Tặng HLQ và NTNM
Tiến thoái lưỡng nan
đi về lận đận
Ngày nay lận đận
Là... giọt hư không!
Lần trở lại thăm Sài Gòn này, tôi thấy có vài điều thật khó chịu: nạn kẹt xe và cái màn đội nón bảo hiểm.
Cách đây vài năm thôi, tuy dân số Sài Gòn có tăng lên nhiều do tình trạng việc làm ở các thành phố lớn dễ kiếm hơn ở tỉnh nhỏ, nhưng việc kẹt xe hàng ngày cũng không đến nỗi gọi là "vấn nạn" như hiện nay.
Bây giờ, hàng ngày, từ 6 giờ đến hơn 8 giờ sáng, buổi chiều từ 16h đến 18 h, trên tất cả các nẻo đường, xe cộ tràn lan, ứ đọng. Trên những tuyến đường lớn thì thôi, miễn bàn đến. Chuyện thiên hạ xách xe leo lên vỉa hè chạy là chuyện thường tình. Siêu một cái là dù đường xá kẹt xe như vậy, vẫn có nhiều người bất chấp để đi hoặc đẩy xe đi ngược chiều! Thành thử nạn kẹt xe càng trầm trọng hơn. Tôi đã yêu dân tôi vì cái tính nhẫn nại và chịu đựng. Nhất là trong việc lái xe. Dù ở hoàn cảnh nào (khi chưa bị đụng xe) thì mọi người vẫn nhẫn nhịn nhường đường, tránh nhau dù người kia đi ngược chiều, lỗi mười mươi. Anh có đang đi, đột nhiên quặt trái, quẹo phải tuỳ hỉ, thiên hạ vẫn cười mím chi nhường đường. Chị có phom phom từ trong hẻm nhỏ phóng cái ào ra đường lớn và chạy ngược chiều, bà con cô bác vẫn im lặng tránh chị. Chẳng sao cả. Khi chưa đụng nhau, khi xe chưa cọ quẹt thì vẫn chưa có gì để gọi là "xôn xao". Khi đụng nhau và không tìm ra giải pháp đền bù thì lúc đó mới "nhiễu sự". Gào la, chửi bới hay thậm chí thượng cẳng tay, hạ cẳng chân là chuyện đời thường. Kẹt xe lúc đó thì phải biết! Chỉ cần mấy người lái xe dừng lại trố mắt "tham quan" cảnh tượng cãi cọ này đã làm đường thêm kẹt. Dân tôi rất hiếu kỳ. Những việc đại loại như tai nạn xe cộ dù nhỏ đến đâu đi nữa hay những chuyện "ruồi bu" như cọ quẹt xe ngoài đường là có đầy người, vòng tròn trong, vòng tròn ngoài đứng coi! Dân tôi hiếu kỳ và tò mò đến cái mức độ không thể tưởng. Bạn đang ngồi ở đâu đó ở nơi công cộng, bạn coi thơ, đọc báo hay coi hồ sơ thì người ngồi bên cạnh bạn, có thể ghé mắt (không cần giấu giếm) xem ké điều bạn đang đọc.
Tháng Ba, Sài Gòn, trời nóng gay gắt. Khói xe mù mịt, tiếng máy xe ồn ào, tiếng kèn xe bóp thoải mái, tuỳ tiện… càng làm con người dễ nổi khùng. Tôi nghĩ là rồi đây, với việc "đất là vàng" ở thành phố này, các khoảnh đất trống, những căn hộ có diện tích "khiêm nhường" sẽ vùng lên thành… cao ốc là chuyện không tránh khỏi. Lúc đó, lực lượng "lao động phổ thông" đổ vào nhiều hơn nữa thì ở thành phố này, chỉ còn lại những người có thần kinh… thép! Với tình trạng nhà cửa chật chội, kẹt xe như vậy, hình như vẫn chưa đủ "đô" nên vừa qua, một kiến trúc sư "thiên tài" (vừa nhận được giải thưởng nhất nhì của thành phố) đưa ra cái ý tưởng "táo bạo", "đột phá" là… tận dụng những khoảng không gian trên những con đường! Nôm na là xây dựng kiến trúc nhà cửa ngay trên những con đường.
Ý tưởng này thì thật ra chẳng phải mới mẻ gì cả để báo chí nhảy cẫng lên reo hò về cái tính sáng tạo của nó. Vì ở nước ngoài, ý tưởng này đã được đề nghị từ thời xa xưa lắm rồi. Cũng có thực hiện vài công trình đấy nhưng sau này, mấy anh Tây mũi lõ, mắt xanh thấy có quá nhiều điều bất tiện trong sự đầu tư, tính an toàn, bảo trì, ô nhiễm nơi ở nên các dự án này đã được xếp xó, phủ bụi từ lâu. Bạn nào không tin, muốn tìm hiểu thêm, chỉ cần đi du lịch ở vài nước tiên tiến sẽ thấy vài công trình như vậy, thực hiện cách đây ít nhất cũng gần… nửa thế kỷ!
"Chiều trên quê hương tôi", sau một ngày làm việc và sống với các ô nhiễm của môi trường, thiên hạ đua nhau tìm cách "thư giãn" như đi tắm piscine, tennis, đi bách bộ trong các công viên. Trước là để tập thể dục, sau là để tìm lại chút bình yên của tâm hồn. Nhưng bình yên nào của tâm hồn khi chung quanh công viên, tiếng xe cộ vẫn náo loạn, khói toả ra ngất trời từ các ống bô của từng đoàn xe gắn máy? Chưa kể đến cái nóng, cái cảm giác nhơm nhớp trên mặt, trên khắp người vì mồ hôi con, mồ hôi cha cứ ua úa tiết ra không ngừng?
Từ cầu ông Lãnh chạy qua quận 7, khu đô thị mới mệnh danh "khu đô thị Nam Sài Gòn", khi nắng chiều bớt gay gắt thì trên những khoảnh đất trống, nằm bên cạnh những khu rạch bần, dừa nước còn sót lại (trước khi được "biến" thành bê tông nhà cửa), nhiều gia đình dẫn con cái ra… thả diều. Phong trào thả diều như một phong cách giải trí, thư giãn để chạy trốn cuộc sống ô nhiễm. Từng con diều đủ màu sắc, vi vu trên bầu trời cho đến khi hoàng hôn chạng vạng đổ xuống.
Các công viên chiều nào cũng đầy ắp người. Như công viên Lê Văn Tám với cái tên đầy huyền thoại, hậu thân của nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi, cứ chiều đến, khi "nắng chiều nhè nhẹ ngoài hiên" là ăm ắp người, xe cộ. Nhìn bãi giữ xe gắn máy, xe đạp đã hết hồn! Đường Phan Thanh Giản thanh bình ngày xưa bây giờ là đường Điện Biện Phủ, nơi dòng xe cộ nườm nượp, khói xe mù mịt, ngày đêm không dứt. Những thân cây to cỡ hai vòng tay ôm không còn và được thay thế bởi những đoạn đường nới rộng. Cái cảm giác sợ ma chết ngày xưa mỗi khi phải đi ngang nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi lúc 22 giờ đêm, bây giờ được thay vào bằng cái sợ đám ma sống, tóc màu mè, tay chỉ rú tay ga, phóng xe bất kể thiên hạ. Em nào, từ nơi xa đến, cứng bóng vía lắm mới dám đi qua đường. Mà hễ một lần băng qua đường được ở thành phố này, tôi nghĩ rằng việc băng qua đường ở các xa lộ phương Tây (cấm người đi bộ băng qua) chỉ là chuyện quá ư dễ dàng!
Lề đường, theo "nguyên tắc", chỉ dành cho người bộ hành thì trước sau vẫn chỉ là nguyên tắc, lý thuyết mĩ miều. Thay vào đó là những sạp hàng của tiểu thương hoặc là nơi để xe của các công ty. Cảm phiền các bác đi bộ một tí nhé. Đi bộ dưới đường xe chạy, xét cho cùng, vẫn khoẻ hơn đi trên lề đường.
Xong chuyện kẹt xe, tôi tiếp tục hầu chuyện với các bạn về việc đội mũ bảo hiểm. Với cái lý do an toàn giao thông, trên toàn quốc, từ tháng 12.2007, trên tất cả các tuyến đường, người lái xe gắn máy đều phải đội mũ bảo hiểm. Chuyện đội mũ bảo hiểm lợi, hại…, đọc báo quốc nội thì thiên hạ đều hiểu cả, bất tất phải bình luận dông dài. Chỉ có điều đáng nói là trong cái nóng đến độ điên người mà phải đội cái mũ nặng trình trịch và phải cột dây quai hàm thì mới thấy cực hình của việc di chuyển bằng xe gắn máy ra sao.
Mũ nhẹ, mát, đẹp thì giá không… mềm. Mũ nặng, cục mịch thì giá mềm, ban tiêu chuẩn chất lượng khen. Tiền để đầu tư mua mũ bảo hiểm nhẹ, thoáng thì cũng không phải là vấn đề. Vì chỉ một lần mà lại dễ chịu thì ai mà chẳng muốn bỏ tiền ra? Mũ đúng tiêu chuẩn, rẻ tiền, dưới 100.000 đồng. Loại kiểu cọ, vài trăm ngàn đồng là ít.
Vấn đề là mũ mua mắc tiền, không lẽ đi đâu gởi xe lại phải kè kè ôm theo? Treo ngoài tay xe thì sợ không có ngày tái ngộ bạn mũ yêu dấu hay có thể gặp cái cảnh "hồn Trương Ba, da hàng thịt", diễn giải rõ ràng là vấn nạn "tráo mũ". Bỏ mũ vào "cốp" xe thì không phải xe nào cũng có "cốp" để bỏ vào.
Tiến thoái lưỡng nan
Đi về lận đận.
Theo dự tính sơ sơ, môt ngày, một cư dân đi làm rồi sau đó, đi một vòng "thư giãn" thì phải gởi xe xỉu xỉu 3 lần. Một lần đến sáng. Trưa thì phóng xe dzìa nhà ăn cơm. Và tối đến, phải đi một vòng săn sách, nhạc, bạn bè, cà phê hay đi làm xì po. Mà hễ có việc phải đi thì dù chỉ di chuyển trên 50 m thôi là đã thấy ạch đụi xách con ngựa sắt ra liền một khi. Dù là đi ra công viên cách đó 50 m để chạy thể dục! Lý do được nêu ra là "an toàn khi lái xe qua đường hơn là đơn thương độc mã qua đường".
Xin tạm ngưng ở đây đôi phút để Mao Tôn Cương bàn luận thêm về việc băng qua đường ở Sài Gòn. Hiếm ai mà theo đúng quy tắc "chỉ băng qua đường theo lằn dành riêng cho người đi bộ ở mỗi ngã tư đường, nơi có đèn xanh đèn đỏ". Giữa hai cái ngã tư thì cũng chẳng gần gũi gì. Chuyện đi qua đường là chuyện thường ngày ở huyện mà không lẽ cứ khư khư "giáo điều" ngã tư đèn đỏ? Dzì dzậy, việc băng qua đường ở Sài Gòn là cả một nghệ thuật dành cho dân tôi (khách ngoại quốc du lịch thì dĩ nhiên đã thè lưỡi và không dám làm rồi). Đó cả là một quy trình nhịp nhàng của các bộ phận trong cơ thể của một con người. Mắt phải trợn ra nhìn để tính khoảng cách giữa mình và cái đám xe gắn mắy đang ua uá lao tới. Não chỉ huy đôi chân nhè nhẹ nhích tới, nhích lui theo mô đen "Lăng ba vi bộ" của Đoàn Dự. Chỉ cần một bước chân "sai lầm" là có thể trả giá cả đời cho cuộc sống tàn phế. Tim phập phồng đập vì hồi hộp. Mũi thở dồn dập. Miệng thì luôn sẵn sàng tuôn ra vài âm thanh kim loại như những tiếng ré, tiếng gào khi gặp những thằng phải gió chạy ẩu. Tay thì cứ phải giơ lên, giơ xuống, làm hiệu cho mấy chị cận-thị-không-chịu-đeo-mắt-kiếng (nhưng vưỡn khoái lái xe!) từ xa là "Tôi đây. Và tôi đang di chuyển băng qua đường" (Na ná như câu của Descartes:
Je pense donc j’existe).
Gởi xe nơi chỗ làm, có nơi miễn phí, có nơi tính giá rẻ, giá tháng… thì bèo lắm cũng phải 1000 đồng một đợt gởi. Làng chàng đến các nơi bán dĩa nhạc, phim lậu, phải là 3000 đồng… Dân du lịch đến Sài Gòn, một ngày gởi xe cầu 5, 6 lần là ít (vẫn rẻ hơn việc dã ngoại bằng taxi rồi). Tay xách túi cá nhân, tay ôm mũ bảo hiểm. Làm gì thì làm, nhưng việc đầu tiên (tiền đâu) là đôi mắt cứ dáo dác nhìn kiếm chỗ cho cái mũ đã. Phiền toái dzô cùng tận. Đi vào tiệm nước, chàng, nàng, mỗi người một mũ. Để trên bàn thì hết chỗ để ly. Để trên ghế cũng còn tạm ổn nhưng gặp giờ "cao điểm" ở quán nước thì đừng hòng còn ghế trống. Để dưới đất thì không bàn tới dzì dzơ dzáy quá (thiên hạ vẫn có những em không biết điều, vẫn chơi cái màn khạc nhổ xuống đất mà). Đó chính là:
Tiến thoái lưỡng nan
đi về lận đận
Tình đôi ngập ngừng
Tiến thoái lưỡng nan
Việc đội mũ "bảo hiểm", theo bần đạo, chỉ chừng vài tháng nữa thôi sẽ làm cho một số cư dân mất tóc hay sói đầu. Tại sao? Vì cứ mỗi lần tháo cái nồi điện tròn ra khỏi đầu, tóc em nào em nấy ướt đẫm như vừa từ piscine leo lên!
Chưa kể là phương tiện di chuyển rẻ tiền bên đó là xe ôm. Cứ vừa thoả thuận giá cả xong là anh xe ôm iu ái trao cái mũ bảo hiểm dành cho khách, đeo trên xe, liền một khi. Khách viễn du tay cầm cái nón xám xỉn đen mà tần ngần. Câu hỏi cứ quay cuồng trong đầu: "Đội hay không đội?"
Em nào đội cái nón này trước mình mà có: (gạch những chữ không cần thiết)
trứng tóc
nấm tóc
chí
gầu…
thì đổ nợ nghe.
Mà không chịu đội thì chỉ có nước đi taxi hay cuốc bộ. Đi taxi thì ngoài việc giá cả tăng còn màn kẹt xe nữa. Kẹt xe gắn máy còn luồn lách được chứ kẹt xe hơi thì chịu trận chứ chạy đi đâu? (Taxi ở Sài Gòn cũng có đủ loại: taxi chính thức và taxi chui. Tuy người dơi (nhân viên đi bắt taxi lậu) khá nhiều nhưng xem ra, chưa có xi nhê gì cả). Thế là lại một lần nữa…
tiến thoái lưỡng nan! (Sau khi "giã từ vũ khí", bài nhạc của Trịnh nhạc sĩ vẫn đúng phong phóc những gì xảy ra trong cuộc sống ngày nay!)
Giã từ gác trọ, giã từ Sè Goòng bụi bậm, tôi ngâm câu "ta dại ta tìm nơi vắng vẻ". Lại trực chỉ Vũng Tàu quen thuộc. Hơn 90 km cách Sài Gòn. Đi Vũng Tàu bằng xe đò cũng có cái thú của nó. Cứ ngồi trên xe, tai nghe nhạc sến, tai nghe thiên hạ bàn chuyện tào lao hang cùng ngõ hẻm và hai tay cứ lo giữ đồ đạc, tránh nạn móc túi mà sao dzui quá dzui. Tuyến xe đi miền Đông thì thiên hạ không nhiễu sự, "tám" như các xe liên tỉnh miền Tây. Cũng dzui dzui hơn là đi tàu cánh ngầm. Có điều mà đi xe, gặp những bác tài "phóng nhanh, vượt ẩu" thì lúc xuống xe, coi như "nửa hồn tôi mất, nửa hồn kia bỗng dại khờ" ngay. Các bạn ơi, nếu các bạn có dịp "mắt thấy, tai nghe" những cảnh "giành đường, phóng nhanh" của các bác tài trên các tuyến đường miền Tây, miền Đông… các bạn sẽ hiểu thế nào là cái sợ! Tôi cũng là thằng chạy xe gọi là "chúa ẩu" rồi đó nhưng khi tôi ngồi trên băng ghế cạnh tài xế tuyến đường Sài Gòn - Đồng Tháp, tôi vẫn có cái ao ước được xuống xe, đổi xe khác. Chứ bà bắn nó đi, ngồi trên xe mà thấy nó chạy ẩu, giựt đường, chạy lấn qua lằn ranh và… ép cả xe chạy đúng chiều như vậy, thần kinh em nào chịu nổi? Chết không toàn thây là cái chắc nếu tai nạn xẩy ra. Tôi không cường điệu hay bi thảm hoá vấn đề đâu. Các vụ tai nạn xảy ra trên con đường xương sống số 1 ở Việt Nam đã nói lên quá đầy đủ rồi.
Vũng Tàu là nơi mà tôi chẳng xa lạ gì. Tôi đã biết đến Vũng Tàu từ những năm 1960. Trong những năm chiến tranh khốc liệt, tôi nhớ đến những lần đi xe đò chạy ngang Long Bình, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở ngay ngã ba Vũng Tàu. Nơi vừa xảy ra những cuộc giao tranh, mùi thuốc súng còn thoang thoảng trong không khí và những vết tích chiến tranh còn nằm vương vãi đây đó. Thuở nhỏ, trong tâm tưởng của tôi, cứ nhớ đến những lần cả gia đình chuẩn bị đi Vũng Tàu mà phát hoảng! Này nhé, 5 giờ sáng, cả nhà đã dậy sớm để chuẩn bị làm đồ ăn tối! Lục đục ăn sáng, soạn đồ, soạn đạc: giỏ, quần áo, đồ ăn… 7 giờ xe đến. 8 giờ xe chạy. Hơn 50 km, đến Long Thành thì đã gần trưa! Lục đục xuống xe, ăn trưa ở quán. Qua Bà Rịa và cầu Cỏ May, đến được Vũng Tàu, thì cũng xỉu xỉu 16 giờ chiều! Như vậy, thời đó, để đi ra Vũng Tàu với gia đình, chúng tôi mất hơn 10 giờ! Đường xá hồi đó thì khỏi nói, nhỏ và xấu, nhất là đoạn ở Long Thành. Nhìn hai bên đường, chỉ là những bãi cỏ hoang, đất đá… Rừng cao su Long Thành mượt mà xanh lá, vắng vẻ. Hơn 40 năm sau, nhìn lại, chỉ thấy nhà và người! Và cái gọi là rừng cao su ngày xưa, chỉ còn vài đám cây loe ngoe, tiêu điều, xơ xác bụi…
Vũng Tàu ngày ấy, không "hoành tráng" như bây giờ. Cũng là hai hòn núi: Núi Lớn (Tương Kỳ) và Núi Nhỏ (Tao Phùng) với 2 cái ra đa ở trên đỉnh. Con đường từ Bãi Trước ra Bãi Sau, dọc núi nhỏ, chỉ vừa 2 xe lách nhau. Đơn giản nhưng rất đẹp. Vũng Tàu có "Nhà công chức" hiền hoà nằm ngay Bãi Trước với các kiosques trước mặt. Chợ Vũng Tàu nằm trên đường Trưng Trắc, nhỏ. Bãi Ô Quắn có cái tàu Nhật to đùng nằm trơ gan tuế nguyệt. Bãi Dứa, bờ lởm chởm đá. Những ngày hè của tôi ngày xưa ở Vũng Tàu chỉ là ban ngày, khi thuỷ triều rút, lò dò xuống những bãi đá này để bắt ghẹ, bắt cá. Ban đêm thì dùng đèn pin đi bắt cua. Cứ lần nào đi ngang Bãi Dứa, tôi như hình dung lại những ngày hè nắng mưa với những lời ca trữ tình của những bài nhạc Pháp thịnh hành năm ấy: "Aline", "Love me, please love me", "La nuit"…
Gần Bãi Dứa, ngày đó, có cái "lò thịt" với cái ống cống nổi dẫn ra biển. Cứ mỗi lần có hạ thịt là ngoài cống, cá nóc bu lại ăn. Nhà của người đồ tể nằm gần đó, trên cao. Tương truyền rằng, những đêm sáng trăng, ngươi ta thấy bóng dáng của những sinh vật được "hoá kiếp" trong cái lò thịt này lũ lượt khăn gói quả mướp đi lên (?) Lại thêm những lời đồn thổi về "ma núi" khiến lần nào ở Vũng Tàu hồi đó, anh em tôi đều có cảm giác hồi hộp.
Vũng Tàu năm 2008 không phải là Vũng Tàu của những năm 60. Tất cả đều thay đổi. Nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp, cà phê… mọc tới tấp. Cái nào cũng có cái giá của nó. Nhà mua, nhà thuê, khách sạn… mà có hướng nhìn ra biển thì có giá khác. Quay mặt vào núi, giá khác, dĩ nhiên rồi. Cầu Đá ngày xưa, bây giờ được "giải toả", lấn ra biển và phát triển thành "Mũi Đá". Nơi có một cây xăng, một trung tâm thương mại nho nhỏ, bãi đậu xe và ban đêm là quán cà phê xập xình những điệu nhạc chói tai đèn đóm sáng choang. Qua rồi những năm tháng trầm lặng, tĩnh mịch của một Cầu Đá oai nghiêm, ban đêm thấp thoáng ánh đèn pin của những người đi câu cá.
Mũi Đá
version 2008 cũng là bến đỗ của tàu cánh ngầm. Tàu cánh ngầm là những con tàu chạy nối liền từ bến đò Thủ Thiêm ngay sông Sài Gòn ra thẳng Vũng Tàu mà mất khoảng từ 1 giờ 30 đến 2 giờ. Ngồi trên tàu, du khách có thể nhìn phong cảnh từ Cần Giờ ra đến biển Vũng Tàu. Giá cả thì chỉ có mắc hơn 3 lần vé xe đò thôi. Cũng nên đi vài lần cho biết chứ đi kiểu này, chỉ toàn dân ngoại quốc hoặc làm ăn…
Dự án "Cáp Treo" như ở Nha Trang đang được tiến hành ngay tại Bãi Trước. Như Sài Gòn, ở Vũng Tàu, đi đâu cũng chỉ thấy quán nhậu, quán cà phê. Tuỳ theo "đẳng cấp" và túi tiền mà quán nhỏ, quán lớn, hoành tráng bề thế hay khiêm nhường trong ngõ hẻm. Bạn có thể ăn một tô phở bốn chục ngàn hay ngồi trong hẻm nhỏ để thưởng thức tô phở chỉ có tám ngàn thôi. Nhưng ở đây, giá rẻ không có nghĩa là đồ ăn tệ đâu. Tuỳ nơi và tuỳ từng nhận thức. Lò thịt ngày xưa biến mất. Thay vào đó là quán cà phê Ô Cấp 2, đèn đóm náo nhiệt, nhạc xập xình.
Những nơi trang nghiêm như tượng Đức Mẹ giang tay vẫn còn đó. Với hơn 300 bậc thềm đi lên, đây là nơi "hành hương" của khách du lịch. Bạn có thể vào trong thân tượng và đi lên cao như đi thăm bên trong tượng Liberty ở New York. Những ngôi chùa trên núi, cũng vẫn còn đó. Ngay cả ngôi chùa nhỏ ngay trên hòn đảo nhỏ, nhô lên ở Bãi Ô Quắn vẫn còn đó. Ban đêm, đi ngang, nghe tiếng chuông gõ mà nhớ lại những kỷ niệm của một thời. Một thời đứng ngây người ra nhìn mưa trắng xoá cả Bãi Dứa….
Tôi yêu thành phố Vũng Tàu vì cứ đêm xuống, ngoại trừ Bãi Trước ồn ào xe cộ của những đôi bạn dzung dzăng dzung dzẻ ngồi trên xe lượn đi, lượn lại từ đầu ghềnh đến cuối bãi rồi kết thúc trong quán chè, quán cà phê nào đó hoặc ở vài con đường buôn bán chính náo nhiệt thì ở đa số các khu phố, sự tĩnh mịch đã quay trở lại, thống trị. Ngôi nhà thờ chánh trên đường Trần Hưng Đạo ẩn mình trong bóng đêm.
Vũng Tàu có đường Ba Cu, tên của một thành phố bên Nga. Có điều là chữ Bakou được phiên âm thành tiếng Việt Nam. Và bảng tên đường với 3 chữ "đường Ba Cu" cường điệu nổi bật. Ba Cu và Nguyễn Văn Trỗi là hai con đường chánh nhộn nhịp buôn bán cả ngày. Hai quán chè Hiệp và chè Tự Do cùng những quán ăn đặc sản của Vũng Tàu cũng đã làm hài lòng khách thập phương.
Biển Vũng Tàu vẫn đục ngầu, không đẹp như biển Nha Trang. Bãi Sau vẫn nổi tiếng với những khu xoáy nước cực kỳ nguy hiểm. Bãi Dứa được làm lại một chút nhưng vẫn có những hàng đá lởm chởm. Các kiosques ở Bãi Trước đã biến mất, chuyển đổi thành những hàng cây, thảm cỏ xanh. Các nhà nghỉ, nhà hàng nhỏ ở dọc Bãi Sau cũng chịu chung số phận. Nhưng đến ban đêm là dọc Bãi Sau bùng nổ những xe đẩy, bán mực khô, đồ nhậu. Nhậu và nhậu. Lại thêm những gian hàng thô sơ, trang bị chỉ là một tấm bạt trải ra dưới đất, đèn néon bình, bày bán những món hàng mỹ nghệ làm từ sò ốc. Đây là những tiểu thương bán chui.
Khi những kiosques buôn bán ở Bãi Trước được "gom" lại một nơi, gọi là "Siêu thị mỹ nghệ" và chẳng có nhiều khách vào mua thì ở Bãi Sau, từ nơi chân ngọn Núi Nhỏ đổ xuống đường Thuỳ Vân, hàng quán nhộn nhịp cho đến khuya. Nhộn nhịp là vì đối diện với những gian hàng dã chiến này là một dãy nhà nghỉ, phòng thuê, phòng trọ, khách sạn bèo, khách sạn trung bình, khách sạn cao cấp… chạy dài vài cây số dọc theo Bãi Sau.
Những ngày cuối tuần, những dịp lễ lớn như ngày Tết, Lễ Lao động thì nhìn đường xá Vũng Tàu, cứ tưởng mình đang ở Sài Gòn gió bụi! Giá phòng lúc này thì khỏi phải nói, có khi một căn phòng nhỏ, giá một ngày cũng cả triệu đồng. Cá mập dưới biển, chưa thấy đâu mà cá mập trên bờ lúc này thì đầy dẫy. Vũng Tàu, cách Sài Gòn non trăm cây số, ít những thắng cảnh đẹp, biển xấu… lại là nơi du lịch lý tưởng, nằm trong tầm tay của những gia đình đông con, những công ty khiêm nhường đưa nhân viên đi nghỉ cuối tuần với giá phải chăng.
Con đường "độc đạo" ngày xưa, từ Bãi Trước chạy dọc Núi Nhỏ, đổ ra Bãi Sau, bây giờ "lột xác", lấn ra biển để trở thành một trong mười con đường đẹp nhất Việt Nam: đường Hạ Long có từ bốn đến sáu lằn xe chạy, đường dành cho người đi bộ được lát đá. Bệ xi măng để du khách ngồi nhìn ra biển, nghe sóng biển xì xèo, được lót đá hoa lộng lẫy. Chợ cũ Vũng Tàu được dời ra chợ mới, gần bến xe. Xe đò chạy nối liền Sài Gòn - Vũng Tàu thì bây giờ khỏi nói. Đủ loại xe. Xe tốc hành, xe cao cấp, xe hợp đồng (nhưng xe vừa ra bến là tài xế cất tấm bảng "Xe hợp đồng" ngay. Tấm bảng-bùa này chỉ được trịnh trọng lấy ra khi tài xế nhận được "tín hiệu" (có cảnh sát xét xe) từ những xe
friends chạy ngược chiều), xe chất lượng cao (nhưng thực tế thì chẳng có gì gọi là cao cả) thậm chí có cả xe buýt Tân Cảng - Vũng Tàu chạy búa xua từ 5 giờ sáng đến đêm. Có hãng xe đò đi chiêu "tiếp thị" chiều khách đến độ đến tận nhà, khách sạn đón khách dzìa Sè Goòng. Đường lên ngọn Hải Đăng vẫn còn đó, quang đãng hơn.
Vũng Tàu 2008 thay đổi nhiều và đẹp hơn ngày xưa. Tôi biết vậy nhưng không hiểu sao, trong lòng tôi, vẫn cứ nghĩ về những tháng ngày cũ ở một Vũng Tàu ngày xưa. Điều này cũng dễ hiểu. Vì đó là những khoảnh khắc mà từ nhỏ đến lớn, tôi, gia đình tôi, vài người bạn bè thân thiết của tôi… đã có quá nhiều kỷ niệm để gắn bó với nơi này.
Về đâu cuối ngõ?
Về đâu cuối trời?
Xa xăm tôi ngồi
tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi
tôi tìm lại tôi ...
Vũng Tàu tháng 3. 2008
© 2008 talawas