trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tản văn thứ Sáu
24.3.2006
Nhỏ Thanh
Đợi đến hết thời thổ tả
 
Thời gian gần đây, trên diễn đàn này, chuyện bóc lột với bị bóc lột được nhiều người bàn bạc khá sôi nổi. Đúng là đọc bài nào cũng thấy có cái hay, cái đúng, cái vui vui (buồn buồn lẫn lộn) của nó. Xong, phải thú thật là, có nhiều lúc cũng không tránh khỏi chạnh lòng... Nghĩ mãi mà vẫn không biết xếp mình vào hạng nào đây. Là thành phần bị bóc lột, hay thành phần bóc lột? Hay là thuộc loại không thể xếp hạng được, tức là loại khi (khía) cạnh này thiếu mất một tí, lúc (khía) cạnh khác thừa ra một tí, lại mặt đậm, mặt nhạt, nên muốn xếp vào đâu cũng không khớp, không hợp? Nhiều lúc cũng vẫn cứ còn phân vân, không biết mình nên đứng về phía nào cho dứt khoát (nôm na, tức là nhiệt liệt ủng hộ thành phần nào)? Có thể là không bóc lột ai nhưng đi cùng đường với mấy vị „bị bóc lột“ hay là đi cùng lối với mấy vị „bóc lột“? Nếu đi cùng mấy vị này thì phải đấu tranh, chống lại mấy vị kia và ngược lại. Mà đâu phải chỉ là đấu tranh vớ vẩn trên sách vở, giấy tờ mà xong đâu, nhiều khi phải „đấu“, phải „tranh“ một cách kiên quyết (liệt), một mất một còn một cách thật sự, ngay cả tính mạng mình cũng chẳng là cái gì. - Vâng, đấy là tôi nói theo quy luật biện chứng xã hội chủ nghĩa, rằng cuộc đời toàn là những mâu thuẫn và toàn sự đấu tranh không khoan nhượng để giải quyết những mâu thuẫn ấy. Còn sự thật thì tôi nghĩ khác.

Sự thật, tôi nghĩ rằng: Hay là mình đi với nhà thơ Dương Tường, tức là „đứng về phe nước mắt“. Nghĩ vậy để rồi lại phân vân tiếp. Chắc chắn „phe nước mắt“ này không thuộc thành phần bóc lột rồi, nhưng liệu có thuộc thành phần „bị bóc lột“ không? Hay là họ thuần túy chỉ là những người nghèo đói (rách), đau (đớn) khổ (sở)?

Đọc đến đây chắc có nhiều vị sẽ lại bĩu môi, dè bỉu: „Viết như..., nếu không „bị bóc lột“ thì còn „đau khổ“ vì cái gì nữa chứ“? Kể ra thì bị các vị (chê) trách như thế cũng chẳng sai. Vậy thì cho tôi được xin lỗi trước và nhân tiện cũng xin có một đôi lời thanh minh.

Chẳng là thế này... Vâng, thì để có tài liệu, tôi đã mạo muội làm mấy cuộc tìm hiểu tại mấy gia đình nông dân, ngư dân, diêm dân... ở vùng sâu, vùng xa cũng có, mà không sâu, không xa lắm cũng có, có khi ở ngay giữa đồng bằng, ngay cạnh thành phố, thậm chí ngay cạnh thủ đô, những người mà theo cách xếp loại của Đảng ta là thuộc thành phần rất cơ bản, ba đời bần cố nông.

Thành phần rất cơ bản, ba đời bần cố nông
Một cách rất thẳng thắn, tôi đặt câu hỏi: „Thưa các cụ, từ trước đến nay gia đình ta có bị tư bản hay Đảng bóc lột nhiều không a?“ Lại kèm cả chút gợi ý nữa: „Vâng... Chẳng hạn như bóc lột về tài sản?“ Để rồi ngay lập tức nhận được những câu trả lời cũng hết sức thật thà rằng: „Về tài sản à? Chúng tôi làm gì có tài sản mà bóc lột. Xem đấy, từ đời ông đời bà để lại cho đến nay cũng chỉ có túp lều nát với mảnh đất cằn này, thì vẫn còn nguyên xi đó, có ai đụng chạm đến cái gì đâu mà bảo là bị bóc lột?“ Lại hỏi: „Thế cả gia đình mình có ai bị bóc về sức lao động không?“ Tôi đã cố lồng ý của mình vào đến thế, nhưng hình như các cụ vẫn không hiểu và vẫn trả lời: „Ôi dào, mình làm mình ăn còn không đủ, lấy đâu ra cái gì cho người ta mà bảo họ bóc lột?“ Lại hỏi: „Hay có ai bóc lột trí tuệ của người nào đó trong nhà mình không? Vâng, tức là có ai lợi dụng ý kiến của mình để làm giầu mà không bù đắp lại cái gì không ạ?“ Để rồi vẫn nhận được câu trả lời chẳng đúng ý mình nghĩ thế nào của các cụ: „Hỏi gì mà cứ như là đùa vậy. Có ai hỏi ý kiến của mình bao giờ, mà ý kiến của mình cũng có được ai nghe bao giờ đâu mà bảo họ bóc lột. Chúng tôi không dám ăn không nói có như thế đâu, oan cho người ta lắm, tội chết.“

Các cụ trả lời ngang thật. Nhưng nghĩ kỹ, nhìn kỹ thì lại thấy các cụ nói đúng. Gia tài „cả ba đời“ của các cụ mà có cái gì đâu, „của ăn“ không có lấy đâu ra „của để“, các cụ cũng chẳng làm được gì cho xã hội (cho bản thân và gia đình còn chưa xong), ý kiến của các cụ chẳng được ai để ý... Các cụ có cái gì đâu mà cứ ép các cụ nhận là „bị bóc lột“. Phải ghi nhận là các cụ chẳng hề bị bóc lột, nhưng vẫn cứ khổ, thậm chí còn là khổ đến không thể tưởng tượng nổi, khổ đến thỉnh thoảng báo chí của Đảng còn phải phát động phong trào quyên góp để giúp đỡ.

Tôi lại cũng bỏ thời gian quan sát con cháu của các cụ. Những nông dân, ngư dân, diêm dân, vì đói khổ mà phải bỏ quê nhà ra thành phố, trở thành công nhân cầu đường, công nhân xây dựng, phu khuân vác..., và nói chung là thành một tầng lớp lao động mới, để rồi cũng lại thấy rằng về cơ bản cũng chẳng thế lực nào có thể bóc lột được họ, nhưng mặc dù vậy cuộc đời họ vẫn hết sức trớ trêu, đau khổ. Vâng, xin các vị cứ nhìn cảnh „lao động“ như thế này:



Hoặc thế này:



để rồi thấy rằng ai đó có thể „bóc lột“ được chút xíu gì ở những con người kia? Tôi thì nghĩ, để có thể kiếm được miếng ăn tạm tạm đủ cho bản thân và gia đình, đối với họ cũng đã là may mắn lắm rồi, nói gì đến đóng thuế cho nhà nước. Vâng, hiện ở Việt Nam chỉ những người có thu nhập cao mới phải đóng thuế - chính sách của Đảng và nhà nước hẳn hoi, ai dám bảo đấy là chính sách không nhân đạo?

Sự không nhân đạo ấy nằm ở chỗ khác. Còn hơn là „bị bóc lột“, ấy là sự bần cùng. Có thể giai cấp công nhân, nông dân…, và nói chung là người lao động ở đâu đó còn bị „bóc lột“ theo một nghĩa nào đó. Cũng có thể theo một nghĩa nào đó, xã hội này tồn tại được vì sự „bóc lột“ lẫn nhau. Tôi „bóc lột“ anh, anh „bóc lột“ người khác để rồi người khác lại „bóc lột“ tôi… nhưng hình như chỉ còn một số nơi như ở ta, con người mới bị bần cùng đến không còn „bóc“, còn „lột“ được gì nữa như thế này.

Lâu nay chúng ta vẫn nói một cách quen miệng rằng nhân dân nuôi Đảng. Điều này chỉ đúng vào thời điểm cách đây vài chục năm. Còn đến nay thì đã khác xa (xưa) rồi. Thực sự là từ khi mở cửa, Đảng đã tìm được một bầu sữa khác, đó là tư bản. Nói thật, nếu không có xóa bỏ cấm vận, không có sự đầu tư của nước ngoài thì cái gọi là chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã tiêu tùng từ lâu. Nếu không có sự chấm mút vào các khoản đầu tư, các loại viện trợ ấy thì mấy cụ (vẫn lại cụ) cũng đã đứng đường từ bao giờ rồi. Có thể nói mà không sợ ngoa ngoắt lắm rằng, kẻ bị bóc lột nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay chính là các nhà tư bản và thông qua đó là người lao động, người đóng thuế ở các quốc gia phát triển. Nó như là một nghịch lý, nhưng lại cũng là sự thật, và chẳng biết là nó còn tồn tại dai dẳng đến thời nào nữa. Đến hết thời thổ tả chăng? Hãy đợi đấy.

© 2006 talawas