trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 325 bài
  1 - 20 / 325 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngVăn hoá và phát triển
25.2.2006
Cố Nhân
Thế nào là bóc lột?
 
Về các "nguyên ný chiết học" của Đông La, tác giả Lữ Phương (trong bài "Những kẻ không được lên thiên đường!"), và tác giả Phương Duy (trong bài "Những lập luận một cách 'khoa học' của Đông La") đã chỉ ra khá rõ, Cố Nhân tôi xin nói về vấn đề còn lại, "Thế nào là bóc lột?", để may chăng gỡ được cái tội "nực cười" Đông La gán cho, khi "cái điều tối đơn giản thế mà cũng không biết".

Đông La giảng thế này: "Theo Mác, bóc lột nghĩa là chiếm đoạt giá trị thặng dư, bần cùng hóa người lao động, rồi dùng sự chiếm đoạt ấy nô dịch người khác".

Tôi thấy câu này nó cứ khơi khơi ra, lại còn ôm đồm không phải lối nữa.

Ôm đồm ở chỗ nào? Ở chỗ ba hành động "chiếm đoạt", "bần cùng hóa", và "dùng sự chiếm đoạt để nô dịch" là không cùng cấp độ phát sinh. Nói cách khác, chúng không phải là một hành động cùng gốc để có thể giải thích cho bản thân hành động "bóc lột". Nếu thực sự Marx nghĩ như thế, ông chỉ cần nói "bóc lột nghĩa là chiếm đoạt giá trị thặng dư" là đủ, và thực sự thì ông cũng chỉ nói có vậy, chứ không lòng thòng như Đông La vẽ rắn thêm chân.

Còn khơi khơi (tức hời hợt, nông cạn) ở chỗ nào? Như hôm trước tôi đã nói, khái niệm "giá trị thặng dư" của Marx hoàn toàn chỉ mang tính "lý tài thiển cận", vì nó chỉ nhìn thấy khía cạnh tiền nong, lượng mồ hôi, là khía cạnh khá "vật chất tầm thường", không một mình quyết định "mức hạnh phúc" của các cá nhân thành viên tham gia vào quá trình sản xuất, do vậy không một mình quyết định "tính thích đáng", "tính ổn định" của quan hệ sản xuất.

Có thể có bạn sẽ bảo: "Vâng, người lao động chúng tôi chỉ vật chất tầm thường thế thôi, không cao siêu hay lãng mạn được như giới trí thức các anh. Nên nếu chiếm đoạt giá trị thặng dư của chúng tôi là không xong với chúng tôi đâu".

Vâng, quả có thế, Cố Nhân tôi cũng không dám dè bỉu những lời gan ruột chất phác ấy. Nhưng sự đời đâu chỉ đơn giản có vậy?

Kể từ khi các cuộc cách mạng nhân quyền, dân quyền, dân túy, ánh sáng... nổ ra, con người dù là kẻ ít học nhất cũng hiểu được rằng, mỗi cá nhân đã được giải phóng, ta tự quyết hạnh phúc cho ta, và hạnh phúc lớn nhất phải là cơm áo và phẩm giá dài lâu, cho cả cuộc đời, thậm chí cho cả nhiều đời sau ta nữa. Vậy thì việc đồng lương hôm nay của ta hơi ít, nhưng là để xí nghiệp mạnh thêm, để tháng sau lương sẽ nhiều hơn, năm sau sẽ nhiều hơn nữa, rồi con cái ta sẽ được nối gót ta sánh vai với cả xã hội nhân quần... chẳng phải cũng đáng để ta nỗ lực cùng ông chủ đẩy mạnh sản xuất thêm ư? Ông chủ này là ông chủ tốt, bắt ta vất vả nhưng bản thân ông cũng lao tâm khổ tứ chứ có mấy lúc được nhàn hạ? Để cuộc đời chung rồi sẽ sáng tươi. Chẳng hơn ông chủ xí nghiệp bên cạnh, trông xa tưởng nhân hòa, đến gần hóa thiểu năng trí tuệ, trả lương công nhân cao để rồi ế hàng (do giá thành đội lên chọc trần, mất tính cạnh tranh), mỗi năm một lụn bại, đó sao? Câu chuyện này có từ trước Marx khá lâu, cùng thời với Marx, và cả sau Marx không biết bao nhiêu trăm nghìn năm nữa, Đông La đừng hy vọng nó có gì biến đổi.

Vậy đấy, giá trị thặng dư ở đây được tính cho chu kỳ thời gian là bao nhiêu? Ông Marx có dám quả quyết tất cả giới chủ tư bản đều chỉ tối mắt vì tiền bạc ngắn hạn chăng? Nếu ông dám, tôi sẽ bảo ông là kẻ mang ẩn ức tội đồ, suốt đời căm thù con người, và sớm muộn cũng phải ra tòa (lương tâm hay lịch sử). Còn nếu ông không dám, thì rõ ràng ông đã sai khi vơ đũa cả nắm, tưởng rằng phủ định tư bản là dễ dàng đến được với công bằng phát triển, nào ngờ chính ý định ngông cuồng đó lại hóa tai hại, bởi nó khiến cho không biết bao nhiêu môn đệ hời hợt, cả tin bỏ cửa bỏ nhà đi làm cách mạng, để rồi dẫn xã hội đến tao loạn lầm than.

Một trăm năm mươi năm sau, có một môn đệ tên là Đông La cứ ra sức vơ thành tích "khiến tư bản cũng phải chùn tay" về cho Marx! Nhưng Cố Nhân tôi tin rằng, nếu vong hồn Marx có khôn thiêng, thì anh linh ông chắc chắn cũng sẽ không bao giờ dám trâng tráo được đến một phần mười như thế. Bởi hầu như cả loài người đều đã thừa biết rằng, văn minh nhân loại hôm nay là thành quả của không biết bao nhiêu con tim và khối óc Đông Tây, đau đáu trong khuôn khổ của nền dân chủ đại nghị ngày một hoàn thiện. Cuộc đời không tin chữ "Nếu", nhưng chả lẽ nếu thiếu Marx thì sẽ không có Einstein? Sẽ vắng C. Chaplin? Sẽ tiêu cơ khí hóa, tự động hóa, cách mạng xanh, TV màu và máy vi tính? Sẽ chẳng ra đời những Martin Luther King, J. Neru, mẹ Teresa, các giải Nobel Văn chương và Hòa bình...? Mà cứ giả sử "ông bố nghiêm khắc" Marx cố tình vung ngọn roi "Cách mạng vô sản" lên để đe nẹt "lũ con" tư bản, bắt chúng sớm trở thành người ngoan đi nữa, thì cái giá của bài học giáo dục này là gì? Chẳng phải là hàng trăm triệu mạng người khắp Á Âu, hàng chục triệu gia đình ly tán, hàng chục quốc gia với ngót nghét hai tỷ người chịu cảnh bần hàn tụt hậu đó sao? Chẳng hóa ra ông hy sinh đám Liên Xô, Đông Âu, Cuba, Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam ngây thơ, để cải hóa mấy thằng con cứng đầu là Bắc Mỹ, Nhật, Tây Âu, Úc, New Zealand vô ơn kia ư? Nếu vậy thì ông tệ lắm, chúng tôi chả coi được ông là người cha công bình sáng suốt, nói gì đến định ngữ "một tình yêu bao la" ồn ào của Đông La.

Vậy nếu không phải "chiếm đoạt giá trị thặng dư" thì thế nào mới là bóc lột? Thế nào mới đáng lên án?

Hôm trước tôi có nói, rằng bên nào chiếm đoạt niềm tin bên kia, bên ấy chính là bóc lột, phải bị lên án. Anh Đông La bảo rằng tôi lấy chuyện hợp đồng làm ăn ngày nay để áp đặt cái thời của Marx! Ô hay, chủ nhà máy thời nào chẳng phải tuyển công nhân? Chủ đồn điền bao giờ chả phải thuê người làm? (Chủ da trắng áp bức nô lệ da đen thì chính xã hội tư bản Mỹ đã dẹp bỏ không cần đến Marx; kẻ xâm lược với người dân bị trị cũng thuộc phạm trù khác, câu chuyện khác - Đông La chớ lẫn lộn). Đã vào thương trường thì bao giờ chả phải có thỏa thuận, phải có niềm tin với nhau thì mới tạo thành quan hệ sản xuất được? Từ nhỏ như giữa hai người hợp tác, đến quy mô lớn hơn nhiều (vĩ mô) là chính thể với các công dân, bao giờ niềm tin cũng phải được đảm bảo nếu muốn ổn định và ngày càng phát triển. Có thể hôm nay ông chủ lừa dối được công nhân, chính phủ bịt mắt được cử tri, nạn nhân chưa biết, vẫn còn niềm tin. Nhưng cái kim trong bọc lâu cũng có ngày tòi ra, rồi họ sẽ biết, thế là biểu tình, bãi công, bỏ việc, doanh nghiệp khốn đốn, quốc gia suy thoái. Chẳng phải niềm tin đã bị cướp đoạt là gì? Còn hôm nay ông chủ trung thực, bồi đắp niềm tin tưởng cho công nhân, để ngày mai công nhân tin tưởng ông chủ, gắng sức làm hài lòng ông chủ, thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ ngày một phát đạt, quốc gia sẽ ngày càng hưng thịnh, kể cả nếu chuyện tiền nong (công xá, thặng dư) tức thời chưa chắc đã thỏa đáng cho lắm. Tôi thách anh Đông La tìm được ví dụ nào nằm ngoài quy luật niềm tin như thế? Để thấy rằng chuyện một nhà kinh tế học (tôi chưa kịp tra lại tên) đoạt giải Nobel nhờ mô hình kinh doanh niềm tin trong tương lai thì không phải chuyện viển vông.

Vậy đấy, khi anh Đông La cứ một mực tụng ca quan điểm "bóc lột là chiếm đoạt giá trị thặng dư" của Marx, anh đã không còn biết phương hướng nào để mà tỉnh táo nữa. Cho nên anh mới quay cuồng với ý nghĩ: Mọi người tấn công Marx để nổi tiếng! Xin lỗi anh Đông La, bao nhiêu nhân hào chí sĩ gần xa, công khai hay lặng thầm, dùng lời hay bằng hành động, tranh đấu cho tự do dân chủ nước nhà, đòi quyền đòi danh dự cho dân lành, thì họ công tâm và khảng khái hơn anh nhiều. Không những họ chẳng cần xu lẻ danh hão nào, mà bất kể kẻ nào đội lốt sĩ nọ gia kia dọa dẫm, họ cũng chẳng sợ. Anh bảo anh thích được tranh luận với những nhà nghiên cứu, những kẻ hơn anh vài cái đầu? Lại phải xin lỗi anh lần nữa. Nói nôm na gần gũi đến như Cố Nhân này mà anh còn chẳng hiểu, nữa là lý luận với chả học thuật! Cho đến giờ thì cả diễn đàn đã rõ anh là "nhà khoa học", "nhà thơ", "nhà phê bình" theo kiểu nào rồi.

Tôi biết những lời nặng nhọc này khó nghe lắm, nhưng còn hơn là cứ nhân đạo khơi khơi theo kiểu Marx mà anh Đông La từng đứt lưỡi ca ngợi. Anh Đông La cứ đợi mà xem, sớm muộn gì các đảng cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Triều Tiên cũng phải đổi tên, chứ cứ khư khư cái mộng làm "mùa Xuân của nhân loại", để rồi hết đợt này đến đợt khác phải chỉnh đốn tu sửa (thực chất là lùi bước, nhường đường, nhưng gọi tên là "nhận thức lại") đến bất an mòn mỏi, thì mất uy tín lắm. Chả lẽ đến lúc ấy thì lại vẫn là Đông La đứng ra bảo thế mới thực là biện chứng, khoa học? Sợ đến lúc ấy thì cái lưỡi gỗ sẽ gẫy vì uốn đi uốn lại nhiều lần quá mất.

Hà Nội những ngày đầu năm con Tuất

© 2006 talawas