trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 884 bài
  1 - 20 / 884 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
14.5.2008
Uyển Hoàng
Hội thảo về Tự lực Văn đoàn trên đất Cẩm Giàng
 
Sau nhiều ngày tháng chuẩn bị rất cẩn trọng, báo cáo lên cấp trên và chờ đợi trong hồi hộp pha chút âu lo, cuối cùng cuộc hội thảo về Tự lực Văn đoàn do chính địa phương có vinh dự là mảnh đất ươm mầm cho văn đoàn ấy - UBND tỉnh Hải Dương, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hải Dương và UBND huyện Cẩm Giàng - trực tiếp lo việc tổ chức, đã diễn ra sáng 9-5-2008, trong phạm vi một tiêu đề hẹp: Bảo tồn và phát huy cố trạch của Tự lực Văn đoàn, với sự tham gia của nhiều cơ quan văn hóa nghệ thuật: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà văn Việt Nam, Bảo tàng Văn học, Viện Văn học Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, Hội Sử học Hải Dương… Mặc dầu người lo việc “bếp núc” cho hội thảo, GS Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, đột ngột lên cơn áp huyết bất thường nên không về được, giới khoa học, văn hóa và văn nghệ sĩ ở trung ương và Hà Nội đã về dự khá đông, có cả Đài Truyền hình Hà Nội cũng về quay quang cảnh hội thảo. Nhưng đông nhất vẫn là cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ban ngành tuyên văn giáo huấn tại địa phương, họ như đã chờ đợi cuộc hội thảo từ hàng năm nay rồi.

Sau lời chào mừng của bà Đặng Thị Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương và lời đề dẫn của ông Hà Huy Chương, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hải Dương, 30 tham luận và phát biểu đã được trình bày trong hội thảo với sự chú ý nghiêm túc và trật tự khác thường suốt 3 tiếng đồng hồ không có nghỉ giải lao. Công lao hiện đại hóa nền văn học Việt Nam những năm 30 thế kỷ XX của Tự lực Văn đoàn được nhất trí đánh giá cao, được phát hiện thêm ở khía cạnh này khía cạnh khác, hoặc được khái quát thành những luận điểm sắc nét, được bổ sung thêm tư liệu... trong số đó có các tham luận của GS Nguyễn Huệ Chi, PGS Vũ Tuấn Anh, GS Chu Hảo, GS Phong Lê, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Lê Lựu, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội Bùi Việt Thắng, PGS Hà Văn Đức, TS Cù Huy Hà Vũ...







Có ý kiến phản biện thẳng thắn với những quan điểm cũ từng tồn tại trong nhiều năm nay như một thứ áp lực nặng nề lên dư luận làm cho người ta dè dặt với văn đoàn nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại này. Người ta cũng tranh luận lại với những ý kiến trong hội thảo còn tỏ ra e dè, cứ muốn tách Tự lực Văn đoàn thành hai, nửa này và nửa kia một cách không biện chứng. Có báo cáo trình bày kỹ lưỡng gia thế họ Nguyễn Tường trong quá trình dài di chuyển từ Thanh Hóa vào Quảng Nam và rồi từ Quảng Nam ra lại xứ Bắc (Tăng Bá Hoành). Có báo cáo nói lên mối tình bền chặt giữa người và đất Cẩm Giàng đối với những kỷ niệm sâu sắc mà các nhà văn trong họ Nguyễn Tường để lại, qua nhiều năm tháng không bình yên trong quá khứ (Khúc Hà Linh). Nhiều báo cáo và phát biểu tập trung góp ý cho dự án khôi phục lại di chỉ Cẩm Giàng như một địa chỉ văn hóa, một nơi lưu dấu hình ảnh những người con ưu tú của dòng họ Nguyễn Tường mà với vùng đất Cẩm Giàng là một ngẫu nhiên may mắn (Hà Huy Chương, PGS Nguyễn Ngọc Thiện...).

Hội thảo đã kết thúc trong niềm vui: tỉnh Hải Dương và huyện Cẩm Giàng yên tâm hơn, nhận ra ý nguyện chung tha thiết của giới văn hóa văn nghệ, tự thấy rõ hơn trách nhiệm và nghĩa vụ giữ gìn và phát huy mảnh đất lưu dấu một văn đoàn lừng danh trong lịch sử, không phải như một hành động “giải oan” mà thật sự như một tôn vinh cần thiết, bởi chính “danh tiếng Tự lực Văn đoàn làm sang cho quê hương Cẩm Giàng” rộng ra cho Hải Dương và cả nước.

© 2008 talawas