Cuộc tranh luận về chữ "soldats" của Alexandre de Rhodes đã đến giai đoạn hỏa mù, như nhiều cuộc tranh luận khác. Mục đích của người tung hỏa mù là để đưa đến tình trạng không ai còn nhớ vấn đề chính và những luận điểm chính của hai bên là gì nữa, dẫn tới "huề cả làng", chẳng còn biết ai đúng ai sai và vấn đề vẫn không được sáng tỏ.
Với hy vọng đánh tan hỏa mù và đỡ tốn thì giờ người đọc, tôi xin nhắc lại câu mà ông Bùi Kha đã dùng để kết tội rằng Alexandre de Rhodes sang Pháp để xin quân đi xâm lăng, và tóm tắt những lý lẽ để bác bỏ luận cứ đó.
De Rhodes: "
J'ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l'Orient, pour l'assujetter à Jésus Christ, et particulièrement que j'y trouverais moyen d'avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises, je suis sorti de Rome à ce dessein le onzieme Septembre de l’année mil six cens cinquante deux apres avoir baisé les pieds du Pape."
- Từ "soldats" (soldiers) rất thường được người Pháp, Anh theo đạo Thiên Chúa dùng để chỉ người truyền đạo hoặc tín đồ. Tìm trên web những thành ngữ "soldats de Jesus", "Soldiers of Jesus", "Soldiers of Christ" v.v., sẽ thấy cả trăm ngàn ví dụ. Bất cứ người nào sống ở những xứ nói tiếng Anh, Pháp lâu năm và có một trình độ học vấn trung bình (đọc sách báo thường xuyên) cũng sẽ hiểu ngay de Rhodes nói "soldat" theo nghĩa bóng (tôn giáo) chứ không phải theo nghĩa đen.
- De Rhodes viết là ông sang Pháp để tìm "soldats" và nhất là giám mục. Dịch là "tìm lính và nhất là giám mục" thì vô nghĩa, vì lính với giám mục chẳng dính dáng gì tới nhau. Phải "tìm thừa sai và nhất là giám mục" thì mới có nghĩa, vì giám mục là loại "siêu thừa sai", có quyền phong linh mục bản xứ để gia tăng tốc lực truyền đạo.
- Bùi Kha hỏi rằng nếu chỉ tìm thừa sai, tại sao de Rhodes lại vào triều đình mà không gặp thẳng Giáo hội. Tôi đã dẫn chứng theo Catholic Encyclopedia (http://www.newadvent.org/cathen/06351a.htm) rằng theo thể chế phân quyền giữa vua Pháp và Giáo hoàng (gallicanisme) trong TK 17, sứ giả của Giáo hoàng không được tự tiện vào nước Pháp hoạt động mà phải được phép vua và giám mục Pháp mà muốn đi ra khỏi nước để truyền giáo (điều de Rhodes đặc biệt mong ước) thì phải xin phép vua Pháp. Do đó de Rhodes không thể không vào triều.
- Bùi Kha cho rằng Giáo hội Pháp không thể dính đến việc truyền đạo vì có sắc lệnh 1493 của Giáo hoàng Alexandre VI chia việc truyền giáo cho Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, sự kiện cụ thể cho thấy là chẳng ai còn để ý cái sắc lệnh lỗi thời (170 năm trước) đó cả: de Rhodes nói thẳng toẹt rằng mình sang Pháp tìm thừa sai và thậm chí tìm giám mục, hàng trăm người tình nguyện và 20 thừa sai Pháp được tuyển chọn, sáu năm sau đó Giáo hội Pháp thành lập Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris và Giáo hoàng Alexandre VII cử hai giám mục Pháp phụ trách Việt Nam.
- Suốt trong cuốn Divers Voyages của de Rhode, không có chỗ nào nói về ý định đánh chiếm Việt Nam bằng vũ lực. Chương sách chứa đoạn sang Pháp toàn nói về việc tìm người truyền đạo. Sau chuyến sang Pháp, ông rất vui mừng vì tuyển được 20 thừa sai Pháp, và còn vui mừng hơn nữa vì có tin sắp có giám mục.
Độc giả không muốn tốn thì giờ xem tranh luận có thể ngừng ở đây. Trước khi sang phần hai của bài này, tôi xin scan ba trang cuối bản dịch cuốn
Divers Voyages của de Rhodes, dịch bởi Solange Hertz, Newman Press, Westminster, Maryland, 1966. Các độc giả thông thạo tiếng Anh (ít nhất là thông thạo bằng tiếng Việt) có thể xem tận mắt xem nó có nói gì về việc xin một đạo quân viễn chinh hay không. Rất tiếc tôi không có bản tiếng Pháp.
Sau đây tôi xin dùng những âm điện tử còn lại để trả lời
bài của ông Bùi Kha (
showFile.php?res=7212&rb=0302). Nếu Việt Nam là một nước trung bình thì không cần phải làm việc đó, vì người trung bình sẽ dễ dàng nhận ra những lý luận ngụy biện thô thiển. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là một nước trung bình. Chính quyền Việt Nam đã từng xiêu lòng với những lý luận tương tự hay tệ hơn. Ở một nước trung bình, một tờ báo hay diễn đàn của trí thức sẽ không đăng những bài đầy ngụy biện thô sơ ấu trĩ. Vì vậy, tôi xin trả lời cho đủ trách nhiệm một người có học.
Cũng tiện đây xin đề nghị talawas (và các báo chí diễn đàn có trình độ khác) đòi hỏi một trình độ tối thiểu về cách tranh luận (debating standard) trước khi đăng bài, tránh đăng những bài ngụy biện ấu trĩ. Đây không phải là chuyện kiểm duyệt: ý kiến mọi phía đều có thể đăng, miễn là không dùng những lý lẽ và tài liệu kém trung thực để chống chế. Nếu báo chí làm được như vậy, sẽ là một đóng góp đáng kể cho trình độ văn hóa của cả nước, và đỡ tốn thì giờ của cả người viết lẫn người đọc. Người hải ngoại đều biết rằng học sinh Tây phương được huấn luyện rất kỹ về kỹ thuật tranh luận. (Dĩ nhiên, trong thời đại internet, không thể tránh có những diễn đàn rác rưởi đăng những bài rác rưởi, nhưng phần lớn người đọc dễ dàng nhận biết trình độ của những diễn đàn ấy và tránh xa nếu không muốn tốn thì giờ.) Còn nếu để cho ngụy biện tràn ngập media đến độ sự thật bị chôn lấp trong hỏa mù thì tức là người làm báo không biết sử dụng cái tự do báo chí quý giá của người Việt hải ngoại, một cái tự do mà người Việt chưa từng có trong lịch sử, để giúp nâng cao dân trí. Để giúp việc bảo toàn trình độ, có thể dùng những danh sách các thủ đoạn ngụy biện thông thường như ở
http://www.nizkor.org/features/fallacies/,
http://www.infidels.org/news/atheism/logic.html hay
http://www.intrepidsoftware.com/fallacy/toc.php. Tuy nhiên đối với tài "sáng tạo ngụy biện" của người Việt Nam hiện thời thì có lẽ không danh sách nào mà đầy đủ được!
Xin cáo lỗi trước với người đọc là nhiều khi tôi sẽ phải trích dẫn dài dòng. Tôi cần phải làm vậy là vì ông Bùi Kha không tranh luận đường hoàng, mà thường dùng những thủ thuật bóp méo, nhét lời vào miệng người khác, bẻ một câu ra làm hai ba phần cho trở thành vô nghĩa hay sái nghĩa, rồi bắt bẻ những ý, lời mà ông đã xuyên tạc như vậy. Nếu không trích dẫn kỹ thì không sáng tỏ được những điểm này. Tiếng Anh gọi thủ đoạn ông Bùi Kha thường dùng là strawman arguments hay "luận cứ người rơm", tức là không "đánh" thẳng vào luận lý của đối thủ mà làm một người nộm thay thế rồi đánh vào đó cho... chắc ăn. Ở Tây phương, strawman argument được coi là thủ đoạn thông thường nhất của những người tranh luận kém cỏi hay gian giảo, và học sinh được dạy kỹ là không bao giờ được dùng trong tranh luận. Tuy nhiên người Việt Nam rất hay dùng cách đó trong những diễn đàn "chợ cá".
Bùi Kha viết:
Trong bài, tôi đã dẫn chứng đến SÁU luận điểm; từ bối cảnh chính trị, tôn giáo, hành động, phát ngôn và tư cách của linh mục de Rhodes, để quyết định hiểu chữ “soldats” theo nghĩa nào. Việc ông Tuấn chỉ trích dẫn một trong sáu luận điểm để đối luận với tôi là ông Tuấn thiếu đàng hoàng.
Tôi đã nhấn mạnh từ đầu là tôi chỉ có mục đích muốn sửa một câu dịch sai. Là một người ở hải ngoại, viết đọc, nói nghe tiếng Anh thường ngày (và tiếng Pháp, tuy ít hơn) đã 40 năm, quen thuộc với ngôn ngữ Thiên chúa giáo (như bất cứ một người đọc sách nào khác ở Tây phương), và thông thạo tiếng Anh hơn tiếng Việt, tôi chỉ muốn có đóng góp nhỏ đó thôi. Tuy nhiên, nếu ông Bùi Kha khăng khăng bắt tôi phải phê bình những luận điểm khác của ông thì tôi cũng xin nói ngắn gọn cho ông vui lòng. Trong những luận điểm của Bùi Kha, chỉ có cách dịch chữ “soldat” là luận điểm cụ thể duy nhất. Các luận điểm khác toàn là suy diễn vòng vo gián tiếp (circumstantial). Rất nhiều khi ông sử dụng kiểu diễn dịch ngược, từ kết luận suy ra tiền đề, nói trắng ra là lối chụp mũ của công an các xứ toàn trị hay những nhóm quá khích: diễn dịch, giải thích từng lời nói của một người dựa theo những thành kiến mình có trước về lý lịch, tư cách, quan điểm của họ. Với cách suy diễn đó, một khi đã bị tình nghi là phản động hay thân cộng chẳng hạn, bất cứ lời nói nào của người bị tình nghi cũng có thể dùng để "chứng minh" cho thái độ "xấu" đó. Chẳng hạn, khi kẻ bị tình nghi phản động nói rằng hắn đói thì có thể hiểu rằng hắn bêu xấu chế độ, khi hắn nói rằng hắn no thì có thể hiểu rằng hắn chán không muốn nghe những tuyên truyền của chế độ...
Chẳng hạn, Bùi Kha đưa dẫn chứng: "
Trong thời gian trú ngụ tại Việt nam, de Rhodes đã vẽ một bản đồ có tính chiến lược về quê hương ta". Một người đi xa vạn dặm, tới một xứ sách vở chưa nói tới, thì vẽ bản đồ có gì là lạ? Đó hầu như là phong tục của người Tây phương thời xưa khi đi du hành những đất lạ. Nhưng thế nào là bản đồ "có tính chiến lược", thưa ông Bùi Kha? Có vị trí đóng quân, kho vũ khí, kho lương thực? Và đã làm gián điệp thì phải vẽ thật nhiều chứ tại sao chỉ có một cái? Hay là de Rhodes đã vẽ "một bản đồ có tính chiến lược" cộng với nhiều bản đồ khác không có tính chiến lược? Những bản đồ road maps mua ngoài phố (như bản đồ nước Pháp 220 trang, bản đồ Sydney 250 trang mà tôi đang có) thì có thể gọi là chiến lược như của de Rhodes không? Chắc de Rhodes phải dùng một tờ giấy lớn lắm nhỉ? Rất mong ông Bùi Kha gửi đăng bản đồ đó xem nó chiến lược tới mức nào mà đáng sợ như vậy. Tôi biết trong cái thời "bảo mật trên hết" của miền Bắc cách đây vài chục năm, người ngoại quốc nào cũng bị nhìn như gián điệp, thường dân mở miệng nói vài câu với người da trắng là đủ để "được gọi lên làm việc" với công an, óc tò mò đồng nghĩa với phản động, thì vẽ bản đồ trở thành gián điệp là cái chắc. Nhưng đó là cách nhìn của một chế độ bệnh hoạn, bất bình thường.
Quan niệm của de Rhodes về đạo Phật, đạo Khổng và nói chung tất cả các tín ngưỡng khác, chứng tỏ một đầu óc hẹp hòi về tôn giáo mà người Thiên chúa giáo thời đó đều mắc phải. Thái độ đó thuộc về loại "người thời nay không thể chấp nhận được" mà tôi đã viết trong bài trước, nhưng dựa vào đó mà kết luận rằng ông xin binh lính để đánh chiếm cả Á châu là lý luận khiên cưỡng, bám vào cọng rơm (grasping at straws).
Bùi Kha (
showFile.php?res=7212&rb=0302) viết:
Một lần nữa trong đoạn tiếp theo tôi cũng nhắc lại cụm từ “chính phủ Pháp” , nhưng ông Tuấn vẫn lờ đi... Hai lần ông Tuấn cố tình bỏ quên 3 chữ “chính phủ Pháp” của tôi, mà chỉ sử dụng hai từ “Nước Pháp, La France” để lạc dẫn dư luận.
Đây là tiêu biểu một lý luận hoả mù dựa lên sự liên tiếp xuyên tạc ý người khác. Chính Bùi Kha đem chữ "chính phủ" vào để xuyên tạc lời của de Rhodes, tôi bỏ chữ đó để trung thực với ý và lời của de Rhodes, Bùi Kha lại phàn nàn rằng tôi "lờ" những cái ông viết để lạc dẫn dư luận! Xin kể lại đầy đủ để độc giả thấy rõ kiểu lý luận của Bùi Kha:
- de Rhodes: "Tôi tin là nước Pháp, vương quốc ngoan đạo nhất thế giới, sẽ cho tôi 'plusieurs soldats'..." (để ý: không hề có chữ "chính phủ").
- Bùi Kha: "...danh từ 'La France' (nước Pháp) chứ không phải danh từ 'Eglise francaise' (Giáo hội Pháp) là chủ từ của mệnh đề đó, nên chữ 'soldat' phải được hiểu là 'lính chiến' chứ không thể hiểu ẩn dụ là 'lính thừa sai' được. Trong chính phủ Pháp không làm gì có lính thừa sai để cha xin, mà chỉ có lính chiến mà thôi." (Để ý Bùi Kha đã tự tiện nhét từ "chính phủ Pháp" vào để xuyên tạc de Rhodes.)
- tôi viết: "Xin hỏi tại sao nước Pháp (la France) lại không thể có thừa sai, hay những linh mục có thể gửi đi làm thừa sai?". Dĩ nhiên tôi phải căn cứ vào ý nguyên thủy của de Rhodes chứ đâu có thể căn cứ theo sự xuyên tạc của Bùi Kha, do đó tôi gạt chữ "chính phủ" ra.
- Bùi Kha phản đối là tại sao tôi bỏ đi chữ "chính phủ" mà ông đã nhét vào ý của de Rhodes và mỉa mai là tôi "lờ đi", "cố tình bỏ quên" chữ đó.
Xin miễn phê bình kiểu tranh luận của ông Bùi Kha mà để độc giả tự xét xem ai là người "lạc dẫn dư luận".
Bùi Kha: "
Xin hỏi ông Tuấn là đạo Công giáo có đến tám cuộc Thánh chiến, họ có dùng binh lính, có các giáo sĩ và tín đồ có vũ trang để tàn sát trên cả trăm triệu mạng người vô tội không? Chẳng lẽ chỉ có cuộc 'Thánh chiến' của Lm. Rhodes ('Tôi chưa công bố cuộc thánh chiến chống lại...') là thuần túy 'đạo đức' vì họ là các 'nhà truyền đạo'?"
Một lần nữa ông Bùi Kha lại tung hỏa mù và liên tiếp xuyên tạc, do đó tôi lại phải xin dẫn lại đầu đuôi thứ tự câu chuyện:
- Bùi Kha lập lại câu sau đây của de Rhodes để chứng minh là mình dịch đúng chữ "soldat" là lính (đánh trận): "Tôi chưa công bố thánh chiến chống mọi địch thù của đức tin ở Nhật, ở Trung Quốc, ở Ðàng Trong, ở Ðàng Ngoài và ở Ba Tư thì lập tức đã có một số đông con cái thánh Inhaxu, đầy tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie tới ba trăm quốc gia, các ngài đã bừng bừng ao ước vác thánh giá Thầy và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất."
- Tôi trả lời: "Câu này cho thấy là de Rhodes lúc nào cũng nghĩ tới các nhà truyền đạo, chứ đâu có nghĩ tới lính đánh trận. Ông Bùi Kha có hiểu 'con cái thánh Inhaxu' và Phanchicô Xavie là những ai không nhỉ?"
- Bùi Kha trích lại câu của de Rhodes (a) và câu trả lời của tôi (b), nhưng lại cắt đi những chữ và ý quan trọng nhất, là "con cái thánh Inhaxu" và "tinh thần đã đưa thánh Phanchicô Xavie..." từ cả hai câu đó. Tức là, khi trích de Rhodes, Bùi Kha chỉ viết (nguyên văn): "Tôi chưa công bố thánh chiến… và đem đi cắm những nơi cùng kiệt cõi đất."
- Vì bị cắt những chữ con cái Inhaxu và Phanchicô Xavie, nên câu của de Rhodes (a) trở thành mập mờ, có thể hiểu sái nghĩa, và câu trả lời của tôi (b) trở thành vô nghĩa. Hẳn đó là chủ ý của Bùi Kha!
- Dựa vào câu đã bị bóp méo đó, Bùi Kha tuyên bố rằng "thánh chiến" của de Rhodes có nghĩa là đem quân đội đi đánh chiếm xứ khác giống như những crusades để chiếm lại Jerusalem!
Tuy Bùi Kha né tránh nói về Inhaxu và Xavie trong đoạn trên, ông lại tách riêng câu hỏi có tính cách rhetorical của tôi (hy vọng Bùi Kha hiểu rhetorical question là gì, không thì tôi dám... mệt như Đắc Lộ!) ra khỏi context của nó và dùng làm dịp để "trút hận":
Bùi Kha: "
Ông Tuấn viết 'Ông Bùi Kha có hiểu "con cái thánh Inhaxu" và Phanchicô Xavie là những ai không nhỉ?' Thưa ông Phạm Quang Tuấn, tôi biết rất ít về hai vị “thánh” này, nên chỉ xin trình bày vài nét như sau...", và sau đó Bùi Kha "được thể" trích dẫn dài dòng những tài liệu kể xấu về Ignatius và Xavier.
Cách "trả lời" của Bùi Kha hoàn toàn lạc đề, không dính dáng đến luận lý của tôi. Những tranh luận tốt xấu về các nhân vật lịch sử đầy rẫy trên web, nói xuôi nói ngược đều có, tôi không có thì giờ để tranh cãi mà cũng không quan tâm chuyện hai ông thầy tu đó. Ý tôi chỉ muốn nói rằng: theo cách hiểu bình thường khách quan, "con cái thánh Inhaxu" có nghĩa là tu sĩ dòng Tên (Jesuites), một dòng tu đã có rất nhiều người đi truyền giáo; và Francisco Xavier là nhà truyền giáo nổi tiếng, chết ở Trung hoa một thế kỷ trước đó. Vậy ý nghĩa toàn câu viết của de Rhodes mà tôi đã trích ở trên thật rõ ràng, không có gì để hiểu sai được: "Tôi chưa kịp kêu gọi cho việc truyền giáo, thì đã rất nhiều tu sĩ dòng Tên hăng hái tình nguyện noi gương thừa sai Francisco Xavier đi truyền đạo". Lợi dụng một câu hỏi rhetorical question có ý nghĩa rõ ràng như vậy để đánh lảng và trút bầu thù hận không đúng chỗ, cho thấy dường như đầu óc của Bùi Kha không hoàn toàn được thăng bằng.
Ông Bùi Kha cũng nên cẩn thận trong việc trích dẫn. Thời nay, bất cứ ai cũng có thể lên net để viết một cái gì đó. Bất cứ quan điểm thuận ngược nào cũng có thể tìm thấy trên net. Sự kiện đúng cũng có, hoàn toàn bịa đặt cũng có. Dính vào các vấn đề tôn giáo thì lại càng phải cẩn thận hơn, vì Âu châu có cả một lịch sử tranh chấp giữa các tôn giáo, các giáo phái, và giữa người có đạo với người vô thần hoặc cộng sản, sinh ra đủ loại tài liệu thượng vàng hạ cám. Số tài liệu trung thực và khách quan ít hơn là số bài viết luận chiến (polemical writing). Người đọc phải hết sức cẩn thận, truy cứu nguồn gốc từng nguồn tin. Muốn tìm cả ngàn "tài liệu" để ủng hộ quan điểm của mình rất dễ nhưng tìm một tài liệu có nguồn gốc khả tín thì khó hơn nhiều. Chẳng hạn, nói về một tài liệu trong biên bản Quốc hội Mỹ thì phải nói rõ tại sao lại có biên bản đó, trong trường hợp nào... Bill Clinton đã bị đem ra xử trước Quốc hội, phe đối lập bảo ông có tội, phe Clinton bảo ông vô tội, tất cả đều được ghi trong biên bản một cách máy móc, vậy thì cái nào đúng cái nào sai? Chẳng nhẽ Bùi Kha cho là đúng hết sao? Lời thề độc địa của dòng Tên nếu mà được Quốc hội Mỹ cho là đúng, chẳng nhẽ họ không ra đạo luật để đề phòng việc dòng Tên lũng đoạn chính trị Mỹ sao? (Đây là những rhetorical questions, thưa ông Bùi Kha, không cần thiết phải dẫn chứng dài dòng những tài liệu bêu xấu dòng Tên hay Clinton.).
Ông Bùi Kha đã trích dẫn dài dòng về lịch sử nước Pháp thời đó để chữa chạy những sai lầm của mình về tình hình chính trị Pháp lúc de Rhodes tới Pháp. Trong thời internet hiện nay, việc trích dẫn sử địa lý hóa v.v. dài dòng không có gì là khó cả. Chỉ cần một ngón tay để bấm con chuột. Sinh viên học sinh hạng kém ở ngoại quốc thời nay làm chuyện đó rất thường, sinh ra vấn nạn những bài luận dông dài, đầu Ngô mình Sở mà thầy giáo rất ngán phải đọc ("L' État, c'est moi" của Louis XIV với "nước da xanh xao" của Richelieu thì dính dáng gì đến chuyện Alexandre de Rhodes nhỉ?). Cái khó, và cái phẩm chất của việc viết lách, nằm ở chỗ có biết trích dẫn sao cho chính xác, thích đáng và gọn gàng (to the point), và có biết áp dụng những tài liệu ấy sao cho hợp lý.
Trích dẫn mà không hiểu đưa đến những nhận xét hời hợt, ngây ngô. Khi Bùi Kha gọi Ferdinand V và Isabella I, vị vua và hoàng hậu đã giải phóng và thống nhất Tây Ban Nha và biến nước này thành cường quốc, là "bạo chúa" thì tôi có cảm tưởng ông không hiểu gì về lịch sử Âu châu cả! Có thể vì Ferdinand và Isabella đã khởi xướng Inquisition, nhưng gọi như vậy thì khác nào một vài sử gia Âu châu thời xưa gọi Minh Mệnh là bạo chúa vì ông đã cấm đạo và giết giáo dân? Sự nghiệp và tư cách của vua chúa thời xưa đâu có thể xét xử hời hợt vội vã như vậy.
Sau khi trích dẫn dài dòng, Bùi Kha viết:
Bùi Kha: "
Trong bài trước, tôi đã trích sắc lệnh của Giáo hoàng Alexander VI về việc chia thế giới cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha nên giáo hội Pháp không thể chen chân vào phương Đông được mà chỉ có nước Pháp mà thôi."
Nói thế thật là vô lý vì chính de Rhodes
nhấn mạnh rằng ông sang Pháp để kiếm giám mục: "
Particulièrement que j'y trouverais moyen d'avoir des Évêques, qui fussent nos Pères et nos Maitres en ces Églises..." và ngay sau chuyến đi đó, ông (hay giáo hội) tuyển được 20 thừa sai. Ngoài ra, chỉ sáu năm sau đó (1658) giáo hội Pháp thành lập Hội Truyền giáo nước ngoài Paris (Missions Etrangères de Paris) và chính Giáo hoàng Alexandre VII cử hai giám mục Pháp Pallu và de la Motte phụ trách Việt Nam. Có ai coi sắc lệnh Inter Caetera 1493 của Alexander VI ra gì đâu? Vậy mà ông Bùi Kha vẫn khăng khăng là "giáo hội Pháp không thể chen chân vào phương Đông được mà chỉ có nước Pháp mà thôi", căn cứ vào một sắc lệnh ban hành từ gần hai thế kỷ trước, trong một tình hình chính trị khác hẳn. Đây là một ví dụ về sự trích dẫn một cách mù quáng, không thích hợp, mà không thấy sự thật nằm sờ sờ trước mắt.
Ông Bùi Kha bênh vực việc cấm đạo của vua Nguyễn bằng những tài liệu của hai tướng Pháp năm 1859 cho thấy nhiều giáo dân theo xâm lược Pháp. Đó là đặt con trâu trước cái cày. Tôi không bênh vực việc giáo dân theo Pháp, nhưng xin hỏi nếu không có mấy trăm năm đàn áp thì có ai chống lại vua nước mình không? Xin nhớ rằng thời điểm 1859, người Công giáo không được coi là người Việt, không có "quyền công dân", nhà thờ bị thiêu hủy, giáo dân không chịu đạp thánh giá là tù đày, linh mục bị xử tử. Trong tình cảnh đó thì họ không còn trung thành với vua mà coi Pháp là cứu tinh có gì lạ? Nếu chính quyền bất cứ nước nào mà đàn áp một nhóm như vậy thì chắc chắn là họ sẽ nổi dậy, nếu có thể, hoặc bỏ nước ra đi, như đã thấy trong lịch sử Việt Nam cận đại. Trần Trọng Kim trong
Việt Nam sử lược phê bình: "
Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và nước I Pha Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy".
Bùi Kha kết luận: "
Tìm lại những hành động của người xưa không phải là để khơi lại đống tro tàn, mặc dầu chưa tắt hẳn, hoặc nhằm gây sự bất hòa giữa các cộng đồng tôn giáo một cách không cần thiết, mà để rút tỉa một bài học cho tương lai". Câu này hay quá, đến nỗi ban biên tập talawas phải trích ra để giới thiệu trên trang nhất, nhưng xem cách tranh luận của Bùi Kha thì thấy trái hẳn: ta có cảm tưởng như áp xuất thù hận nung nấu rất mạnh, như mụn nhọt chín mùi chỉ đợi lúc phọt ra. Nói về dòng Jesuit? Ông liền vọt ra lời thề độc địa giựt gân (và giả mạo). Nói về Ignatius và Xavier? Ông liền vọt ra tràng giang đại hải về những bài kể xấu hai người này một cách hoàn toàn lạc đề. Nói về cấm đạo? Ông liền vọt ra những tài liệu dài dòng để chứng minh sự phản quốc của giáo dân 200 năm sau đó. Người tranh luận đàng hoàng cố nhiên không thể theo ông mà chạy lung tung ra ngoài đề như vậy, do đó tôi xin miễn bàn về những chuyện này và xin dừng bút ở đây.
© 2006 talawas