trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Hồ sÆ¡ Nhân văn-Giai phẩm
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34   35   36   37   38   39   40   41   42   43   44   45   46   47   48   49   50   51   52   53   54   55   56   57   58   59   60   61   62   63   64   65   66   67   68   69   70   71   72   73   74   75   76   77   78   79   80   81   82   83   84   85   86   87   88   89   90   91   92   93   94   95   96   97   98   99   100   101   102   103   104   105   106   107   108   109   110   111   112   113   114   115   116   117   118   119   120   121 
16.12.2004
Hồng Chương
Phải tước vũ khí tư tưởng của tên phản động ấy
 
Cách đây không lâu, giữa lúc nhân dân ta nói chung, giới văn nghệ ta nói riêng đang sôi sục đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân văn–Giai phẩm thì Trương-Tửu, với sự cộng tác của một nhà xuất bản tư sản, đã tung ra thị trường một cuốn sách mới: Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam. Dưới cái đầu đề có vẻ hiền lành của một công trình nghiên cứu văn học, lần này Trương-Tửu phun ra những nọc độc mới dưới một hình thức khéo léo, che đậy. Nói là “văn học sử” nhưng ngoài một vài ý kiến về vấn đề chia thời kỳ lịch sử văn học ra, cuốn sách của Trương-Tửu không có chút gì đáng gọi là “văn học sử”. Chẳng qua y quen thói treo đầu dê bán thịt chó, mượn cái bìa sách “văn học sử” để che đậy những thứ thuốc độc mà y tung ra để đầu độc bạn đọc mà thôi. Trên báo chí gần đây nhiều bạn đã lên tiếng vạch trần âm mưu của Trương-Tửu và phê phán các luận điểm của y. Chúng tôi thiết tưởng không cần nhắc lại ở đây tất cả những luận điểm của Trương-Tửu mà nhiều bạn đã phê phán. Ở đây chúng tôi muốn nói tới thứ vũ khí tư tưởng mà Trương-Tửu đã dùng để đánh vào nhân dân, vào cách mạng.

Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có cách tìm cho được vũ khí của y, và tước thứ vũ khí đó đi bằng cách vạch trần nó ta mới có thể khiến cho Trương-Tửu không thể làm hại cách mạng, làm hại nhân dân được nữa. Những tư tưởng phản động về chính trị cũng như về văn nghệ của Trương-Tửu đã có từ lâu và có cả một hệ thống. Trong bài này, lúc cần thiết, chúng tôi sẽ nhắc sơ lại cùng cuốn sách, những bài báo trước kia của Trương-Tửu để chúng ta cùng thấy rõ bộ mặt thật của y hơn nữa.


Một nghệ thuật gian xảo phản động

Có thể nói rằng Trương Tửu dốt. Lại có người nói rằng Trương-Tửu thực bụng muốn nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng vì không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin nên rơi vào bệnh máy móc [1] . Nói như thế chỉ đúng một phần rất nhỏ là Trương-Tửu dốt, không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhưng nói như thế lại là phạm một sai lầm lớn vì không thấy hết âm mưu chính trị của Trương-Tửu cũng như không thấy hết tác dụng nguy hiểm của y. Sở dĩ như thế là vì người ta chưa chú ý nghiên cứu cái thuật gian xảo mà Trương-Tửu đã dùng. Trước đây, cũng có lúc, đọc một vài trang sách của Trương-Tửu, chúng tôi cũng có cái cảm giác như các bạn bè kể trên, nhưng càng đọc Trương-Tửu, chúng tôi càng thấy rõ cái cảm giác đầu tiên đó của chúng tôi chỉ là một thứ cảm giác sai lầm. Vì qua mỗi cuốn sách hay bài báo của y, chúng tôi đã trông thấy rõ cái thuật gian xảo của y. Đó là thuật ngụy biện.

Thuật ngụy biện là gì? Đó là thuật đánh tráo khái niệm nhằm mục đích bênh vực những hành vi và lý luận hoang đường hay chuyên chở lén lút những nguyên lý sai lầm, phản động. Đối với bọn ngụy biện, lời và chữ không phải là công cụ để bày tỏ và chứng minh chân lý. Trái lại, lời và chữ bị bọn ngụy biện dùng làm một thủ đoạn để bác bỏ luận điểm của đối phương về mặt hình thức. Do đâu mà bọn ngụy biện lại có thể dùng lối chơi chữ, đánh tráo khái niệm được như vậy? Trong tập Trích yếu cuốn “Lô-gích học” của Hê-ghen, Lê-nin đã từng bóc trần căn nguyên nhận thức luận của phái ngụy biện. Lê-nin giải thích rằng sở dĩ khái niệm được là vì bản thân khái niệm vốn có tính linh hoạt. Lê-nin nói rằng khái niệm cần có tính linh hoạt mới có thể phản ánh được sự phát triển của thế giới vật chất. Lê-nin vạch rõ rằng bọn ngụy biện đã tùy tiện vận dụng tính linh họat ấy của khái niệm theo ý muốn chủ quan của chúng. Vì thế, trong thuật ngụy biện, tính “linh động” hoang đường của khái niệm không hề phản ánh sự vận động chân thật của sự vật. Trong cuốn Bút ký triết học, Lê-nin có viết: “Tính linh hoạt phổ biến, toàn diện của khái niệm, đạt đến tính linh hoạt đúng nhất của mặt đối lập-thực chất của vấn đề là ở chỗ đó. Thứ linh hoạt đó nếu cộng thêm với sự ứng dụng của chủ quan = chủ nghĩa chiết trung và ngụy biện. Tính linh hoạt đó nếu cộng thêm sự ứng dụng khách quan, tức là phản ánh tính toàn diện và sự thống nhất của quá trình vật chất, đó là sự biện chứng pháp, tức là phản ánh đúng sự phát triển vĩnh viễn của thế giới.” Bọn ngụy biện lấy cái định nghĩa hình thức đã có sẵn từ trước đối với sự vật làm căn cứ, chứ chúng không căn cứ vào liên hệ phổ biến của sự vật và không tiến hành phân tích cụ thể đối với bản thân sự thật. Vì thế Lê-nin đã vạch rõ rằng thuật ngụy biện “tách rời liên hệ với sự thật, chỉ nắm lấy chỗ giống nhau bề ngoài của sự việc” [2] . Bọn ngụy biện nắm lấy đặc tính và đặc điểm cá biệt của sự vật, làm cho mọi người chú ý vào cái thứ yếu để che đậy cái chủ yếu, có ý nghĩa quyết định. Thuật ngụy biện hoàn toàn trái ngược với biện chứng pháp. Không kể về mặt khoa học hay về mặt chính trị, thuật ngụy biện chỉ có tác dụng phản động. Thuật ngụy biện đã có từ lâu, ngay từ hồi cổ Hy-Lạp, Pờ-la-tôn và A-rít-stốt đã từng gọi thuật ngụy biện là “trí tuệ giả”. Từ khi có chủ nghĩa Mác, bọn cơ hội chủ nghĩa đủ các màu sắc trên thế giới dùng thuật ngụy biện dùng làm một thứ vũ khí để chống lại cách mạng, chống lại Đảng ta.

Đã hai chục năm nay Trương-Tửu chuyên dùng thủ đoạn đánh tráo khái niệm để chống lại chủ nghĩa Mác. Thuật đánh tráo khái niệm của Trương-Tửu cũng giống hệt như thuật đánh tráo đôi vòng vàng của Năm-Chuột mà một “đồng chí” của y là Phan-Khôi đã từng khen nức nở. Có gian thì phải có ngoan. Hai chữ “mác xít” mà Trương-Tửu thường dùng để đánh tráo khái niệm cũng giống như vuông lụa trắng mà Năm-Chuột đặt trên bàn tay để đánh tráo đôi vòng vàng. Chủ nghĩa Mác cho rằng vật chất đẻ ra tinh thần thì Trương-Tửu cũng nói về vật chất thì Trương Tửu cũng nói về đẻ ra tinh thần. Nhưng đối với chủ nghĩa Mác khái niệm vật chất chỉ tồn tại khách quan, cơ sở kinh tế, thì đối với Trương-Tửu khái niệm vật chất lại chỉ tính hiếu dâm (xem Kinh thi Việt-nam), chỉ huyết thống giòng họ (xem Nguyễn-Du và Truyện Kiều), chỉ những cơ sở và phương tiện để thể hiện và phổ biến tác phẩm (xem Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam), v.v… Trương-Tửu cho rằng chính thứ “vật chất” đó quyết định ý thức của người ta, quyết định xu hướng của nghệ thuật. Chủ nghĩa Mác-Lênin nói đến “mâu thuẫn giữa sức sản xuất và quan hệ sản xuất” và đem áp dụng vào hoàn cảnh nước ta hiện nay y cho rằng “những lực lượng sản xuất dân tộc… đang vấp phải trong bộ máy quan hệ sản xuất mới, những chính sách, những tổ chức, những tác phong lãnh đạo, những cán bộ chấp hành cản trở bước đường phát triển của nó” [3] . Dụng ý của y là khiêu khích quần chúng chống lại chế độ. Chủ nghĩa Mác-Lênin nói đến giá trị lâu dài của nghệ thuật, nhận xét rằng những tác phẩm nghệ thuật ưu tú có thể đem lại cho người đời sau những hứng thú về mặt thẩm mỹ, thì Trương-Tửu cũng nói đến vấn đề đó và cho rằng “vận mệnh của văn nghệ, dài hơn cả vận mệnh của Đảng, dài hơn cả vận mệnh của chế độ” [4] . Dụng ý của Trương-Tửu cũng dùng cái thuật đánh tráo khái niệm ấy. Chúng ta nói “kinh tế không tự động đẻ ra thượng tầng kiến trúc” (chữ tự động của y không ở trong vòng kép). Đối với chúng ta, điều đó có nghĩa là: cũng như bản thân các quan hệ kinh tế, kiến trúc thượng tầng thích ứng với các quan hệ kinh tế đó là do hoạt động của người ta, do đấu tranh giai cấp tạo ra, nhưng tạo ra trên cơ sở những quan hệ kinh tế nhất định. Kinh tế chỉ quy định phương hướng theo đó kiến trúc thượng tầng chính trị, pháp luật và các hình thái ý thức xã hội phát triển một cách có quy luật trong một thời đại nhất định. Và trước khi nói kinh tế không “tự động” đẻ ra kiến trúc thượng tầng thì chúng ta đã khẳng định vai trò quyết định của cơ sở đối với kiến trúc thượng tầng. Trương-Tửu thì trái lại, y nhấn mạnh một chiều “kinh tế không tự động và trực tiếp đẻ ra thượng tầng kiến trúc” [5] để làm lu mờ vai trò quyết định của cơ sở kinh tế.

Chúng ta nói đến sự phát triển tương đối độc lập của các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng thì Trương-Tửu cũng nói lên điều đó. Nhưng khi nhận xét rằng mỗi một yếu tố của kiến trúc thượng tầng có một lịch sử tương đối độc lập, liên tục trong khi phát triển thì đồng thời chúng ta cũng nhận xét rằng có những sự thay đổi căn bản, những cuộc cách mạng và những cuộc cải cách diễn ra trong các yếu tố đó khi một cơ cấu xã hội này thay cho cơ cấu xã hội khác. Trương-Tửu thì trái lại. Y nhấn mạnh một chiều “sự tồn tại lâu dài của thượng tầng kiến trúc… trải qua hạ tầng cơ sở đã đẻ ra nó và tiếp tục phát triển trên cơ sở mới” (do Trương-Tửu gạch dưới). Cũng có nơi y vứt bỏ hai chữ “tương đối” mà nói đến “sự phát triển độc lập của những yếu tố của thượng tầng kiến trúc”. Trương-Tửu cố ý làm cho người đọc hiểu lầm rằng kiến trúc thượng tầng tồn tại lâu dài, tiếp tục phát triển từ chế độ này sang chế độ khác, không trải qua những thay đổi căn bản. Y muốn che đậy một sự thật là kiến trúc thượng tầng cũ đến thời kỳ cách mạng thì sụp đổ và một kiến trúc thượng tầng mới được dựng lên trên cơ sở hạ tầng mới. Sự thật thì khi cách mạng đã nổ ra trong cơ sở kinh tế nhất định sẽ gây ra một cuộc cách mạng trong kiến trúc thượng tầng.

Các yếu tố của kiến trúc thượng tầng phát triển qua những bước nhảy vọt về chất, mặc dù lịch sử phát triển của mỗi yếu tố đều có tính kế thừa và tính độc lập tương đối, mặc dù có một số yếu tố của kiến trúc thượng tầng có thể tồn tại lâu dài được, tồn tại trong mấy thời đại liền, lâu hơn cơ sở đã đẻ ra nó và tiếp tục phát triển trên cơ sở mới, mỗi cơ sở kinh tế mới cũng quyết định sự thay đổi của những yếu tố kiến trúc thượng tầng đó.

Chúng ta nói đến vấn đề tính mâu thuẫn của kiến trúc thượng tầng của xã hội có tính đối kháng giai cấp thì Trương-Tửu cũng nói tới vấn đề đó. Theo quan niệm của chúng ta kiến trúc thượng tầng phản ánh cơ sở, và có tính giai cấp. Khi nói tới kiến trúc thượng tầng của xã hội có đối kháng giai cấp thì chúng ta phân biệt nghiêm chỉnh hai bộ phận đối địch của kiến trúc thượng tầng đó. Hai bộ phận đó có những địa vị không giống nhau. Bộ phận chiếm địa vị thống trị, phản ánh lợi ích của giai cấp bị trị, có tác dụng phá hoại cơ sở. Chúng ta phản đối âm mưu các nhà tư tưởng tư sản phản động muốn phủ nhận tính giai cấp của kiến trúc thượng tầng, muốn làm lu mờ địa vị thống trị của tư tưởng và tổ chức của giai cấp thống trị bóc lột dùng để bóp nghẹt tư tưởng và đàn áp giai cấp bị trị. Chúng ta cũng không tách tư tưởng và tổ chức của giai cấp bị trị ra ngoài kiến trúc thượng tầng của xã hội có đối kháng giai cấp. Đối với Trương-Tửu thì thứ đối kháng đó của kiến trúc thượng tầng do đối kháng giai cấp mà sinh ra lại biến thành thứ đối kháng giữa toàn bộ kiến trúc thượng tầng này và yếu tố kiến trúc thượng tầng khác, giữa văn học và chính trị. Y bịa ra cái gọi là “khí hậu văn học” mà y cho là luôn luôn chống đối. Y viết: “Nói chung thì trong các xã hội có giai cấp đối kháng, khí hậu văn học là khí hậu chống lại chính sách của phe lũ cầm quyền nhằm nô dịch, đàn áp, khủng bố văn học” (Trương-Tửu gạch dưới). Trương-Tửu muốn che đậy một sự thật là trong chế độ cũ giai cấp bóc lột thống trị đã dùng văn học để nô dịch nhân dân, và bọn bồi bút ăn tiền thuê của giai cấp bóc lột đã từng phục vụ cho bọn bóc lột chiếm địa vị thống trị. Mặt khác y muốn gieo rắc lại thứ “chất men bất phục tùng và phản kháng”, xướng lại thuyết “chống hiện tại”, “phá bỏ hiện tại” [6] để khiêu khích chống lại chế độ ta.

Chúng ta nói đến tác động trở lại của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng thì Trương-Tửu cũng nói tới vấn đề đó. Nhưng chúng ta nói tới vai trò tích cực của kiến trúc thượng tầng sau khi đã xác định vài trò quyết định của cơ sở. Các yếu tố trong kiến trúc thượng tầng cũng ảnh hưởng qua lại lẫn nhau, nhưng trong các yếu tố ấy, có yếu tố quan trọng hơn nhiều, có yếu tố ít quan trọng hơn. Chúng ta cho rằng trong các yếu tố của kiến trúc thượng tầng yếu tố chính trị là quan trọng hơn cả. Văn học cũng là một yếu tố của kiến trúc thượng tầng nhưng không thể có vai trò quan trọng như chính trị. Văn học lại không thể có vai trò quyết định của cơ sở kinh tế. Trương-Tửu thì trái lại, y thổi phồng tác dụng của văn học và y cho rằng “văn học là một trong những động lực phát triển của xã hội”. Văn học là một yếu tố kiến trúc thượng tầng thì không thể không chịu sự chi phối của cơ sở và chấp hành nhiệm vụ của nó đối với cơ sở. Trong xã hội có giai cấp, đấu tranh giai cấp biểu hiện ra chủ yếu nhất trên mặt chính trị. Văn học không thể không phục vụ chính trị, vì chính trị là thống soái. Trương-Tửu cố ý thổi phồng vai trò của văn học để tách văn học ra khỏi sự lãnh đạo của chính trị, cụ thể trong hoàn cảnh của nước ta hiện nay là tách văn học ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng ta.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ về thủ đoạn đánh tráo khái niệm của Trương-Tửu đầy rẫy trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử của y. Thủ đoạn xảo quyệt của Trương-Tửu là nhấn mạnh mặt thứ yếu, bỏ mặt chủ yếu, rồi như một nhà ảo thuật vụng về, y cố làm cho sự chú ý của mọi người tập trung vào cái thứ yếu, lén lút lấy cái chủ yếu vứt bỏ đi. Do đó y đổi trắng thành đen, xuyên tạc bản chất của chủ nghia Mác. Trương-Tửu đã vận dụng thuật ngụy biện tức là thứ thủ đoạn mà nhìn hình thức bề ngoài hình như là đúng đắn. Thuật ngụy biện của Trương-Tửu trong cuốn sách này cũng như trong các cuốn sách mà y đã viết trước kia là một thứ thuật gian xảo chỉ nắm lấy chỗ giống nhau bề ngoài của sự việc. Y dùng thuật đem râu ông nọ cắm cằm bà kia. Y đem tính quy luật của một hiện tượng này ứng dụng vào một hiện tượng kia hoàn toàn khác hẳn. Một trong những thủ đoạn của thuật ngụy biện là đem một vài hiện tượng hợp quy luật của một thời kỳ lịch sử này ứng dụng vào một thời kỳ lịch sử khác mà các hiện tượng ấy đã mất hết ý nghĩa. Trương-Tửu đã áp dụng thủ đoạn đó trong lúc y đem hiện tượng “văn học chống chế độ hiện tại” là một hiện tượng có ý nghĩa tiến bộ trong xã hội cũ, ứng dụng vào trong chế độ mới, mà chính quyền Nhà nước đã về tay nhân dân, mà sự chống đối đó trở thành một hành động phản cách mạng. Dụng ý của y là khiêu khích chống lại chế độ. Trương-Tửu nói rằng y theo phép biện chứng sự thật thì y dùng thuật ngụy biện không có dính dáng gì với phép biện chứng. Phép biện chứng yêu cầu phải phân tích cụ thể sự vật trong quá trình phát triển của nó, phải đi sâu vào bản chất sự vật, phải nhìn mọi mặt của sự tiến triển, phải nắm được xu thế phát triển của sự vật. Trái lại, Trương-Tửu phủ nhận khái niệm lịch sử cụ thể. Y trừu tượng hóa khái niệm, dùng thủ đoạn rút ruột vứt bỏ nội dung chính xác của khái niệm đi, thay thế vào đó một nội dung sai lầm, phản động. Y thu thập một cách ngẫu nhiên các định nghĩa, nhặt nhạnh một vài hiện tượng lẻ tẻ rời rạc, những mảnh vụn của thế giới khách quan, ráp lại với nhau một cách máy móc, giả tạo, một chiều, rồi quy kết lại, rút ra thành một định luật tuyệt đối.


Một thế giới quan phản động…

Nhiều bạn thường nói thế giới quan của Trương-Tửu biểu lộ trong những cuốn sách của y là chủ nghĩa duy vật máy móc. Theo ý riêng của chúng tôi thì nói như thế không đúng, vì đó chỉ mới là nhận xét qua hiện tượng bề ngoài chứ chưa đi sâu vào bản chất. Rõ ràng là trong nhiều cuốn sách của y, Trương-Tửu đã tỏ ra là “duy vật máy móc” một cách cố ý. Nhưng đi sâu phân tích, chúng ta thấy rằng nội dung “triết học” của Trương-Tửu không phải là chủ nghĩa duy vật, dù là chủ nghĩa duy vật máy móc.

Muốn phân biệt một người là duy vật chủ quan hay duy tâm chủ nghĩa cần phải căn cứ vào quan niệm của người đó đối với vấn đề căn bản của triết học, tức là vấn đề quan hệ giữa tư duy và tồn tại. Tư duy có trước hay tồn tại có trước? Tư duy quyết định hay tồn tại quyết định tư duy? Đó là tiêu chuẩn để phân biệt ai là duy vật chủ nghĩa, ai là duy tâm chủ nghĩa. Đó là hòn đá thử vàng trong triết học. Trương-Tửu khi nào cũng vỗ ngực tự xưng là một nhà duy vật chủ nghĩa. Nhưng nếu ta chịu khó đem hòn đá thử vàng kia ra mà thử thì đôi vòng “duy vật” của Năm Chuột, Trương-Tửu nhất định sẽ lộ ra là đôi vòng cốt giả mạ vàng.

Trong cuốn Nguyễn-Du và Truyện Kiều (1941) Trương-Tửu đã từng đem thuyết huyết thống ra để “giải thích” văn học, Trương-Tửu đi tìm “cái yếu tố sinh lý và tâm lý di truyền” (Trương-Tửu gạch dưới) của Nguyễn-Du bằng cách đi tìm “tộc họ” của Nguyễn-Du, đi tìm “quê quán giòng nội”, “quê quán giòng ngoại” của Nguyễn-Du. Trương-Tửu viết: “Nguyễn-Du ảnh hưởng bởi huyết thống tộc họ và đẳng cấp nên đã mang sẵn từ khi trong bụng mẹ cái sinh khí tinh anh của giòng họ nội… và ở giòng họ ngoại cái tính phong tình ưu du của mẹ”. Trong cuốn Tâm lý và tư tưởng Nguyễn-công-Trứ, Trương-Tửu viết: “Nhân cách cao thượng vốn là sở hữu di truyền của giòng họ ông”. Cho rằng huyết thống, di truyền của giòng họ quyết định xu hướng nghệ thuật và sáng tác của một nhà văn không chỉ là một việc buồn cười mà còn là một sự ngu xuẩn. Thuyết huyết thống, thuyết di truyền không những là một thứ chủ nghĩa duy tâm mà còn là một thứ chủ nghĩa duy tâm phản động. Bọn phát xít Hit-le ngày trước và bọn đế quốc Mỹ ngày nay đang dùng những thuyết này để bào chữa cho những hành động xâm lược của chúng.

Phân tích tác phẩm của Nguyễn-Du, Trương-Tửu cho rằng “thiên tài và sự nghiệp văn chương của thi sĩ” là ở “khiếu ảo giác” của Nguyễn-Du mà ra. Mà “khiếu ảo giác” theo Trương-Tửu là “một triệu chứng của sự ốm yếu, của trạng thái suy nhược thần kinh. Ta thường gặp nó ở người điên hoặc người điên một nửa, hoặc ở những người có một chứng tật ở căn tạng thần kinh”. [7] Như thế Trương-Tửu cho rằng Nguyễn-Du sở dĩ có được thiên tài văn học là do bệnh thần kinh (bệnh điên).

Trương-Tửu lại áp dụng chủ nghĩa Phờ-rớt [8] để “nghiên cứu” văn học. Trong cuốn Nguyễn-Du và Truyện Kiều, y viết: “Nghiên cứu chung, ta phải áp dụng cái nguyên tắc mà bác sĩ Freud đã phát minh ra để nghiên cứu các giấc mộng”, “Ước vọng đã biến thành văn chương có thể bị coi như cùng một tính chất với mộng mị”, “Theo nhận xét của Freud thì ta có thể nói rằng: ở một nhà văn ước vọng là tính khí thực bị dồn ép không được phát triển”. Như thế Trương-Tửu đã cho rằng nguồn gốc của văn học là “tính khí bị dồn ép chứ không phải là lao động là đời sống.

Là nô lệ trung thành của Phờ-rớt, Trương-Tửu đem “thuyết dâm dục” của Phờ-rớt ra để phân tích văn học. Phân tích nhân vật Thúy-Kiều, Trương-Tửu viết: “Đó là một tâm hồn vô cùng dâm đãng luôn luôn băn khoăn với những hình ảnh loan chung phương chạ… Bị bế tắc, sinh khí tác động trong nội bộ cơ thể và thần kinh, làm ra những tính ưa mộng, thích tưởng tượng, thèm những cảm giác lạ nhất là tính dâm dục… Sự dâm dục ấy lại bị bản ngã luân lý của thiếu niên và hoàn cảnh luân lý của gia đình kiêm tỏa không cho tự do phát triển…Không được phát triển nó lần vào bên trong tâm hồn, tàn phá sự thăng bằng của thần kinh hệ… Đó là trường hợp của Thúy-Kiều.” Trong những cuốn sách “nghiên cứu văn học” của y, Trương-Tửu đã để dành rất nhiều trang nói về sự “tiến triển của cơ quan sinh dục”, và việc “tính hiếu dâm không phát triển được”.

Trương-Tửu cũng đem “thuyết dâm dục” của y ra phân tích dân ca Việt-nam. Trong cuốn Kinh thi Việt-nam (1940) Trương-Tửu viết: “Trong những bản năng chính của con người thì sự ham muốn về nhục thể là căn bản”. Y cho rằng “dâm dục là cơ sở của tâm lý con người, nó ra lệnh cho các ý muốn khác.” Y còn viết thêm: “tính hiếu dâm là đặc tính của con người Việt-nam”, “cái nhục dục ấy là cái động cơ chính của các hành vi dân chúng”. Y cũng đem “thuyết dâm dục” đó để phân tích văn thơ của Nguyễn-công-Trứ. Trong cuốn Tâm lý và tư tưởng Nguyễn-công-Trứ, y viết: “Tất cả khí chất của con người Nguyễn-công-Trứ là ở danh từ ấy. Mà danh từ này, xét cho kỹ cũng chỉ tóm tắt một chữ “DÂM” (do Trương-Tửu viết hoa). Trương-Tửu học đòi Phờ-rớt lấy tính dâm dục làm thành quy luật tâm lý duy nhất và căn bản của con người và toàn bộ hoạt động của con người. Trương-Tửu còn đi xa hơn Phờ-rớt một bước là đem “thuyết dâm dục” nghiên cứu các hiện tượng văn học. Khoa tâm lý học khoa học đã dùng những chứng cớ đanh thép để đánh đổ chủ nghĩa Phờ-rớt và chứng minh rằng chủ nghĩa Phờ-rớt chỉ là một thứ chủ nghĩa duy tâm phản động. Đem chủ nghĩa Phờ-rớt và “thuyết dâm dục” ra để “nghiên cứu” văn học, Trương-Tửu để lộ ra rằng triết học của y chỉ là một thứ chủ nghĩa duy tâm phản động. Trong cuốn Truyện Kiều và thời đại Nguyễn-Du xuất bản cách đây mấy năm, Trương-Tửu có thanh minh rằng trong cuốn Nguyễn-Du và Truyện Kiều y đã dùng lối phân tích giai cấp để phân tích tác phẩm của Nguyễn-Du, chứng cớ là y đã nói tới “đẳng cấp” của y như thế nào? Y nói rằng đẳng cấp nho sĩ của Nguyễn-Du “khởi thủy từ năm 1532 là năm Nguyễn-Thuyên đỗ trạng nguyên”. Nguyễn-Thuyên là con ông tổ của Nguyễn-Du. Như thế theo quan niệm của Trương-Tửu “đẳng cấp”cũng chẳng khác gì là “tộc họ”. Y còn nói tới “đẳng cấp sĩ phu”, “đẳng cấp văn thân”, “đẳng cấp tri thức”… xem tầng lớp trí thức là một giai cấp riêng biệt. Chính quan niệm này đã dẫn y tới thuyết phản động “tri thức lãnh đạo cách mạng”.

Cho đến nay Trương-Tửu vẫn cố bảo vệ những quan niệm sai lầm và phản động trên đây. Trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam y khoe rằng những cuốn sách của y như Kinh thì Việt-nam, Nguyễn-Du và Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn -công-Trứ là những “công trình nghiên cứu và lý luận văn học” đã áp dụng “tư tưởng và phương pháp duy vật”. Cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam càng để lộ chủ nghĩa duy tâm của Trương-Tửu. Trong lúc nhấn mạnh một chiều “kinh tế không tự động và trực tiếp đẻ ra thượng tầng kiến trúc”, “sự phát triển tương đối độc lập của các nhân tố thượng tầng kiến trúc”, “tính chất đối kháng của thượng tầng kiến trúc trong các hình thái xã hội đối kháng”, “thượng tầng kiến trúc tác động trở lại hạ tầng cơ sở” v.v… Trương-Tửu cố ý phủ nhận vai trò quyết định của cơ sở đối với kiến trúc thượng tầng và tuyên truyền chủ nghĩa duy tâm. Y lại dùng thủ đoạn bỉ ổi là trích dẫn một cách cắt xén để xuyên tạc C.Mác, biến người sáng lập chủ nghĩa duy vật biện chứng thành một người duy tâm chủ nghĩa. Trong lúc dẫn chứng một câu của C.Mác nói về hiện tượng không cân đối giữa sự phát triển chung của xã hội trong một thời kỳ nhất định, y cố tình làm cho người ta hiểu lầm rằng sự phát triển của nghệ thuật không hề liên quan gì đến sự phát triển của cơ sở kinh tế. Như mọi người đều biết, trong lúc phân tích tính chất của nghệ thuật thời cổ, C.Mác đã đặc biệt chú trọng sự liên hệ của nghệ thuật đó với cơ sở vật chất của xã hội thời bấy giờ. C.Mác giải thích rằng nghệ thuật cổ Hy-lạp chẳng những không mâu thuẫn với giai đoạn xã hội mà nó dựa vào đề trưởng thành mà nó còn gắn liền với giai đoạn đó; nó chỉ có thể đẻ ra trong quan hệ xã hội chưa chín muồi mà thôi.

Trương-Tửu lại cố ý làm cho người ta tưởng lầm rằng văn học có một sự phát triển độc lập với cơ sở kinh tế và “có một đời sống lâu dài hơn hạ tầng cơ sở đẻ ra nó”. Trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam, y viết rằng “có những lưu phái hoặc khuynh hướng văn học, nghệ thuật, đẻ ra ở một hạ tầng cơ sở khác mà còn tồn tại được trên một hạ tầng cơ sở mới”. Một trường phái, một khuynh hướng văn học nghệ thuật phản ánh lợi ích của một tầng lớp, một giai cấp nhất định. Một trường phái, một khuynh hướng văn học nghệ thuật chỉ có thể nảy nở và phát triển trên một cơ sở kinh tế nhất định. Có cơ sở kinh tế đó trường phái và khuynh hướng văn học nghệ thuật ấy mới có thể tồn tại được. Nếu cơ sở kinh tế đó đã mất đi thì trường phái và khuynh hướng văn học nghệ thuật ấy không chóng thì chầy cũng sẽ mất đi. Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp trong xã hội đã đẻ ra mâu thuẫn và đấu tranh trong văn nghệ. Kết quả của mâu thuẫn và đấu tranh đó đẻ ra văn học tiến bộ một cách tất nhiên cũng như đẻ ra văn học phản động một cách tất nhiên. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời trong những điều kiện vật chất đã có trong xã hội cũ. Nhưng trong chế độ cũ nó ở địa vị bị thống trị. Chỉ sau khi cách mạng thắng lợi nó mới giành được địa vị thống trị trong văn nghệ và mới có thể phát triển mạnh mẽ được. Trong xã hội mới, đi đôi với việc tiêu diệt cơ sở kinh tế của các giai cấp bóc lột cũ, các trường phái khuynh hướng văn nghệ cũ bảo vệ cơ sở cũ hay mưu toan khôi phục lại cơ sở cũ, cũng sẽ bị tiêu diệt. Nếu có một vài trường phái văn nghệ nào đó còn một số yếu tố tiến bộ còn tồn tại được trong xã hội mới thì cũng chỉ là tồn tại cái hình thức bề ngoài còn nội dung của nó, tức khuynh hướng của nó đã căn bản thay đổi. Cho rằng những trường phái, khuynh hướng văn học nghệ thuật đẻ ra trong xã hội cũ vẫn tồn tại và phát triển trong chế độ mới, Trương-Tửu đã che đậy tính giai cấp của văn nghệ. Y muốn làm cho người ta hiểu rằng văn nghệ có tính vĩnh viễn không thay đổi vận mạng của văn nghệ dài hơn vận mạng của Đảng, dài hơn vận mạng của chế độ. Như thế, y đã tuyên truyền cho chủ nghĩa duy tâm thối nát.

Văn nghệ phản ánh hiện thực. Hiện thực là vật chất vận động không ngừng theo quy luật khách quan nhất định. Hơn nữa, văn nghệ còn là một vũ khí đấu tranh giai cấp. Vì thế muốn nghiên cứu một tác phẩm văn nghệ trước tiên cần phải nghiên cứu bối cảnh lịch sử đã đẻ ra tác phẩm đó, tức là những điều kiện lịch sử, những quan hệ kinh tế, chính trị đã đẻ ra những tác phẩm đó. Trương-Tửu thì không làm như thế. Y chủ trương nghiên cứu văn học bằng cách chui vào mò mẫm trong cái gọi là “đời sống văn học”. Y cho rằng: “Đời sống văn học mới là miếng đất làm nảy nở ra tác giả và tác phẩm”. Theo Trương-Tửu thì nghiên cứu một tác phẩm văn học không cần phải nghiên cứu các quan hệ xã hội đã đẻ ra tác phẩm đó mà chỉ cần nghiên cứu những cái mà y gọi là “khí hậu văn học”, “tâm lý thời đại”, v.v…

Văn nghệ là diễn lại cuộc sống, là phản ánh hiện thực khách quan. Vì thế đường lối sáng tác của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhà văn nghệ phải miêu tả đời sống khách quan một cách chân thực, cụ thể từng lịch sử, trong quá trình phát triển cách mạng của nó. Đó là đường lối sáng tác cuả những văn nghệ sĩ theo chủ nghĩa duy vật biện chứng. Trương-Tửu thì trái lại. Y đưa ra một số đường lối sáng tác duy tâm, thần bí. Trương-Tửu chủ trương văn nghệ sĩ sáng tác không phải là miêu tả hiện thực khách quan mà là “khách quan hóa bằng hình tượng cái chủ quan chân thật của mình” (Trương-Tửu gạch dưới); Trương-Tửu cho rằng “nghệ sĩ chân chính là một con người cảm thấy mình có khiếu và có nhu cầu căn bản phát triển và thể hiện bản ngã của mình vào một vật cụ thể.” (Trương-Tửu gạch dưới). Chủ trương văn nghệ sĩ chỉ biểu hiện “cái chủ quan chân thật của mình”, chỉ “phát triển và thể hiện cái bản ngã của mình”, Trương-Tửu đề xướng một đường lối sáng tác văn nghệ duy tâm chủ nghĩa. Đường lối sáng tác văn nghệ này lầy “cái tôi” làm trung tâm. Nó chủ trương văn nghệ sĩ phải xuất phát từ cái chủ quan của mình để sáng tác chứ không phải xuất phát từ hiện thực khách quan của đời sống xã hội. Chính Trương-Tửu đã từng viết: “nghệ sĩ có thể chiếu tỏa ra ngoài đời cái ánh sáng của chính bản thân mình.” [9]

Trương-Tửu quan niệm văn nghệ sĩ không phải là một con người cụ thể sống ở trong xã hội, một con người “tổng hợp các mối quan hệ xã hội”. Theo y thì văn nghệ sĩ là một con người đặc biệt “vượt qua giới hạn của giai cấp, của thời đại, của sự sống cá biệt, để đạt tới con người phổ biến, con người vĩnh cửu”. (Trương-Tửu gạch dưới).

Trong sáng tác văn nghệ, vai trò của sự tưởng tượng, của “hư cấu” rất lớn lao không thể thiếu được. Nhưng đối với chúng ta, sự tưởng tượng và hư cấu đó phải dựa trên cơ sở của hiện thực khách quan, nghĩa là trên cơ sở của cái “có”. Nhưng đối với Trương-Tửu thì sự tưởng tượng và hư cấu đó dựa trên cơ sở của cái “không”, và làm bật ra từ cái “không” những tác phẩm văn nghệ. Y còn nói thêm rằng: “Nhà văn sống thực cái mà mình hư cấu ra”, “nhà văn chỉ hư cấu được cái gì mà mình sống bằng tưởng tượng”. Y thần bí hóa văn nghệ bằng cách kể ra bao nhiêu thứ “diệu kỳ”; “cái trí tưởng tượng diệu kỳ, ảo kiến”, “cái khoa học thực giác diệu kỳ”, “cái thần nhỡn diệu kỳ”, v.v… Theo Trương-Tửu thì những thứ diệu kỳ này đã đem lại cho văn nghệ cái mà y gọi là “loại biệt tình”.

Qua những tác phẩm của Trương-Tửu từ trước đến nay, nhất là qua cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam, chúng ta thấy rõ rằng theo quan niệm Trương-Tửu thì tư duy đẻ ra tồn tại, chứ không phải tồn tại đẻ ra tư duy. Như thế rõ ràng là thế giới của Trương-Tửu phải là thế giới quan duy tâm chủ nghĩa. Thứ “chủ nghĩa duy vật máy móc” mà một số người nhận xét ở Trương-Tửu chỉ là cái biểu hiện bên ngoài. Trương-Tửu dùng cái biểu hiện bên ngoài này để lừa dối người đọc. Còn bản chất của Trương-Tửu, của thế giới quan của y, là chủ nghĩa duy tâm. Thứ chủ nghĩa duy tâm này không phải là một thứ chủ nghĩa duy tâm thông thường, mà nó là một thứ chủ nghĩa duy tâm phản động. Vì nó không phải là một sai lầm không tự giác, mà là một thủ đoạn xảo quyệt để chống phá cách mạng.


Một lập trường chính trị phản động

Toàn bộ những tác phẩm của Trương-Tửu đã bộc lộ ra một lập trường chính trị rõ ràng. Đó là một lập trường thù địch đối với cách mạng, thù địch đối với Đảng ta, thù địch đối với chế độ ta. Sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, chế độ cộng hòa dân chủ thành lập, Trương-Tửu đã tỏ rõ lập trường chính trị đối địch của y đối với chế độ mới. Y không chịu nổi chế độ mới trong đó chính quyền đã về tay nhân dân do giai cấp công nhân và Đảng ta lãnh đạo. Trong bài tựa cuốn Tương lai văn nghệ Việt-nam [10] y kêu lên: “Cái “hôm nay” đen tối và chật hẹp”. Cũng trong cuốn sách đó y viết: “Chúng ta đều là những kẻ bức bối ngột thở trong khung cảnh chế độ hiện thời và lúc nào cũng mong phá vỡ nó để thoát ra.” Y hô hào văn nghệ nổi lọan chống lại chính quyền cách mạng: “Trong lúc này, một nền văn nghệ xứng đáng với tên của nó, phải xô đẩy người đương thời đến một thái độ “chống hiện tại”, “phá đổ hiện tại”. [11] Trương-Tửu không chỉ hô hào suông mà đã ra tay hành động. Chính bọn tơ-rốt-skít trong đó có Trương-Tửu rải truyền đơn ở Hà-nội ký tên là “Đảng thợ thuyền xã hội Việt-nam” đòi thi hành biện pháp thiết thực ngay “cách mạng xã hội chủ nghĩa” để gây khó khăn cho Chính phủ lâm thời: Cũng trong cuốn Tương lai văn nghệ Việt- nam, Trương-Tửu đã tuyên truyền cho thuyết “tự do tuyệt đối”của văn nghệ sĩ và chống lại sự lãnh đạo của Đảng mà y gọi là “sự chi phối trực tiếp của những sức mạnh độc đoán ở bên ngoài”. Trong “Chương trình hành động” của cái gọi là “Đoàn kiến thiết tân văn nghệ” mà y khởi xướng, Trương-Tửu viết: “Đoàn hành động sẽ không theo mệnh lệnh của một đảng phái nào… Nhưng đoàn cũng sẽ không từ chối một cách tuyệt đối sự hợp tác thực tiễn với những đảng nào xét ra là đại diện cho quần chúng… Nhưng hành động ấy cũng chỉ xảy ra một cách hãn hữu thôi” [12] . Trương-Tửu lại vu khống cho Cách mạng tháng Tám đã giết chết văn nghệ. Trong bài Nhà văn và cách mạng, viết trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám lần thứ nhất, y viết: “Được mùa cách mạng thì mất mùa văn chương sáng tác”.

Những tư tưởng chống Đảng chống chế độ trên đây được Trương-Tửu “phát triển” thêm trong các bài của y đăng trên các tạp Giai phẩm hồi cuối năm 1956, trong lúc nhóm phá hoại Nhân văn - Giai phẩm tấn công điên cuồng vào Đảng ta. Trong bài Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ đăng trong Giai phẩm mùa thu tập II, Trương-Tửu lên tiếng đòi “trả quyền lãnh đạo chuyên môn cho những người công tác chuyên môn”. Trương-Tửu đem văn nghệ đối lập với Đảng. Trong bài Văn nghệ và chính trị đăng trong Giai phẩm mùa thu III và Giai phẩm mùa đông y còn tấn công vào Đảng một cách điên cuồng trắng trợn hơn. Y đem tự do của văn nghệ sĩ đối lập với Đảng. Y viết: “Tự do tư tưởng của văn nghệ sĩ là bất khả xâm đoạt”; “văn nghệ cần một điều kiện không thể thiếu được, đó là quyền tự do phát hiện sự thật toàn diện. Một Đảng tốt phải tạo cho văn nghệ điều kiện ấy. Nếu không, nó cũng tự tạo cho nó điều kiện ấy”. Y đem sự thật đối lập với Đảng và vu khống cho Đảng là ta sợ sự thật. Trong lúc đó thì y thổi phồng vai trò của văn nghệ sĩ: “Văn nghệ sĩ là sứ giả của sự thật”; “văn nghệ sĩ yêu Đảng, nhưng họ yêu sự thật hơn Đảng” v.v... Y chủ trương “văn nghệ sĩ chân chính không chủ định phục vụ một Đảng chính trị”. Y tuyên bố một cách hung hăng: “Văn nghệ sĩ sẽ là chứng nhân về mọi hành động của Đảng trước tòa án lịch sử nghìn đời.”

Cuộc tấn công của nhóm phá hoại Nhân văn-Giai phẩm bị đánh lui, những phần tử trong nhóm này “chuyển hướng”, thì Trương-Tửu cũng “chuyển hướng” theo. Y cải trang thành một nhà “nghiên cứu văn học sử”. Cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam xuất hiện. Thuyết “chống hiện tại”, “phá đồ hiện tại” của y lại xuất hiện dưới một lối nói khác. “Nói chung thì dòng tư tưởng và tình cảm của văn học thống trị bao giờ cũng nặng về tính cách bảo thủ ở ngay cả lúc nó còn mang một ý nghĩa lịch sử chân chính. Trái lại, dòng tư tưởng và tình cảm của văn học chống giai cấp thống trị bao giờ cũng nặng nề về tính cách đi tới, tiến thủ, phê phán trật tự hiện hành, nhằm về phía đằng trước” (do Trương-Tửu gạch dưới). Trương-Tửu nói đến giai cấp thống trị và giai cấp bị thống trị một cách trừu tượng không nói rõ dưới chế độ xã hội nào, không nói rõ giai cấp thống trị trong chế độ đó là tiến bộ hay phản động. Dụng ý của Trương-Tửu là làm cho người ta hiểu lầm rằng ở trong chế độ ta, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã trở thành giai cấp thống trị, thì nền văn học của nó, mặc dù “còn mang một ý nghĩa lịch sử chân chính”, vẫn “nặng nề về tính cách bảo thủ” vì một lẽ đó là “văn học thống trị”. Còn thứ văn học chống đối như “văn học” của nhóm Nhân văn- Giai phẩm chẳng hạn thì “nặng về tính cách đi tới, tiến thủ, phê phán trật tự hiện hành, nhằm về phía đằng trước” vì một lẽ đó là “văn học chống giai cấp thống trị”.

Đi đôi với việc gieo rắc những tư tưởng thù địch chống lại Đảng ta và chế độ ta, Trương-Tửu không ngớt lời ca tụng thực dân Pháp là kẻ sang cướp nước ta. Y cho rằng thời kỳ Pôn Đu-me làm toàn quyền Đông-dương đã mở đầu một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc ta. Theo y thì chính nhờ bàn tay sắt của tên thực dân khát máu này mà hồi đó ở Việt-nam đã bắt đầu “một quá trình thống nhất lãnh thổ quốc gia mới, một quá trình hình thành dân tộc mới”. Y ca tụng cả chế độ chính trị thối nát của thực dân Pháp ở nước ta. Y viết: “Những hội đồng tư vấn, hội đồng hàng tỉnh… khiến nhân dân Việt-nam bước đầu biết đến những hình thức dân chủ tư sản tối thiểu của sự quản trị quốc gia, và gieo mầm ý thức về quyền công dân…” Y lại ca tụng nền giáo dục ngu dân của thực dân Pháp là đã “cận đại hóa” tư tưởng thanh niên Việt-nam. Theo Trương-Tửu thì nhờ có sự đô hộ của thực dân Pháp, dân tộc Việt-nam ta mới có được cái mà y gọi là “cận đại tính”. Y còn viết thêm: “Nói đến cận đại tính là nói đến sự nảy nở đa dạng của một nền văn nghệ có chất “người” phong phú và phức tạp, cho phép phát huy cao độ mọi cá tính thiên tài, mọi khả năng sáng tạo, để thám hiểm vũ trụ, thám hiểm con người, thám hiểm xã hội”. Tóm lại, y ca tụng thực dân Pháp đã có công lớn lao trong việc xây dựng cho dân tộc Việt-nam ta một nền văn nghệ mới.

Có người nói rằng trong các tác phẩm của y, Trương-Tửu chỉ trình bày những quan điểm văn nghệ y chứ không bộc lộ những quan điểm chính trị của y. Nói như thế là không đúng. Trong các tác phẩm của y, Trương-Tửu không những đưa ra những quan điểm văn nghệ phản động mà còn cả những tư tưởng chính trị phản động nữa. Y xướng lên thuyết “luật quân binh đoàn thể”, “bản tính công bằng” để che đậy hiện tượng giai cấp và giai cấp đấu tranh trong xã hội. Hồi thuộc Pháp, y đã che đậy tính chất giai cấp của pháp luật, cho rằng pháp luật không phải là một công cụ đàn áp giai cấp và hô hào mọi người vâng theo luật pháp. Trong cuốn “Nguyễn-Du và Truyện Kiều”, Trương-Tửu viết: “Pháp luật là khí cụ của đoàn thể dùng để giữ đạo công bằng trong đoàn thể. Cho nên muốn theo đạo công bằng thì cá nhân chỉ còn một cách rất giản dị là vâng theo pháp luật, vâng theo người thừa hành luật pháp.” Y che đậy tính giai cấp của dư luận. Y viết: “Bên cạnh pháp luật, xã hội lại còn dùng dư luận xã hội để củng cố đạo công bằng. “Y nói đến “lương tâm cá nhân”, một thứ lương tâm cá nhân siêu giai cấp. Y viết: “Xã hội đã tạo ra một con mắt vô hình đã xét nét ý nghĩ cùng việc làm của cá nhân. Con mắt ấy có thế lực thưởng phạt như pháp luật, dư luận. Con mắt mầu nhiệm ấy là lương tâm tức là có… một xã hội trong mình”. Rõ ràng Trương-Tửu đã truyền bá những tư tưởng chính trị phản động. Chính những tư tưởng chính trị phản động của Trương-Tửu đã quy định những tư tưởng văn nghệ của y.

Trương-Tửu đã từng nhiều lần công khai tuyên bố y theo chủ nghĩa tơ-rốt-skit và đệ tứ quốc tế. Đệ tứ quốc tế và chủ nghĩa tơ-rốt-skit, như mọi người đều biết, là một công cụ trong tay chủ nghĩa đế quốc quốc tế để chống phá cách mạng. Bọn tơ-rốt-skit là những tay sai đắc lực của đế quốc và là kẻ thù nguy hiểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin vì chúng đội lốt chủ nghĩa Mác-Lê-nin để chống phá cách mạng. Đã hai chục năm nay tên tơ-rốt-skit Trương-Tửu đội lốt chủ nghĩa Mác để chống lại Tổ quốc, chống lại nhân dân, chống lại cách mạng. Y đã từng chống phá Mặt trần dân chủ (1937-1939), chống phá Mặt trận Việt-Minh (1941-1945). Y đã từng nhiều lần nói xấu dân tộc ta, nói xấu nhân dân ta và công khai ca tụng xâm lược, ca tụng đế quốc. Mỗi cuốn sách của y ra đời đều có một mục đích chính trị rõ rệt: phục vụ đế quốc, chống phá cách mạng. Tất cả mọi thủ đoạn đối với Trương-Tửu đều tốt miễn là phá hoại được cách mạng, phá hoại được Đảng ta. Những giọng lưỡi và hoạt động phản bội dân tộc, phản bội nhân dân, không phải là những sai lầm ngẫu nhiên không tự giác, mà là những hành động cố ý, có hệ thống, có lịch sử.

Những tư tưởng chính trị của Trương-Tửu là những tư tưởng thù địch đối với cách mạng, thù địch đối với Đảng ta. Những tư tưởng thù địch này không phải chỉ biểu lộ một cách ngẫu nhiên trong một lúc nào đó mà là biểu lộ có hệ thống từ lâu. Những hoạt động chống phá cách mạng, chống phá Đảng ta của Trương-Tửu có một lịch sử lâu dài. Y đã tỏ ra rằng y là một kẻ thù không đội trời chung với Đảng ta, với cách mạng. Một người có tư tưởng chống lại Đảng ta, chống lại chủ nghĩa Mác-Lê-nin như thế sao lại luôn luôn vỗ ngực tự xưng là một người mac xít? Có lẽ có người lấy làm khó hiểu. Nhưng điều đó không có gì đáng lấy làm lạ. Người ta thường nói: dùng nội công đánh chiếm đồn địch thì dễ hơn. Những kẻ thù của chủ nghĩa Mác thường cho tay chân của chúng lui vào hàng ngũ của những người theo chủ nghĩa Mác để đánh phá mặt trận tư tưởng của họ từ bên trong đánh ra. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, nhất là sau phong trào mặt trận dân chủ 1936-1939, ảnh hưởng của Đảng ta và tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin lan rộng và ăn sâu trong nhân dân ta. Tình hình này bắt buộc bọn đế quốc phong kiến phải cho một số tay sai ra đóng vai những nhà “nghiên cứu” đội lốt chủ nghĩa Mac để lừa gạt quần chúng. Nhóm Hàn-Thuyên trong đó có Trương-Tửu ra đời trong những điều kiện lịch sử đó. Ngày nay ở miền Bắc nước ta nhân dân lao động đã làm chủ nước nhà. Đảng ta đã trở thành Đảng lãnh đạo chính quyền Nhà nước. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin đã trở thành tư tưởng chỉ đạo trong đời sống xã hội. Những kẻ thù của chủ nghĩa Mác-Lê-nin càng phải che đậy không dám để lộ bộ mặt thật của chúng. Chúng càng phải khoác áo chủ nghĩa Mác-Lê-nin để chống phá chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Vì thế chúng ta không nên lấy làm lạ khi thấy Trương-Tửu rêu rao là y theo đúng tinh thần và phương pháp “Mác-Lê-nin chủ nghĩa”. Nhưng chủ nghĩa Mác-Lê-nin và tư tưởng của Trương-Tửu hoàn toàn không giống nhau. Thế giới quan và phương pháp chủ nghĩa Mác-Lê-nin là chủ nghĩa duy vật biện chứng, còn thế giới quan và thuật gian xảo của Trương-Tửu là chủ nghĩa duy tâm và thuật ngụy biện. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin là tư tưởng của giai cấp công nhân, mưu lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Còn tư tưởng của Trương-Tửu là tư tưởng của bọn phản cách mạng mưu lợi ích cho các giai cấp phản cách mạng, làm hại cho dân tộc, làm hại cho Tổ quốc, làm hại giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Đã hai chục năm nay Trương-Tửu đội lốt “mác xít” để chống phá cách mạng, chống phá Đảng ta, chống phá chủ nghĩa Mác-Lênin. Những nọc độc của y gieo rắc không phải là ít. Việc các báo chí phê phán tư tưởng của Trương-Tửu để quét sạch những nọc độc đó không phải là một việc nên làm mà còn là một điều cần thiết. Ấy thế mà có một số người cho rằng báo chí phê phán tư tưởng của Trương-Tửu như thế là “đề cao” Trương-Tửu , là “quảng cáo” cho những sách vở của y. Nói như thế chẳng khác gì thấy giặc không đánh cứ để cho giặc tự ý hoành hành. Cái thái độ bề ngoài có vẻ “quân tử” này thực ra chỉ là một thái độ thỏa hiệp nếu không phải là đầu hàng trên mặt trận tư tưởng. Trương-Tửu tấn công vào Đảng, vào cách mạng, chúng ta có bổn phận bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Trương-Tửu xuyên tạc chủ nghĩa Mác-Lê-nin, chúng ta có bổn phận bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lê-nin. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin chỉ có thể tồn tại và phát triển trong quá trình đấu tranh tư tưởng của y, vạch trần thế giới quan và thuật gian xảo của y, do đó tước vũ khí của y, khiến cho y không còn có thể làm hại cách mạng, làm hại nhân dân được nữa. Việc phê phán tư tưởng của Trương-Tửu, theo chúng tôi quan niệm, cũng giống như tư tưởng của Trương-Tửu, là phê phán giai cấp mà Trương-Tửu là một người đại biểu, một kẻ phát ngôn. Sự phê phán đó là một khía cạnh của cuộc đấu tranh tư tưởng chung trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta hiện nay.



[1]Trong cuốn Lược thảo lịch sử văn học Việt-nam, Xây dựng xuất bản, nhóm Lê-Quý-Đôn, trong lúc nhắc đến những cuốn Kinh thi Việt-nam, Nguyễn-Du và Truyện Kiều, Tâm lý và tư tưởng Nguyễn–công-Trứ của Trương-Tửu có đánh giá Trương-Tửu như sau: Trương-Tửu cố dập theo quan điểm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác, đã đạt được những thành công nhất định… nhưng nhiều nhận định của ông máy móc, cực đoan, mà một thời người ta đã đánh giá khá nghiệt là “mác xít giả hiệu”.
[2]Lê-nin, Toàn tập, quyển 21.
[3]Trương-Tửu: Bệnh sùng bái cá nhân trong giới lãnh đạo văn nghệ - Giai phẩm mùa thu, tập 2.
[4]Trương-Tửu: Văn nghệ và chính trị - Giai phẩm mùa đông.
[5]Những câu trích dẫn trong bài này, ngoài những câu đã ghi rõ nơi trích dẫn, đều lấy trong cuốn Mấy vấn đề văn học sử Việt-nam của Trương-Tửu .
[6]Trương-Tửu : Tương lai văn nghệ Việt-nam .
[7]Trương-Tửu : Nguyễn-Du và Truyện Kiều.
[8]Phờ-rớt là một thầy thuốc khoa thần kinh ở Viên. Chủ nghĩa Phờ-rớt là một thứ chủ nghĩa duy tâm phản động trong tâm lý học. Chủ nghĩa này cho rằng ý thức con người do “ý thức dưới” chi phối, mà nội dung của “ý thức dưới” là tính dâm dục định đoạt trước. Chủ nghĩa Phờ-rớt đem tính dâm dục để giải thích cách hiện tượng xã hội từ nguyên thủy đến chiến tranh và cách mạng thời nay vì đã bộc lộ rõ tính chất phản động của nó. Phát xít Đức đã dùng chủ nghĩa Phờ-rớt để bào chữa cho những sự tàn bạo của chúng. Ngày nay đế quốc Mỹ cũng đang dùng chủ nghĩa Phờ-rớt làm công cụ để nô dịch nhân dân các nước.
[9]Trương-Tửu: Văn nghệ và chính trị.Giai phẩm màu thu, tập 3 (1956).
[10]Cuốn sách này đăng trọn trong tạp chí Văn mới số 56, ra ngày 10-9-1945.
[11]Trương-Tửu : Tương lai văn nghệ Việt- nam.
[12]Sđd.

Nguồn: Tạp chí Học Tập tháng 3.1959