trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
4.9.2008
 
Nhân 45 năm ngày mất của Nhất Linh - Phỏng vấn nhà văn Nguyễn Tường Thiết
Lê Quỳnh Mai thực hiện
 1   2 
 
Lê Quỳnh Mai: Nói về văn nghiệp Nguyễn Tường Thiết, trong hồi ký Nhất Linh, cha tôi (Văn Mới, 2006), nhà văn Lê Minh Hà viết lời bạt: “Anh đã dựng lại con người lịch sử, con người tiểu thuyết Nhất Linh như con người bình thường của đời thường chứ không phải trong đời thường cụ vẫn hiện diện như con người của lịch sử hay tiểu thuyết...”. Dấu ấn kỷ niệm nào sâu đậm nhất giữa ông và cụ thân sinh, trong khoảng thời gian cuối cùng – trong đời sống của một người bình thường - không phải nhà cách mạng cũng không phải nhà văn.

Nguyễn Tường Thiết: Kỷ niệm sâu đậm ghi nhiều dấu ấn trong tôi nhất là những kỷ niệm xẩy ra nhiều năm trước khi cha tôi mất. Hồi ấy ở trên Ðà Lạt cha tôi hay tổ chức cuối tuần những cuộc đi chơi picnic. Hôm ấy trên chiếc xe hơi của bác Lê Ðình Gioãn chúng tôi hai gia đình đi chơi suối vàng cách Ðà Lạt 17 cây số. Ðến suối bọn trẻ chúng tôi túa vào rừng thông, lội suối, thám hiểm những vùng đất lạ. Tôi xách súng cao su theo các anh lớn vào rừng bắn chim. Bác Gioãn, chú Trương Bảo Sơn và cha tôi vào rừng kiếm hoa phong lan. Mẹ tôi chị tôi và các cô con gái bác Gioãn thì không đi đâu xa, chỉ ngồi tụ nhau bên suối chỗ đỉnh của thác nước để hàn huyên. Mẹ tôi loay hoay sửa soạn bữa ăn ngoài trời cho cả bọn. Buổi trưa sau khi đã mệt và đói bụng chúng tôi lần theo tiếng kèn clarinet của cha tôi mà trở về suối. Anh Thạch và tôi khi về lại chỗ đầu thác nước thì thấy không có cách gì để qua bên kia suối được vì chỗ này là đỉnh thác, con suối dù rất hẹp chỉ rộng hai thước nhưng nước chẩy rất xiết. Anh Thạch và tôi bắt buộc phải qua bờ bên kia để nhập với tất cả mọi người ở bên ấy. Ở tít xa dưới kia nơi chân thác tôi thấy cha tôi đang cặm cụi ngồi vẽ, ông đang vẽ thác nước, thỉnh thoảng ông ngước mặt lên nhìn đỉnh thác nơi hai chỗ chúng tôi đứng. Sau cùng chúng tôi thấy ở gần miệng thác có một cái cây lớn đổ xuống, thân cây nằm vắt ngang suối. Thế là anh tôi bò trước tôi bò sau chúng tôi qua thân cây sang được bờ bên kia.

Một năm sau trong một lần đi chơi thác nước Datanla, cha tôi và tôi trong lúc đi dọc theo dòng suối chúng tôi khám phá ra một cái vực rất sâu và hẹp, vách đá dựng đứng, nhìn xuống trông rất ghê rợn. Trong lúc tôi nhỏm người gần bờ vực để nhìn cho rõ thì cha tôi đẩy tôi ngược về phía sau. Ông hét lên: “Ðừng dại thế. Nhỡ ngã xuống thì sao!”. Rồi cha tôi mắng tôi một thôi một hồi. Tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ như thế. Người ông run lên. Sau đó ông kể tôi chuyện xẩy ra từ một năm trước trong lần chúng tôi đi picnic ở suối vàng. Lần ấy trong lúc ngồi vẽ cái thác nước cha tôi ngửng lên và kinh hoàng nhìn thấy ở trên tít cao tôi đang bò trên một khúc cây nằm vắt qua thác! Cha tôi bảo tôi: “Lúc ấy cậu chỉ sợ cái khúc cây ấy nó lăn!”. Kể xong mặt ông buồn rầu thấy rõ và cuộc đi chơi thác Datanla sau đó mất hết cả hứng thú cho cả hai bố con.

Sau này nhớ lại kỷ niệm hai lần đi chơi ấy tôi thường tự hỏi vì sao ông đã không mắng tôi từ một năm trước ngay trong lần đi chơi thứ nhất ở suối vàng? Ông đã giấu kín câu chuyện ấy trong lòng suốt một năm. Và nếu không có chuyến đi chơi Datanla thì mãi mãi tôi không biết được là cái hành động vô cùng dại dột đó của tôi ông đã chứng kiến và làm ông hoảng sợ.

Lê Quỳnh Mai: Tùy bút “Mùa hạ năm ấy” (Văn Mới, 2008) tả hành động của nhân vật nữ... “Rồi chị lấy một đầu ngón tay rà xung quanh cái đầu nâu hồng của núm vú chị... hơi thở dồn của chị Dự phà lướt bên tai tôi...” (tr. 26-27). Ðoạn văn erotic chứng minh Nguyễn Tường Thiết không là độc giả có cái nhìn quá khắt khe về chủ đề tình dục. Ông có ý kiến sao?

Nguyễn Tường Thiết: Tại sao lại phải khắt khe nhỉ? Tình dục là một đề tài thú vị nếu viết hay, lại càng thú vị hơn cho người đọc phái nam nếu được viết từ một nhà văn nữ. Quan niệm của tôi như đã nói ở phần trên là viết cái gì cũng được miễn là viết hay, đặc biệt là với đề tài rất khó viết này. Nhà văn Võ Phiến rất tài tình khi ông viết về tình dục. Tôi nhớ đọc ở đâu đó một truyện của ông ta, truyện có một đoạn ông chỉ mô tả mỗi một ngón chân cái của một người đàn bà trong lúc làm tình, chỉ thế thôi mà lòng tôi cứ rực cả lên. Cái tài tình là ông ấy chỉ tả có 1% thôi, một mẩu tí tị thôi, nhưng cái mẩu ấy nó ác liệt lắm, nó cho người đọc hình dung đầy đủ 99% phần còn lại. Nhà văn Nhất Linh nhẹ nhàng hơn nhưng cũng làm xao xuyến người đọc không kém trong “Bác Hòa hàng cơm” của Xóm Cầu Mới. Bạo tợn hơn nữa trong mô tả đề tài tình dục mà vẫn có cái hay của nó tôi thấy có Bảo Ninh trong Nỗi buồn chiến tranh, hay trong một số truyện ngắn của Kiệt Tấn, Nguyễn Huy Thiệp.

Những năm gần đây có một hiện tượng là các nhà văn nữ trẻ đã viết về đề tài tình dục khá nhiều, có lẽ nhiều hơn bên nam giới. Như đã nói, tôi là nhà văn thuộc loại ít đọc. Có nhiều nhà văn nữ tôi chưa hề đọc một tác phẩm nào của họ và ngay cả một số nhà văn tôi đã đọc thì cũng không phải là đọc hết những bài họ viết, vì thế tôi không thể có một nhận xét chung, theo lối “vơ đũa cả nắm”.

Tuy thế, giới hạn qua một số truyện tôi được đọc của một số nhà văn nữ viết về đề tài tình dục tôi thấy nói chung họ có lối viết lạ, mạnh, thẳng, bạo, nhưng thiếu cái... hay. Chính cái thiếu này làm tôi khựng lại không muốn tìm đọc thêm những tác phẩm khác của họ. Nhưng đôi lúc nghĩ lại tôi tự nói với mình: “Ơ hay cái ông già này! Ông cứ chăm chăm soi mói nhất định tìm cái hay, trong khi những vị đó đâu “ke” cái hay, họ viết tình dục là để nhắm cái khác, mục đích khác: tình dục viết theo lối huỵch toẹt để chống đạo đức giả, tình dục ẩn dụ để nói lên thân phận phụ nữ v.v... A! té ra mình thưởng ngoạn tình dục như một trái táo trong khi nó là trái cam theo quan niệm của họ, sai bét rồi! Nghĩ thế thì biết thế thôi chứ trong lòng vẫn hậm hực. Hậm hực thấy họ viết không hay. Giá họ viết hay sẽ thú vị cho người đọc biết là chừng nào mà rất có thể cái dụng ý mà họ muốn truyền đạt lại có tác dụng tốt hơn. Ðến đây thì chúng ta lại quay lộn trở về cái sai lầm của ông Nhất Linh, cái sai lầm mà ông tự thú đã khiến ông viết cuốn tiểu thuyết luận đề Ðoạn tuyệt kém hay.

Lê Quỳnh Mai: Truyện “Mùa xuân trên phố” rất dí dỏm... “Tôi cứ nhắm cái mông cô gái Mỹ mà đi. Tại sao vậy? Hình như có một động lực nào thôi thúc tôi đi theo cô ta. Cái mông béo tròn trước mắt chỉ làm cho tôi liên tưởng đến cái thú ăn uống mà cô ta đã tận hưởng qua bát phở kia... (Mùa hạ năm ấy, tr. 42, Văn Mới, 2008). Rất tình tự quê hương khi nhắc về phở. Ông có định chuyển dịch tác phẩm sang Anh ngữ để giới thiệu món ăn Việt Nam quốc hồn quốc túy?

Nguyễn Tường Thiết: Cũng lâu rồi, một bữa kia vợ chồng tôi đi ăn phở tại một tiệm nằm khá xa khu đông cư dân Việt, thực khách đa số là người ngoại quốc. Chúng tôi gặp một thực khách người Mỹ trong tiệm phở ấy. Cái cách ăn phở của cô ta làm chúng tôi chú ý. Không những cô ta bỏ tất cả những thứ gia vị có ở trên bàn lên trên tô phở trước khi ăn mà cái cách ăn của cô ta cũng rất đặc biệt, cô thưởng thức tô phở một cách nồng nhiệt hiếm thấy, đến độ cô ta bất chấp phép lịch sự tối thiểu của người ngoại quốc bưng bát phở húp hết nước cặn như kiểu húp của các bà già quê ở Việt Nam. Hình ảnh cô gái Mỹ ăn phở ấy cứ lấn cấn mãi trong óc tôi, cho đến khi tôi trải được nó ra trên trang giấy, trong truyện ngắn “Mùa xuân trên phố”. Truyện này lần đầu đăng trên tạp chí Thế Kỷ 21 dưới bút hiệu Thạch Long (cái bút hiệu nở muộn sớm tàn, chỉ xuất hiện đúng một lần).

Vâng, tôi có ý định nhờ chuyển dịch truyện ấy sang Anh ngữ để giới thiệu một món ăn quốc hồn quốc tuý của Việt Nam. Chị có thể giúp tôi việc này được không? Tôi dịch từ Anh sang Việt thì được mà dịch ngược lại thì tôi chịu thua.

Lê Quỳnh Mai: Biến cố 1975 gấy chấn động thế giới để lại một vết thương quá lớn cho dân tộc Việt Nam nói chung. Trong “Tuyến đường ga Ấm Thượng” (tr. 168-192), ông mượn lời chị dâu tả tâm tình cảm xúc của phụ nữ dắt con về thăm quê hương đúng nơi chồng mình đã bị tù cải tạo. Sau hơn 33 năm, thế hệ cũ dần dần không còn tồn tại, thế hệ mới không hiểu vết thương sâu đậm ấy dù được kể lại. Theo ông chúng ta nên vui hay buồn nên quên hay nhớ để giáo dục cho thế hệ sau những điều tốt đẹp về đất nước.

Nguyễn Tường Thiết: Cuộc đời của chúng ta rồi cũng sẽ đi qua. Thế hệ mới tiếp nối như dòng chẩy bất tận của cuộc sống. Tôi nghĩ xưa kia thế hệ ông cha mình chắc cũng có những âu lo như mình bây giờ, không hiểu thế hệ sau có hiểu được những đoạn trường mà họ đã đi qua, chính vì thế mà nẩy sinh những thiên hồi ký để lại cho đời sau. Thế hệ chúng ta là một thế hệ rất đặc biệt. Bước chân qua ngưỡng cửa phân chia hai thiên niên kỷ đã là sự kiện hy hữu, lại hy hữu hơn nữa cho những người sống nơi hải ngoại như chúng ta với hai mảnh đời hoàn toàn khác biệt, kết quả của một biến cố lớn đẩy làm hàng triệu người Việt phải sống tung toé trên hầu như mọi quốc gia của hành tinh này, một chuyện không tiền khoáng hậu xẩy ra trong lịch sử nước ta.

Những đứa con của chúng tôi được nuôi dưỡng từ bé trong môi trường khác hẳn môi trường chúng ta đã được nuôi dưỡng nay đã bước qua tuổi trưởng thành. Do khuynh hướng tự nhiên càng lớn tuổi chúng càng thích tìm hiểu hơn về nguồn cội. Tùy điều kiện riêng của mỗi người chúng ta có cách thế riêng để giáo dục chúng về quê hương đất nước. Chúng tôi đã thu xếp để chúng có dịp trở về thăm Việt Nam. Riêng tôi khi viết lại hồi ký của đời mình cũng có dụng ý để cho con cái, nếu sau này muốn tìm hiểu thì có sẵn tư liệu. Trong thế hệ sau những đứa sinh trưởng hoặc lớn lên ở hại ngoại, nếu chúng nói và nghe được tiếng Việt đã là đều may, chứ đừng trông chờ chúng đọc và viết được tiếng mẹ đẻ. Vì thế những bài viết của tôi đại loại như truyện “Tuyến đường ga Ấm Thượng”, tôi hy vọng sẽ được chuyển qua Anh ngữ để thế hệ sau có thể đọc được.

Lê Quỳnh Mai: “Sau lưng người đàn ông thành công là người đàn bà tuyệt vời.” Phụ nữ trong gia đình Nhất Linh nói riêng và dòng tộc của Nguyễn Tường nói chung, là những người có định mệnh đi liền với lịch sử chính trị và văn học Việt Nam. Họ chia sẻ buồn vui bất trắc của Nhất Linh. Ông có thể cho độc giả biết thêm về hình ảnh của thân mẫu, Thái Vân người bạn đời của Nguyễn Tường Thiết.

Nguyễn Tường Thiết: Mẹ tôi là hình ảnh của một người đàn bà Việt Nam điển hình: nhẫn nại, tảo tần, hết đời một lòng hy sinh cho chồng con. Xuất thân từ một gia đình họ Phạm quê ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, mẹ tôi lập gia đình với cha tôi năm 1925 khi bà và cha tôi còn rất trẻ, mẹ tôi 18 và cha tôi 19 tuổi. Lập gia đình mẹ tôi theo đuổi nghề cau của bà ngoại tôi. Chính nhờ nghề cau này mà mẹ tôi đã nuôi dưỡng hơn mười người con của bà và giúp chồng rảnh tay theo đuổi lý tưởng và sự nghiệp của ông. Mẹ tôi thường nói cha tôi tuổi con ngựa nên suốt đời đi xa, không mấy khi ở gần gia đình. Bà cũng nói khi lấy chồng, cha tôi đã cam kết ngay từ đầu rằng mỗi người có một bổn phận, ông có bổn phận đối với xã hội, còn bà có bổn phận đối với gia đình. Cha mẹ tôi sống xa nhau thường xuyên mà không ai phiền hà, tôi cho rằng phần lớn vì cả hai có một điểm rất giống nhau, đó là sự say mê làm việc. Nếu cha tôi đam mê viết sách, làm báo và những hoạt động xã hội thì mẹ tôi cũng say mê trong việc làm ăn buôn bán không thua gì cha tôi.

“Sau lưng người đàn ông thành công là người đàn bà tuyệt vời.” Câu nói mà chị trích dẫn rất đúng trong trường hợp của song thân tôi. Chẳng thế mà cụ Nguyễn Hải Thần, một nhà cách mệnh lão thành, đã từng có câu khen ngợi mẹ tôi: “Anh Tam nếu không có chị ấy thì không thể làm nên sự nghiệp này”. Chẳng thế mà nhà phê bình và nghiên cứu văn học Thụy Khuê trong bài “Thế hệ bắc cầu” đã từng viết câu này: “Mẹ anh (Nguyễn Tường Thiết) là bà Tú Xương của Văn đoàn, nếu không có bà thì Văn đoàn không thể ‘Tự lực’ được”.

Sự hy sinh của mẹ tôi cho sự nghiệp của cha tôi là một sự hy sinh tự nguyện đến tự một tấm lòng hết mực Thương chồng như nhan đề một cuốn sách cha tôi xuất bản năm 1960. Ngoài sự yêu thương, cha mẹ tôi còn có sự tương kính. Không bao giờ tôi nghe thấy bố mẹ tôi to tiếng với nhau.

Ðể nói lên lòng yêu thương và sự tương kính đó thiết tưởng không gì bằng trích dẫn một đoạn hồi ký sau đây của thi sĩ Huy Cận trong tập Hồi ký song đôi của ông - tập 2 - trang 258 do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, Hà Nội, năm 2002: “... có lần Nhất Linh tâm sự với tôi: ‘Chắc anh sẽ hỏi tôi tại sao tôi có nhiều con. Có gì đâu? Bà vợ tôi thích đẻ con, vì bà ta cho biết mỗi lần mang thai thì sức khỏe của bà tốt lên, thấy yên ổn trong người. Thụ thai và mang thai đối với vợ tôi là một hạnh phúc. Ðó là một hạnh phúc cụ thể, vừa cơ thể vừa tâm hồn, đó là kinh nghiệm của tôi, hay đúng hơn là kinh nghiệm của vợ tôi’. Nhất Linh nói mấy câu đó với một nụ cười không phải là hóm hỉnh, mà như là một nụ cười tình cảm, tỏ lòng biết ơn người vợ đoan trang và đảm đang của mình. Có lần Nhất Linh cũng nói với tôi: ‘Làm vợ một nhà văn nhiều khi cũng phiền, và cũng thiệt, phải hy sinh nhiều. Cứ xem vợ ông Tú Xương thì rõ: Quanh năm buôn bán ở mom sông - Nuôi đủ năm con với một chồng - Lặn lội thân cò khi quãng vắng - Eo sèo mặt nước lúc đò đông’ (thơ Tú Xương mà Nhất Linh đọc thuộc lòng, với một giọng như là mượn lời thơ trên để tỏ lòng biết ơn vợ, mặc dù bà Nhất Linh không đến nỗi vất vả, tần tảo như bà Tú Xương).”

Chỉ vài giờ trước khi lìa đời cha tôi đã để lại những dòng chữ sau đây cho mẹ tôi, người đàn bà “rất thân yêu” như cha tôi đã viết trên trang đầu bản thảo cuốn Xóm Cầu Mới: “Mình, mối tình của đôi ta trong bao năm đẹp đẽ lắm rồi, không mong mong ước gì hơn nữa. Anh, 7-7-1963”.

Chị hỏi tôi về trường hợp Thái Vân và tôi thì tôi cũng xin trả lời như thế này. Chúng tôi thuộc hẳn một thế hệ khác, lại sinh sống ở hải ngoại hầu như gần trọn cuộc đời chung sống, tôi không đi vào nghiệp văn trọn cuộc đời như ông cụ tôi nên nhà tôi không phải đối phó với những “điều phiền”, “điều thiệt” của mẹ tôi, như cha tôi đã từng tâm sự như thế với ông Huy Cận.

Tuy nhiên trong cuộc sống lứa đôi, chúng tôi may mắn là có những quan điểm căn bản về đời sống giống nhau, lại học được thêm cái cách cư xử của song thân tôi những bài học quý giá cần thiết cho việc duy trì hạnh phúc gia đình. Ðó là ngoài tình yêu thương, vợ chồng cần đối xử với nhau với sự quý trọng.

Lê Quỳnh Mai: Trong lời tựa của Mùa hạ năm ấy, Phạm Phú Minh viết: “... Bây giờ chúng tôi bắt đầu bước vào tuổi già, anh Thiết lại bắt đầu viết hăng, tôi chỉ biết gửi gấm đôi nét của lòng mình vào tác phẩm anh, gọi là đánh dấu một chút tri kỷ muộn màng” (tr. 10). Tình bạn của Nguyễn Tường Thiết và Phạm Phú Minh bắt đầu từ đâu?

Nguyễn Tường Thiết: Chúng tôi quen biết nhau do một cái duyên. Năm 2002, cả anh ấy và tôi, hai người không quen biết nhau, ở hai nơi cách xa nhau, cùng âm thầm làm một công việc về tác giả Nhất Linh, mà người nọ không biết việc làm của người kia. Ở Cali anh Phạm Phú Minh, hồi đó là chủ bút của tạp chí Thế Kỷ 21, sửa soạn ra số báo chủ đề “Tưởng niệm Nhất Linh”, dự tính ấn hành vào tháng 7 năm đó nhân ngày giỗ thứ 39 của ông cụ tôi. Ở Seattle, tôi đánh máy bản thảo cuốn trường thiên thiểu thuyết Xóm Cầu Mới của ông cụ, và dự tính tái bản cuốn truyện này cũng vào tháng 7. Trước khi khởi công đánh máy tôi đã liên lạc với anh Võ Phiến xin anh ấy viết cho một bài bạt để in trong cuốn Xóm Cầu Mới tái bản, và anh ấy đã gửi tôi bài “Ðọc bản thảo của Nhất Linh”. Một bữa anh Võ Phiến gọi điện cho tôi xin được chuyển bài viết ấy cho Thế Kỷ 21 để đăng thêm trong số “Tưởng niệm Nhất Linh”. Thế là qua anh Võ Phiến tôi mới biết là ở Cali họ đang thực hiện số báo này. Tôi liên lạc với anh Phạm Phú Minh từ đó.

Sau này được gặp anh Minh tôi có cảm tình rất đặc biệt với anh. “Phạm Xuân Ðài là một con người trầm lặng, khiêm cung, ăn nói nhỏ nhẹ. Hình như toàn sức sống của ông đều dồn vào nội tâm…” Ðúng như nhận định của giáo sư Trần Hồng Châu viết về anh ấy trong lời Tựa cho cuốn sách Hà Nội trong mắt tôi của Phạm Xuân Ðài (Phạm Xuân Ðài là bút hiệu của anh Minh). Ðiều khiến tôi cảm động nhất là trong bài viết của anh đăng trên Thế Kỷ 21 số “Tưởng niệm Nhất Linh”, anh Minh có nhắc đến mối giao tình giữa ông cố của chúng tôi là Nguyễn Tường Tiếp với ông cố của anh là Phạm Phú Thứ từ thời hai cụ cùng làm quan dưới thời vua Tự Ðức. Anh viết: “... sự giao du của các vị trên khiến tôi cảm thấy như có một sự liên hệ tinh thần với họ Nguyễn Tường, mặc dù cho đến gần đây tôi chẳng mấy khi được có dịp giao du mật thiết giống như người xưa”.

“Cũng chẳng muộn, anh Minh à!”. Chuyện anh kể cứ phảng phất như câu truyện cổ tích; phảng phất như đâu đây vẫn còn hồn xưa của các cụ chứng giám cho mối tri kỷ muộn màng này.

Lê Quỳnh Mai: Trong Hội luận Văn học và buổi ra mắt sách Võ Phiến tại Cali vào tháng 1 năm 2007, với sự góp mặt rất đông của văn thi hữu hải ngoại, ông đã nói “Ðây là một cơ hội cho những người đã quen nhau (qua sáng tác, tạp chí, Net) nhận mặt”, và đã họp mặt với văn hữu trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Ðỗ Hoàng Diệu... Ông có nhận xét thế nào về những người cầm bút ở trong và ngoài nước.

Nguyễn Tường Thiết: Tôi đi vào nghiệp văn khá muộn nên chỉ mới làm quen với các văn thi hữu thời gian gần đây thôi, trong vòng mười năm trở lại. Trong số các nhà văn đã thành danh trước năm 1975 và hiện còn tại thế, không kể những nhà văn tôi có liên hệ họ hàng như Duy Lam, Thế Uyên, có lẽ chỉ có một mình nhà văn Võ Phiến là tôi được hân hạnh quen biết ngay từ hồi còn ở trong nước. Mặc dầu vậy hầu hết những nhà văn đã có tiếng tăm ấy tôi đã đọc tác phẩm của họ ngay từ thập niên 19(60). Vì thế đầu năm ngoái dù ở xa tôi cũng bay xuống Cali trước là để dự buổi ra mắt cuốn sách của anh Võ Phiến, một nhà văn lớn tôi rất ngưỡng mộ và quý trọng, sau là để tham dự Hội luận Văn học, và có cơ hội gặp mặt những người mà trước đó tôi chỉ biết qua chữ nghĩa. Cảm tưởng tiên khởi khi gặp họ là họ còn trẻ trung, không “lụ khụ” tí nào như tôi hình dung. Hôm ấy sau cuộc Hội luận có buổi tiếp tân. Lúc tôi tiến lại quầy rượu tự rót thêm rượu vang vào cốc của mình thì đụng độ nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi thốt lên: “Trông anh trẻ nhỉ? Tôi đọc văn anh từ hơn 40 năm trước, từ cái thời báo Văn 38 Phạm Ngũ Lão lận, cứ ngỡ bây giờ anh phải... Anh trẻ thật!”.

Trường hợp gặp gỡ các nhà văn trong nước thì khác. Khoảng cuối thập niên 19(80) khi ở trong nước bắt đầu có hơi hướm “cởi trói” về văn học, tôi theo dõi và tìm đọc những tác phẩm của các nhà văn ở Việt Nam. Trong số đó có hai nhà văn tôi thích đọc nhất là Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh. Tôi định bụng nếu có dịp về Việt Nam sẽ tìm gặp họ. Hai năm trước nhân dịp ghé Hà Nội tôi ngỏ ý với một người tôi quen biết và nhờ anh ta thu xếp một buổi gặp gỡ tại một nhà hàng với hai nhà văn nói trên. Lúc tôi đến quán thì có thêm một số người khác nữa, trong số có cả nhà văn nữ trẻ Ðỗ Hoàng Diệu. Tôi có tường thuật cuộc gặp gỡ này trong hồi ký Một trăm ngọn nến nói về chuyến đi Hà Nội, trùng vào ngày sinh thứ 100 của ông cụ tôi (25 tháng 7 năm 2006). Hai nhà văn Bảo Ninh và Ðỗ Hoàng Diệu tôi chỉ gặp một lần ấy tại quán ăn. Riêng Nguyễn Huy Thiệp thì tôi được anh mời đến nhà anh dùng cơm, và chúng tôi sau này vẫn tiếp tục liên lạc qua email và điện thoại.

Từ khi viết tôi có thêm bạn văn ở cả trong lẫn ngoài nước. Nói chung tôi có cảm tưởng thoải mái khi tiếp xúc với họ. Vì có chung nghiệp cầm bút chúng tôi dễ đồng cảm, dễ nói chuyện. Tôi tin rằng đã là nhà văn, tôi nói nhà văn đích thực, thì tâm hồn họ cũng phóng khoáng và cởi mở. Tôi nhớ câu nói của anh Nguyễn Huy Thiệp trước khi chia tay: “Văn chương nó bạc lắm anh ạ. Phần thưởng quý nhất có lẽ là qua nó chúng ta có được những người bạn mới ở khắp bốn phương”.

Lê Quỳnh Mai: Ðã từng có tranh luận, ý kiến về sự sống còn của tạp chí văn học in trên giấy và tạp chí trên mạng! Hiện nay tạp chí trên mạng cũng phát triển mạnh hơn và tạp chí in trên giấy vẫn không bị... ngỏm củ tỏi... như tiên đoán! Cảm giác ông thế nào khi đọc sáng tác của mình trên hai loại tạp chí trên.

Nguyễn Tường Thiết: Viết xong một tác phẩm, nhìn ngắm nó mãi không chán mắt như nhìn một đứa con cưng, nhưng khi quyết định gửi đứa con đi, tôi luôn luôn ngập ngừng, phân vân. Gửi tạp chí nào nhỉ? Tạp chí... IN hay tạp chí... MẠNG. Trí óc tôi làm việc nhanh lắm. Nhưng trái tim tôi thì rề rà! Nếu gửi tạp chí... mạng thì số người đọc có thể tăng hơn gấp trăm lần, đứa con được bay bổng đi xa đến khắp mọi nơi có người Việt sinh sống trên hành tinh này, lợi thế biết bao nhiêu! Nghĩ thế nhưng sao con tim tôi nó trù trừ. Nó bảo tôi rằng tôi gửi báo mạng e là sẽ mất... mạng đứa con! Ðứa con sẽ đi vào “hố đen”, mất tăm trong hư vô! Cảm giác này thật lạ, thật vô lý, nhưng nó có, có thật! Tôi không có cảm giác đó khi gửi bài cho tạp chí in. Gửi báo in tôi yên tâm. Trước sau đứa con tinh thần của tôi cũng sẽ xuất hiện trên trang sách, và tôi lại có thể sờ mó được nó. Ðành rằng nếu gửi tạp chí mạng thì trước sau gì tôi cũng sẽ thấy lại đứa con của tôi trên màn ảnh máy vi tính. Nhưng tôi vẫn thấy đứa con tôi xa cách quá, tôi không thể ôm nó âu yếm như ôm cuốn sách theo tôi vào trong giấc ngủ. Chẳng lẽ tôi đi ôm cái máy to tổ bố vào lòng!

Ấy là nói cho vui vậy thôi chứ “trước lạ sau quen”, cái gì mà chẳng thành thói quen. Trước kia tôi cứng đầu lắm cứ tin một cách chắc nịch rằng gõ gõ trên máy vi tính thì văn nó không tuôn ra, phải viết tay cơ! Bây giờ mới biết mình sai bét!

Tạp chí in ở hải ngoại tôi nghĩ nó sẽ không ngỏm củ tỏi đâu, nó sẽ đi song hành với tạp chí mạng dài dài. Chị nhớ không, khoảng 20 năm trước khi có DVD, VCR người ta rầm rầm mướn phim về nhà xem, ai cũng lo âu rằng kỹ nghệ phim rạp sẽ tiêu tùng, thế mà bây giờ rạp hát vẫn đông đảo người đi xem, còn phát triển mạnh hơn bao giờ hết, vì thiên hạ (trong số có vợ chồng tôi) vẫn còn rất nhiều người thích coi xinê trong rạp hát hơn.

Tuy nhiên những tạp chí IN ở hải ngoại, đặc biệt những tạp chí văn học giá trị không sống nhờ quảng cáo như các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học, Văn... đang phải đối phó với những khó khăn chồng chất để tồn tại, mà khó khăn lớn nhất là tiền cước phí gửi báo quá nặng. Trong hoàn cảnh đặc biệt này tôi thiết nghĩ là những người cộng tác cần tiếp tay để giúp các tạp chí này đứng vững và sống còn, bằng cách ngoài đóng góp bài vở nên có những trợ giúp khác tùy theo khả năng của mỗi người.

Lê Quỳnh Mai: Ý kiến ông về vụ án Nhân văn - Giai phẩm.

Nguyễn Tường Thiết: Ở tuổi đôi mươi tôi đã đọc những câu thơ sau đây:

Tôi bước đi,
không thấy phố,
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ...

Lần đầu đọc nó tôi xúc động ngay. Lúc đó tôi không biết tác giả câu thơ là Trần Dần, không biết gì về nhóm Nhân văn - Giai phẩm, chỉ biết tác giả là một nhà thơ miền Bắc, thế thôi. Tôi xúc động không vì ý hướng chính trị. Tôi xúc động vì nó tác động trong tôi một hình ảnh sâu đậm. Một kỷ niệm về thời tuổi thơ đã mất. Về một dẫy phố của Hà Nội in trong tâm tưởng tôi hồi bé. Dẫy phố một ngày mùa đông mưa phùn xám xịt, dẫy phố buồn bã, đìu hiu, hoang lạnh, xưa cũ trong tâm tưởng tôi nay đã có điểm thêm màu cờ đỏ ủ rũ.

Hồi đó khoảng cuối thập niên 19(50) tôi có nghe nói đến nhóm Nhân văn - Giai phẩm. Tôi không thể đoan chắc tôi nghe được từ đâu. Rất có thể là tôi nghe lóm được trong câu chuyện văn nghệ giữa cha tôi và các bạn của ông. Hồi đó văn thơ của nhóm Nhân văn – Giai phẩm được phổ biến, truyền đọc ở miền Nam, Trăm hoa đua nở trên đất Bắc được Hoàng Văn Chí xuất bản năm 1959. Cha tôi chắc hẳn là phải theo dõi nhóm Nhân văn – Giai phẩm rất kỹ và nắm vững tình hình văn nghệ miền Bắc. Ðoạn viết sau đây trong cuốn biên khảo của Nhất Linh Viết và đọc tiểu thuyết xuất bản năm 1960 chứng tỏ điều này tuy rằng ông không đề cập đến nhóm Nhân văn - Giai phẩm: “... để kết thúc, tôi dẫn ra một thí dụ có rất nhiều ý nghĩa: Cuốn Ðồi thông hai mộ là cuốn truyện hết sức tầm thường; cuốn ấy nếu xuất bản trong Nam có lẽ không ai đọc. Thế mà ở miền Bắc, người ta đã giấu giếm truyền cho nhau xem; không những thế có người thức luôn mấy đêm chép tay để đọc và để đưa các chỗ bạn bè tin cẩn đọc, rồi cứ thế một ngày một lan rộng bởi vì họ đã chán ngấy những tiểu thuyết hết ca tụng cái nọ đến ca tụng cái kia, đều đều một giọng”. (Ðời Nay xuất bản, 1960, trang 100).

Sau này tôi được biết nhiều hơn về nhóm Nhân văn - Giai phẩm qua những tài liệu tôi đọc rải rác trên các tạp chí. Tuy nhiên chỉ mới gần đây tôi mới hiểu rõ hơn về “vụ án” Nhân văn – Giai phẩm qua tiết lộ của những nhân chứng sống như Lê Ðạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Ðang trong các buổi phỏng vấn dành cho đài phát thanh RFI Thụy Khuê phụ trách. Tôi cũng được biết là vào tháng 2 năm ngoái có bốn tác giả của nhóm Nhân văn - Giai phẩm là Hoàng Cầm, Lê Ðạt, Phùng Quán và Trần Dần được nhận Giải thưởng Nhà nước. Trong số 4 người này thì hai vị đã nằm xuống là Trần Dần và Phùng Quán.

Cá nhân tôi không có một ngày sống dưới chế độ cộng sản. Ngay từ nhỏ cho đến nay tôi quen sống và hít thở môi trường tự do, trong đó có tự do ngôn luận. Khi viết những bài đăng trên báo chí ở Sài Gòn trước đây hơn 40 năm tôi không hề bao giờ có ý nghĩ là mình phải uốn nắn ngòi bút. Chữ “viết” đối với tôi không bao giờ đi kèm với chữ “lách”, như tất cả các nhà văn sống dưới chế độ cộng sản buộc phải làm, để có thể tồn tại và sống còn.

Vì quen hít thở bầu khí tự do, xem tự do ngôn luận như một quyền đương nhiên, tôi rất ngạc nhiên khi biết trong vụ Nhân văn - Giai phẩm, những thành viên của nhóm phải chịu những hậu quả hết sức nặng nề chỉ vì những người ấy đã hành xử cái quyền mà tôi xem là “đương nhiên” ấy. Mấy chục năm trước tôi nghe nói là truyện ngắn “Con ngựa già của Chúa Trịnh” đăng trong báo Nhân văn số 4, tháng 10 năm 1956, đã đưa tác giả Phùng Cung vào cuộc sống tù đầy hơn 12 năm, phần lớn là biệt giam hoặc lao động khổ sai trong các trại tù khét tiếng độc ác của Việt Nam. Vì chưa bao giờ tôi được đọc nguyên tác truyện ấy, nên trong bao năm tôi cứ đinh ninh “Con ngựa già của Chúa Trịnh” phải là truyện tố cáo nhà nước ghê gớm lắm. Mãi gần đây tình cờ đọc truyện ấy đăng trong quyển Phùng Cung, truyện và thơ, Văn Nghệ xuất bản 2003, tôi ngạc nhiên thực sự: truyện ấy “hiền” chết đi được, đâu có gì đáng phải tù tội những 12 năm? Truyện này nếu đăng ở miền Nam vào lúc chế độ kiểm duyệt gắt gao nhất thì chắc đã không bị đục bỏ lấy một dòng chứ đừng nói gì đến chuyện tác giả bị làm khó dễ, tù tội.

Lê Quỳnh Mai: Tại Hoa Kỳ sẽ có cuộc bầu cử Tổng thống trong tháng 11. Ðịnh cư đã lâu hẳn nhiên ông là một phần tử quyết định sự chiến thắng của Đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa. Ông sẽ bỏ phiếu cho ai và có tiên đoán Barack Obama sẽ trở thành Tổng thống da màu đầu tiên của Hiệp chúng Quốc Hoa Kỳ không?

Nguyễn Tường Thiết: Ðến giờ tôi chưa biết mình sẽ bỏ phiếu cho ai. Có lẽ phải chờ xem màn “đấu chưởng” giữa hai ứng viên Barack Obama và John McCain mới có quyết định. Sự kiện ông Obama, một người da đen được dân chúng chọn là người đại diện cho Đảng Dân chủ tranh chức Tổng thống Hoa Kỳ làm tôi yêu mến quốc gia này hơn, quốc gia mà từ 33 năm nay chúng tôi đã chọn làm quê hương thứ hai của mình. Ðây đích thực là xứ sở của tự do và cơ hội, trong đó mọi chuyện đều khả thể. Tôi cũng không thể tiên đoán là ông Barack Omaha có đắc cử để trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên của Hiệp chúng Quốc hay không, vì đây cũng là đất của những sự bất ngờ. Chỉ cách đây chưa đầy nửa năm, mấy ai đoán được là ông ta sẽ thắng bà Hillary Clinton? Tuy nhiên tôi nghĩ ông Omaha có nhiều hy vọng. Tôi cho rằng nếu ông ta đắc cử Tổng thống Mỹ thì lý do chính mà ông được chọn là vì hiện tình kinh tế Mỹ quá bết bát khiến dân chúng Mỹ không còn tin tưởng vào Đảng Cộng hòa nữa.

Lê Quỳnh Mai: Trước khi chấm dứt mạn đàm, ông có điều gì gởi đến quí độc giả?

Nguyễn Tường Thiết: Trước hết tôi xin cảm ơn chị Lê Quỳnh Mai đã cho tôi cơ hội trả lời cuộc phỏng vấn này, để tôi có dịp giãi bầy một số ý kiến cũng như tâm tình về những vấn đề có liên quan đến ông cụ cũng như cá nhân tôi. Vâng, tôi xin được nói thêm đôi lời với quý độc giả, đôi lời chân tình, về ông cụ tôi, nhà văn Nhất Linh, người mà với tôi không phải chỉ đơn thuần là một người cha.

Ông cụ tôi có lần than thở với một người bạn của ông: “Thân này ví xẻ làm BA được...” – “Ấy, người ta nói xẻ làm đôi, chứ ai nói xẻ làm ba bao giờ?”. Người bạn hỏi thế. Cha tôi trả lời: “Ước gì NHẤT biến thành TAM!”.

Câu nói đùa đó của cha tôi khiến tôi suy nghĩ. Có thật chăng cha tôi mong ước thế, “Nhất biến thành Tam”, hay đó chỉ là một cách nói chơi chữ? Ðành rằng nếu con người cách mạng Nguyễn Tường Tam rũ bỏ được con người nghệ sĩ Nhất Linh trong ông, thì hẳn là sự nghiệp chính trị của cha tôi có nhiều cơ may thành công hơn. Nhưng tôi không tin cha tôi thực tâm mong thế. Tôi tin rằng con người ông nặng Nhất hơn Tam. Những gì ông hãnh diện nhất là thành quả mà con người Nhất Linh trong ông đạt được. “Những lúc ngoảnh về quá khứ, kiểm điểm công việc mình đã làm tôi thấy rõ ràng công việc tốt đẹp, lâu bền và có ích nhất của đời tôi là sự thành lập được Tự lực Văn đoàn và công việc sáng tác” (“Chúc thư văn học”, mồng 1 Tết năm Quý Tỵ 14-2-53).

Vậy thì đối với tôi câu than “Thân này ví xẻ làm ba được” có ý nghĩa hơn. Nhưng con người thứ ba mà ông mong ước, ngoài “người nghệ sĩ, người chiến sĩ”, là con người như thế nào? Câu hỏi này tôi thắc mắc trong nhiều năm.

Tôi đã nói ở phần trước cái chết của ông cụ tôi ám ảnh tôi nhiều, để lại trong tôi một sự ân hận nuối tiếc khôn nguôi. Cho mãi đến gần đây, năm 2001, khi chúng tôi đưa tro của song thân về chôn cất trong nghĩa trang riêng của dòng họ Nguyễn Tường ở Hội An, tôi mới thực sự tìm được an bình khi tôi tìm được câu trả lời cho thắc mắc của tôi.

Buổi trưa hôm đó sau khi chôn cất xong, vì trời nắng chói chang, mọi người tản ra tìm bóng cây rợp, riêng tôi còn nán lại gần ngôi mộ mới đắp. Tôi suy nghĩ về toàn thể cuộc đời ông. Từ hồi ông có bài thơ đăng báo Trung Bắc Tân Văn năm ông mới 16 tuổi, cho đến ngày ông mất năm ông 57 tuổi. Ông đã sống một đời lỗi lạc, làm được quá nhiều việc trong một đời ngắn ngủi. Một người bận rộn như thế, nổi tiếng như thế, thì làm gì có được một cuộc sống thanh thản, bình dị, như cuộc đời nơi mỗi chúng ta? Rồi tôi ngộ ra rằng chính cái đời bình dị tầm thường đó là đời thứ ba ông mơ ước mà không có được. Và tôi, phải, chính tôi, đã thay ông cụ tôi, sống cuộc đời đó. Ông cụ, ở dưới sâu kia, qua tôi, chắc phải toại nguyện. Ý nghĩ này đã đem an bình cho tôi rất nhiều.

Tôi xin được thay mặt gia đình chuyển lời cảm ơn hết sức chân thành đến tất cả những người cầm bút đã viết về cha tôi cũng như tất cả những độc giả đã yêu mến văn chương ông. Tôi tin rằng sự nghiệp của cha tôi sẽ trường tồn không phải đơn thuần nhờ vào văn tài của ông mà còn nhờ vào sự ngưỡng mộ và quý trọng về cả con người, cuộc đời và cái chết của ông nữa.

Tháng 7 năm 2008
Nguồn: Tạp chí Hợp LÆ°u số tháng 7 & 8 năm 2008