Many dreams not to find, neither deserve,
And yet are steep’d in favours; so am I.
(William Shakespeare: Cymbeline)
SAN JOSE, 2006. Sáng nay, một ngày cuối tháng Chín, vào trang web của
Calitoday, đọc bài “Chuyện dài kháng chiến” của
Dân Sinh News do Vũ Văn Lộc chủ trương, tôi lại liên tưởng đến chuyện hơn hai mươi năm trước. Bài của Dân Sinh kể lại chuyện ba người bạn trẻ Việt Nam tên Thọ, Tùng và Quang, năm 1983, gặp nhau ở trại tỵ nạn Sikiw Thái Lan. Thọ đi định cư ở Mỹ, còn Tùng và Quang vào chiến khu tham gia kháng chiến phục quốc. Bây giờ Thọ đang ở San Jose, trở thành Peter, còn Quang thì mất tích, Tùng thì lưu lạc làm dân di cư ở lậu bên Cam Bốt. Câu chuyện trong bài báo này, qua lời Thọ kể, thì rất ngắn gọn, nhưng rõ ràng và mang nhiều chi tiết về một số thanh niên, nhiệt tình tham gia phong trào kháng chiến thuở ấy, cái lúc mà cả cộng đồng hải ngoại ai cũng chỉ muốn đứng lên “phục quốc.” Tôi lạnh mình nhớ lại khoảng thời gian này, vì chính tôi cũng đã nằm ở trong vùng nước xoáy đó.
Tôi mong là các nhân vật từng tham gia vào phong trào kháng chiến phục quốc những năm này hãy để dành thời gian mà viết lại những gì đã thực sự xẩy ra. Tôi muốn nhắn với anh Vũ Văn Lộc, người mà tôi cho là một nhân vật đáng kính trọng của cộng đồng Việt Nam ở vùng Bắc California, hãy kêu gọi một dự án viết lại những trang sử, một loại lịch sử qua chuyện kể,
an oral history, nói ra từ miệng của những người đã tham dự phong trào kháng chiến phục quốc thuở ấy - mà hơn hai mươi năm qua, nay họ đã có thời gian chín muồi, thanh thản để nhìn lại những đau thương, bi đát, nhục nhằn lẫn vinh dự và thống thiết của nguyên cả một thế hệ thanh niên hải ngoại nhức nhối nhiệt tình muốn làm gì cho Việt Nam.
Tôi nói “nguyên cả một thế hệ thanh niên hải ngoại” như thế không phải là nói quá. Giai đoạn của thập niên 1980-89, không những chỉ có các cựu binh lính miền Nam, hay là các nhóm hữu khuynh muốn “kháng chiến” – mà cả phần đông các giới trí thức thiên tả cũng muốn dấy động một phong trào “cứu nước”. Tôi có được nhiều dịp cùng tham dự hay biết đến phong trào này, từ hữu sang tả, từ lúc tôi tham dự các buổi họp mặt ở Oklahoma có Hoàng Cơ Minh tham dự, đến các buổi gặp gỡ riêng ở California với Trương Như Tảng từ Pháp sang, hay tiếp xúc với Bùi Tín, hoặc Vương Văn Đông ở Pháp, Thái Quang Trung từ Singapore, và các sinh viên Việt Nam trong nhóm Tia Sáng ở Tiệp Khắc và (Đông) Đức.
Mùa hè năm 1983, có một tổ chức chính trị người Việt ở Đông Nam Á họp mặt ở California, trong đó có nhiều nhân vật tả phái uy tín. Tôi được yêu cầu soạn thảo bản tuyên ngôn và cương lĩnh chính trị cho tổ chức này. Đây không phải là lần đầu tôi làm chuyện lý thuyết “thầy dùi”. Tôi đưa ra chủ thuyết “Kinh tế chuyển hóa chính trị” để mở đường cho một khả thể cứu nước mà mọi người đang nao nức mong chờ. Tôi quan niệm rằng cuộc cách mạng kế tiếp cho dân tộc sẽ phải do những người cộng sản Việt Nam chủ động; họ phải tự ý thức được những sai lầm đang đi qua và thay đổi chính mình, chọn hướng đi mới. Tôi nhấn mạnh rằng về phía người Việt hải ngoại, chúng ta hãy kêu gọi Mỹ và thế giới bỏ cấm vận Việt Nam, bang giao bình thường để tạo cơ hội chuyển hóa kinh tế và dân trí cho một tiến trình giải hóa tình trạng lạc hậu của con người và cơ chế chính trị cộng sản. Việt Nam như là một góc bóng tối của nhân loại và lịch sử. Hãy mở cửa và đem ánh sáng vào. Đó là con đường khả thi nhất. Mọi nỗ lực “kháng chiến” bằng vũ lực đều là vô lý, chỉ là ảo vọng và vô trách nhiệm.
Tuy nhiên, khi bản thảo tuyên ngôn và cương lĩnh của tôi được đưa đến tay các lãnh tụ của tổ chức thì bị phản bác mạnh mẽ - vì lập trường như thế là “thiên tả,” là “thân cộng,” là “ngây thơ.” Nên nhớ rằng, chuyện này xẩy ra vào những năm 1983-84. Ngay cả các anh chàng trí thức tả phái nhất hồi ấy cũng muốn cách mạng vũ lực để cứu Việt Nam vì tình thế đất nước quá đen tối. Trong ngày hội họp đầu tiên của tổ chức này, tôi nhất quyết chống đối con đường vũ trang kháng chiến. Qua đến ngày thứ hai, tôi bị trục xuất ra khỏi phòng họp. Khi chia tay, có hai anh trong hàng ngũ lãnh đạo chạy ra xe bắt tay, có anh phát khóc lên. Tôi một mình đi về, buồn vô hạn. May mà chuyện này xẩy ra ở Mỹ; nếu ở trong rừng Thái Lan hay Cam Bốt thì tôi đã bị xử bắn, như một vài anh em đã bị sau này. Có lúc tôi muốn thay đổi lập trường để đi theo cơn sóng của tinh thần cực đoan của thời thế - nhưng có một cái gì đó giữ tôi lại. Con đường kháng chiến bạo lực là vô vọng và vô trách nhiệm - nếu không nói là ngu xuẩn. Tôi nhất quyết giữ lập trường “kinh tế chuyển hóa chính trị”. Sau đó, tôi chia tay với các “chí hữu cứu nước”, về ghi danh đi học luật. Thời gian sẽ chứng minh là tôi sẽ đúng, tôi tự tin như vậy.
Hai năm sau, trong khi đang học luật, trong căn phòng nội trú đại học chật hẹp, tôi đón một phái đoàn các vị lãnh đạo chính trị từ Đông Nam Á đến thăm. Họ chính thức yêu cầu tôi bỏ việc học luật, về Đông Nam Á đảm trách vai trò uỷ viên chính trị trung ương cho một đảng chính trị đã thành lập. Có anh bảo tôi câu này tôi còn nhớ rõ, “Trời ơi, giờ này mà anh còn đi học làm gì. Đất nước đang vùng lên, chuyển mình, cơ hội đã đến”. Lần nữa tôi từ chối. Lập trường của tôi rất rõ: Hãy để cho người cộng sản Việt Nam tỉnh thức và thay đổi chính mình. Không ai khác hơn sẽ làm cuộc cách mạng dân chủ cho dân tộc Việt Nam.
Năm 1989, khi đang làm phó biện lý ở Santa Cruz, theo lời đề nghị của Nguyễn Tâm, tôi bỏ về mở văn phòng luật sư riêng. Một ngày nọ, có hai nhân vật chính trị đến thăm và mời tôi làm luật sư cố vấn đi Paris để dự hội nghị với ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Lần nữa, tôi viết một bài luận thuyết cho tổ chức mới này. Tôi đề nghị tên gọi cho tổ chức là “Phong trào Dân chủ và Phú cường cho Việt Nam”. Tôi lặp lại quan điểm “Kinh tế chuyển hóa chính trị” và đưa thêm một luận điểm khác, “Đi tìm một đồng thuận mới cho dân tộc”. Lần này thì tổ chức này đồng ý gần như hoàn toàn với quan điểm của tôi. Và bài diễn văn tôi soạn cho trưởng phái đoàn tổ chức đọc khi họp với Nguyễn Cơ Thạch ở Paris được giữ gần như y nguyên. Nhưng khi đến Paris họp với phái đoàn chính phủ Việt Nam, tôi mới vỡ lẽ rằng mình đúng là ngây thơ, làm trò cười cho thiên hạ. Ngoại trưởng Thạch và đại sứ Bình ở Pháp đón chúng tôi chỉ như một buổi gặp gỡ những người khách Việt kiều xã giao. Có thế thôi. Vậy mà phía chúng tôi lại làm to lên như là một hội nghị “cao cấp” của chính phủ cộng sản Việt Nam và đại diện người Việt hải ngoại để đi tìm một “đồng thuận mới cho dân tộc”. Tôi tự cười vào lỗ mũi mình. Suốt cả buổi gặp mặt, tôi không nói được một lời. Nhưng cái gì nó cũng xẩy ra không như mình nghĩ. Dư luận hải ngoại làm ầm ĩ lên về cuộc gặp này. Một số các vị trong “Phong trào” cũng đi đây đó, họp báo tuyên bố như thể họ sắp lên nắm chính quyền vậy. Có người còn cho tôi hay rằng ngoại trưởng Thạch sau đó bị mất chức trong Bộ Chính trị cũng vì sự cố này. Tôi nghĩ lại mà thấy chuyện như của trẻ con. Đúng là, nói theo Shakespeare, “một cơn bão trong tách trà”. Nhưng ôi thôi, có người lại chết chìm trong những thứ bão tố nhỏ nhoi loại này. Sau đó, khi về lại Mỹ thì tôi bị de dọa ám sát. Văn phòng luật sư của tôi phải dời đi nơi khác vì bị dọa đặt bom. Tất cả chỉ vì tôi chủ trương “đồng thuận với cộng sản”.
Thời gian trôi qua. Trong vòng mười năm, tất cả các tổ chức “phục quốc” và “cứu nước” của thập niên 80 đều tan rã. Họ chia ra thành nhiều phe phái, đánh phá, kiện tụng, chỉ trích, lên án lẫn nhau, với một mức độ hận thù còn hơn đối với chế độ cộng sản mà họ muốn chống lại. Một số anh em về “chiến khu” thì hầu hết đều bỏ cuộc, dang dở cuộc sống, bất mãn. Một số không nhỏ hy sinh trong các trận đánh hay bị thủ tiêu bởi đồng đội của mình. Một số khác bây giờ về Việt Nam làm ăn, sinh sống, thề không bao giờ dính dáng đến chính trị. Cơn sốt thanh niên yêu nước đã mất đi nhiệt độ tinh thần của thời tính. Nói như Gurdjieff, “Hãy cẩn thận. Cái tổ chức mà mình bỏ cả cuộc đời niên thiếu để xây dựng và củng cố thì khi đến tuổi về chiều mình sẽ bỏ hết năng lực tâm trí để huỷ bỏ nó”. Con người, tóm lại, hoàn toàn bất lực trước lịch sử - vì hắn chỉ là một con số không. Những gì hắn làm được cuối cùng đều trở nên trò cười cho chính mình và cho thiên hạ.
*
Cách đây năm, bảy năm, khoảng 1998-99, tôi không nhớ chính xác, có lần tôi đang ăn trưa với người bạn ở một tiệm ăn Việt trên đường Berryessa, San Jose, thì chuyện xưa lại trở về. Số là tôi và anh bạn đều kêu cơm sườn heo. Nhưng khi cơm đem ra, tôi thấy dĩa cơm của tôi có hai miếng thịt, trong khi dĩa của người bạn thì chỉ có một. Tôi nhắn với người hầu bàn cám ơn người nấu cơm trong bếp. Khi ăn xong, có người đàn ông khoảng trên 50 ra chào tôi. “Chào luật sư Liêm. Chắc là anh không biết tôi, nhưng tôi biết rõ về anh. Tôi là Q., mới ở tù về từ Việt Nam vì tội âm mưu đặt bom tượng Hồ Chí Minh ở Sài Gòn. Mười mấy năm trước, tôi ở trong tổ định ‘làm thịt’ anh đấy. Nhưng chúng tôi nghĩ lại thì anh không phải là cộng sản, mà chỉ là thiên tả ôn hòa thôi. Nếu không thì anh đã bị bắn rồi. Nay tôi mời anh một miếng thịt để hòa giải chuyện xưa. Hồi đó ai cũng cực đoan cả. Anh thông cảm”. Tôi cười to và cám ơn anh về miếng thịt - nhất là anh đã quyết định “không thịt” tôi. Tôi đồng ý. Hồi đó hình như là ai cũng cực đoan theo kiểu vũ lực bạo hành như thế cả.
© 2006 talawas