trang chủ talaCu ý kiến ngắn spectrum sách mới tòa soạn hỗ trợ talawas
  1 - 20 / 305 bài
  1 - 20 / 305 bài
tìm
 
(dùng Unicode hoặc không dấu)
tác giả:
A B C D Đ E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Ý Z
Văn họcVăn học Việt Nam
Loạt bài: Trí thức và thời cuá»™c
 1   2   3   4   5   6   7   8   9   10   11   12   13   14   15   16   17   18   19   20   21   22   23   24   25   26   27   28   29   30   31   32   33   34 
19.6.2008
Nguyễn Huệ Chi
Về bài “Một cách nghĩ khác về Nguyễn Khải” của Vương Trí Nhàn
 
Bài viết của anh Vương Trí Nhàn sắc sảo quá nhưng như một số bạn bè trao đổi với nhau, cũng khí cay nghiệt quá. Nếu Nguyễn Khải làm được như anh đòi hỏi thì ông ấy đã là bậc thánh, bởi ông ấy dám chấp nhận "con số không" của cả đời mình. Và như vậy thì sinh ra trên trái đất này là vô nghĩa mất rồi còn gì: "Ta ta tạo vật, hề dĩ ngã vi sinh?". Ai mà làm được cơ chứ! (Có lẽ trừ Nguyên Ngọc chăng?)

Anh có dẫn ra trường hợp Trifonov (1925-1981) của Liên Xô trước đây. Theo tôi, sở dĩ ông ấy làm được như đã làm vì ông còn một nửa đời thứ hai, của những tác phẩm Đổi trao, Giã từ, Ông già, Ngôi nhà khu bờ sông…; hai nửa ấy đối lập với nhau ngay trong ý thức ông ta như nước với lửa. Nguyễn Khải và các nhà văn của chúng ta vào thế hệ ông đâu có phân ra rạch ròi được hai nửa thế đâu. Tôi nghĩ, đó là vì "cơ chế" của chúng ta luôn luôn nhập nhằng, không cho phép nhà văn phủ định quyết liệt đối với một quá khứ cần phủ định, thành ra cứ "nửa đời nửa đoạn". Sau năm 1986 "cởi trói" tưởng đã có cơ đi đến bước ấy, rồi lại bị "trói lại" với chính ông già Linh và cả "cái tập thể tối cao của ông ấy" mà Trần Độ, Nguyên Ngọc là những nạn nhân đầu tiên, làm ai nấy choàng tỉnh ra vì... sợ.

Hết cơn sợ, người ta sẽ dần dần lấy lại thăng bằng và yên tâm rằng sự “nửa vời” hóa ra cũng có cái hay: mình còn được sống trong tình trạng nhập nhằng “nửa người nửa ngợm” của mình chưa biết đến bao lâu nữa mà vẫn không cảm thấy dị hợm vì xung quanh mình ai cũng thế cả, anh hay tôi thì cũng rứa như nhau. Ngay như kẻ viết bài này, trong hồi ký “Những năm tháng với Phong Lê” vừa đưa lên talawas, lẽ ra cần có một câu nghiêm khắc nói về những gì mình đã viết và công bố trong quá khứ, là trong đó - dẫu chỉ viết về văn học cổ cận đại mà thôi - do lập trường quan điểm một thời cũng chứa đựng không ít điều ngu dốt và thiển cận, thế mà đã vô tình để lướt qua đi không nói. Nếu cái phong trào gọi là “đổi mới” của chúng ta là đổi mới thật sự thì liệu không khí xã hội có thể dung dưỡng cho thái độ “vô tình” đó phỉnh nịnh mình mãi được hay không?

Cứ xem giáo dục của chúng ta thì biết, cái quan trọng nhất là sự xây dựng nhân cách công dân cho con trẻ với tinh thần dạy chúng biết làm chủ sự suy nghĩ, thế mà các nhà cải cách giáo dục của ta đâu có dám "húc" vào đấy. Một phương pháp như của Hồ Ngọc Đại lấy tâm lý trẻ em làm trung tâm, cố cầm cự để tồn tại trong bao nhiêu năm cuối cùng chẳng đã bị cấp trên xóa sổ mới cách đây một hai tháng hay sao? Vậy thì nếu ta cứ bàn đủ mọi thứ, nhưng rồi ta vẫn chấp nhận một thứ công thức sáo mòn nhất để dạy trẻ em, áp cho chúng nào là tư tưởng của lãnh tụ, nào là đạo đức xã hội chủ nghĩa, mà không cố gắng trở lại với tư cách người công dân nói chung, bắt nguồn từ những phẩm chất chung nhất về tính người: lương tri, đạo đức, nghĩa vụ... và cả những phẩm chất mang tính cộng đồng: lối sống, gia giáo, tập tục... mà hễ là con người trong mọi xã hội văn minh đều cần có, thì trẻ em sẽ thành người như thế nào? Sẽ vẫn là cái “khuôn” cũ đúc nên những mẫu người cơ bản là “dạ thưa anh” của xã hội xã hội chủ nghĩa, hoặc rất thực dụng chứ không có bản lĩnh gì khi ứng xử với thực tại, không sao khác được. Đâu phải đã là chuyện nhồi nhét kiến thức mà là nhồi nhét ít nhất một phần ba kiến thức vô bổ mà ai cũng tránh né chẳng dám bàn. Cái khó là thế đấy.

Tôi nhớ rất lâu rồi có lần đọc một bài viết chung của Lại Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn về văn bình luận của Chế Lan Viên, hết sức tâm phục. Nhưng liệu trong nhận thức của các nhà văn học sử hiện đại, Chế Lan Viên có bị xóa đi cái phần đáng xóa hay không? Tôi cho rằng chính Chế Lan Viên đưa ra mấy bài trong Di cảo trước là cốt để “che miệng thế gian” và sau nữa cứu vãn những bài thơ rất kêu, hay nói như một thời là rất "trí tuệ", song không chút cảm xúc, nghĩa là rất sáo theo kiểu thông minh của nhà thơ. Làm như Vương Trí Nhàn đề nghị, tôi e sẽ có một "khoảng trắng" trong văn học sử của thế kỷ XX, ít nhất là đúng nửa thế kỷ sau (tôi nói trong phạm vi miền Bắc trước 1975 và cả nước từ 1975 đến khoảng 1988), cái mà không ai chấp nhận cả, bởi tôi đã thử nghiệm khi biên soạn Từ điển văn học bộ mới thì ai cũng hưởng ứng lấy lệ, cuối cùng đành phải để dở dang, chỉ dám "điểm xuyết" chỗ này chỗ kia một đôi câu cho giảm bớt "tông" khẳng định, biểu dương đi mà thôi. Phải chăng chúng ta đều không tưởng vì tình trạng "địa-chính trị" ngặt nghèo của chúng ta quy định?

Tóm lại, luận đến cùng, những người như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải... là sản phẩm của một thời - cái thời phải nói dối - và của một cơ chế - cái cơ chế không cho người ta được nói thật (cũng chính kẻ viết bài này có kinh nghiệm cá nhân thú vị khi viết bài “Vài cảm nhận về văn học Việt Nam hải ngoại” năm 1994: ngay sau đó đã có vài người bạn mới từ các cơ quan chức năng, rất lịch sự thôi, đến “làm quen”, “thăm hỏi” và đích thân ông đại tá Quang Phòng thân tình mời đến “dùng trà”). Có gì đáng nói thêm có lẽ là ở chỗ: các nhà văn mà chúng ta đề cập là những người thông minh quá, tinh quái quá - tất nhiên mức độ có khác nhau do “tạng” của từng người, nên đã biết biến "dối" thành "thật" giỏi hơn người khác. Trong khi người khác vẫn tưởng "dối" là "thật" thì họ đã biết tỏng điều ngược lại từ đầu cuộc chơi. Và đến khi giã từ, đành phải nói ra, như một chút lương tâm nhằm "bảo hiểm" cho sự có mặt của mình trên cõi đời này.


© 2008 talawas