trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Nghệ thuật
Mĩ thuật
  1 - 20 / 243 bài
  1 - 20 / 243 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Nghệ thuậtMĩ thuật
15.5.2007
Trần Lương
Mới chạy mà bình xăng đã cạn
(Tham luận tại Hội thảo "20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi mới 1986-2006" ngày 10.5.2007)
 
Mỗi lần vỡ ra một cái gì đó mới mẻ, lòng tôi - hay chắc rằng không ít ai đó - cũng háo hức tin và chờ đợi một thành tựu mới. Thế rồi chạy đến giữa nẻo đường, một cảm giác mang máng về “bình xăng” hình như sắp cạn…

20 năm là đơn vị thời gian không lớn mà cũng không nhỏ, vấn đề ở chỗ: 20 năm đặc biệt đầy biến cố mà ở đó, nếu nghệ thuật không phản ứng gì, không thay đổi mới là lạ!

Trong lịch sử nghệ thuật hiện đại và đương đại thế giới, 20 năm là đơn vị thời gian để những lần nghệ thuật “mới ” đủ chín muồi và bắt đầu ảnh hưởng (hoá thân) đến thẩm mĩ đại chúng, hay nói cách khác là tan ra thành văn hoá POP. 20 năm phát triển nghệ thuật của ngày nay tương đương với đơn vị 200 năm phát triển trong quá khứ - điều tương tự xảy ra với khoa học, công nghệ.

Vậy “20 năm ấy” cũng đủ và đáng để nhìn lại rồi.

Việc nghệ thuật vận chuyển theo những thay đổi của thời cuộc là một điều tất yếu. Ðể tổng kết thành tựu, tôi chắc rằng có nhiều tham luận sẽ phân tích cặn kẽ và “hoành tráng” rồi. Tôi muốn chia sẻ cảm giác của mình về một cái “ngoái lại”, rất riêng tư, vì cũng là một sợi nước của cả dòng chảy, vậy cũng có thể coi bài viết này như một sự tự phê phán.


*


Nếu sự thay đổi của ngôn ngữ và nội dung trong hoàn cảnh mới là tất yếu, thì dường như mỹ thuật đổi mới chỉ là sự tiếp nối khá “hành chính” từ thế hệ hoạ sĩ Ðông Dương. Với tôi, đó là sự tiếp nối mờ nhạt. Tại sao?


Thứ nhất, về đề tài

Việc chuyển từ đề tài Công, Nông, Binh, Trí sang Chim, Hoa, Cá, Gái đơn giản chỉ là sự trở về quá khứ mà thôi vì bao đời nay nghệ thuật Ðông Á đã lấy Chim, Hoa, Cá, Gái làm đối tượng cho mỹ thuật rồi. Trong khi thực tế đời sống của cả giai đoạn trước đây và sự chuyển biến mạnh mẽ đương thời là nguồn chất liệu dồi dào cho sáng tạo. Thế mà tác phẩm Đổi mới lại chẳng thấy bóng dáng hiện thực ở đâu!

Có thấp thoáng trong tranh nông thôn của ông Hiếu (Hà Trí), hay khăn khẳn của ông Hà (Lê Quảng), hay mơn man gái đẹp của ông Thái (Lê Hồng), hay phô bày giới tính của ông Tân (Trương)… Còn đâu đâu đều ngửa mặt nhìn về miền không tưởng: về những đạo đức của sĩ phu, thanh sạch thuần khiết của tiên Phật, những thất tinh, bát quái càng bí hiểm càng ăn ảnh, những nông thôn, thiên nhiên, con người tươi đẹp (và cũng lạc hậu) như từ thời chưa có xe máy Honda.

Việc mỹ thuật đổi mới xa vời với đời sống thực tế - hay né tránh thực tế – còn thể hiện ở sự góp mặt của Việt Nam với khu vực, ngược với sự tự tin ban đầu, giải ASEAN Phillip Morris đã trở thành cột mỡ với không tới và trở thành nơi kiếm tiền thưởng thay bằng nơi nhận niềm tự hào.

Ở chỗ trà dư tửu hậu thì cộng đồng mỹ thuật của ta luôn rôm rả cái gì cũng biết hết, biết hết! Nào là: hoặc trào phúng chỉ trích, bức xúc bàn cãi hăng lắm, hoặc gia ơn đã từng cứu, từng giúp và thông cảm lắm! Chỉ tội khi đáo sự, hay tác phẩm ra trước công luận lại méo mồm, bóp mũi giả giọng “nhà đài”! Hiện thực duy nhất của giai đoạn nghệ thuật này là sự né tránh hiện thực!

Liệu đã đến lúc để thú nhận chưa? Rằng mỗi nghệ sĩ luôn thường trực một cái la bàn tự kiểm duyệt to tướng trong đầu? Suy từ mình ra tôi nói thật, đó là thời kì khôn chả ra khôn, mê chả ra mê!


Thứ hai, về ngôn ngữ

Sự tiếp nối thế hệ Ðông Dương trong ngôn ngữ hội hoạ là logic và tất yếu nếu trong điều kiện ngữ cảnh cuộc sống không thay đổi nhiều về nhịp, về quan hệ, về không gian và về chất. Theo lẽ thường thì nghệ thuật phản chiếu một cách trung thực không gian tâm lí của xã hội. Nhưng đôi khi nghệ thuật còn đòi hỏi và ngửi thấy thời tiết của tương lai và dự báo bằng những tín hiệu ngôn ngữ của mình.

Giai đoạn Ðổi mới, từ sau năm 90, xã hội Việt Nam đã bắt đầu thay đổi về nhịp, về quan hệ, về không gian và về chất. Ðiều này đòi hỏi nghệ thuật nếu không dự báo trước được thì cũng phải bắt đầu tìm ngôn ngữ mới nhằm thoả mãn với lịch sử, với tương lai về những thay đổi trên.

Một sự gợi ý khá thú vị và mang tính tiên phong trong tranh của ông Quân (Nguyễn): dùng nhiều phương tiện diễn tả hơn trên cùng một mặt phẳng, như những mảng da thịt phụ nữ được tả nuột, bên cạnh những mớ chấm, phẩy, cào mang hơi thở của thư pháp hành vi. Người và vật đã bồng bềnh không trọng lượng hơn, người không phải là chính, hoa lá không phải là phụ… Ðây là minh hoạ rõ cho thấy sự đòi hỏi một ngôn ngữ khác, đa thông tin hơn, nhiều tầng đối thoại hơn.

Rất tiếc, sự gợi ý này có ảnh hưởng chút nào đó đến giới trẻ thì chỉ ở cấu trúc đề tài, mà ít ảnh hưởng đến cấu trúc ngôn ngữ. Ðại đa số nghệ sĩ Ðổi mới vẫn trói mình cần mẫn trong nét tút (touche de peinture) nhận được từ ngôn ngữ sơn dầu châu Âu! Ðam mê tút tát, day, tạo ma-che (matìere) bằng sơn dầu, đam mê này vô tình như một thứ ma tuý, tự mình thu hẹp các phương tiện biểu đạt rất phong phú khác, thu hẹp các khả năng thể hiện cảm xúc và thái độ với cuộc sống đang chuyển biến hôi hổi quanh mình.

Có thể liệt ra đây 7 điểm là rào cản cơ sở đã làm cho mỹ thuật - gọi là Đổi mới - mà không thay đổi cơ bản được ngôn ngữ. Sự cản trở này chính là: Các khái niệm cơ cấu nghệ thuật không chuyển biến gì trong đầu của nghệ sĩ, giới quản lí và chuyên môn:
  1. Khái niệm cố hữu về sự công phu: Tác phẩm mỹ thuật phải là kỳ-công-phu, vì thế mà nghệ thuật khái niệm (conceptual art) chưa được chấp nhận, còn bị coi như trò đùa hay phản nghệ thuật. Tính công phu đã không còn là điều kiện bắt buộc từ khoảng những năm 1950 của thế kỷ trước, khi tiền thân của nghệ thuật khái niệm: hoạ sĩ Barnett Newman (1905-1970) đã chỉ bôi một sắc độ mầu trên cả tấm toan (đương thời người ta xếp tác phẩm của ông vào trường phái tối giản - minimalism) Thực ra, tác phẩm khái niệm này đã là một bước thay đổi về chất của tiến trình phát triển mỹ thuật khi mà: sự gợi ý thị giác từ tác phẩm làm người xem đã nghĩ nhiều hơn là tiếp tục thưởng thức kí hiệu thông qua kênh nhìn thấy. Không phải ngẫu nhiên mà mới đây tên Barnett Newman đã được đặt cho một quảng trường nhỏ ở trung tâm thành phố New York.

  2. Khái niệm về chất liệu: Chỉ thừa nhận các chất liệu hàn lâm và là vật thể tĩnh và bền vững, không chấp nhận chất liệu chuyển động, phi vật thể, hay thay đổi liên tục, hoặc phân huỷ…

  3. Về phương tiện nghệ thuật: Chỉ vẽ, đục, chạm, đắp, in… là phương tiện chính thống. Quay, chụp, hành vi cơ thể, mạng ảo, âm thanh, ngôn từ… không được coi là phương tiện của mỹ thuật.

  4. Về không gian nghệ thuật: Chỉ chấp nhận trong khuôn viên bảo tàng, gallery, hay những nơi mặc định. Các không gian khác (alternative) được coi là không tồn tại (như tác phẩm dành cho một không gian cụ thể trong đời sống thực, những nơi và phương tiện công cộng như ga tầu, trên taxi, xe bus, nhà vệ sinh, thang máy, trên cơ thể người… hoặc trong siêu không gian như land art…)

  5. Về mối quan hệ tác giả - tác phẩm - công chúng - giới chuyên môn: Rất áp đặt một chiều. Không có không gian đối thoại, không có sự tương tác trong phát triển ý tưởng và cả hành vi sáng tạo giữa các đối tác trên.

  6. Khái niệm về tư cách chuyên môn của một nghệ sĩ thị giác: Phải có bằng cấp, phải biết vẽ, biết nặn tượng, ngược lại có thái độ coi thường người tự học, coi thường sự hồn nhiên trong sáng tạo, coi thường nghệ thuật hành vi…

  7. Và cuối cùng là sự cố kết với các chuẩn "cái đẹp” được thừa kế từ các nguồn của nền văn minh loài người. Thoạt nghe tưởng hay nhưng thực ra điều này đã bít chặt khả năng biểu lộ sự đa dạng trong cá tính, cái tôi với cả những bồng bột, ngây ngô đáng quý. Cụ thể là đã có thời chỉ cố khoe sự lịch duyệt trong nét bút và phảng phất bóng dáng các mét phía sau, sự tự hào này có tên là nghệ thuật “đại lộ”.
Cuối cùng vẫn phải nói về sự hiện hữu của một lô các barrier, các barrier này có chung hai rào cản khổng lồ “trái với thuần phong mỹ tục” và “không phù hợp”. “Không phù hợp” là rất mơ hồ, chẳng có tiêu chuẩn luật, đạo đức hay khả năng biểu đạt của ngôn ngữ nào cả. Còn trong trường hợp “trái thuần phong mỹ tục” thì các tiêu chuẩn đạo đức lạc hậu của phong kiến thối nát được lôi ra áp dụng hữu hiệu tận thế kỉ 21! Ví dụ cụ thể là tiếng nói mỹ thuật của người giới tính thứ ba bị từ chối không thương tiếc đã 12 năm cho đến nay (từ triển lãm Trương Tân 1995). Chúng ta đừng quên rằng họ (những người đồng tính) là cộng đồng chiếm ít nhất 1% dân số của đất nước hơn 80 triệu dân này và họ đã phải ẩn mình 2 nghìn năm qua trong thiếu thốn hạnh phúc (tham khảo: cộng đồng này ở Mỹ là 4% dân số).

Triết học kinh tế của ta thực chất đã phá giới rồi! Bao nhiêu thứ hay, thứ dở đã lộ diện. Nghệ thuật có lúc những tưởng đã giải phóng, đã đi trước. Nhưng hoá ra giờ này vẫn còn lùng nhùng những vấn đề đã xảy ra ở các nước hàng xóm từ 15 năm trước!


*


Một sự so sánh có vẻ khập khiễng nhưng cứ ám ảnh tôi mãi và càng nghĩ càng thấy đúng: Hai thập niên qua mỹ thuật Việt Nam phát triển giống bóng đá Việt Nam quá! Trong đó, tinh thần chung của cả hai là hoang tưởng!

Cơ sự không biết mình biết người dẫn đến bệnh dùng mỹ từ vô độ trong mọi mặt của cuộc sống, trong đó mỹ thuật Việt Nam cũng luôn “thành công rực rỡ”!

Thực tế thì sao?

Các triển lãm tự tổ chức của các nhóm và cá nhân bập bõm, nghệ sĩ nhanh chóng phân hoá. Không cần thóc mách thì cũng nhận ra rằng: ngoài sự tự che mắt trước hiện thực, công cuộc sáng tác của mỗi nghệ sĩ còn bị chi phối quá mức bởi một loạt các mômen ngoài nghệ thuật như: cuộc sống thay đổi và vật chất được biểu dương, các gallery kèm sát thúc bách… Nghệ thuật phát triển theo kiểu điện lạnh, nóng thì mua quạt và điều hoà, lạnh thì mua lò sưởi, áo rét. Tuỳ theo thị trường trồi sụt, tuỳ theo cấp độ mở cửa của quản lí. Vai trò của ngành curatorial đáng ra đã cần thiết từ 17 năm trước, nhưng cho đến hôm nay vẫn ở tình trạng có cũng được, chẳng có cũng không sao, chẳng ai để ý chẳng ai lo! Tác phẩm tốt tuồn ra nước ngoài gần hết, hoặc hoang phế (với các tác phẩm phi lợi nhuận). Sau cuộc triển lãm 16 người năm 1989 không còn cuộc biểu dương nghệ thuật Đổi mới định kì nào nữa.

Không nói đến chuyện có tích cực sưu tầm mỹ thuật Đổi mới hay không, nhưng chỉ tính riêng cái độ thiên kiến thì Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia đã tự loại mình ra và không cần có trách nhiệm với lịch sử rồi.

Ai làm được nhỉ? Ông Trần Hậu Tuấn chăng? Nhưng ông là tư nhân, bao giờ mới được ủng hộ, mới hết bị cho là ngông nghênh dễ ghét. Hình ảnh và câu chuyện bộ sưu tập của ông Ðức Minh hiện về còn như xát muối đó!

Vậy có thơ rằng:

Suối nghệ thuật luồn trong nắng hạn
Mưa hành chính lững thững non tiên.

Tôi tự hỏi: Những gì làm tắc tị nhịp phát triển tưởng như “rực rỡ” đến nơi, hồi đầu mở cửa?
  • Trước tiên là hiểu lầm về mình, trong đó sự ngây thơ và hào hứng là tinh thần chung. Nó hao hao như việc ông Hai Lúa làm máy bay trực thăng vậy. Vốn kinh nghiệm cơ bản của thợ thủ công mà lại nhầm là vốn tri thức của nhà khoa học. Kĩ năng và tự mày mò là yếu tố của thợ thủ công chứ không đủ cho nghệ sĩ đi đường dài, vì vậy mới chóng hết xăng đấy!

  • Môi trường phát triển của mỹ thuật 20 năm qua bị lệch: cuốn theo thị trường bùng phát mà không lo xây dựng hạ tầng: Giáo dục và đào tạo, khuyến khích và tài trợ, tổ chức và quản lí… Phía quản lí vẫn bàng quan lãnh đạo nghệ thuật với tri thức và quyền lợi của mình mà không thấy rõ vai trò và chất lượng của: hệ thống đào tạo, tri thức hàn lâm, môi trường làm việc, cập nhật thông tin, trao đổi giao lưu…

  • Thiếu sự đóng góp của mỗi cá nhân. Quan niệm "tôi làm nghệ thuật tốt là tôi đóng góp cho phát triển xã hội rồi” có lạc hậu và ích kỷ không? Có thể chúng ta biết làm việc gì đó nhưng chúng ta chưa làm, có thể chúng ta có nội lực nhưng ai tập hợp và bật nội lực đó lên, có thể nhiều người trong chúng ta hiểu biết nhiều lắm nơi trà dư tửu hậu, nhưng lại vắng bóng ở nơi thực hành. Còn xa lắm giữa nói và làm!


*


Một nền nghệ thuật nếu không ở tầm nở ra không biên giới, đem lại nghĩ, sướng, tái sáng tạo, nhân văn và thông thoát… cho mọi tầng lớp, mọi mầu da thì ít ra cũng hữu dụng ở tầm địa phương, ngấm vào, làm cho đời sống dân sinh duy mỹ, nhân đạo, đa dạng và có bản sắc hơn.

Tôi xin đi ngược từ ngoài vào:

Hồi 1: Vị trí của mỹ thuật Việt Nam nằm ở đâu trong tương quan với khu vực và thế giới?

Cũng như bóng đá lấy huy chương quốc tế và khu vực làm thước đo trình độ phát triển, trong thời buổi toàn cầu hoá này, liệu có được không khi mỹ thuật thì lấy các bảo tàng có uy tín và các liên hoan mỹ thuật thường niên nội địa và quốc tế làm chỗ dựa cho phẩm cấp?

Vậy, dạo quanh hoàn cầu này mà xem, mỹ thuật Việt Nam xuất hiện thế nào?

Gạo Việt Nam xuất khẩu là thế, vậy mà vẩn vơ ở các góc trời chỉ thấy thương hiệu gạo Thái, gạo Surinam… Ðến các bảo tàng lớn uy tín, hay các bộ sưu tập hàng đầu thế giới, riết đã thành thói quen khi chẳng mảy may hy vọng gặp một cái tên nghệ sĩ Việt Nam. Rồi tôi tự nhận ra rằng: tâm lí tự ti về văn hoá khi ra ngoài trái ngược với tâm lí tự hào về đấu tranh là phổ biến của người Việt. (Xin không bao gồm sự tự hào về nón lá, áo dài, con trâu, nước mắm, thậm chí rất nhiều người Việt vẫn “tưởng” trống đồng - gồm cả trống Ðông Sơn - là đặc sản riêng của Việt Nam!)

Nhưng rồi cũng tạm ấm lòng khi bất ngờ gặp tác phẩm của một vài nghệ sĩ đương đại người Việt ở nước ngoài, còn với những nghệ sĩ nội địa chúng ta thì chỉ thấy hun hút bóng chim tăm cá mà thôi, ở đây chỉ mới nói đến “sự xuất hiện” thôi chứ chưa nói đến bùng lên gây chú ý.

Còn ở tầm khu vực chỉ có hai bảo tàng (tầm trung) là chịu khó chú ý đến Việt Nam: Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Singapore sưu tập tranh hiện đại, còn Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Fukuoka thì có cả tác phẩm hiện đại và đương đại, sự quan tâm của họ đến mỹ thuật Ðổi mới và đương đại Việt Nam còn hơn đứt Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam!

Bộ mặt của mỹ thuật quốc tế đương thời được giới thiệu chủ yếu ở các liên hoan mỹ thuật thường niên Biennale và Triennale (B&T), các B&T đã trở thành nơi họp mặt của các nghệ sĩ thị giác tiềm năng và hàng đầu trên khắp thế giới và trở nên phổ biến từ hơn 40 chục năm nay, trong đó sự xuất xuất hiện của các nghệ sĩ Việt Nam ở các liên hoan này là không đáng kể! Có trên dưới chục người trong khoảng chục năm trở lại đây đã tham dự các B&T quốc tế uy tín ở tầm trung bình như Asia-Pacific Triennial – Queensland, Uc; Liverpool Biennale, Anh; Gwangju Biennale và Busan Biennale, Hàn Quốc; Fukuoka Triennale, Nhật Bản… Trong đó hết già nửa là tham dự ở các hoạt động bên lề (Khá nhiều các liên hoan mỹ thuật thường niên có hoạt động chính thức và các hoạt động trong khuôn khổ tạm gọi là satellite – vệ tinh). Gần đây B&T đã lan toả đến các khu vực của thế giới thứ ba, mà gần ta nhất là Trung Quốc và Ðông Nam Á. Thật đáng tiếc, khái niệm này dường như còn xa lạ với đại đa số nghệ sĩ tạo hình ta, chẳng ai nói ra, cũng không ai thắc mắc hay tìm hiểu xem nó là cái gì.

Có người vẫn dạy: “Không cần so bì với các quốc gia khác, nghệ thuật là cá biệt và mất nhiều thời gian thẩm định", ý nói nghệ thuật ta hay đấy, đừng tự ti, cứ làm đi. Rồi “đừng phàn nàn, khó khăn thế này đã ăn thua gì, trước tiên cứ phải chứng minh mình đã”.

Ðã đành ai cũng biết, không làm việc là chết, khó khăn thì phải tự vượt, nếu chờ đến khi có ai để ý đến thì đã chẳng làm được gì. Không có khái niệm tự ti hay tự tôn, điều này là thực tế với những ai làm hội hoạ Đổi mới những năm 80 đến giữa những năm 90, và các môn nghệ thuật mới từ năm 95 đến nay. Nhưng có làm việc thì cũng có so bì và có phàn nàn cũng là tự nhiên và là bản chất bình dân của nghệ sĩ. Chứ thông suốt tương lai như nhà tiên tri, hay ngoảnh mặt với thực tế như tiên ở ẩn, hay bình chân như vại đều là tư chất của người ngoài nghệ thuật và trong thời đại này thì đó còn là thái độ của người bất lực.

Về mối quan hệ nghề nghiệp thì dường như không thấy một mối quan hệ nào giữa các cơ quan hội đoàn và quản lí mỹ thuật với các tổ chức và cơ chế mỹ thuật chuyên nghiệp uy tín trên thế giới (tôi nhấn mạnh chữ chuyên nghiệp, vì hình như chuyên nghiệp thì không hợp thuần phong mỹ tục của ta thì phải?) Tư nhân thì có vài mối quan hệ bập bõm nhưng vướng phải rào cản cơ chế thành ra không lớn lên được. Tôi biết một nhà phê bình gạo cội ở thành phố New York có tài trợ sang Việt Nam nghiên cứu mà trầy trật mãi không sang được vì không cơ quan văn hoá nào ở Việt Nam chịu tiếp nhận, trong khi điều kiện cấp tài trợ của quỹ nọ là phải có một viện văn hoá phía đối tác tiếp nhận.

Và thế là, cách chắc cú nhất là mình tự đánh giá mình, tự chơi với mình, tự phong danh hiệu cho mình. Chung quy ra vẫn là tự lập tự cường trên tinh thần mà phải áp dụng một câu của bóng đá mới tả hết được: “vừa thổi còi vừa đá bóng” ! Hay nói không quá lời là “thủ dâm sướng hơn giao… lưu”.

Vậy có thơ rằng:

Mịt mờ danh tính đâu không thấy
Vào ra luẩn quẩn lối không thông

Thôi thì cứ cho là ta thiên tài đến mức cá biệt không cần mặt bằng quốc tế, nghệ thuật của ta có thuần phong mỹ tục riêng, chỉ có ta hiểu được, ta cứ làm một ốc đảo vĩ nhân, coi quốc tế chả là cái đinh gì. Nhưng đã tổng kết về một giai đoạn kết thúc cách đây 10 năm, thì tự nhiên phải xem xét thành tựu của giai đoạn này có ảnh hưởng gì đến đời sống hàng ngày của dân ta. Vậy nhân dân Việt Nam được hưởng tiện ích gì từ các vĩ nhân nội địa? Xin mời xem tiếp hồi sau.

Hồi 2: Mỹ thuật Việt Nam 20 năm qua đem lại tiện ích gì cho đời sống văn hoá tinh thần người Việt?

Tình trạng, hoàn cảnh:
  1. Số lượng bảo tàng nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng rất ít. Cả nước chưa đếm hết một bàn tay. Không bảo tàng nào có chương trình giáo dục nghệ thuật!

  2. Không có chương trình giáo dục nghệ thuật phổ thông tầm quốc gia. Kiến thức về mỹ thuật trong dân chúng là ngô nghê nhất trong mặt bằng chung tri thức phổ thông.

  3. Tranh (các vật phẩm mỹ thuật độc bản) được bán cho người ở nước ngoài đến 99%. Ðến bảo tàng không có tranh mà xem. Tạp chí chịu in tranh và giới thiệu tác giả nhất là Heritage, dành cho ai có tiền đi máy bay thì được xem. Tờ Tạp chí Mỹ thuật chính thống không chịu đến với công chúng bằng hình thức xấu của mình và chính vì chất “chính thống” của nó. Một tờ Mỹ thuật khác in đắt, trình bày đẹp hơn thì lại là sản phẩm bán tên và theo thị hiếu báo lá cải.

  4. Ðại đa số nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật không tham gia các chương trình nghệ thuật phát triển cộng đồng. Họ chỉ yên phận trong nội bộ ngành.

  5. Sự thiếu chương trình giáo dục nghệ thuật phổ thông, nghệ sĩ và trí thức không tham gia làm nghệ thuật phát triển cộng đồng là nguyên nhân tạo gu thẩm mỹ kiểu rập khuôn. Mỗi người dân không có chính kiến nên chạy theo các mốt văn hoá của Hàn Quốc, Ðài Loan, Hong Kong và của người Mỹ gốc Phi. Có thể sắp tới sẽ khó nhận ra đặc điểm người Việt qua bề ngoài (nếu không mặc áo dài) vì gần đây, hầu như toàn bộ quần áo thời trang ở Hà Nội được nhập lậu về từ Quảng Châu, nơi tập trung quần áo may sẵn toàn cầu hoá!
Một nền nghệ thuật ảnh hưởng tốt đến dân chúng được thể hiện bằng hình thức của từng người dân và hình thức này luôn cho gợi ý về xuất xứ địa phương của họ.

Cái được gọi là thành tựu trong luồng của 20 năm qua là 5 cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc, và 15 cái trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong mười năm sau này. Ngoài ra không thể không kể đến hàng loạt tác phẩm hoành tráng xây lên thì dễ phá đi thì khó là các tượng đài cúng cụ. Thử hỏi dăm trăm cái huy chương, bằng khen, hàng ngàn tấn bê tông, đồng, sắt, tiêu tốn nhiều tỷ đồng ngân sách tất thảy đã đem lại sự tiên tiến nào cho đời sống thẩm mỹ của người Việt?

Thế mới gọi là:

Huy chương anh chế vung theo suất
Tiền chùa, giải thưởng múa tay ban.

Thành tựu của mỹ thuật đổi mới nói chung tác động đến đâu trong đời sống xã hội: mặt phố, nội thất, ăn mặc, giảng đường, truyền thông?

Ðó là sự hỗn mang của bộ mặt thẩm mỹ đại chúng!

Cho đến hôm nay, mỗi chúng ta hoặc cảm thấy bất nhẫn, hoặc tặc lưỡi bỏ qua khi hàng ngày mở mắt thấy những thứ khó nhìn. Tỉ dụ nhu mỗi lần đi qua Cung Văn hoá Hữu nghị, qua vườn hoa Indira Gandhi thì lại phải tế nhị lé mắt đi chỗ khác. Kiến trúc dân dụng bị bỏ hoang, hồn nhiên tô điểm cho thân phận thuộc địa lâu dài của mình trên mặt tiền nhà, bằng mọi thứ văn hoá thị giác nhận đượcbị nhận từ các loại phong kiến đế quốc và độc tài. Quy hoạch thẩm mỹ tổng thể vẫn bằng không, thành phố nhìn từ xa (skyline) rậm rì và lổn nhổn. Các công trình được các “đàn anh tặng” nặng nề, xấu xí, lạc lõng và choảng nhau bôm bốp với kiến trúc truyền thống và thực dân. Vì “anh” có design cho nước Việt đẹp đâu mà cốt để đóng dấu lên mặt “thằng em” thôi!


*


Có người hỏi: chưa kịp tổng kết thành tựu, đã vội sám hối là thế nào?

Xin thứ lỗi, nhưng chờ đến bao giờ? Với tình trạng thờ ơ, chậm rề rề của cơ chế hành chính, lí luận phê bình và giáo dục? Mọi động thái nghệ thuật phải chờ đến ít nhất sau 10 năm mới có một tín hiệu phản hồi dè dặt. Mà cũng toàn giọng chung chung không ra ngô cũng không ra khoai “cái này có vẻ không giống nghệ thuật”, cái kia “tôi không hiểu”, hay “chúng tôi luôn ủng hộ” (trên thực tế thì ủng hộ thế nào?) “những dòng sông đều chảy” (ai chảy và chảy thế nào?) v.v… Phải nhìn thẳng vào mặt trái của nó thôi!

Ðể có một nền mĩ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung phát triển, để hy vọng nghệ thuật ta tiên tiến và có bản sắc, tôi xin đề nghị cụ thể:
  1. Cải cách chương trình đào tạo mỹ thuật: cải cách các môn lịch sử mỹ thuật, phê bình mỹ thuật, mỹ học và triết học. Ðưa vào các môn học mỹ thuật đương đại. Từng bước xây dựng thêm các khoá đào tạo quản trị mỹ thuật, curatorial, xin tài trợ, kĩ thuật dàn dựng, âm thanh, ánh sáng…

  2. Sáp nhập các trường nghệ thuật vào trường đại học tổng hợp;

  3. Thành lập và tư nhân hoá các cơ sở đào tạo, các viện nghệ thuật, các hội đoàn, bảo tàng và cơ quan tư vấn và nghiên cứu;

  4. Xây dựng các chương trình giáo dục thẩm mỹ toàn diện từ cấp cơ sở, song song với phát triển các chương trình nghệ thuật phát triển cộng đồng;

  5. Lập các quỹ tài trợ và tái tài trợ;

  6. Ngoài các khu vực gallery thương mại, nên quy hoạch khu vực tập trung các hoạt động có tính chất phát triển như các trung tâm và không gian nghệ thuật phi lợi nhuận, studio của nghệ sĩ, nhà xuất bản và nhà sách nghệ thuật;

  7. Luật hoá các quy định văn hoá. Quản lí bằng luật chi tiết. Bỏ việc xin giấy phép triển lãm và trình diễn.
Mặc dù mỹ thuật Việt Nam đổi mới có tạo được sự chú ý nho nhỏ nào đó thì cũng chỉ là sự sáng nhấp nháy của vài cá nhân. Ngay cả giả dụ có cá nhân nào đó bật lên tầm thế giới cũng không giúp được cho cả nền nghệ thuật đất nước. Trong một thế giới mới, ta cần một môi trường hạ tầng đồng bộ, chuyên nghiệp thì mới có một nền mỹ thuật mạnh khỏe và tiên tiến được. Bản thân tiên tiến đã nội hàm bản sắc, vậy cứ tiên tiến đi rồi sẽ có bản sắc!

Nếu còn tình trạng:

Nghệ khí vai trò hàng thứ yếu
Thìa đũa cuốc xẻng mấy phần hơn

thì không khéo một thế hệ nghệ sĩ rất trẻ mới đang chợt lấp lánh sẽ lại nhanh chóng lụi tàn!

Thuốc đắng giã tật sự thật mất lòng,
thà chong mắt soi đèn lòng lo ngay ngáy,
còn hơn tự ru hời hỡi,
ăn bùa,
uống mê.

Hà Nội 5/2007
Nguồn: Tham luận tại Há»™i thảo "20 năm mỹ thuật thời kỳ đổi má»›i 1986-2006" do Viện Mỹ thuật, trường Ðại học Mỹ thuật Hà Ná»™i tổ chức tại Hà Ná»™i ngày 10 tháng 5 năm 2007. Bản đăng trên talawas đã được biên tập, có má»™t vài thay đổi về bố cục, vá»›i sá»± đồng ý của tác giả.