trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 177 bài
  1 - 20 / 177 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
27.3.2008
Kiệt Tấn
Sự đời
Bài 16
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19 
 
Sáng giăng em tưởng tối giời
Em ngồi để cái sự đời em ra
Sự đời như cái lá đa
Đen như mõm chó, chém cha sự đời !


Nghĩ lai rai – Ba mươi

1. Lại bàn qua về khủng bố. Trong “Sự đời – Bài 10” bần tăng có nói phớt qua về những hình thức khủng bố, từ bạo động như đặt bom, cướp máy bay, sang ngụy trang như khủng bố chính trị, tôn giáo, cho tới tinh vi như khủng bố kinh tế, tài chánh. Thử phân tích vài trường hợp khủng bố kinh tế đã xảy ra tại Ấn Độ: vụ bò cái và vụ coton (bông vải).

Ai cũng biết MỹLiên Âu (liên hiệp Âu châu) trợ cấp cho các sản phẩm nông nghiệp của mình để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, nhứt là cạnh tranh với các quốc gia nghèo và kém mở mang vì họ bán cùng sản phẩm với giá thấp hơn. Song song, Tổ chức Thương mại Thế giới (OMC), Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ Quốc tế (FMI) lại có thói quen đòi hỏi các quốc gia nghèo giảm thuế quan đối với hàng nhập cảng, đồng thời cắt giảm số trợ cấp ít oi của chánh phủ các quốc gia này nhằm giúp cho nông dân mình sống cầm cự. Tình trạng chèn ép này khiến cho các nông dân nghèo phá sản, đói kém, đưa tới nhiều vụ tự sát vì không còn cách gì sống được.

Ngân khoản trợ cấp của Mỹ và Liên Âu dành cho nền canh nông của mình đạt tới mức điên rồ. Tiền trợ cấp hàng ngày cho mỗi con bò tại các quốc gia giàu có này bằng gấp hai lần lương công nhật của một nông dân Ấn Độ (khoảng 1 euro). Bởi vậy, khi được hỏi họ ước mơ gì, một nông dân Ấn Độ có trình độ đã đáp liền tù tì: “Được sinh ra làm con bò Âu châu”!

Thị trường coton cũng vậy thôi. Cái đòn trợ cấp của Mỹ và Liên Âu đã tác hại khủng khiếp trên hoạt động trồng coton tại Ấn Độ, và tại nhiều quốc gia khác ở Phi châu. Chẳng hạn năm 2005, trị giá tổng sản lượng coton của Mỹ ước lượng vào khoảng 3,9 tỉ đô la. Thế nhưng ngân khoản trợ cấp cho 20 ngàn nông dân Mỹ trồng coton đã lên tới 4,7 tỉ đô la! Kết quả: giá cả coton đã bùng nổ trên thị trường thế giới. Được thổi phồng một cách giả tạo bởi ngân khoản trợ cấp quá trớn của các quốc gia giàu có, các giá cả này đã tiêu diệt tàn bạo các nông dân nhỏ tại các quốc gia nghèo vì họ sản xuất bằng chính những phương tiện ít ỏi của mình. Lại phá sản và tự sát hằng loạt.

Cái đòn trợ cấp của Mỹ và Liên Âu trong 2 trường hợp bò cái và coton rõ ràng đã đưa tới nghèo đói, phá sản và nhiều vụ tự sát của nông dân tại các quốc gia nghèo. Cái đó không gọi là khủng bố thì gọi là gì? Dùng nguỵ biện hay một mỹ từ nào khác chỉ là đạo đức giả và đểu ác / cynique. Cái khủng bố kinh tế và cái khủng bố đặt bom, cái nào tàn độc và khủng khiếp hơn cái nào? (mặc dù cả hai đều là khủng bố và đều khốn kiếp như nhau) “Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng mạnh.” Tâm địa con người vốn nó như vậy đó. Chối cãi được chăng?


2. Cách mạng! Chưa thấy dân tộc nào khoái cách mạng bằng dân tộc ta. Cách mạng trong nhà, cách mạng ngoài ngõ. Cách mạng trên trời, cách mạng dưới đất. Cách mạng mùa thu, cách mạng mùa đông. Cách mạng chính trường, cách mạng sân khấu. Cách mạng anh, cách mạng tui. Cách mạng sẵn sàng trên đầu lưỡi của mọi người… Nói sao cho hết.

30 tháng Tư! Ai cũng biết đó là ngày gì. Phe thắng thì gọi là ngày “giải phóng”. Phe thua thì gọi là ngày “sập tiệm”. Mười năm đầu sau 75, ở Pháp phe ta đều có tổ chức “đêm không ngủ” để ghi dấu ngày quốc hận. Hận chết bỏ! Hận bỏ ăn, hận bỏ ngủ. Một năm nọ, bần tăng cũng tham dự với tính cách giúp vui bà con ta: biểu diễn võ thuật! Không phải bần tăng biểu diễn – bần tăng chỉ biết múa võ Lèo và đánh vỏ... chai mà thôi. Nhưng đàn em biểu diễn. Trong phiên họp chuẩn bị không ngủ, thình lình có một vị đeo kính cận mặt mày sáng sủa chợt đứng dậy phát biểu: “Đêm nay, chúng ta sẽ làm cách mạng!”» Đang chuẩn bị (cho hai đứa mình) “thức trắng đêm nay”, giờ bỗng nghe kêu gọi “làm cách mạng”, bần tăng tự nhiên bị dị ứng phát nổi ngứa cùng mình, bèn tự động phản pháo cái rụp: “Bộ anh tưởng chỉ nội trong một đêm mà làm xong cách mạng được hả? Hơn nữa cũng tại bác Hồ làm cách mạng mà bọn mình mới bỏ chạy qua bên Tây để mà thức trắng đêm đây, bộ chưa tởn hay sao mà bây giờ lại còn đòi làm cách mạng?” Báo hại ông chủ toạ phải vội vàng đứng lên có đôi lời hoà giải. “Kách mạng! Ôi kách mạng!” Mẹ rượt! Chính những thằng làm cách mạng, sau khi thành công, mới sợ “bị” cách mạng tiếp theo lật đổ mình hơn ai hết.


3. Nói tới cách mạng thì không thể nào không nói tới cái ngày “cát tót zuy dê”. Ngày 14 juillet 1789, Cách mạng Pháp: Lần đầu tiên ở Âu châu dân ngu khu đen tự động đứng dậy với gậy gộc, giáo mác, bắt cóc đức vua đem lên đoạn đầu đài chặt đầu rồng đá banh. Ngon lành chưa?

Cái lòng oán hận nền quân chủ vốn đã chất chứa từ lâu trong lòng dân Pháp. Cho tới đời Louis XVI thì nó lên tới mức sẵn sàng bùng nổ. Hoàng hậu Marie-Antoinette rất hời hợt, hoang phí, ném tiền (và ném cả vua?) qua cửa sổ. Kho vua cạn. Trong dân gian xảy ra nạn đói kém. Thường ngày dân Tây ăn pain rẻ tiền (loại bánh mì dài đòn, vỏ dòn và hơi mặn mặn). Dân trưởng giả ăn sáng với brioche đắt tiền (loại bánh mì tròn xốp như bánh bông lan, hơi ngọt ngọt). Khi nhìn thấy hoàng hậu phung phí quá trớn, một cận thần đã lên tiếng nhỏ nhỏ nhắc khéo: “Khải tấu Hoàng hậu, dân chúng không có bánh mì / pain để ăn”. Toanh-Nết bèn đáp nhỏng nhảnh: “Thì họ lấy bánh mì ngọt / brioches mà ăn!” Ngon lành chưa? Câu nói đó chính là giọt nước làm tràn ly đầy. Cách mạng do Robespierre cầm đầu đã phá ngục Bastille, bắt vua Louis XVI và hoàng hậu Toanh-Nết hạ ngục.

Vào thời điểm đó, có một vị hiểu biết khoa học tên Guillottine. Vị này chế ra được cái máy chém có lưỡi dao to bảng vạt xéo rất nặng, từ trên cao rớt xuống. “Bụp!” một cái, mượn đỡ cái đầu đội nón để đá banh. Bèn đặt tên luôn cho cái máy chém của mình là guillottine. Thiệt là đúng thời và đúng lúc hết cỡ nói. Phe cách mạng bèn nảy ra sáng kiến đem đầu đức vua Louis XVI ra chặt thử. Ai dè nó đứt thiệt - tưởng là nó (không) đức ai dè nó đứt! Kế đó đem đầu hoàng hậu Toanh-Nết ra chém thử tiếp theo. Ai dè nó cũng đứt luôn! Đem đầu cận thần của đức vua ra thử tiếp. Đứt dài dài. Vậy mà cái guillottine vẫn chưa đã khát. Bèn xoay qua xơi tái lai rai đầu các con dân đã ủng hộ Cách mạng. Trong “Sự đời – Bài 6”, bần tăng có đề cập tới trường hợp của Condorcet, người đã hết lời ca ngợi các đức hạnh của Cách mạng. Nhưng tới hồi kết cuộc: “Tưởng rằng nó đức hạnh, ai dè nó… đứt thiệt”. Đó là tin vịt bần tăng tung ra để chọc quê Condorcet chơi cho vui đó thôi, chớ Condorcet không bị máy chém guillottine nó mượn đỡ cái đầu. Nhà toán học này trước kia phục vụ cho hoàng thượng. Khi Cách mạng bùng nổ thì theo Robespierre. Nhưng khi thấy phe Cách mạng chém đầu mọi người hăng quá nên có lên tiếng chỉ trích. Bị cách mạng lùng bắt, nhà toán học bỏ trốn, nhưng cuối cùng bị tóm và tống giam. Qua ngày hôm sau, khi lính tới dắt tên phản động lên phòng thẩm vấn “làm việc” thì thấy nhà toán học đã sùi bọt mép mà chết thẳng cẳng. Chết vì thuốc độc – có lẽ để trốn tránh những câu hỏi về đức hạnh tréo cẳng ngỗng, khó “zả nhời” của Robespierre. “Tưởng rằng nó đức hạnh, ai dè nó… đứt chến!” Đức hạnh, đứt đầu, hay đứt chến, đàng nào thì cũng đều đứt hết cả.

Nhưng chưa hết. Được ít lâu sau, tới phiên Robespierre cũng tình nguyện biếu cái đầu lãnh tụ cách mạng của mình cho Cách mạng mượn đỡ để đội nón. Mở màn cho cái truyền thống “tự ăn thịt” cho các cuộc cách mạng vĩ đại của lịch sử sau này. Truyền thống: “Sau khi ăn thịt xong bọn phản động thì cách mạng xoay qua ăn thịt chính những đứa con của mình”. Ở Nga, sau khi cuộc cách mạng vô sản của Lénine 1917 thành công, Trotski, Kirov, Boukharine và rất nhiều đồng chí trung kiên của Lénine bị Staline thanh toán. Ở Trung cộng, Mao hạ bệ và thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu… Ở xứ ta, khi Cách mạng mùa thu 1945 của Bác thành công thì Nguyễn Bình, Tạ Thu Thâu, Phan văn Hùm bị thịt. Và sau năm 1975, MTGPMN bị giải tán, hạ bệ sau khi Cộng sản Bắc Việt chiếm xong mìền Nam.

Nhưng vẫn chưa hết. Hồi kết thúc của cuộc Cách mạng Pháp vô cùng lâm ly bi đát: chính nhà khoa học Guillottine cha đẻ của cái máy chém cách mạng, cuối cùng đã bị chính cái guillottine con mình nó “Bụp”! Ô voa cái đầu! Truyền thống “xơi con mình” của cách mạng phải được duy trì!


4. Nói chuyện khoa học có lẽ vui hơn. Nay thử bàn qua vấn đề tình dục của loài thú (con người tự bản chất không phải là thú ư?)

Nhắc lại truyện ngắn Em vịt vàng nhỏ của bần tăng. Trong truyện có một nhân vật cuồng dâm bất hủ là con vịt xiêm đực già Đại Bàng. Ngoài gà, ngỗng, heo (và bà chủ cho mướn nhà) ra, bất cứ nàng vịt mái nào lảng vảng, bất kể vịt xiêm vịt ta, bất luận già trẻ bé lớn, đều bị Đại Bàng hiếp dâm ráo trọi. Sử ta có chép vua Minh Mạng nhờ uống rượu thuốc loại “ông uống bà khen” mà cho ra đời ngót nghét 108 thằng lỏi và con nhóc. Nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ so với thành tích của Đại Bàng. Suốt triều đại Vịt Xiêm dài mút mùa lệ thủy của Cuồng Dâm Hoàng đế, qua bốn năm thế hệ, đếm làm sao cho hết đám vịt thái tử và công chúa - bốn trăm? năm trăm?

Hồi nhỏ bần tăng còn thơ ngây nên những tưởng là Đại Bàng con đàn cháu đống. Dè đâu mới đây, đọc tạp chí khoa học thấy nói tới một khám phá lạ lùng, khiến cho bần tăng phải đặt nghi vấn về cái niềm tin khờ dại hồi thơ ấu của mình. Số là cô Patricia thuộc đại học Yale bên Mẽo, sau khi mổ xẻ và khảo sát dục bộ của 16 loài vịt và ngỗng, đã đi tới nhận xét sau: Dục bộ của vịt mái nó xoáy ngược chiều với dục bộ của vịt đực. Hơn thế nữa, âm bộ lại còn có nhiều ngõ ngách (như địa đạo Củ Chi?), có khi lại dẫn tới ngõ cụt. Kết quả: vịt đực khó lòng mà hiếp dâm ẩu nữ vịt. Mà cho dù có hiếp dâm được đi nữa, cũng chưa chắc gì đã truyền được cái giống cuồng dâm đích thực của mình. Như vậy, có chắc gì cái đám vịt con thái tử và công chúa, kết quả của những cuộc tình ép uổng đầy nước mắt và lông rụng khi xưa đích thực là con của bạo chúa Đại Bàng? Mà bạo chúa thì đã chết mất đất (và mất xác) từ khuya rồi, làm sao trắc nghiệm ADN để xác định dòng dõi cho được? Biết tôn thái tử nào lên nối ngôi Hoàng đế Đại Bàng bây giờ đây?

Tuy nhiên, cái khám phá của cô Patricia cũng khiến cho bên trong cái đầu trọc của bần tăng loé lên một niềm hy vọng le lói và tin yêu mới. Trong thời đại di truyền học ngày hôm nay, các nhà sinh học có thể sửa đổi được các di thể (gènes) truyền giống. Biết đâu một ngày nào đó, các khoa học gia sẽ sửa đổi din con người sao cho nình bà có được cái dục phận rắc rối, xoáy ngược chiều và có nhiều địa đạo Củ Chi như âm bộ của các con vịt mái vậy đó. Chẳng hạn lấy din vịt mái ghép vô din nình bà, như khoa học đã từng ghép din dạ quang của loài sứa vô tế bào của mấy con cá Tàu cho nó vô cùng le lói by night. Khi đó, các bà nữ quyền sẽ yên chí lớn: bọn đực rựa sẽ hết phương trổ mòi và bất ly cục cựa (quê chưa?) Sẽ không còn cái nạn các bà la toáng lên om sòm “Em chả! Em chả!” Còn bọn đực rựa thì cũng hết cái nạn bị đội nón macho và bị nón nó xiết cái đầu nhức như búa bổ!


5. Nhưng gì chớ nói tới tình dục thì chẳng khác gì kể chuyện dài Nhân dân tự vệ. Nó dính dấp tới muôn loài và có thiên hình vạn trạng. Sau loài vịt, thử tìm hiểu cái sắc thái tình dục của loài bọ ngựa trời (có bộ mặt ngựa?) và loài nhền nhện (có bộ mặt người?)

Bọ ngựa trời được mấy ông Tây tặng cho cái hỗn danh mỹ miều là mante religieuse, có nghĩa là bọ nữ tu, vì hai cánh tay trước của bọ lúc nào cũng khép nép chắp trên ngực như nữ tu cầu nguyện. Cầu nguyện gì? Cầu nguyện sao cho Thượng đế xui khiến ngày hôm nay có một nam tu sĩ tự nguyện tới nạp mạng cho chằn. Mà quả nhiên bọ nữ tu thuộc loại “chằn ăn trăn quấn” hàng cao cấp. Mỗi lần bọ nam tìm tới nữ tu để tỏ tình thì chẳng khác gì Kinh Kha sang sông Dịch thích khách bạo chúa. Sang Tần tráng sĩ Kinh Kha chết / Máu đỏ trôi sông Dịch thủy về… !

Bọ nam chỉ lớn và nặng ký bằng một nửa Nữ chúa. Trận đấu rất là chênh lệch cán cân trọng lượng. Vậy mà chàng vẫn hiên ngang và hân hoan sang sông thí mạng… cùi. Thừa cơ bọ nam đang lâm trận mê tơi, Nữ chúa thò hai cánh tay khép nép cầu nguyện của mình ra mượn đỡ cái đầu của Kinh Kha mà nhâm nhi khai vị. Dù đã mất đầu nhưng thân mình còn lại của tráng sĩ vẫn tiếp tục hành hiệp (hành lạc?) say sưa. Thích khách kiểu này quả nhiên là thích quá thích! Gẫm lại tráng sĩ bọ nam còn sướng hơn tráng sĩ Kinh Kha rất… rất nhiều. Sau khi hoàn tất nhiệm vụ truyền giống, thân thể bọ nam hoan hỉ cúng dường luôn cho Nữ chúa lót dạ. Yến tiệc xong, Nữ chúa ợ một cái dài, lấy tăm ra xỉa răng. Đoạn rút khăn kleenex chùi miệng, lấy son tô lại đôi môi xanh dờn của mình, ướm thử một nụ cười ruồi, rồi chắp hai cánh tay lên ngực mà khép nép cầu nguyện như trước. Tiêu tùng một kiếp Kinh Kha. Qua Tần tráng sĩ Kinh Kha chết / Tráng sĩ một đi chẳng trở về…


6. Bây giờ thử bàn qua “dấu ấn” tình dục của loài nhện. Trong truyện Tây du có nói tới loài Nữ yêu Nhền nhện giăng lưới nhựa bắt thầy trò Tam Tạng đem về động ăn thịt. Thì ở ngoài đời cũng y chang vậy thôi. Có điều khác hơn một chút là ngoài đời nam nhện tự nguyện đu lưới nhựa và hú như Tác Zăng để tới nạp mạng cho yêu nữ. Mỗi lần ra đi chẳng khác nào khủng bố ôm bom vô chợ cho nổ thí mạng cùi.

Nam nhện chỉ lớn và nặng ký bằng một phần mười yêu nữ nhền nhện, nghĩa là chỉ vừa đủ để chở dụng cụ hành hiệp (lạc?) – nhưng ở đây là bom khủng bố. Tuồng tích thì cũng y chang như là Kinh Kha ngựa trời. Nữ chúa mượn tạm trước tiên cái đầu nam nhện, kế đến là thân thể rồi tới bát chi tám cẳng (Nghe đâu đây tiếng reo cười sung sướng ớn xương sống của nàng nữ quyền khoái bạo dâm). Cũng vậy, dù mất đầu, thân nam nhện vẫn tiếp tục thi hành nghĩa vụ (công dân) truyền giống thiêng liêng của mình đối với dòng giống con Rồng cháu Nhện một cách hoành tráng – cho Cha già dân Nhện được ngậm cười (khúc khích) nơi suối vàng. Với loài nhện, chung chung “dấu ấn” tình dục là như vậy.

Nhưng mới gần đây, cô Jutta thuộc viện đại học Hamburg bên Đức khám phá ở loài nhện Argiope một hiện tượng lạ: dâm cụ của loài nam nhện này có “đầu đạn” có thể tháo rời được (như cái đuôi con thằn lằn, hoặc cái nòng súng hãm thanh)! Bèn đưa giả thuyết: lúc lâm trận, khi nữ nhện sắp ra tay thì nam nhện bèn vứt đầu đạn lại rồi ôm súng vắt tám giò lên cổ mà bỏ chạy thục mạng để thoát thân – y chang cái kiểu “bỏ của chạy lấy người” hồi thời sau “giải phóng”. Nhưng sau khi thanh tra chiến trận nhiều lần, cô Jutta nhận thấy các anh bộ đội hành hiệp đều bị nữ chằn rượt theo với tốc độ gấp 10 lần, và kết cuộc bị xơi tái hết ráo - chớ không được cái may mắn như Đường tăng Tam Tạng thời Tây du ký. Bèn đưa giả thuyết thứ hai: nam nhện dùng “đầu đạn” để đóng nút địa đạo Củ Chi hầu không cho một tên địch nào khác xâm nhập sau khi chàng bộ đội phơi thây nơi chiến địa. Như vậy là chắc ăn! Bảo đảm đám nhện thái tử và công chúa do Nữ chúa hạ sanh sau này đều là con của mình một chăm phần chăm. Khỏi cần thử ADN.

Tuy biết vậy, nhưng bần tăng sẽ không bao giờ hành hiệp theo lối để lại “đầu đạn” như loài nhện Argiope. Vì thử tưởng tượng… Thà chết sướng hơn! Tuy nhiên, so sánh với cõi người thì chiến thuật dùng “đầu đạn” đóng nút cũng đâu có khác gì cái “xì líp sắt” mà các mệnh phụ bắt buộc phải tròng lên người mỗi khi đấng trượng phu của mình xuất chinh ngoài biên ải xa xôi.


7. Giờ đây hãy rời màng nhện và trở lại cõi người, cũng vẫn trong lãnh vực tình dục: chuyện cái xì líp sắt. Thời Trung cổ, thiên hạ chưa có thuốc ngừa thai và bao cao su cao cấp. Vì vậy mỗi lần xuất chinh dài hạn, đức vua đều buộc hoàng hậu phải tròng vào hạ thân cái xì líp sắt có khoá đặc biệt, mà chìa khoá thì đức vua lận theo người rất kỹ. Làm như vậy hầu bảo đảm khi hồi cung khỏi đưa nhầm con rơi của kẻ khác lên ngôi mà đắc tội với tiên đế.

Bận nọ, vua Arthur của vương quốc Anh xuất chinh có hơi xa và hơi lâu. Bèn buộc hoàng hậu mặc xì líp sắt có khoá vô cùng bí mật. Chìa khoá có 2 cái. Vua lận lưng một cái. Chìa thứ hai vua giao cho cận thần tâm đắc là Tony (Blair?) và căn dặn kỹ: “Nếu trẫm có mệnh hệ nào ngoài trận tiền thì khanh hãy mở khoá giải thoát cho hoàng hậu để nàng kiếm nơi quyền thế khác mà hầu cận. Khanh nhớ kỹ: chỉ mở khoá khi nào ta thực sự băng hà thôi nghe!” Tony sụp gối: “Thần xin phụng mạng!”

Rồi thì kèn trống trỗi lên: Tiễn chàng theo lớp mây đưa / Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà… Vua thót mình lên lưng con ngựa quý, khoát tay ra lịnh xuất quân. Người ngựa hàng hàng lớp lớp, rần rần rộ rộ đăng trình. Đức vua dẫn quân đi được khoảng một dặm đường thì phía sau có một chàng kỵ mã cấp tốc đuổi theo. Tới sát lưng đức vua thì người ngựa dừng lại. Trong đám bụi mù, kỵ sĩ Tony lật đật xuống ngựa và quỳ phủ phục dưới chưn rồng, hai tay dâng lên một vật nhỏ, khải tấu: “Muôn tâu bệ hạ! Trong lúc cấp bách, bệ hạ đã trao cho hạ thần lộn chìa khoá. Chìa khoá này hạ thần có mang ra mở thử cái xì líp sắt của hoàng hậu nhiều lần mà vẫn không mở được đấy ạ!”


8. Đó là chuyện bên vương quốc Anh. Còn bên vương quốc Phú lang sa thì sao?

Đây nói qua về triều đại Louis XIV và thập nhị ngự lâm quân. Thời đó chinh chiến không ngừng. Rồi bận nọ, đức vua, thêm một lần nữa, lại xuất chinh dài hạn. Bèn buộc hoàng hậu vận khố một cái xì líp sắt rất dầy. Tuy nhiên, đức vua cũng ban cho hoàng hậu chút ơn mưa móc: phía trước khố, đức vua cho khoét một cái lỗ “tiện nghi”. Dù vậy, đức vua cũng đề cao cảnh giác nên xung quanh lỗ được cắt theo hình răng cưa để “lấy thẹo” cái phường dâm tặc. Kế đó, vua cho dời thập nhị ngự lâm quân đến chầu và giao cho sứ mạng giữ cấm cung cho hoàng hậu. Rồi vua xuất quân, người ngựa rần rộ lên đường. Bạn hỡi ! mai nầy ai hỏi đến tên tôi / Thì xin hãy nói khoác chinh y rồi…

Hoàng hậu ở lại cung, ngày ngày vun xới khu vườn Versailles giải khuây để ẩn nhẫn chờ đấng lang quân hồi trào. Vợ lân mò / ra trước ao / bắt cá lòng tong nấu canh bí đao… Rồi một năm qua, sau khi dẹp xong loạn nước, đức vua hồi trào trong hàng cờ xí rợp trời. Vừa đặt đít rồng ngồi lên bệ rồng, vua lật đật vuốt râu rồng và há miệng rồng truyền lệnh cho vời thập nhị ngự lâm quân đến chầu. Vua đuổi hết quần thần ra khỏi cung rồi bắt các chàng ngự lâm tín cẩn phải lần lượt “cuổng trời” ra hết cho mắt rồng duyệt binh. Ngự lâm thứ nhứt: “em nhỏ” có mười thẹo. Ngự lâm thứ hai: có chín thẹo. Thứ ba: lại có nhiều thẹo. Thứ tư, thứ năm: vẫn có thẹo dài dài… Cho tới ngự lâm thứ mười một: lại thẹo nữa. Đức vua vô cùng thất vọng. Tuy nhiên, tới ngự lâm cuối cùng, một bất ngờ: “thằng nhỏ” của ngự lâm vẫn còn nguyên xi! Chưa chịu tin, vua lật qua lật lại khám rất kỹ: không một thẹo nhỏ, còn mới cắt chỉ! Đức vua lấy làm đẹp dạ, bèn cất giọng oanh rồng hỏi đấng trung quân: “Khanh làm thế nào mà giữ cho mình được thanh khiết như vậy?” Im lặng. Hỏi lần thứ hai. Vẫn im lặng. Đến lần thứ ba, đức vua kéo râu rồng, há miệng rồng quát lớn: “Sao khanh không giả nhời trẫm hỏi? Bộ không sợ ta hạ lịnh chém đầu vì tội khi quân sao?”

Tới đây, ngự lâm thứ mười hai bấn quá bèn đưa một ngón tay chỉ vào miệng mình mà ú ớ. Vua không hiểu ý, lại hỏi. Vẫn ú a ú ớ. Đức vua tưởng ngự lâm bị á khẩu nên lập tức cho vời ngự y tới khám. Khi ngự y vạch miệng ngự lâm ra để khảo sát thì cả đức vua lẫn ngự y đều đồng thời bật ngửa: lưỡi của trung thần ngự lâm mang đầy những thẹo là thẹo!


9. Có những câu nói mà một khi đã trót nghe rồi là nhớ cả đời. Rất ư là “hằn lên nỗi đau”! Chẳng hạn như lần nọ bần tăng lỡ dại “bàn xăm” chuyện văn nghệ văn gừng với một thằng bạn cầm bút. Bần tăng có ý chê nó viết truyện không đầu không đuôi, ngồi lê đôi mách, dài dòng lê thê. Nó tức lắm, bèn nổi xung ném một câu rất là thách thức “thần linh” vào mặt bần tăng (ui da!): “Vậy chớ tao đố mầy xeo tao ra khỏi văn học sử!” Một cách tự động, bần tăng bèn phản pháo: “Mầy chưa được thì làm sao mà tao xeo mầy ra?” Nó lại càng mắng chửi bần tăng thậm tệ hơn trước, dĩ nhiên. “Thiện tai! Thiện tai!”


10. Nói chuyện Bush con. Đấng lãnh tụ Đệ nhứt Quốc gia trên trái đất nầy nổi tiếng là xử lý chuyện thế giới y chang như một cow boy Texas chính cống. Và hơn thế nữa, lại còn là một tay súng bắn lẹ nhứt thiên hạ: phát súng đầu tiên chưa kịp nổ là Bush con đã bắn phát thứ hai.

Sau khi phịa ra cái cớ Irak có vũ khí tiêu diệt tập thể, Bush con nối chí Bush cha xua quân lần thứ hai sang đánh Irak. Lần đầu Bush cha tiến đánh: mục đích dằn mặt khối Á Rập và duy trì cái hình nộm bạo chúa Sadam để hù các nước Á Rập xung quanh nhằm chiêu dụ và bán ồ ạt vũ khí Mẽo cho các quốc gia nầy “tự vệ” - lên tới mức hằng mấy trăm tỉ đô la! Lần thứ hai, bất chấp sự chống đối của Liên hiệp quốc, Bush con gởi máy bay dội bom và xua quân xâm lăng Irak: nhằm đặt bàn tay chiến lược của Uncle Mẽo lên cái vòi “mở / khóa” giếng dầu hoả của Irak, dưới chiêu bài “diệt bạo chúa, lập dân chủ”, dĩ nhiên. Một khi Mẽo làm chủ được dầu hoả Irak rồi thì Trung cộng sẽ “mệt” cầm canh với Mẽo. Mà nếu găng quá, có thể sẽ xảy ra thế chiến, biết đâu? Nhưng lần này Mẽo đang sa lầy tại mặt trận Irak, cũng như đã từng sa lầy tại chiến trường Việt Nam trước đây. Quốc hội Mẽo đã nhiều lần yêu cầu Đệ nhứt thiện xạ rút quân. “No! No! And no!” Và lần sau cùng, Bush con đã tuyên bố rất ư là hung hăng con bọ xít: “Ngày nào vợ tui và con chó của tui còn ủng hộ thì tui còn uýnh Ia Rắc!” Quả nhiên lời đồn không sai: phát súng thứ nhứt chưa kịp nổ là Bush con đã bắn phát thứ hai liền tù tì. Rất xứng đáng là khuôn vàng thước ngọc cho cái quốc gia hùng mạnh nhứt thế giới! (Nhắc lại: “Cái lý của kẻ mạnh bao giờ cũng… mạnh!”)

Tưởng cần nên biết là trên cái thế giới hết sức “công bằng” này, thiên hạ có thiết lập cái Toà án quốc tế La Haye để xét xử các tội ác đối với nhân loại - thường là đem ra xử các bạo chúa và tội phạm chiến tranh của các quốc gia… nghèo yếu. Và cũng nên biết là Mẽo không hề chịu ký tên vào công ước của Toà án La Haye. Sức mấy mà lôi được Cao bồi năm bờ one ra hầu Toà án quốc tế. Và cũng còn lâu… rất lâu mới lôi được chóp bu nào đó của Nhóm G8 (tám quốc gia giàu mạnh nhứt thế giới) ra trả lời tội ác mình trước lương tâm nhân loại. Mà tội ác của Nhóm G8 thì nó sờ sờ trước mắt, thường nhựt như ăn cơm bữa. Cha nội nào không đồng ý thì cứ cởi áo ra mà lôi bọn nó thử đi, ắt biết liền. Tuy nhiên, ví lòng từ bi đối với chúng sanh, bần tăng xin dặn nhỏ: “Trước khi lôi, nhớ đóng bảo hiểm toàn diện… cho vợ con nó nhờ!”

© 2008 talawas