trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Tư tưởngTriết học
24.7.2008
Tam Ích
Văn học hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không?
 
Chúng tôi viết bài này là để đáp lại sự đòi hỏi về hai luận cứ: luận cứ thứ nhất thuộc về vấn đề cuốn Ca tụng thân xác của Nguyễn Văn Trung bị một vài bạn đồng nghiệp cho là một cuốn sách khiêu dâm; còn luận cứ thứ hai thuộc về một nhu cầu trí thức: có mấy anh chị em sinh viên của chúng tôi viết thư hỏi rằng văn học hiện tượng luận có phải là văn học khiêu dâm không. Hẳn các bạn ấy cũng đã nhận định rõ ràng rồi: có hỏi chúng tôi là giáo sư cũng chỉ là hỏi để cho có thêm ý bổ túc.

Luận cứ thứ hai – nói một cách khác: vấn đề thứ hai, kích thước nó rộng lớn lắm. Nói chung thì nó gói cả một nền văn học hiện đang ở một phương diện nào đó; còn nói riêng thì nó nhắm một số sản phẩm trí thức Việt ngữ của chúng ta – trong đó có cuốn Ca tụng thân xác chẳng hạn. Nhưng đặt vấn đề ấy, ý khiêm tốn của tôi chỉ ao ước đặt một vấn đề triết học với các tham vọng là làm sáng tỏ nó. Hiện tượng luận hiện thời là một học thuyết rất hợp thời thượng trí thức nhất là ở Âu Mỹ, thứ là ở những dân tộc nằm trong phạm vi văn hoá Âu Mỹ như Việt Nam chẳng hạn. Đồng thời chúng tôi mong gây được bầu không khí cảm thông trong trí thức giới: có sự cảm thông ấy, văn hoá được nhờ nhiều, không có nó, văn hoá thiệt thòi lắm. Tại sao, sẽ xin thưa.

Trong một giới trí thức với nhau mà tinh thần văn hữu sứt mẻ và đổ vỡ thì những sự mâu thuẫn về tinh thần có tác dụng gây hoang mang cho ý chí hiểu biết về trí thức của học giới thanh niên.

Nói về cả hai vấn đề, tôi xin kết luận trước là: cuốn Ca tụng thân xác không phải là một cuốn sách khiêu dâm. Muốn thế, tôi phải lập luận và trình bày cho có thứ tự đầu đuôi. Trình bày xong rồi là sẽ đâu ra đó, đâu đó sẽ rõ ràng: một là tôi sẽ chứng minh ý kiến của tôi về cuốn Ca tụng thân xác, hai là đồng thời, tôi đặt vấn đề hiện tượng luận là vấn đề trực tiếp liên quan đến nền văn học hiện đại. Biết gì nói nấy: nếu tôi có khiếm khuyết, xin học giới khoan dung, thật rất thâm cảm.


Câu chuyện triết học trong lịch sử

Đại phàm một nền triết học nói chung của một dân tộc trong lịch sử: nói rộng ra là của Tây phương hay của Á Đông – muốn phong phú và có tác dụng lớn, phải chứa những trào lưu phản ứng (réactron) lẫn nhau, hay vượt (dépassement) lẫn nhau.

Ở Á Đông chúng ta, những hiện tượng như vậy hiếm lắm: ở Ấn Độ ngày xưa có Phật giáo phản ứng vượt Bà La Môn giáo, nhưng khi Phật giáo trưởng thành thì Phật giáo lại đi “định cư” và phát triển ở các dân tộc khác để cho đến ngày nay thì kích thước của nó lớn một cách lộng lẫy ở tất cả mọi chốn có dấu nhân sinh, trong khi dân tộc Ấn Độ vẫn “nghèo” như những năm xa xưa…

Ở Trung Hoa chúng ta thì vỏn vẹn bốn trăm năm từ Tiên Tần cho đến đời Đông Hán, thời mà triết gia hiện đại gọi là thời Tử học, Bách gia chư tử phản ứng nhau, vượt nhau… tranh nhau một khu chân trời văn hoá dài và rộng quá tầm thị giác – nếu có thể nói thế… nhưng qua thời kinh học dài hơn hai ngàn năm thì, nếu không có Lý học đời Tống và Tâm học đời Minh (mà chúng ta không thể gọi là cái học phản ứng hay vượt được) có lẽ khí hậu triết học sẽ buồn đến phát nản… Cho đến cái thời hậu cách mạng Tân Hợi đầy hứa hẹn thiên hạ đã tưởng đâu là ở bển khí hậu trí thức sẽ biến đổi toàn diện chớ nào có ai ngờ Tôn Văn chết rồi thì Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch lại vẫn cứ dùng… Nho giáo làm lợi khí… hướng văn hoá theo chiều quyền lợi riêng… để đến nỗi một cuộc cách mạng xã hội và chính trị hiếm có trong lịch sử không lôi kéo được một nền cách mạng về triết học nào… ngoài một số yếu lý dân chủ từ đất cách mạng dân chủ Pháp vọng tới đất Trung Hoa dung hoà với Nho Lão một cách rất vất vả. Và ngoài một số yếu lý duy dung của Anh Mỹ vượt được sóng đại dương đến đất Vạn lý Trường thành thì lại chỉ có một mớ tác dụng rất… duy danh rất đúng với… thực (!) giúp cho mấy gia đình tài phiệt Trung Hoa như nhà họ Tống… một ngày một trưởng thành đã lớn lại cứ lớn mãi… Ôi không may!

Vậy thì cái không khí phản ứng vượt ấy, như tôi đã nói đó, cổ kim chỉ có ở Tây phương là tưng bừng: Descartess duy lý – nhưng sự trưởng thành của “nếp” duy lý lại chạm phải triết học duy nghiệm của Hobbes, Locke, làm cho Berkeley hệ thống hoá thuyết duy tâm để “trả lời”. Nhưng Immanuel Kant lại không thụ động: bản thể trở nên bất khả tri và rồi bất khả tri luận (angosticisme) ra đời gây thanh thế rất lớn. Còn Hegel thì lại bỏ đường lối sinh sinh hoá hoá cũ, chủ trương mở một kỷ nguyên mới cho duy lý: ông dựng một nền học duy lý tối cao để cho Karl Marx lật ngược biện chứng pháp duy tâm thành biện chứng pháp duy vật, sau khi mà Auguste Comte đã “xây” nền móng cho triết học thực nghiệm rồi…

Khí hậu huyên náo ấy chờ đến ngày Kierkegaard và Nietzsche ra đời: hướng triết học chuyển hẳn…

*


Nói một cách khác, trong cái dây liên tục triết học Âu Tây cổ kim: thuyết duy vật biện chứng (matérialisme dialectique) đã phản ứng thuyết duy linh (spiritualisme), thuyết duy thực (réalisme) đã phản ứng thuyết duy tâm (idéalisme), và thuyết duy nghiệm (empirisme) đã phản ứng thuyết duy lý (rationalisme)… cho đến thuyết hiện sinh ra đời thì hướng triết học chuyển lớn!

Hay nói một cách khác đi nữa, mọi lẽ trong trời đất cũng chỉ có giá trị tương đối… cho có phản ứng hay vượt… thì rồi ai nấy cũng còn đấy: lịch sử còn đi con đường dài vun vút của nó và chưa nói “tiếng nói chót”… vì nào ai biết được ở vào giữa thế kỷ XX đầy bụi nguyên tử này, nó nói tiếng nói cuối cùng (dernier mot) của nó ra sao, như thế nào, cách nào…

Bản ý chúng tôi chỉ muốn đề cập đến hai lẽ: một là lịch sử một nền triết học trong lịch sử loài người – nói chung hay nói riêng – phải có “chứa” những sự phản ứng và vượt thì mới phong phú và đa diện. Những biến cố văn hoá ấy là phản ảnh của sự tiến hoá của lý tính và sự trưởng thành của ý thức nhận thức của con người trong văn mạch lịch sử (context historique). Không có những biến cố ấy, lý tính nằm lỳ, con người thật không hãnh diện gì về mình. Hai là chúng tôi muốn “kể” những cái “lóng” của cái “dây” triết học… cho đến cái “lóng” hiện tượng luận (phénoménologie), đối tượng của lập luận chúng tôi trong bài này, nó hiện hữu hiện hành song song với thuyết hiện sinh (existentialisme) – hai chủ thuyết triết học gây “sóng gió” nhiều nhất!


Hiện tượng luận và hiện sinh

Tôi để hiện tượng luận trước hiện sinh luận là vì không có Husserl, hẳn Sartre ngày nay – nếu có – đã phải có một bộ mặt khác…

Cũng xin nói ngay là thuyết hiện sinh là một chủ thuyết triết học phản ứng tất cả các hệ thống uyên nguyên hay ngoại tại (essentialisme ou philosophie de la transcendance) nói chung, và phản ứng tất cả các hệ thống duy lý (systèmes rationalistes) và nhất là hệ thống của Hegel… Hiện sinh luận có hai ngõ: một là tả hiện sinh tiếng Pháp gọi là philosophie exitentiale hai là existentialisme hay philosophie existentialiste tức là hiện sinh vô thần mà Heidegger và Sartre là đại diện; hai là hữu hiện sinh tiếng Pháp gọi là philosophie existentielle tức là hiện sinh Công giáo do Karl Jaspers và Gabriel Marcel làm đại diện…

Còn hiện tượng luận của Husserl thì lại đã phối hợp với hiện sinh “nguyên thủy” Kierkegaard để “dựng” nên hiện sinh vô thần; đồng thời nó chủ trương vượt hai thuyết duy tâm (idéalisme) và duy thực (réalisme) (Xin nhớ cho luận cứ quan trọng này). Trong lúc ấy, thì chính hiện sinh vô thần phản ứng vượt tổng quát từ Socrate cho đến Bergson là người đã dùng trực giác để phản ứng “luồng” duy trí (intellectualisme) dài… từ thuở…

*


Ở bên Âu Mỹ hiện thời, nghiên cứu triết học mà không tìm hiểu hiện tượng luận thì kể cũng như là không kịp… thời thượng trào lưu triết học và ngưng lại Bergson chẳng hạn… và đã đành là có các thuyết hiện sinh, nhưng nói riêng về Sartre thì Sartre, một cách tương đối, đã phát sinh từ Husserl… Ở Á Đông chúng ta – Việt Nam chẳng hạn – thì không có vấn đề thời thượng ấy, vì văn hoá Âu Mỹ thường để… trễ mới tới đất này: văn học lãng mạn gần một trăm năm chúng ta mới có cuốn Tố Tâm, văn học tượng trưng cũng mãi gần nửa thế kỷ mới có Xuân Diệu và Huy Cận… còn chủ thuyết siêu thực thì chưa kịp đến nơi và trưởng thành, mới manh nha có Xuân thu nhã tập thì đã có Đệ nhị Thế chiến… kịp đến hết chiến tranh thì phải vào bóng tối… để cho văn học hiện sinh tràn vào… Còn hiện tượng luận – trên phương diện triết học – chúng ta nhờ có sách vở Âu Mỹ qua và các giáo sư đã du học và đã thành tài về nước tham gia vào việc thúc đẩy sự phát sinh và nảy nở của nó. Kể cũng nên nói thêm một điều: là đã nghiên cứu qua triết học cổ điển Âu Tây nói chung, và hai thuyết duy tâm và duy thực nói riêng, thì cũng dễ vào không khí hiện tượng luận. Nói thế là vì duy tâm và duy thực là hai “cực” mà hiện tượng luận sẽ vượt. Vượt nó là chống nó mà đồng thời cũng có chứa một mấu… nó: chống nó mà cũng không thoát được cảnh ít nhiều nhờ nó vì nó mà… có: ở đời thường có những chuyện ngộ nghĩnh!


Hiện tượng luận phát sinh

Nói rằng Husserl phát sinh từ Descartes và Kant như một số tư tưởng gia nói – để mà nói, một cách nói – thì cũng… ép; vì Husserl vốn chống thuyết duy lý của Descartes và từ chối, không như Kant, biên giới giữa hiện tượng (phénomène) và vật thể tự tại (chose en soi).

Kierkegaard vốn muốn phân tích cái trạng thái mà Hegel gọi là khổ thức (conscience malheureuse), trạng thái tâm hồn của con người bị “đau xót” vì thấy mình là một thực thể hữu hạn trước một Thượng đế siêu việt. Nhưng theo Hegel thì cái thực thể tâm lý khổ thức ấy chỉ là một giai đoạn của dòng tiến hoá biện chứng, mà sự tiến hoá của Lý tính (viết hoa) sẽ vượt qua: một ngày kia Ý thức con người đồng nhất với Tuyệt đối thì ý thức sẽ không “khổ” nữa. Hegel thì nghĩ vậy nhưng Kierkegaard thì lại cho rằng khổ thức là một trạng thái thông thường của con người, nó vĩnh viễn như thế, nó sừng sững như thế trong đời sống tâm hồn của con người rồi, không có gì chuyển nổi… Cái “lo âu xao xuyến” (angoisse) là cái mà con người nghiệm thường ngày mỗi ngày – nói một cách khác, con người bị nó ám ảnh một cách siêu hình thường trực trong lúc con người vốn là một thực thể tuyệt đối ngẫu sinh (contingent) và hữu hạn (fini).

Những yếu lý ấy của Kierkegaard không sắp đặt thành hệ thống. Chúng chỉ là những đề thuyết về nhân sinh, về luân lý và tôn giáo… mà thôi. Kierkegaard dùng “vạn hoa kính” chiếu nó, nhìn nó ra thành một ngàn lẻ… một màu sắc nhân sinh về tinh thần và tình cảm… Muốn “hệ thống hoá” (chữ tôi dùng ép) cái vạn hoa kính ấy thành một “nền” chủ thuyết triết học, cần phải có một nền “kiến trúc triết học”. Nền “kiến trúc” ấy chẳng phải con người kinh nghiệm từ ngoài đời sống khách quan hướng vào để kiến trúc, mà là từ đời sống nội tâm cá nhân mà dựng nên, - mà nhất là phải chặt chẽ, vững lắm mới được!

Cái việc mô tả trình bày cho thành “tòa kiến trúc tri thức” kiên cố và vững, hiện tượng luận (phénoménologie) sẽ làm.


Đông và Tây

Hiện tượng luận vượt duy tâm và duy thực?

Duy tâm chủ trương: trên phương diện ước nguyện siêu hình thì vũ trụ vạn vật ngoại giới chỉ là phản ảnh của Lý tính (viết hoa); còn trên phương diện nhận thức tương quan giữa ý thức và hiện hữu (pensée et être) thì ngoại giới chỉ là bóng dáng của ý thức con người “xây” và “dựng” nên chứ không có thực tại cụ thể.

Còn theo duy thực thì trên phương diện nhận thức, ngoại giới khách quan không cần có ý thức chủ quan (của con người) cũng hiện hữu.

*


Nói vậy vì trên phương diện nhận thức (connaissance) nói chung, bao giờ cũng có một chủ thể tri thức và một đối tượng tri thức. Hình như đối chiếu với duy thức học, thì chủ thể tri thức là kiến phần, đối tượng tri thức gọi là tướng phần – hay năng tri, sở tri; hay năng duyên, sở duyên. Trong tập san mùa xuân Đối thoại, tôi có được đọc một bài khảo luận hay: Duy thức học và vấn đề tìm tự tính chân như, tác giả là ông Nguyễn Ngọc Bách; trong bài tác giả có đề cập đến một số luận cứ về hiện tượng luận và có đề cập đến sự khác nhau, một bên là giác quan là căn, đối tượng khách quan là cảnh, một bên là chủ thể tri thức là kiến phần và đối tượng tri thức là tướng phần. (Xin giới thiệu bài ấy với bạn đọc.)

Và tôi cho là, cái đối tượng tri thức ấy, Vương Dương Minh gọi là vật. Vật đây là việc trong tất cả mọi việc của nhân giới chủ khách quan và hiện tượng của nhiên giới. Vương Dương Minh nói: “Vật là việc”. Ông còn nói: “Chủ thể của thân là tâm; sự phát động của tâm là ý; bản thể của ý là tri; ý hướng vào chỗ nào thì chỗ ấy là vật”. Họ Vương đi chơi ở đất Nam trấn; một người bạn chỉ vào cây hoa trong núi mà hỏi: “Ở thế giới không có vật ở ngoài tâm, như cây hoa trong núi tự nở tự tàn đối với tâm ta có quan hệ gì?”. Vương trả lời: “Khi bạn chưa đến xem hoa, thì hoa với tâm anh cùng trở về chỗ lặng. Khi anh đến xem hoa ấy thì cái đẹp của hoa kia cùng phát hiện. Thế thì rõ rằng đóa hoa không ở ngoài tâm anh.”

Theo những luận cứ triết học của Vương Dương Minh tôi đã được đọc trong những bộ sách có giá trị của các ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Đăng Thục, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê về triết học Á Đông và bộ Khổng học đăng của cụ Phan Sào Nam… chúng tôi thấy rằng, đối với Vương Dương Minh, đối tượng tri thức chẳng phải chỉ là việc nhân sinh mà còn là hiện tượng nhiên giới, và quan niệm vật là “sở tại” của ý đối tượng của ý thức – có thể là quan niệm hiện hữu là tương quan (exister c’est être en rapport). Ấy là chưa nói rằng Vương Dương Minh còn nói rằng: “Đầy trời lấp đất, chỉ có cái linh minh (tâm)… Trời đất quỷ thần vạn vật rời khỏi cái linh minh của ta thì không còn trời đất quỷ thần vạn vật nữa. Linh minh của ta mà rời khỏi trời đất quỷ thần vạn vật thì cũng hết cả linh minh của ta. Như thế là chỉ có một dòng khí suốt cả. Sao lại có thể nói là cách biệt được!” thì lại càng rõ!

Suy vậy thì cái duy tâm chủ quan của Vương Dương Minh chẳng phải là một thứ duy tâm chủ quan tuyệt đối mà còn làm người ta nhớ tới Trạm Nhược Thủy là triết gia duy tâm khách quan sống đồng thời với họ Vương – và suy vậy thì Vương Dương Minh cũng không phải là một triết gia duy ngã tuyệt đối (solipsisme absolu) như thiên hạ thường tưởng, duy ngã là duy ngã theo nghĩa triết học duy tâm của Claude Brunet chứ không phải theo nghĩa xấu như Immanuel Kant thường dùng để “mắng” mấy người vị kỷ! Và suy cho kỹ thì Vương Dương Minh cũng chẳng đợi tới Husserl để mượn một vốn trí thức đấy nhỉ?


Hiện tượng luận

Trái với hai phái duy tâm và duy thực truyền thống đã siêu cực hoá (extrapolation) sự nhận thức, hiện tượng luận chủ trương rằng Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì. (La conscience est toujours la consience de quelque chose). Nói một cách khác, ở hiện tượng luận, giữa khái niệm chủ thể đối tượng có một tương quan giao hỗ (corrélation). Ý thức chủ quan gọi là noème, đối tượng ý thức là noèse – và sự tương quan giao hỗ gọi là “corrélat noé-tico-noématique”. Thực ra, hiện tượng luận cũng có chứa một mẩu màu sắc duy tâm chủ quan chủ quan của Berkeley. Fichte hay Vương Dương Minh – chính Merleau-Ponty đôi khi cũng ngờ ngợ rằng trên một phương diện nào đó, ông duy tâm hay duy ngã (solipsisme), và ông viết ý ấy trong cuốn sách Trí thức hiện tượng luận (Phénoménologie de la perception) của ông. Trong khi đó, nó lại cũng có chứa một mẩu màu sắc duy thực… nhưng lại phủ nhận cách nhận định của khoa học khách quan.

Hay là, chúng ta cũng có thể lấy ngay câu hỏi của chính Merleau-Ponty để diễn tả chính cái ý của Merleau-Ponty: “Ngoại giới gắn liền với chủ thể là dự phóng của ngoại giới, và chủ thể gắn liền với ngoại giới do chính chủ thể dự phóng hoá. Chủ thể là chủ thể tại thế và ngoại giới có tính cách chủ quan…”. (Le monde est inséparable du sujet qui n’est rien que projet du monde et le sujet est inséparable du monde mais d’un monde qu’il projette lui-même. Le sujet est être au monde et le monde reste subjectif).

Hiện tượng luận là một thuyết nhận thức. Ngoài ra, hiện tượng luận còn là một phương pháp (méthode) để đạt tới yếu tính (essence) của hiện tượng (phénomène). Hai ý niệm yếu tính hiện tượng có một nghĩa, một nội dung khác hẳn nội dung của những ý niệm quán lệ. Hiện tượng luận đã vượt duy tâm và duy thực, và “tác phong” của chúng, thì không thể suy diễn (déduction), cắt nghĩa giải thích (interprétation) phê phán (jugement) – như các hệ thống triết học cổ kim thường làm – mà phải theo một lối “duy nghiệm” (empirisme) riêng, để nhắm kinh nghiệm trực tiếp (expérience immédiate), nghĩa là hiện tượng khi mới phát sinh, còn thuần tuý (phénomène à l’étal naissant ou à l’état pur). Nói một cách khác, như Merleau-Fonty nói: kinh nghiệm đầu tiên là một sự phối hợp nguyên ủy giữa chủ thể và đối tượng (Cette expérience première serait un mélange originel du monde et du moi). Và giữa chủ thể và đối tượng đã có, hay sẽ sinh ra, cái mà Vương Dương Minh gọi là “nhất khí lưu thông” vậy.

Nguyên tắc của hiện tượng luận là áp dụng phương pháp ấy vào tất cả mọi thực tại: nó sẽ là một phương pháp mô tả (description phénoménologique) tìm cái yếu tính (essence) của luận cứ của hiện tượng theo như nó được sống, được kinh nghiệm và tri thức (vécu ou perceptible), như đã đề cập đó. Khác với Descartes, Husserl “treo” (réduction phénoménologique) tất cả cái thế giới (monde) theo như phái duy thực thông thường quan niệm – nghĩa là không phủ nhận nó nhưng không phê phán gì về thực chất của nó cả; đồng thời “treo” tất cả những thái độ đối với thế giới khách quan: kể cả tất cả những khoa học trong đó có siêu hình học, kể cả tất cả những khoa học lấy con người làm đối tượng, như sinh vật thể học, sinh lý học, nhân văn học, tâm lý học… Khi đã “treo” hết cả rồi thì triết học chỉ cần tìm thấy cái ngã thuần tuý (moi pur), và những đối tượng thuần tuý (objets purs). Những luận cứ căn bản, Husserl gọi là dòng sống (flux pur du vécu). Người ta phải trở về với đối tượng sống (monde vécu) bên này tính chất khách quan (en deçà du monde objectif). Kết quả của phương pháp hiện tượng luận, tức là bản thể của hiện tượng (être-du-phénomène) do trực giác ý tính (intuition eidétique) thấu triệt, Husserl gọi nó là ước nguyện hiện sinh tính (essentiel-existentiel) gắn liền bởi cái mà chúng ta có thể mượn danh từ “nhất khí lưu thông” của Vương Dương Minh mà gọi.

Đồng thời: vật giới (hay “vật” của Vương Dương Minh) luôn luôn hiện hữu hiện diện (déjà là), nhưng chủ thể ý thức có thể làm cho vật giới xuất hiện trước nó dưới nhiều hình thức tùy ý hướng chủ quan. Vậy thì vấn đề đặt ra là: không phải tìm “bản thể” ở khách giới hay chủ giới nữa, mà là triển khai ý hướng chủ thể noème gán cho việc tiếp xúc với vật giới noèse. Lấy một cái ví dụ: năm 1963, khi nghe có một vị cao tăng tự thiêu, một bà bạn tôi, vợ một ông kỹ sư, bỗng lấy khăn tay chấm nước mắt, lòng thương cảm vô hạn. Vậy đâu là “yếu tính” hay “bản thể” của sự thương cảm? Đây không phải là cơ thể bị cháy của vị cao tăng, mà cũng không phải là phản ứng sinh lý làm cho bà bạn tôi thương cảm (vì hiện tượng tâm lý không phải là hiện tượng vật lý, vì chính bà bạn tôi là chủ thể chứa hiện tượng đó). Sự xuất hiện lòng thương cảm chỉ có thể thực hiện do bà ta – và cũng không hoàn toàn lệ thuộc luật nhân quả vật lý. Vậy thì cái nghĩa của lòng thương cảm là ý hướng bạn tôi có lúc đó, là thái độ của bà ta phản ứng một trường hợp nhất định. Thái độ ấy có thể phát sinh từ một “thực thể” (entité) siêu hình nào cực vi cực diệu trong lòng người mà ý thức “tóm” không được… chẳng hạn… Thái độ ấy chỉ có thể hiểu bằng cách triển khai, bày tỏ ý nghĩa của nó – không thuộc phạm vi phân tích, giải thích, nghiên cứu… của vật lý học, tâm lý học… là vì phân tích, giải thích, phê phán… cách xuất hiện và định luật xuất hiện tức là coi chủ thể như một đối tượng nghiên cứu mất rồi! Thế nhưng ý hướng chủ thể thường ở trình độ vô thức. Xin nhớ cho vậy. Hay là tôi lấy một ví dụ thứ hai nữa: năm xửa xưa kia, 14 tuổi tôi học đệ thất; học tới Nguyễn Huệ, tôi cũng bắt chước những cuốn Việt sử đương thời, cho Nguyễn Huệ là một tên giặc đáng oán. Nhưng đến năm lớn lên thì Nguyễn Huệ biến thành vua Quang Trung, một nhà cách mạng nông dân vĩ đại… Nào!

Sứ mạng của hiện tượng luận là triển khai những ý hướng hàm súc… Và trên phương diện hiện tượng luận, chúng ta cứ suy một “vật” ra vạn vật, suy một thứ đối tượng ra một trăm trăm triệu triệu… thứ đối tượng cụ thể hay trừu tượng – đối tượng nào nằm trong “địa hạt” nấy: nhân giới, nhiên giới… hay nói một cách khác: sắc giới, vô sắc giới, dục giới… hay nói cách khác nữa: vạn hữu vạn pháp…

Hiện tượng luận đã là một thứ – một thứ mà thôi – thuyết “duy nghiệm” và “thực nghiệm” (xin nhớ là nó vượt duy tâm và duy thực), thì nó loại lý tính (raison) đi… và chỉ chú trọng đến luận cứ trực tiếp (donné immédiat). Nói rằng loại lý tính đi, vì lý tính là một thực thể tâm lý siêu hình giúp cho chủ thể suy diễn (déduire) giải thích (interpréter), cắt nghĩa (expliquer)… cái việc mà cổ kim các hệ thống đã làm, mà ngày nay Husserl từ chối. Nói tóm lại, hiện tượng hiện ra trước ý thức thế nào thì mô tả thế ấy – xin nhớ: mô tả (description). (Xin nói rõ: chữ hiện tượng đây không có nghĩa quán lệ, hay theo nghĩa của Immanuel Kant, mà có nghĩa là: cách thế “vật” hiện ra trước ý thức).

Vậy chúng ta không lấy làm lạ khi hiện tượng luận trở nên, như đã nói ở trên, một phương pháp, hiện ra trong văn chương hiện sinh, chú trọng mô tả (description phénoménologique) hiện tượng thuần tuý (pur), nguyên ủy (originel). Văn chương mô tả là gì: là văn chương có sao nói vậy, có sao kể vậy… Vậy thì văn chương hiện sinh – cũng gọi là văn chương hiện tượng luận – đã mô tả vậy. Hay nói ngược lại, văn chương mô tả theo phương pháp hiện tượng luận, là văn chương hiện sinh hay là văn chương hiện tượng luận vậy. Lấy thi nhân làm ví dụ: họ mô tả mọi “vật” – “vật” hiện ra trước ý thức riêng của họ làm sao thì họ mô tả làm vậy. Hay lấy văn nhân làm ví dụ họ viết tiểu thuyết tức là họ đứng giữa thực hư – họ có chân lý riêng của họ không quan hệ gì đến hai “cực” thực cả…


Nhiều và ít

Sartre nói rằng một “vật” là vô cùng (Une chose est un infini). Cứ mỗi lần ý thức con người kinh nghiệm nó, nó lại hiện ra dưới một phương diện khác. Nhưng chính bản thể riêng (être propre) của nó trùm lên xa… mỗi một kinh nghiệm – nghĩa là, tuy ý thức con người kinh nghiệm một “mặt” một “khía cạnh” của nó… Nói cách khác, nó không thể cùng một lúc mà hiện ra dưới tất cả mọi khía cạnh, hay là không thể chỉ làm một kinh nghiệm mà có thể đạt đến hết tất cả mọi khía cạnh, mọi phương diện, mọi “mặt”… của “vật” được. “Vật” tức là việc thế gian, không phải là một cái vạn hoa kính, mà là một vạn hao kính của vạn hoa kính của vạn. Có bao nhiêu đối tượng là có bấy nhiêu bản thể dùng trực quan mà nhắm… vậy.

Khi Husserl chết, Husserl để lại hàng trăm pho sách để lại cho đời sau khai thác, chúng tôi tin là Husserl đã ghi hết tất cả mọi yếu lý rút từ những kinh nghiệm ấy? Mà sách chính yếu của Husserl về hiện tượng luận cũng ra đời chưa hết (?). Mà chính Heidegger môn đệ của Husserl sau bị Husserl phủ nhận, lại cũng chưa hoàn tất sự nghiệp trí thức của mình để nói tiếng nói quyết định (dernier mot)…

Chúng ta chỉ biết rằng cái học thuyết của Husserl là một học thuyết đã in sâu hình ảnh của nó trong văn chương thế giới hiện đại và nói tới nó cũng chỉ chạm tới bấy nhiêu kích thước thôi – một cách tổng quát.

Nhưng điều tôi muốn nói là các ông Nguyễn Văn Trung viết cuốn Ca tụng thân xác mô tả theo phương pháp triết học hiện tượng luận, cũng như cả một học phái – nếu có thể nói thế – Sartre, Merleau-Ponty, v.v… ở Âu châu. Nếu tôi không lầm thì còn một nhà trí thức nữa là ông Trần Văn Toàn cũng dùng phương pháp triết học ấy để viết tham luận về triết học – cũng nên thêm các ông Nguyên Sa Trần Bích Lan, Lê Thành Trị, Lý Chánh Trung v.v… thỉnh thoảng có áp dụng… Các ông đều viết tham luận về triết học bằng phương pháp ấy – còn riêng về mô tả (description phénoménologique) thì hình như mới có cuốn Ca tụng thân xác…

Nói tóm lại, một ta mà có dùng một phương pháp nhận định phát sinh từ một ý thức hệ – chẳng hạn là thế – cũng chỉ là chuyện rất thường: cũng như ngày xưa Caine, Lafargue, Trương Tửu đã dùng phương pháp duy vật biện chứng. Có vậy mà thôi! Ở đời, có cái gì mà lại thoát được sự phê phán – nhưng tưởng nếu chúng ta trong mọi thứ văn mạch (contexte): văn mạch bài, văn mạch sách, văn mạch toàn diện ý thức hệ, kể cả sử mạch (contexte historique) xã hội mạch (contexte social) của mọi việc lớn nhỏ trong không thời gian thì chúng ta sẽ tránh được sự nghiêm khắc về văn hoá trong sự phê phán. Chứ tôi chắc ông Trung cũng chẳng khiêu dâm làm gì!

Tôi chỉ ngại rằng nếu các tác giả bị hiểu lầm, thì sẽ có người nản viết, sáng tác, biên khảo… nếu vậy, văn hoá nói chung sẽ thiệt thòi.

*


Sau Đệ nhị Thế chiến, tại chốn này, khí hậu trí thức phong phú và tưng bừng lắm. Hơn cả tiền bán thế kỷ! Chư vị thượng tọa, đại đức, linh mục, giáo sư du học ở ngoại quốc… thành tài ở những học trình cao, về nước đã lâu, rất nhiều. Chúng ta thêm vào cái danh sách ấy các nhà học giả trí thức ở trong nước – thời nào mà lại chẳng có những Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh v.v… chỉ khác nhau về chiều hướng và bản sắc trí thức, tuy không có dịp đi du học xa nhưng đã từng trau giồi trí thức và từng đóng góp có kích thước…

Có cái khí hậu phong phú và tưng bừng ấy mà chỉ vì dè dặt, vì nản, vì bị hiểu lầm vì một vạn thứ mặc cảm nào đó để đi đến một nền văn hoá dân tộc không nhờ cái khối và cái chất trí thức ấy mà phát sinh được, thì quả là đáng tiếc.

Và tại mình! Có còn tại ai nữa đâu!

*


Nói thế để kết luận bài về Hiện tượng luận của tôi bằng cách mong ước cho trong giới văn hoá có sự cảm thông để cả giới tham dự chung vào việc xây dựng văn hoá dân tộc sau này, văn hoá dân tộc sẽ không xây dựng bằng chất trí thức một chiều, mà là bằng sự tổng hợp và hệ thống hoá tinh hoa của tất cả những thành tố (đôi khi mâu thuẫn nhau…). Ở đời chẳng có cái gì một chiều thành, nên, bền…

Nhưng chúng tôi còn xin nói một điều nữa cho ổn và cho đầy đủ: có bạn sẽ hỏi rằng hiện tượng luận có phải là một chủ thuyết đúng không… và các nhà trí thức dùng phương pháp hiện tượng luận để diễn giảng, để mô tả… như vậy có đúng không… Vậy chúng tôi chỉ còn có thể mạn phép trả lời thế này: hiện tượng luận là một chủ thuyết triết học mới nhất của cả nền triết học thế giới, hợp thời thượng và nhiều tính chất cách mạng nhất – đã vượt gần hết tất cả các hệ thống cổ điển, thì tất nhiên nó đúng chân xác hơn hết với cái nghĩa là giữa lúc mà các hệ thống duy lý (trong đó có duy tâm) và kể cả duy vật và hai hệ thống duy thực và duy nghiệm truyền thống – xin nói – truyền thống – làm căn bản triết lý cho chính khoa học, đã không đóng đầy đủ trọn vai trò nhận thức của họ – kể cả nhận thức khung cảnh cũng bị hiện tượng luận vượt: khoa học đây là các khoa học và những thuyết về khoa học lý (epistémologie) đã quy định ra chủ nghĩa khoa học “scientisme” trước đây chẳng hạn.

*


Ngay tại đây, đến đây, tại chỗ này, tôi xin mở một dấu ngoặc về vấn đề giá trị của hiện tượng luận mà tôi đã nghĩ ra, xin tỏ ý kiến để mong được chỉ giáo. Số là tôi cho rằng hiện tượng luận có vượt là vượt các hình thức nhận thức, khoa học (formes de connaissances scientifiques) cổ điển – chứ hình như không thể vượt khoa học toán vật lý nguyên tử hiện đại (sciences mathématico-physiques nucléaires modernes) (xin nói lại hai luận cứ: nguyên tử hiện đại). Trái lại.

Theo khoa học vật lý nguyên tử hiện đại thì vật chất năng lựợng, vật chất biến thành năng lựơng và năng lượng biến thành vật chất. Hay nói một cách khác: vật chất là năng lượng cô đúc lại, còn năng lượng là vật chất loãng ra. Ấy là chưa nói rằng các nhà bác học hiện đại hình như đã nói: Không có vật chất và không có năng lượng thuần tuý, mà chỉ có cái nhất do sóng của năng lượng hợp với lượng tử vật chất… đúng như nhà Phật đã nói về cái thực cái chân cuối cùng…

Đồng thời khoa học hiện đại ấy đã tìm ra yếu lý quan trọng này: trong viễn tượng khoa học nguyên tử, cũng không có sự phân biệt chủ thể nhận thức và đối tượng nhận thức, hay chủ thể quan sát và đối tượng khách quan bị quan sát, vì một hiện tượng vật lý (hãy nói hiện tượng vật lý đã! - Tam Ích) xuất hiện có sự can thiệp của chủ thể quan sát. Nói một cách khác, hiện tượng (hay ý tượng! Tam Ích) xuất hiện là do sự phối hợp của chủ thể đối tượng: muốn nghiên cứu vị trí hay tốc độ của một điện tử, nhà khoa học (là chủ thể nhận thức) dùng vật chiếu sáng có năng lực, và lợi khí đó sẽ làm biến đổi ngay vị trí và tốc độ của điện tử (là đối tượng nhận thức)…

Vậy thì chuyển qua phạm vi nhận thức trên phương diện triết học, tôi tưởng phải cho rằng tinh thần khoa học hiện đại chứng minh và chiếu sáng vào giá trị của hiện tượng luận. Nói một cách khác: tinh thần hiện tượng luận ăn khớp với tinh thần khoa học hiện đại (xin nhấn mạnh: hiện đại). Nói hiện đại, mà không nói cổ điển, vì hiện thời, các yếu lý khoa học hiện đại thường đi ngược những yếu lý khoa học cũ… làm thiên hạ ngạc nhiên…

Và kết luận là từ Mach, Avénarius… cho đến Husserl, Merleua-Ponty…, đến Nguyễn Văn Trung, Trần Văn Toàn…, hiện tượng luận phải được coi là chính xác: …“yếu tính” tác động văn hoá của học phái hiện tượng luận rất lương thiện.

Nếu thiên hạ có hiểu lầm, thì có lẽ chỉ hiểu lầm về những tác phẩm “mô tả” hiện tượng luận (description phénoménologique)… Nhưng về phương diện ấy, tôi tưởng muốn phê phán cho công bằng, cho hợp công lý – cho đúng với chân lý – chúng ta phải đi vào “khí hậu” sau khi đã bỏ và đã loại ra ngoài khối tâm hồn trí thức tất cả những luận cứ chủ quan thuộc về phê bình, giải thích, thành kiến, phân tích chất chứa có sẵn từ thuở nào thuở nào và do cái tập (tập của tứ diệu đế của nhà Phật) tạo ra, nó tích lũy và chảy trong máu, vọng mà cứ tưởng là chân…!

Phải thế chăng!
Nguồn: Tạp chí Văn, Nghiên cứu và Phê bình văn học, năm thứ nhất, đệ nhất tam cá nguyệt 1967, tập 1, trích từ trang 31 đến trang 48. Chi phiếu, bÆ°u phiếu đề tên ông Nguyá»…n Đình Vượng. ThÆ° từ, bản thảo, ấn phẩm đề tên ông Trần Phong Giao. Giao thiệp trá»±c tiếp về mọi việc xin hỏi ông Gia Tuấn. Số 38, Phạm NgÅ© Lão, Sài Gòn. Điện thoại: 23.595. Giá 30 đồng. Bản Ä‘iện tá»­ do talawas thá»±c hiện.