trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
Điểm nóng
Chính trị Việt Nam
  1 - 20 / 434 bài
  1 - 20 / 434 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Điểm nóngChính trị Việt Nam
5.4.2008
Nguyá»…n Mai SÆ¡n
Nghĩ thêm về khái niệm “đồng hành với dân tộc”
 
Khi đọc được bài viết “Tản mạn về một vài dụng ngữ có hai chữ “dân tộc” của ông Phong Uyên, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên về cách suy luận và diễn giải của ông về khái niệm “dân tộc”. Nếu như có người nào đó đã “sử dụng” nó một cách “bừa bãi” thì cũng có người “dùng” nó làm công cụ diễn giải một cách rất tùy tiện...

Trong bài viết này, tôi xin làm một công việc nhàm chán xưa nay đó là dẫn theo từ điển, vì đó là công cụ phổ biến và phổ thông hơn cả để mọi người có thể tiếp cận với các thuật ngữ, khái niệm.


Cách hiểu “dân tộc” qua một từ điển

Từ “dân tộc” trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Latinh nātĭō (từ căn nātiōn-), nghĩa là hành động sinh nở, sự sinh đẻ.

Ở Châu Âu nhất là từ cuối thế kỷ 18, ý niệm về dân tộc được đánh giá cao trong chính trị, từ đó dẫn đến sự phát triển của học thuyết và triết thuyết về chủ nghĩa dân tộc. Những nhà theo chủ nghĩa dân tộc coi “dân tộc” không đơn thuần chỉ một nhóm người mà gắn liền với khái niệm chủ quyền.

Dân tộc được xác định dựa trên một số tính chất nhất định áp dụng cho từng cá nhân lẫn cả dân tộc đó. Yêu cầu đầu tiên là các tính chất phải chia sẻ được, vì một nhóm người chẳng có điểm gì chung không thể tạo thành dân tộc.

Thường thì những thuật ngữ như dân tộc, nước, đất nước hay nhà nước được dùng như những từ đồng nghĩa, ví dụ như vùng đất chỉ có một chính phủ nắm quyền, hay dân cư trong vùng đó hoặc ngay chính chính phủ. Chúng còn có nghĩa khác là nhà nước do luật định hay nhà nước thực quyền. Trong tiếng Anh các thuật ngữ trên không có nghĩa chính xác mà thường được dùng uyển chuyển trong cách nói viết hàng ngày và cũng có thể giải nghĩa chúng một cách rộng hơn.

Một số học thuyết quan trọng bậc nhất trong lịch sử cho rằng con người được phân thành các nhóm gọi là dân tộc. Học thuyết này bản thân đã có tính triết lý và đạo lý. Nó là khởi nguồn của tư tưởng về chủ nghĩa dân tộc. Người dân là thành viên của một dân tộc, họ được phân loại dựa vào đặc điểm chung, mà thường là dựa vào đặc điểm chung về nguồn gốc như tổ tiên, dòng dõi... Đặc điểm dân tộc cho biết điểm phân biệt giữa các dân tộc và của cả những người cùng thuộc một dân tộc. Có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau ứng với mỗi trường hợp. Sự khác biệt nhỏ trong cách phát âm cũng đủ phân loại con người theo các dân tộc khác nhau. Mặt khác, với hai người khác nhau về nhân cách, tín ngưỡng, nơi cư trú, thời gian, thậm chí cả ngôn ngữ vẫn có thể xem nhau như cùng dân tộc, và điều này được nhiều người công nhận. Người dân cùng tộc có chung lối sống, quy tắc cư xử, có trách nhiệm với các thành viên khác và chịu trách nhiệm về hành động của những người cùng tộc.

Một dân tộc thường trải qua nhiều thế hệ, cả những thành viên đã chết vẫn được xem như người trong tộc. Một điểm mơ hồ là những thế hệ tương lai cũng được tính là cùng tộc. Dù không xác định rõ khoảng thời gian nhưng một dân tộc thường có hàng trăm năm tuổi.

Thuật ngữ “dân tộc” cũng thường được dùng gần nghĩa với “người thiểu số” hay “thiểu dân”. Dân tộc tính là một trong số nhân tố quan trọng nhất xác định đặc trưng văn hóa, đặc trưng xã hội của các thành viên dân tộc. Tuy vậy, nhiều người có cùng gốc gác vẫn có thể sống ở những nước khác nhau và vì thế được xem là người dân ở những nước khác nhau. Trên truyền thông thỉnh thoảng hay có những tranh luận về yếu tố đặc trưng của một dân tộc.

Hầu hết mọi dân tộc sống trong một lãnh thổ cụ thể gọi là quốc gia. Một số dân tộc khác lại sống chủ yếu ngoài tổ quốc của mình. Một quốc gia được công nhận là tổ quốc của một dân tộc cụ thể gọi là “nhà nước - dân tộc”. Hầu hết các quốc gia hiện thời thuộc loại này mặc dù vẫn có những tranh chấp một cách thô bạo về tính hợp pháp của chúng. Ở các nước có tranh chấp lãnh thổ giữa các dân tộc thì quyền lợi thuộc về dân tộc nào sống ở đó đầu tiên. Đặc biệt ở những vùng người châu Âu định cư có lịch sử lâu đời, thuật ngữ “dân tộc đầu tiên” dùng cho những nhóm người có chung văn hóa cổ truyền, cùng tìm kiếm sự công nhận chính thức hay quyền tự chủ. (Theo vi.wikipedia.org)


Dân tộc và tôn giáo

“Dân tộc” là một khái niệm ngôn ngữ mà chúng ta mượn vào đó để tư duy. Nếu “dân tộc” là một khái niệm thì nó bình đẳng với tất cả các khái niệm ngôn ngữ khác, dù khái niệm đó diễn tả điều gì: sạch - dơ, tốt - xấu, cao - thấp, sang - hèn... Khi khái niệm đi vào cuộc sống, khái niệm ấy phản ánh tư duy của con người ở mỗi thời đại, nên thường xuất hiện thêm các khái niệm mới, cũng như những cách hiểu mới có khi khác xa với nguyên nghĩa ban đầu. Chính vì thế ngôn ngữ có tính võ đoán. Nếu ai có đọc qua các tác phẩm thiền luận, thiền học thì đều thấy rằng các thiền sư đả phá rất mạnh tư duy dựa trên ngôn từ và khái niệm. Nhưng các thiền sư không phải không hiểu rằng ngôn ngữ và khái niệm là một trong những phương tiện để tiếp cận với chân lý.

“Dân tộc” là một khái niệm thì “tôn giáo” cũng là một khái niệm. Khái niệm ấy nếu hiểu theo nghĩa là tính từ hay danh từ thì nó cũng có những phương diện ngữ nghĩa khác nhau. Mọi người, mọi tổ chức có thể khoác cho mình bất cứ danh nghĩa nào nếu phù hợp và không quá xa với phẩm tính của mình. Dân tộc và tôn giáo dù ở nghĩa hẹp hay rộng thì cũng phần nào chỉ ra những liên hệ, quan hệ hỗ tương của nó. Gần như có dân tộc là có tôn giáo, tín ngưỡng. Nếu “dân tộc” được hiểu theo nghĩa là một thể chế chính trị thì có người tán đồng có người không, nhưng tôn giáo phát triển hay trì trệ thì không ai có thể phủ nhận rằng nó liên hệ mật thiết tới thể chế. Đạo Phật, đạo Chúa, đạo Hồi phát triển ở quốc gia nào thì chính vị quốc vương đó phải là người theo tôn giáo đó hoặc tôn trọng, ưu tiên cho việc phát triển tôn giáo đó. Sự thăng trầm của một tôn giáo gắn bó rất chặt với thể chế chính trị. Lịch sử phát triển của các quốc gia, tôn giáo đều thống nhất chỉ ra điều đó.

Tôn giáo không hoàn toàn tốt đẹp hơn một thể chính trị nào đó nếu nó đi ra ngoài các nguyên tắc tôn giáo. Nhưng thực tế lịch sử cho thấy, các cuộc thánh chiến, các cuộc chiến tranh tôn giáo đều trực tiếp hay gián tiếp gia nhập vào đội quân của một thể chế nhất định, và số người chết bởi hận thù tôn giáo có lẽ còn lớn hơn nhiều số người chết bởi chiến tranh phi tôn giáo. Tuy nhiên, bỏ qua những giới hạn trong lịch sử tư tưởng của một số tôn giáo lớn trên thế giới, ngày nay người ta có thể khoác cho nó những khái niệm như “chủ nghĩa nhân văn Thiên Chúa giáo”, “chủ nghĩa nhân đạo Hồi giáo”..., và chẳng ai mất sức đi “đánh thuế” những danh xưng ấy cả.

Trong bài viết này, tôi muốn trao đổi với ông Phong Uyên về khái niệm “đồng hành với dân tộc”. Như trên tôi đã nói, sự thịnh suy của một tôn giáo gắn bó rất chặt với thịnh suy của một thể chế. Để ví dụ cụ thể, tôi không nói đâu xa ngoài Việt Nam: thời Lý - Trần, Phật giáo phát triển bởi có những ông vua mộ Phật, nhưng không cực đoan tư tưởng. Công giáo vào Việt Nam từ rất sớm nhưng không được công nhận, chỉ đến khi chính quyền thực dân, bảo hộ áp dụng chính sách thống trị, đồng hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam thì Công giáo mới có cơ hội phát triển. Giám mục Puginier muốn Công giáo hóa Việt Nam, và sau đó, gia đình Ngô Đình Diệm muốn Công giáo hóa miền Nam Việt Nam, họ đã áp dụng những chính sách kỳ thị tôn giáo, triệt hạ nhiều chùa chiền, đàn áp Phật giáo để phát triển Công giáo mà một số tranh luận gần đây trên talawas đã chỉ ra. Như vậy, những khi đắc thời, đắc thế, tôn giáo có lúc nào lại không “đồng hành” (có khi bằng con đường văn hóa, hòa bình, có khi bằng bạo lực chiến tranh) cùng một thể chế (do một ông vua Phật tử, một ông tổng thổng là tín đồ ngoan đạo, một bộ máy cộng sản... chi phối)? Nếu ông Phong Uyên đặt một vấn đề mà vấn đề đó là “đương nhiên” thì chẳng có gì phải ồn ào về những khái niệm đó cả.

Tại sao tôi phải nói vậy, vì cũng trong những phê bình về Phật giáo khi sử dụng từ “đồng hành với dân tộc”, tôi thấy ông Phong Uyên không hề nhắc gì về “khẩu hiệu” cũng không kém phần “to tát” của Công giáo: “Kính Chúa, yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc”, hơn thế Công giáo Việt Nam còn có cả một tờ tuần báo mang tên “Công giáo và dân tộc”. Hóa ra khái niệm “dân tộc” cũng “thời thượng” ngay cả với Công giáo Việt Nam đấy chứ! Ông Phong Uyên có dụng ý gì với đạo Phật khi có ý “miệt thị” những từ dùng ấy, và vội vã hơn khi gắn Phật giáo với từ “dân tộc” là “đề cao vai trò của Đảng Cộng sản”.

Phật giáo Việt Nam không gắn một cách thô thiển từ “dân tộc” với Đảng Cộng sản, bởi hơn hết khái niệm “dân tộc” mang một nội hàm rộng, xuyên suốt qua nhiều thể chế trong lịch sử dân tộc. Ngay cả ở những thể chế Nho giáo, hiện tượng “cư Nho mộ Thích” cũng không phải quá hiếm nơi các danh Nho ở Việt Nam. Tôi cũng xin nói, từ “đồng hành” với dân tộc chẳng phải là Phật giáo “tự thưởng” cho mình, nhưng căn cứ từ trong thực tế lịch sử Phật giáo đủ tư cách để không hổ thẹn với điều này. Dù Công giáo có những đóng góp cho văn hóa Việt Nam ở những thời điểm nào đó trong lịch sử đi chăng nữa thì chắc chắn một điều hai từ “đồng hành” không dễ gì để bất cứ người Công giáo nào cũng có thể thốt ra được.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện nói: “Đồng hành là đi song song với nhau. Cá nhân tôi muốn nói mạnh hơn một chút, là Phật giáo Việt Nam đi chung con thuyền với dân tộc. Đồng hành có thể không bảo vệ nhau nhưng đi chung con thuyền phải bảo vệ nhau, thuyền đắm thì cả hai đều đắm. Điều này là sự thật, là lịch sử, chứ không phải là miễn cưỡng.” (nguoidaibieu.com.vn).

Khi nói đến thời Lý - Trần, ông Phong Uyên cho rằng: “Các vị vua đều tách rời tôn giáo với chính trị, và chỉ khi đã từ bỏ ngôi vị của mình mới xuất gia nương mình cửa Phật.” Tôi không nói từ “các vị vua” là không đúng, nhưng tôi muốn nói rằng, thật là ngây thơ nếu ai đó cho rằng có thể tách rời tôn giáo với chính trị. Bởi nhiều quốc sư, thiền sư qua nhiều triều đại là những cố vấn chính trị, quân sự quan trọng của triều đình, nhiều văn thần, võ tướng đều quy y, thọ bồ tát giới. (Xin xem phần “Phụ chú” cuối bài.) Đơn cử Trần Thái Tông, vị vua mở đầu triều Trần viết: “Lẽ nào ta không lấy trách nhiệm của bậc Tiên, Thánh làm trách nhiệm của mình, lấy giáo lý của Đức Phật làm giáo lý của mình ư!” (Khóa hư lục). Dĩ nhiên Phật giáo thời Lý - Trần không phải sử dụng từ “đồng hành”, vì với những lần kháng Tống và ba lần kháng Nguyên Mông, nó đã đặt sự sống chết của nó với dân tộc rồi.

Tôi rất chú ý đến kết luận của ông Phong Uyên: “Tôi xin kết luận bằng một nhận xét – đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều khi đọc những bài viết trong nước – là (đa số) trí thức Việt Nam rất giỏi về lí luận, nhưng hình như là thứ lí luận thiếu óc phân tích, thiếu cái nhìn các sự kiện một cách khách quan mà bao giờ cũng theo lập trường. Có lẽ vì từ trước tới nay lí luận về chính trị luôn luôn được đặt lên hàng đầu và được coi là đồng nghĩa với “lô gích” nên người trí thức trong nước – được đào tạo trong lòng chế độ – đã quen để phong cách lí luận chính trị xâm chiếm mọi lĩnh vực, trong đó có khoa học lịch sử.” Với những “lí luận” của ông Phong Uyên, tôi chỉ xin đặt câu hỏi: khi quá “dị ứng” với những từ “dân tộc”, “đồng hành với dân tộc”, “nằm trong lòng dân tộc”... mà ông chỉ mũi dùi vào Phật giáo, ông đứng trên “lập trường” nào? Nếu nó không phải là “sô vanh” chủ nghĩa thì liệu nó có phải là chủ nghĩa “bài dân tộc” hay không? Liệu ông có nhầm lẫm giữa niềm tự hào dân tộc (đặc trưng của các dân tộc trên thế giới) với chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay không? Và với những gì ông viết, nếu không phải là cái “lý luận trong nước” thì liệu nó có phải là cái “lý luận ngoài nước” hay không? Mọi so sánh đều khập khiễng, ai có thể so sánh cho tôi bằng tinh thần “khách quan” nhất (một điều mà tôi đã rất khó tin qua bài viết của ông Phong Uyên)!


Phụ chú

Trong lịch sử Việt Nam các thế kỷ X–XIV, các thiền sư tiêu biểu như Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Mãn Giác, Viên Thông và Huyền Quang đã đóng góp phần lớn vào công việc chính trị, ngoại giao của nhà nước.

Thiền sư Khuông Việt (933–1011) đã phò trợ các vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Ông thuở nhỏ học Nho, lớn lên quy y đạo Phật. Năm 40 tuổi, danh tiếng vang dội đến triều đình. “Vua Đinh Tiên Hoàng (968–979) vời ông về kinh đô hỏi chuyện. Sư đối đáp hợp ý, được vua phong làm Tăng Thống. Năm thứ 2 hiệu Thái Bình được ban hiệu Khuông Việt đại sư” [1] . Lê Đại Hành sau khi lên ngôi vẫn tiếp tục trọng dụng Khuông Việt đại sư. “Vua Lê Đại Hành (980–1005) đối với sư càng đặc biệt kính trọng, phàm các việc quân quốc triều đình, sư đều được tham dự.” [2]

Cùng thời với Khuông Việt, Thiền sư Đỗ Thuận (915?–990) cũng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành. “Trong buổi đầu, khi nhà Tiền Lê mới sáng nghiệp, sư có công dựng bàn hoạch định sách lược” [3] . Là một người có học vấn uyên bác và có tài ngoại giao, Đỗ Thuận từng được vua cử ra giao thiệp với đoàn sứ thần nhà Tống Trung Quốc vào năm Thiên Phúc thứ 7 (968).

Thiền sư Vạn Hạnh (939?–1018) sống vào giao thời giữa nhà Tiền Lê và nhà Lý. Vạn Hạnh từng làm cố vấn cho vua Lê Đại Hành, được nhà vua “đặc biệt tôn kính” [4] . Lê Đại Hành thường học hỏi, bàn bạc với Vạn Hạnh về những việc chính trị và quân sự. “Năm Thiên Phúc thứ nhất (980), nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm lược nước ta, đóng quân ở gò Tử Cương núi Giáp Lăng, vua mời sư đến hỏi tình thế thắng bại thế nào. Sư đáp: ‘– Chỉ trong ba, bảy ngày, giặc tất phải lui.’ Sau quả đúng như thế.” [5] Khi nhà Tiền Lê suy tàn, Vạn Hạnh đã gây dư luận ủng hộ Lý Công Uẩn lên làm vua, khai sáng nhà Lý. Dưới triều đại nhà Lý, Vạn Hạnh đã được Lý Thái Tổ (1010–1028) phong làm quốc sư, có địa vị rất cao và danh tiếng rất lớn nhờ công lao dựng nước và giữ nước của ông.

Mãn Giác (1052–1096) được vua Lý Nhân Tông hết sức kính trọng, phong cho tôn hiệu “Hoài Tín đại sư”, “được dự bàn chính sự ngang hàng với các quan tam ti”. Lý Nhân Tông còn “cho dựng chùa Cửu Liên Giáo ngay ở bên cạnh cung Cảnh Hưng, thỉnh sư đến trụ trì để tiện hỏi han về đạo Phật” [6] .

Viên Thông (1080–1151) cũng là một quốc sư học vấn uyên bác, thông thạo về sách lược trị quốc. Năm Thiên Thuận thứ 3 (1130), vua Lý Thần Tông (1128–1138) vời nhà sư vào điện Sùng Khai để hỏi kế hưng vong trị loạn. Quốc sư đáp: “Thiên hạ cũng như đồ dùng, đặt vào chỗ yên thì nó tất yên, đặt vào chỗ nguy thì nó tất nguy. Xin hoàng thượng hành xử đức hiếu sinh cho hợp với lòng dân thì dân sẽ kính yêu hoàng thượng như cha mẹ, ngưỡng mộ hoàng thượng như mặt trăng, mặt trời. Ấy là đặt thiên hạ vào chỗ được yên vậy” [7] . Những lời hùng biện trên của Quốc sư Viên Thông khiến chúng ta thấy sự hiểu biết sâu sắc của ông về sách lược quản lý nhà nước cũng như sự quan tâm thắm thiết của ông đối với vận mệnh của quốc gia.

Huyền Quang (1254 –1334) là vị tổ sư đời thứ ba của thiền phái Trúc Lâm. Ông học vấn uyên bác, có tài ngoại giao: “Những khi tiếp Bắc sứ hay thư từ qua lại, Tổ viện dẫn kinh nghĩa, ứng đối trôi chảy, ngôn từ trội hơn hẳn sứ thần Bắc Quốc và các nước láng giềng.” [8]

“Nhập thế” của Phật giáo Việt Nam không những thể hiện ở chỗ các thiền sư Phật giáo tham gia giải quyết công việc chính trị, ngoại giao, văn hoá và giáo dục, mà còn thể hiện ở chỗ “chính giáo hợp nhất” – Phật giáo kết hợp chặt chẽ với chính quyền nhà nước phong kiến Việt Nam. Ông Kimura Hiroshi, học giả Nhật Bản nói: “Đặc trưng của Phật giáo Việt Nam là vương quyền và giáo quyền kết hợp một cách tự nhiên”. “Tình trạng của sự kết hợp giữa vương quyền và giáo quyền [ở đây] hiếm có trong lịch sử Phật giáo” [9] .

Trong các triều đại Lý và Trần, tình trạng “chính giáo hợp nhất” rất đậm nét và nổi bật. Khá nhiều vua chúa quý tộc tôn sùng đạo Phật, trong đó còn có người sáng lập giáo phái. Lý Thánh Tôn (1054–1072) là một trong ba vị tổ sư thế hệ thứ nhất, Lý Anh Tôn (1138–1139) là một trong bốn tổ sư thế hệ thứ ba, và Lý Cao Tông (1176–1210) là một trong bốn tổ sư thế hệ thứ năm của thiền phái Thảo Đường. Các vị vua của nhà Trần, từ Trần Thái Tông (1225–1258) cho đến Trần Minh Tông (1314–1329) đều sùng đạo và tích cực ủng hộ Phật giáo. Trần Thái Tông là một cây đuốc sáng khai nguồn cho tinh hoa đạo Phật bùng cháy. Trần Thánh Tông (1258–1278) tuy ngồi trên ngai vàng mà hành trạng chẳng khác một thiền sư đắc đạo. Trần Nhân Tông là vị tổ sư đời thứ nhất của phái Trúc Lâm. Trong triều đình nhà Trần, xuất hiện một tình trạng “lấy địa vị vua chúa mà làm đại sĩ, hoàng hậu mà làm tì khưu, khanh tướng mà làm thầy chùa.” [10] Họ “vừa giữ vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia, vừa có tư thế của một lãnh tụ Phật giáo.” [11] Tam tổ thực lục chép rằng, mùa đông năm Giáp Thìn, niên hiệu Hưng Long thứ 12 (1304), Trần Anh Tông (1293–1314) đã “dâng biểu mời Điều Ngự (Trần Nhân Tông) vào Đại Nội để thọ tâm giới tại gia Bồ tát. Ngày [Điều Ngự] vào thành, vương công, bách quan sắm lễ nghi đầy đủ đón rước xa giá của Điều Ngự, rồi cùng thọ giới pháp.” [12]

Theo chúng tôi, sở dĩ hai triều đại Lý, Trần thi hành “chính giáo hợp nhất” là vì các vua của hai triều đại này cho rằng khi quản lý nhà nước, Phật giáo có một tác dụng tích cực, Phật giáo và Nho giáo bổ sung lẫn nhau. Trần Thái Tông từng nói “Trẫm thầm nhủ: Phật không chia Nam Bắc, đều có thể tu mà tìm; tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy, phương tiện dẫn dụ đám người mê muội; con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh, ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế; làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy trách nhiệm của Tiên thánh. Cho nên Lục tổ có nói: ‘Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau.’ Như thế đủ biết đại giáo của đức Phật ta phải nhờ Tiên thánh mà truyền lại cho đời; thế thì nay lẽ nào trẫm không coi trách nhiệm của Tiên thánh là trách nhiệm của mình, giáo lý của đức Phật là giáo lý của mình!” (Trần Thái Tông, bài tựa Thiền tông chỉ nam.)


© 2008 talawas


[1]Trần Lê Sáng chủ biên, Thiền uyển Tập anh, Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 2, Nxb KHXH, 1997; trang 628.
[2]Sách đã dẫn; trang 628.
[3]Sách đã dẫn; trang 729.
[4]Sách đã dẫn; trang 734.
[5]Sách đã dẫn; trang 666.
[6]Sách đã dẫn; trang 774.
[7]Sách đã dẫn; trang 773.
[8]“Tam tổ Thực lục”, sách đã dẫn; tr. 814.
[9]Kimura Hiroshi (La HoảngTrào dịch từ Nhật ngữ sang Trung văn), Lịch sử và tôn giáo của Đông Nam Á, Nxb. Minh Tinh, 2001; tr. 162.
[10]Lê Quý Đôn, Toàn tập, tập 2: Kiến văn Tiểu lục; tr. 387.
[11]Thích Phước Sơn, “Nhìn khái quát Phật giáo đời Trần”, Tạp chí Văn học, số 4-1992, tr. 22.
[12]“Tam tổ Thực lục”, sách đã dẫn; tr. 785.