© www.talawas.org     |     về trang chính
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngĐại hội X và cải cách chính trị tại Việt Nam
Loạt bài: Tranh luận về chủ nghÄ©a Marx
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89 
16.3.2006
T. Phan
Liều thuốc đắng cùng ngọn roi gửi lại Đông La để chia cho Trần Thiên Ý
 
(Bình luận bài “Liều thuốc đắng cùng ngọn roi Đông La” của Trần Thiên Ý, talawas 11-3-2006. Những đoạn trích từ bài nói trên được in nghiêng và kí hiệu bằng 1a, 1b, 1c… cho đến 1g. Phần bình luận của người viết được kí hiệu bằng 2a, 2c, 2c… cho đến 2g.)


1a. talawas trong thời gian gần đây đã chọn đăng hàng loạt bài viết tranh luận trên nhiều lĩnh vực, có lẽ cũng là mong tìm câu trả lời cho vấn đề nhức nhối nhất của dân tộc: làm cách nào cho dân ta thực sự làm chủ nước ta, làm thế nào dân chủ hoá hệ thống chính trị Việt Nam nhanh nhất, có kết quả nhất. Đó là những cố gắng hết sức đáng trân trọng. Nhưng có lẽ phải thẳng thắn dám nhìn nhận một sự thật là tác động tích cực của chúng còn rất hạn chế, thậm chí còn phản tác dụng. Các bài viết của Đông La chính là kết quả của sự phản tác dụng ấy.

2a. talawas là một diễn đàn cố gắng giữ được thái độ khách quan cần thiết cho mọi ý kiến khác nhau phát biểu chứ không phải là cơ quan nghiên cứu của Đảng cần phải có kết luận để đúc kết thành báo cáo chính trị! Đối với tinh thần tranh luận cởi mở và nghiêm chỉnh đó, sự xuất hiện của Đông La trên talawas quả là “phản tác dụng” theo cái nghĩa rất tệ hại cho những người biên tập lẫn độc giả: những tranh cãi gay gắt từ trước tới nay không thiếu gì trên talawas nhưng không có cuộc nào chấm dứt bằng thẻ đỏ của BBT như trường hợp của Đông La.


*


1b. Chủ nghĩa Mácxít-Lêninnít cùng với hàng loạt chủ nghĩa biến tướng hay lợi dụng chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội khác đã bị nhân loại dứt khoát vứt bỏ… Chủ nghĩa Mác cũng đã được những học giả lừng danh nhất trên toàn thế giới phê phán một cách khách quan, đầy sức thuyết phục và đầy đủ đến nơi đến chốn từ phương pháp luận, cơ sở khoa học, tính khách quan độ tin cậy trong lập luận, cho đến ngôn từ v.v., dưới góc độ một chủ thuyết ý thức hệ lẫn dưới góc độ một công trình khoa học. Tất cả những gì còn lại của chủ nghĩa Mác ngày nay trước hết là tình thương yêu bao la của ông dành cho người cùng khổ - động lực khiến ông viết cuốn Tư bản luận - đó cũng là lý do khiến rất nhiều người vẫn trân trọng Mác và chúng ta cũng nên như vậy. Ngoài ra, những mô tả tài tình của Mác về cơ chế hoạt động sản sinh giá trị thặng dư của chế độ tư bản thời ông sống vẫn làm sửng sốt các nhà nghiên cứu hiện đại. Loài người sẽ không bao giờ quên chủ nghĩa Mác vì những hậu quả khủng khiếp (ngoài ý muốn của Mác) mà nó gây ra cho họ. Loài người cũng sẽ còn nghiên cứu nó trong tương lai để có thể hiểu cơ chế gây ra thảm hoạ từ một ý tưởng tốt là gì để phòng tránh. Chỉ giản dị có vậy thôi!

Trong thời đại truyền thông Internet, toàn cầu hoá ngày nay, ai ai cũng thể đọc trên Internet, tự mình đi tới và trải nghiệm trong các xã hội văn minh dân sự để tin vào những kết luận trên một cách tâm phục khẩu phục. Gán cho chủ nghĩa Mác là nguyên nhân của mọi sai lầm như ở ta hiện nay, tranh cãi về những vấn đề đã từ lâu không còn là vấn đề của nó, quả thực rất vô tích sự và có lẽ không ngoài chủ đích tiếp tục lợi dụng Mác.

2b. Chủ nghĩa Marx ở Việt Nam chỉ có vậy thôi sao! Đảng Cộng sản Việt Nam đã vất bỏ chủ nghĩa Marx rồi sao? Thế cái gọi là chủ nghĩa “Mác-Lênin” là gì ở Việt Nam với những viện nghiên cứu, những cơ quan chính thức cùng những đám tuỳ tùng đi theo? Không lẽ Trần Thiên Ý không biết nước nào trên thế giới hiện nay vẫn còn đưa chủ nghĩa Marx-Lenin vào hiến pháp, buộc toàn dân phải thần phục như một thứ tôn giáo? Và cũng không biết ai đã nhân danh vận dụng chủ nghĩa Marx rồi tạo ra không biết bao chủ trương làm cho dân tình khốn khổ, đất nước lụn bại suốt cả nửa thế kỷ đã qua? Trần Thiên Ý đã hiểu về lịch sử Việt Nam như thế nào mà không biết những người lợi dụng chủ nghĩa Marx gây bao tàn tệ cho đất nước chính là Đảng Cộng sản Việt Nam? Trong hoàn cảnh ấy giả sử như có ai đó gán cho Marx mọi nguyên nhân sai lầm thì cũng do chính những kẻ lợi dụng Marx đã tạo ra chứ không phải là người nào khác. Những hệ luỵ về ý thức hệ ấy ngày nay đã hết đâu: Dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam cho Đại hội X vẫn chưa chịu từ bỏ mưu toan sử dụng chủ nghĩa Marx để cộng với Lenin thành chủ nghĩa “Mác-Lênin” như cái vòng kim cô tròng lên đầu dân tộc, Trần Thiên Ý cũng không biết sao?


*


1c. Thế nhưng không chỉ Đảng Cộng sản mà cả các nhà „dân chủ đối lập“ Việt Nam hình như vẫn cố tình dùng chủ nghĩa Mác như một chiêu bài. Dường như đối với bên này, bảo vệ được chủ nghĩa Mác là bảo vệ được tính chính danh của quyền lực đang có; đối với bên kia, đập nát nó cũng đồng nghĩa với giành được quyền lực. Cuộc tranh luận gay gắt giữa Đông La và Lữ Phương thực chất không phải là „cuộc chạm trán gay gắt giữa hai thế lực văn hoá - chính trị tiêu biểu ở nội địa đã âm thầm diễn ra từ lâu“ (Nguyễn Hoà Mai), bởi theo tôi, Đông La không phải là một chiến sĩ của Đảng, một đại diện của thế lực văn hoá chính trị bảo thủ. Anh cũng không phải là một đồng chí của Lữ Phương, của các nhà dân chủ đối lập hay „phong trào dân chủ Việt Nam“. Có lẽ Đông La chỉ giản dị là một nhà phê bình thấy lý luận cùn chẳng tha, thấy phách lối thì ghét, thấy ai cũng im lặng theo đuôi thì tức, thấy tai hại thì chửi vậy thôi.

2c. Không phải là chiến sĩ của Đảng sao Đông La lại nhân danh một thứ chủ nghĩa Marx hết sức vớ vẩn để bốc Đảng lên tận mây xanh? Những gì Đông La nói về cái tình yêu bao la mà “Các Mác” rọi sáng từng bước chân cái chế độ đó không đủ chứng minh cho cái trình độ thấp kém đi đôi với thái độ xu phụ rẻ tiền của mình sao? Còn tệ hại hơn nữa: trong khi nâng bi chế độ như vậy thì lại cũng không giấu diếm ý dịnh khuyến khích cái chế độ mà mình ủng hộ đó cứ việc bỏ tù và trấn áp những kẻ gọi là “chống đối”, dù những kẻ chống đối chỉ mắc một cái tội do Đông La kết cho là cái tội “phê phán vĩ nhân”! Nói những kẻ bị vùi dập đến “khốn khổ” vì “phê phán vĩ nhân” ấy là lý sự cùn, phách lối, theo đuôi…, là nói một điều đảo lộn nhân tình thật là liều lĩnh. Những kẻ từng bị vùi dập đến khốn khổ đó thì phách lối với ai hay đó chỉ là sự ngẩng mặt lên mà thách thức với bạo quyền? Bôi nhọ và chấp nhận kết tội những người như vậy, quan điểm của Đông La đâu phải là quan điểm của người phê bình vô tư như Trần Thiên Ý đã viết mà chính là thái độ đồng loã, bao che, theo đuôi một bộ máy cầm quyền đang làm công việc thống trị nhân dân nhưng lại đem một thứ học thuyết cao xa ra biện hộ bằng những thứ lý lẽ ngang ngược, mị dân, huênh hoang, chai sạn!


*


1d. Trái với truyền thống đấu tranh dân chủ hoá ở các nước Đông Âu cũ, Hàn Quốc, Thái Lan, thậm chí là ở Trung Quốc, những người khơi mào và hạt nhân „phong trào dân chủ Việt Nam“ (chữ của Hoàng Minh Chính) như Trần Độ, Bùi Tín, Hoàng Minh Chính, Lữ Phương, Đặng Quốc Bảo, Trần Khuê v.v. đều chỉ trở thành „nhà bất đồng chính kiến“ khi đã về hưu, bị thất sủng, hay không còn nắm giữ quyền lực trong Đảng và nhà nước nữa. Tất nhiên điều này cũng không nói lên được gì, bởi con người ai mà chẳng có thể phải mất một thời gian rất lâu mới nhận ra sai lầm, ngộ được chân lý. Nhưng tôi chưa một lần thấy ai trong số các vị ấy tỏ ra ăn năn, hối hận - hay thậm chí chỉ là một lời tự phê mình - đối với nhận thức sai lầm, đối với quá khứ hoạt động trong hàng ngũ Đảng Cộng sản của mình. Dường như khi là đảng viên họ là đảng viên tốt - đối lập với phần đảng viên còn lại của Đảng bị tiêm nhiễm cái chủ nghĩa mà họ phê phán khi đã ra khỏi Đảng - khi còn là các ông quan cách mạng họ cũng là những ông quan thanh liêm thương dân, chứ không là các ông quan tham nhũng, lạm quyền của cái chế độ mà họ đang phê phán sau khi hết chức mất quyền? Dường như, đối với các „nhà chống đối“ là cựu cán bộ Đảng Cộng sản thì „cả đời đục cả chỉ mình ta trong“. Tất nhiên, công khai thừa nhận sai lầm một cách trực tiếp là rất khó. Nó đòi hỏi cái Tâm thật sáng, niềm tin và cả sự dũng cảm. Nhưng, dù chỉ là một dấu hiệu gián tiếp cho sự ân hận rất cần thiết để thu phục lòng người của các vị ấy ta cũng không thể tìm thấy. Giá như họ có một đôi dòng đòi chính quyền cũng phải có chính sách xã hội giúp đỡ các thương bệnh binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà bình đẳng như đối với thương bệnh binh cách mạng; có vài dòng về việc lập lại nghĩa trang quân đội cho tử sĩ của quân đội Sài Gòn… thì có lẽ sự hoài nghi cái Tâm của các vị ấy cũng giảm đi rất nhiều. Có ai lớn tiếng đòi công bằng cho bá tánh lại không dám sòng phẳng với bản thân không?

Khởi đầu chỉ là những ý kiến đóng góp - dù là khác với quan điểm chính thống - nhằm giúp Đảng nắm quyền chặt hơn, lâu hơn, chúng trở thành quan điểm có tính chống đối sau khi Đảng không biết trân trọng tiếp thu. Thế nhưng phương pháp và „công nghệ“ tư duy - lý luận từ ý kiến chuyển thành quan điểm chống đối của họ cũng chỉ là phương pháp tư duy - lý luận của Đảng Cộng sản. Vẫn là dùng ý chí thay cho lập luận, trừu tượng hoá để giấu lỗ hổng tri thức, lấy mỹ từ thay cho tư duy logic, vẫn chỉ có ta mới là chân lý (có thể xem các phân tích của Đông La như ví dụ cụ thể). Dường như chỉ cần thay vài danh từ như: „chủ nghĩa xã hội“ bằng „dân chủ-đa nguyên“, „chuyên chính vô sản“ bằng „nhà nước pháp quyền“ v.v. trong hệ thống lý luận của Đảng Cộng sản là đã có ngay „quan điểm chống đối“ của những cán bộ cách mạng không còn được Đảng trọng dụng.

Cái cách thức gây dựng phong trào dân chủ của họ cũng thấm đượm tinh thần cộng sản. Có lẽ chúng ta đều biết ở Việt Nam hiện chỉ có một nhóm vài người cựu quan chức cộng sản bất đồng chính kiến, trong đó có các ông Hoàng Minh Chính, Lữ Phương, Trần Độ (đã mất), Trần Khuê...; một nhóm các nhà khoa học có „tư tưởng chống đối“ với các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang, Nguyễn Kiên Giang, Mai Thái Lĩnh v.v.; và một số trí thức trẻ như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn… Các nhóm này mặc dù có liên hệ với nhau, nhưng chưa liên kết phối hợp hoạt động. Đặc biệt, hoạt động đòi tự do tôn giáo của Phật giáo, Phật giáo Hoà Hảo, Công giáo, về nguyên tắc và do sự tế nhị trong chính trị - ngoại giao quốc tế hiện tại không thể liên kết với các phong trào chống đối khác. Vậy mà, ông Hoàng Minh Chính đã tuyên bố tại đại học Harvard thế này: „Sự liên kết các tiếng nói đòi tự do dân chủ, tự do tôn giáo, đang thành một phong trào, một mặt trận thống nhất toàn quốc cho Dân Chủ Hoá đất nước. Phong trào dân chủ Việt Nam với người đại diện là giáo sư Trần Khuê đang nỗ lực liên kết các lực lượng dân chủ trong nước và phối hợp với phong trào dân chủ hải ngoại với người đại diện là bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi thành một Phong trào Dân chủ Việt Nam Thống nhất.“ Ai ở hải ngoại chắc chắn không thể không biết ở đó có hàng trăm tổ chức hoạt động đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Nhưng họ chưa và có lẽ cũng không cần thiết liên kết để thành „phong trào dân chủ hải ngoại“. Đảng Cộng sản Việt Nam là bậc thầy tạo dựng thần tượng, thần thánh hoá lãnh tụ. Ông Trần Khuê trước khi nghỉ việc phục vụ Đảng và quân đội để trở thành nhà bất đồng chính kiến vốn là sĩ quan cấp tá quân đội cụ Hồ, chuyên nghiên cứu lịch sử cách mạng. Từ khi ông Hoàng Minh Chính đặt chân đến đại học Harvard danh tiếng, ông Khuê bỗng trở thành Giáo sư Trần Khuê. Năm ngoái tôi được đọc bài viết của ông Giang (tôi quên không nhớ là Thanh Giang hay Kiên Giang) ca tụng Hà Sĩ Phu là người có tướng lãnh tụ vì có tướng ngũ đoản. Dường như „Phong trào dân chủ Việt Nam“ cũng đang bắt đầu quá trình thần thánh hoá lãnh tụ? Vốn là cán bộ cao cấp, có chức có quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà bất đồng chính kiến như Hoàng Minh Chính, Lữ Phương… bị hoài nghi về chữ Tâm của họ là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy vậy, các dấu hiệu về sự hối hận, về phương pháp luận, về sự thành thật được trình bày rất vắn tắt ở trên cho thấy chữ Tâm của họ chưa đủ sáng để ta nhìn rõ niềm tin của họ vào dân chủ. Ngược lại, tấm gương của các vị ấy cùng với các ý kiến mới đây của ông Võ Văn Kiệt, Nguyễn Trung làm ta có thể tin chắc rằng rất nhiều quan chức đương quyền hiểu rất rõ sự phi lý, bất công của chế độ. Họ chỉ chờ đến khi về hưu để được nói ra điều đó.

2d. Nhập cục tất cả một số người được kể tên (danh sách của Đông La kể ra lần trước nay đã được thêm bớt để bổ sung) vào cái bao tải gọi là “chống đối”, rồi gán cho họ một số tính chất chung nào đó chẳng hay ho gì lắm, nhưng lại cố ý không đếm xỉa gì đến cái lý do cực kỳ quan trọng làm nẩy sinh bất bình dẫn đến chống đối là cái đường lối và những chính sách sai lầm do Đảng Cộng sản nhân danh chủ nghĩa Marx-Lenin tạo ra, đó chính là cái mánh khoé mà Đông La và bây giờ Trần Thiên Ý đã sử dụng để xoá trách nhiệm cho Đảng Cộng sản về những sai lầm gây ra phản kháng, chống đối triền miên từ khi Đảng nắm được quyền lực nhà nước. Với tính chất của một đảng cộng sản cầm quyền (do mâu thuẫn không thể khắc phục được giữa lời nói và việc làm, giữa lý luận và thực tế) thì sự phản kháng ấy đã mang ý nghĩa cơ cấu, được nuôi dưỡng trong bàn thân nó như một tiềm năng âm ỉ, chỉ chờ dịp là bộc lộ dưới mọi hình thức, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ trí thức là những người rất nhậy cảm với bất công áp bức.

Cũng giống như một số nước khác, Việt Nam đã có hiện tượng bất đồng chính kiến diễn ra không ngớt (Nhân văn-Giai phẩm vào những năm 1955-1958, chống chủ nghĩa Mao 1979, tiếu lâm đen trước 1986), cuối cùng đến phong trào văn nghệ phản kháng bắt đầu 1986 kéo dài cho đến nay mà nội dung ngày càng cao, càng mạnh. Tuy nhiên nếu cái môi trường ấy đã thường trực tạo ra những nhân vật gọi là bất đồng chính kiến thì không tất yếu (nhiều nước cộng sản khác cũng vậy) từ đó hình thành nên được những phong trào dân chủ có tổ chức. Phong trào ấy vẫn cố hình thành trong một số thời điểm nào đó, như vào những năm 1987-1989 với nhóm của Nguyễn Hộ ở Sài Gòn và gần đây với sự nỗ lực tập hợp của Hoàng Minh Chính, nhưng tất cả đều chưa có điều kiện để phát triển được. Sự so le giữa số đông những người bất đồng chính kiến với việc hình thành nên lực lượng dân chủ có tổ chức vẫn là vấn đề lớn trong cuộc đấu tranh để chuyển hoá Việt Nam từ chế độ toàn trị cộng sản cuối mùa sang chế độ dân chủ hiến định.

Tính chất ấu trĩ, kiến thức hời hợt, thái độ duy ý chí, hành động bốc đồng, bè phái… của một số người tham gia phong trào này là không thể chối cãi (nhiều nhân vật trong cuộc cũng đã nhận ra) nhưng cho rằng những kẻ ấy chỉ biết chống đối để lấy tiếng hay để chứng tỏ mình hơn người lại là sự bôi bác quá thô bạo, dễ dãi. Nhất là khi lại cố tình tập trung vào một số nhân vật nào đó với những sơ hở lộ liễu nhất để chỉ trích rồi khái quát lên, cho đó là yếu tính của xu thế phản kháng, phê phán nói chung. Với thái độ ấy, Trần Thiên Ý đã theo vết của Đông La khi bộc lộ ý định rất rõ rệt của mình là không phải chỉ muốn chặn đứng phong trào dân chủ đang chập chững hình thành mà còn muốn phủ định toàn bộ các xu hướng bất đồng chính kiến đã xuất hiện ở Việt Nam dưới chế độ cộng sản để chống lại những hậu quả của một đường lối sai lầm mà chế độ này gây ra cho người dân suốt bao nhiêu năm qua.

Cho rằng chỉ có những kẻ về hưu thất sủng mới chống đối chính là một thủ đoạn phủ nhận như vậy. Thoát khỏi guồng máy quyền lực để có điều kiện suy nghĩ và phê phán lại mọi thứ một cách ngọn nguồn là điều có thật, nhưng không phải tất cả đều như vậy: Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Kiến Giang, Đặng Quốc Bảo, Lê Hồng Hà, Phan Đình Diệu, Lữ Phương, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… và sau này là những Nguyễn Vũ Bình v.v… đã là những người đã lên tiếng phê phán chế độ (dưới nhiều hình thức) ngay khi họ còn làm việc trong guồng máy của Đảng.

Bỏ qua những sự kiện hiển nhiên ấy chỉ nói đến chuyện thất sủng và về hưu là nhắm mắt để nói bừa. Vả lại đâu nhất thiết cứ về hưu là chống đối, mà tại đã sao đã về hưu rồi lại phải chống đối? Cứ cái kiểu ăn nói như vậy thì sự bôi bác sẽ không biết dừng lại ở đâu, kể cả việc đem cái lý sự mị dân quá đỗi rẻ tiền về “cái Tâm” ra để chất vấn tại sao những người chống đối ấy không lên tiếng “đòi chính quyền cũng phải có chính sách xã hội giúp đỡ các thương bệnh binh của quân đội Việt Nam Cộng Hoà bình đẳng như đối với thương bệnh binh cách mạng; có vài dòng về việc lập lại nghĩa trang quân đội cho tử sĩ của quân đội Sài Gòn…”! Muốn hạ uy tín của ngưởi khác thì nói gì cũng được sao?


*


1e. Tôi có quen một trí thức uyên bác ở Hà Nội. Ông vốn được đào tạo rất bài bản về triết học, kinh tế học tại Paris. Vài năm trước, khi chính thức được đề nghị công khai luận chiến với Hà Sĩ Phu trên báo chí Việt Nam ông đã từ chối với lý do „người ta có thể dễ dàng chỉ ra sự mâu thuẫn, vô lý và hời hợt trong mỗi trang viết của Hà Sĩ Phu. Nhưng làm điều đó không có lợi mà chỉ có hại“. Ông Hà Sĩ Phu trở thành nhà lý luận nổi tiếng với những bài tiểu luận gây xôn xao dư luận những năm 1988-1995 và được coi là nhà tư tưởng của „phong trào dân chủ Việt Nam“. Những phát hiện của Hà Sĩ Phu về mâu thuẫn và sự vô lý của chủ nghĩa Mác, là những điều ai ai cũng biết ở nước ngoài và nhiều người biết ở Việt Nam. Dũng khí phổ biến điều ai cũng biết mà không dám lên tiếng thật đáng khâm phục. Nhưng dũng khí không thể là trí tuệ, nhất là thứ trí tuệ đỉnh cao cho mọi người dắt tay nhau đi theo. Dũng khí cũng không phải là chuẩn mực cho phép người hùng có quyền đánh giá tầm văn hoá cao thấp của dân tộc. Ông Hà Sĩ Phu kêu gọi xây dựng: „Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội dân chủ“. Sự thật, kinh tế thị trường là một nền kinh tế được định hướng bởi quan hệ cung - cầu tức là chỉ và chỉ được định hướng theo thị trường mà thôi. Thị trường vừa là động lực vừa là cơ chế hiệu chỉnh vừa là đích hướng đến của nền kinh tế thị trường. Khi bị định hướng theo một cái gì đó không phải thị trường thì cái nền kinh tế ấy không còn là kinh tế thị trường nữa. Khi ca tụng Mai Thái Lĩnh trong nhóm của mình, Hà Sĩ Phu nói Mai Thái Lĩnh đã đề nghị một định nghĩa đúng đắn, hợp lý hơn về nhà nước: „Nhà nước là quyền lực công cộng, là nhà nước của toàn dân“. Không phải cứ cái gì đối lập với cái sai đều đương nhiên là đúng. Nhà nước là một đối tượng được nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng trên thế giới. Định nghĩa về nhà nước cũng được giới học giả quốc tế nhất trí từ lâu rồi. Tất nhiên nó khác với quan niệm của Mác và hoàn toàn khác hẳn với định nghĩa của Mai Thái Lĩnh về mọi mặt. Trước hết, xét về hình thức, định nghĩa của Mai Thái Lĩnh không phải là một định nghĩa. Vì định nghĩa một danh từ không thể lấy chính nó để giải nghĩa kiểu „nhà nước là… nhà nước của toàn dân“. Nhà nước cũng không thể là quyền lực. Quyền lực chỉ là một trong những đặc trưng của nhà nước. Quyền lực nhà nước không phải chỉ đơn giản là quyền lực công cộng. Thuộc về công cộng chỉ là một trong những tính chất đặc trưng của quyền lực nhà nước. Theo cái cách của Mai Thái Lĩnh và Hà Sĩ Phu ta có thể định nghĩa thế nào là một cái ô tô như sau: Ô tô là phương tiện giao thông công cộng, là ô tô của chung! Có lẽ tưởng rằng hễ cứ chỉ ra được những sai lầm của Mác thì mình là chân lý, là vĩ đại trong mọi lĩnh vực, nên ông Hà Sĩ Phu đã rất hồn nhiên phán trong rất nhiều lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức tối thiểu tử tế.

Đọc phần thư mục nghèo nàn mà tác giả Mai Thái Lĩnh, một nhà tư tưởng khác của „Phong trào dân chủ Việt Nam“, dùng viết cuốn Huyền thoại về một nhà nước tự tiêu vong - cuốn sách được Hà Sĩ Phu ca tụng hết lời - tôi thấy tủi vì ranh giới giữa trí thức và nông dân ở ta mong manh quá. Bác nông dân cũng được khen ngợi hết lời vì sản xuất ra máy bay trực thăng đó thôi. Người ta có thể chỉ ra hằng hà sa số sự yếu kém, non nớt, vô lý trong lập luận của các nhà tư tưởng chống đối, mà Đông La cũng chỉ nêu lên phần nào. Chính sự nghèo nàn về kiến thức, yếu kém trong lập luận, đồng thời vẫn sử dụng phương pháp luận không khác gì phương pháp luận của Đảng Cộng sản tự coi mình là chân lý, lấy ý chí thay lập luận thuyết phục, các nhà tư tưởng đối lập đã khiến người ta không tin vào cái Trí của họ. Chưa đủ kiến thức để Tri, chưa có đức khiêm để Trí, thử hỏi làm sao thuyết phục được mọi người tin theo? Dường như các bài viết của họ chỉ là để chứng tỏ mình giỏi hơn người chứ không phải là để bảo vệ niềm tin vào lẽ phải của họ?

2e. Trích dẫn một vài câu có thể thảo luận của một vài người trong số những người được nêu tên, để bắt bẻ nhăng nhít (bộc lộ rõ nhất trong những đoạn Đông La nói về đấu tranh giai cấp, bạo lực trong bài viết về “Các Mác”), từ đó đặt vấn đề nghi ngờ cái gọi là “Trí” của cả một xu hướng chống đối, đó cũng là một thủ đoạn không mấy lương thiện mà Đông La đã làm, được Trần Thiên Ý hùa theo. Tất cả những gì mà ngày nay người ta đọc được một cách phổ biến và tương đối dễ dàng đều đã khởi đầu trong những ngày đáng nhớ ở Việt Nam trong những năm 1986 của thế kỷ trước với cái không khí cởi mở từ trên dội xuống chưa từng có trong đời sống trí tuệ của đất nước: khắp nơi đều có hiện tượng chuyền tay nhau đọc những bài viết, bài nói công khai cũng như không công khai của rất nhiều tác giả mà chữ nghĩa của họ bấy giờ chỉ nhen nhúm lại cái hy vọng đã bị tắt ngấm từ lâu về khả năng của một đổi thay nào đó có thể làm cho con người có được một đời sống dễ thở hơn.

Hàng loạt những tác giả với những tác phẩm nhiều thể loại khác nhau đã ra đời trong xu thế phê phán đó, trong đó có những bài tiểu luận hoặc bài nói đặc biệt tập trung bàn về chủ nghĩa Marx mà một số tác giả đã được Trần Thiên Ý kể ra… hoàn toàn chẳng nhằm mục đích chống đối ai hay chơi trội với ai mà chỉ nương theo phong trào bấy giờ để đặt vấn để cần phải từ bỏ bệnh giáo điều để đổi mới và dân chủ hoá đất nước. Nhưng xu hướng này, sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã bị ông Nguyễn Văn Linh ra lệnh cho bộ máy Đảng trấn áp một cách thô bạo, do vậy đã đẩy cả phong trào văn nghệ sĩ báo chí trên cả nước đến chỗ đối lập hẳn với ông Tổng Bí thư này – trong đó có hai quan chức hạng lớn của Đảng là Nguyễn Hộ trong Nam và Trần Độ ngoài Bắc – suốt mấy năm liền.

Chính cái bước ngoặt đàn áp đó đã thúc đẩy những người còn trung thành với con đường đổi mới vào lúc bấy giờ hướng tới những suy nghĩ triệt để hơn, không giới hạn tư duy trong việc đổi mới chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Marx mà là nhìn lại ngay bản thân chủ nghĩa Marx, bản thân chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ những người làm công việc này không đông, không có điều kiện tập hợp trao đổi, hầu như mạnh ai nấy suy nghĩ riêng rẽ, viết được gì thì chuyền tay cho anh em đọc, và bởi là đề tài cấm kỵ cho nên nếu tới tay công an hay Ban Tuyên huấn thì thế nào cũng bị hạch sách hoặc đem ra đả kích dưới rất nhiều hình thức. Tuy vậy, do thời thế thay đổi, về sau nhờ vào những điều kiện thuận lợi mới, nhất là với sự xuất hiện của những phương tiện thông tin hiện đại nên những bài viết của họ mới được phổ biến rộng rãi. Lý do để một số người đeo đuổi công việc ấy là rất đơn giản: cánh cửa về tư duy đã mở ra rồi, không thể nào đóng sập lại được như một cánh cửa nhà tù. Nhiều bài viết mới của những tác giả mới ra đời, cùng với những bài viết cũ đã được một số website hải ngoại sưu tầm, sắp xếp lại, khá đông, nhưng nếu nhìn chung lại cũng bộc lộ rất nhiều nhược điểm của một nền văn chương du kích, chuyền tay, trong lĩnh vực lý luận còn rất nhiều điều phải tranh luận, thậm chí phản bác nữa.

Nhưng vượt lên tất cả, những dòng chữ ấy vẫn mang hơi thở của những tiếng nói, nhiều khi là tiếng thét và tiếng khóc, của một thứ liêm sỉ còn cố giữ cho được để không chịu im lặng, thoả hiệp trước những lừa gạt, giả trá của guồng máy thống trị có nhiều kinh nghiệm về trấn áp. Đọc những gì mà Đông La đã viết về những con người ấy bằng những kiểu cách bôi bác khác nhau, chúng ta thấy thật rõ cái chỗ đứng mà Đông La đã chọn: đó là chỗ đứng của những người đã tự đồng hoá mình với những thế lực thống trị thiển cận chỉ biết hưởng thụ cái hôm nay, không biết rằng trong quá khứ nếu không có sự vùng vẫy của những người làm công việc nới bớt cái dây thòng lọng mà cái chế độ toàn trị đã siết vào cổ cả một cộng đồng, thì sẽ không bao giờ có được cái hôm nay để cho những người vô tâm, vô cảm như Đông La thụ hưởng. Trần Thiên Ý đã hiểu gì về quá khứ của chế độ này mà lại có thể bao che Đông La bằng thái độ vừa dễ dãi vừa mù quáng đến như vậy?


*


1f. Dù không quen biết Đông La, nhưng tôi tin rằng Đông La phải nhảy dựng lên lớn tiếng chửi thề: giời ơi là giời, dễ thế mà cũng không biết cách trả lời, nói thế mà cũng đòi nói v.v. trước khi viết bài hầu chuyện với Lữ Phương, Hà Sĩ Phu… bằng những ngôn từ không mấy lịch sự như thế. Khi thấy một thí sinh trả lời không đạt câu hỏi ai cũng có thể trả lời được trong cuộc thi „Vượt lên đỉnh Olympia“, bạn tiếc lắm chứ. Nếu thí sinh ấy cứ khăng khăng là mình trả lời hoàn hảo, thì bạn phải bực chứ. Rồi không biết người biết ta, thí sinh nọ cứ lại xuất hiện trong các cuộc thi sau, thì bạn ắt phải thấy nguy mà lên tiếng chứ.

2f. Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết Trần Thiên Ý không quen biết Đông La mà lại tỏ ra hiểu Đông La đến mức tuyệt vời đến thế. Dường như Trần Thiên Ý không đọc (hay coi như không có?) bài của Lữ Phương và rất nhiều bài của những tác giả khác trên talawas (như Cố Nhân,Tây Lo, Tây Sắc, Ta Lo, Phạm Lưu Vũ, Lê Anh Dũng, NTNN…) viết về Đông La thì phải. Một tác giả viết về lý luận mà sự cẩu thả trong phương pháp làm việc cùng với sự trống rỗng về kiến thức đã bộc lộ quá rõ ràng, trong khi đó tính cách lại quá nghiêng về thèm khát được khen ngợi, quá ham mê khoe khoang về bản thân, đến nỗi bị rất nhiều người khinh miệt, chế giễu… vậy mà vẫn được Trần Thiên Ý bốc lên như một thiên tài tuyệt luân cô độc, vì cảm thấy bất lực trong việc vạch ra những cái ngu của bọn phàm nhân bằng ngôn ngữ bình thường cho nên đã phải dùng đến thứ ngôn ngữ “chửi thề” hoặc viện đến cái kiểu hầu chuyện “không mấy lịch sự” để diễn đạt ý mình! Ý Trần Thiên Ý như thế nào khi quyết tâm bênh vực Đông La đến mức như vậy: lại tiếp tục “chửi thề”, “không lịch sự”, hay… còn hơn thế nữa!


*


1g. Không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắc nước ta sẽ phải được dân chủ hoá tiến tới một thể chế dân chủ - đa nguyên chính trị thực sự. Nhưng, hoàn toàn khác hẳn „cuộc cách mạng giải phóng dân tộc“ của Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây, quá trình dân chủ hoá ngày nay thực sự là cuộc cách mạng nhận thức. Nó không thể bùng nổ bằng những kiến thức hạn hẹp, nhận thức mù mờ. Muốn dân tin theo, thì phê phán con đường sai trái đang tồn tại chưa đủ, mà phải chỉ ra được con đường khác tốt hơn. Các nhà tư tưởng đối lập của ta hiện nay vừa không đủ sức thuyết phục, không sắc bén khi phê phán Đảng Cộng sản, vừa hiểu mù mờ về con đường mới - con đường dân chủ xã hội - như thế, thử hỏi mấy ai nén giận được mà không quất cho họ một ngọn roi giúp tỉnh ngộ? Mấy ông thầy bói mù xem voi có thể cãi nhau đến chết về con voi dài như cái cột, hay to như cái quạt… nếu các ông sống giữa đảo hoang. Nhưng nếu họ cãi nhau để mọi người nhìn vào thì hãy coi chừng! Nghe các ông cãi nhau mãi, người ta sẽ đi đến kết luận rằng, thực tế không tồn tại một sinh vật có tên là con voi. Các nhà tư tưởng đối lập, Đảng Cộng sản Việt Nam và cả Đông La nữa, bên ném cát, bên hắt bùn vào nhau làm tối tăm, mù mịt tầm nhìn khiến người dân không nhìn thấy ngay bên cạnh con đường mù mịt mà họ đang lần đi từng bước là một con đường trải nhựa thênh thang của xã hội dân sự văn minh-dân chủ-pháp quyền mà nhân loại tiến bộ đang đi. Làm như vậy là có tội với dân với nước hay không? Mong quí vị tu Tâm rèn Trí để trở thành ngọn gió lành cuốn sạch cát bụi cho dân nhờ được chăng?

2g. Thật là đáng phấn chấn khi biết Trần Thiên Ý tỏ ra tin tưởng chắc nịch vào con đường dân chủ đa nguyên sẽ đến cho Việt Nam. Đồng ý với Đông La, Trần Thiên Ý loại bỏ những kẻ chống đối không tâm, không trí, mù mờ về tương lai ra khỏi cuộc chơi, nhưng lại không nghe Trần Thiên Ý cho biết ý kiến rõ ràng của mình về thái độ nâng bi của Đông La với Đảng Cộng sản đang cầm quyền, một Đảng Cộng sản mà Đông La cho rằng từng bước đi đang được rọi sáng bằng tình thương bao la của “Các Mác”. Theo bài góp ý với Đông La trước đó thì Trần Thiên Ý tỏ vẻ không đồng tình với cái ông Marx “tình thương bao la” này, nhưng trong bài này lại cho rằng cái ông Marx đó dường như không dính dáng đến chính quyền hiện hữu nữa, cho nên dù có không đồng ý với Đông La, Trần Thiên Ý vẫn có thể ủng hộ chính quyền cộng sản hiện nay. Nếu như vậy thì có thể hiểu được lý do bao che quyết liệt của Trần Thiên Ý với Đông La: để loại bọn chống đối ra ngoài thì không thể không thoả hiệp với chính quyền và những kẻ nâng bi chính quyền ấy. Nhưng có điều khó hiểu là chính quyền cộng sản này lại không chấp nhận con đường dân chủ đa nguyên thì làm sao mà Trần Thiên Ý có thể rủ rê toàn dân giẫm chân lên được “con đường trải nhựa thênh thang của xã hội dân sự văn minh-dân chủ-pháp quyền”! Tính chất tào lao của một kiểu lập luận như vậy quả đã đạt đến cực điểm. Vậy mà lại dám căn cứ vào đó để kêu gọi mọi người tu Tâm rèn Trí cho dân nhờ! Với cái kiểu lý sự ấm ớ và bạt mạng đến như vậy mà cũng ồn ào đăng đàn nói chuyện chính trị thì quả là… hết biết! Chỉ tội nghiệp cho độc giả talawas nữa thôi!

© 2006 talawas