện thực mà nói là không hiện thực, đứng về trách nhiệm nhà văn là thiếu trách nhiệm.
Theo ý tôi, văn nghệ nếu phản ảnh thực tế được một cách có ý thức, sâu sắc và sinh động thì sẽ tránh được hai khuynh hướng nói trên.
Về vấn đề này, hiện nay bản thân tôi, và chắc một số anh chị em khác cũng thế, đương gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn thứ nhất là thời gian trước đây, do quan niệm "tô hồng" nói trên nên lúc đi vào Cải cách ruộng đất phần nhiều lấy tài liệu một chiều tốt đẹp, những tài liệu đó do quan niệm trên đã thiếu sót, bây giờ qua những sai lầm đã phát hiện chắc chắn nhiều tài liệu không đúng nữa.
Khó khăn thứ hai là do lãnh đạo văn nghệ thời gian qua đối với cán bộ cho đi Cải cách ruộng đất chỉ thiên về một mặt "cho đi cải tạo", nên sự sống để chuẩn bị cho sáng tác rất thiếu sót.
Khó khăn thứ ba là do bản thân Cải cách ruộng đất là một phong trào đấu tranh của quần chúng diễn biến rất nhanh trong một thời gian rất ngắn, những con người cán bộ và quần chúng vùng lên trong cuộc đấu tranh đó khác hẳn với lúc bình thường, sự hiểu biết sâu sắc những suy nghĩ thực của họ cũng thật là thiếu sót.
Khó khăn thứ tư, − và đây cũng là khó khăn lớn nhất − là trong quá trình công tác vừa qua anh chị em đã không phát hiện được hoặc không phát hiện được hết sai lầm. Cho nên một số anh chị em chỉ mới nhận thức là có sai lầm, hoặc mới chỉ mới thấy một mặt nào đó của sai lầm, nhưng không thấy hết, nhất là không sống sâu sắc thực tế sai lầm đó. Do đó lúc biểu hiện gặp nhiều khó khăn. Những sai lầm đó như thế nào, đến mức độ nào, tác hại, tổn thất ra sao? Cán bộ, cốt cán, đảng viên, quần chúng − những nhân vật của mình − trong thời gian sai lầm phát sinh và phát triển đã suy nghĩ thực như thế nào, đã đấu tranh ra sao? Đó là những khó khăn đồng thời cũng là những yêu cầu rất thực tế đòi hỏi lãnh đạo văn nghệ giải quyết. Giải quyết không những chỉ riêng cho một số anh chị em ở Đoàn sáng tác mà giải quyết chung cho tất cả mọi anh chị em đương chuẩn bị viết về Cải cách ruộng đất nếu họ yêu cầu. Giải quyết tốt được những khó khăn nói trên tức là thiết thực tạo điều kiện cho những tác phẩm đương viết về Cải cách ruộng đất có cơ sở tốt để thành công. Tôi nói cơ sở tốt là vì sự thành công của một tác phẩm phụ thuộc vào rất nhiều điều kiện chủ quan khác của người viết nữa, như tài năng, trình độ tư tưởng, trình độ kỹ thuật, biểu hiện, v.v… Nhưng cơ sở của một tác phẩm là đời sống hiện thực. Trong vấn đề này cũng vậy, sự sống chủ quan của người viết và quá trình tích lũy vốn sống chủ quan đó quyết định, nhưng trách nhiệm của lãnh đạo là phải tạo điều kiện, tạo tất cả mọi điều kiện có thể tạo được, để người viết sống thực tế, hiểu thực tế trong mọi chiều sâu của nó, để giúp cho người viết tự mình bổ sung cho mình những khía cạnh thiếu sót mà lúc viết tác phẩm đòi hỏi.
Nói đến vấn đề "sống thực tế", chúng ta cũng thông cảm với nhau rằng đây không phải chỉ là chuyện tổ chức một chuyến đi mấy tháng − tuy rằng sự thật một chuyến đi mấy tháng so với việc không được đi vẫn là tốt rồi − mà phải ở hàng năm, hàng đời với nhân vật, với cuộc sống định thể hiện trong tác phẩm của mình.
*
Trên đây là những suy nghĩ, lẻ tẻ, không thành hệ thống lý luận, những suy nghĩ còn nhiều thiếu sót, về vấn đề viết những sai lầm trong Cải cách ruộng đất. Mong các đồng chí góp ý kiến thêm.
Đoàn sáng tác C.C.R. Đ.