Đông La năm nay khoảng 50 tuổi, quê ở Thanh Miện, Hải Dương cách Hà Nội mấy chục cây số, quê vợ ở Long An, nơi người ta nhậu nhiều hơn cất nhà. Bố thì giải phóng Điện Biên, anh hy sinh năm 68, bản thân Đông La năm 20 tuổi có tham gia giải phóng Sài Gòn. Với truyền thống gia đình và lý lịch như vậy, nay được sống trong tình cảnh người dân bị mất nước được trở thành người dân sống trong một nước có chủ quyền, anh rất hả hê và không ngớt khen mấy ông lãnh đạo nước mình tài thật!
Anh cho biết có một chú ruột bên vợ từng là cha tuyên úy bị tù hơn 10 năm, giờ thành cha sở một nhà thờ lớn, bệnh rất nặng nhưng tối ngày lo xây dựng, sửa sang nhà thờ, nên Chúa thương đã giải bệnh cho ổng hay sao đấy; anh cũng cho biết có người em ruột cũng bên vợ mới thành linh mục, hôm phong chức người ta làm lễ mừng rất lớn ở nhà thờ Mỹ Tho...; có thấy ai bị đàn áp ngăn cấm gì đâu!
Bời thế mỗi lần xem những chương trình ti vi trực tiếp lễ hội về các ngày truyền thống, lễ hội mừng Đảng, mừng xuân, xem những chương trình văn nghệ ca những bài ca cách mạng với cả biển khán giả được truyền hình trực tiếp, rồi những chương trình giao lưu về hai cuốn nhật ký của anh Thạc và chị Trâm, những buổi lễ trao giải cho những doanh nhân thành đạt, những nhà sáng tạo… chứng kiến cái không khí hào hùng và nhiệt thành đó, thể hiện cụ thể nhất sự trân trọng và tự hào về quá khứ cách mạng, lòng yêu Đảng và Bác của mọi người, Đông La đã khóc vì cho rằng tình cảm của anh không được bằng họ.
Về sự nghiệp, Đông La cho biết đi học thì khá, đi làm thì từng làm chủ nhiệm đề tài chiết thành công được mấy gam chất chống ung thư giá hàng triệu đô một ký, được tặng giải A sáng tạo KHKT. Anh không nói rõ vì sao bị dứt ra khỏi công việc, bị vất ra ngoài lề cuộc sống, để không còn làm công chức nữa, nhưng lại cho biết hiện giờ cuộc làm ăn của mình khá thành đạt, thành đạt đến nỗi nếu nhìn theo kiểu cũ thì có thể bị xếp vào hàng ngũ những kẻ “bóc lột”, nhưng mặc dù vậy, anh vẫn một lòng chí cốt theo con đường Bác và Đảng đã chọn cho giai cấp vô sản, cho cả dân tộc.
Đông La rất tha thiết với văn nghiệp: anh làm thơ, viết văn, phê bình lý luận, hình như cũng đã có sách xuất bản. Anh cho biết chẳng những có khiếu mà còn rất thông minh. Theo lời anh kể thì cách đây đã 20 năm, đang làm ở một viện nghiên cứu về dược của Bộ Y tế, anh đã có ý thức dấn thân vào văn chương, khi ấy đã được nữ sĩ Anh Thơ khen và khuyên nhủ như sau: “Từ trước tới nay cô thấy cháu là người thông minh nhất. Chỉ có ông Chế Lan Viên mới làm thầy của mày được thôi. Cháu đưa thơ cho ông ấy đọc, ông ấy mà thấy được là chắc chắn thành công. Nhưng ông ấy cũng khó lắm đấy!”.
Đông La cho biết trong một kỳ thi thơ của Hội Nhà văn TPHCM, anh không được vào ngay từ vòng sơ khảo, nhưng biết Chế Lan Viên chấm chung khảo nên anh mới có dịp nhờ bà Vũ Thị Thường vợ thi sĩ Chế, đưa thơ cho thi sĩ Chế coi, kết quả không ngờ: thi sĩ Chế đã cho anh giải ngay tại nhà bằng câu nói sau đây: “Tôi có thể cho ông giải nhất cũng được, nhưng ông chưa có lực khéo người ta giết ông đấy. Thôi, tôi cho ông đứng đầu giải ba”. Qua nhiều cố gắng, sau này có thơ đăng trên
Văn Nghệ, Đông La cho biết mỗi lần đăng xong, Nguyễn Quang Thiều đều gọi điện thoại báo và bình tán mươi phút, nói là nhiều người thích lắm, kể cả ông Hữu Thỉnh nữa.
Anh cho biết ngoài đời, anh cũng đã nhận được hàng ngàn lần số lượng lời khen hơn thế, từ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, đến rất nhiều người không quen biết qua thư từ, điện thoại. Nhưng anh cũng rất buồn là vì trong những bàn tiệc văn chương lớn nhỏ, anh không bao giờ được thừa nhận như một tác gia tầm cỡ. Từ những trục trắc khó hiểu ấy anh băn khoăn không biết tại mình bất tài hay tại nền phê bình ở ta bất tài, bất công, cuối cùng thì nhận ra rằng văn của anh là thứ văn đặc biệt, không giống ai, nhưng do không có vai vế trong hàng ngũ chức sắc, cũng chẳng có một vị trí kha khá trong Hội Nhà văn hay trong Ban Tư tưởng Văn hoá, nên đã không được nền phê bình của nước nhà đội lên đến tận mây xanh như nhiều người khác!
Vì thế anh tỏ vẻ tiếc rẻ khi thấy người bạn chí thân của mình, người hiểu anh nhiều (anh chưa nói người đã hiểu) là Nguyễn Quang Thiều lại không đem những lời khen anh trong điện thoại đăng lên báo, cho rằng nếu những lời khen của Nguyễn Quang Thiều đó mà được viết ra rồi được đăng trên báo thì đỡ cho anh biết mấy, anh không còn vô danh đến bây giờ! Tuy vậy liền sau đó lại cho rằng nếu Thiều có viết ra thì cũng chưa chắc được đăng! Nguyễn Quang Thiều mà còn như vậy thì người như anh làm sao xen được vào chốn văn nghệ vinh quang ấy. Là một tài năng thông minh, độc đáo như vậy mà không được nâng đỡ, đề cao đúng mực nên anh có vẻ bứt rứt hoài.
Tuy vậy anh không hề oán thán. Anh cho biết không theo phe nào dù cấp tiến hay bảo thủ, và tuy không là đảng viên anh vẫn đi theo chủ nghĩa Mác, một chủ nghĩa nhân đạo, khoa học đã rọi sáng từng bước đi cái chế độ XHCN Việt Nam trước nay để dẫn dắt dân tộc Việt Nam lên thiên đường hạnh phúc, tình thương bao la. Anh rất bực bội khi đọc trên mạng thấy quá nhiều bài chửi bới một cách phi học thuật Các Mác và chủ nghĩa cộng sản mà anh sùng bái nên mới viết bài phê bình tập truyện của Đỗ Hoàng Diệu, sau đó viết tiếp là bài “
Các Mác – Một tình yêu bao la” để góp phần giải quyết cho xã hội những bài toàn lớn đồng thời để phản bác mấy tên công kích vớ vẩn này.
Khi đề cập tới Các Mác, anh muốn chứng tỏ cho dân đã vào được mạng hải ngoại biết tài biện luận triết học mang tính phát minh sáng tạo của anh, đồng thời nhân đó lấy bày tỏ lòng trung thành không gì lay chuyển với chế độ chính trị mà anh ủng hộ bằng cách hạ nhục mấy tay chống đối chế độ, chống đối Marx cho chúng tởn. Anh rất mong qua những bài viết ấy sẽ gặp được người có khả năng tư duy đủ sức tiếp cận văn bản, về đối tượng nghiên cứu cũng như những lập luận của anh để tranh luận dù rằng anh từng chua xót cho rằng thực tế nước ta không phải là xứ sở của lý luận, của tư tưởng, của những sáng chế, phát minh, tức tư duy phân tích, lập luận logic của dân ta còn kém.
Tuy vậy vẫn có những kẻ dốt nát dám viết ra những điều mà họ cho là không chịu nổi về thái độ lẫn lập luận của anh, với những kẻ ấy anh đã phản ứng lại một cách rất quyết liệt. Khi bị một người bạn của anh là lão
Cố Nhân cho anh là ba phải, trí trá, sau khi trả đũa ào ạt cho rằng lão này chẳng hiểu gì khái niệm bóc lột của Các Mác do anh giảng giải cả, anh đã rất buồn bã cho rằng qua cuộc cãi nhau ấy, từ đây anh sẽ mất đi một người yêu quý mình. Nhưng do tự tin vào chân lý mình nắm được, sau đó anh lại tự an ủi ngay: không sao, không sao, ta còn nhiều người khác mến mộ ta, trong đó không thiếu gì người còn muốn đến tận nhà để xem mặt cơ.
Riêng đối với cái lão
Lữ Phương nào đó thì thật quá quắt khi lão này dám xa xả mắng anh là người không biết lượng sức, trình độ ấm ớ, nhân cách lếu láo khi mượn một thứ chủ nghĩa Marx lăng nhăng nào đó để đứng về phía những kẻ cầm quyền thối nát khuyến khích bỏ tù trấn áp những người khác ý kiến. Điều này đã làm anh nổi giận sôi máu nên đã lớn tiếng dằn mặt lão này đích đáng: Này ta nói cho lão biết ta là ai để lão biết tranh luận với ta cho “phải phép”: ta là người năm 1992 từng giải được bài toán công nghệ, xây dựng thành công cả một dây chuyền sản xuất mà cả ngành Nông dược Việt Nam hơn hai chục năm không ai giải nổi, rồi năm 1993 công trình đó đã được tặng giải A sáng tạo KHKT; còn khi viết văn, tuy chưa thỏa đáng, nhưng cũng từng được giải thưởng, tặng thưởng cả về thơ và phê bình! Lão không biết sao: với trình độ ấy của ta thì những lập luận của lão ta sẽ dễ dàng phủ nhận như ngắt một cọng cỏ, lấy ngón chân dí chết con sâu bọ.
Với lý lịch trong sáng, với tính khí thông minh tuyệt vời, trình độ trí thức khoa học, sâu xa như vậy, lập trường lại kiên trì chiến đấu cách mạng như vậy, chúng tôi sau khi họp chi bộ talaca, đã nhất trí đề nghị kết nạp Đảng cho Đông La để anh gia nhập hàng ngũ của chúng ta. Tuy tự nhận thuộc thành phần bóc lột nhưng do điều lệ Đảng lần này đã đổi mới theo lý luận “Ba đại diện” của người bạn môi hở răng lạnh phương Bắc, ta vẫn có thể kết nạp để tăng cường sức mạnh cho Đảng. Mong cấp uỷ chấp nhận để chúng tôi có kế hoạch bồi dưỡng đồng chí Đông La, người đang có ham muốn tột bực được nhập vào hàng ngũ lãnh đạo Đảng để thăng tiến về đường văn nghệ, hy vọng trong Đại hội Đảng khoá 11 đồng chí có thể ra ứng cử chức vụ Trưởng Ban Văn hoá Tư tưởng để cùng Bộ Chính trị, cấp trên của Trung ương, lèo lái toàn Đảng toàn dân mau chóng tiến tới thiên đường hạ giới!
Trân trọng
Ta Lo
Bí thư chi bộ talaca
Chú thích: talaca chứ không phải talaCu. Ta Lo là bí thứ chi bộ chứ không phải là chi bộ… viên tên là Mỹ Lo. Cần nói thế vì trong chi bộ có một đồng chí tên Mỹ Lo. Trong khi góp phần soạn thảo văn bản này, đồng chí Mỹ Lo bảo đảm rằng 95% những chữ tạo nên đơn đề nghị vào Đảng này cho đồng chí Đông La đều trích ra từ chính những gì đồng chí Đông La tự bạch trong những bài đăng trên talawas từ 10-12-2005 đến 23-2-2006. Ta Lo cám ơn đồng chí Mỹ Lo và xin dặn riêng đồng chi điều quan trọng này: đừng nên bắt chước ông bạn
Tây Lo nào đó, đưa những văn bản kiểu này cho vợ đọc, kẻo… rách tùm lum thì khổ cho đồng chí lắm đấy!
© 2006 talawas