trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Tư tưởng
  1 - 20 / 227 bài
  1 - 20 / 227 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
13.10.2008
Trần Văn Tích
Thân và phận
 
Trong cuộc sống xã hội, mỗi cá nhân đều được ông Trời chia cho một phần. Phần đó gồm cương vị tức là chỗ đứng, thế đứng, vai trò và sự nghiệp tức kết quả của quá trình sinh sống, hành động đóng góp của đương sự. Truyện Kiều vì thế thường nói đến thân phận. Khi bàn đến chức năng của một người trong cộng đồng thì đó là chức phận, khi bàn về danh tiếng thì đó là danh phận, khi bàn về nghĩa vụ thì đó là bổn phận, còn khi nhấn mạnh khía cạnh tác động của các yếu tố bất ngờ, ngẫu nhiên thì đó là số phận.

Trong xã hội chịu ảnh hưởng văn hóa cổ truyền phương Đông, vị trí và vai trò của mỗi người – chức phận, danh phận, bổn phận – thường được quyết định chặt chẽ qua hệ thống luân lý đạo đức. Mỗi người hầu như có phận riêng, mỗi tập thể hầu như có phận riêng: phận hồng nhan, phận đàn bà; do thành phần gia đình, nghề nghiệp, tôn giáo quyết định. Do đó con người Á châu dễ có tâm lý an phận thủ thường. Do đó trong khi con người Âu châu đã tự giải thoát được khỏi ách độc tài toàn trị cộng sản thì con người Á châu vẫn còn cúi đầu thần phục các đảng mafia đỏ, mặc dầu đã có một Thiên An môn, một Thiên An Môn không những chỉ bị xe tăng nghiền nát mà còn là một Thiên An Môn bị sự hững hờ, sự buông xuôi, sự cam chịu, sự an phận của dân chúng Trung Hoa chôn vùi mạch sống.

Bổn phận đã không được người dân Trung Hoa nhận thức. Và như thế chung qui cũng chỉ vì họ không thấy được thân và phận trong cộng đồng nhân loại. (Ðương nhiên lỗi không phải ở họ.) Bổn phận đi đôi với lương tri. Lương tri là tình cảm nội tâm thúc đẩy con người làm những việc phải làm, đáng làm. Các quyết lệnh đạo đức của lương tri lắm khi lại nhân danh một chính nghĩa cao cả, một đạo lý công bằng mà khích lệ con người hành sử không theo lẽ thường: cô Kiều bán mình, Jeanne d’Arc lên giàn hỏa.

Ý thức được thế đứng của mình trong xã hội là điều cần thiết để hoàn thành bổn phận, tất nhiên hoàn thành theo chiều hướng tích cực, xây dựng. Dấn thân có sức hấp dẫn của nó mặc dầu khi dấn thân, con người lắm khi không chờ đợi được tưởng thưởng. Nhưng có dấn thân thì cuộc sống mới có ý nghĩa. Vì thế các vai chính trong những tác phẩm của Malraux, của Camus qua dấn thân mà thoát ly được tình trạng phi lý của nhân sinh. Dấn thân cũng tạo cơ hội cho con người vượt lên khỏi mình, giúp con người tránh khỏi chủ nghĩa cá nhân vị kỷ. Dấn thân khiến con người tự khẳng định để từ đó hoàn tất được những điều hay đôi điều cao cả hơn tự thân. Dấn thân mang lại bình an cho lương tâm và đưa đến niềm vui của hy sinh.

Trong xã hội hiện đại, mỗi người có những quan hệ xã hội rất đa dạng, mỗi cá nhân là thành viên thuộc nhiều cộng đồng khác nhau, cho nên cương vị và vai trò xã hội tùy hoàn cảnh mà thay đổi. Vả lại bản thân xã hội cũng thường biến động cho nên thân phận của mỗi người lắm khi dường như không được qui định rõ ràng. Nhiều lúc con người có vẻ bị động, không chi phối được thân phận của mình, giống như Thúy Kiều: Biết thân mình biết phận mình ra sao? Nhưng chính trong những trường hợp đó con người mới phát huy được đặc quyền lựa chọn, mới vận dụng được khả năng quyết định trong tư thế vừa tự do vừa hữu trách.

*


Sau tháng Tư 1975, giới chuyên viên miền Nam đột ngột bị đặt trước một tình thế khó xử. Ðã được biết về chế độ cộng sản từ trước, họ tìm mọi cách đào thoát khi miền Nam sắp mất nhưng chỉ một thiểu số đạt được mục đích này. Ða số kẹt lại chấp nhận thân phận mới trong xã hội mới. Họ hy vọng tiếp tục thực hành chuyên môn nghiệp vụ của mình. Ngoại trừ các chuyên gia thuộc lĩnh vực khoa học nhân văn, khoa học xã hội là gặp khó khăn, do ý thức hệ thống trị mới hoàn toàn đối lập với ý thức hệ từng chi phối đường lối đào tạo họ. Nhưng giới chuyên viên khoa học ứng dụng, khoa học thực nghiệm không lâm vào hoàn cảnh này. Do được đào tạo vững vàng hơn đa số các đồng nghiệp miền Bắc hoặc từ Rờ về, do bị ràng buộc bởi nghĩa vụ luận chuyên môn; họ, sau khi chịu chung cộng nghiệp tù đày cải tạo, bắt buộc phải cộng tác với tân chế độ. Và hoàn cảnh khắc nghiệt bắt đầu chi phối thân phận họ. Họ không hề chấp nhận chế độ mệnh danh là xã hội chủ nghĩa, dẫu rằng vào khoảng những năm 1978, 1979, đã có một danh sách các trí thức miền Nam tuyên cáo – chẳng biết tuyên cáo với ai – là họ đã tự do lựa chọn chủ nghĩa xã hội! Họ chưa được đọc ông Trần Trung Ðạo trên talawas (!) nhưng họ biết quá rõ rằng nếu những người có học dốc lòng phục vụ chế độ thì chế độ chẳng còn mong gì hơn. Nhưng mặt khác, họ cũng biết rằng đồng bào cần họ, đúng ra, cần khả năng chuyên môn của họ. Giới bác sĩ mang rõ nhất tâm trạng này. Những cháu bé nhi đồng bị sốt xuất huyết, những người nông dân mắc bệnh lao phổi, những sinh viên cần được giảng dạy tập nghề v.v... tất cả đang chờ đợi họ. Nghĩa vụ luận người y sĩ quốc gia – qua lời thề Hippocrate – ràng buộc họ với thân chủ, với bệnh nhân. Chẳng những thế, họ còn muốn tỏ cho các đồng nghiệp miền Bắc thấy ai “ưu việt" hơn ai. Ít nhất “người ta" đã phải thừa nhận điều này. Chẳng thế mà trong một buổi học tập qui mô dành cho “trí thức tại chỗ" tổ chức ở rạp Rex và do đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Trần Trọng Tân phụ trách thuyết trình – trong buổi học tập này, mỗi tham dự viên được “bồi dưỡng" một cái bánh bao cao cấp do các tiệm Tàu Chợ Lớn sản xuất –, đồng chí đã mở đầu bằng cách xác nhận là ngụy cũng có mặt tốt của ngụy, như người thầy thuốc, người y tá của chính quyền cũ tuy không được “giáo dục theo đạo đức cách mạng" nhưng vẫn luôn luôn tỏ ra có tinh thần dốc lòng phục vụ bệnh nhân. Tinh thần đó chỉ đạo một cách tổng quát cung cách xử sự nghiệp vụ của người bác sĩ ngụy.

Nhưng thân tuy ở Tào mà lòng thì theo Hán nên đã có phong trào vượt biên vượt biển rầm rộ, bất chấp mọi hiểm nguy của giới chuyên gia khoa học miền Nam mà lý do rất đơn giản: họ không muốn vô hình trung góp phần củng cố chế độ mà họ không hề xây dựng nên. Trước hết, vì họ biết rằng chế độ cộng sản tuy độc tài toàn trị vào hạng nhất tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây nhưng lại cũng là một chế độ sứ quân cát cứ, vô chính phủ vô tiền khoáng hậu. Anh có thể được trọng dụng bởi cơ quan đang sử dụng anh nhưng có thể tối nay công an phường, công an thành sẽ mang AK đến dẫn anh đi học tập lại. Hoàn cảnh đó đã xảy ra cho một bác sĩ ở Cần Thơ hay Rạch Giá gì đó. Anh tên là Lê Văn Tập – tôi không nhớ chắc lắm tên họ của anh – chỉ biết là anh sau tôi năm bảy khóa. Anh đang làm việc với “cách mạng" thì bị bắt đưa ra tòa vì tội hát nhạc vàng hay nói năng phản động gì gì đó. Phiên tòa xử ở địa phương nhưng Sài Gòn được lệnh cử một số bác sĩ – tất nhiên là ngụy – xuống miền Tây tham dự, trong số đó tôi nhớ có bác sĩ Văn Tần, người Quảng Trị cùng quê tôi, làm việc ở bệnh viện Bình Dân. Anh Văn Tần sau đó được lệnh tường thuật phiên tòa cho anh chị em chúng tôi nghe ở trụ sở Hội Trí thức Yêu nước. Cho nên về tinh thần, chúng tôi sống trong bầu không khí nghi ngờ, theo dõi thường xuyên và luôn luôn chuẩn bị vô tù, như một nhà thơ miền Bắc:

Nhiều khi tôi tự nhủ mình
Phải phòng lúc bất thình lình bị tôm
Áo quần sắp sẵn sớm hôm
Ðể khi bị bắt là ôm đi liền!

Ðó là về tinh thần. Về vật chất thì sau đây là cảnh đi lãnh quà do thân nhân ở ngoại quốc gửi về dưới con mắt cú vọ của nhân viên thuế quan, bưu điện:

Ép ngực vểnh tai đợi gọi tên
Mồ hôi thấm áo, cổ vươn lên
Tới phiên còn phải ngồi chờ chán!
Khi lãnh ra rồi, chửa chắc yên!

Thi nhân miền Bắc chỉ dùng một dấu than, thi hào tài tử miền Nam dùng dấu than đến hai lần. Vị thi hào này đã từng giữ một “vai trò của người trí thức đầu đàn rất đáng kể", theo như lời nhận định của nhị vị Nguyễn Trọng Văn và Nguyễn Tường Minh trong bài viết nhan đề “Trí thức không-cộng sản", cập nhật ngày 14.11.2007 và đăng trên báo mạng Diễn Đàn Forum, mục Biên khảo (http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/tri-thuc-khong-congsan/). Thi hào không có bút hiệu, chỉ mang tên họ từ thuở khai sinh là Phạm Biểu Tâm, người trực tiếp đứng ra nhận Trường Y khoa Quốc gia do người Pháp trao lại, người mấy chục năm làm Khoa trưởng Trường Ðại học Y khoa Sài Gòn, người được y giới phe quốc gia chúng tôi xem là ngôi sao Bắc đẩu của ngành y.

Biết thân mình, biết phận mình, nhưng thực sự chúng tôi không biết vì sao chúng tôi lại phải sống cuộc đời như thế. Ðương nhiên không thiếu gì lời giải thích biện hộ.

*


Nguyễn Tường Minh vốn là con ông chú ruột của bà xã tôi. Bài viết vừa viện dẫn tuy mang danh tính hai người họ Nguyễn nhưng đọc đi đọc lại, chẳng hề thấy giọng Tường Minh đâu, chỉ thấy chất Trọng Văn. Trong gia đình, Tường Minh được “phân loại" là thân cộng thay vì không-cộng như bài viết của hai ông họ Nguyễn. Và trọn cả đại gia đình bên vợ tôi chỉ có một mình Tường Minh là "tiến bộ" mà thôi.

Ông Nguyễn Trọng Văn (tlđd) cho rằng “các Giáo sư Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Phạm Hoàng Hộ, Lê Văn Thới, Phạm Biểu Tâm... trở thành những tấm gương sáng trong học tập, giảng dậy cũng như trong cách đối nhân xử thế thời ‘thực dân kiểu mới’ đáng cho những thế hệ sinh viên noi theo." Thời gian ông Văn đề cập là trước 1975. Cách “đối nhân xử thế" của thầy Phạm Biểu Tâm thời Mỹ-Ngụy như thế nào, thiết tưởng ông Văn nên dành cho chúng tôi, các môn sinh được Thầy trực tiếp truyền nghề, mô tả thì có lẽ hợp lý và chính xác hơn. Nhưng điều đó cũng chẳng có gì đáng kỳ kèo. Kỳ đời hơn là làm gương cho sinh viên noi theo dưới thời “thực dân kiểu mới" xong, trong số năm vị giáo sư được ông Văn đơn cử, có ba vị đã... ra nước ngoài sau giai đoạn “thực dân kiểu mới": Nguyễn Văn Trung ở Canada, Phạm Hoàng Hộ và Phạm Biểu Tâm ở Hoa Kỳ.

Thầy Tâm sau 1975 trở nên thân thiết với người viết bài này. Ðiều này dễ hiểu vì thầy trò đều đồng loạt trở thành hàng thần lơ láo. Hơn nữa, thầy còn cắp sách đi học tiếng Nga tại Hội Trí thức Yêu nước cùng với tôi và anh bạn Võ Thành Phụng ở khu chỉnh hình Bệnh viện Bình dân. Lớp học chỉ có năm trò, bên cạnh ba thầy trò chúng tôi còn có hai vị có lẽ đáp ứng tiêu chuẩn “trí thức không-cộng sản": anh bạn Chu Phạm Ngọc Sơn và chị Bùi Thị Lạng, cả hai đều thuộc Trường Ðại học Khoa học Sài Gòn. Anh Chu Phạm Ngọc Sơn là "thành phần tiến bộ" giống Nguyễn Tường Minh, còn chị Bùi Thị Lạng thì nghe nói là con gái liệt sĩ. Chúng tôi biết thầy Tâm đi học chẳng qua để cho vui, anh Võ Thành Phụng hy vọng được gửi sang tu nghiệp Liên Xô – độ đó chỉ có Liên Xô là nhất – còn tôi thì cả thầy Tâm lẫn anh Phụng đều không hiểu tôi học Nga ngữ để làm gì. Không có gì giấu giếm nhau nên tôi nói thực là tôi học tiếng Nga để tung hỏa mù vì tôi đã lập thủ tục xin xuất ngoại chính thức nạp cho công an mà cơ quan chủ quản không hề biết gì ráo trọi, nên tôi đi học Nga ngữ để mà mắt “phe ta". Với lại, biết đâu một khi ra nước ngoài lại chẳng cần thêm một ngoại ngữ. Thầy Tâm được cử tham gia một phái đoàn đi tham quan Liên Xô. Về nước, Thầy phải lên tivi. Thầy gãi đầu gãi tai tường thuật rằng sang thiên đường cộng sản, Thầy mới được mục kích cảnh bệnh nhân ốm đau có bác sĩ đến tận nhà chăm sóc. Chúng tôi thông cảm với vị thầy nhân hậu khả kính, suốt đời không thèm đếm xỉa đến chính trị! Nhưng tuy coi khinh chính trị mà tập thể nhân viên giảng huấn Trường Ðại học Y khoa Sài Gòn – chỉ kể những vị đã được phong học hàm Giáo sư vào thời điểm 1975 – đều đã di tản, di cư, vượt biên, đoàn tụ. Một vị giáo sư duy nhất còn ở lại cho đến mãn phần: Giáo sư Ngô Gia Hy. Người ta đồn đại vị giáo sư này có họ hàng với lãnh tụ cộng sản Ngô Gia Tự. Riêng khóa tôi – không kể những người từ trần – thì trong số chín mươi bảy bác sĩ tốt nghiệp, hiện có ít nhất bảy mươi bốn đồng nghiệp đang sinh sống ở nước ngoài và tối đa hai mươi ba người còn ở lại Việt Nam.

Thuộc đội ngũ chuyên viên y tế do miền Nam đào tạo có một vài người không muốn hoặc không dám ra đi. Anh bạn đồng khóa Lê Hữu Thuận ở Mỹ Tho bảo tôi “Mieux souffrir que mourir" (Thà đau khổ còn hơn chết chóc.) Bạn Thuận không có cơ may đi đường chính thức. Bạn giống tôi, chúng tôi đều là trí thức một N, N thứ ba. Công thức thần sầu quỉ khốc này do chính ông Nguyễn Trọng Văn đưa ra. Ông Văn cho rằng trí thức ở lại không đi là trí thức ba N (Ngu, Nghèo và Nhát). Không đi được hoặc chưa đi được, chúng tôi chỉ biết làm tròn bổn phận đối với thân chủ, đối với bệnh nhân, đối với học trò, đối với sinh viên. Tuyệt nhiên không một người nào lên tiếng đề cao chế độ hoặc dẫn lời lãnh tụ. Anh bạn Nguyễn Công Tỷ cùng khóa với tôi còn trở thành chuyên viên Ðông y được cử sang giảng dạy về y học cổ truyền tại nước bạn Algérie. Năm 2000, trong khuôn khổ Ðại hội Quốc tế Y Nha Dược sĩ Kỳ 3 tổ chức ở Paris tại khách sạn Sophitel, khóa chúng tôi gặp nhau tại tư gia một nữ đồng nghiệp ở ngoại ô kinh đô ánh sáng. Chúng tôi nhắc đến bạn Nguyễn Công Tỷ mà cùng nhau cười muốn bể bụng vì ai cũng biết bạn khi đi học cũng như khi ra trường đâu có rành Ðông y!

Bên cạnh những bác sĩ tạm chấp nhận sống trong chế độ mới, một số bác sĩ khác trở thành tân tòng: Trương Thìn, Ðỗ Hồng Ngọc, Trần Ðông A, Trần Thành Trai, Nguyễn thị Ngọc Phượng. Chúng tôi có dịp gặp nhau ở nước ngoài vẫn vui vẻ như ngày nào, không có gì cần hòa hợp hòa giải. Tôi còn gửi bảo đảm qua bưu điện cả Tập san Y sĩ của nhóm anh chị em bên Canada – có in hình cờ vàng ba sọc đỏ ngay trên trang bìa – về Sài Gòn biếu bạn Ðỗ Hồng Ngọc vì tôi vốn thân với anh Ngọc, mặc dầu tôi đã từng xin anh cho xem thẻ Đảng của anh, coi hình thù nó ra sao.

Thật ra giới y dược do phe xã hội chủ nghĩa đào tạo cũng có một số người chẳng ưa gì chế độ. Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp – chúng tôi thường thân ái gọi là anh Chín Nghiệp – kể với tôi rằng Giáo sư Hồ Ðắc Di, từng giữ chức Khoa trưởng Trường Ðại học Y khoa Hà Nội, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, có hôm nằm võng vừa đu đưa vừa chỉ vào một buồng chuối chín treo lủng lẳng trong căn nhà sơ tán rồi bảo: “Je n’aime que ce régime!". Trong tiếng Pháp, régime vừa có nghĩa buồng chuối vừa có nghĩa chế độ. Khi bảo tôi chỉ ưa cái régime này – chỉ buồng chuối – thì người nghe hiểu ngay là người nói không ưa cái régime kia, tức chế độ cộng sản. Còn anh bạn Tiến sĩ Dược học Ðỗ Tất Lợi thi kể cho tôi nghe lời truyền tụng của các bác sĩ dược sĩ miền Bắc: “Lương y thì bỏ mẹ", dựa vào lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu". Chỉ có điều khác biệt là lương y lại còn có nghĩa là lương tháng y nguyên, không tăng!

*


Những năm tháng kẹt lại với chế độ mới, anh em chúng tôi một mặt cố gắng làm tròn chức phận; mặt khác, sẵn sàng giở thủ đoạn, xài mánh khóe, dùng tiểu xảo, mượn khôn vặt để sinh tồn trong hy vọng. Tôi ra trường năm 1962. Nói chung, nếu từ 1962 đến 1975 tôi đã sống những năm tháng sung sướng hạnh phúc thì từ 1978 đến 1984, tôi đã sống những tháng năm hào hứng thích thú. Ðối với “cách mạng", tôi biết là mình chỉ như cô Kiều, xét mình công ít tội nhiều.

Nhiều khi tôi đã ngậm ngùi nghĩ đến tiền nhân cuối Lê đầu Nguyễn, Tây Sơn. Sĩ phu thuở bấy giờ đã hơn một người lâm vào cảnh gặp thời thế thế thời phải thế. Tôi đã nghĩ đến Nguyễn Nễ, Nguyễn Hành, Nguyễn Du; để chỉ kể mấy người họ hàng gần gụi với thi bá. Họ đã xử sự như thế nào trước vận nước đảo điên? Tại sao Nguyễn Du làm quan được cử đến Chánh sứ mà khi lâm chung chỉ bảo có một tiếng “được" rồi vĩnh viễn nhắm mắt? Thân và phận trí thức chuyên gia Việt Nam thời “đương đại" đương nhiên còn lao đao khốn khó, tiến thoái lưỡng nan, nghịch lý khác thường, song quan thác tạp hơn thời Lê-Trịnh-Nguyễn.

Westpreußenstr., 06.10.08

© 2008 talawas