trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 103 bài
  1 - 20 / 103 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
26.4.2004
Nguyễn Quyến
Triết gia Trần Đức Thảo - người chiến binh của niềm hy vọng
 
Trần Đức Thảo (1917-1993) là một trong số rất ít các triết gia Việt Nam được thế giới ghi nhận. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng những sự kiện tinh thần và chính trị đặc biệt: từ cuộc tranh luận với Jean Paul Sartre 1949 đến việc trở về Việt Nam tham gia cách mạng 1951/1952, từ sự hiện diện trong Nhân Văn-Giai Phẩm 1956 đến việc trở lại và qua đời trong âm thầm tại Pháp 1993, và cuối cùng là việc tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức của ông được tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" đợt II, 2000. Cuộc đời và sự nghiệp ấy cho đến nay không ngừng là đối tượng nghiên cứu và quan tâm không chỉ của giới chuyên môn; và như mọi nhân vật từng đứng trọn trong trung tâm của những vận động sâu sắc của thế kỉ vừa rồi, Trần Đức Thảo tiếp tục gây tranh luận.

Bài viết sau đây đã đăng trên báo An Ninh Thế Giới, chúng tôi xin giới thiệu để rộng đường dư luận. Mời độc giả tham khảo các bài viết khác về Trần Đức Thảo đã đăng trên talawas nhân dịp kỉ niệm 11 năm ngày mất của ông: Trần Đức Thảo-Niên biểu, Đặng Phùng Quân-Đọc lại Trần Đức Thảo, Michel Keil-Tưởng niệm Trần Đức Thảo.
talawas
Giữa triết học kinh viện và cuộc đời thực có khoảng cách lớn. Nhưng Trần Đức Thảo, người được coi như triết gia biện chứng duy vật lịch sử xuất sắc của Việt nam thế kỷ XX (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt hai), đã hy vọng tìm thấy chân lý ngay trong đời sống thực một ngày. Và niềm hy vọng đã trả lời trong những tác phẩm triết học uy tín của ông trên thế giới. Điều kỳ diệu là ông đã viết chúng bằng chất liệu rút ra từ đời sống thực ngay chính trên Tổ quốc thiêng liêng của mình.


Cuộc “kịch chiến” huy hoàng

Trong các cuộc tranh luận tư tưởng khoa học, nghệ thuật... giống như trong thể thao (quyền Anh), những người lên tiếng trước, tức là những kẻ “thách đấu” luôn biết rõ sức mạnh thực sự của đối thủ. Chính vậy mà cuối năm 1949, đời sống tinh thần châu Âu chao đảo dữ dội, các nhà tư tưởng, các triết gia, nhà văn, nghệ sĩ... và cả công chúng có tri thức của châu Âu bị chấn động khi vị "chủ soái" của thuyết Hiện sinh nhà văn lẫy lừng khắp thế giới, Jean Paul Sartre, chủ động đưa ra lời mời “tranh luận” với một triết gia người Việt nam, Trần Đức Thảo. Sự kiện J.P. Sare thực tâm muốn tranh luận để cố chứng minh chất "nhân bản" trong chủ thuyết của mình là một chuyện kỳ lạ đối với nhà văn có đầu óc ngạo mạn này. Nhưng các nhà khoa học châu Âu còn kinh ngạc hơn vì trong đầu họ, tri thức chỉ có ở những xã hội văn minh chứ không thể đến từ những nước họ coi là thuộc đia cần được khai sáng. Chính vậy nên khi Trần Đức Thảo nhận lời cuộc tranh luận được ghi lại rất tỉ mỉ, từng lời nói, từng quan điểm để nhanh chóng chứng minh sự thất bại chắc chắn của triết gia An Nam xa xôi.

Cuộc tranh luận tổ chức thành năm buổi luận đàm trực tiếp có nhiều người nghe. Trong thời gian này, thuyết Hiện sinh của J.P. Sartre có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Pháp, lôi kéo được rất nhiều trí thức và giới sinh viên đi theo. Tư tưởng của J.P. Sartre thực chất là sự biến thể tư tưởng của Rimbaud, nhà thơ hoảng loạn cuối thế kỷ XIX. Thuyết Hiện sinh của J.P. Sartre không có gì mới mẻ cả. Nó không bắt nguồn từ tư tưởng của Kierkegaard như đa số lầm tưởng. J.P. Sartre đã đọc sách tư tưởng phương Đông và rút lấy bài học từ những chứng nghiệm của Thiền tông. Tuy nhiên, J.P. Sartre đã lầm lẫn từ những "hành động" nội tâm sang những hoạt động bình thường trong xã hội. Bằng trái tim chiêm nghiệm phương Đông, Trần Đức Thảo đã chỉ ra thực chất sai lầm của thuyết Hiện sinh, mặt khác, bằng trí óc mạnh mẽ, lập luận lôgích, ông đã chứng minh chất ưu đẳng của chủ nghĩa Duy vật biện chứng theo cảm nhận của cá nhân ông lúc đó. Với vốn tiếng Pháp tuyệt vời của mình, Trần Đức Thảo đã bẻ gãy những "đòn" lập luận lắt léo của người đối thoại. Ông dùng hiện thực lịch sử sinh động để minh chứng cho những quan điểm của mình. Lập luận của J.P. Sartre vốn dựa vào "tư biện" hoàn toàn, không dựa vào hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống thực nên không đủ thuyết phục ngay cả những trí thức theo dõi bên ngoài. J.P. Sartre lâm vào thế "cưỡi hổ", liền đề nghị một "thỏa hiệp" phân chia "quyền lợi" của thuyết Hiện sinh và chủ nghĩa Duy vật biện chứng: Thuyết Hiện sinh thuộc về triết học; chủ nghĩa Duy vật biện chứng thuộc về những vấn đề chính trị xã hội. Nhưng cái "mẹo" muốn đẩy chủ nghĩa duy vật biện chứng ra khỏi toà lâu đài triết học đã không đánh lừa được triết gia người Việt. Do Trần Đức Thảo giữ vững quan điểm của mình nên cuộc tranh luận đi đến việc định nghĩa lại những khái niệm nền tảng của triết học. Về "ý thức đầu tiên" khởi sinh trong con người được Husserl (Nhà hiện tượng học nổi danh bấy giờ) trình bày trong cuốn "Trải nghiệm và luận giải". J.P. Sartre không nắm rõ cuốn đó nên cuộc tranh luận tạm ngừng lại. Trần Đức Thảo hào hiệp đồng ý không kể lại cuộc trao đổi này. Cuộc tranh luận được ngóng chờ đột nhiên lắng đi khiến dư luận không khỏi thắc mắc. Những môn đồ của J.P. Sartre hậm hực vì phải kết thúc tranh luận trong yên lặng nên nhân dịp này đổ lỗi cho triết gia người Việt làm hỏng cuộc tranh luận. Để bảo vệ quan điểm của mình, Trần Đức Thảo buộc lòng phải lên tiếng đề nghị cho in bản tốc ký. Lúc này, thế giới tinh thần châu Âu mới bàng hoàng hiểu rằng triết gia người Việt chính là người chiến thắng.


Chỉ có một con đường: Nổ súng

Giáo sư Trần Đức Thảo sinh năm 1917 ở thôn Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình khá giả. Cha ông làm ngành Bưu điện nên có điều kiện cho hai cậu con trai xuống Hà nội học trường Tây. Cha ông đăng ký cho ông thi vào học trường Luật, một trường thực dân Pháp mở ra chủ yếu dạy con cái người Pháp ở Hà nội với những giáo sư giảng dạy có tiếng. Lúc này chủ nghĩa phát xít đang để lộ những nanh vuốt khủng khiếp của nó. Giới khoa học cố sức khôi phục tinh thần nhân văn xã hội của Hegel. Điều này để lại ấn tượng vô cùng mãnh liệt cho cậu học trò ham suy luận. Trần Đức Thảo tốt nghiệp xuất sắc trường Luật và được đăng ký dự thi vào Trường cao đẳng Sư phạm phố D'Ulm ở Paris năm 1939. Đây là trường thuộc loại danh giá nhất trong hệ thống đào tạo đại học ở Pháp. Nhiều triết gia, nhà văn, nhà hoạt động xã hội lừng danh của châu Âu từng được đào tạo ở đây Người Việt du học không mấy người thi vào được trường D'Ulm. Do ý thức được ngôi trường mình đang học là đầu mối tiếp xúc của các tư tưởng tiên tiến trên thế giới, Trần Đức Thảo ngày đêm đọc sách, tìm tòi tư liệu trên báo chí. Trong đầu ông tràn ngập tư tưởng của các hiền nhân. Ông đặc biệt quan tâm đến tác phẩm của Husserl và Hegel. Luận văn tốt nghiệp của ông đạt điểm cao nhất khóa học. Tên tuổi ông được giới khoa học đặc biệt chú ý. Thời gian này, tác phẩm của Husserl là chủ đề của hầu hết mọi cuộc đàm luận về triết học và xã hội, bởi phát xít Đức cấm dạy tác phẩm của triết gia này ở các trường đại học. Ông bảo vệ thành công luận án cao học rồi tiến sĩ về "Hiện tượng học của Husserl tại Trường đại học Sorbonne danh tiếng. Do đó ông nghiễm nhiên trở thành một triết gia được giới trí thức chờ đợi và kính trọng. Càng tiến triển trên con đường vinh quang, gặp gỡ nhiều tầng lớp tri thức, Trần Đức Thảo càng nhận rõ số phận đất nước, quê hương của mình. Ông tích cực dạy tư cho nhiều nhóm sinh viên du học người Việt về những tư tưởng triết học tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, ông tham gia nhiệt tình vào Hội kiều dân Đông Dương, kêu gọi giới trí thức và nhân dân tiến bộ châu Âu nhận rõ thực chất của chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, bằng những sự thực lịch sử hùng hồn, ông đập tan những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc về Mặt trận Việt Minh. Năm 1944, trong Đại hội kiều dân họp ở Avignon, Trần Đức Thảo đã trình bày cương lĩnh đấu tranh đòi thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương. Ông tự mình viết rất nhiều truyền đơn và tổ chức họp báo vận động, kêu gọi kiều dân, dư luận xã hội Pháp ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa ở Việt nam. Năm 1945, ông cùng với Lê Viết Hường thay mặt Hội kiều dân Đông Dương làm việc với Maurice [1] - Tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp, tại trụ sở Đảng về tình hình Đông Dương. Nhận thấy những hoạt động của ông tố cáo trực tiếp những lợi ích bẩn thỉu của chế độ thực dân, nhà cầm quyền lập tức bắt Trần Đức Thảo. Nhiều nhà khoa học Pháp, báo Nhân đạo (L'humanité), Thời hiện đại (Les Temps Modemes)... liên tục lên tiếng đòi chính quyền trả tự do cho Trần Đức Thảo. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, nhà cầm quyền Pháp chơi trò "gắp lửa bỏ tay người", tung tin lập lờ rằng Trần Đức Thảo dường như có quan hệ với phát xít Đức. Nhưng trò chơi tiểu nhân đó không làm cho dư luận lầm lẫn. Giới trí thức thực sự hiểu rõ ông là ai, bởi tên tuổi ông còn gắn với Husserl một kẻ thù của tư tưởng phát xít. Cuối cùng chúng phải thả người con của tự do nhưng không quên công khai giám sát ông chặt chẽ.

Để minh chứng tinh thần bất khuất của một người con yêu nước, Trần Đức Thảo kiên quyết không tiếp tục làm việc với Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Ông dạy triết học tư, viết sách để kiếm sống. Trong một cuộc họp báo kêu gọi ủng hộ cách mạng ở Việt nam, một nhà báo hỏi: "Với tư cách là một triết gia, ông cho rằng nhân dân Việt nam sẽ hành động thế nào khi quân viễn chinh Pháp đổ bộ". Trần Đức Thảo đáp lại ngắn gọn, đanh thép: "Nổ súng?".


Triết gia nhập thế

Cũng giống như các trí thức lớn theo lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch rũ bỏ cuộc sống yên ổn, phồn hoa ở Paris, trở về làm cách mạng. Nhưng số phận ông có điều đặc biệt hơn bởi các nhà triết học thường tự giam mình trong tháp ngà cá nhân xa lánh nhân thế. Khi biết quyết định trở về của ông, những trí thức châu Âu cho rằng thế giới sẽ mất đi một triết gia lỗi lạc. Nhưng khước từ "chủ nghĩa kinh viện" trong nghiên cứu, Trần Đức Thảo thực sự muốn "Phải làm cho cuộc sống nhất trí với triết học". Chính vậy mà tinh thần của ông "nhập thế", lao động với những vấn đề cốt yếu nhất mà xã hội đặt ra. Cuối năm 1951, để khỏi bị theo dõi, ông chỉ mang theo vài cuốn sách quý như thể đi du lịch, bí mật rời khỏi Paris. Từ Luân Đôn qua Praha, qua Mátxcơva, Trần Đức Thảo ngang qua Bắc kinh, tìm đường về biên giới Việt-Trung. Từ lâu, tên tuổi của ông đã là niềm tự hào của giới trí thức và sinh viên trong nước. Buổi thuyết giảng đầu tiên, sinh viên ngồi kín hội trường. Nhiều giáo sư tìm đến nghe. Bằng tiếng mẹ đẻ thuần khiết, ông đã truyền lòng say mê môn học khó khăn này cho sinh viên... Giảng dạy được ít lâu, ông chuyển sang làm những công việc khác, có những công việc hoàn toàn không hợp với khả năng của ông. Cuộc sống thử thách ông, muốn biết ông có bất lực phải trở về với "chủ nghĩa kinh viện cổ điển" trong nghiên cứu triết học hay không. Dường như vai trò một người hoạt động xã hội không hợp với ông. Tuy vậy, ông đón nhận những khó khăn của cuộc sống bằng cách tiếp tục lao động hăng hái hơn. Những tác phẩm của ông liên tục được đăng trên các tạp chí triết học của Pháp như "Hạt nhân của phép biện chứng", "Từ hiện tượng học đến phép duy vật biện chứng của trí thức"... Những tác phẩm tiếp theo như "Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người", "Sự ra đời của con người đầu tiên"... cho đến tác phẩm cuối cùng "Lôgíc của thực tại sống động" đã khiến ông nổi danh trên toàn thế giới. Những tác phẩm này được dịch ra rất nhiều thứ tiếng như Đức, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản... và được nghiên cứu trong nhiều trường đại học trên thế giới. Trần Đức Thảo trở thành một trong những triết gia duy vật lịch sử uy tín của thế kỷ XX. Trong lời giới thiệu cuốn "Nghiên cứu nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ" của ông, Nhà xuất bản Xã hội ở Paris viết rằng, tư tưởng của triết gia Trần Đức Thảo đã ghi dấu ấn quan trọng đến tinh thần của cả thế hệ trí thức, sinh viên Pháp những năm năm mươi. Ngay tại nước Đức, đất nước của triết học cũng có nhiều triết gia tự nhận là môn đệ của Trần Đức Thảo. Bằng nỗ lực không ngừng kiếm tìm "triết học" ngay trong cuộc sống hiện tại trên quê hương, ông đã tạo dựng được nền tảng triết lý chắc chắn của môn khoa học vừa khó khăn, vừa đặc biệt "quý tộc" này. Sự ngụy tạo và lười biếng của một số người hay đổ lỗi cho sự khó khăn xã hội nên không làm việc được đã bị phơi bày trước "thực tại sống động" của cuộc đời ông.


Bí mật đời thường của triết gia

Đối với các triết gia, nhu cầu thường trực của họ là được yên tĩnh để suy tưởng, cho nên những nhu cầu cá nhân khác dường như không thiết yếu lắm. Tuy nhiên, tình yêu cũng rạo rực trong trái tim triết gia một lần. Năm 1949, nữ sinh Nguyễn Thị Nhứt sang Pháp để ôn thi vào Trường đại học Sorbonne. Theo lời bạn học, cô đến học ôn triết học của thầy Thảo ngay tại nhà trọ của thầy. Hai người tỏ ra quý mến nhau, nhưng khi gặp thầy cũng chỉ nói chuyện triết học. Trước khi về nước, ông chỉ nói rằng nếu còn gặp lại thì sẽ sống với nhau. Khi bà về nước, họ trở thành vợ chồng và một lễ cưới đơn sơ. Ngay khi sống với nhau, bà hiểu ra rằng tâm trí ông dồn cả vào triết học. Nhiều lần bà ngồi ăn cơm một mình trong khi chồng ở ngay phòng bên cạnh. Ông hầu như không để ý đến những nhu cầu cá nhân hằng ngày, thậm chí còn khó chịu khi ai đó tỏ ra chăm sóc mình vì vô tình người kia đã kéo ông ra khỏi dòng suy tưởng. Một mình bà không thể giữ được tình cảm thuở ban đầu. Bà bị viêm tử cung và không thể có con. Đứa con - sự ràng buộc đồng thời là thiên thần che chở cho hạnh phúc gia đình, cuộc đời không ban cho vợ chông bà. Bà lặng lẽ ra đi. Gia đình không hiểu đời sống của triết gia, muốn tìm cho ông một người bạn đời khác, ông kiên quyết từ chối. Ông sống một mình và tự lo lấy sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Do ông bị bệnh tiểu đường nên món ăn chính của ông là lạc rang và đậu xanh. Theo lời cháu họ ông kể lại thì khi triết gia vào bếp, từ hai món đó sẽ nấu thành những món ăn chưa từng thấy trong các sách nội trợ. Để lấy chỗ để sách, ông nhờ mấy người buôn đồng nát đến cho họ khiêng khỏi nhà từ giường, tủ buýpphê, chăn màn, giày dép, chén điã... Căn phòng chỉ còn chiếc đivăng lớn chất đầy sách chừa ra một khoảng nhỏ có mắc màn sẵn.

Một lần, mọi người trong khu tập thể thấy khói bay ra từ nhà ông, hàng xóm xô cửa vào thấy ông đang ngồi viết, chiếc nồi nhôm đang đun bên cạnh bị nung đỏ, thức ăn cháy hết... Sau một thời gian ngắn trở lại Paris làm việc, sống trong một điều kiện vật chất, tiện nghi hết sức tối thiểu, triết gia Trần Đức Thảo vĩnh biệt thế giới vào hồi 8 giờ 10 phút ngày 24.4.1993 tại Bệnh viện Broussais. Thi thể triết gia được hỏa thiêu, gửi tro về chôn ở nghĩa trang Văn Điển. Hôm đưa tang, bà Nhứt đến với vòng băng tang trên cánh tay to hơn một chút so với vòng tang của những người bình thường. Ông đã ngủ yên trong lòng Đất Mẹ. Mãi mãi như vậy, từ Đất Mẹ "trí tuệ" trổ hoa, tỏa hương bay khắp bốn phương.

An Ninh Thế Giới cuối tháng, số 9, tháng 5.2002



[1]Chú thích của talawas: Tên chính xác của người được nói tới là Maurice Thorez.